Sunday, June 12, 2022

*Người Ta Hối Lộ!


Đồ Ngông tôi la hoảng lên: “Người ta hối lộ!” rồi lại tỉnh cơn mơ! Nhưng, tỉnh rồi, lại bỗng nhớ về câu chuyện mà ngày xưa Thầy Thu Giang Nguyễn Duy Cần có lần đã kể. Lâu quá rồi, dù không còn nhớ rõ lắm, nhưng câu chuyện ấy khiến cho Đồ tôi nghiệm ra nhiều vấn đề. Đại khái trong lịch sử kể rằng Phạm Lãi khi hoàn thành giúp Việt Vương Câu Tiển diệt nước Ngô của Phù Sai xong, thì nhận thức được ý nghĩa câu của vua Ngô nói trước kia: “Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàng; địch quốc phá, mưu thần vong” (thỏ chết rồi, chó bị phanh thây; chim cao hết, cung đành xếp cất; nước địch phá xong, mưu thần tất bị tiêu vong), nên Phạm Lãi đã từ quan, bí mật đi ở ẩn. Có chuyện kể Phạm Lãi cùng Tây Thi cùng nhau đi du Ngũ Hồ. Tuy nhiên, trong chuyện nầy kể lại rằng Phạm Lãi cùng gia đình chuyển sang ở đất Tề, vua Tề biết lại sai người mời ra làm quan. Ông từ chối và đem gia đình sang đất Đào, đổi tên thành Đào Chu Công làm ăn buôn bán, trở nên giàu có. Ở đây, trong nhà ông lại có người con trai giữa đi sang nước khác phạm tội lớn, đợi chờ ngày xét xử, tội có thể đưa đến cái chết. Thế rồi ông soạn những lễ vật quý giá, quà cáp sai người con út đem quà ấy sang nước đó gặp vị quan thân tình với Phạm Lãi, được nhà vua tin dùng, tìm cách nói giúp để gỡ án cho con. Nhưng người con trưởng khăng khăng đòi đi để cứu em. Cuối cùng Chu Công phải đành để cho người con trưởng đem quà cáp mà đi. Đến nơi, người con trưởng ở trọ bên ngoài, rồi đi đến gặp vị quan theo như lời hướng dẫn của cha mà làm. Vị quan đến gặp vua tâu nhờ ân xá cho tù nhân cũng là nhằm để cứu người con của Phạm Lãi. Vua đồng ý ban lệnh ân xá. Người con Phạm Lãi ở bên ngoài nghe có lệnh ân xá vua ban thì nghĩ rằng em mình được thả theo lệnh ân xá, chứ không phải nhờ ông quan, vì vậy mà tiếc của rồi đến nhà ông quan đòi lại những quà cáp. Quan giận, đến vua tâu lại, khiến vua rút lại lệnh ân xá và thi hành án tử. Người con trưởng đem xác em về, Chu Công cho biết: Ông biết thế nào con trưởng cũng sẽ làm chết em nó vì từ nhỏ đến lớn nó cùng cực khổ với gia đình, do đó nó sẽ tiếc của đòi lại quà cáp, khiến ông quan tự ái mà xin vua thu hồi lệnh ân xá; còn con út vì nó không gian khổ nên với số quà cáp ấy nó không hối tiếc cho nên có thể cứu được anh nó.

Bài học ấy khiến cho Đồ tôi chiêm nghiệm suốt đời mình! Trong cuộc sống những người con lớn thường phải cực khổ cho nên tiếc của khá nhiều nên trong sự giao thiệp với người ngoài không được rộng rãi, công việc làm ăn khó được hanh thông. Còn người con nhỏ lớn lên trong hoàn cảnh thoải mái của gia đình, tiêu pha không tiếc, vì thế mà sự chi phí lót đường, giao du trơn tru, do vậy dễ thành công hơn. Những chuyện thân thiết hay hối lộ thì nơi nào cũng có, giống như trong tục ngữ có câu: “Nhứt thân, nhì thế” thì đường công danh hay quan lộ dễ dàng; ngay cả chỉ cần xin giấy tờ mà chính quyền đòi hỏi vẫn trôi chảy hơn rất nhiều, còn không thì vấn đề “biết điều” hay “thủ tục đầu tiên” là cần có, cho nên dân nghèo bao giờ vẫn khổ nơi chốn “công đường”. Vì vậy “nghèo” thường đi đôi với “khổ cũng chẳng là sai! Thật là buồn thay, nào ai có biết?

 

Đồ Ngông,

13/06/2022.

 

 

 


No comments:

Post a Comment