Thursday, February 13, 2020

*Đi Nga. (5)



Nhìn thì thấy Quảng Trường Đỏ rất rộng, nhưng vì người ta dựng lên những giàn dáo để phục vụ cho sự kiện gì trước đó nên tôi không chiêm nghiệm được sự rộng lớn của nó là bao nhiêu. Bên kia giàn dáo là quần thể kiến trúc nhà thờ St. Basil’s rất đặc trưng, nó cũng là một trong những biểu tượng của nước Nga. Trên quảng trường du khách rất đông, dập dìu. Người ta đang quay phim, chụp hình dù là có người chụp hay là “selfie”. Bên phía thương xá Gum thì kiến trúc có vẻ cổ kính, xưa nhưng hùng mạnh. Còn bên vòng thành màu đỏ với những Tháp cao có hình ngôi sao năm cánh vàng bên trên. Nơi tháp có đồng hồ có thể là cổng chính của vòng thành Kremlin. Khoảng giữa hai tháp, kế bên vòng thành là lăng Lénin cũng có màu đỏ, hai bên lăng là hai dãy khán đài dùng vào những ngày lễ hoặc là trong ngày duyệt binh mà ta thường thấy. Người vào Lăng Lénin phải đứng sắp hàng, họ sắp hàng nối tiếp nhau thật dài ở bên lề đường kế bên Viện Bảo Tàng để chờ tới phiên, còn chúng tôi thì chẳng có thì giờ. Đứng trên quảng trường nầy thì tôi thấy chẳng đủ chiều dài cho một chuyến máy bay dù nhỏ để đáp xuống, thế mà một năm nào đó trong lúc còn là thời Liên Xô đã có một phi công Mathias Rust nước ngoài nào đó lái chiếc Cessna xâm nhập qua mọi sự phòng thủ của Liên Xô để đáp xuống ở quảng trường nầy vào tháng 5/87. Sau khi đáp xuống thì anh ta bị bắt, nhưng cũng là một điều làm cho giới chức cầm quyền Liên Xô phải suy nghĩ cùng với sự kiện nổ lò nguyên tử ở Chernobyl vào ngày 26/04/1986.
Quảng Trường Đỏ.

Loay hoay thì cũng gần đến giờ tập họp ở phía bên ngoài quảng trường, trước Viện Bảo Tàng ở gần tượng của ông Zhukovu ngồi trên mình ngựa. Đến khoảng 12 giờ chúng tôi khởi hành kéo nhau đi bìa ngoài vòng thành phía sau  của quảng trường Đỏ. Ở góc thành đó là nơi tưởng niệm các chiến sĩ trận vong ở nhiều mặt trận, có những người lính thay phiên nhau đứng canh kế bên ngọn lửa chắc được đốt liên tục không hề cho tắt. Một bên là vòng thành đỏ, một bên là công viên đẹp được chăm sóc cẩn thận. Băng qua đoạn công viên có cầu ở trên thì chúng tôi lại quẹo phải để rồi đoàn đứng vào sắp hàng đi lên bực trên cao. Thì ra đây là một trạm kiểm soát để chúng tôi đi vào bên trong vòng thành. Những người lính kiểm soát xem ra rất nghiêm nghị. Tới phiên tôi thì tôi không được vào vì trong bị mang của tôi có cái áo ấm khiến nó lớn quá khổ, người kiểm soát đuổi tôi sang bên mà họ cũng chẳng bảo tôi đi đâu. Sang bên chẳng có máy nào để kiểm, tôi đành phải đứng chịu trận. Ai ngờ vợ chồng anh Hùng ở Melbourne cũng trong tình trạng như tôi. Lóng nhóng hoài không biết làm sao. Chị Hùng nói thôi ra ngoài, nhưng ra ngoài thì sẽ lạc đàn. Xuống dưới xong chúng tôi bàn tính lại lên, lên thì phải sắp hàng tiếp tục. Lên được giữa chừng thì cũng may Jennifer và Bà Hướng Dẫn người Nga quay xuống để dẫn chúng tôi lên khiến những người đứng sắp hàng nhìn ngạc nhiên. Cuối cùng thì chúng tôi được sum vầy vui vẻ với đoàn và thở phào nhẹ nhỏm!
Thế là qua thủ tục và khám xét vào cổng, chúng tôi được phép vào trong vòng thành đỏ của Điện Kremlin vào lúc khoảng 12 giờ rưởi. Đi theo con đường thẳng vào hành lang của một building, đường hành lang nầy rộng rải đi dọc theo con đường lát đá hoa cương kế bên. Có lẽ  nó dành cho du khách đi bộ thăm viếng khu vực hơn là để những người làm việc trong đây sử dụng. Họ sử dụng đã có con đường đá lớn ấy rồi. Sau khi tập trung kiểm người, chúng tôi được hướng dẫn đi về hướng đông. Ở góc đường nhìn sang phía bên kia là tòa building màu vàng được cho biết là dinh của Tổng Thống Nga làm việc, có những người lính đang canh gác, tất nhiên là chúng tôi không được qua phía bên ấy.
Đi một đoạn thì đến nơi đặt cây súng thần công rất lớn với những viên đạn tròn và kế bên là dãy thần công nhỏ, nhiều người trầm trồ. Khu vực nầy có tên là Tsar’s Pushka Cannon. Nhưng mục tiêu chính của chuyến đi nầy lại là các nhà thờ được xây dựng bên trong, nơi đây có lẽ là Thánh Đường dành cho hoàng gia Nga Hoàng ngày xưa đến để cầu nguyện. Nó gồm có các ngôi nhà thờ được xây dựng quy mô xen lẫn với những lâu đài, mà sân của chúng đều lót đầy gạch bằng đá màu hơi đỏ, xem rất sạch sẽ, khang trang. Chúng tôi vào trong ngôi Thánh Đường có tên là Domition Cathedral để tham quan. Cách kiến trúc tất nhiên là rất Nga, nhưng bên trong thì đầy những hình ảnh được vẽ trên tường hoặc trên cột. Du khách rất đông vì nhiều đoàn, mạnh ai nấy quay phim, chụp hình nhưng không được sử dụng đến “Flash”. Không biết với ánh sáng đèn có ảnh hưởng đến màu của tranh ảnh như thế nào mà người ta yêu cầu không sử dụng đèn. Thực tình tôi xem các tranh tôi chẳng biết gì cả dù hình đó có là của ông Thánh hay Bà thánh nào chăng nữa vì tất cả đầy khắp. Chúng tôi cầm trên tay cái tài liệu nhưng cũng chẳng có thì giờ để đọc để tìm hiểu. Rồi tôi lại nghĩ bây giờ chúng tôi và du khách được vào để tham quan, để tìm hiểu chứ trong thời Liên Xô không biết nơi nầy thế nào, chắc có lẽ bỏ không. Nhưng bây giờ nó còn được như thế nầy lá quý lắm rồi, không những thế mà nó còn giúp ích cho nền kinh tế cũng như văn hóa của nước Nga bằng chứng là nhiều đoàn du khách, và chúng tôi đang hiện diện trong Thánh Đường nầy. Ngoài trời đang mưa cho nên mọi người đều nấn ná ở đây khá lâu. Từ trước tôi cũng đã từng nghe nói về Đạo Chính Thống Giáo Nga, và có tìm hiểu chút ít, nhưng khi đến đây rồi tôi thấy cái thực tế của nó. Có thể cách kiến trúc gần với cách kiến trúc của Chính thống Hi lạp, nhưng khác đi qua điều kiện thời tiết, băng giá nhiều hơn và do thẩm mỹ riêng của người Nga mà các nhà thờ Nga khác đi chăng? Thấy hình vẽ đầy trong nhà thờ tôi mới nghĩ đến Đức Tin của người dân quả là “Quá sùng Đạo”!
Trời bên ngoài đã bớt mưa, đoàn chúng tôi ra bên ngoài để tiếp tục cuộc hành trình. Đi  ngang qua cái chuông thật lớn người ta gọi là “The Tsar Bell” nặng 200 tấn.
The Tsar Bell.

Lớn và dầy như thế đó mà không hiểu tại sao nó bị bể một phần ở miệng. Nó được trưng bày trên một bục cao, và phần bể để trên mặt đất. Vợ chồng tôi cũng như nhiều du khách đến kế bên để chụp một bôi hình kỷ niệm.
Đoàn kéo nhau đi dọc theo một công viên trong khuôn thành để đi ra ngoài thông qua cổng đẹp nhất của vòng thành, tức là Tháp Spasskaya của Quảng Trường Đỏ, đối diện là St. Basil’s Cathedral. Lóng nhóng ở đó hồi lâu thì chúng tôi được lệnh ra xe vào lúc hơn 1 giờ rưởi. Như vậy là chúng tôi có khoảng một giờ đồng hồ để đi vào trong vòng thành của khu vực Điện Kremlin. Xe buýt đưa chúng tôi đến nhà hàng ăn trưa. Bữa nầy có khác một chút là sau món salad thì đến món soup. Tuy nhiên về “toilet” thì cũng không đủ lớn giống như ở nơi trước của ngày hôm qua. Điều đó làm cho chúng tôi phải nghĩ về “cái cách nào đó” trong thời Liên Xô!
Tháp Spasskava và St. Basil's Cathedral.

Sau khi ăn trưa xong, đoàn chúng tôi được hướng dẫn đến khu mua sắm với đường đi bộ ở khu Arbat vào lúc 3 giờ rưởi. Ở đây cũng như nhiều nơi khác đa số là bán những đồ lưu niệm cho du khách. Nhưng chúng tôi là những người mới đến, bắt đầu cho cuộc hành trình nên không hào hứng lắm, vì mua nhiều thì hành lý tăng ký do đó mà chỉ mua những gì cần thiết cho con cháu. Đi dạo để cho bìết và  nhìn vào cách sinh hoạt ở đây thôi. Có cửa tiệm để hình in được cắt xén của Lénin, Putin, Tập Cận Bình và ông Trump bên ngoài với kích cỡ bằng người thật khiến nhiều du khách thích thú đến đứng kế bên chụp hình. Ở đây tôi mới khám phá ra cái cây  có nhiều bông mà nó đã là nguyên nhân  của những miếng như bông gòn bay đầy trong không gian làm cho người ta khó chịu khi nó chạm vào mũi. Loại bông nầy tôi đã từng thấy lúc ở bên Vạn Lý Trường Thành cũng như trên đoạn đường di chuyển trên giao lộ của Đức. Tôi hỏi những người ngồi gần đó nó tên gì, thì họ chỉ nói là “Alô”. Tôi nghĩ họ nói đùa, nhưng vẫn nghĩ là như vậy! 
Cây thủ phạm "bông gòn"

Đến khoảng 4 giờ chúng tôi tập trung ra đường lớn để đợi xe buýt đến mà về khách sạn. Trong khi chờ đợi thì có một người đàn ông Nga đến rao bán bộ tem, tôi có nhìn qua thì rất nhiều tem thời Liên Xô, lúc đó anh Thạnh có hỏi nhưng vì chê mắc, nên không mua. Nhưng khi lên xe tôi lại tiếc vì không mua do các loại tem đó nó không bao giờ có nữa (Liên Xô đã tan rã).
Tôi lại nghĩ miên man về một chủ thuyết và cơ chế của một chế độ. Dù kiến thức của tôi chẳng có bao nhiêu về Chủ Nghĩa Cộng Sản cũng như về Chủ Nghĩa Tư Bản, nhưng tôi cũng mường tượng được rằng: Khi Karl Marx nghĩ về một triết thuyết Cộng Sản cho một xã hội tương lai là nhằm đem lại cho nhân loại một cơ chế chính quyền tốt đẹp cho tất cả mọi người trên thế giới mà trong đó ai cũng bình đẳng không có người bốc lột người, tất cả đều chung sống sung sướng được cung cấp đầy đủ vật chất, từ thức ăn cho đến quần áo, rồi thăng tiến dần lên “ăn ngon mặc đẹp” và “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” biến thế giới nầy thành một Thiên Đàng nơi hạ giới, và tất cả thiên hạ sống trong một “Thế Giới Đại Đồng”. Chính vì thế mà Chủ Nghĩa ấy đã hấp dẫn không biết bao nhiêu con người nhất là những giới trí thức cả trên toàn thế giới. Điều ấy có thể là nguyên nhân Chủ Nghĩa Cộng Sản đã một thời phát triển nhanh chóng ở trên mặt địa cầu!

Nguyên Thảo,
31/10/2019.




No comments:

Post a Comment