Thursday, August 20, 2020

*Điều Ngộ!

 

Bước vào đầu Thế Kỷ

21 của loài người

Loài người đã chơi vơi

Đối đầu bao dịch bệnh!

 

Nhiều nhiều dịch bệnh đến

Đa số tự bên Tàu

Kế bên vùng nghiên cứu

Vi trùng, thế mới đau!

 

Ai nói là không phải

Phát xuất tự dã tâm

Phát triển thật âm thầm

Để vuơn thành Bá Chủ!

 

Mộng thành hay thất bại

Do thời thế, cơ trời

Chỉ chút sơ xẩy thôi

Đã lan thành đại họa!

 

Người đâm ra ngộ nghĩnh

Che mũi miệng cùng nhau

Muốn gần cũng cách xa

Vì CoronaVirus!

 

Đồ Ngông,

15/08/2020.

 

 

 


Wednesday, August 12, 2020

*Đất Lành Chim Đậu!

 

Thú thật là ngày xưa tôi không hiểu rõ câu tục ngữ “Đất lành chim đậu” là nghĩa như thế nào, mà chỉ hiểu một cách loáng thoáng, lờ mờ: Thế nào gọi là “đất lành”, và sao gọi là “đất không lành”? Rồi sau đó, tôi lại học được một câu khác nữa là “Lúa thóc đâu, bồ câu tới đó”, thì tôi mới hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ trước thêm một chút. Từ đó tôi tự thấy mình quá “chậm tiêu”, “thật là đần độn, thiếu thông minh, chậm hiểu vô cùng”! Nhưng có lẽ trời đã sinh ra mình như vậy, nên tôi cũng an phận, thủ thường, không hề oán trách, buồn tủi và cố gắng tìm cách khắc phục những gì mà mình không có!

Khắc phục là một chuyện mà kết quả như thế nào lại là chuyện khác. Và kết quả của tôi chỉ được một phần nào đó thôi, vì vốn dĩ mình chẳng là người thông minh. Thôi thì được bao nhiêu hay bấy nhiêu! Một hôm đi trên đường đến chỗ có khá nhiều bồ câu đang cúi mổ thì tôi lại nghĩ đến chúng đang ăn những gì đó rơi rải trên mặt đường cũng như lúc còn nhỏ khi phơi đậu xanh tôi phải vật vã với các đàn bồ câu lắm lắm. Ừ! Nơi nào có thức ăn bồ câu thấy được thì nó tới. Chúng thật giỏi vì đó là bản năng của chúng. Trời sinh ra, chúng bay trên trời mà thấy ở dưới đất mới thật là hay, còn con người nhiều lúc đi đến nơi mà vẫn chưa thấy. Tính ra loài người thua loài vật khá nhiều!

Hồi còn đi học tôi có đọc một câu chuyện kể lại chuyện ngày xửa ngày xưa: Người của một nước nọ trong điều kiện ly loạn đi sang một nước khác, họ sống cuộc đời không được hiền lương, nên sau khi bị bắt, người ta bình phẩm là tại điều kiện ở nước sau nầy đã làm cho nhân tính người thay đổi vì thế mà người ấy đã có hành vi như vậy. Điều ấy làm cho tôi có thể hiểu được là hoàn cảnh khiến cho con người có tâm tính khác nhau, giống như những đứa trẻ lớn lên trong môi trường xã hội như thế nào thì thường thích nghi và có tập tánh với môi trường ấy. Đó là chưa kể đến nền giáo dục ảnh hưởng đến họ. Nơi nào có nền giáo dục tốt thì con người được có nhiều tính tốt, hiền lương, nhân hậu, nghĩ đến người nhiều hơn; còn nơi nào mà nền giáo dục tồi tệ thì đạo đức con người bị suy đồi, bạo lực, tệ nạn sản sinh và người trở nên ích kỷ, hèn hạ, gây cho xã hội một sự nhiễu nhương, hỗn loạn đầy những bất an; cuộc sống của người dân có nhiều nỗi lo âu, bấp bênh thiếu ổn định. Rồi qua nhiều thời gian lăn lóc trong cuộc đời, tôi cũng thấm hiểu được chút nào cái “ý nghĩa” trong cuộc sống trần gian đầy âm mưu, gian trá của một chốn gọi là “đấu tranh cho sự sinh tồn” nầy. Không một ai tránh khỏi đôi lần mình phải tận dụng trí não để cạnh tranh trong đời sống, chống chọi với những đe dọa, áp bức, bất công và đôi khi mình phải hơi “không đàng hoàng” một tí! Hoàn cảnh khiến mình phải nương theo để mà sống, giữ an toàn cho mình mà thiên hạ đã nói rằng: “Khôn sống, mống chết”. Ôi cái sống sao mà khó đến thế! Và do vậy mà người ta cũng chẳng hề trách người phải dời từ chỗ nầy sang chỗ khác để được một cuộc sống bình yên. Nói chung lại, làm con người ai cũng muốn tìm cho mình một cuộc sống yên lành, hạnh phúc, ấm no, “được sung sướng mà không phải cực khổ, lam lụ”. Cái điều sau cùng nầy mới là cỗi nguồn của nhiều điều nhức nhối trong xã hội loài người!

Nếu ngày xưa có những quốc gia muốn được giàu có đã dùng sức mạnh mình để đè bẹp các nước nhỏ hơn chiếm lấy của cải vật chất, bắt người dân các nước đó làm nô lệ phục dịch cho nước mình; hay ép những kẻ hèn kém, thế cô cung phụng quyền lợi riêng cho họ bằng vũ lực, tất cả cũng vì lòng tham mà ra. Với cái lòng tham thiên nhiên ban tặng, cộng với tính tránh né “làm lụng cực khổ” mà theo thế gian gọi là “quyền lợi thì đến, bổn phận thì đi” nên con người đã lợi dụng lẫn nhau, đưa đến sự chia rẽ từ lúc ban đầu trong một xã hội được coi là “Xã hội nguyên thủy”!

Cũng trong một tinh thần “ham lợi” ấy mà nhiều chế độ càng “bốc lột” tăng tốc theo sự phát triển và lớn mạnh của xã hội loài người như các giai đoạn của chế độ Phong Kiến, rồi Tư Bản, Thực Dân, Độc Tài. Sự Bốc Lột trở nên không còn nữa, và giai đoạn khác mà người “dân ngu cu đen” gọi là “Ngày trước người ta đã “lột” sẵn rồi, bây giờ chỉ cần “bốc lủm” thôi! Ôi! Dù là một câu nói “ví von”, nhưng quả thật đúng vô cùng! Và rồi đưa đến một tình trạng, người ta sống không nỗi trong một chế độ nào đó thì người ta phải làm cuộc “đào tẩu” sang nơi khác, giống như những con chim đi tìm “đất lành” để đậu, và nơi “đất xấu thì chim bay”. Và biết đâu nơi sau nầy là nơi chấp cánh để chim có thể bay lượn trên trời cao, khoe tài cùng thiên hạ khiến cho “nơi sản sinh” ra nó phải suy nghĩ, chạnh lòng!

 

Đồ Ngông,

13/08/2020.

 

 

 


Friday, August 7, 2020

*Sang Đức. (2)

 

Máy bay lên cao mang đoàn chúng tôi cùng bao nhiêu hành khách trên đường đến Thành phố Berlin, rời đất nước của Lénin, Stalin giống như Liên Bang Nga xa rời một Chủ Nghĩa lỗi thời của “Thời Liên Xô vang bóng”! Trong khi đó đầu óc tôi cứ lởn vởn cái Chủ Nghĩa Xã Hội, Xã Hội Chủ Nghĩa cùng cái Chủ Nghĩa Cộng Sản mà tôi bị rối mù sau ngày 30/04/75 khi tôi phải dạy cho học trò cái môn Sử lớp 9. Lúc ấy học trò cứ mãi hỏi tôi về vấn đề ấy lẫn “Sao gọi là Xô-Viết Nghệ Tĩnh?”, tôi phải đành xin lỗi học trò tôi chẳng biết gì cả! Từ đó, tôi tự thấy mình “Chưa xứng đáng trên kiến thức để dạy”. Sau đó, tôi phải tự tìm tòi, ráng vận dụng mọi kiến thức tôi có để hiểu khi đọc những sách có bán trên thị trường vào lúc bấy giờ. Vượt mọi từ ngữ khó hiểu, hình ảnh không có trên thực tế, cùng những hình ảnh tôi phải tưởng tượng qua những trang sách mà tôi cố đọc. Sự chật vật của tôi kéo trong thời gian dài. Lý thuyết không như thực tế, lúc đó tôi mới hiểu câu của anh bạn tôi nói lúc trước: “Giới trí thức tiếp nhận lý thuyết Cộng Sản nhanh chóng, nhưng họ cũng sớm bất mãn”. Mà thực vậy, lý thuyết là chuyện “Nói ở trên trời, nhưng thực hành lại là chuyện dưới đất” thì người ta không ngờ vực sao được, cùng những bước tiến hành cải cách xã hội trên thực tế như đưa xã hội, đời sống của dân chúng vào những hoàn cảnh khó khăn nhất, thiếu thốn mọi nhu cầu; mọi sinh hoạt về con người đều bị gò bó và người trí thức không còn được chú ý, trọng vọng, đôi khi còn bị nghi kỵ, kiềm chế, theo dõi vì tư tưởng mà họ có trước kia. Trí thức bây giờ trở thành những phế liệu đem chất trong kho vì không hợp thời, và phải đợi vài chục năm sau khi đào tạo cho được giới trí thức mới phục vụ cho chế độ với tiêu chí “hồng hơn chuyên”! Đó là lý do những nhà trí thức có trước ngày 30/04/1975 phải đành yên lặng sống cuộc đời còn lại với những ngành nghề không cần đến tri thức, có khi họ phải “è ạch” với những xe thồ than, sành sứ, đậu đi bán lậu để có tiền cho gia đình sinh sống trong cơn kinh tế khốn khó mọi bề! Hoặc họ chìm vào những cơn “thất chí” cùng rượu say, nãn chí cuộc đời! Các cuộc học “Chính trị” được tiến hành từ thôn quê cho đến thành thị, giáo viên chúng tôi cũng đi vào khóa học “Chính trị Hè” vì được tổ chức vào mùa Hè trước khi bắt đầu cho một năm học mới. Rốt cuộc mọi người đều có một luận điệu như nhau, giống như các anh “chi viện” được miền Bắc đưa vào! Đó là chưa kể đến các em con gia đình của viên chức lớn trong chế độ cũ phải nghỉ học vì “bị đánh rơi” trong các kỳ thi, trong khi cha phải đi “học tập cải tạo” chưa biết ngày về!

Không biết xã hội Liên Xô ngày xưa tổ chức ra sao, nhưng tôi nghĩ nó không khác với ở Việt Nam mấy, vì mô hình ở Liên Xô là mô hình mẫu mực cho các nước khác noi theo. May mắn cho tôi trong chuyến đi nầy là tôi đã đến được nước Nga “Mẹ Gấu” vĩ đại để nhìn, để nghe mà hiểu được phần nào thành quả của “Chủ Nghĩa Xã Hội” trong những thời gian trước, trước khi khối Cộng Sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Và chúng tôi đang được chuyến máy bay nầy sẽ đưa chúng tôi đến một vùng khác của khối Xã Hội Chủ Nghĩa Đông Âu để tìm hiểu thêm điều mà tôi “không hề dự trù trước”! Rồi từ những suy nghĩ như thế nầy, tôi mới nhìn lại lịch trình của chuyến đi thì ra tôi sẽ được đi từ Nga, sang vùng Đông Đức, đến Công Hòa Séc, Slovakia, Ba lan, Hung ga ri, Áo và trở lại Đức (Munich) để hoàn tất cuộc hành trình. Như vậy hầu hết các nơi đều là những xứ Cộng Sản xưa, nó sẽ làm cho tôi chú ý  hơn nhiều, dù rằng trước khi đi tôi dự trù không viết cho chuyến đi nầy nữa vì tôi đã xem vài cái “vlogs du lịch” trước đó, và tôi cảm thấy cái viết trở nên “không hấp dẫn” và thiếu sót khá nhiều! Nhưng rồi khi đến Moscow, sau khi nghe Bà Hướng Dẫn người Nga thuyết minh vài chi tiết thì tôi lại muốn ghi lại vài điều, nhưng vẫn chưa sốt sắng lắm. Và sau khi nghe cô nàng Hướng Dẫn ở Saint Peterbourg nói “Biết đâu sau nầy Thành Phố Saint Peterbourg có thể đổi tên lại là Putingrad không chừng”, thì tôi lại có ý tưởng ghi lại vài điều mà tôi đã có tìm hiểu trong quá khứ và để chứng nghiệm cho chúng trong khoảng thời gian nầy về những kiến thức ấy! Và tôi đang ghi lại chúng để mọi độc giả cùng xem chơi giống như là để tiêu khiển chứ không hẳn là “để biết” vì tôi không phải là nhà “nghiên kíu”, hay là “học thiệt” hoặc là chính trị “giả hiệu” để viết về những chủ thuyết và sự thực hành! Tất nhiên là tôi có nhiều suy nghĩ hay suy luận cho rất nhiều vấn đề mà chắc chắn là “sai bét”!

Như trên đã viết là do nơi tôi “không biết gì cả” khi phải dạy học trò về môn sử lớp 9 trong năm học đầu sau ngày 30/04/75, làm cho tôi cảm thấy “tự ái của mình dâng lên”, thế là tôi phải tự mình đi tìm tòi, học hỏi. Để rồi sau đó tôi lại lâm vào “lúng túng” với “Chủ Nghĩa Xã Hội” và “Xã Hội Chủ Nghĩa”, nhất là những từ ngữ của “Thời kỳ quá độ”. Ôi cha! Sao mà khó hiểu đến thế? May là trước đó tôi có biết đến chữ “Quá độ” trong ngôn ngữ Tàu, đồng thời có người đưa chúng tôi về chữ “Độ” trong Đạo Phật: “Độ” người qua sông, hay “qua bờ bên kia”. Từ đó tôi mới hiểu đơn giản hơn về từ “Quá độ”, “Quá độ” có nghĩa “đưa qua” là “chuyển sang” hay nói theo ngôn ngữ miền Nam trước kia “Thời kỳ quá độ” là “thời kỳ chuyển tiếp” từ “Chủ Nghĩa Tư Bản” để chuyển sang “Chế Độ Cộng Sản”. Nhưng muốn đến “Chủ Nghĩa Cộng Sản” (mà trong đó mọi người ở mọi nơi sống trong một Thế Giới Đại Đồng, ai cũng như ai, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, chính quyền tự tiêu vong, chỉ còn có một giai cấp công nhân với những nhà máy sản xuất dư thừa của cải vật chất cung ứng cho toàn xã hội mà từng con người được “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, ai cũng được săn sóc như nhau…), thì lại phải trải qua “giai đoạn chuyển tiếp” của chế độ “Xã Hội Chủ Nghĩa” tức là trong đó còn chế độ “Nhà Nước” (chuyên chính vô sản, trấn áp bằng bạo lực cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản) mà mọi người phải lao động theo câu “có làm có hưởng, không làm không hưởng”. Hai giai đoạn ấy mà Marx và Engels gọi là “Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học” qua sự kết hợp trên những kiến thức tiến bộ thời bấy giờ như “luận lý Biện chứng thần học của Hegel”, duy vật của Feuerbach, thuyết tiến hóa của Lamarck và Darwin, sự phát triển của khoa học, cuộc cách mạng kỹ nghệ, kỹ thuật… và nhiều phương diện nổi trội khác thời bấy giờ để xây dựng về một lý thuyết kinh tế đưa đến lý thuyết Cộng Sản Chủ Nghĩa sau đó, mà sau nầy nhiều người ví von là “Đỉnh cao trí tuệ của loài người”! Đó là những đơn giản mà tôi đã tìm hiểu được. Nhưng với những năm trải qua trong đời sống thực tế, tôi thấy lý lịch của mình sẽ ảnh hưởng con cháu đến hai ba đời sau, nên khi có dịp tôi dành liều chết “vượt biển, đào thoát” hi vọng tìm thấy tương lai sáng sủa cho chúng về sau nầy! Và khi được Chính phủ và nhân dân xứ Úc “nhân đạo” cho tôi được định cư thì tôi mới ngỡ ngàng: “Xứ người ta vẫn tự do, vẫn hưởng mọi điều làm người, vẫn được quyền nói, đi lại khắp nơi trong xứ hay sống nơi đâu, không phải bị gò bó, gây khó khăn gì cả, mà họ vẫn xây dựng được những điều của xã hội như người Cộng Sản mơ ước. Người ta đâu phải bắt buộc, o ép người dân, họ không cần bạo lực cách mạng, không cần phải tổ chức chính quyền như Cộng Sản mà mọi người dân vẫn yên bình được hưởng một nền giáo dục không tốn tiền, một hệ thống y tế miễn phí, người già, tàn tật, kẻ neo đơn được chăm sóc đặc biệt mà không phải hối lộ hay lo lót”. Sau nầy tôi mới biết thêm các xứ Bắc Âu khác cũng giống như vậy, có nơi lại tốt hơn. Tôi thường hay thắc mắc, và sau khi thắc mắc thì tôi lại hay đặt vấn đề để tìm hiểu, truy cứu: “Vì sao”? Có lẽ vì vậy khi kể lại chuyện nầy tôi thường hay “lan man”, cũng như tôi đã phải nghĩ lan man trong suốt chuyến bay nầy.

Trong vài chuyến mà tôi đã có dịp đi, tôi học được nhiều thứ mà mỗi nơi đưa lại cho tôi một ít ngoài cảnh vật, môi trường, cũng như đời sống, sinh hoạt của người dân; đồng thời nó cũng giúp tôi nhớ lại những điều về địa lý mà tôi đã học được lúc còn trên ghế nhà trường. Tôi cũng không hiểu sao lúc đó tôi lại nhớ về những điều xa xôi ấy mặc dù trí nhớ tôi đã từng là rất tệ ngay cả chỉ bốn câu thơ mà tôi cũng không thuộc được! Thì trong chuyến đi nầy tôi lại nhớ về những mớ lý thuyết mà tôi đã đọc và hiểu được “bấp bỏm” để lý giải vì sao “cái Chủ Nghĩa, Chế độ ấy bị sụp đổ sau hơn 70 năm cai trị”. Tất nhiên điều tôi viết ra đây chỉ là “nhìn thấy, suy luận” thôi, chứ nó chẳng là “đúng” một chút nào! Do đó, độc giả đọc chơi cho vui chứ đừng nghĩ tôi làm một cuộc gì đó ghê gớm để rồi bình phẩm, phê phán, mà phải phí công, tốn thì giờ.

Tôi lại nghĩ không lẽ từ khi lý thuyết Cộng Sản ra đời thì bên thế giới Tư bản, tự do người ta đã thấy những điều khiếm khuyết để rồi họ tự thay đổi, chuyển biến cho nó tốt hơn, nhất là sau Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, khi hệ thống Cộng Sản phát triển ở Đông Âu và một phần ở Á Châu (Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên); lại thêm phong trào giành độc lập ở những nước thuộc địa khiến cho giới Tư bản phải cổ phần hóa để có thêm phần “làm chủ tập thể”, có những “công đoàn” trong các xí nghiệp để bênh vực cho quyền lợi công nhân và “hệ thống an sinh xã hội” để san xẻ, giúp đỡ cho giới nghèo khổ, tàn tật, cô đơn; nhất là hệ thống y tế, giáo dục không phải tốn tiền cho mọi người. Có lẽ chính các điều ấy đã cho tôi thấy cách tổ chức ở xã hội Úc khi tôi mới đến, có hình thức mà những người Cộng Sản mơ ước để tiến đến như vậy, dù họ không phải tổ chức hệ thống chính quyền chuyên chế, đàn áp bằng bạo lực cách mạng, tập trung quyền lực giống như các Nhà Nước Cộng Sản đã làm! Hay là sự chấm dứt chế độ thuộc địa và Chủ Nghĩa Thực Dân, Đế Quốc mà Marx đã xem là giai đoạn tột cùng của Tư Bản, khiến Tư Bản phải thay đổi để thích nghi và tồn tại? Nhất là mọi người dân không phải học chính trị, và là chính trị một chiều để trong thời gian nào đó họ trở thành những con người cùng một tư tưởng, một luận điệu, ngôn ngữ, hành động như nhau, giống như là những con “robot” được sản xuất từ một nhà máy vĩ đại và cài chung một “phần mềm”!

Có lẽ những “ghi nhận” của tôi có thể không chính xác, rất là thô thiển, đơn giản vì tôi chỉ nhìn được qua khía cạnh của người dân thường không có nhiều tri thức hoặc là nhận thức chuyên môn. Và tôi chỉ là người có nhiều thắc mắc về “Một Chủ Nghĩa được coi là có lý tưởng tốt đẹp mà tại sao khi thực hiện ở nơi nào thì nơi đó người dân có đời sống khốn khổ hơn trước nhiều, đồng thời người ta phải trốn chạy, rời xa nơi đó”, mà chuyến đi lần nầy nó khiến cho tôi có thể có thêm phần nào suy luận để “giải mả” vấn đề!

Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy những tia sáng mặt trời bị mờ hẳn, thì ra máy bay đang hạ thấp độ cao và chìm vào trong các tầng mây dày đặc. Và rồi tiếng loa cho biết là máy bay đang chuẩn bị đáp xuống, nhân viên yêu cầu hành khách thực hiện các điều kiện cần thiết kéo tôi ra những suy nghĩ lan man mà tôi đang chìm vào. Thông thường trong nhiều chuyến bay tôi không phải “bận rộn” đầu óc như thế nầy, có lẽ do nơi máy bay nầy phát xuất từ nước Nga, cái chữ “Nga” đó khiến tôi lại nhớ về cái Chủ Nghĩa mà Nga hay đúng hơn là Liên Xô đã từng áp dụng, đã từng là mô hình cho nhiều nước Cộng Sản trên thế giới thực hiện theo trong nhiều năm, bỗng chốc đã sụp đổ ở vào thời gian rất ngắn, và ngay cả các đoàn du lịch không đưa khách đến các nơi còn hình ảnh chứng tích của những “Cha đẻ” đã sinh ra, thiết kế mẫu hình của Nhà Nước cùng chế độ ấy! Đó là điều khá ngạc nhiên, hay là dân Nga đã sợ chế độ ấy quá rồi không bao giờ muốn quay trở lại nữa!

 

Nguyên Thảo,

02/08/2020.

 

 

 


Thursday, August 6, 2020

*Quê Người! (34)


Nhà chúng tôi mướn là cái nhà đâu lưng với hông nhà của ông chủ người Ý ở phía sau. Cặp vợ chồng nầy đến Úc đã được hơn 18 năm, chồng làm nghề sửa xe, bán xăng; vợ trước kia làm nghề uốn tóc, nay không còn làm nữa mà chỉ làm việc nhà và đưa các con đi học. Họ đã mua được mấy cái nhà và dãy flat gồm có bốn căn cho mướn. Ngày nọ, Trọng nhờ ông qua xem dùm cái xe có cần sửa vài thứ gì đó không? Sau thì ông hỏi chúng tôi có muốn mua xe không vì ông có hai ông bà già người Úc quen biết có cái xe muốn bán mà ông biết máy còn rất tốt vì do ông đã từng sửa xe đó, chỉ giá 200 đô thôi. Tôi thì chưa tính, nhưng Thành thì tính mua để sau nầy có thể học lái dễ hơn, nên chúng tôi cùng nhau theo ông chủ nhà đến đó xem xe thế nào. Cuối cùng, Thành quyết định mua vì với giá đó cũng được rồi mà máy cũng được. Đem xe về chúng tôi phải hút bụi, lông chó, xịt chất thơm cho bớt mùi vì hai ông bà già người Úc lâu ngày không sử dụng chỉ để cho chó lên xuống thôi. Trọng nói cũng được vì sau nầy học lái xe đến khi có bằng lái cũng đủ lời rồi.

Một hôm Bob đến chơi và cho biết là hãng tiện ở gần ngoài city (trung tâm thành phố) có nhu cầu đang cần người, Bob hỏi Thành muốn đi làm chưa? Thành nói muốn, Bob hẹn tối mai sẽ đến đưa cho Thành một cái thư để Thành có thể đi xin việc làm dễ hơn. Tối sau, Bob đến và đưa thư cho Thành, thư không dán cho nên sau khi Bob về, chúng tôi mở thư ra coi; thì ra đó là thư giới thiệu của Bob đến ông chủ hãng hay người quản lý mà Bob ký là J.P (Justice of Peace) tức là Chức vụ của những người Công chứng Thị thực ký các giấy tờ của bên ngành toà án. Ngay sáng hôm sau Thành cầm cái thư ấy, và Trọng chở Thành xuống đó để xin việc làm. Chủ hãng xem thư xong, nhận cho Thành vào đầu tuần sau bắt đầu vào làm. Thế là Thành phải lo chuẩn bị sắm sửa đồ đạc để đi làm và đi mua một chiếc xe đạp để cỡi đi vì chưa lái xe được, còn đón xe buýt thì quá tốn thì giờ và thời tiết bây giờ hãy còn lạnh nhiều! Chiếc xe đạp mới giá 170 đô Úc, nhưng nó cũng thích như vậy!

Vào thời gian nầy chúng tôi có nhều thay đổi: Từ việc Thành chuẩn bị đi làm, rồi chị Yến lại sanh em bé trai, nên chúng tôi phải cùng nhau lo ăn uống lẫn lo cho chị Yến ở trong nhà thương. Nhưng khoảnh khắc ấy không lâu, chỉ ba ngày rồi chị Yến về nhà. Một hôm, Joeff đến chơi với tôi đưa cho tôi một cuốn sách tập đọc của một lớp học ở trường Tiểu học Prospect để có thể giúp cho tôi học Tiếng Anh cho dễ. Tôi ráng cố gắng để đọc cho đúng giọng theo hướng dẫn của Joeff, nhưng thấy không dễ dàng vì giọng của mình cứng nhắc, nhất là cách phát âm từ một ngôn ngữ độc âm thì khó có thể mềm dẽo như trong ngôn ngữ đa âm; do đó tôi lại thấy cách luyện giọng theo kiểu của cô Helena trước kia là có lý hơn cả. Nếu trong cách nói Tiếng Việt của tôi được nhanh nhẹn thì sự luyện âm sẽ tương đối dễ dàng và nhanh, còn vì tôi nói Tiếng Việt đã chậm nên có nhiều trở ngại trong vấn đề học Tiếng Anh. Nhưng dù thế nào, tôi cũng phải cố gắng để khỏi phải phụ lòng Joeff. Lần nầy, Joeff thổ lộ với tôi là ngày trước khi còn học trên Đại Học Joeff gia nhập vào Đảng Cộng Sản Úc, đã được là Đảng Viên và cũng từng biểu tình chống đối chiến tranh Việt Nam, nhưng nay Joeff thay đổi và từ bỏ Đảng Cộng Sản rồi. Tôi không có ý kiến gì về việc đó, nhưng điều ấy cho tôi biết là Joeff nhận tôi làm bạn hay là cho Hiếu cũng như hai người nữ trẻ chia phòng ở nhà là có thể Joeff muốn tìm hiểu rõ hơn về Chủ Nghĩa Cộng Sản, cái Chủ Nghĩa mà Joeff đã nhận làm lý tưởng của mình trong thời gian bao năm. Tôi cũng từng biết nhiều người thuộc giới trí thức họ cũng từng có lý tưởng Xã Hội hay Cộng Sản trước kia, nhưng khi Miền Nam được Giải Phóng hay đúng hơn là bị người Cộng Sản thống trị thì mọi sự khiến họ “bật ngữa” để nhìn được sự thật, và rồi họ phải từ giã chính quê hương mình rất sớm. Còn tôi phải tìm hiểu trong thời gian khá dài cũng do nơi môn học mình phải dạy, để rồi thấy mình may mắn còn có cơ hội “liều sống, liều chết mà vượt biển” hầu tìm tương lai cho con cháu về sau nầy. Tôi cũng phải cám ơn đất nước, người Úc đã cho tôi một vùng đất dung thân! Quê hương người đùm bọc, trong khi chính quê hương mình lại ruồng bỏ!

Bây giờ sau khi tiếp xúc với những người “đào tị” từ xứ Cộng Sản, Joeff cũng hiểu được phần nào về cái Chủ Nghĩa mà Joeff đã ôm ấp “lý tưởng” từ lâu. Tôi nghĩ Joeff cũng như bao nhiêu người “trí thức” khác thôi, cái lý tưởng “Chủ Nghĩa Cộng Sản” hấp dẫn về một xã hội “bình đẳng, không người bốc lột người, mọi người trên thế giới sẽ sống vui vẻ, sung sướng, ấm no, hạnh phúc trong một thế giới Đại Đồng không còn biên giới quốc gia; và dần thiết lập một Thiên Đàng thực tế nơi hạ giới nầy mà không cần đến một Thiên Đàng mơ tưởng trong các Tôn Giáo nữa”. Và cũng từ đây tôi mới hiểu: Có thể từ “lý do” đó mà Joeff kết bạn với anh em cô Anne người Chile để tìm hiểu về Chủ Nghĩa Xã Hội, Chủ Nghĩa Cộng Sản được áp dụng ở Chile qua các nhà lãnh đạo Allende, Pinochet. Nói chung lại, Joeff kết bạn với tôi hay những người khác để tìm hiểu về Chủ Nghĩa Xã Hội hay Cộng Sản của Marx-Engels mà Joeff đã theo đuổi nó trong thời gian trước xem thế nào, chủ trương tốt đẹp như thế đó mà tại sao dân chúng từ các nơi thực hiện chế độ ấy phải đào tị, xa lánh. Bây giờ, Joeff đã hiểu phần nào và từ bỏ nó mà hôm nay Joeff mới thố lộ với tôi, chứ từ trước tới giờ tôi cứ nghĩ là Joeff trợ giúp tôi như bao người Úc khác đã giúp cho người di dân thích ứng với xã hội Úc trong những thời gian khó khăn lúc ban đầu như Bob chẳng hạn!

Đã đến ngày Trọng được bằng lái xe chuyển sang bằng “Full”, tức là sau một năm thi đậu bằng “P” thì bằng được tự động chuyển sang Full, khi đó trên xe không cần gắn bảng chữ P trong xe ở đàng trước lẫn đàng sau nữa. Và lúc ấy Trọng có thể ngồi hướng dẫn hay dạy người quen, bạn bè, thân thuộc lái xe được; còn nếu dạy cho người khác lấy tiền như một nghề nghiệp thì phải trải qua kỳ thi khác để trở thành người dạy lái chuyên nghiệp có bằng chứng nhận đàng hoàng. Hôm đủ ngày để có bằng Full Trọng cho tôi và Thành hay: “Vậy là tao có thể ngồi chỉ cho tụi bây học lái xe được rồi”! Rồi cả bọn chúng tôi cùng chị Yến xúm nhau cười! Nói là làm, ngay ngày Chủ Nhật tuần đó, sau khi Trọng chở chúng tôi đi ăn phở dưới trụ sở của Cộng Đồng về là nó kêu tôi và Thành đi tập lái xe ngay. Nó chở tôi và Thành vào khu hãng ở Regency để học lái vì nơi đây vào cuối tuần các hãng nghỉ làm việc nên rất trống trải thuận tiện cho việc học lái xe. Khi vào đây thỉnh thoảng cũng có vài xe đang học lái giống như tôi và Thành, vì chỉ cần nhìn xe đang chạy chầm chậm, trên xe lại có gắn bảng chữ “L” là biết liền.

Ở đây, tôi muốn viết một ít về Cộng Đồng và cái quán phở ở đó. Gọi tắt “Cộng Đồng” là nói đến một cái nhà được mướn để làm Trụ sở chung cho một Cộng Đồng mới toanh chỉ mới mấy năm nay thôi. Nếu sớm lắm cũng phải sau 30/04/1975, tức là cái thời kỳ mà người Việt bỏ nước ra đi khá nhiều để xa lìa, trốn chạy cái chế độ Cộng Sản, bởi trước đó rất ít người Việt Nam ở trên cái xứ Úc nầy, ngoại trừ những người đi du học hoặc là tự túc hay theo những chương trình học bỗng, nhưng số ấy không đáng kể. Từ sau 30/04 người Việt đi ra nước ngoài phần lớn sang Mỹ, còn đến xứ Úc thường là được phái đoàn Úc nhận người tị nạn từ các trại ở Thái lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Hồng Kông hay Singapore hoặc một số ít đi tàu đến thẳng đất Úc. Mỗi năm số người đến các Tiểu bang của Úc đông hơn, vì nhu cầu nên người ta thành lập Cộng Đồng để chung nhau lại hay giúp đỡ cho nhau qua sự tài trợ của Chính Phủ Tiểu bang. Lúc đầu Cộng Đồng được mang tên là Cộng Đồng người Việt Nam ở hải ngoại, nhưng về sau người ta sợ có sự lầm lẫn giữa Cộng Đồng của người Tị nạn với vài tổ chức khác, do đó để phân biệt, nhất là về lập trường chính trị người ta đổi tên lại là “Cộng Đồng người Việt tự do”, ở Tiểu bang nào thì thêm tên Tiểu bang đó vào phía sau như “Cộng Đồng người Việt Tự do Nam Úc” chẳng hạn. Để có chỗ sinh hoạt, làm việc thì người ta mướn căn nhà nào đó để làm Trụ sở, mướn nhân viên hay nhận người Thiện nguyện vào làm. Chính nơi đó được cho người có khả năng “nấu phở” để phục vụ người trong Cộng Đồng đến vừa ăn, vừa gặp nhau vui vẻ vào cuối tuần mà người ta gọi một cái tên nôm na là “Quán phở Cộng Đồng”. Tất nhiên quán phở phải được hợp pháp hóa thủ tục về quán ăn, nhà hàng theo tiêu chuẩn điều kiện của Tiểu bang mới có thể buôn bán được; còn chuyện người bán có thể do Ban Chấp Hành Cộng Đồng tổ chức hay là đấu thầu là chuyện khác.

Trước khi bắt đầu vào thực tập lái, Trọng hướng dẫn cho tôi và Thành về những bộ phận của xe về thắng, ga, ămbada, cách nổ máy. Tất nhiên lần đầu tiên, nhất lại là xe có số tay nên rất khó khăn mà thuần thục được. Sau chừng gần tiếng đồng hồ loay hoay với chiếc xe Trọng thấy tôi, Thành còn khá nhiều lọng cọng nên nói: “Thôi ngưng, kỳ nầy để về nhà tập làm trên xe mới mua của thằng Thành cho quen rồi mấy bữa sau có rảnh thì tao sẽ tập cho tụi bây”! Thế là xúm nhau lên xe đi về. Đây là lần đầu tiên mà tôi ngồi chỗ tay lái để điều khiển một chiếc xe.

Tôi biết rằng mình cần phải lái được xe vì ở xứ nầy mà không biết lái xe sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề đi lại, cũng như khi đi làm. Chiếc xe hơi trên xứ nầy rất cần thiết cho cuộc sống mà chiếc xe đạp, hay xe gắn máy không thể thay thế được vì do thời tiết và đường xa. Mình có thể dùng xe đạp để đi nơi gần nhưng khi nóng thì trời quá nóng, khi lạnh thì quá lạnh mình không thể chịu nỗi. Còn với xe gắn máy thì rất là nguy hiểm mà Trọng đã có lần suýt gặp phải tai nạn khi gặp trời mưa, thế nên nó nói: “Mình đi xe hơi nếu gặp tai nạn thì dù sao khung xe vẫn bảo vệ an toàn cho mình hơn là đi xe gắn máy”. Tôi nhận thấy điều nhận xét của Trọng thật là có lý, nên tôi không hề nghĩ về chiếc xe gắn máy! Nhưng để lái được một chiếc xe hơi thì phải cố gắng học lái cho thuần thục, trước khi thi để qua được kỳ khảo thí mà nhiều người dù lái giỏi ở Việt Nam mà vẫn bị rớt qua nhiều kỳ thi. Chính vì vậy mà tôi phải cố gắng rút ngắn thời gian để mình có thể có được sự thoải máy trong việc đi đây đi đó và cho việc đi làm về sau nầy. Thành thì nó còn trẻ nên việc lấy xe đạp đi làm vẫn có nhiều thích thú với nó dù thời tiết bây giờ hãy còn lạnh lẽo. Có một điều tôi hơi lo ngại là về cặp mắt của mình khi thị lực của chúng còn bị rất yếu từ những năm tôi uống thuốc để trị nám phổi sau thời gian học ở trường Sư Phạm Sài Gòn. Từ đó tôi đã cố gắng luyện tập cho chúng, tập trung thị lực ngay cả những lúc đi vào ban đêm dạy bổ túc văn hóa tại xã Bình Chuẩn hay đi trực lúc còn ở trường Hưng Định ở Búng. Nhưng chỉ là đỡ được chút ít chứ không hoàn toàn khá hẳn. Với cái nhìn mà hình ảnh chập chờn của cặp mắt có thể sẽ gây ảnh hưởng cho tôi trong vấn đề tập lái xe, nhưng tôi vẫn phải cố gắng, vì ở xứ nầy cần thiết là phải biết lái và sở hữu một chiếc xe hơi dù tốt hay xấu, mới hay cũ! Tôi phải cố gắng rất nhiều để vượt qua!

 

Nguyên Thảo,

19/06/2020.