Sunday, June 12, 2022

*Người Ta Hối Lộ!


Đồ Ngông tôi la hoảng lên: “Người ta hối lộ!” rồi lại tỉnh cơn mơ! Nhưng, tỉnh rồi, lại bỗng nhớ về câu chuyện mà ngày xưa Thầy Thu Giang Nguyễn Duy Cần có lần đã kể. Lâu quá rồi, dù không còn nhớ rõ lắm, nhưng câu chuyện ấy khiến cho Đồ tôi nghiệm ra nhiều vấn đề. Đại khái trong lịch sử kể rằng Phạm Lãi khi hoàn thành giúp Việt Vương Câu Tiển diệt nước Ngô của Phù Sai xong, thì nhận thức được ý nghĩa câu của vua Ngô nói trước kia: “Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàng; địch quốc phá, mưu thần vong” (thỏ chết rồi, chó bị phanh thây; chim cao hết, cung đành xếp cất; nước địch phá xong, mưu thần tất bị tiêu vong), nên Phạm Lãi đã từ quan, bí mật đi ở ẩn. Có chuyện kể Phạm Lãi cùng Tây Thi cùng nhau đi du Ngũ Hồ. Tuy nhiên, trong chuyện nầy kể lại rằng Phạm Lãi cùng gia đình chuyển sang ở đất Tề, vua Tề biết lại sai người mời ra làm quan. Ông từ chối và đem gia đình sang đất Đào, đổi tên thành Đào Chu Công làm ăn buôn bán, trở nên giàu có. Ở đây, trong nhà ông lại có người con trai giữa đi sang nước khác phạm tội lớn, đợi chờ ngày xét xử, tội có thể đưa đến cái chết. Thế rồi ông soạn những lễ vật quý giá, quà cáp sai người con út đem quà ấy sang nước đó gặp vị quan thân tình với Phạm Lãi, được nhà vua tin dùng, tìm cách nói giúp để gỡ án cho con. Nhưng người con trưởng khăng khăng đòi đi để cứu em. Cuối cùng Chu Công phải đành để cho người con trưởng đem quà cáp mà đi. Đến nơi, người con trưởng ở trọ bên ngoài, rồi đi đến gặp vị quan theo như lời hướng dẫn của cha mà làm. Vị quan đến gặp vua tâu nhờ ân xá cho tù nhân cũng là nhằm để cứu người con của Phạm Lãi. Vua đồng ý ban lệnh ân xá. Người con Phạm Lãi ở bên ngoài nghe có lệnh ân xá vua ban thì nghĩ rằng em mình được thả theo lệnh ân xá, chứ không phải nhờ ông quan, vì vậy mà tiếc của rồi đến nhà ông quan đòi lại những quà cáp. Quan giận, đến vua tâu lại, khiến vua rút lại lệnh ân xá và thi hành án tử. Người con trưởng đem xác em về, Chu Công cho biết: Ông biết thế nào con trưởng cũng sẽ làm chết em nó vì từ nhỏ đến lớn nó cùng cực khổ với gia đình, do đó nó sẽ tiếc của đòi lại quà cáp, khiến ông quan tự ái mà xin vua thu hồi lệnh ân xá; còn con út vì nó không gian khổ nên với số quà cáp ấy nó không hối tiếc cho nên có thể cứu được anh nó.

Bài học ấy khiến cho Đồ tôi chiêm nghiệm suốt đời mình! Trong cuộc sống những người con lớn thường phải cực khổ cho nên tiếc của khá nhiều nên trong sự giao thiệp với người ngoài không được rộng rãi, công việc làm ăn khó được hanh thông. Còn người con nhỏ lớn lên trong hoàn cảnh thoải mái của gia đình, tiêu pha không tiếc, vì thế mà sự chi phí lót đường, giao du trơn tru, do vậy dễ thành công hơn. Những chuyện thân thiết hay hối lộ thì nơi nào cũng có, giống như trong tục ngữ có câu: “Nhứt thân, nhì thế” thì đường công danh hay quan lộ dễ dàng; ngay cả chỉ cần xin giấy tờ mà chính quyền đòi hỏi vẫn trôi chảy hơn rất nhiều, còn không thì vấn đề “biết điều” hay “thủ tục đầu tiên” là cần có, cho nên dân nghèo bao giờ vẫn khổ nơi chốn “công đường”. Vì vậy “nghèo” thường đi đôi với “khổ cũng chẳng là sai! Thật là buồn thay, nào ai có biết?

 

Đồ Ngông,

13/06/2022.

 

 

 


*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (2)


 Khi còn ở Vĩnh Trường ít khi tôi nghe tiếng súng và lại phải chun hầm để tránh đạn, nhưng về chợ tôi thường xuyên phải chun xuống hầm, nghe tiếng súng, tiếng ầm của moọc-chê và tiếng đạn phóng lựu, hay đầu đạn “đum đum” nổ. Thỉnh thoảng lại có tiếng cà-nông từ trên Thủ Dầu Một hay Phú Lợi bắn xuống. Sáng ra, trên vách tường của nhà phía trước, phía đằng kia có vẽ cờ đỏ sao vàng, đôi lúc lại có cờ búa liềm. Lúc ấy tôi chẳng biết cờ ấy là cờ gì, về sau lớn lên tôi mới biết. Rồi ít lâu sau, khi hai đứa em kế tôi chết cách nhau không xa, má tôi chuyển sang bán ở chợ. Họp chợ thường sáng sớm. Sáng bà gánh hàng ra sạp và bắt tôi phải thức dậy đem theo cái mền, rồi trùm mền ngồi giữ hàng hóa cho đến khi xong xuôi tôi mới được về nhà ngủ tiếp. Tới sáng thì đi học. Học trò đi học ở Tân Khánh thuở ấy chỉ có trường Cây Gòn của Thầy Khai thôi là dạy Tiếng Việt, còn phía bên kia là trường Tàu cho con cháu những người Tàu ở đây học tiếng Tàu. Trường Thầy Khai có Thầy Giáo Sáu dạy lớp Đồng Ấu, Cô Giáo Khai dạy lớp Tư, Thầy Thăng dạy lớp Ba, Thầy Giỏi mà người ta gọi là Thầy Giáo Khòm vì ông khòm lưng dạy lớp Nhì và Thầy Khai dạy lớp Nhứt. Trường đối diện với Thánh Thất Cao Đài mà người dân thường gọi là Chùa Một Mắt, vì phía trước có treo cây cờ có hình Một Mắt. Vòng rào phía trước có trồng một hàng cây gòn nên thường được gọi là Trường Cây Gòn. Ngày tôi bắt đầu đi học thì không biết tôi học như thế nào, ngủ ra sao, chứ tôi chưa bị đuổi học. Sau ba tôi có kể lại là Thầy Giáo Sáu “mắng vốn” hoài, nhưng ba tôi năn nỉ Thầy cứ cho tôi học vì để ở nhà sợ tôi đi chơi. Học được hay không lúc ấy tôi cũng chẳng biết, nhưng cuối khóa thì tôi cũng được lên lớp. Trong thời gian nầy có một lần tôi phải khóc thật nhiều: Số là kế bên nhà ba má tôi có hai ông thợ may nhờ chỗ phía trước nhà của Cậu Ba Hưng cạo heo mở chỗ để may quần áo đàn ông. Hai ông ấy cũng là bà con với ba tôi: Một là Bác Hai Long, hai là Chú Ba Bơn; còn Út Xang, cô tôi thì may đồ đàn bà phía bên hàng ba nhà ba má tôi. Không biết câu chuyện như thế nào mà ông Thầy Khai sai anh Tư Sơn, con cậu Ba Hưng xuống thưa với Thầy Giáo Sáu kêu tôi lên trình diện. Thầy Khai hỏi tôi: “Tại sao lấy kéo mấy ông thợ may bỏ vào cặp của Thằng Bự?”. Tôi nói: “Không có”, nhưng Thầy không tin. Thầy gặn hỏi tôi lần nữa, tôi sợ quá bật khóc. Trong mếu máo tôi nói lại lần nữa là không có. “Vậy, tại sao thằng Bự lại nói mầy. Mầy khai thiệt đi chứ không tao đâm cái kéo vào cổ mầy”. Nói xong, Thầy giơ kéo ra như lấy trớn để đâm kéo vào cổ tôi. Tôi nhắm mắt mà khóc ràn rụa. “Thưa Thầy, con không có lấy, con không có làm”, rồi tôi khóc thật nhiều. Sau lúc đó, Thầy Khai kêu anh Tư Sơn đưa tôi về lớp và chuyện ấy về sau tôi chẳng biết ra sao?

Trường Thầy Khai thuở ấy dạy ngày hai buổi giống như các trường khác trong thời Pháp thuộc, học buổi sáng và buổi chiều, cứ khi trống trường “ba hồi ba dùi” bãi học thì tất cả học trò ra sắp hàng thứ tự ở sân trường theo từng lớp. Thế rồi, lớp Thầy Khai đi trước với hai hàng dọc, Thầy đi phía ngoài bên hông. Tiếp theo là các lớp từ lớn đến nhỏ, và thầy cô cũng đi bên ngoài theo lớp mình. Đến ngả ba chợ và đồn bót, Thầy đứng đó, học sinh đi qua cúi đầu chào và dần tan hàng đi về nhà, và Thầy đi vào trong đồn, vì Cô và Thầy ở trong đó. Những học sinh nào đi về hướng trên ngược lại hay đi xe đạp thì ra cổng sau cùng. Số đó thì rất ít. Cái nề nếp đó làm nên uy tín của trường Thầy Khai hay là trường Cây Gòn.

Trở lại, chuyện đi học của tôi, là tôi không biết mình chịu học từ khi nào, nhưng cái học cũng tạm được không còn mê say để ngủ nữa, hay là từ khi ông Thầy Giáo Sáu dạy đến bài C-am Q-uýt N-gọt, Y-ên C-ỡi Qu-ất và Thầy làm những hình ảnh khiến cả lớp cười ồ hoặc làm cái cách đau bụng rồi nhăn nhăn, nhó nhó khiến trong lớp đứa nào cũng thích, rồi tôi lại mê học. Chắc nhờ đó mà tôi thoát được cái “ngu” không đếm được đến 10. Tới cuối khóa tôi cũng được lên lớp Tư của cô giáo Khai. Từ giã lớp Đồng Ấu hay là lớp Năm! Tôi muốn nói “cuối khóa” ở đây có nghĩa là lớp học không phải một năm, mà tôi nhớ là mỗi khóa chỉ là nửa năm thôi, bởi vì học một ngày hai buổi chứ không phải là một buổi.

Chuyện nhà Thầy Khai ở trong đồn không ai giải thích được, mà chỉ biết Thầy Cô ngày hai buổi ra trường dạy học rồi vào trong ấy. Thầy thường mặc bộ đồ bà ba trắng thì người ta chỉ nói Thầy là người đạo Cao Đài nên ở trong bót do lính Cao Đài đóng; và trong bót có thằng lính Tây làm cố vấn, nên Thầy Cô ở trong ấy để làm Thông dịch. Chắc Thầy Khai giỏi Tiếng Pháp nên ai học đến lớp của Thầy đều được dạy Tiếng Pháp. Đến giờ ấy nghe cả lớp đọc Tiếng Pháp “nghe mà mê”! Mấy đứa nhỏ như tụi tui cứ mơ ước mình mau học cho đến lớp của Thầy!

Trường Cây Gòn cách đồn không xa, cỡ chừng chưa tới 200m, đối diện với Thánh Thất Cao Đài. Phía trong Thánh Thất là xóm những người theo đạo trú ngụ, là giang sơn riêng của họ, bên hông nối với vòng rào của bót, có mấy lớp hàng rào kẽm gai, khoảng giữa là hào sâu cùng với chông tre tua tủa. Đối mặt bên nây hơi thụt vô trong là Trường Tàu để dạy Tiếng Tàu cho con những người Hoa buôn bán và làm lò chén dọc theo suối từ Bình Hòa cho đến xóm Chùa. Kế bên hông trường Tàu là dãy nhà kế đến là khu chợ xen với vài căn nhà người ta ở. Chợ có nhiều sạp do người bán dựng lên, có cái thì có mái che, có cái không. Ở đầu dưới có một bàn bán bánh mì mà má cũng thường hay mua cho tôi ăn vào nhiều buổi sáng. Nhưng đặc biệt là sáng nào thằng Tây cũng mua ở đó. Lúc nầy, tiền “một đồng” người ta có thể xé đôi để trả nửa giá là 5 cắc (hay 50 xu) nếu mình không có tiền lẽ.

Trước đồn là khoảng đất trống khá lớn mà lính Tây từ trên Tỉnh hay Phú Lợi đi bố ráp, lùng sục thường tới đó nghỉ ngơi trước khi đi hay trở về. Những cuộc hành quân thưòng xuyên, khởi đầu là những xe tăng hay thiết giáp đi đầu hai bên có mấy thằng lính cầm máy dò mìn đi trước, nối đuôi là mấy thằng lính ôm súng đi theo, kế tiếp là các xe nhà binh khác. Họ hành quân ở đâu không biết, nhưng thường đi về phía trong Hóa Nhựt, Tân An, Tân Hội hay Tân Long gì đó. Khoảng xế chiều hay chiều chúng mới về đậu ở đất trống phía trước đồn, khi nào nhiều đậu dài dọc đường đến khu đất trống trước trường Tàu. Lúc đó có nhiều đứa dạn dĩ tới gần đám lính Tây xin kẹo bánh, lính Tây có đứa cho tận tay, có thằng vãi trên mặt đất cho mấy đứa nhỏ giành với nhau. Tôi nhút nhát nên chỉ tới xin một hai lần, sau đó thấy giành không lại, đành thôi.

Có một hôm, tụi lính Tây còn ở lại trước đồn với dàn xe cơ giới. Không biết đêm đó mưa lớn như thế nào mà chiếc xe thiết giáp ở trước đồn bị lún sâu xuống mặt đất, sáng ra nó chạy lên không được, mấy xe khác kéo cũng không xong, mà xe lại càng lún sâu hơn. Cuối cùng xe bá-lan đến kéo lên. Rồi một ngày nọ, có một xe chở đoàn đi đá banh, vừa đội banh, vừa ngưòi đi theo, chiều về bị giựt mìn trên đầu dốc dài bên Hóa Nhựt. Số người bị thương và chết người ta đem về chợ Tân Khánh để nằm dài trên mấy sạp, chờ cứu thương đến đem đi, thật là khủng khiếp và thương tâm. Sáng ra làm mấy người chủ sạp phải rửa ráy, lau chùi, dọn dẹp và nghỉ bán hết một ngày.