Sunday, January 19, 2020

*Chúc Mừng Năm Mới!



__________________________________________
Kính Chúc Quý Độc Giả và Gia Đình
Một Năm Mới: Vui Vẻ, An Khang,Thịnh Vượng!



*Năm “Canh Tý 2020”!

“Con Heo” ủn ỉn lại đi qua
“Canh Tý” lâm môn khắp các nhà
Hoa đã nở đầy, trên mọi chốn
Người chờ “May” rộ, trong hoan ca
Tết về, chào đón ngày năm mới
Xuân tới, giã từ tháng cũ qua
Hi Vọng tràn đầy, thêm Hạnh Phúc
Một năm thật xứng, một năm là…!

Nguyên Thảo,
19/01/2020.



*Một Năm!

Ừ nhỉ! Thế rồi cũng một năm
Một năm trong vũ trụ xoay vần
Tiết trời thay đổi đem nguồn sống
Lời Chúc cho nhau với Ước Mong
Phước, Lộc đong đầy cùng với Thọ
Sang, Giàu tấp nập mãi Hanh Thông
Xuân về, Tết đến muôn lời chúc
Kính Chúc cùng nhau một Tấm Lòng!

Nguyên Thảo,
19/01/2020.



*Cung Chúc Tân Xuân.

Cung kính chào người trong vận mới
Chúc nhau Thuận Lợi với Bình An
Tân Niên gặp được nhiều May Mắn
Xuân tới Niềm Vui đến ngập tràn!

Nguyên Thảo,
19/01/2020.




Wednesday, January 8, 2020

*Sai Phạm!



Người có đâu thần thánh
Người cũng chẳng siêu nhân
Tất có nhiều sai phạm
Cũng chẳng phải một lần!

Sai phạm mà biết ngưng
Làm trái biết để dừng
Nghe người ta báo động
Dù đang ở lưng chừng!

Lầm lủi mà cứ đi
Kẻ sai cứ lầm lì
Tưởng mình hơn thiên hạ
Còn hống hách, khinh khi.

Một con đường đã sai
Ngày đi lại qua ngày
Sai càng đi vạn dặm
Ta lại tưởng thiên tài!

Bao giờ trí mở ra?
Sáng lên cả mọi nhà
Vơi đi niềm khốn khổ
Cho mọi người hát ca!

Đồ Ngông,
09/01/2020.




*Quê Người! (26)



Một hôm Thông hỏi tôi muốn đi đến Hội ICRA không? Tôi hỏi lại: Đi có chuyện gì không? Thì Thông cho hay là nghe vài người nói ở Hội ICRA có thông báo những ai muốn kết bạn với người Úc thì đến đó ghi tên, ấy mình đi đăng ký để có người Úc kết bạn giúp mình học Anh Văn hoặc họ có thể giúp mình được nhiều vấn đề, sẵn kiếm thêm vài áo ấm để mặc vào mùa Đông sắp tới. Quả thật Thông rất thông minh, nhạy bén và lau lách mà tôi không thể sánh kịp! Thế là tôi và Thông cùng nhau đi đến Hội nhờ chị Quyên đưa tên vào danh sách Kết Bạn. Ở đây tôi tìm được thêm cái áo len đan để mặc vào mùa Đông, quần thì không có cái nào vì thường là quá lớn hay lưng không vừa.
Thời gian bây giờ chúng tôi bận rộn thêm vì vừa có lớp Đời Sống Mới, lại thêm lớp học Anh Văn cùng làm bài tập nên tôi không còn nhiều thời gian rỗi rảnh để nhớ về vợ con nhiều nữa, nhưng nếu mà có nhớ thì cũng chẳng làm được gì nên thôi đành gát qua một bên, đợi khi nào có thư tới sẽ tính sau. Tính ra tôi gởi thư về cho gia đình cùng ba má tôi hơn tháng rồi mà chẳng có tin tức gì. Tôi dự trù nhờ địa chỉ gởi thư của chị Yến hay Trọng để gởi thư lần nữa xem sao?
Hôm tối Thứ Bảy, Trọng vào thăm tôi với Thành và đem cho vài gói thuốc hút Winfield đỏ để hút chơi. Ngồi nói chuyện hồi lâu, Trọng nói: Thôi để tao kiếm nhà cho tụi bây ra ngoài ở để cho đỡ chi phí, chứ ở trong nầy lâu sẽ không có dư đâu thì lấy đâu mà gởi về gia đình. Trước khi đi về Trọng cho hay: Ngày mai tao rảnh, tao sẽ chở Bà Yến với tụi bây đi “second hand” Elizabeth chơi. Khoảng 7 giờ 30 tao sẽ đến, tụi bây đợi tao nhe!
Đúng 7 giờ rưởi, Trọng lái xe với chị Yến đến, chúng tôi cùng đi. Trọng nói: Mình đi secondhand như vầy là hơi trễ đó, tụi Tây nó đi sớm lắm, secondhand vừa mở cửa là nó đã nhào vô liền cho nên tụi nó mua được nhiều đồ còn tốt, còn mình đi trễ thì đồ tốt không còn, nhưng mà mình đi chơi nên không cần phải đi sớm. Nay tôi có để dành được chút ít tiền nên có thể mua được vài thứ, nhưng cũng không biết mua cái gì bây giờ. Đi chơi lang thang theo các dãy bán hàng, có gian bày ra trên mặt đất, trên nilông hay các sạp hoặc chiếc bàn. Có người bày bán không nhiều, Trọng nói: Tụi Úc bán ở secondhand giống như một thú vui chứ mầy coi bán như thằng nầy, Trọng chỉ chiếc bàn với vài món đồ trên đó, thì nó kiếm được mấy đồng mà vô cửa thì phải tốn cả chục đồng rồi mà tốn luôn cả một buổi bán ở chợ nữa. Tôi học được cái nhận xét đó của Trọng! Đến gian hàng bày bán quần áo cũ, tôi thấy có chiếc quần din hiệu Levi’s màu kem còn khá tốt với dính sơn một bệt, cỡ vừa với tôi. Trọng nhìn và cầm lên đo thử cho tôi: Vừa à mầy, mua được đó. Chiếc quần giá 2 đô. Trọng, Thành cũng mua được vài món đồ. Trong lần đi nầy Trọng gặp nhiều bạn bè nên khi lên xe đi về Trọng nói: Cứ muốn gặp người quen thì cuối tuần đi chợ secondhand thì có thể gặp, vì đa số muốn đi chơi cho thoải mái mà gặp cái gì mình cần thì mua, dù là đồ cũ nhưng vẫn còn xài được, chứ mua đồ mới mắc quá thì mua gì nỗi!
Vừa về đến phòng thì Bác Vỹ, Bác Phương cũng mới vừa về đến. Hai Bác cho hay là bữa nay đi chợ biển. Tôi nghe hơi lạ: Gì là chợ biển? Bác Vỹ nói họ kêu là chợ biển vì nó bày bán gần biển, chỗ đó bán phần lớn là cây trái, rau cải, nho táo, quít, cũng đông lắm! Nghỉ ngơi hồi lâu lại đến giờ ăn trưa, Bác Vỹ, Bác Phương, tôi Thành cùng kéo nhau lên căng-tin.
Về phòng tôi chẳng biết gì để làm lại muốn viết thư về cho gia đình, nhưng nhớ lại thư mình gởi đi không biết có đến được hay không, mà bây giờ gởi nữa thì thư sẽ như thế nào, nghĩ xong lại đành thôi! Thôi cứ chờ chừng nào nhận được thư từ bên nhà sẽ tính sau. Tôi lại lấy những bài Tiếng Anh ra mà xem lại và ngủ quên không biết từ lúc nào.
Khi Bác Vỹ gõ cửa rủ đi ăn chiều thì tôi mới bừng tỉnh dậy! Dù mỗi bữa ăn cũng chọn món thay đổi, nhưng mãi thì cũng ngán, nhưng đâu có món nào khác hơn. Ăn xong thì Liêm, Kim kêu tôi tới bàn để nói chuyện vì có cặp vợ chồng nào đó từ bên ngoài vào muốn tìm người chia phòng, rủ chúng tôi đến nhà chơi cho biết.
Cặp vợ chồng ấy qua trước cũng vài năm, họ mướn nhà gần hãng Coca, họ nói nhà có dư hai phòng muốn tìm người chia phòng để được nhẹ tiền chi phí. Sau khi hội ý tôi và Kim, Liêm lên xe của họ để họ đưa về nhà. Xe chạy trong đường phố qua nhiều đèn xanh, đèn đỏ khá lâu, cuối cùng họ chạy qua hãng Coca rồi quẹo vào đường nhỏ bên phải. Tôi nhớ mang máng lúc mới đến Úc anh An cũng đưa chúng tôi về nhà theo hướng nầy, nhưng còn đi xa hơn đôi chút để đãi chúng tôi một bữa cơm trưa. Sau bữa đó, khoảng chừng mười ngày sau nghe người khác cho hay anh An ấy tối vào hãng làm thì bị tai nạn hư bàn tay làm cho tôi có nhiều ray rứt: Không biết chúng tôi đem đến cái xui cho anh ấy hay là tại định mệnh của anh ấy là như vậy! Nghe tin nhưng chúng tôi chẳng biết làm gì và không có phương tiện nào để hỏi thăm!
Anh chị Hai Nở là người vui vẻ, niềm nỡ kể chuyện cho chúng tôi nghe về chuyện vượt biên, ở trại tị nạn và những chuyện đi làm trên farm, rồi đến chuyện cái nhà mướn nầy cùng vị trí gần city, thuận tiện cho việc đi học. Nhưng có một điều anh chị quảng cáo về cái nhà lẫn vị trí nhiều quá, khiến chúng tôi hỏi nhỏ nhau “Thấy thế nào?”. Sau cùng, chúng tôi không trả lời dứt khoát mà chỉ: “Để chúng tôi bàn tính rồi sẽ trả lời anh chị sau”! Khi anh chị đưa chúng tôi về đến trại tiếp cư Pennington, chúng tôi quyết định: Thôi, không ở đó, thứ nhất nhà trần cao quá quá lạnh, hai là chúng tôi không biết như thế nào mà hai ông bà quảng cáo quá khiến chúng tôi chùng bước chẳng biết có vấn đề gì không! Thôi để từ từ hãy hay!
Vào ngày Thứ Hai, ngày học đầu tuần, thường cô Helena cho vài người trong chúng tôi kể về những việc làm cuối tuần để sự quảng diễn tiếng Anh như thế nào, trước khi bắt đầu cho bài mới. Tất nhiên trình độ của mỗi người mỗi khác, nhưng sự chênh lệch không mấy nhiều vì chúng tôi được trắc nghiệm và phỏng vấn do các Thầy Cô từ trước trước khi xếp lớp. Nhưng đối với riêng tôi tôi thấy mình nghe chưa tốt lắm: Có nhiều câu hỏi tôi không thể hiểu được nhanh và trả lời hãy còn chậm chạp, đôi khi hãy còn ngớ ngẩn vì chưa hiểu được nghĩa của câu hỏi đến khi bạn bè nhắc và dịch dùm. Thực sự đối với tôi, học cái gì cũng đều gặp khó khăn do nơi trí nhớ của tôi khá kém, đôi khi tôi tự nghĩ: Tại sao mình lại học được đến trình độ mình hiện có, khi mà trí nhớ tồi tệ đến thế ấy! Ngày nhỏ một bài học thuộc lòng ngăn ngắn tôi cũng phải học đến hai mươi lần mới thuộc. Còn bài hát thì không bài nào tôi thuộc được trọn bài cả ngay đến bài Quốc Ca là bài mà thường xuyên trên đầu môi, cho đến giờ nầy tôi không nhớ được hết, thật là lạ kỳ! Ngày tôi học đàn, mỗi lần tập là tôi phải lấy bản nhạc lần mò theo từng nốt nhạc, cho nên tôi không thể đàn khá được! Biết như vậy tôi cố gắng tìm nhiều phương pháp để luyện trí nhớ, nhưng vẫn không có phương pháp nào hiệu quả. Thôi thì nhớ được bao nhiêu thì nhớ! Cho nên vấn đề học ngoại ngữ của tôi có nhiều gian nan. Từ ngữ học thì nhiều nhưng nhớ chẳng được bao nhiêu, cho nên “bị còi cọc”, từ ít thì không hiểu được câu hỏi và thiếu vốn để trả lời nên tôi thường hay bị “lựng khựng”, nhưng làm sao bây giờ! Từ đó, tôi quyết không học chăm chú vào từ ngữ nữa, tôi chỉ đọc thường xuyên để tự nhiên nhớ được chữ nào hay chữ đó, vì có học cho lắm thì cũng là hoài công!
Vào giờ nghỉ giải lao, Thông đến bên tôi, Kim, Liêm cho hay là ngày mai nó sẽ dọn ra ngoài ở chung với gia đình người bạn, nhà người bạn nầy có phòng dư cho “Share” (chia phòng) cho nhẹ chi phí, Chúng tôi “mừng” cho nó. Trong cuộc sống tị nạn nầy nó tiến được thêm một bước nữa. Thông lau lách, giỏi dắn cho nên nó đi trước chúng tôi nhiều giai đoạn. Tôi thán phục Thông vì khi đi “vượt biên” nó đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để bảo lãnh cho gia đình khi vừa đặt chân lên xứ người. Còn tôi, bây giờ phải đợi mà không biết đến khi nào?
Lớp học “Đời sống mới” do anh Y phụ trách đã xem như tạm đủ để cung ứng cho chúng tôi về những cách ứng xử sao cho đúng, cũng như hiểu cơ bản về đời sống ở Úc, còn những gì tiếp theo thì anh cho biết chúng tôi nên để ý  cũng như học hỏi thêm từ những người tới trước và nếu có thể hỏi thêm những người Úc nếu sau nầy chúng tôi có dịp thân quen với họ. Rồi chúng tôi cùng uống cà phê, nước trà, ăn bánh để kết thúc khóa học và anh căn dặn nếu có cần gì về vấn đề di trú, làm hồ sơ bảo lãnh thì đến gặp anh hay cần gì cứ hỏi, nếu anh biết thì anh sẽ giúp cho.
Rồi lại thêm, ngày nọ Báu cho hay có ông Úc kết bạn đến phòng ở của nó thăm viếng theo kế hoạch kết bạn từ Hội ICRA, Ông ấy hẹn Báu hai ngày sau sẽ đến thăm nữa. Báu rủ bạn bè đến cho vui vì một mình Tiếng Anh cũng không đủ để trò chuyện, nhờ đến nhiều người để mỗi người một câu cho cuộc gặp gỡ thú vị hơn và không nhạt nhẽo.
Thời tiết trong khoảng thời gian nầy càng đi vào mùa Đông, tôi bắt đầu nghe lạnh nhiều. Ở phòng vào ban đêm thường phải mở lò sưởi lâu hơn. Khi đến lớp học vào ban sáng cũng phải mở sưởi trước cho lớp học đủ ấm, rồi tùy theo lúc mà tắt sưởi hay mở tiếp tục. Tiếp xúc thường thì sự nghe tiếng Anh của tôi có khá nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn quá chậm chạp hay là tại vì tôi nóng lòng chăng? Có ngày đi lên căng-tin ăn uống chúng tôi phải nhanh nhẹn đi để rút bớt thời gian chịu lạnh bên ngoài, đi vội vàng mà chúng tôi gọi đùa là “giống như chạy giặc”!

Nguyên Thảo,
08/01/2020.




*Đi Nga. (4)



Xe về đến Thành phố cũng phải mất nửa tiếng đồng hồ, rồi chạy dọc theo con sông Moskva. Chúng tôi lại được nhìn phong cảnh quen thuộc một lần nữa. Đến cầu Bolshoy Mokvoretskaya Most gần tường thành đỏ quẹo phải để vào công viên Zayad’ye. Mọi người xuống xe ỏ đây và đi tham quan cái công viên nầy. 
Công Viên Zayad'ye.

Đứng nhìn khu nhà thờ Basil ở đàng kia chứ chưa đi vào đó, và ngay tại khoảng trống gần bãi đậu xe đang có một ban nhạc chơi nhạc và một số thành viên đang biểu diễn cho người qua đường hoặc du khách xem. Mục đích chiều nay mà chúng tôi đến là công viên chứ không là nhà thờ ấy, nên ai cũng đi về hướng phải. Công viên được trồng chăm sóc cũng có vẻ mỹ thuật, nhưng cỏ không cắt như ở nhiều nơi khác, nên trông thiên nhiên hơn. Bên cạnh công viên là một nhà kính thật lớn có mái vòm tròn chồm lên cao, có nhiều băng dài giống như một sân khấu lộ thiên. Lộ trình chúng tôi là đi ra cái cầu hình tam giác, chỉ bắt chồm ra bờ sông chút ít thôi, đang có rất nhiều du khách đi ra đi vào. Thì ra cầu ấy chỉ là cái cầu để người ta ra đứng nhìn cảnh hoặc chụp hình, quay phim gọi là Viewing Bridge của cái công viên, vì từ nơi đây ta có thể nhìn thấy cảnh đoạn sông bên nây lẫn bên kia do đoạn sông nầy nó là hình cong, nhưng nó trở thành quan trọng vì đoạn sông nằm kế cận với Bức Tường Thành Đỏ của Điện Kremlin. 
Trên Viewing Bridge.

Chỉ đi chưa tới một ngày mà không biết đã thấy bao nhiêu là nhà thờ, chứng tỏ người Nga rất ngoan đạo. Cái quan niệm tôn giáo là giai đoạn trước của tri thức con người, hay “là thuốc phiện” làm cho người ta ghiền nó chắc chưa hẳn. Mà thực tế tôn giáo chính là nguồn an ủi cho con người khi gặp những khó khăn, đau khổ để nương tựa vào, để bấu víu vào đó mà sống trong một cuộc sống tiến tới toàn thiện. Chính ông Marx phân tích về vấn đề tôn giáo khá kỹ. Tuy nhiên khi thực hiện Chủ nghĩa xã hội, tức giai đoạn đầu để tiến đến Cộng sản chủ nghĩa, những tín đồ Cộng sản đã biến một xã hội với tổ chức, cũng như cơ chế đều thiếu thốn mọi bề về vật chất lẫn tinh thần trong sự o ép bó buộc, gay gắt của một sự “Trấn áp” bằng “Bạo lực Cách Mạng” đối với toàn thể người dân chứ không phải riêng thành phần “phản động” hay “chống đối”, có thể vì thế mà sau 70 năm, cái nôi của Chủ Nghĩa Cộng Sản phải sụp đổ kéo theo cả các chư hầu Đông Âu. Phải chăng họ đã thực hành quá sớm, hay chưa đúng vào thời điểm vì Marx chủ trương đem đến cho mọi người “của cải, vật chất” dồi dào, làm cho cuộc sống sướng hơn. Theo như Bà Hướng Dẫn Viên cho biết sau khi Liên Xô sụp đổ, hàng ngàn nhà thờ được xây dựng, mọc lên như chúng tôi được thấy ngày hôm nay.
Không biết Thành phố cũ của Moskva có đường sá, những building ra sao và những chung cư nào được xây dựng từ thời khởi đầu của Chủ Nghĩa Xã Hội, nhưng cũng phải công nhận có những kiến trúc hài hòa, đẹp, có vẻ cổ kính cùng thích hợp với thời đại ngày nay, nhất là đường sá vẫn rộng rải đủ cho xe lượng xe cộ đông đảo như bây giờ.
Lòng vòng ở công viên Zayadye cho đến 6 giờ đoàn chúng tôi lại ra xe lên đường cũng đi trong thành phố đến khu có nhiều building vào lúc 6 giờ 40, nơi đây còn Tượng Lénin đứng oai phong trên một bục cao với những hình tượng tượng trưng cho cuộc cách mạng mà ông ta đã làm. Và rồi chúng tôi lại đến nhà hàng sau đó 15 phút để ăn tối trước khi về khách sạn nhận phòng để nghỉ ngơi sau một ngày đầu tiên “Đi! Ơi là quá đi!”.
Giấc ngủ ngon sau một ngày mệt nhọc, nhưng rồi chúng tôi vẫn phải dậy sớm để đi ăn sáng và lo mọi việc cho ngày hôm nay. Tập hợp ở sảnh phòng tiếp tân và lên xe vào lúc gần 9 giờ 20. Bà Hướng Dẫn Viên người Nga cho tài xế chạy đến nhà ga metro Belorusskaya sau đó vài phút. Mỗi người nhận một cái vé vào cổng để xuống trạm metro đi xe điện ngầm. Tất nhiên là phải đi sâu xuống phía dưới. Đây là lần thứ ba tôi và vợ tôi được đi xe điện ngầm sau lần ở Paris và Hoa Thịnh Đốn. Cách kiến trúc của đường điện ngầm ở đây đẹp thật, rất là công phu và nhiều tranh ảnh, hoa văn. Không gian rất rộng, khoảng giữa là vòm hành lang để khách di chuyển, đi bộ, còn hai bên là hai vòm cho xe điện chạy được lót gạch công phu, sáng sủa. Ngăn cách giữa các vòm là các cột trụ rất lớn chắc để chống đỡ cho cái vòm to lớn ấy. Hướng Dẫn Viên đưa đoàn đến một bức tranh được vẽ trên tường cẩm thạch với ba chữ Nga lớn không biết có phải là Mir không, trong đó có người đàn bà bồng đứa bé đưa cao lên đứng giữa ngôi sao vàng với búa liềm, cùng bó lúa mì to lớn cùng những con chim bồ câu với nhành ô liu. Có nhiều người chụp hình ở đây; rồi sang kế bên có vài bức tranh và ở vách ngang có hình Lénin được trang trọng với bảng ghi chú phía dưới. Tôi thầm nghĩ chắc hệ thống metro nầy được xây dựng trong thời của Liên Xô.
Đoàn người đi qua nhiều ngã rẽ mà tôi cùng mọi người chẳng biết là ở đâu, cứ đi vội theo Hướng Dẫn Viên, người sau trông chừng người trước để theo cho khỏi bị lạc. Thật là tấp nập ở dưới lòng đất sâu, vừa là du khách nước ngoài, vừa là hành khách: Quả “đông vui”! Từ những kiến trúc bên trên cho đến kiến trúc bên dưới nầy, chứng tỏ người Nga muốn tỏ cái óc thẩm mỹ của mình cùng tài năng hoa văn lẫn trang trí cho mọi người đến đây chiêm ngưỡng. Mọi người đều trầm trồ về khung cảnh ở đây: Thật là công phu, đẹp trong cái đẹp của cổ kính và chắc chắn!
Sau khi vượt qua vài đoạn hành lang được chạm khắc, trang trí công phu, và những bậc thang, cùng thang cuốn, đoàn lại đến một trạm khác  hay đúng hơn là khu vực, có lẽ là đặc biệt. Nơi đây có những hình ảnh được vẽ trong những khung và hoa văn đẹp khắc hai bên trần cùng hình ảnh lớn tươi màu ở bức tường chính giữa trong đó những thành phần nhân dân đang vui vẻ mở hội mà nhiều du khách đã phải chụp vài bôi hình hay quay phim làm kỷ niệm.
Rồi chúng tôi lại sang đường rail khác để đón một tuyến xe điện nữa. Không biết như thế nào mà tôi thấy Bà Hướng Dẫn đưa 3 ngón tay với Jennifer: Chẳng lẽ còn 3 trạm nữa chúng tôi mới đến nơi cho chuyến tham quan ngày hôm nay. Vừa rời xe điện thì thấy cảnh  trang trí ở đây thật là công phu và hoành tráng, mặc dù màu sắc của nó chính là màu sô-cô la u tối ở trên các bức tượng cùng đường viền, khung cửa. Nhiều bức tượng tượng trưng cho các thành phần nhân dân, cũng như các sản phẩm nông nghiệp được trưng bày, bày trí như để nói lên cái thành quả cuộc Cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa của Nga. Những sự tuyên truyền đó bây giờ nó chỉ là “Dư âm” của một thời kỳ không hợp với người dân Nga, và ngay cả ở những vùng đất Đông Âu nữa qua sự sụp đổ của Chủ Nghĩa Cộng Sản ở những nơi nầy! Nhưng dù gì cái đường hầm “metro” nầy cũng đánh dấu “công trình vĩ đại” của Liên Xô thời đó. Quả thật dưới lòng đất của Thủ đô Moskva cũng sinh hoạt nhộn nhịp không kém gì bên trên là bao nhiêu, theo người ta nói chỗ sâu nhất của hệ thống ngầm nầy là khoảng 84 m. Từ những năm 1930 để xây dựng hệ thống nầy không là dễ dàng, tốn hao thật nhiều công sức của bao nhiêu lao động chân tay! Chúng tôi ở khu vực nầy hơn 10 phút, mọi người xúm nhau tranh thủ chụp vài bôi hình làm kỷ niệm. Sau đó, đoàn đi thang cuốn lên trên để đi ra ngoài khung trời khoáng đảng của một khu vực Thành phố.
Đi qua từng dãy kiốt đã thấy những tường đỏ của vài building ở đây. Trước khi đi vào khu vực chúng tôi được dặn dò về giờ giấc và nơi tập họp sau khi tham quan. Vào cổng, thì ra đây là Quảng Trường đỏ lừng danh của đất nước Nga hay là Liên Xô cũ. Building đỏ bên phải cổng là Viện Bảo Tàng Lịch Sử . Có vài kiến trúc có vẻ giống Pháp nhưng có nhiều hoa văn, công phu hơn. Tuy nhiên những Nhà Thờ và khu vực vòng thành Kremlin có nét khác hẳn, rất riêng, nhất là Thánh Đường Saint Basil’s.
Thánh đường St.Basil's và vòng thành Kremlin.

 Từ lúc đặt chân lên đất Nga, tôi thấy thật rất nhiều nhà thờ, nhìn đâu cũng thấy nhà thờ mà tôi nghĩ quả đúng như Bà Hướng Dẫn Viên người Nga đã cho biết. Ở chế độ Cộng sản người ta hạn chế về tôn giáo mà coi đó chỉ là giai đoạn đầu của con người khi người ta chưa giải thích được nhiều hiện tượng thiên nhiên nên đã tưởng tượng ra những vị Thần Linh để bám vào trong những lúc con người phải chịu đau khổ, tâm thần vương vào bế tắc. Người ta không cho tôn giáo phát triển nữa, vì cho nó là loại “thuốc phiện” để làm mê hoặc con người, đợi chờ sự giáo dục về khoa học mà người ta sẽ thoát ra đó. Tuy nhiên, với sự xây dựng Chủ Nghĩa Cộng Sản trong giai đoạn đầu đã khiến con người càng đau khổ, nghèo đói hơn nên lại đẩy con người ngã về tâm linh còn hơn trước. Có thể vì thế mà sau khi Liên Xô sụp đổ thì phong trào xây dựng nhà thờ nhiều hơn xưa như Bà Hướng Dẫn Viên cho biết và tôi đã thấy ở ngày hôm nay là một lẽ tất nhiên!
Quảng trường đỏ rất rộng được lót bằng đá rất công phu. Ngày trước tôi cứ nghĩ quảng trường Đỏ có tên Đỏ chắc từ thời Liên Xô, nhưng khi đến đây rồi thì mới thấy cái màu đỏ từ vòng thành Kremlin cho đến cái viện Bảo Tàng lịch sử thì như vậy cái tên Quảng trường Đỏ chắc là nó đã có từ lâu!

Nguyên Thảo,
16/10/2019.