Saturday, April 25, 2020

*Chuyện "Con Ngựa Kéo Xe"!



Lúc nhỏ tôi thường hay thắc mắc là tại sao khi người ta bắt kế phải có phần che mắt cho con ngựa khi cưỡi hoặc là lúc nó kéo xe? Những tiếng vó con ngựa với móng bằng sắt gõ lên đường theo tiếng chạy của nó làm tôi thích thú, tiếng gõ đều theo nhịp chạy cùng âm vang của người điều khiển hầu như len vào ký ức của tôi từ thuở ấu thơ. Nói chung chiếc xe ngựa với mái bầu bầu, cong cong có phần nhọn đưa về phía trước để che nắng che mưa cho người đánh xe, cùng hai tấm bảng hình cong để chở hành lý hai bên thùng xe, đã đi vào những kỷ niệm trong một phần cuộc đời trên quê hương Bình Dương của tôi. Hình dáng chiếc xe ngựa ở Bình Dương nó không giống chiếc xe ngựa ở Biên Hòa, người ngồi bên trong không thoải mái lắm, nhưng về hình dáng thì tôi vẫn thích vì nó thon, nhất là giống gánh được chất lên hai tấm bảng rồi ràng lại ở hai bên thùng khiến nó có cái vẻ thơ mộng làm sao ấy. Đã vậy lại có thêm hai cây đèn kiểu cọ được đặt hai bên với hình dáng hơi xưa xưa, để dùng chứa đèn dầu có kính chắn gió để đi vào ban đêm nữa xem cổ kính thế nào!
Có lẽ Đồ Ngông tôi đi quá xa vì mãi mê diễn tả cái hình ảnh xe ngựa hay còn gọi là xe thổ mộ trên quê hương tôi mà tôi mê quá đi chăng? Thực ra tôi muốn nói đến một điều mà tôi thắc mắc nhất, đó là: “Tại sao người ta che mắt ngựa lại”? Hồi nhỏ tôi cũng đã thắc mắc với bạn bè hay nhiều người lớn rồi, nhưng có câu trả lời thì đứng đắn, có câu thì giỡn cợt, nhưng chưa có câu nào làm cho tôi thỏa mãn trí tò mò cả. Họ có giải thích, nhưng tôi vẫn lấy làm hoài nghi và rồi tôi phải có ngày nào đó mình cần tìm được câu giải thích được mới thôi!
Thế rồi, một ngày kia có một chiếc xe ngựa đi từ trên chợ tỉnh về ngang chợ làng của tôi, không biết như thế nào mà nó vụt chạy nhanh làm cho cả xe hoảng hồn tưởng rằng xảy ra tai nạn. Nhưng may mắn mọi người vẫn yên ổn, xe cộ không bị hư hao, chỉ hư một ít hàng hóa. Người ta chỉ nói là con ngựa trở chứng, thế thôi! Sau đó không lâu, thì các xe ngựa lần được loại xe lam ba bánh dần thay thế, vì thời đó xe gắn máy thịnh hành và nhập vào Việt Nam khiến sinh hoạt về xe cộ thay đổi khá nhiều kể cả các chuyến xe đò và xe lô.
Cũng vào sự thay đổi đó mà tôi không còn nhớ đến chuyện con ngựa vì sao mà người ta phải che mắt nó khi cưỡi hay là bắt kế để kéo xe? Nhưng không ngờ về sao nầy câu chuyện ấy lại lần nữa hiện đến trong tôi để tôi giải thích đến một hiện tượng khác, lần nầy lại là vấn đề trọng đại hơn nhiều!
Câu chuyện ấy bắt nguồn từ một câu chuyện mà anh bạn dạy học chung với Đồ Ngông tôi đã kể: Anh có một người thân ở bên trong về cho anh biết là “Một thầy giáo không thể phục vụ hai chế độ, trước sau gì thì anh cũng sẽ bị cho nghỉ dạy”; anh có hỏi lại “Vì sao”? Thì người quen cho biết: “Đó là chủ trương, chính sách, vì mầy đã dạy và sống trong chế độ cũ, mầy đã biết; nếu mà sử dụng mầy dạy lại trong chế độ mới, một ngày nào đó mầy đứng trên bục giảng so sánh giữa hai chế độ thì như vậy mầy tiêm nhiễm cái điều có hại cho tư tưởng của học trò đang được đào tạo theo kiểu cách của con người mới trong chế độ mới”! Lúc đó tôi nghe kể vậy thì hay như vậy, nhưng cũng để ý thử xem “sự thể” sẽ như thế nào? Nhưng lâu ngày có lẽ do số học trò càng ngày càng đông, nhu cầu đào tạo giáo viên cũng không đủ cung ứng, cơ sở trường lớp cần phải nhiều hơn nữa; lại nữa giáo viên cũng đã được “giáo dục” thuần hơn nên không còn cho nghỉ nhiều nữa như trong giai đoạn đầu của đất nước thống nhất, thế là đa số giáo viên vẫn được dạy tiếp tục cho đến ngày nghỉ hưu. Trái lại những kẻ ngày xưa được xem là “hoạt động hai mang” thì chính quyền mới “ngờ vực” không dám giao cho họ trọng trách nào quan trọng cả, họ giống như “ngồi chơi xơi nước” chỉ làm vài công việc hay công tác thông thường những khi cần thiết. Có nhiều điệp viên được coi là xuất sắc trước kia, sau nầy vẫn chìm lỉm, nhưng khi họ chết đi rồi thì được vinh danh làm rùm beng công trạng. Đó là sự an ủi cho họ! Không biết có phải người ta sợ họ sẽ hoạt động ngược lại hoặc phản bội hay không mà không dám sử dụng tiếp tục hay là đã xong rồi giai đoạn theo kiểu: “Giai đoạn nào có con người đó, giai đoạn nào có chính sách ấy”!
Từ những việc như vậy, Đồ Ngông tôi mới nhớ đến chuyện con ngựa được người ta cưỡi hoặc kéo xe phải che bớt con mắt ngựa lại để ngựa chỉ nhìn được phía trước, mà đi về phía ấy, chứ không nhìn thấy được hai bên để phải hoảng sợ hoặc phân tâm hay là so sánh mà hại đến chính sách, đường lối của họ không nhỉ? Điều ấy tôi không thể đoán được!
Nói đến “Chuyện con ngựa” Đồ Ngông tôi mới nhớ đến một vài thế kỷ trước có một lý thuyết được sản sinh ra đời, trình diện với dân chúng bằng cách nương vào những kiến thức nổi tiếng đương thời để từ đó tổng hợp, suy luận mà nên. Do sự hợp lý, tương đối chính xác thời bấy giờ mà nó đã hấp dẫn, ăn sâu vào tri thức của nhiều người có học để nó được hun đúc biến thành hiện thực trong xã hội loài người. Nhưng khi để áp dụng vào thực tế, những con người thực hiện muốn lý thuyết ấy trở thành nhanh chóng trên toàn thế giới, đã áp dụng đến một phương pháp giống như là “bịt mắt ngựa”: Làm cho người ta chỉ biết “có một đường thẳng tới trước mà đi”, đầu óc chỉ suy nghĩ về một hướng nên mọi sự từ giáo dục, tuyên truyền, thông tin, giáo huấn, đều phải từ “cùng một sự chỉ huy” để tập trung vào đường lối, thực hiện. Người ta dùng mọi biện pháp mạnh bắt buộc mọi người phải tuân thủ thi hành, không được phản kháng, nếu kháng cự nhiều biện pháp cứng rắn sẽ được thi hành, trấn áp theo kiểu “dùng bạo lực cách mạng” đè bẹp theo phương án “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Người ta còn tính đến sự tổ chức ở nhiều nơi, cấu kết thành hệ thống để đồng loạt chiếm lĩnh thế giới, nhanh chóng biến thế giới thành một Thiên Đàng nơi hạ giới, xóa bỏ ranh giới giàu nghèo, bốc lột, kể cả ranh giới quốc gia. Nhưng con người có khác với loài thú, họ có nhiều suy nghĩ, nhận xét và so sánh nên có nhiều khác biệt: Từ những nơi khác nhau, người ta có tinh thần sắc tộc, tinh thần quốc gia, không ai nhịn ai, ai cũng muốn dân tộc mình vươn lên trên mọi dân tộc khác. Ai cũng muốn mình hay dân tộc của mình phải lãnh đạo các dân tộc hay nước khác. Vì thế mà dã có những sự rạn nứt xảy ra, nước lớn vẫn là ăn hiếp nước nhỏ, xem “nước nhỏ chỉ là tay sai, chư hầu sai khiến” (cho nên mình là nước nhỏ chỉ là nước nô lệ mà thôi)! Để giành được thắng lợi với các đối thủ, kẻ thù thì không từ một thủ đoạn nào để tranh thắng để thực hiện vị trí “bá chủ”, kể cả dối trá, láo khoét, lừa đảo, ăn cắp, đánh lén, che đậy cái xấu, mua chuộc, bức ép … Tức mọi việc có thể đem đến cho họ sự thắng lợi thì họ cũng chẳng từ nan!
Cũng là vì con người chứ không phải là loài vật, người ta nhận thức cho mình cái sự tự do, cái quyền tư hữu (nguồn gốc thoát thai từ xã hội nguyên thủy để tiến đến thời kỳ chiếm hữu), nhất là cái niềm tin nên số đông người dân đã phản kháng. Càng bị trấn áp thì càng có sự ngấm ngầm cho nên cái thiểu số cầm quyền trở thành lực lượng bị chống đối của đại đa số người dân, luôn luôn chỉ chờ cơ hội bộc phát hoặc là “bất hợp tác”. Cho nên câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” không còn ý nghĩa nữa! Vô tình “người dân” trở thành giai cấp bị áp bức!
Chính vì thế mà xe ngựa cũng chẳng chạy tới đâu! Và người lãnh đạo vẫn mãi quay cuồng với những con ngựa “cùng cực” đã phải “chứng” lên! Trăm năm hoặc ngàn năm nữa chủ nghĩa “xem như chừng” tốt đẹp ấy cũng chỉ là một mớ chữ nghĩa trên những tờ giấy “vàng úa” mà thôi! Thật buồn thay và khá buồn thay cho đời “Lạc quan cách mạng”!

Đồ Ngông,
24/04/2020.




Saturday, April 4, 2020

*Quê Người! (29)



Tôi lụng thụng trong bộ đồ áo mưa cũng như di chuyển khó khăn do mình không quen mang giày bốt. Nhưng dù vậy cũng phải đành chịu, vì trời mùa Đông quá lạnh. Hôm nay tôi mới biết được cái lạnh ngoài trời ở trên xứ Úc, nhiệt độ có lẽ còn thấp hơn mọi lần vì vào những ngày lạnh tôi vẫn nằm trên giường với nệm và chăn mền trùm kín mít đến khi trời ấm hơn mới ra ngoài hoặc chuẩn bị đi học. Bữa nay tôi mới đi làm, dù là chỉ thử sức!
Trên đầu cây cải còn lớp đá mỏng đọng trên đó, khi mình kẹp đầu cây cải giữa hai đầu gối cái lạnh cũng thấm vào da thịt; lớp đá bể ra, đôi khi chúng lọt vào trong bao tay nhựa khiến mình nghe tê cóng. Nhưng mình vẫn phải làm công việc vì mình là “thân đi làm mướn” mà! Mỗi giờ nghe Trọng nói được 4 đô tám. Với tiền lương ấy được xem là khá vào lúc bấy giờ, có nơi người ta chỉ trả vào khoảng bốn đô thôi! Lúc đầu còn lọng cọng, luộm thuộm trong cách hái cũng như kéo thùng nhỏ đi theo, để khi hái đầy trong hai bàn tay thì bỏ cải vào trong thùng. Khi thùng đầy thì bưng ra để gần đường xe máy cày chạy để có người tới chở đem về kho. Nhưng càng về sau thì tôi làm tương đối nhuần nhuyễn hơn; mà dù cho tôi cố gắng cỡ nào vẫn không đi bằng những người khác được. Do đó tôi bị lẹt đẹt đi sau. Thấy vậy Trọng lên phụ tôi để tôi xuống bằng người ta. Còn Trọng thì hái giỏi thiệt, nó đi một hồi vượt quá mọi người chừng khoảng mười thước thì lại ngồi nghỉ hoặc phụ tôi. Làm tới khoảng chín giờ rưởi thì nghỉ ăn sáng. Tôi ngồi ăn bánh mì sandwich với Trọng. Có vài người tới chơi và hỏi thăm tôi. Thế là tôi cũng biết thêm vài người nữa. Lạ thiệt khi hồi sáng sớm trời đã lạnh, và trong khi làm do vận động nhiều nên mình cảm thấy ấm người hơn; nhưng sao bây giờ nghe lạnh buốt khi mặt trời lên khá cao và có ánh nắng. Hiện tượng nầy rất lạ đối với tôi và khiến tôi phải để ý đến! Vì khom nhiều tôi nghe hơi mỏi ở thắt lưng. Ngoài đường ông Úc chạy máy cày đến và đang bỏ những thùng không xuống và chất những thùng cải đầy lên cái rờ-moọt để chở đi.
Đến khoảng 9 giờ, sau 15 phút nghỉ, chúng tôi lại tiếp tục hái. Lúc đầu còn có nhiều nói năng, rồi sau đó mạnh ai nấy làm, chỉ nghe tiếng sột soạt lẫn tiếng kéo thùng hay từng nắm trái cải được liệng vào trong thùng vang lên.  Thỉnh thoảng tôi lại phải đứng thẳng lưng lên và ểnh người cho bớt mỏi, rồi lại khum xuống hái tiếp. Dù vất vả nhưng cũng phải cố gắng lên cho được với người ta để đi sau họ quá xa thì thấy kỳ, mà Trọng giúp hoài thì lại ái ngại. Tới 12 giờ có người la lên: “Tới giờ rồi”! Mọi người đều ngưng tay và đi ra khỏi hàng, lần lượt kéo ra ngoài và lấy đồ ăn trưa.
Trong khi tôi, Trọng lấy hộp cơm giở đem theo thì Ba Anh lần đến và lấy bàn cờ tướng ra. Trọng và Ba Anh vừa ăn vừa đánh cờ. Tôi và anh Nam, người đi chung xe cùng ngồi coi. Khi ăn xong thì họ đánh cũng được một bàn. Sau nửa giờ thì công việc được tiếp tục. Buổi chiều thì có vẻ yên lặng hơn. Đến khoảng 3 giờ thì nghỉ tại chỗ 15 phút, để rồi làm tiếp tục đến 4 giờ 30 là giờ nghỉ. Nghỉ rồi kéo nhau ra xe, thay đồ, chuẩn bị để đi về.
Trên đường về tôi mới để ý đến hai bên đường. Cảnh trên núi đẹp thật! Tôi lại nhớ đến những bức tranh vẽ cảnh đường nước một bên len lỏi bên các hàng cây, và cỏ vươn dài ra mặt nước, xen với vài khu đá lởm chởm nổi lên. Rồi lại thêm vài cảnh nhà với ống khói lò sưởi nhả khói lam chiều. Cảnh nên thơ, buồn khiến tôi lại nhớ nhà, nhớ đến vợ con. Tôi ngồi lặng yên, trầm ngâm. Ngồi kế bên tôi anh Nam hỏi vài câu mà tôi nghe không kịp vì mãi suy nghĩ vẩn vơ. Trên đường về tôi mới có dịp ngắm lại con đường chạy kế bên hồ nước. Nó quanh co quá, lại lúc lên lúc xuống cùng độ chênh khá cao, rồi những khúc quanh thật gấp cho nên xe phải chạy chậm lại. Xe xuống tới khu vực dân cư đông thì mặt trời đã lặn rồi. Ở đây vào mùa Đông ngày ngắn, đêm dài nên mặt trời lặn sớm. Anh Nam cười rồi nói: “Sáng mình đi mặt trời chưa lên, khi về thì cũng chẳng thấy mặt trời”. Rồi anh cười, tôi cũng cười theo!
Về đến nhà anh Sáu Khánh, tôi theo Trọng lấy xe để về nhà. Chị Yến đã lo xong bữa cơm chiều. Sau khi tắm rửa, chúng tôi cùng nhau ăn cơm. Tôi than: “Bây giờ nghe mấy ngón tay ê ẩm, mỏi quá”! Trọng nói: “Chưa đâu, ngày mai mầy mới thấy!”. Nói xong nó cười: “Nhưng không sao, ráng chịu đi, chừng ba ngày thì nó quen”. Ăn cơm xong, chúng tôi cùng nhau ngồi xem truyền hình đôi chút, rồi tôi cảm thấy mệt và đi xuống phòng sau ngủ sớm. Tôi chìm vào trong giấc ngủ lúc nào không hay mặc dù tôi rất khó ngủ từ xưa tới giờ!
Sáng dậy tôi nghe rã rời, mấy ngón tay tê cứng, lưng thì mỏi, nhất là khi đi vệ sinh, ngồi xuống trở nên khó khăn, hai bắp vế như cứng lại, không thể ngồi xuống như những ngày thường khác, mà phải từ từ hạ xuống với hai bàn tay chống lên vế cả hai bên. Đây là lần thử sức! Nhưng tôi nghĩ dù thế nào mình cũng phải dấn thân vào, dù khó khăn cách mấy. Trước khi đi vượt biên tôi đã nghĩ rồi: “Ở đâu thì mình cũng phải làm và cố gắng làm thôi”. Vì lý lịch, vì tương lai cho con mình phải liều chết sống để vượt thoát khỏi cái vòng kiềm hãm, ngục tù bao nhiêu đời đó. Mình thí mạng, nhưng không chết thì bây giờ là lúc mình còn phải vượt nhiều khó khăn khác. Tuy vậy, tôi lại nghĩ đến bao nhiêu người đã làm được, họ không sao thì mình cũng chẳng sẽ thế nào. Ở Việt Nam, Trọng sướng hơn tôi nhiều mà qua bên nầy nó làm được, tất tôi cũng sẽ làm được. Vả lại tôi có may mắn hơn là qua đây tôi lại còn gặp Trọng. Phải nói có nó tôi và Thành đã đốt được nhiều giai đoạn, rút ngắn được nhiều vấn đề. Hôm nay Trọng cũng ở nhà vì công việc lúc nầy không nhiều. Trọng thấy cái kiểu dáng của tôi, nó tức cười: “Không sao đâu mầy! Mấy ngày đầu thì như vậy chứ sau ba ngày thì hết thôi! Phải có việc nhiều đi luôn ba ngày thì mầy sẽ biết”. Bây giờ tôi, Thành còn phải nhờ đến chị Yến vì chị phải nấu cơm luôn cho 3 người, mặc dù cùng nhau làm! Tôi cười rồi nói: “May là đi làm mới có một ngày, ngày nay nghỉ chứ mà làm nữa chắc tao quỵ luôn ở trên đó quá!”. Không biết Trọng nhớ đến cái gì, bỗng nó vụt dứng dậy: “Ê! mầy với thằng Thành phải lo học lái xe nữa; Ở đây mà không biết lái xe sẽ rất là khó khăn. Chiếc xe hơi ở xứ nầy giống như chiếc xe đạp ở bên mình. Bên mình còn cỡi xe đạp, xe gắn máy chứ bên nây không thể lái xe đạp đi xa được, còn xe gắn máy rất là nguy hiểm, sơ sẩy là có thể xảy ra tai nạn mất mạng như chơi. Đi xe hơi nếu xui gặp tai nạn thì mình vẫn an tâm hơn vì mình ngồi trong xe, chiếc xe bảo vệ cho mình. Thôi chút nữa tao sẽ chở mầy với thằng Thành xuống Port Adelaide, chỗ đóng thuế đường xe xin tài liệu học thi bằng L, rồi mới học lái xe được”. Tôi không biết bằng L là gì, tôi hỏi nó: “Gì kêu là bằng L”? Trọng mới giải thích: “Trước khi học lái xe, mầy phải có bằng L, tức là mầy phải thi phần lý thuyết tức là bằng L, L là viết tắt của chữ Learning. Nếu mầy đậu được bằng L thì mới được học tới lái xe. Thi đậu phần lái xe thì lấy bằng P, chữ P hình như là viết tắt của chữ “Practice”. Sau một năm mới có bằng Full (F), lúc đó trên xe mới không phải gắn bảng chữ P nữa; như tao bây giờ sắp đến ngày lấy bằng Full rồi đó. Thôi mầy với thằng Thành thi lấy bằng L xong, thì lúc đó tao sẽ tập cho tụi bây lái. Bằng Full có quyền dạy lái rồi. Chỉ tụi bây lái rành rồi, thì khi nào muốn thi bằng P chỉ “book” thầy học vài lần rồi thi cho đỡ tốn tiền”. Nói xong nó kêu tôi Thành thay đồ, lẫn chị Yến nữa: “Sẵn mình đi ‘Shop’ chơi”!
Trọng chở chúng tôi đến trụ sở đăng bộ xe để xin những tài liệu học để thi bằng “lý thuyết” của lái xe. Tài liệu có Tiếng Anh lẫn được dịch sang Tiếng Việt, tôi và Thành xin luôn hai thứ tiếng để về học cho dễ. Trọng dẫn hai đứa tôi ra con đường phía sau chỉ cho chỗ sẽ thi lấy bằng P. Và chỗ nầy đang có mấy người đang thi, trong đó có một ông đầu sói. Trọng nói: “Ông đầu sói đó có tiếng là khó nhứt đó, thi mà gặp ổng gọi là tương đối xui”. Xong, vô lấy xe Trọng chở chúng tôi xuống chợ Port Adelaide rảo ở đó và xem thứ gì rẻ thì mua về để đó, mai mốt có thể sẽ gởi về Việt Nam cho gia đình. Thế là tôi lại có thêm một công việc để làm, rồi tôi lại nhớ đến anh Điện lúc anh vào thăm bác Vỹ, Bác Phưong đã nói: “Sau nầy mình đi làm rồi mới thấy đỡ buồn”!
Về đến nhà cũng vào trưa, chúng tôi cùng phụ chị Yến làm bữa ăn. Khi ăn xong thì tôi đi nghỉ vừa nghe cái cassette đang chạy băng học tiếng Anh, lại vừa xem sơ qua các tài liệu học lái xe xem coi như thế nào? Rồi lại chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay!
Đã từ lâu tôi thường hay mất ngủ. Tôi mất ngủ từ lúc mới lớn. Ngày xưa khi còn nhỏ má tôi buôn bán ở sạp ngoài chợ, cứ mỗi sáng sớm bà gánh hàng ra chợ là tôi bị bà đánh thức để ra chợ ngồi ở sạp trông hàng cho đến khi bà hoàn tất bày bán hàng hoá thì tôi mới được về nhà ngủ. Đến khi bắt đầu trưởng thành thì hai ông bà cứ gây lộn, cãi cọ hoài khiến tôi không biết vì sao lại không ngủ được. Từ đêm này có khi đến đêm khác. Có lẽ do đó mà tôi bị mất ngủ tự bấy giờ. Dỗ được một giấc ngủ không dễ dàng gì đối với tôi. Khi đến Úc vì nhu cầu học tiếng Anh nên tôi đã cố gắng mua một máy cassette để mình nghe băng mượn từ thư viện về, hoặc sang lại vì máy cassette nầy có thể sang băng lại bằng vận tốc nhanh. Lúc đầu tôi nghe hết mặt nầy, rồi trở sang mặt kia vẫn chưa ngủ dược, phải cho băng phát trở lại mới ngủ được. Không ngờ về sau có khi mới mở băng chưa được bao lâu thì tôi đã ngủ rồi! Điều đó cũng tốt cho tôi nhưng cũng là trở ngại khi tôi muốn nghe những bài học kế tiếp, thế là tôi thay đổi cách nghe. Giọng tôi trầm, nói không nhanh thành ra khi tôi đọc hay nói tiếng Anh hơi chậm hay là quá chậm. Có lần một thằng Úc ở tiệm bán máy chụp hình ghẹo tôi: “I …would…like…to…buy…” khiến tôi nhớ lại giọng của mình. Thế là tôi về mở băng cassette từng câu rồi lặp lại với mức độ càng nhanh như cô Helena đã dạy. Nhưng sự tập tành nào cũng vậy, chỉ đến hết mức của mình thì thôi, chứ không vượt hơn cái khả năng “trời cho” được; dù thế nào cũng không bằng sự thiên bẩm. Tới phút đó tôi cũng đành chịu! Rồi nghĩ lại Tiếng Anh dâu phải ngôn ngữ của mình thì mình làm sao nói nhuần nhuyễn được như những người thiên phú. Nghĩ lại người Tàu hay Miên ở Việt Nam đã lâu lắm rồi, mà họ nói Tiếng Việt cũng chẳng rành, thì chắc mình nói Tiếng Anh cũng sẽ là như vậy thôi! Cho nên từ đó, tôi luôn cố gắng nhưng không bao giờ nghĩ mình sẽ đạt đến mức cao nhứt của kết quả: Mình nói mà Úc nó hiểu được là quý lắm rồi! Và từ đó tôi cũng không cần chú ý đến văn phạm nhiều nữa mà cứ học nói như “con kéc” và tạo cho phản ứng nhanh là được! Vì trong những thời gian đầu chúng tôi, tôi muốn nói là đa số, chứ không riêng gì tôi, đều chú trọng đến văn phạm trước khi trả lời câu hỏi khiến mình bị lúng túng trong việc trả lời làm cho mình sợ sệt và ngập ngừng, và chính thầy cô cũng khuyên đừng nên chú trọng vào văn phạm lắm, cứ theo như những mẫu mà mình trả lời rồi dần về sau điều chỉnh nó sẽ tốt hơn. Từ đó về sau nầy tôi cứ “phang đại”, nghĩ sao thì nói vậy, cứ coi như mình nói theo lối “tiếng bồi” miễn Úc nó hiểu là được. Nếu nó không hiểu thì mình nói lại và diễn tả theo cách khác cố gắng làm sao cho nó hiểu, túng cùng thì ra dấu “tay quơ” xài đến “ngôn ngữ quốc tế”, thế vậy mà nó dễ hiểu hơn. Tôi cứ nghĩ tiếng Anh không phải là ngôn ngữ của mình. Mình không có khiếu học về ngoại ngữ thì mình cứ cố gắng theo lối của mình, được tới đâu thì hay tới đó!

Nguyên Thảo,
10/03/2020.




*Đi Nga. (7)



Xe lửa chạy nhanh qua các cánh đồng chưa được khai phá cũng như các khu rừng, rồi những hồ, sông nước. Tôi cố nhìn để xem coi có tàn tích của những nông trường (Sovkhoz) theo dọc đường hay không, nhưng thỉnh thoảng chỉ có vài nhà máy chế biến gỗ lèo tèo mà không biết là sử dụng kỹ thuật máy móc hay còn bằng sức người, và không biết nó là của tư nhân hay là Nhà Nước? Còn những Hợp Tác Xã nông nghiệp (Kolkhoz) chắc giờ nầy tan rã cả rồi vì thời gian từ lúc Liên Xô sụp đổ đến nay cũng là gần 30 năm. Có những xóm làng quê mà nhìn qua cửa sổ của xe lửa thì cũng chẳng có gì là nổi trội để đánh giá thành quả vượt bực của Liên Xô đối với nông thôn, mà lại giống như những nơi nông thôn còn nghèo nàn, không biết cái nhìn của tôi có đúng không hay là tôi chỉ nhìn được vào cái khía cạnh tiêu cực thôi! Nhưng tôi nghĩ có thể đúng một phần nào, nếu nó đã tiến bộ, kết quả thật cao thì chế độ Cộng Sản ở Liên Xô và Đông Âu đâu bị sụp đổ. Nếu Xã Hội Chủ Nghĩa tốt đẹp, đem lại công bằng, hạnh phúc cho người dân thì sau khi sụp đổ các nước đó đã quay lại chế độ cũ rồi. Đàng nầy thì không! Như vậy con đường đi lúc trước đã là một sai lầm rất lớn. Lúc đó tôi mới nghĩ về cái cuốn sách Tiếng Anh mà Huệ đã xin được từ Trung Tâm Văn Hóa Mỹ, không lẽ cuốn sách ấy được viết dựa theo những báo cáo “láo” của các cán bộ từ các cấp. Vì theo kinh nghiệm của tôi thấy sau 30/04 khi thực hiện các đường lối chủ trương của Đảng, Nhà Nước, nhiều nơi đã gặp nhiều khó khăn do sự bất hợp tác của người dân, Cán bộ sợ cấp trên phê bình, khiển trách nên đã thường xuyên báo cáo láo, cho nên mỗi năm cứ “thành công, đạt chỉ tiêu, vượt chỉ tiêu”, nhưng lâu ngày thì tàn rụi! Đó là chưa kể đến năng lực của Cán Bộ chưa đáp ứng được với hệ thống tổ chức mới nên “thất bại”, làm hư là chuyện thường. Và từ sai lầm đến sửa sai là một quá trình thời gian. Xong làm lại, rồi cũng sai lầm và sửa sai, thế là chẳng đi đến đâu, cứ loay hoay từ tháng nầy đến năm khác, khiến người dân càng ngày càng khổ thêm thôi!
Vừa nói chuyện mắt tôi vừa nhìn ra bên ngoài để quan sát, đồng thời khi thấy cảnh nào có vẻ nên thơ, đẹp hoặc có chút đặc biệt tôi cầm máy hay điện thoại lên quay để ghi lại làm kỷ niệm cho một chuyến đi. Cuộc nói chuyện của chúng tôi khá lý thú vì mỗi người có kiến thức một ít góp chung vào nhau khiến   cuộc “mạn đàm” cũng tương đối, nhất là những cái thấy của Nghi từng có ở ngoài Bắc nữa để cùng nhau kiểm chứng cho cái nhận xét hiện tại.
Rừng rất nhiều dọc hai bên đường đi, nhưng với hình dáng của chúng tôi nghĩ không lẽ phần lớn toàn là cây Bạch Dương chăng, có phải vì vậy mà người ta thường gọi xứ Nga là xứ sở của Bạch Dương? Theo lịch trình chúng tôi sẽ mất gần bốn tiếng đồng hồ để đến được Saint Peterbourg (là thành phố mà trước kia được đổi tên là Léningrad theo tên của Lénin tức là Thành Phố Lénin giống như Sài gòn đã đổi thành Thành Phố Hồ Chí Minh, nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ người ta đã đổi lại là St. Peterbourg như ngày xưa) dù vận tốc của xe lửa tốc hành chạy gần 300 cây số giờ!
Chúng tôi mãi mê chuyện trò mà xe lửa đã vào ga ở St. Peterbourg. Mọi người thu vén hành trang chuẩn bị rời xe lửa. Trên đường đi rời ga, anh Hùng nói đám tụi tôi nói chuyện hăng say không nghỉ ngơi khiến anh ngủ cũng không được luôn. Tôi cười! Rồi từ đây mấy ông gồm anh, ông xuôi của anh là anh Trang cùng anh Thạnh đặt cho tôi cái danh hiệu “Ngoại Trưởng” và tôi được gọi là như thế trong suốt chuyến đi! Ấy cũng là chuyện vui thôi mà!
Rời nhà ga, Bernard và Jennifer tập họp chúng tôi ở bên ngoài để gặp Cô nàng Người Nga, cô có giới thiệu tên nhưng mọi người nghe không rõ chỉ biết là cái gì “a,a” đó thôi. Thôi thì giống như lần trước cứ gọi cô nầy là Cô Hướng Dẫn Viên người Nga thay vì Bà cho nó gọn. Cô nầy còn trẻ, Tiếng Anh lưu loát, đẹp. Sau màn giới thiệu Cô Hướng Dẫn dẫn đoàn đi ra đường. Thành phố nầy cũng đông người, xe cộ khá nhiều, người ta treo cờ Nga theo dọc đường . Đoàn đã đến xe buýt, ở đây hai xe đẩy chở hành lý của chúng tôi khi rời ga Moscow đã tới hồi nào rồi. Hành lý được chất lên xe và chúng tôi lên để ổn định chỗ ngồi. Mọi việc xong xuôi xe bắt đầu cuộc hành trình trong Thành phố St.Peterbourg được Cô Hướng Dẫn giới thiệu là sẽ chạy trong Thành phố như là một phần City Tour trước khi đi ăn trưa, lúc đó là gần 11 giờ rưởi.
Đường sá ở đây cũng rộng rãi, các dãy building hai bên đường cũng không cao lắm khoảng ba, bốn, năm tầng nên thành phố có vẽ thoáng, thấy bầu trời nhiều hơn. Các cửa tiệm đều là mẫu tự của Nga nên tôi chẳng đọc được gì cả mà chỉ thêm nhức đầu, nên đành nhìn cái cảnh cho xong! Đa số kiến trúc đều cổ kính hơn là hiện đại. Ở đây còn có xe “tram” (xe lửa điện), nhưng thấy không nhiều. Mãi mê nhìn, ghi lấy hình mà không nghe được Cô Hướng Dẫn nói gì; nhưng nếu có lắng nghe thì cũng không hiểu nhiều bởi Tiếng Anh của mình đã dở mà lại bị phân tâm do ngoại cảnh bên ngoài. Trời có nhiều mây nên hơi lành lạnh. Xe chạy lần ra bên ngoài không biết có phải là ngoại ô không, nhưng ngoài những chung cư cao tầng thì có những xóm nhà như ở làng quê. Xe đậu vào lề đường và chúng tôi xuống để vào nhà hàng ở một góc đường ăn trưa, chắc là nhà hàng Artishok theo mẫu tự Nga. Lúc nầy đã gần 12 giờ 30.
Xong buổi ăn trưa, đoàn lại lên xe tiếp tục đi vào lúc 1 giờ 30, như vậy chúng tôi chỉ có một tiếng đồng hồ để hoàn tất bữa ăn. Trong 10 phút sau xe lại dừng bên lề của một công viên. Mọi người lại kéo nhau đi bộ đi dọc theo hàng rào của một khu biệt thự nào đó. Thì ra là trên đường đi vào của cái khu gọi là “Cung Điện Mùa Hè” mà trong Tiếng Anh gọi là Peterhof và tiếng Nga lại là Petergof. Cô dẫn đoàn đi đến cửa chính để lấy vé vào cửa. Ở đây nhiều đoàn đã đứng đợi rất đông: Tây, Tàu, Ấn Độ… có đủ cả. Sau khi Cô Hướng Dẫn giải thích khái quát trên bản đồ các khu vực của Cung Điện Mùa Hè, thì chúng tôi đi vào khuôn viên mặt tiền của Cung Điện. Bên ngoài sân là bức tường rào xây chắc chắn. Nhìn xuống dưới trũng, những công viên xanh mát trải dài với màu xanh mướt của cây đang vào mùa Xuân, có hồ với nhưng phôngtên đang phun nước. 
Đài phun nước trước Cung Điện Peterhof.

Ngay chính giữa đối diện với chính diện của Cung Điện là những bức tượng màu vàng của vàng ửng chói với những vòi của phôngtên đang bắn nước cao lên cùng những tiếng rào rào của nước rơi xuống. Quả thật là đẹp, đúng là nơi vua chúa ngày xưa nghỉ ngơi và an hưởng vào mùa Hè có khác! Chúng tôi chỉ nhìn chứ chưa được xuống dưới đó vì còn phải xếp hàng đợi chờ tới phiên có người hướng dẫn đoàn đi vào bên trong cung điện để tham quan. Đợi cũng phải khoảng nửa tiếng đồng hồ mới được một Bà đến hướng dẫn đi vào bên trong các phòng. Trước khi đi chúng tôi được phát những vớ để bọc bên ngoài giày để tránh làm hư các nền phòng. Đi qua các phòng chúng tôi được quay phim, chụp hình nhưng không được dùng đến flash. Mấy phòng đầu rộng nên được thoải mái quay phim, chụp hình, nhưng với mấy phòng nhỏ chỉ đi ngang qua vừa chụp vừa quay vì hẹp và nhường chỗ cho những người của đoàn sau tiếp tục tiến lên. Bà hướng dẫn thuyết minh từng phòng, nhưng ít ai để ý vì bận trầm trồ xem cái nầy hay chụp hình cái kia. Phòng nào cũng có người đứng hay ngồi canh gác. Sự trang trí trong phòng rất đẹp và sang trọng. Trần nhà phòng thứ tư là một bức tranh toàn trần, sáng sủa và rất mỹ thuật; còn các tường là những tượng, hoa văn điêu khác thật công phu với màu vàng óng xen với màu trắng nổi bật lên hẳn. Rồi đến phòng ăn có những chùm đèn trần và những ly, dĩa, bình giá trị. Và tới những phòng ngủ. Nói chung lại phòng nào cũng trang trí thích hợp với những đèn trần, hoa văn, hình vẽ, vật dụng đều quý giá, hiếm có vì thế mà ngoài người hướng dẫn thuyết minh, người ta còn cần thêm những người ngồi tại đó để canh giữ. Chúng tôi được dẫn đi một vòng trong Cung Điện. Với những phòng phía trước và bên hông thì được quay phim, chụp hình. Nhưng với những phòng phía sau là những phòng trang trí bằng những đồ gốm sứ cổ được mua từ Trung Quốc hay Phương Đông thì chỉ đi và ngắm chứ không được phép quay hay chụp hình. Ra khỏi, tôi với anh Thới kháo nhau: “Đúng là đời sống vua chúa có khác! Nhờ vậy mà hôm nay mình phải tốn tiền để tới đây!”, rồi cả hai cùng cười! Xong bên trong, chúng tôi cám ơn Bà Hướng Dẫn rồi ra ngoài. Cô Hướng Dẫn và Bernard cho chúng tôi được đi tự do để tham quan và chụp hình. Toàn bộ chúng tôi không đi ra vườn phía sau mà đi về phía trước thôi. Những tượng màu vàng óng, các đài phun nước hấp dẫn hơn. Thế là chúng tôi lần đi về phía dưới trũng.
Những người chúng tôi túa ra tìm góc cạnh, cảnh mình thích mà chụp hình mong lấy những cảnh đẹp ăn ý nhất. Tôi cũng kéo vợ tôi đi, rồi chụp cho vài cảnh, xong tôi lại lo kiếm chỗ quay cảnh vào máy để nhớ về một chuyến đi. Thỉnh thoảng rồi tôi lại chụp. Nhìn cái cảnh tượng nầy tôi lại tức cười vì lúc nầy thường mấy ông kêu mấy bà ra đứng làm mẫu để chụp, chứ mấy bà mấy người sử dụng máy để chụp mấy ông, mà mấy ông cũng ít thích làm mẫu trừ khi những nơi mà mấy ông muốn có hình để kỷ niệm. Nhưng trong đoàn có mấy người còn trẻ có thể giúp nhiều cặp vợ chồng để có hình chung như Jennifer, Bernard, và cô Liên. Vợ chồng tôi nhờ mấy người đó cũng nhiều trong suốt chuyến đi. Bây giờ máy điện thoại di động có thể chụp hình, quay phim được nên khá tiện; do đó mấy bà tha hồ chụp, quay phim mà không sợ hư. Nếu có hư thì tối về “delete” chúng đi để nhường chỗ cho những hình về sau. Vui vẻ cả làng!
Vợ chồng anh Thới cùng vợ chồng tôi thả dọc theo khu vườn cây chạy dài theo con kênh đào từ ngoài biển lấy nước vào gần với những bức tượng. Con kênh khá xa. Mình già không cần đi xa, nên chúng tôi quay vòng trở lại băng qua chiếc cầu ở nửa chừng. Ở đây gặp vợ chồng cô Chi với Nick (người Hi lạp) chụp hình. 
Chính diện Cung Điện Peterhof

Chúng tôi chụp trao đổi cho nhau, nhưng tôi tệ quá không biết sử dụng máy của Nick, rồi Bernard thay thế dùm! Quay trở lại theo khu vườn cây cánh trái nhìn từ trên cung điện dọc theo kênh đào. Về đến khu công viên chỗ các bức tượng và phôngtên để nghỉ ngơi và chụp hình với nhiều góc cạnh ở đây. Lại gặp Liên và Jennifer, rồi lại làm phiền mấy cô nữa! Tôi ráng cố gắng thu hình, cùng các góc cạnh của nó để về một lúc nào đó để coi lại chơi cho vui. Lúc nầy có những thời gian nắng lên khi các đám mây đi qua nên ánh nắng cũng chói chang, nhưng những lúc đó người ta lại chụp hình nhiều hơn vì hình trở nên sắc nét. Tôi đứng nhìn toàn cảnh thì thấy cái nét riêng của Nga trong màu sắc. 
Nửa bên phải của Cung Điện.

Xen với màu xanh của công viên lẫn cây cối, cái bầu trời màu xám cùng mái Cung Điện,  thì cái màu vàng “gold” và trắng bạc lại nổi lên. Không biết vào mùa Đông khi tuyết phủ nhìn như thế nào, chứ bây giờ nó trở nên nổi bật hẳn lên. Có vài người Nga đóng vai “người xưa cũ” với những bộ đồ quý phái thuở nào để ai đó muốn chụp hình với họ, xong phải trả cho họ một số tiền. Đó cũng là một hình thức kiếm tiền không mệt mỏi mà lại vui!
Nửa bên trái Cung Điện.


Mãi đến 4 giờ 30, chúng tôi được tập họp lại để lên xe ra về. Về đến khách sạn Holliday Inn St. Peterbourg ở vùng Moskovskye Voroto khoảng 6 giờ chiều. Đem hành lý vào và nhận phòng để được nghỉ ngơi sớm sau một ngày mệt mỏi vì đi xa. Sau khi tắm rửa rồi cùng nhau kéo đến nhà hàng của khách sạn để vào bữa ăn chiều. Bữa ăn bây giờ đa số là “All you can eat” hay theo Tiếng Pháp gọi là “Buffet”. Tối nay được tha hồ ngủ vì ngày mai đến 9 giờ mới khởi hành cho một ngày kế tiếp!

Nguyên Thảo,
21/02/2020.