Saturday, April 4, 2020

*Quê Người! (29)



Tôi lụng thụng trong bộ đồ áo mưa cũng như di chuyển khó khăn do mình không quen mang giày bốt. Nhưng dù vậy cũng phải đành chịu, vì trời mùa Đông quá lạnh. Hôm nay tôi mới biết được cái lạnh ngoài trời ở trên xứ Úc, nhiệt độ có lẽ còn thấp hơn mọi lần vì vào những ngày lạnh tôi vẫn nằm trên giường với nệm và chăn mền trùm kín mít đến khi trời ấm hơn mới ra ngoài hoặc chuẩn bị đi học. Bữa nay tôi mới đi làm, dù là chỉ thử sức!
Trên đầu cây cải còn lớp đá mỏng đọng trên đó, khi mình kẹp đầu cây cải giữa hai đầu gối cái lạnh cũng thấm vào da thịt; lớp đá bể ra, đôi khi chúng lọt vào trong bao tay nhựa khiến mình nghe tê cóng. Nhưng mình vẫn phải làm công việc vì mình là “thân đi làm mướn” mà! Mỗi giờ nghe Trọng nói được 4 đô tám. Với tiền lương ấy được xem là khá vào lúc bấy giờ, có nơi người ta chỉ trả vào khoảng bốn đô thôi! Lúc đầu còn lọng cọng, luộm thuộm trong cách hái cũng như kéo thùng nhỏ đi theo, để khi hái đầy trong hai bàn tay thì bỏ cải vào trong thùng. Khi thùng đầy thì bưng ra để gần đường xe máy cày chạy để có người tới chở đem về kho. Nhưng càng về sau thì tôi làm tương đối nhuần nhuyễn hơn; mà dù cho tôi cố gắng cỡ nào vẫn không đi bằng những người khác được. Do đó tôi bị lẹt đẹt đi sau. Thấy vậy Trọng lên phụ tôi để tôi xuống bằng người ta. Còn Trọng thì hái giỏi thiệt, nó đi một hồi vượt quá mọi người chừng khoảng mười thước thì lại ngồi nghỉ hoặc phụ tôi. Làm tới khoảng chín giờ rưởi thì nghỉ ăn sáng. Tôi ngồi ăn bánh mì sandwich với Trọng. Có vài người tới chơi và hỏi thăm tôi. Thế là tôi cũng biết thêm vài người nữa. Lạ thiệt khi hồi sáng sớm trời đã lạnh, và trong khi làm do vận động nhiều nên mình cảm thấy ấm người hơn; nhưng sao bây giờ nghe lạnh buốt khi mặt trời lên khá cao và có ánh nắng. Hiện tượng nầy rất lạ đối với tôi và khiến tôi phải để ý đến! Vì khom nhiều tôi nghe hơi mỏi ở thắt lưng. Ngoài đường ông Úc chạy máy cày đến và đang bỏ những thùng không xuống và chất những thùng cải đầy lên cái rờ-moọt để chở đi.
Đến khoảng 9 giờ, sau 15 phút nghỉ, chúng tôi lại tiếp tục hái. Lúc đầu còn có nhiều nói năng, rồi sau đó mạnh ai nấy làm, chỉ nghe tiếng sột soạt lẫn tiếng kéo thùng hay từng nắm trái cải được liệng vào trong thùng vang lên.  Thỉnh thoảng tôi lại phải đứng thẳng lưng lên và ểnh người cho bớt mỏi, rồi lại khum xuống hái tiếp. Dù vất vả nhưng cũng phải cố gắng lên cho được với người ta để đi sau họ quá xa thì thấy kỳ, mà Trọng giúp hoài thì lại ái ngại. Tới 12 giờ có người la lên: “Tới giờ rồi”! Mọi người đều ngưng tay và đi ra khỏi hàng, lần lượt kéo ra ngoài và lấy đồ ăn trưa.
Trong khi tôi, Trọng lấy hộp cơm giở đem theo thì Ba Anh lần đến và lấy bàn cờ tướng ra. Trọng và Ba Anh vừa ăn vừa đánh cờ. Tôi và anh Nam, người đi chung xe cùng ngồi coi. Khi ăn xong thì họ đánh cũng được một bàn. Sau nửa giờ thì công việc được tiếp tục. Buổi chiều thì có vẻ yên lặng hơn. Đến khoảng 3 giờ thì nghỉ tại chỗ 15 phút, để rồi làm tiếp tục đến 4 giờ 30 là giờ nghỉ. Nghỉ rồi kéo nhau ra xe, thay đồ, chuẩn bị để đi về.
Trên đường về tôi mới để ý đến hai bên đường. Cảnh trên núi đẹp thật! Tôi lại nhớ đến những bức tranh vẽ cảnh đường nước một bên len lỏi bên các hàng cây, và cỏ vươn dài ra mặt nước, xen với vài khu đá lởm chởm nổi lên. Rồi lại thêm vài cảnh nhà với ống khói lò sưởi nhả khói lam chiều. Cảnh nên thơ, buồn khiến tôi lại nhớ nhà, nhớ đến vợ con. Tôi ngồi lặng yên, trầm ngâm. Ngồi kế bên tôi anh Nam hỏi vài câu mà tôi nghe không kịp vì mãi suy nghĩ vẩn vơ. Trên đường về tôi mới có dịp ngắm lại con đường chạy kế bên hồ nước. Nó quanh co quá, lại lúc lên lúc xuống cùng độ chênh khá cao, rồi những khúc quanh thật gấp cho nên xe phải chạy chậm lại. Xe xuống tới khu vực dân cư đông thì mặt trời đã lặn rồi. Ở đây vào mùa Đông ngày ngắn, đêm dài nên mặt trời lặn sớm. Anh Nam cười rồi nói: “Sáng mình đi mặt trời chưa lên, khi về thì cũng chẳng thấy mặt trời”. Rồi anh cười, tôi cũng cười theo!
Về đến nhà anh Sáu Khánh, tôi theo Trọng lấy xe để về nhà. Chị Yến đã lo xong bữa cơm chiều. Sau khi tắm rửa, chúng tôi cùng nhau ăn cơm. Tôi than: “Bây giờ nghe mấy ngón tay ê ẩm, mỏi quá”! Trọng nói: “Chưa đâu, ngày mai mầy mới thấy!”. Nói xong nó cười: “Nhưng không sao, ráng chịu đi, chừng ba ngày thì nó quen”. Ăn cơm xong, chúng tôi cùng nhau ngồi xem truyền hình đôi chút, rồi tôi cảm thấy mệt và đi xuống phòng sau ngủ sớm. Tôi chìm vào trong giấc ngủ lúc nào không hay mặc dù tôi rất khó ngủ từ xưa tới giờ!
Sáng dậy tôi nghe rã rời, mấy ngón tay tê cứng, lưng thì mỏi, nhất là khi đi vệ sinh, ngồi xuống trở nên khó khăn, hai bắp vế như cứng lại, không thể ngồi xuống như những ngày thường khác, mà phải từ từ hạ xuống với hai bàn tay chống lên vế cả hai bên. Đây là lần thử sức! Nhưng tôi nghĩ dù thế nào mình cũng phải dấn thân vào, dù khó khăn cách mấy. Trước khi đi vượt biên tôi đã nghĩ rồi: “Ở đâu thì mình cũng phải làm và cố gắng làm thôi”. Vì lý lịch, vì tương lai cho con mình phải liều chết sống để vượt thoát khỏi cái vòng kiềm hãm, ngục tù bao nhiêu đời đó. Mình thí mạng, nhưng không chết thì bây giờ là lúc mình còn phải vượt nhiều khó khăn khác. Tuy vậy, tôi lại nghĩ đến bao nhiêu người đã làm được, họ không sao thì mình cũng chẳng sẽ thế nào. Ở Việt Nam, Trọng sướng hơn tôi nhiều mà qua bên nầy nó làm được, tất tôi cũng sẽ làm được. Vả lại tôi có may mắn hơn là qua đây tôi lại còn gặp Trọng. Phải nói có nó tôi và Thành đã đốt được nhiều giai đoạn, rút ngắn được nhiều vấn đề. Hôm nay Trọng cũng ở nhà vì công việc lúc nầy không nhiều. Trọng thấy cái kiểu dáng của tôi, nó tức cười: “Không sao đâu mầy! Mấy ngày đầu thì như vậy chứ sau ba ngày thì hết thôi! Phải có việc nhiều đi luôn ba ngày thì mầy sẽ biết”. Bây giờ tôi, Thành còn phải nhờ đến chị Yến vì chị phải nấu cơm luôn cho 3 người, mặc dù cùng nhau làm! Tôi cười rồi nói: “May là đi làm mới có một ngày, ngày nay nghỉ chứ mà làm nữa chắc tao quỵ luôn ở trên đó quá!”. Không biết Trọng nhớ đến cái gì, bỗng nó vụt dứng dậy: “Ê! mầy với thằng Thành phải lo học lái xe nữa; Ở đây mà không biết lái xe sẽ rất là khó khăn. Chiếc xe hơi ở xứ nầy giống như chiếc xe đạp ở bên mình. Bên mình còn cỡi xe đạp, xe gắn máy chứ bên nây không thể lái xe đạp đi xa được, còn xe gắn máy rất là nguy hiểm, sơ sẩy là có thể xảy ra tai nạn mất mạng như chơi. Đi xe hơi nếu xui gặp tai nạn thì mình vẫn an tâm hơn vì mình ngồi trong xe, chiếc xe bảo vệ cho mình. Thôi chút nữa tao sẽ chở mầy với thằng Thành xuống Port Adelaide, chỗ đóng thuế đường xe xin tài liệu học thi bằng L, rồi mới học lái xe được”. Tôi không biết bằng L là gì, tôi hỏi nó: “Gì kêu là bằng L”? Trọng mới giải thích: “Trước khi học lái xe, mầy phải có bằng L, tức là mầy phải thi phần lý thuyết tức là bằng L, L là viết tắt của chữ Learning. Nếu mầy đậu được bằng L thì mới được học tới lái xe. Thi đậu phần lái xe thì lấy bằng P, chữ P hình như là viết tắt của chữ “Practice”. Sau một năm mới có bằng Full (F), lúc đó trên xe mới không phải gắn bảng chữ P nữa; như tao bây giờ sắp đến ngày lấy bằng Full rồi đó. Thôi mầy với thằng Thành thi lấy bằng L xong, thì lúc đó tao sẽ tập cho tụi bây lái. Bằng Full có quyền dạy lái rồi. Chỉ tụi bây lái rành rồi, thì khi nào muốn thi bằng P chỉ “book” thầy học vài lần rồi thi cho đỡ tốn tiền”. Nói xong nó kêu tôi Thành thay đồ, lẫn chị Yến nữa: “Sẵn mình đi ‘Shop’ chơi”!
Trọng chở chúng tôi đến trụ sở đăng bộ xe để xin những tài liệu học để thi bằng “lý thuyết” của lái xe. Tài liệu có Tiếng Anh lẫn được dịch sang Tiếng Việt, tôi và Thành xin luôn hai thứ tiếng để về học cho dễ. Trọng dẫn hai đứa tôi ra con đường phía sau chỉ cho chỗ sẽ thi lấy bằng P. Và chỗ nầy đang có mấy người đang thi, trong đó có một ông đầu sói. Trọng nói: “Ông đầu sói đó có tiếng là khó nhứt đó, thi mà gặp ổng gọi là tương đối xui”. Xong, vô lấy xe Trọng chở chúng tôi xuống chợ Port Adelaide rảo ở đó và xem thứ gì rẻ thì mua về để đó, mai mốt có thể sẽ gởi về Việt Nam cho gia đình. Thế là tôi lại có thêm một công việc để làm, rồi tôi lại nhớ đến anh Điện lúc anh vào thăm bác Vỹ, Bác Phưong đã nói: “Sau nầy mình đi làm rồi mới thấy đỡ buồn”!
Về đến nhà cũng vào trưa, chúng tôi cùng phụ chị Yến làm bữa ăn. Khi ăn xong thì tôi đi nghỉ vừa nghe cái cassette đang chạy băng học tiếng Anh, lại vừa xem sơ qua các tài liệu học lái xe xem coi như thế nào? Rồi lại chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay!
Đã từ lâu tôi thường hay mất ngủ. Tôi mất ngủ từ lúc mới lớn. Ngày xưa khi còn nhỏ má tôi buôn bán ở sạp ngoài chợ, cứ mỗi sáng sớm bà gánh hàng ra chợ là tôi bị bà đánh thức để ra chợ ngồi ở sạp trông hàng cho đến khi bà hoàn tất bày bán hàng hoá thì tôi mới được về nhà ngủ. Đến khi bắt đầu trưởng thành thì hai ông bà cứ gây lộn, cãi cọ hoài khiến tôi không biết vì sao lại không ngủ được. Từ đêm này có khi đến đêm khác. Có lẽ do đó mà tôi bị mất ngủ tự bấy giờ. Dỗ được một giấc ngủ không dễ dàng gì đối với tôi. Khi đến Úc vì nhu cầu học tiếng Anh nên tôi đã cố gắng mua một máy cassette để mình nghe băng mượn từ thư viện về, hoặc sang lại vì máy cassette nầy có thể sang băng lại bằng vận tốc nhanh. Lúc đầu tôi nghe hết mặt nầy, rồi trở sang mặt kia vẫn chưa ngủ dược, phải cho băng phát trở lại mới ngủ được. Không ngờ về sau có khi mới mở băng chưa được bao lâu thì tôi đã ngủ rồi! Điều đó cũng tốt cho tôi nhưng cũng là trở ngại khi tôi muốn nghe những bài học kế tiếp, thế là tôi thay đổi cách nghe. Giọng tôi trầm, nói không nhanh thành ra khi tôi đọc hay nói tiếng Anh hơi chậm hay là quá chậm. Có lần một thằng Úc ở tiệm bán máy chụp hình ghẹo tôi: “I …would…like…to…buy…” khiến tôi nhớ lại giọng của mình. Thế là tôi về mở băng cassette từng câu rồi lặp lại với mức độ càng nhanh như cô Helena đã dạy. Nhưng sự tập tành nào cũng vậy, chỉ đến hết mức của mình thì thôi, chứ không vượt hơn cái khả năng “trời cho” được; dù thế nào cũng không bằng sự thiên bẩm. Tới phút đó tôi cũng đành chịu! Rồi nghĩ lại Tiếng Anh dâu phải ngôn ngữ của mình thì mình làm sao nói nhuần nhuyễn được như những người thiên phú. Nghĩ lại người Tàu hay Miên ở Việt Nam đã lâu lắm rồi, mà họ nói Tiếng Việt cũng chẳng rành, thì chắc mình nói Tiếng Anh cũng sẽ là như vậy thôi! Cho nên từ đó, tôi luôn cố gắng nhưng không bao giờ nghĩ mình sẽ đạt đến mức cao nhứt của kết quả: Mình nói mà Úc nó hiểu được là quý lắm rồi! Và từ đó tôi cũng không cần chú ý đến văn phạm nhiều nữa mà cứ học nói như “con kéc” và tạo cho phản ứng nhanh là được! Vì trong những thời gian đầu chúng tôi, tôi muốn nói là đa số, chứ không riêng gì tôi, đều chú trọng đến văn phạm trước khi trả lời câu hỏi khiến mình bị lúng túng trong việc trả lời làm cho mình sợ sệt và ngập ngừng, và chính thầy cô cũng khuyên đừng nên chú trọng vào văn phạm lắm, cứ theo như những mẫu mà mình trả lời rồi dần về sau điều chỉnh nó sẽ tốt hơn. Từ đó về sau nầy tôi cứ “phang đại”, nghĩ sao thì nói vậy, cứ coi như mình nói theo lối “tiếng bồi” miễn Úc nó hiểu là được. Nếu nó không hiểu thì mình nói lại và diễn tả theo cách khác cố gắng làm sao cho nó hiểu, túng cùng thì ra dấu “tay quơ” xài đến “ngôn ngữ quốc tế”, thế vậy mà nó dễ hiểu hơn. Tôi cứ nghĩ tiếng Anh không phải là ngôn ngữ của mình. Mình không có khiếu học về ngoại ngữ thì mình cứ cố gắng theo lối của mình, được tới đâu thì hay tới đó!

Nguyên Thảo,
10/03/2020.




No comments:

Post a Comment