Saturday, July 2, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (3)


 Không lâu sau đó, thì hai đứa em của tôi lên cơn nóng sốt, chúng qua đời cách nhau không xa. Má trở nên buồn rầu, nhưng vẫn duy trì bán ở chợ, còn ba đi xuống Sài gòn để đi xe ba-gác, chở cát, gạch, ngói, vật liệu xi-măng cho khách hàng ở tiệm Cô Ba Thưa, nhà chỉ có hai má con. Đêm nọ, khi tôi ngủ má có chuyện lên nhà Chú Ba Oanh gần đó. Nhưng khi vừa ra cửa về thì có chuyện trên đồn bắn xuống liên tu và thụt tăm-lông (phóng lựu) xuống nữa, khiến bà không về được. Tôi vẫn yên ngủ mà chẳng bị hề hấn gì. Thật là hú hồn! Nếu không, thì bây giờ đâu có tôi ngồi để viết chuyện hôm nay!

Thôi kể chuyện chiến tranh xong rồi, tôi sẽ kể tiếp chuyện đi học. Tôi được lên lớp Tư! Như đã nói ở trên Lớp Tư là lớp mà Cô Giáo Khai, tức là vợ Thầy Khai phụ trách. Theo lề lối hồi xưa, ông bà mình có câu “Thương cho roi cho vọt, Ghét cho ngọt cho bùi”, quan niệm ấy được ghi ngay cả trong tục ngữ ca dao của mình nữa cơ mà. Không biết điều ấy có phải là quan niệm của mấy ông Đồ ngày xưa không, khi mấy ổng theo nề nếp của Nho giáo mà ghép học trò vào khuôn khổ để học giỏi, học cho hay. Cho nên cô giáo Khai cũng nghiêm khắc như nhiều người khác. Đối với Thầy Giáo Sáu ít khi khẻ (đánh trên tay) học trò, chắc có lẽ Thầy dễ hơn, hay học trò không có bài vở nhiều, vì vậy mà không có nhiều cái để thuộc. Còn ở Lớp Tư nầy học rất nhiều môn: Lịch sử, Địa Lý, Thường Thức, Tập Đọc, Học Thuộc Lòng, Toán Pháp, có khi Toán Đố nữa và vài môn khác như Tập Viết, Chính Tả, Đức Dục chẳng hạn. Vì vậy học trò về nhà phải học thuộc để lên trên bàn cô mà trả bài. Nói lên bàn Cô trả bài, không có nghĩa là đứng trên bàn của cô, mà chỉ là đem vở bài viết của mình tới bàn của cô, đưa vở cho Cô xem, rồi mình đứng kế bên, xa ra một chút, khoanh tay lễ phép đọc thuộc lòng cho Cô dò theo và chấm điểm. Nội cái khoanh tay mỗi đứa một cách, nếu ai để ý cũng thấy ngộ nghĩnh, có khi đến tức cười mà đám học trò tụi tui gọi là “móc nách” chứ không phải là khoanh tay. Có đứa thì khoanh tay mà cong vai lên hay là khoanh tay trong tư thế khúm núm sợ sệt. Tất nhiên là tôi không biết tôi đã khoanh tay như thế nào, nhưng không thấy đứa nào ghẹo là biết mình ổn rồi. Mà cái chuyện khoanh tay là chuyện cơ bản, còn chuyện học thuộc bài hay không mới là chuyện quan trọng. Chuyện đó mới là chuyện bị đòn, bị khẻ nhiều hay ít, bị quỳ gối lâu hay mau mà thôi. Đi học, chuyện học mới là chính!

Nói đến đây, Quý vị có mường tượng ra được không? Tức là khi được kêu tên lên trả bài. Có thuộc thì được điểm đi về. Tùy theo thuộc ít thuộc nhiều; đọc vấp váp, lựng khựng hay được nhắc như thế nào mà được điểm cao hay thấp. Còn học không thuộc ư? Thì đứng vào góc tường hay quay mặt vào vách mà học. Tới khi hết lúc trả bài thì đọc lại cho cô nghe. Không được nữa thì bị đòn. Xè tay ra, hay chúm mấy đầu ngón tay lại cho cô khẻ. Đau lắm nghe! Khôn hồn ráng học thuộc bài đi. Nói như vậy có lẽ Quý vị thấy cái đặc điểm của Cô Giáo Khai rồi chứ? Đặc điểm ấy là khẻ trên đầu ngón tay! Nghe nói trước nữa cái cách của Thầy Cô là dùng những hình phạt làm cho học sinh ghê sợ mà lo học, trong đó có quỳ gối trênvỏ sầu riêng, vỏ mít; khẻ trên bàn tay hay đầu ngón tay và bắt nằm dài trên bàn và dùng roi mây đánh đít dù mạnh hay nhẹ. Tới thời tôi biết thì không còn quỳ trên hai loại vỏ nữa, ít trường hợp nằm dài trên bàn, chỉ còn khẻ mà khẻ trên đầu ngón tay tôi đã được hưởng nhiều lần với Cô Giáo Khai! Mà cũng chính vì vậy học trò cố gắng học hết mình để khỏi bị đòn! Nhớ có một lần về bài Học Thuộc Lòng chỉ có bốn câu, mà chỉ có một người đọc thuộc mà thôi. Đó là anh Mên con ông Năm Mứt người Tàu bán thuốc rê trong giấy tên Liêu Việt Hà, còn bao nhiêu thì đứng trong góc phòng mà học. Ai thuộc thì đọc trước đi về chỗ, ai chưa thuộc thì đứng học tiếp. Cuối cùng ai không thuộc phải chịu chúm bàn tay đưa cô khẻ mấy cái mới được về. Tôi không nhớ được bốn câu đó vì nó khó học quá mà chỉ nhớ được bốn câu đầu (phấn 1) và cái tựa bài, còn 4 câu sau (phần 2 hay phần tiếp theo) thì không nhớ, chính 4 câu đó mới là phần “ăn đòn”. Phần đầu như thế nầy và phần hai, nếu ai biết thì xin ráp vào:

Con Voi Và Con Chuột Lắc.

 

Con voi cao lớn dềnh dàng

Tưởng rằng anh chị trong làng bốn chân

Ra đường muôn thú hãi hùng

Lại càng hừng chí vô cùng nghênh ngang.

 

Trí nhớ tôi vốn dĩ tồi tệ: Học thì lâu thuộc, mà lại mau quên như tôi đã trình bày ở trên, lúc ba dạy cho tập đếm số từ một tới mười. Thế mà trong thời lớp nầy, tôi lại nhớ được phần ấy cũng như bài sau:

Mùa Đông Chiến Sĩ

 

Mùa Đông tháng giá

Lạnh thấu đến xương

Không chiếu không giường

Gối đất nằm sương

Cực khổ trăm đường

Ta ở hậu phương

Xiết nỗi nhớ thương!

 

Có vài câu chuyện kỷ niệm ở đây khiến lòng tôi khó phai, ngẫm nghĩ lại tức cười đồng thời cũng nhiều thương hại. Ngày nọ, sau khi tan học, như thường lệ học trò sắp hàng rồi từ từ hàng ngũ kéo nhau ra về. Đến ngã ba chợ với đồn gật đầu chào Thầy Khai (đứng tại đó) mới tẽ ra rã hàng ra về. Về đến nhà, chưa vào tới trong, tôi vội khoe với Út Xang: “Út ơi! Hôm nay tập viết con viết bậy bậy mà bà cô cũng cho con 8 điểm”. Cô Út tôi giơ tay lên bảo tôi im, khi tôi tới gần, Út tôi mới nói: “Chết cha mầy bây giờ, bả ở đằng sau đó”, vừa lúc đó Cô Giáo Khai từ đằng sau nhà đi lên. Tôi giựt mình, khoanh tay thưa cô mà lo. Khi Cô đi về, tôi hỏi Cô Út: “Út, Út bả xuống hồi nào vậy?”. “Bả xuống kiếm má mầy đó!”. Thực tình tôi không biết Cô có quen với má, thôi thì có sao thì chịu vậy. Còn chữ viết của tôi cũng là xứng đáng với số điểm ấy, dù không có hoa tay nhưng chữ của tôi có nhiều bạn bè vẫn khen là đẹp!

Một câu chuyện khác thương tâm hơn. Quý vị biết học trò trong quê mà, lúc đi học thường hơi lớn tuổi, trong đó có chị kia học chung, không biết chị thực sự là biết yêu chưa, nhưng một ngày nọ cái thư tình của chị với anh bên trường Tàu lọt vào tay của một trò khác. Trò ấy đưa cho Cô. Thế rồi một màn kịch diễn ra. Cô kêu chị đó lên, bắt quỳ gối trên băng ngồi, dán lá thư trên trán, rồi nhờ một đứa đọc lớn cho cả lớp nghe. Cứ mỗi câu thì lại đánh cái thùng thiếc vài tiếng làm chị khóc sướt mướt. Đại ý cái thư là sự hẹn hò trong cơn mưa, đợi hoài sao không tới. Sau đợt đó là chị nghỉ học luôn, không còn trở lại lớp nữa!

Còn cái Thằng Sinh nữa, nó ngồi kế bên tôi mà nó thường hay nói bậy và lí lắc lắm. Nó có anh đi lính đóng ở trong bót Cây Trắc đường vô xóm Tân An, không biết anh nó giỏi hát hay nhạc không mà nó ca cũng hay. Cứ gần cuối giờ là nó hát bên lỗ tay tôi: “Chiều ơi! Lúc chiều về bà đái trong ve, ông bà về ổng tưởng la-ve ổng quứt liền” hay nó đổi món “Chiều ơi! Lúc chiều về bà ỉa trong lu, ông bà về ổng tưởng la-gu ổng quứt liền” khiến tôi nhịn cười không được, nhưng không dám cười lớn vì sợ chúm tay cho Cô Giáo khẻ! Rồi qua một đêm nọ Việt Minh đánh đồn Cây Trắc, thằng Sinh không còn được anh chở ra học, không biết nó chết hay còn, tôi không được nghe những câu hát “tầm bậy” của nó nữa! Với cô giáo Khai nửa năm trôi qua tôi cũng như một số bạn không đủ sức lên lớp đành ngồi học thêm nửa năm nữa! Lần nầy ít bị đòn hơn!

No comments:

Post a Comment