Wednesday, February 26, 2020

*Siêu-Vi NCoV-19 Vũ Hán!



“Siêu-cường” sản xuất “siêu-vi”
Siêu-vi trỗi dậy “khinh khi” siêu-cường!

Siêu-vi ngẩng đầu tự đắc
Khinh bỉ kẻ siêu-cường:
“Tính chi những chuyện thời gian
Những kế hoạch to nhất trong thời đại
Cùng âm mưu thâm độc để hại người
Từ trên không, đất liền và biển cả
Từ trong hành động, tới dương oai
Đè cho chết thế giới nầy, làm "bá chủ”
Hiếp nơi nầy, áp bức nơi kia
Quyết biến ‘Mộng’ trở thành, nên ‘Hiện Thực’!”
Siêu vi nực cười:
“Đừng ‘ỷ to ỷ lớn’
To bao nhiêu? Mà lớn cũng bao nhiêu?
Tính toan gom cả địa cầu
Xây nên mộng cả, đè đầu thế gian!
Thân ta dù bé nhỏ
Người cũng khó tìm ra
Ta đã chẳng siêu cường
Lại càng thêm ốm yếu
Ta cũng có ‘Một Đường’
Lại cũng một ‘Vành Đai’
‘Vành Đai’ nay mở rộng
‘Một Đường’ trở muôn phương
Bao nhiêu người xính vính
Đối phó khắp phố phường
Ta đã hơn siêu-cường
Siêu-cường nên thấy nhục
Mà “Đạo-Đức” thì hơn!”

Đồ Ngông,
27/02/2020.




Thursday, February 13, 2020

*Em Từ Đâu Tới?



Ở Vũ Hán, em đã phát sinh
Nhưng từ đâu đến? Phá an bình
Em gieo khủng khiếp cho nhân loại
Chắc phải hỏi qua: Tập Cận Bình?

Em đã thế nào? Gây hải kinh
Khiến hơn 5 triệu dân dời mình
Xa rời Vũ Hán đem gieo rắc
Muốn biết, chắc qua: Tập Cận Bình?

Thân em bé nhỏ, lại xinh xinh
Họa lớn em mang khắp cả mình
Thiên hạ kinh hoàng khi em tới
Níu áo mà than: Tập Cận Bình!

Đồ Ngông,
14/02/2020.




*Đi Nga. (5)



Nhìn thì thấy Quảng Trường Đỏ rất rộng, nhưng vì người ta dựng lên những giàn dáo để phục vụ cho sự kiện gì trước đó nên tôi không chiêm nghiệm được sự rộng lớn của nó là bao nhiêu. Bên kia giàn dáo là quần thể kiến trúc nhà thờ St. Basil’s rất đặc trưng, nó cũng là một trong những biểu tượng của nước Nga. Trên quảng trường du khách rất đông, dập dìu. Người ta đang quay phim, chụp hình dù là có người chụp hay là “selfie”. Bên phía thương xá Gum thì kiến trúc có vẻ cổ kính, xưa nhưng hùng mạnh. Còn bên vòng thành màu đỏ với những Tháp cao có hình ngôi sao năm cánh vàng bên trên. Nơi tháp có đồng hồ có thể là cổng chính của vòng thành Kremlin. Khoảng giữa hai tháp, kế bên vòng thành là lăng Lénin cũng có màu đỏ, hai bên lăng là hai dãy khán đài dùng vào những ngày lễ hoặc là trong ngày duyệt binh mà ta thường thấy. Người vào Lăng Lénin phải đứng sắp hàng, họ sắp hàng nối tiếp nhau thật dài ở bên lề đường kế bên Viện Bảo Tàng để chờ tới phiên, còn chúng tôi thì chẳng có thì giờ. Đứng trên quảng trường nầy thì tôi thấy chẳng đủ chiều dài cho một chuyến máy bay dù nhỏ để đáp xuống, thế mà một năm nào đó trong lúc còn là thời Liên Xô đã có một phi công Mathias Rust nước ngoài nào đó lái chiếc Cessna xâm nhập qua mọi sự phòng thủ của Liên Xô để đáp xuống ở quảng trường nầy vào tháng 5/87. Sau khi đáp xuống thì anh ta bị bắt, nhưng cũng là một điều làm cho giới chức cầm quyền Liên Xô phải suy nghĩ cùng với sự kiện nổ lò nguyên tử ở Chernobyl vào ngày 26/04/1986.
Quảng Trường Đỏ.

Loay hoay thì cũng gần đến giờ tập họp ở phía bên ngoài quảng trường, trước Viện Bảo Tàng ở gần tượng của ông Zhukovu ngồi trên mình ngựa. Đến khoảng 12 giờ chúng tôi khởi hành kéo nhau đi bìa ngoài vòng thành phía sau  của quảng trường Đỏ. Ở góc thành đó là nơi tưởng niệm các chiến sĩ trận vong ở nhiều mặt trận, có những người lính thay phiên nhau đứng canh kế bên ngọn lửa chắc được đốt liên tục không hề cho tắt. Một bên là vòng thành đỏ, một bên là công viên đẹp được chăm sóc cẩn thận. Băng qua đoạn công viên có cầu ở trên thì chúng tôi lại quẹo phải để rồi đoàn đứng vào sắp hàng đi lên bực trên cao. Thì ra đây là một trạm kiểm soát để chúng tôi đi vào bên trong vòng thành. Những người lính kiểm soát xem ra rất nghiêm nghị. Tới phiên tôi thì tôi không được vào vì trong bị mang của tôi có cái áo ấm khiến nó lớn quá khổ, người kiểm soát đuổi tôi sang bên mà họ cũng chẳng bảo tôi đi đâu. Sang bên chẳng có máy nào để kiểm, tôi đành phải đứng chịu trận. Ai ngờ vợ chồng anh Hùng ở Melbourne cũng trong tình trạng như tôi. Lóng nhóng hoài không biết làm sao. Chị Hùng nói thôi ra ngoài, nhưng ra ngoài thì sẽ lạc đàn. Xuống dưới xong chúng tôi bàn tính lại lên, lên thì phải sắp hàng tiếp tục. Lên được giữa chừng thì cũng may Jennifer và Bà Hướng Dẫn người Nga quay xuống để dẫn chúng tôi lên khiến những người đứng sắp hàng nhìn ngạc nhiên. Cuối cùng thì chúng tôi được sum vầy vui vẻ với đoàn và thở phào nhẹ nhỏm!
Thế là qua thủ tục và khám xét vào cổng, chúng tôi được phép vào trong vòng thành đỏ của Điện Kremlin vào lúc khoảng 12 giờ rưởi. Đi theo con đường thẳng vào hành lang của một building, đường hành lang nầy rộng rải đi dọc theo con đường lát đá hoa cương kế bên. Có lẽ  nó dành cho du khách đi bộ thăm viếng khu vực hơn là để những người làm việc trong đây sử dụng. Họ sử dụng đã có con đường đá lớn ấy rồi. Sau khi tập trung kiểm người, chúng tôi được hướng dẫn đi về hướng đông. Ở góc đường nhìn sang phía bên kia là tòa building màu vàng được cho biết là dinh của Tổng Thống Nga làm việc, có những người lính đang canh gác, tất nhiên là chúng tôi không được qua phía bên ấy.
Đi một đoạn thì đến nơi đặt cây súng thần công rất lớn với những viên đạn tròn và kế bên là dãy thần công nhỏ, nhiều người trầm trồ. Khu vực nầy có tên là Tsar’s Pushka Cannon. Nhưng mục tiêu chính của chuyến đi nầy lại là các nhà thờ được xây dựng bên trong, nơi đây có lẽ là Thánh Đường dành cho hoàng gia Nga Hoàng ngày xưa đến để cầu nguyện. Nó gồm có các ngôi nhà thờ được xây dựng quy mô xen lẫn với những lâu đài, mà sân của chúng đều lót đầy gạch bằng đá màu hơi đỏ, xem rất sạch sẽ, khang trang. Chúng tôi vào trong ngôi Thánh Đường có tên là Domition Cathedral để tham quan. Cách kiến trúc tất nhiên là rất Nga, nhưng bên trong thì đầy những hình ảnh được vẽ trên tường hoặc trên cột. Du khách rất đông vì nhiều đoàn, mạnh ai nấy quay phim, chụp hình nhưng không được sử dụng đến “Flash”. Không biết với ánh sáng đèn có ảnh hưởng đến màu của tranh ảnh như thế nào mà người ta yêu cầu không sử dụng đèn. Thực tình tôi xem các tranh tôi chẳng biết gì cả dù hình đó có là của ông Thánh hay Bà thánh nào chăng nữa vì tất cả đầy khắp. Chúng tôi cầm trên tay cái tài liệu nhưng cũng chẳng có thì giờ để đọc để tìm hiểu. Rồi tôi lại nghĩ bây giờ chúng tôi và du khách được vào để tham quan, để tìm hiểu chứ trong thời Liên Xô không biết nơi nầy thế nào, chắc có lẽ bỏ không. Nhưng bây giờ nó còn được như thế nầy lá quý lắm rồi, không những thế mà nó còn giúp ích cho nền kinh tế cũng như văn hóa của nước Nga bằng chứng là nhiều đoàn du khách, và chúng tôi đang hiện diện trong Thánh Đường nầy. Ngoài trời đang mưa cho nên mọi người đều nấn ná ở đây khá lâu. Từ trước tôi cũng đã từng nghe nói về Đạo Chính Thống Giáo Nga, và có tìm hiểu chút ít, nhưng khi đến đây rồi tôi thấy cái thực tế của nó. Có thể cách kiến trúc gần với cách kiến trúc của Chính thống Hi lạp, nhưng khác đi qua điều kiện thời tiết, băng giá nhiều hơn và do thẩm mỹ riêng của người Nga mà các nhà thờ Nga khác đi chăng? Thấy hình vẽ đầy trong nhà thờ tôi mới nghĩ đến Đức Tin của người dân quả là “Quá sùng Đạo”!
Trời bên ngoài đã bớt mưa, đoàn chúng tôi ra bên ngoài để tiếp tục cuộc hành trình. Đi  ngang qua cái chuông thật lớn người ta gọi là “The Tsar Bell” nặng 200 tấn.
The Tsar Bell.

Lớn và dầy như thế đó mà không hiểu tại sao nó bị bể một phần ở miệng. Nó được trưng bày trên một bục cao, và phần bể để trên mặt đất. Vợ chồng tôi cũng như nhiều du khách đến kế bên để chụp một bôi hình kỷ niệm.
Đoàn kéo nhau đi dọc theo một công viên trong khuôn thành để đi ra ngoài thông qua cổng đẹp nhất của vòng thành, tức là Tháp Spasskaya của Quảng Trường Đỏ, đối diện là St. Basil’s Cathedral. Lóng nhóng ở đó hồi lâu thì chúng tôi được lệnh ra xe vào lúc hơn 1 giờ rưởi. Như vậy là chúng tôi có khoảng một giờ đồng hồ để đi vào trong vòng thành của khu vực Điện Kremlin. Xe buýt đưa chúng tôi đến nhà hàng ăn trưa. Bữa nầy có khác một chút là sau món salad thì đến món soup. Tuy nhiên về “toilet” thì cũng không đủ lớn giống như ở nơi trước của ngày hôm qua. Điều đó làm cho chúng tôi phải nghĩ về “cái cách nào đó” trong thời Liên Xô!
Tháp Spasskava và St. Basil's Cathedral.

Sau khi ăn trưa xong, đoàn chúng tôi được hướng dẫn đến khu mua sắm với đường đi bộ ở khu Arbat vào lúc 3 giờ rưởi. Ở đây cũng như nhiều nơi khác đa số là bán những đồ lưu niệm cho du khách. Nhưng chúng tôi là những người mới đến, bắt đầu cho cuộc hành trình nên không hào hứng lắm, vì mua nhiều thì hành lý tăng ký do đó mà chỉ mua những gì cần thiết cho con cháu. Đi dạo để cho bìết và  nhìn vào cách sinh hoạt ở đây thôi. Có cửa tiệm để hình in được cắt xén của Lénin, Putin, Tập Cận Bình và ông Trump bên ngoài với kích cỡ bằng người thật khiến nhiều du khách thích thú đến đứng kế bên chụp hình. Ở đây tôi mới khám phá ra cái cây  có nhiều bông mà nó đã là nguyên nhân  của những miếng như bông gòn bay đầy trong không gian làm cho người ta khó chịu khi nó chạm vào mũi. Loại bông nầy tôi đã từng thấy lúc ở bên Vạn Lý Trường Thành cũng như trên đoạn đường di chuyển trên giao lộ của Đức. Tôi hỏi những người ngồi gần đó nó tên gì, thì họ chỉ nói là “Alô”. Tôi nghĩ họ nói đùa, nhưng vẫn nghĩ là như vậy! 
Cây thủ phạm "bông gòn"

Đến khoảng 4 giờ chúng tôi tập trung ra đường lớn để đợi xe buýt đến mà về khách sạn. Trong khi chờ đợi thì có một người đàn ông Nga đến rao bán bộ tem, tôi có nhìn qua thì rất nhiều tem thời Liên Xô, lúc đó anh Thạnh có hỏi nhưng vì chê mắc, nên không mua. Nhưng khi lên xe tôi lại tiếc vì không mua do các loại tem đó nó không bao giờ có nữa (Liên Xô đã tan rã).
Tôi lại nghĩ miên man về một chủ thuyết và cơ chế của một chế độ. Dù kiến thức của tôi chẳng có bao nhiêu về Chủ Nghĩa Cộng Sản cũng như về Chủ Nghĩa Tư Bản, nhưng tôi cũng mường tượng được rằng: Khi Karl Marx nghĩ về một triết thuyết Cộng Sản cho một xã hội tương lai là nhằm đem lại cho nhân loại một cơ chế chính quyền tốt đẹp cho tất cả mọi người trên thế giới mà trong đó ai cũng bình đẳng không có người bốc lột người, tất cả đều chung sống sung sướng được cung cấp đầy đủ vật chất, từ thức ăn cho đến quần áo, rồi thăng tiến dần lên “ăn ngon mặc đẹp” và “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” biến thế giới nầy thành một Thiên Đàng nơi hạ giới, và tất cả thiên hạ sống trong một “Thế Giới Đại Đồng”. Chính vì thế mà Chủ Nghĩa ấy đã hấp dẫn không biết bao nhiêu con người nhất là những giới trí thức cả trên toàn thế giới. Điều ấy có thể là nguyên nhân Chủ Nghĩa Cộng Sản đã một thời phát triển nhanh chóng ở trên mặt địa cầu!

Nguyên Thảo,
31/10/2019.




Saturday, February 8, 2020

*Quan Chức!



Nói đến quan chức là nói đến những người làm việc cho chính quyền, nhà nước trong hệ thống điều hành chính trị, quân sự lẫn các phương diện khác của chính phủ để cai trị đất nước nhằm đưa đất nước đến mức độ hùng mạnh, giàu có, có năng lực hơn về đối nội cũng như đối ngoại. Thông thường, quan chức được tuyển chọn là những người có tài, có đức để làm gương mẫu trong người dân và có khả năng về điều khiển, quản lý để mọi việc thi hành có thể đạt được kết quả tốt đẹp, nhanh chóng đưa đời sống người dân cũng như các phương diện khác của đất nước tiến lên theo chiều hướng gọi là phát triển, thịnh vượng.
Trong các hệ thống tổ chức nguyên thủy của loài người, khi mà loài người còn sống theo bộ tộc thì có “Tộc trưởng” để tổ chức, điều hành; hoặc lớn hơn gồm có nhiều tộc họ kết hợp nhau thành “Bộ lạc” thì có “Tù trưởng” hay “Trưởng bộ lạc”. Bên cạnh đó có những người tài giỏi giúp việc, phụ lực cùng với đầu đàn để chống chọi lại với đối phương, hay bảo vệ nhóm mình không bị áp bức bởi kẻ thù. Trong quá trình “chiến đấu để sinh tồn” cùng với các bộ tộc khác khi mà “mạnh được yếu thua”, lãnh thổ của kẻ mạnh càng được lớn hơn thì chế độ Xã hội cũng tăng tiến dần theo để chuyển từ ”Bộ tộc, bộ lạc” du cư, du canh sang chế độ “chiếm hữu, định cư, định canh”. Rồi từ đó, chế độ “phong kiến” được thành hình có vị vua đứng đầu quốc gia, và các quan chức được phong ở chức nầy hay chức nọ cai quản từng vùng, miền hoặc tùy theo khả năng mà được chức ở quan văn hay quan võ.
Đối với xã hội Tây Phương xưa, người ta đề cử người tài giỏi có khả năng vào trong giới lãnh đạo để những người đó tạo thành hệ thống cai quản, điều khiển. Việc điều hành đa số dựa theo ý muốn của người dân. Đó là khởi nguồn của nền dân chủ và chế độ Cộng hòa. Nhưng đối với xã hội phương Đông, nhất là với những nơi ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa thì “Người Cầm Đầu” tức “Nhà Vua” như là được “Trời” ban cho “sứ mệnh” để cai quản dân chúng và quốc gia đó nên được gọi là “Thiên Tử”. Như nước Trung Hoa ngày nay là “Tổng hợp” của rất nhiều nước nhỏ trong quá khứ bị chiếm mất và diệt vong để trở thành nước lớn qua các triều đại “Đế Quốc” cùng sự thực hiện chính sách “đồng hóa” các dân tộc khác để biến họ trở thành “dân tộc Hán” duy nhất. Chính vì vậy mà trong lịch sử người ta không ghi “Tần Thủy Hoàng” là bạo chúa của Đế quốc nhà Tần “đánh chiếm và tiêu diệt” các quốc gia khác; mà ghi là “Tần thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa”. Và Nhà Hán đã đánh chiếm các vùng khác để thành lập Đế quốc rộng lớn hơn mà ngày nay giới lãnh đạo Trung Hoa ước muốn về thời ấy!
Trong thời Xuân Thu, Chiến Quốc của Trung Hoa, cuộc chiến giữa các nước thời bấy giờ rất là ác liệt nhiễu nhương, cho nên Ông Khổng Tử người nước Lỗ đã thu thập tài liệu, để san định lại các Thư (Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ), sau thêm vào Mạnh Tử nên gọi là Tứ Thư, và Ngũ Kinh (Thi, Thư, Dịch, Lễ Ký, Nhạc nhưng Kinh Nhạc bị mất đi trong thời Tần thủy Hoàng “đốt sách, chôn Nho” nên sách Xuân Thu được kể vào) và định hình phương thức mẫu mực cai trị cho quốc gia và các giềng mối của xã hội!
Theo đó: Vị vua hay Hoàng Đế và những vị Quan thần Cao cấp là theo “Mệnh Trời” được “Trời” giao phó nhiệm vụ cai trị đất nước, người dân. Sự hưng thịnh, suy vong đều theo Mệnh Trời! Tuy nhiên, trong học thuyết của Khổng Tử, ông Vua vẫn phải chú trọng đến người dân “Dân vi quý, Xã Tắc thứ chi, Quân vi khinh”, nhiệm vụ của ông Vua và quan thần phải làm cho đất nước giàu mạnh, đời sống dân chúng được ấm no, hạnh phúc. Và mọi người trong các tầng lớp xã hội phải giữ tôn ti, trật tự, vai trò của mình thì nền tảng xã hội mới vững chắc và được thái bình. Thái bình từ nơi nầy, thái bình được ổn định nơi kia, thì dần sẽ ổn định thái bình trong thiên hạ. Và thiên hạ với tình thương với nhau sẽ được sống một “Thế Giới Đại Đồng” cùng “Thái Bình Thịnh Trị”! Người đàn bà thì có những vai trò riêng, rồi vai trò của con cái, của người dân đối với vua chúa và nhiệm vụ của vua quan đối với dân. Đó là chuyện của học thuyết, nhưng ở đây chúng ta chỉ chú trọng về đường quan chức. Quan chức được tuyển chọn qua các cuộc thi để tuyển chọn người tài giỏi có học, đôi khi cả về cách sử dụng vũ khí (thập bát ban võ nghệ) và đạo đức nữa. Do đó những tiêu chuẩn “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” hay “Chí công, Vô tư” được coi trọng với một ông quan. Không biết trên thực tế xã hội Trung Hoa từ trước đã có những tiêu chuẩn thi cử đó hay không, nhưng trong các truyện Tàu chỉ nói đến sự “Tiến Cử” tức là những người có tài, giỏi, đức độ được người làm quan khác đề bạt lên với cấp trên để ra làm quan. Tuy nhiên xã hội Việt Nam trước kia chịu ảnh hưởng rất nặng về Văn Hóa Trung Hoa cũng như Khổng Giáo đã có mở những khoa thi cho các Thầy Đồ dự thí để được ra làm quan như Thi Hương, rồi Thi Hội, Thi Đình để ra làm quan cho nên mới có những thứ hạng Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa và Tiến Sĩ, Tú Tài. Đó là những cơ hội để “Kẻ sĩ” đem tài năng “Tế Thế An Bang” ra cống hiến cho đất nước làm cho “Dân Giàu, Nước Mạnh”. Dù “Lý Tưởng” là vậy, nhưng mỗi con người “trần cấu, xác thịt” đều có những “Tham” (Sân Si) cho nên các lý tưởng đôi khi bị đánh bại bởi sự “Hối lộ, Tham nhũng, Hà hiếp, sách nhiễu…”. Tham Quan Ô Lại thời xưa cũng không ít!
Ấy là thời phong kiến, còn trong những xã hội Tự Do người ra làm quan hay lãnh đạo ở cương vị nhỏ hay to đều do “dân bầu”. Người cảm thấy mình có khả năng thì ra ứng cử, trong các cuộc tranh luận làm sao luận cứ, mục đích của mình thuyết phục được người dân để người dân bầu cho mình. Nếu đắc cử thì họ được vào trong chính quyền để thực hiện những lợi ích cho dân chúng cùng với những người đắc cử khác. Ở đây không có phân biệt Đảng phái hay người của tổ chức nào, không có sự độc quyền, không có sự o ép. Nếu người đắc cử làm không được việc thì kỳ bầu cử tới người dân không bầu cho họ nữa, họ sẽ bị loại ra ngoài. Nếu trong thời gian đang làm họ có hành vi hối lộ, tham nhũng thì những người của Đảng phái, tổ chức khác hay dân chúng, báo chí phanh phui ra thì họ có thể bị loại và luật pháp sẽ xử phạt có thể kéo đến tù tội.
Có chế độ người ta dựng lên các trường học để “tuyển thi” các người hội đủ tiêu chuẩn qui định thì được làm Thí sinh để dự vào kỳ thi tuyển chọn. Người vượt qua được kỳ thi phải vào học trong trường một số năm về chuyên môn, rồi trải qua kỳ thi tốt nghiệp, để rồi họ sẽ ra giữ các chức vụ nào đó cùng những công việc họ phụ trách phải làm. Đây cũng là hình thức dân chủ mà trình độ đã được xác định từ ngay lúc nhận đơn vào cuộc tuyển sinh, cho nên quan chức trong trường hợp nầy tương đối đồng đều không có kẻ quá dốt, người quá khôn. Sự điều hành, thực hành tương đối được đồng bộ tiến lên, nhân tài được trọng dụng!
Lại có những chế độ có cách tổ chức chính quyền khác hơn, nhất là những chính quyền có người lãnh đạo là những người của một đảng phái nào đó. Thông thường, đảng phái nào cũng cho đường lối của mình là đúng, là chính đáng, đảng của họ phải chiếm ưu thế, phải bao trùm lãnh đạo hoặc triệt tiêu các đảng phái khác; cho nên khi nắm được quyền lãnh đạo của đất nước họ sẽ giành mọi quyền cho đảng phái mình. điều đó dễ đưa đến sự cai trị độc tài!
Rồi cũng có chế độ được xây dựng từ một Đảng duy nhất vì họ cho đường lối của họ sẽ tạo một xã hội tốt đẹp trong tương lai từ sản xuất cho đến quan hệ bình đẳng giữa những con người. Cho nên Đảng phái ấy cố gắng nắm được chính quyền, rồi họ thực thi một đường lối nhất quán từ trên xuống dưới để nhằm thực hiện nhanh cái “Tổ Chức Guồng Máy” mà họ cho là “một xã hội tối ưu”. Vì thế, một đường lối “o ép”, “tập trung” được thực hiện mà mọi người dân phải tuân theo sự tổ chức của họ. Từ đường lối giáo dục, kinh tế, sản xuất, chính trị, quân sự lẫn tuyên truyền, báo chí... nhất nhất đều theo một sự chỉ đạo qua người của họ. Chính vì sự “o ép”, đi ngược lại sự tự do của con người, nên thường hay bị phản ứng chống đối của người dân. Chống đối thì bị “đàn áp”, cho nên trong lòng người dân ngầm có sự phản kháng chỉ chờ lúc “bộc phát”. Vô tình chế độ ấy không phải đem lại sự no ấm cho người dân nữa mà là “Chống Lại Mọi Người Dân”. Từ những phản ứng trái chiều đó, quan nói dân không nghe, không làm. Chính quyền làm gì thì chính quyền làm, dân làm gì thì dân làm, không theo chính quyền nữa. Điều ấy khiến cho quan chức không thực hiện thành công được các kế hoạch, nên dần họ chỉ chiếu lệ và cũng chẳng thiết tha gì tới sự thi hành đường lối, mà họ chỉ lo cho chuyện riêng tư; cho nên sự “Biến Chất” thường xảy ra. Những sự tham nhũng, hạch sách, gây khó khăn để được hối lộ, đòi hối lộ, đòi quà biếu, cắt xén ngân quỹ… nói chung là làm sao họ vơ vét được nhiều tiền đem về cho bản thân, gia đình, con cái có cuộc sống giàu có, ấm no, có mọi thứ là tốt rồi. Họ không sợ bị loại ra vì họ là những thành phần cốt cán của Đảng ấy, loại nhiều người như họ thì Đảng đó chẳng còn người, tất Đảng đó phải suy yếu, cho nên họ không phải sợ gì cả, miễn làm sao họ không phạm lỗi nghiêm trọng là được rồi! “Xìu xìu, ển ển” thế mà yên thân! Chính vì tình trạng ấy mà quan chức thường cấu kết với nhau để không phải bị bắt vì phạm tội, bao che cho nhau từ cấp thấp cho đến cấp cao hay chạy quyền chạy chức để được vị trí nào “có ăn, kiếm được nhiều tiền nhất”. Cho nên, quan thì lo “kiếm ăn”, dân thì “mặc kệ chính quyền” mà “chỉ làm sao kiếm được nhiều tiền” dù phải bỏ ra mua chuộc những ông quan có quyền để công việc làm ăn được hanh thông. Vì thế mà đất nước ấy, xã hội ấy như “một nồi cháo heo”, “một bầy sâu”, “một bầy chuột” chẳng có chi là lạ! Còn dân nghèo thì cứ ăn nhậu cho quên “sầu đời” hay trộm cắp, cướp giựt để được sinh tồn theo luật “đấu tranh sinh tồn” mà thiên nhiên đã ban tặng, mặc sự “đấu tranh” ấy dù có là Thiện hay Ác!
Cho nên người xưa đã nói: “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” cũng chẳng là sai trong mọi thời kỳ!

Đồ Ngông,
22/01/2020.




Thursday, February 6, 2020

*Chuyện Bà Pelosi!



Tập Cận Bình than thở:
“Trời sinh ta, sao lại sinh Trump”?
Trump lại phiền:
“Chúa đã chọn tôi, mà lại đặt thêm Bà Pelosi”!
Chuyện đời không đơn giản
Càng lên cao thì càng thêm gió cả
Càng mưu đồ thì phản kháng càng cao
Chẳng có chi mà đáng tự hào
Nếu mục đích theo con đường bất hảo!
Con đường tốt vẫn là con đường “Chính Đạo”
Lòng người tốt cũng chỉ có “Chính Tâm”
Đường ngay thẳng dù trong bước âm thầm
Vẫn tỏa sáng như mặt trời hừng sáng
Bà Pelosi dù xé “Thông Điệp Liên Bang”
Trước đám đông, truyền hình ra thế giới
Một hình ảnh, Ôi! thật là mới
Trên chính trường của một xứ Tự Do
Khiến ta nghiền ngẫm rồi lại nhỏ to:
“Bao giờ đất nước mình như thế?”.

Đồ Ngông,
07/02/2020.




Wednesday, February 5, 2020

*Quê Người! (27)



Hôm Trọng vào thăm, tôi có nói đến Thông, thằng bạn qua cùng “list” đã kiếm chỗ ra ở bên ngoài. Trọng nói: “Trước sau thì cũng phải ra thôi! Ra ngoài sớm thì mới có dư tiền, chứ ở trong nầy, chi phí nhiều thì không có dư đâu. Thôi để tao hỏi mấy thằng bạn tao coi có chỗ nào có dư phòng để mầy với thằng Thành ra ngoài tiện hơn”. Mấy ngày sau, Trọng cho hay nhà Huynh có dư phòng, vậy một đứa ra trước. Tôi kêu thằng Thành ra trước. Ngày Thành nói với Bác Vỹ, Bác Phương ra ở ngoài thì hai bác có hỏi tôi tính như thế nào? Tôi nói chắc có lẽ tôi sẽ theo hai bác, ráng học Tiếng Anh trước, rồi coi có đủ sức theo học khóa Thông dịch không thì tính sao vì tôi thấy anh Hiệp đang theo học khóa Thông dịch nên tôi nghĩ tôi có thể làm được. Thế là tôi ở lại trong phòng một mình!
Chừng tuần lễ sau, trong lúc Trọng rảnh rang vì vào mùa Đông công việc ít, Trọng cho hay là sẽ có thì giờ để chở tôi đến nhà các người bạn qua cùng “list” để hỏi xem có phòng dư không để tôi dời ra ngoài. Đi tìm nhà anh Xuân thì anh đã dời đi chỗ khác rồi. Còn đến căn “flat” của vợ chồng anh Lợi thì không có dư phòng. Trở về nhà của anh Hiệp thì nhà anh cũ và ở tương đối đông người, nhưng Trọng cũng hỏi Đức có thể cho tôi ở chung phòng được không, nhưng Đức chưa trả lời dứt khoát mà để tính rồi cho biết sau. Thế là trở về trại tiếp cư, tôi nói với Trọng: Thôi từ từ cũng được, không gắp lắm! Thế là tôi cứ an lòng mà ở trong trại tiếp cư tiếp tục với hai bác: Bác Phương và Bác Vỹ! Rồi một buổi sáng nọ anh Hiệp lái xe đi vào trại gặp tôi và anh cho hay là Đức không chịu cho tôi cùng ở chung phòng. Tôi cám ơn anh và nói: Điều đó không sao vì phòng nhỏ mà hai người ở chung cũng có nhiều phức tạp, thôi thì từ từ cũng được. Thú thực chỉ có bao nhiêu đó thôi mà tôi cảm thấy quý anh Hiệp nhiều!
Tôi cùng Bác Vỹ, Bác Phương hàng ngày cùng đi ăn, cùng đi lên phòng học, cùng trao đổi nhiều vấn đề, nhưng tôi lại học được nhiều kinh nghiệm từ hai Bác vì hai Bác đã từng trải nhiều vấn đề trong xã hội, cũng như cuộc sống, còn tôi thì kinh nghiệm ứng phó ngoài đời rất là kém cỏi. Không biết từ ngày còn nhỏ, má tôi khiến tôi sợ hay là sự chân thật từ trong bản tính đã làm cho tôi ra ngoài đời không đủ sức ứng phó với cuộc sống nhiều ganh đua, mưu mẹo. Vả lại, tôi đã chọn một cái nghề không đụng chạm, an nhàn, vui sống với lương “ba cọc ba đồng” cũng thành hình con người tôi trên thực tại. Đôi lúc tôi có nhìn thấy cái khiếm khuyết của mình, nhưng đã quen rồi, nên không thể thay đổi được; giả sử có một biến cố trọng đại nào đó trong cuộc đời có thể thay đổi tâm tính con người của tôi, nhưng vẫn chưa chắc là nó có thể thay đổi điều mà tôi đã có!
Tuy nhiên, nhìn lại nhiều người cùng hoàn cảnh với mình, hay những người qua chung “list” có điều kiện hơn, họ vẫn còn ở trong trại Pennington nầy như gia đình anh Ba Nguyên, Lê Nguyên Tịnh, Hoa, Nhàn, Phương, Huệ, Báu, Liêm, Kiệt, Kim… nên tôi cũng an lòng!
Một hôm, Trọng vào cho hay là bạn cháu rễ của anh Sáu Long (người cùng quê Trà Vinh với Huynh) muốn trả cái “flat” ở khu Mansfied Park, nếu muốn mướn thì nó hỏi dùm cho. Vào lớp học, tôi bàn với Kim, Liêm. tụi nó đồng ý ra ngoài. Thế là tôi bàn với Trọng hỏi giúp dùm. Vì là bàn giao sang ngang, chúng tôi phải chịu hoàn trả lại cho Thơm tiền “thế chân” khi mướn căn flat, cộng với tiền đóng trước một tuần, rồi sau đó là đóng tiền cho chủ mỗi tuần. Còn về sau muốn trả tiền mướn bao lâu thì chúng tôi sẽ thảo luận với chủ flat. Chuyện chuyển “mướn” đó thì Thơm sẽ lo. Tôi, Kim, Kiệt, Liêm hùn tiền lại rồi đưa cho Thơm ngay đêm mà tôi đến ngủ ở flat với Thơm và có chủ flat để Thơm giới thiệu người mướn mới với ông chủ. Và sáng hôm sau Thơm chở vợ con rời Adelaide đi Whyllala. Thế là cả bốn đứa chúng tôi cùng nhau rời trại tiếp cư để chuẩn bị bước đầu cho cuộc sống mới nơi “xứ lạ quê người”! Khi tôi cho Bác Phương cùng Bác Vỹ hay tôi sẽ dời ra ngoài ở, Bác Vỹ có vẻ giận tôi vì tôi đã thay đổi!
Trọng gom được một số nồi, xoang, chảo củ mà bạn bè dư cho chúng tôi một số. trong căn flat không có đồ đạc gì nên chúng tôi phải tự lo. Vừa đi xin ở Hội vài món đồ, cùng hùn tiền lại mua đồ cũ để xài như tủ lạnh cho tới giường, mền. Lúc đầu phải nằm trên sàn nhà với cái lò sưởi vì trời đang vào mùa Đông. Có hôm nhiệt độ xuống tới 1, 2 độ C. Hội ICRA cho tôi một cái giường cá nhân, có thể xếp chân lại được, mặt giường bằng lưới thép nên hơi thụng khi mình nằm lên. Phần đồ dùng cá nhân thì mỗi người tự lo, còn phần chung thì hùn tiền để mua kể cả thức ăn. Căn flat có hai phòng một phòng lớn và một phòng nhỏ, phòng nhỏ Kiệt ngủ, phòng lớn thì Kim, và Liêm ở, tôi chọn nơi phòng khách mà kê giường.
 Sự nấu nướng và tắm rửa được phân công ra, ngày nào ai nấu nướng thì tắm rửa sau. Thức ăn thì cùng nhau hùn tiền để mua. Cuối cùng chúng tôi cũng có bàn ghế, salông cũ, giường, mền, lò sưởi tương đối đầy đủ cho cuộc sống.
Mỗi sáng, chúng tôi phải đi bộ cả cây số để ra đường lớn đón xe buýt để tới lớp học ở Trung tâm Pennington, xong chúng tôi lại đón xe đi về. Có hôm học buổi chiều. Chiều xuống trời trở lạnh, nhiệt độ xuống nhanh quá khiến tôi đứng co ro ở trạm mà nghe lạnh đến cả xương sống và phổi, lúc đó tôi mới sợ cái bệnh phổi ngày xưa tái phát.
Trên chuyến xe buýt trưa trở về nhà từ lớp học, tôi, Kim và Hiệp (Hiệp là người đã đi chung tàu vượt biên với tôi từ Việt Nam cũng là người lái tàu “de” ra khỏi bãi cát ở cửa Bình Đại khi bị vướng cồn và thoát khỏi không bị bắt do du kích của Tỉnh Bến Tre). Ba chúng tôi ngồi ở băng sau cùng, nhưng vì lâu ngày không gặp nhau nên Kim và Hiệp chuyện trò nhau khá lớn tiếng. Trong lúc đó có một người đàn ông Úc đã có hơi men, ông đi lần xuống phía chúng tôi. Đột nhiên ông hét lên “Speak English”, tôi ngồi yên lặng. Hiệp, Kim cũng yên lặng một chút, xong hai người vẫn tiếp tục câu chuyện với giọng như cũ. Ông người Úc bất bình, hét lên lần nữa “Speak English!” và ông đưa nắm tay lên. Ngay lúc đó, người tài xế cho xe buýt tắp vào lề, rời chỗ ngồi đi xuống phía dưới và ông đến bên người đàn ông Úc ấy, nói với ông ta và đưa ông ta về phía trên. Chúng tôi thoát nạn! Tôi không dám nói gì với Kim hay Hiệp dù tôi biết hai người nói chuyện quá to, nhất là ngôn ngữ của mình khiến người khác phải bực mình. Từ chuyện nầy tôi lại nhớ đến trường hợp của những năm về trước, trước thời gian 30/04/1975. Ngày ấy tôi có chuyện nên cỡi Honda từ trong Chợ Lớn về Sài Gòn, đang trên đường Nguyễn Trải thì gặp cơn mưa lớn nên tắp vào mái hiên của một dãy phố đụt mưa. Khi đó cũng có một đám thanh niên choai choai người Hoa tắp vào. Chúng nói chuyện ồn ào bằng tiếng Quảng Đông, chúng lớn tiếng hăng say, tôi chẳng hiểu được gì chỉ khi nào dứt câu chúng lại buông hai chữ tiếng Việt là “Đ..má” hay “Đ..mẹ”. Tôi không bực mình, nhưng cũng thấy tức cười! Có lẽ vì vậy mà hôm này tôi mới hiểu được cái “khó chịu” của ông Úc hơi say ấy! Khi đến trạm chúng tôi xuống để về nhà. Hiệp và Kim tâm tình nhau nhiều vì ngày mai Hiệp đã di chuyển lên Melbourne sống rồi!
Bốn đứa chúng tôi bắt đầu cuộc sống bên ngoài từ những thiếu thốn hay sự giúp đỡ của bạn bè hay của Hội nhất là Hội ICRA tức là Hội giúp đỡ những người Tị nạn Đông dương của một ông Cha thành lập nên. Rồi thì những gì cần thiết chúng tôi cũng có đầy đủ dù là đồ cũ hay mua đồ mới. Thỉnh thoảng Báu dẫn ông Bob (tên tắt của chữ Robert) là ông Úc kết bạn với Báu đến chơi. Do đó chúng tôi cũng dần làm quen với ngôn ngữ Anh qua giọng Úc và tập đàm thoại ngoài những giờ học trong trường. Bob thường đến thăm chúng tôi vào ban tối sau những giờ làm việc của Bob hoặc vào những ngày cuối tuần. Chúng tôi quay quần trong phòng khách để trò chuyện vì phòng khách có lò sưởi mà thời tiết đang vào mùa Đông. Trong chúng tôi tất nhiên Liêm là người chủ chốt trong cuộc đối thoại, và Kim là người dạn dĩ hơn tôi. Không biết tôi nhát hay là e ngại chỉ ngồi nghe nhiều hơn là nói.
Gần cuối khóa học, Bob đã viết một cái thư giới thiệu cho Báu đến Hãng xe Holden để xin việc làm và Báu được nhận vào làm ở hãng nằm trên đường Port Road không xa trung tâm cho lắm. Như vậy Báu là người được đi làm sớm nhất trong những qua cùng list với tôi! Rồi tiếp theo là chúng tôi được Phương, Huệ mời dự “đám cưới” mà hai người đã chọn ngày thành hôn. Ở xứ nầy không cần coi ngày tốt hay xấu mà chỉ chọn vào ngày cuối tuần thuận tiện cho buổi lễ. Trong tiệc cưới tôi mới thấy cái tài ngoại giao của hai nhân vật nầy, vì số lượng người khá đông mà có những người thật là xa lạ đối với tôi.
Một buổi chiều tối, sau khi cơm nước xong xuôi thì có người Úc đến tìm chúng tôi khi gặp Liêm vừa đi mua vài món đồ về tới ở dưới sân nhà. Đó là người Úc mà muốn kết bạn với tôi qua sự liên lạc của Hội ICRA, tên là Joeff. Lần đầu tiên tiếp xúc với nhau, câu chuyện xã giao được diễn ra trong căn phòng khách với toàn bộ bốn người chúng tôi, mỗi người một vài câu cho chuyện không trở nên nhạt nhẽo! Tôi cứ tưởng tên là Jo-eff, nhưng Liêm nhắc lại giọng đọc đúng của tên ông bạn như là Jeff chứ không phải là Jo-eff như khi ông bạn tôi đã giới thiệu mà tôi không để ý tới. Buổi tiếp xúc và câu chuyện được kéo dài đến khoảng hơn 10 giờ thì Joeff từ giả ra về và hẹn cuối tuần sau sẽ đến thăm chúng tôi.
Thế là chúng tôi từ từ đã hội nhập vào cuộc sống mới trong một xã hội có nhiều xa lạ với các phong tục ở trên quê hương, và nơi nầy đã trở thành quê hương thứ hai của tôi ngoài “quê cha đất tổ”. Chúng tôi tha phương, xa lánh nơi mình đã sinh ra, đất nước vì những người Cộng Sản đã đối xử và kiềm hãm cái thân phận cùng gia đình của chúng tôi trên quan điểm: “Ta, Bạn và Kẻ Thù”! Cho nên chúng tôi không thể chịu nỗi đành phải trốn chạy đi xa thôi, để hi vọng cầu mong mưu cầu một tương lai cho thế hệ đời sau thoát khỏi cái vạ “lý lịch” mà người Cộng Sản đặt để cho con cháu chúng tôi trong mai sau.
Điều ấy khiến tôi đôi khi nhớ lại và nghiền ngẫm mà bật cười: Trong chiến tranh ác liệt với cái chết có thể bất chợt đến bất cứ lúc nào mà người ta không bỏ quê hương, đất nước để ra đi; nhưng khi người Cộng Sản thắng cuộc, đất nước hòa bình, chấm dứt chiến tranh, thống nhất thì chỉ với đường lối cai trị, hệ thống điều hành đất nước đã khiến không biết bao nhiêu người phải bỏ nước, cùng bao nhiêu người bỏ mạng trên con đường ra đi. Rồi ở nơi quê người chúng tôi cũng chỉ thấy những người từ các nước Cộng Sản khác đến đây cùng chung một mục đích chứ chưa hề nghe người từ xứ khác bỏ quê hương để tìm về nơi mà các người Cộng Sản đã thống trị. Như vậy không lẽ đó là do điểm “Ưu Việt” của chế độ Cộng Sản đấy ư?
Từ trong hoàn cảnh nầy tôi lại nghĩ về người Tàu tha phương cầu thực từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước. Để rồi trong cuộc sống thực tế nơi quê người, họ phải tự điều chỉnh lại phong cách, thái độ, cách xã giao hay làm ăn buôn bán để tránh được những phiền phức, tai họa hay các hệ lụy có thể xảy ra khi họ là “kẻ ăn nhờ, ở đậu” nơi “đất khách, quê người”. Chính vì thế họ đã chọn con đường tiến thân bằng “học vấn” để trở thành Bác sĩ, Nha sĩ, Kỹ sư; hoặc nếu buôn bán thì: “Nếu mình chửi họ thì họ vẫn vui vẻ, mĩm cười miễn làm sao mà họ lấy tiền mình được thì thôi”! Nhưng thực ra họ muốn được “yên thân” mà sống trên trên quê hương của người khác không hơn không kém!

Nguyên Thảo,
04/02/2020.




*Người Ta Nói!



Người ta nói:
Kẻ khôn biết mình khôn
Là kẻ tự biết mình!
Kẻ ngu biết mình ngu
Lại là kẻ trí
Còn kẻ ngu mà tưởng mình khôn
Mới là kẻ làm “nhức đầu” thiên hạ!
Trong thế giới lắm điều
Nhiều kẻ tranh giành, hơn thua, muốn cầm đầu, lãnh đạo
Lại thiếu trí, chẳng có mắt nhìn
Lái chiếc xe cổ lỗ đi trên đường xộc xệch, chông gai
Hành khách chịu muôn ngàn dằn vật
Mà cứ tưởng đi về con đường đầy ánh sáng
Như viễn ảnh của một Thiên Đàng.
Mặc người xa lánh, trốn chạy
Miệng vẫn mãi oang oang
Ca tụng mình như là Thần Thánh:
“Chỉ Ta đem lại cho người
Muôn ngàn khốn khổ, tuyệt vời nỗi đau”!

Đồ Ngông,
03/02/2020.




Monday, February 3, 2020

*Virus 2019 NCoV!


Con virus nhỏ xíu
Làm xính vính mọi người
Các xã hội xôn xao
Chẳng ai dám tự hào!

Bệnh viêm phổi Vũ Hán
Vùng đứng dậy lên nhìn
Cuộc diễn hành vĩ đại
Quân đội Tập Cận Bình!

Đừng oang oang vênh váo
Nào súng dữ, tàu bay
Nào con đường thống trị
Chiếm lĩnh thế giới này!

Như lời xưa đã nói:
“Mưu sự tại nơi người”
Trời làm thì mới chết
“Thành sự ở nơi Thiên”

Bài học nầy: Đạo đức
Cho ông Tập Cận Bình
Bỏ đi “Trung Hoa Mộng”
Nhớ “Thiên hạ Thái Bình”!

Đồ Ngông,
04/02/2020.