Wednesday, August 12, 2020

*Đất Lành Chim Đậu!

 

Thú thật là ngày xưa tôi không hiểu rõ câu tục ngữ “Đất lành chim đậu” là nghĩa như thế nào, mà chỉ hiểu một cách loáng thoáng, lờ mờ: Thế nào gọi là “đất lành”, và sao gọi là “đất không lành”? Rồi sau đó, tôi lại học được một câu khác nữa là “Lúa thóc đâu, bồ câu tới đó”, thì tôi mới hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ trước thêm một chút. Từ đó tôi tự thấy mình quá “chậm tiêu”, “thật là đần độn, thiếu thông minh, chậm hiểu vô cùng”! Nhưng có lẽ trời đã sinh ra mình như vậy, nên tôi cũng an phận, thủ thường, không hề oán trách, buồn tủi và cố gắng tìm cách khắc phục những gì mà mình không có!

Khắc phục là một chuyện mà kết quả như thế nào lại là chuyện khác. Và kết quả của tôi chỉ được một phần nào đó thôi, vì vốn dĩ mình chẳng là người thông minh. Thôi thì được bao nhiêu hay bấy nhiêu! Một hôm đi trên đường đến chỗ có khá nhiều bồ câu đang cúi mổ thì tôi lại nghĩ đến chúng đang ăn những gì đó rơi rải trên mặt đường cũng như lúc còn nhỏ khi phơi đậu xanh tôi phải vật vã với các đàn bồ câu lắm lắm. Ừ! Nơi nào có thức ăn bồ câu thấy được thì nó tới. Chúng thật giỏi vì đó là bản năng của chúng. Trời sinh ra, chúng bay trên trời mà thấy ở dưới đất mới thật là hay, còn con người nhiều lúc đi đến nơi mà vẫn chưa thấy. Tính ra loài người thua loài vật khá nhiều!

Hồi còn đi học tôi có đọc một câu chuyện kể lại chuyện ngày xửa ngày xưa: Người của một nước nọ trong điều kiện ly loạn đi sang một nước khác, họ sống cuộc đời không được hiền lương, nên sau khi bị bắt, người ta bình phẩm là tại điều kiện ở nước sau nầy đã làm cho nhân tính người thay đổi vì thế mà người ấy đã có hành vi như vậy. Điều ấy làm cho tôi có thể hiểu được là hoàn cảnh khiến cho con người có tâm tính khác nhau, giống như những đứa trẻ lớn lên trong môi trường xã hội như thế nào thì thường thích nghi và có tập tánh với môi trường ấy. Đó là chưa kể đến nền giáo dục ảnh hưởng đến họ. Nơi nào có nền giáo dục tốt thì con người được có nhiều tính tốt, hiền lương, nhân hậu, nghĩ đến người nhiều hơn; còn nơi nào mà nền giáo dục tồi tệ thì đạo đức con người bị suy đồi, bạo lực, tệ nạn sản sinh và người trở nên ích kỷ, hèn hạ, gây cho xã hội một sự nhiễu nhương, hỗn loạn đầy những bất an; cuộc sống của người dân có nhiều nỗi lo âu, bấp bênh thiếu ổn định. Rồi qua nhiều thời gian lăn lóc trong cuộc đời, tôi cũng thấm hiểu được chút nào cái “ý nghĩa” trong cuộc sống trần gian đầy âm mưu, gian trá của một chốn gọi là “đấu tranh cho sự sinh tồn” nầy. Không một ai tránh khỏi đôi lần mình phải tận dụng trí não để cạnh tranh trong đời sống, chống chọi với những đe dọa, áp bức, bất công và đôi khi mình phải hơi “không đàng hoàng” một tí! Hoàn cảnh khiến mình phải nương theo để mà sống, giữ an toàn cho mình mà thiên hạ đã nói rằng: “Khôn sống, mống chết”. Ôi cái sống sao mà khó đến thế! Và do vậy mà người ta cũng chẳng hề trách người phải dời từ chỗ nầy sang chỗ khác để được một cuộc sống bình yên. Nói chung lại, làm con người ai cũng muốn tìm cho mình một cuộc sống yên lành, hạnh phúc, ấm no, “được sung sướng mà không phải cực khổ, lam lụ”. Cái điều sau cùng nầy mới là cỗi nguồn của nhiều điều nhức nhối trong xã hội loài người!

Nếu ngày xưa có những quốc gia muốn được giàu có đã dùng sức mạnh mình để đè bẹp các nước nhỏ hơn chiếm lấy của cải vật chất, bắt người dân các nước đó làm nô lệ phục dịch cho nước mình; hay ép những kẻ hèn kém, thế cô cung phụng quyền lợi riêng cho họ bằng vũ lực, tất cả cũng vì lòng tham mà ra. Với cái lòng tham thiên nhiên ban tặng, cộng với tính tránh né “làm lụng cực khổ” mà theo thế gian gọi là “quyền lợi thì đến, bổn phận thì đi” nên con người đã lợi dụng lẫn nhau, đưa đến sự chia rẽ từ lúc ban đầu trong một xã hội được coi là “Xã hội nguyên thủy”!

Cũng trong một tinh thần “ham lợi” ấy mà nhiều chế độ càng “bốc lột” tăng tốc theo sự phát triển và lớn mạnh của xã hội loài người như các giai đoạn của chế độ Phong Kiến, rồi Tư Bản, Thực Dân, Độc Tài. Sự Bốc Lột trở nên không còn nữa, và giai đoạn khác mà người “dân ngu cu đen” gọi là “Ngày trước người ta đã “lột” sẵn rồi, bây giờ chỉ cần “bốc lủm” thôi! Ôi! Dù là một câu nói “ví von”, nhưng quả thật đúng vô cùng! Và rồi đưa đến một tình trạng, người ta sống không nỗi trong một chế độ nào đó thì người ta phải làm cuộc “đào tẩu” sang nơi khác, giống như những con chim đi tìm “đất lành” để đậu, và nơi “đất xấu thì chim bay”. Và biết đâu nơi sau nầy là nơi chấp cánh để chim có thể bay lượn trên trời cao, khoe tài cùng thiên hạ khiến cho “nơi sản sinh” ra nó phải suy nghĩ, chạnh lòng!

 

Đồ Ngông,

13/08/2020.

 

 

 


No comments:

Post a Comment