Thursday, August 6, 2020

*Quê Người! (34)


Nhà chúng tôi mướn là cái nhà đâu lưng với hông nhà của ông chủ người Ý ở phía sau. Cặp vợ chồng nầy đến Úc đã được hơn 18 năm, chồng làm nghề sửa xe, bán xăng; vợ trước kia làm nghề uốn tóc, nay không còn làm nữa mà chỉ làm việc nhà và đưa các con đi học. Họ đã mua được mấy cái nhà và dãy flat gồm có bốn căn cho mướn. Ngày nọ, Trọng nhờ ông qua xem dùm cái xe có cần sửa vài thứ gì đó không? Sau thì ông hỏi chúng tôi có muốn mua xe không vì ông có hai ông bà già người Úc quen biết có cái xe muốn bán mà ông biết máy còn rất tốt vì do ông đã từng sửa xe đó, chỉ giá 200 đô thôi. Tôi thì chưa tính, nhưng Thành thì tính mua để sau nầy có thể học lái dễ hơn, nên chúng tôi cùng nhau theo ông chủ nhà đến đó xem xe thế nào. Cuối cùng, Thành quyết định mua vì với giá đó cũng được rồi mà máy cũng được. Đem xe về chúng tôi phải hút bụi, lông chó, xịt chất thơm cho bớt mùi vì hai ông bà già người Úc lâu ngày không sử dụng chỉ để cho chó lên xuống thôi. Trọng nói cũng được vì sau nầy học lái xe đến khi có bằng lái cũng đủ lời rồi.

Một hôm Bob đến chơi và cho biết là hãng tiện ở gần ngoài city (trung tâm thành phố) có nhu cầu đang cần người, Bob hỏi Thành muốn đi làm chưa? Thành nói muốn, Bob hẹn tối mai sẽ đến đưa cho Thành một cái thư để Thành có thể đi xin việc làm dễ hơn. Tối sau, Bob đến và đưa thư cho Thành, thư không dán cho nên sau khi Bob về, chúng tôi mở thư ra coi; thì ra đó là thư giới thiệu của Bob đến ông chủ hãng hay người quản lý mà Bob ký là J.P (Justice of Peace) tức là Chức vụ của những người Công chứng Thị thực ký các giấy tờ của bên ngành toà án. Ngay sáng hôm sau Thành cầm cái thư ấy, và Trọng chở Thành xuống đó để xin việc làm. Chủ hãng xem thư xong, nhận cho Thành vào đầu tuần sau bắt đầu vào làm. Thế là Thành phải lo chuẩn bị sắm sửa đồ đạc để đi làm và đi mua một chiếc xe đạp để cỡi đi vì chưa lái xe được, còn đón xe buýt thì quá tốn thì giờ và thời tiết bây giờ hãy còn lạnh nhiều! Chiếc xe đạp mới giá 170 đô Úc, nhưng nó cũng thích như vậy!

Vào thời gian nầy chúng tôi có nhều thay đổi: Từ việc Thành chuẩn bị đi làm, rồi chị Yến lại sanh em bé trai, nên chúng tôi phải cùng nhau lo ăn uống lẫn lo cho chị Yến ở trong nhà thương. Nhưng khoảnh khắc ấy không lâu, chỉ ba ngày rồi chị Yến về nhà. Một hôm, Joeff đến chơi với tôi đưa cho tôi một cuốn sách tập đọc của một lớp học ở trường Tiểu học Prospect để có thể giúp cho tôi học Tiếng Anh cho dễ. Tôi ráng cố gắng để đọc cho đúng giọng theo hướng dẫn của Joeff, nhưng thấy không dễ dàng vì giọng của mình cứng nhắc, nhất là cách phát âm từ một ngôn ngữ độc âm thì khó có thể mềm dẽo như trong ngôn ngữ đa âm; do đó tôi lại thấy cách luyện giọng theo kiểu của cô Helena trước kia là có lý hơn cả. Nếu trong cách nói Tiếng Việt của tôi được nhanh nhẹn thì sự luyện âm sẽ tương đối dễ dàng và nhanh, còn vì tôi nói Tiếng Việt đã chậm nên có nhiều trở ngại trong vấn đề học Tiếng Anh. Nhưng dù thế nào, tôi cũng phải cố gắng để khỏi phải phụ lòng Joeff. Lần nầy, Joeff thổ lộ với tôi là ngày trước khi còn học trên Đại Học Joeff gia nhập vào Đảng Cộng Sản Úc, đã được là Đảng Viên và cũng từng biểu tình chống đối chiến tranh Việt Nam, nhưng nay Joeff thay đổi và từ bỏ Đảng Cộng Sản rồi. Tôi không có ý kiến gì về việc đó, nhưng điều ấy cho tôi biết là Joeff nhận tôi làm bạn hay là cho Hiếu cũng như hai người nữ trẻ chia phòng ở nhà là có thể Joeff muốn tìm hiểu rõ hơn về Chủ Nghĩa Cộng Sản, cái Chủ Nghĩa mà Joeff đã nhận làm lý tưởng của mình trong thời gian bao năm. Tôi cũng từng biết nhiều người thuộc giới trí thức họ cũng từng có lý tưởng Xã Hội hay Cộng Sản trước kia, nhưng khi Miền Nam được Giải Phóng hay đúng hơn là bị người Cộng Sản thống trị thì mọi sự khiến họ “bật ngữa” để nhìn được sự thật, và rồi họ phải từ giã chính quê hương mình rất sớm. Còn tôi phải tìm hiểu trong thời gian khá dài cũng do nơi môn học mình phải dạy, để rồi thấy mình may mắn còn có cơ hội “liều sống, liều chết mà vượt biển” hầu tìm tương lai cho con cháu về sau nầy. Tôi cũng phải cám ơn đất nước, người Úc đã cho tôi một vùng đất dung thân! Quê hương người đùm bọc, trong khi chính quê hương mình lại ruồng bỏ!

Bây giờ sau khi tiếp xúc với những người “đào tị” từ xứ Cộng Sản, Joeff cũng hiểu được phần nào về cái Chủ Nghĩa mà Joeff đã ôm ấp “lý tưởng” từ lâu. Tôi nghĩ Joeff cũng như bao nhiêu người “trí thức” khác thôi, cái lý tưởng “Chủ Nghĩa Cộng Sản” hấp dẫn về một xã hội “bình đẳng, không người bốc lột người, mọi người trên thế giới sẽ sống vui vẻ, sung sướng, ấm no, hạnh phúc trong một thế giới Đại Đồng không còn biên giới quốc gia; và dần thiết lập một Thiên Đàng thực tế nơi hạ giới nầy mà không cần đến một Thiên Đàng mơ tưởng trong các Tôn Giáo nữa”. Và cũng từ đây tôi mới hiểu: Có thể từ “lý do” đó mà Joeff kết bạn với anh em cô Anne người Chile để tìm hiểu về Chủ Nghĩa Xã Hội, Chủ Nghĩa Cộng Sản được áp dụng ở Chile qua các nhà lãnh đạo Allende, Pinochet. Nói chung lại, Joeff kết bạn với tôi hay những người khác để tìm hiểu về Chủ Nghĩa Xã Hội hay Cộng Sản của Marx-Engels mà Joeff đã theo đuổi nó trong thời gian trước xem thế nào, chủ trương tốt đẹp như thế đó mà tại sao dân chúng từ các nơi thực hiện chế độ ấy phải đào tị, xa lánh. Bây giờ, Joeff đã hiểu phần nào và từ bỏ nó mà hôm nay Joeff mới thố lộ với tôi, chứ từ trước tới giờ tôi cứ nghĩ là Joeff trợ giúp tôi như bao người Úc khác đã giúp cho người di dân thích ứng với xã hội Úc trong những thời gian khó khăn lúc ban đầu như Bob chẳng hạn!

Đã đến ngày Trọng được bằng lái xe chuyển sang bằng “Full”, tức là sau một năm thi đậu bằng “P” thì bằng được tự động chuyển sang Full, khi đó trên xe không cần gắn bảng chữ P trong xe ở đàng trước lẫn đàng sau nữa. Và lúc ấy Trọng có thể ngồi hướng dẫn hay dạy người quen, bạn bè, thân thuộc lái xe được; còn nếu dạy cho người khác lấy tiền như một nghề nghiệp thì phải trải qua kỳ thi khác để trở thành người dạy lái chuyên nghiệp có bằng chứng nhận đàng hoàng. Hôm đủ ngày để có bằng Full Trọng cho tôi và Thành hay: “Vậy là tao có thể ngồi chỉ cho tụi bây học lái xe được rồi”! Rồi cả bọn chúng tôi cùng chị Yến xúm nhau cười! Nói là làm, ngay ngày Chủ Nhật tuần đó, sau khi Trọng chở chúng tôi đi ăn phở dưới trụ sở của Cộng Đồng về là nó kêu tôi và Thành đi tập lái xe ngay. Nó chở tôi và Thành vào khu hãng ở Regency để học lái vì nơi đây vào cuối tuần các hãng nghỉ làm việc nên rất trống trải thuận tiện cho việc học lái xe. Khi vào đây thỉnh thoảng cũng có vài xe đang học lái giống như tôi và Thành, vì chỉ cần nhìn xe đang chạy chầm chậm, trên xe lại có gắn bảng chữ “L” là biết liền.

Ở đây, tôi muốn viết một ít về Cộng Đồng và cái quán phở ở đó. Gọi tắt “Cộng Đồng” là nói đến một cái nhà được mướn để làm Trụ sở chung cho một Cộng Đồng mới toanh chỉ mới mấy năm nay thôi. Nếu sớm lắm cũng phải sau 30/04/1975, tức là cái thời kỳ mà người Việt bỏ nước ra đi khá nhiều để xa lìa, trốn chạy cái chế độ Cộng Sản, bởi trước đó rất ít người Việt Nam ở trên cái xứ Úc nầy, ngoại trừ những người đi du học hoặc là tự túc hay theo những chương trình học bỗng, nhưng số ấy không đáng kể. Từ sau 30/04 người Việt đi ra nước ngoài phần lớn sang Mỹ, còn đến xứ Úc thường là được phái đoàn Úc nhận người tị nạn từ các trại ở Thái lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Hồng Kông hay Singapore hoặc một số ít đi tàu đến thẳng đất Úc. Mỗi năm số người đến các Tiểu bang của Úc đông hơn, vì nhu cầu nên người ta thành lập Cộng Đồng để chung nhau lại hay giúp đỡ cho nhau qua sự tài trợ của Chính Phủ Tiểu bang. Lúc đầu Cộng Đồng được mang tên là Cộng Đồng người Việt Nam ở hải ngoại, nhưng về sau người ta sợ có sự lầm lẫn giữa Cộng Đồng của người Tị nạn với vài tổ chức khác, do đó để phân biệt, nhất là về lập trường chính trị người ta đổi tên lại là “Cộng Đồng người Việt tự do”, ở Tiểu bang nào thì thêm tên Tiểu bang đó vào phía sau như “Cộng Đồng người Việt Tự do Nam Úc” chẳng hạn. Để có chỗ sinh hoạt, làm việc thì người ta mướn căn nhà nào đó để làm Trụ sở, mướn nhân viên hay nhận người Thiện nguyện vào làm. Chính nơi đó được cho người có khả năng “nấu phở” để phục vụ người trong Cộng Đồng đến vừa ăn, vừa gặp nhau vui vẻ vào cuối tuần mà người ta gọi một cái tên nôm na là “Quán phở Cộng Đồng”. Tất nhiên quán phở phải được hợp pháp hóa thủ tục về quán ăn, nhà hàng theo tiêu chuẩn điều kiện của Tiểu bang mới có thể buôn bán được; còn chuyện người bán có thể do Ban Chấp Hành Cộng Đồng tổ chức hay là đấu thầu là chuyện khác.

Trước khi bắt đầu vào thực tập lái, Trọng hướng dẫn cho tôi và Thành về những bộ phận của xe về thắng, ga, ămbada, cách nổ máy. Tất nhiên lần đầu tiên, nhất lại là xe có số tay nên rất khó khăn mà thuần thục được. Sau chừng gần tiếng đồng hồ loay hoay với chiếc xe Trọng thấy tôi, Thành còn khá nhiều lọng cọng nên nói: “Thôi ngưng, kỳ nầy để về nhà tập làm trên xe mới mua của thằng Thành cho quen rồi mấy bữa sau có rảnh thì tao sẽ tập cho tụi bây”! Thế là xúm nhau lên xe đi về. Đây là lần đầu tiên mà tôi ngồi chỗ tay lái để điều khiển một chiếc xe.

Tôi biết rằng mình cần phải lái được xe vì ở xứ nầy mà không biết lái xe sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề đi lại, cũng như khi đi làm. Chiếc xe hơi trên xứ nầy rất cần thiết cho cuộc sống mà chiếc xe đạp, hay xe gắn máy không thể thay thế được vì do thời tiết và đường xa. Mình có thể dùng xe đạp để đi nơi gần nhưng khi nóng thì trời quá nóng, khi lạnh thì quá lạnh mình không thể chịu nỗi. Còn với xe gắn máy thì rất là nguy hiểm mà Trọng đã có lần suýt gặp phải tai nạn khi gặp trời mưa, thế nên nó nói: “Mình đi xe hơi nếu gặp tai nạn thì dù sao khung xe vẫn bảo vệ an toàn cho mình hơn là đi xe gắn máy”. Tôi nhận thấy điều nhận xét của Trọng thật là có lý, nên tôi không hề nghĩ về chiếc xe gắn máy! Nhưng để lái được một chiếc xe hơi thì phải cố gắng học lái cho thuần thục, trước khi thi để qua được kỳ khảo thí mà nhiều người dù lái giỏi ở Việt Nam mà vẫn bị rớt qua nhiều kỳ thi. Chính vì vậy mà tôi phải cố gắng rút ngắn thời gian để mình có thể có được sự thoải máy trong việc đi đây đi đó và cho việc đi làm về sau nầy. Thành thì nó còn trẻ nên việc lấy xe đạp đi làm vẫn có nhiều thích thú với nó dù thời tiết bây giờ hãy còn lạnh lẽo. Có một điều tôi hơi lo ngại là về cặp mắt của mình khi thị lực của chúng còn bị rất yếu từ những năm tôi uống thuốc để trị nám phổi sau thời gian học ở trường Sư Phạm Sài Gòn. Từ đó tôi đã cố gắng luyện tập cho chúng, tập trung thị lực ngay cả những lúc đi vào ban đêm dạy bổ túc văn hóa tại xã Bình Chuẩn hay đi trực lúc còn ở trường Hưng Định ở Búng. Nhưng chỉ là đỡ được chút ít chứ không hoàn toàn khá hẳn. Với cái nhìn mà hình ảnh chập chờn của cặp mắt có thể sẽ gây ảnh hưởng cho tôi trong vấn đề tập lái xe, nhưng tôi vẫn phải cố gắng, vì ở xứ nầy cần thiết là phải biết lái và sở hữu một chiếc xe hơi dù tốt hay xấu, mới hay cũ! Tôi phải cố gắng rất nhiều để vượt qua!

 

Nguyên Thảo,

19/06/2020.

 

 

 


No comments:

Post a Comment