Friday, August 7, 2020

*Sang Đức. (2)

 

Máy bay lên cao mang đoàn chúng tôi cùng bao nhiêu hành khách trên đường đến Thành phố Berlin, rời đất nước của Lénin, Stalin giống như Liên Bang Nga xa rời một Chủ Nghĩa lỗi thời của “Thời Liên Xô vang bóng”! Trong khi đó đầu óc tôi cứ lởn vởn cái Chủ Nghĩa Xã Hội, Xã Hội Chủ Nghĩa cùng cái Chủ Nghĩa Cộng Sản mà tôi bị rối mù sau ngày 30/04/75 khi tôi phải dạy cho học trò cái môn Sử lớp 9. Lúc ấy học trò cứ mãi hỏi tôi về vấn đề ấy lẫn “Sao gọi là Xô-Viết Nghệ Tĩnh?”, tôi phải đành xin lỗi học trò tôi chẳng biết gì cả! Từ đó, tôi tự thấy mình “Chưa xứng đáng trên kiến thức để dạy”. Sau đó, tôi phải tự tìm tòi, ráng vận dụng mọi kiến thức tôi có để hiểu khi đọc những sách có bán trên thị trường vào lúc bấy giờ. Vượt mọi từ ngữ khó hiểu, hình ảnh không có trên thực tế, cùng những hình ảnh tôi phải tưởng tượng qua những trang sách mà tôi cố đọc. Sự chật vật của tôi kéo trong thời gian dài. Lý thuyết không như thực tế, lúc đó tôi mới hiểu câu của anh bạn tôi nói lúc trước: “Giới trí thức tiếp nhận lý thuyết Cộng Sản nhanh chóng, nhưng họ cũng sớm bất mãn”. Mà thực vậy, lý thuyết là chuyện “Nói ở trên trời, nhưng thực hành lại là chuyện dưới đất” thì người ta không ngờ vực sao được, cùng những bước tiến hành cải cách xã hội trên thực tế như đưa xã hội, đời sống của dân chúng vào những hoàn cảnh khó khăn nhất, thiếu thốn mọi nhu cầu; mọi sinh hoạt về con người đều bị gò bó và người trí thức không còn được chú ý, trọng vọng, đôi khi còn bị nghi kỵ, kiềm chế, theo dõi vì tư tưởng mà họ có trước kia. Trí thức bây giờ trở thành những phế liệu đem chất trong kho vì không hợp thời, và phải đợi vài chục năm sau khi đào tạo cho được giới trí thức mới phục vụ cho chế độ với tiêu chí “hồng hơn chuyên”! Đó là lý do những nhà trí thức có trước ngày 30/04/1975 phải đành yên lặng sống cuộc đời còn lại với những ngành nghề không cần đến tri thức, có khi họ phải “è ạch” với những xe thồ than, sành sứ, đậu đi bán lậu để có tiền cho gia đình sinh sống trong cơn kinh tế khốn khó mọi bề! Hoặc họ chìm vào những cơn “thất chí” cùng rượu say, nãn chí cuộc đời! Các cuộc học “Chính trị” được tiến hành từ thôn quê cho đến thành thị, giáo viên chúng tôi cũng đi vào khóa học “Chính trị Hè” vì được tổ chức vào mùa Hè trước khi bắt đầu cho một năm học mới. Rốt cuộc mọi người đều có một luận điệu như nhau, giống như các anh “chi viện” được miền Bắc đưa vào! Đó là chưa kể đến các em con gia đình của viên chức lớn trong chế độ cũ phải nghỉ học vì “bị đánh rơi” trong các kỳ thi, trong khi cha phải đi “học tập cải tạo” chưa biết ngày về!

Không biết xã hội Liên Xô ngày xưa tổ chức ra sao, nhưng tôi nghĩ nó không khác với ở Việt Nam mấy, vì mô hình ở Liên Xô là mô hình mẫu mực cho các nước khác noi theo. May mắn cho tôi trong chuyến đi nầy là tôi đã đến được nước Nga “Mẹ Gấu” vĩ đại để nhìn, để nghe mà hiểu được phần nào thành quả của “Chủ Nghĩa Xã Hội” trong những thời gian trước, trước khi khối Cộng Sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Và chúng tôi đang được chuyến máy bay nầy sẽ đưa chúng tôi đến một vùng khác của khối Xã Hội Chủ Nghĩa Đông Âu để tìm hiểu thêm điều mà tôi “không hề dự trù trước”! Rồi từ những suy nghĩ như thế nầy, tôi mới nhìn lại lịch trình của chuyến đi thì ra tôi sẽ được đi từ Nga, sang vùng Đông Đức, đến Công Hòa Séc, Slovakia, Ba lan, Hung ga ri, Áo và trở lại Đức (Munich) để hoàn tất cuộc hành trình. Như vậy hầu hết các nơi đều là những xứ Cộng Sản xưa, nó sẽ làm cho tôi chú ý  hơn nhiều, dù rằng trước khi đi tôi dự trù không viết cho chuyến đi nầy nữa vì tôi đã xem vài cái “vlogs du lịch” trước đó, và tôi cảm thấy cái viết trở nên “không hấp dẫn” và thiếu sót khá nhiều! Nhưng rồi khi đến Moscow, sau khi nghe Bà Hướng Dẫn người Nga thuyết minh vài chi tiết thì tôi lại muốn ghi lại vài điều, nhưng vẫn chưa sốt sắng lắm. Và sau khi nghe cô nàng Hướng Dẫn ở Saint Peterbourg nói “Biết đâu sau nầy Thành Phố Saint Peterbourg có thể đổi tên lại là Putingrad không chừng”, thì tôi lại có ý tưởng ghi lại vài điều mà tôi đã có tìm hiểu trong quá khứ và để chứng nghiệm cho chúng trong khoảng thời gian nầy về những kiến thức ấy! Và tôi đang ghi lại chúng để mọi độc giả cùng xem chơi giống như là để tiêu khiển chứ không hẳn là “để biết” vì tôi không phải là nhà “nghiên kíu”, hay là “học thiệt” hoặc là chính trị “giả hiệu” để viết về những chủ thuyết và sự thực hành! Tất nhiên là tôi có nhiều suy nghĩ hay suy luận cho rất nhiều vấn đề mà chắc chắn là “sai bét”!

Như trên đã viết là do nơi tôi “không biết gì cả” khi phải dạy học trò về môn sử lớp 9 trong năm học đầu sau ngày 30/04/75, làm cho tôi cảm thấy “tự ái của mình dâng lên”, thế là tôi phải tự mình đi tìm tòi, học hỏi. Để rồi sau đó tôi lại lâm vào “lúng túng” với “Chủ Nghĩa Xã Hội” và “Xã Hội Chủ Nghĩa”, nhất là những từ ngữ của “Thời kỳ quá độ”. Ôi cha! Sao mà khó hiểu đến thế? May là trước đó tôi có biết đến chữ “Quá độ” trong ngôn ngữ Tàu, đồng thời có người đưa chúng tôi về chữ “Độ” trong Đạo Phật: “Độ” người qua sông, hay “qua bờ bên kia”. Từ đó tôi mới hiểu đơn giản hơn về từ “Quá độ”, “Quá độ” có nghĩa “đưa qua” là “chuyển sang” hay nói theo ngôn ngữ miền Nam trước kia “Thời kỳ quá độ” là “thời kỳ chuyển tiếp” từ “Chủ Nghĩa Tư Bản” để chuyển sang “Chế Độ Cộng Sản”. Nhưng muốn đến “Chủ Nghĩa Cộng Sản” (mà trong đó mọi người ở mọi nơi sống trong một Thế Giới Đại Đồng, ai cũng như ai, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, chính quyền tự tiêu vong, chỉ còn có một giai cấp công nhân với những nhà máy sản xuất dư thừa của cải vật chất cung ứng cho toàn xã hội mà từng con người được “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, ai cũng được săn sóc như nhau…), thì lại phải trải qua “giai đoạn chuyển tiếp” của chế độ “Xã Hội Chủ Nghĩa” tức là trong đó còn chế độ “Nhà Nước” (chuyên chính vô sản, trấn áp bằng bạo lực cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản) mà mọi người phải lao động theo câu “có làm có hưởng, không làm không hưởng”. Hai giai đoạn ấy mà Marx và Engels gọi là “Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học” qua sự kết hợp trên những kiến thức tiến bộ thời bấy giờ như “luận lý Biện chứng thần học của Hegel”, duy vật của Feuerbach, thuyết tiến hóa của Lamarck và Darwin, sự phát triển của khoa học, cuộc cách mạng kỹ nghệ, kỹ thuật… và nhiều phương diện nổi trội khác thời bấy giờ để xây dựng về một lý thuyết kinh tế đưa đến lý thuyết Cộng Sản Chủ Nghĩa sau đó, mà sau nầy nhiều người ví von là “Đỉnh cao trí tuệ của loài người”! Đó là những đơn giản mà tôi đã tìm hiểu được. Nhưng với những năm trải qua trong đời sống thực tế, tôi thấy lý lịch của mình sẽ ảnh hưởng con cháu đến hai ba đời sau, nên khi có dịp tôi dành liều chết “vượt biển, đào thoát” hi vọng tìm thấy tương lai sáng sủa cho chúng về sau nầy! Và khi được Chính phủ và nhân dân xứ Úc “nhân đạo” cho tôi được định cư thì tôi mới ngỡ ngàng: “Xứ người ta vẫn tự do, vẫn hưởng mọi điều làm người, vẫn được quyền nói, đi lại khắp nơi trong xứ hay sống nơi đâu, không phải bị gò bó, gây khó khăn gì cả, mà họ vẫn xây dựng được những điều của xã hội như người Cộng Sản mơ ước. Người ta đâu phải bắt buộc, o ép người dân, họ không cần bạo lực cách mạng, không cần phải tổ chức chính quyền như Cộng Sản mà mọi người dân vẫn yên bình được hưởng một nền giáo dục không tốn tiền, một hệ thống y tế miễn phí, người già, tàn tật, kẻ neo đơn được chăm sóc đặc biệt mà không phải hối lộ hay lo lót”. Sau nầy tôi mới biết thêm các xứ Bắc Âu khác cũng giống như vậy, có nơi lại tốt hơn. Tôi thường hay thắc mắc, và sau khi thắc mắc thì tôi lại hay đặt vấn đề để tìm hiểu, truy cứu: “Vì sao”? Có lẽ vì vậy khi kể lại chuyện nầy tôi thường hay “lan man”, cũng như tôi đã phải nghĩ lan man trong suốt chuyến bay nầy.

Trong vài chuyến mà tôi đã có dịp đi, tôi học được nhiều thứ mà mỗi nơi đưa lại cho tôi một ít ngoài cảnh vật, môi trường, cũng như đời sống, sinh hoạt của người dân; đồng thời nó cũng giúp tôi nhớ lại những điều về địa lý mà tôi đã học được lúc còn trên ghế nhà trường. Tôi cũng không hiểu sao lúc đó tôi lại nhớ về những điều xa xôi ấy mặc dù trí nhớ tôi đã từng là rất tệ ngay cả chỉ bốn câu thơ mà tôi cũng không thuộc được! Thì trong chuyến đi nầy tôi lại nhớ về những mớ lý thuyết mà tôi đã đọc và hiểu được “bấp bỏm” để lý giải vì sao “cái Chủ Nghĩa, Chế độ ấy bị sụp đổ sau hơn 70 năm cai trị”. Tất nhiên điều tôi viết ra đây chỉ là “nhìn thấy, suy luận” thôi, chứ nó chẳng là “đúng” một chút nào! Do đó, độc giả đọc chơi cho vui chứ đừng nghĩ tôi làm một cuộc gì đó ghê gớm để rồi bình phẩm, phê phán, mà phải phí công, tốn thì giờ.

Tôi lại nghĩ không lẽ từ khi lý thuyết Cộng Sản ra đời thì bên thế giới Tư bản, tự do người ta đã thấy những điều khiếm khuyết để rồi họ tự thay đổi, chuyển biến cho nó tốt hơn, nhất là sau Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, khi hệ thống Cộng Sản phát triển ở Đông Âu và một phần ở Á Châu (Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên); lại thêm phong trào giành độc lập ở những nước thuộc địa khiến cho giới Tư bản phải cổ phần hóa để có thêm phần “làm chủ tập thể”, có những “công đoàn” trong các xí nghiệp để bênh vực cho quyền lợi công nhân và “hệ thống an sinh xã hội” để san xẻ, giúp đỡ cho giới nghèo khổ, tàn tật, cô đơn; nhất là hệ thống y tế, giáo dục không phải tốn tiền cho mọi người. Có lẽ chính các điều ấy đã cho tôi thấy cách tổ chức ở xã hội Úc khi tôi mới đến, có hình thức mà những người Cộng Sản mơ ước để tiến đến như vậy, dù họ không phải tổ chức hệ thống chính quyền chuyên chế, đàn áp bằng bạo lực cách mạng, tập trung quyền lực giống như các Nhà Nước Cộng Sản đã làm! Hay là sự chấm dứt chế độ thuộc địa và Chủ Nghĩa Thực Dân, Đế Quốc mà Marx đã xem là giai đoạn tột cùng của Tư Bản, khiến Tư Bản phải thay đổi để thích nghi và tồn tại? Nhất là mọi người dân không phải học chính trị, và là chính trị một chiều để trong thời gian nào đó họ trở thành những con người cùng một tư tưởng, một luận điệu, ngôn ngữ, hành động như nhau, giống như là những con “robot” được sản xuất từ một nhà máy vĩ đại và cài chung một “phần mềm”!

Có lẽ những “ghi nhận” của tôi có thể không chính xác, rất là thô thiển, đơn giản vì tôi chỉ nhìn được qua khía cạnh của người dân thường không có nhiều tri thức hoặc là nhận thức chuyên môn. Và tôi chỉ là người có nhiều thắc mắc về “Một Chủ Nghĩa được coi là có lý tưởng tốt đẹp mà tại sao khi thực hiện ở nơi nào thì nơi đó người dân có đời sống khốn khổ hơn trước nhiều, đồng thời người ta phải trốn chạy, rời xa nơi đó”, mà chuyến đi lần nầy nó khiến cho tôi có thể có thêm phần nào suy luận để “giải mả” vấn đề!

Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy những tia sáng mặt trời bị mờ hẳn, thì ra máy bay đang hạ thấp độ cao và chìm vào trong các tầng mây dày đặc. Và rồi tiếng loa cho biết là máy bay đang chuẩn bị đáp xuống, nhân viên yêu cầu hành khách thực hiện các điều kiện cần thiết kéo tôi ra những suy nghĩ lan man mà tôi đang chìm vào. Thông thường trong nhiều chuyến bay tôi không phải “bận rộn” đầu óc như thế nầy, có lẽ do nơi máy bay nầy phát xuất từ nước Nga, cái chữ “Nga” đó khiến tôi lại nhớ về cái Chủ Nghĩa mà Nga hay đúng hơn là Liên Xô đã từng áp dụng, đã từng là mô hình cho nhiều nước Cộng Sản trên thế giới thực hiện theo trong nhiều năm, bỗng chốc đã sụp đổ ở vào thời gian rất ngắn, và ngay cả các đoàn du lịch không đưa khách đến các nơi còn hình ảnh chứng tích của những “Cha đẻ” đã sinh ra, thiết kế mẫu hình của Nhà Nước cùng chế độ ấy! Đó là điều khá ngạc nhiên, hay là dân Nga đã sợ chế độ ấy quá rồi không bao giờ muốn quay trở lại nữa!

 

Nguyên Thảo,

02/08/2020.

 

 

 


No comments:

Post a Comment