Wednesday, January 8, 2020

*Quê Người! (26)



Một hôm Thông hỏi tôi muốn đi đến Hội ICRA không? Tôi hỏi lại: Đi có chuyện gì không? Thì Thông cho hay là nghe vài người nói ở Hội ICRA có thông báo những ai muốn kết bạn với người Úc thì đến đó ghi tên, ấy mình đi đăng ký để có người Úc kết bạn giúp mình học Anh Văn hoặc họ có thể giúp mình được nhiều vấn đề, sẵn kiếm thêm vài áo ấm để mặc vào mùa Đông sắp tới. Quả thật Thông rất thông minh, nhạy bén và lau lách mà tôi không thể sánh kịp! Thế là tôi và Thông cùng nhau đi đến Hội nhờ chị Quyên đưa tên vào danh sách Kết Bạn. Ở đây tôi tìm được thêm cái áo len đan để mặc vào mùa Đông, quần thì không có cái nào vì thường là quá lớn hay lưng không vừa.
Thời gian bây giờ chúng tôi bận rộn thêm vì vừa có lớp Đời Sống Mới, lại thêm lớp học Anh Văn cùng làm bài tập nên tôi không còn nhiều thời gian rỗi rảnh để nhớ về vợ con nhiều nữa, nhưng nếu mà có nhớ thì cũng chẳng làm được gì nên thôi đành gát qua một bên, đợi khi nào có thư tới sẽ tính sau. Tính ra tôi gởi thư về cho gia đình cùng ba má tôi hơn tháng rồi mà chẳng có tin tức gì. Tôi dự trù nhờ địa chỉ gởi thư của chị Yến hay Trọng để gởi thư lần nữa xem sao?
Hôm tối Thứ Bảy, Trọng vào thăm tôi với Thành và đem cho vài gói thuốc hút Winfield đỏ để hút chơi. Ngồi nói chuyện hồi lâu, Trọng nói: Thôi để tao kiếm nhà cho tụi bây ra ngoài ở để cho đỡ chi phí, chứ ở trong nầy lâu sẽ không có dư đâu thì lấy đâu mà gởi về gia đình. Trước khi đi về Trọng cho hay: Ngày mai tao rảnh, tao sẽ chở Bà Yến với tụi bây đi “second hand” Elizabeth chơi. Khoảng 7 giờ 30 tao sẽ đến, tụi bây đợi tao nhe!
Đúng 7 giờ rưởi, Trọng lái xe với chị Yến đến, chúng tôi cùng đi. Trọng nói: Mình đi secondhand như vầy là hơi trễ đó, tụi Tây nó đi sớm lắm, secondhand vừa mở cửa là nó đã nhào vô liền cho nên tụi nó mua được nhiều đồ còn tốt, còn mình đi trễ thì đồ tốt không còn, nhưng mà mình đi chơi nên không cần phải đi sớm. Nay tôi có để dành được chút ít tiền nên có thể mua được vài thứ, nhưng cũng không biết mua cái gì bây giờ. Đi chơi lang thang theo các dãy bán hàng, có gian bày ra trên mặt đất, trên nilông hay các sạp hoặc chiếc bàn. Có người bày bán không nhiều, Trọng nói: Tụi Úc bán ở secondhand giống như một thú vui chứ mầy coi bán như thằng nầy, Trọng chỉ chiếc bàn với vài món đồ trên đó, thì nó kiếm được mấy đồng mà vô cửa thì phải tốn cả chục đồng rồi mà tốn luôn cả một buổi bán ở chợ nữa. Tôi học được cái nhận xét đó của Trọng! Đến gian hàng bày bán quần áo cũ, tôi thấy có chiếc quần din hiệu Levi’s màu kem còn khá tốt với dính sơn một bệt, cỡ vừa với tôi. Trọng nhìn và cầm lên đo thử cho tôi: Vừa à mầy, mua được đó. Chiếc quần giá 2 đô. Trọng, Thành cũng mua được vài món đồ. Trong lần đi nầy Trọng gặp nhiều bạn bè nên khi lên xe đi về Trọng nói: Cứ muốn gặp người quen thì cuối tuần đi chợ secondhand thì có thể gặp, vì đa số muốn đi chơi cho thoải mái mà gặp cái gì mình cần thì mua, dù là đồ cũ nhưng vẫn còn xài được, chứ mua đồ mới mắc quá thì mua gì nỗi!
Vừa về đến phòng thì Bác Vỹ, Bác Phương cũng mới vừa về đến. Hai Bác cho hay là bữa nay đi chợ biển. Tôi nghe hơi lạ: Gì là chợ biển? Bác Vỹ nói họ kêu là chợ biển vì nó bày bán gần biển, chỗ đó bán phần lớn là cây trái, rau cải, nho táo, quít, cũng đông lắm! Nghỉ ngơi hồi lâu lại đến giờ ăn trưa, Bác Vỹ, Bác Phương, tôi Thành cùng kéo nhau lên căng-tin.
Về phòng tôi chẳng biết gì để làm lại muốn viết thư về cho gia đình, nhưng nhớ lại thư mình gởi đi không biết có đến được hay không, mà bây giờ gởi nữa thì thư sẽ như thế nào, nghĩ xong lại đành thôi! Thôi cứ chờ chừng nào nhận được thư từ bên nhà sẽ tính sau. Tôi lại lấy những bài Tiếng Anh ra mà xem lại và ngủ quên không biết từ lúc nào.
Khi Bác Vỹ gõ cửa rủ đi ăn chiều thì tôi mới bừng tỉnh dậy! Dù mỗi bữa ăn cũng chọn món thay đổi, nhưng mãi thì cũng ngán, nhưng đâu có món nào khác hơn. Ăn xong thì Liêm, Kim kêu tôi tới bàn để nói chuyện vì có cặp vợ chồng nào đó từ bên ngoài vào muốn tìm người chia phòng, rủ chúng tôi đến nhà chơi cho biết.
Cặp vợ chồng ấy qua trước cũng vài năm, họ mướn nhà gần hãng Coca, họ nói nhà có dư hai phòng muốn tìm người chia phòng để được nhẹ tiền chi phí. Sau khi hội ý tôi và Kim, Liêm lên xe của họ để họ đưa về nhà. Xe chạy trong đường phố qua nhiều đèn xanh, đèn đỏ khá lâu, cuối cùng họ chạy qua hãng Coca rồi quẹo vào đường nhỏ bên phải. Tôi nhớ mang máng lúc mới đến Úc anh An cũng đưa chúng tôi về nhà theo hướng nầy, nhưng còn đi xa hơn đôi chút để đãi chúng tôi một bữa cơm trưa. Sau bữa đó, khoảng chừng mười ngày sau nghe người khác cho hay anh An ấy tối vào hãng làm thì bị tai nạn hư bàn tay làm cho tôi có nhiều ray rứt: Không biết chúng tôi đem đến cái xui cho anh ấy hay là tại định mệnh của anh ấy là như vậy! Nghe tin nhưng chúng tôi chẳng biết làm gì và không có phương tiện nào để hỏi thăm!
Anh chị Hai Nở là người vui vẻ, niềm nỡ kể chuyện cho chúng tôi nghe về chuyện vượt biên, ở trại tị nạn và những chuyện đi làm trên farm, rồi đến chuyện cái nhà mướn nầy cùng vị trí gần city, thuận tiện cho việc đi học. Nhưng có một điều anh chị quảng cáo về cái nhà lẫn vị trí nhiều quá, khiến chúng tôi hỏi nhỏ nhau “Thấy thế nào?”. Sau cùng, chúng tôi không trả lời dứt khoát mà chỉ: “Để chúng tôi bàn tính rồi sẽ trả lời anh chị sau”! Khi anh chị đưa chúng tôi về đến trại tiếp cư Pennington, chúng tôi quyết định: Thôi, không ở đó, thứ nhất nhà trần cao quá quá lạnh, hai là chúng tôi không biết như thế nào mà hai ông bà quảng cáo quá khiến chúng tôi chùng bước chẳng biết có vấn đề gì không! Thôi để từ từ hãy hay!
Vào ngày Thứ Hai, ngày học đầu tuần, thường cô Helena cho vài người trong chúng tôi kể về những việc làm cuối tuần để sự quảng diễn tiếng Anh như thế nào, trước khi bắt đầu cho bài mới. Tất nhiên trình độ của mỗi người mỗi khác, nhưng sự chênh lệch không mấy nhiều vì chúng tôi được trắc nghiệm và phỏng vấn do các Thầy Cô từ trước trước khi xếp lớp. Nhưng đối với riêng tôi tôi thấy mình nghe chưa tốt lắm: Có nhiều câu hỏi tôi không thể hiểu được nhanh và trả lời hãy còn chậm chạp, đôi khi hãy còn ngớ ngẩn vì chưa hiểu được nghĩa của câu hỏi đến khi bạn bè nhắc và dịch dùm. Thực sự đối với tôi, học cái gì cũng đều gặp khó khăn do nơi trí nhớ của tôi khá kém, đôi khi tôi tự nghĩ: Tại sao mình lại học được đến trình độ mình hiện có, khi mà trí nhớ tồi tệ đến thế ấy! Ngày nhỏ một bài học thuộc lòng ngăn ngắn tôi cũng phải học đến hai mươi lần mới thuộc. Còn bài hát thì không bài nào tôi thuộc được trọn bài cả ngay đến bài Quốc Ca là bài mà thường xuyên trên đầu môi, cho đến giờ nầy tôi không nhớ được hết, thật là lạ kỳ! Ngày tôi học đàn, mỗi lần tập là tôi phải lấy bản nhạc lần mò theo từng nốt nhạc, cho nên tôi không thể đàn khá được! Biết như vậy tôi cố gắng tìm nhiều phương pháp để luyện trí nhớ, nhưng vẫn không có phương pháp nào hiệu quả. Thôi thì nhớ được bao nhiêu thì nhớ! Cho nên vấn đề học ngoại ngữ của tôi có nhiều gian nan. Từ ngữ học thì nhiều nhưng nhớ chẳng được bao nhiêu, cho nên “bị còi cọc”, từ ít thì không hiểu được câu hỏi và thiếu vốn để trả lời nên tôi thường hay bị “lựng khựng”, nhưng làm sao bây giờ! Từ đó, tôi quyết không học chăm chú vào từ ngữ nữa, tôi chỉ đọc thường xuyên để tự nhiên nhớ được chữ nào hay chữ đó, vì có học cho lắm thì cũng là hoài công!
Vào giờ nghỉ giải lao, Thông đến bên tôi, Kim, Liêm cho hay là ngày mai nó sẽ dọn ra ngoài ở chung với gia đình người bạn, nhà người bạn nầy có phòng dư cho “Share” (chia phòng) cho nhẹ chi phí, Chúng tôi “mừng” cho nó. Trong cuộc sống tị nạn nầy nó tiến được thêm một bước nữa. Thông lau lách, giỏi dắn cho nên nó đi trước chúng tôi nhiều giai đoạn. Tôi thán phục Thông vì khi đi “vượt biên” nó đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để bảo lãnh cho gia đình khi vừa đặt chân lên xứ người. Còn tôi, bây giờ phải đợi mà không biết đến khi nào?
Lớp học “Đời sống mới” do anh Y phụ trách đã xem như tạm đủ để cung ứng cho chúng tôi về những cách ứng xử sao cho đúng, cũng như hiểu cơ bản về đời sống ở Úc, còn những gì tiếp theo thì anh cho biết chúng tôi nên để ý  cũng như học hỏi thêm từ những người tới trước và nếu có thể hỏi thêm những người Úc nếu sau nầy chúng tôi có dịp thân quen với họ. Rồi chúng tôi cùng uống cà phê, nước trà, ăn bánh để kết thúc khóa học và anh căn dặn nếu có cần gì về vấn đề di trú, làm hồ sơ bảo lãnh thì đến gặp anh hay cần gì cứ hỏi, nếu anh biết thì anh sẽ giúp cho.
Rồi lại thêm, ngày nọ Báu cho hay có ông Úc kết bạn đến phòng ở của nó thăm viếng theo kế hoạch kết bạn từ Hội ICRA, Ông ấy hẹn Báu hai ngày sau sẽ đến thăm nữa. Báu rủ bạn bè đến cho vui vì một mình Tiếng Anh cũng không đủ để trò chuyện, nhờ đến nhiều người để mỗi người một câu cho cuộc gặp gỡ thú vị hơn và không nhạt nhẽo.
Thời tiết trong khoảng thời gian nầy càng đi vào mùa Đông, tôi bắt đầu nghe lạnh nhiều. Ở phòng vào ban đêm thường phải mở lò sưởi lâu hơn. Khi đến lớp học vào ban sáng cũng phải mở sưởi trước cho lớp học đủ ấm, rồi tùy theo lúc mà tắt sưởi hay mở tiếp tục. Tiếp xúc thường thì sự nghe tiếng Anh của tôi có khá nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn quá chậm chạp hay là tại vì tôi nóng lòng chăng? Có ngày đi lên căng-tin ăn uống chúng tôi phải nhanh nhẹn đi để rút bớt thời gian chịu lạnh bên ngoài, đi vội vàng mà chúng tôi gọi đùa là “giống như chạy giặc”!

Nguyên Thảo,
08/01/2020.




No comments:

Post a Comment