Friday, December 30, 2022

 

  Happy New Year 2023:     

 

Kính Chúc Mọi Người Luôn Hạnh Phúc  

Cầu Mong Khắp Chốn Được Bình An




Saturday, December 10, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (13)

 

Lớp học sinh hoạt đều đặn với ba Thầy, nhưng chỉ vài tuần Mai Văn Hổ nghỉ không biết về học trường tư bên Biên Hòa hay nghỉ luôn (bạn bè thường ghẹo: “Cọp đã xa rừng!”); sau đó tới Ngô Hạnh Thi, có lẽ vì ở đây khá bất tiện nên trong mấy ngày đầu chàng ta đã than van rồi. Ngô Hạnh Thi nghỉ không có gì là lạ, nhưng không biết có xin chuyển về trường khác được không, còn nếu về học trường tư thì quá dễ! Có một hôm trong giờ Vật Lý Thầy Kim Anh có làm một con cá bằng giấy vẽ cũng khá đẹp, treo trên môt cái cần, và làm một cái que, đố trò nào đưa cái que chọt trúng con mắt con cá Thầy khen hay. Ai cũng chọt hoài mà không trúng, cứ đưa tới gần là con mắt nó lùi xa ra. Khá lâu Thày đố tại sao? Cả lớp ngơ ngác, không biết. Còn trong lúc lớ ngớ tôi vụt thốt lên: “Nam châm đẩy”, tôi chỉ nhớ mang máng cái hiện tượng ấy thôi! Nhưng Thầy Anh nói: “nam châm gì mà nam châm đẩy?” Tôi cười, Thầy bảo: “Sao mầy cười gớm thế!” làm tôi mất hứng! Thì ra, Thầy giải thích đó là hình thức của nam châm, con mắt của cá là một cực của nam châm, còn cái que thầy làm nó cùng cực với mắt cá nên khi đưa que tới gần mắt cá, thì nó đẩy mắt cá xa ra do nơi chúg cùng cực. Nhưng khi Thầy cầm que chọt mắt cá là Thầy đẩy một que khác khác cực trồi lên, tức là trong que đó có hai sợi sắt được tạo thành nam châm quấn chung với nhau, nên khi để gần, que hút mắt cá vào vì vậy Thầy thì chọt trúng mắt cá, còn chúng tôi thì không! Thầy Khánh thì có vẻ đạo mạo, nghiêm hơn nên đa số học trò chúng tôi ngán thầy hơn là Thầy Anh, cũng chính vì lẽ ấy mà tôi ít khi đến nhà của Tô Công Tâm để đánh vũ cầu ở đó. Thầy Khánh dạy Văn rất hay, hấp dẫn chúng tôi nhiều! Thầy có một cái tật khác hơn mọi người. Thầy thích xem báo lắm, mỗi sáng thường mua một tờ báo, nhưng cái ngộ của Thầy là đi đường mà Thầy mở tờ báo ra xem, vừa đi vừa xem như thế đó mặc dù Thầy đeo kiếng cận khá cao, thế mà chẳng có làm sao, vậy mới hay chứ! Còn Thầy Mã Sấm cho bọn chúng tôi những căn bản Tiếng Pháp đầu đời, có lúc Thầy kể chuyện giày và ống quần cho chúng tôi nghe thật lý thú. Thầy kể: “Đôi giày thì ngày xưa người ta đóng mũi gót đều bình thường, xong thời gian sau người ta muốn cái đế cao hơn để đi đất không dính tới lai quần và cái mũi hơi nhọn ra để giữ lai quần cho sạch sẽ. Lâu sau, thấy mũi dài hơi nhọn người ta không thích lại xén ngang, mũi hơi bằng phía trước, rồi lâu ngày nữa thấy chẳng hay lắm, người ta lại làm như cũ, nó cứ thay đi đổi lại mình cứ tưởng là mới, nhưng nó chẳng mới chút nào. Cái quần cũng thế! Ngày xưa may thường để mặc kín đáo, thoải mái, thế rồi tới lúc để gọn hơn và khoe bắp thịt nó bắt đầu túm vô giống như hình mấy ông kiếm sĩ đánh kiếm, rồi khoảng thời gian sau từ đầu gối trở xuống người ta may loe ra cho nó xoay xoay, lắc lắc có vẽ đẹp hơn. Rồi có lúc lại trở về bình thường. Còn dưới ống chỗ lai quần khi thì phía sau dài hơn phía trước để che gót giày, có khi người ta may phía trước dài hơn phía sau để che phần trước của giày, cứ bao nhiêu đó mà thay đổi tới lui tùy theo thời gian và thời thượng. Đúng là kinh nghiệm của người lớn tuổi!

 Mấy người con của Bà Út đều là những phu cạo mủ trong Sở Kẹc-bay nào đó gồm có hai Bác Hai Bực, hai Bác Sáu Bùng, hai Bác Bảy và Cô Út. Thỉnh thoảng Cô Ba có về thăm Bà. Có những ngày rảnh rang, khí trời hơi nóng nực, Bác Sáu rủ đi tắm suối. Lần đầu tiên, Bác dẫn chúng tôi đi về phía trong hơi xa, qua khỏi cầu Ông Hụ, tới cái ngã ba đường đất tráng đá đỏ quẹo theo đường đó đi về phía đồng ruộng, băng qua vài đám ruộng đến bờ suối hơi trống trải đó gọi là Bến Ông Quận. Nơi nầy nước thật trong, mát, không có rong. Bên kia suối có cái nhà giống như là cái đình, có ít nhà ở đó, người cũng ít khi xuất hiện. Rồi có lúc Bác dẫn đến bãi tắm khác gần hơn, chỉ đi đến bìa Đình Uyên Hưng là có con đường mòn đi xuống suối. Bãi tắm nầy có mấy cây dầu cao người ta gọi là bến Cây Dầu, nước trong, hai bờ hơi hẹp nên nước chảy mạnh hơn, có ít cây cỏ mọc dưới mặt nước trông cũng vui, nước vẫn xanh mát, trên bờ có nhiều bụi tranh làm cho bến có vẽ hoang sơ, thơ mộng hơn với gió vi vu, lao xao của lá dầu. Rồi có hôm Bác lại đưa chúng tôi đến bến gần vườn xoài băng qua góc sân banh đi sâu xuống phía dưới. Bến nầy tương đối vắng, một bên bờ khá cao, còn bên nây thì thoai thoải, nhiều đất đá. Con suối nầy hình như từ bên phía cánh đồng ở phía sau nhà Bà Út mà ở bìa rừng bên kia chảy vòng theo đó mà lần ra sông mà những bến như Bến Ông Quận, Bến Cây Dầu, hay Bến Vuờn Xoài đều nằm dọc theo con suối nầy. Với những bến ấy là những nơi chúng tôi về sau thường hay đi tắm rửa nếu không muốn tắm ở nhà.

Một ngày nọ, nhân ngày nghỉ lễ, Bác Sáu rủ muốn đi chơi không, đứa nào muốn đi cạo mủ thì theo Bác. Thế là bọn chúng tôi hiếu kỳ muốn biết cạo mủ ra sao xin đi theo. Sáng sớm chừng khoảng 3 giờ sáng là phải thức dậy lo dở cơm nước theo. Trời còn tối thui, chúng tôi cố đạp theo mấy Bác. Có chỗ tôi cố đứng lên đạp theo mà sao vẫn nặng đạp, khi mọi người xuống xe để đẩy thì tôi ngừng đạp, vừa bước xuống lại bị té. Xong đẩy lên một khoảng rồi mọi người lên xe cưỡi đi tiếp. Không xa lắm đã tới nơi, chúng tôi đợi mấy Bác đi lấy đồ đạc từ dao cạo đến những thùng đựng mủ, rồi theo Bác Sáu đến lô mà Bác cạo. Còn mấy Bác khác đều đi riêng để đến lô cạo của mình. Dưới ánh đuốc Bác cạo từng cây nầy sang cây khác, chúng tôi chỉ đẩy xe đi theo để coi. Trước hết Bác gỡ lấy mủ đông đặc trong chén, rồi gỡ mủ trên đường cạo lần trước, xong mới cạo lằn mới nằm trên đường cũ, chỉ cạo lớp võ thôi thì mủ lần chảy ra. Cứ thế mà cạo từ cây nầy đến cây khác cho hết số cây của mình. Đến lúc đó trời cũng đã sáng rực lên rồi.

Xong chúng tôi ngồi cùng nhau uống nước trà, hay cà phê mà nghe chim hót, nghe cái lành lạnh của núi rừng dù đây là rừng cao su, và trò chuyện. Rồi khoảng chín giờ hơn Bác Sáu đẩy xe đạp đi trút những mủ trong chén vào mấy cái thùng mủ treo hai bên ba-ga của cái xe đạp. Khi trút mủ xong Bác đem ra chỗ để để xe cam nhông đi gom mủ trút vào thùng lớn mà chuyển về nhà mủ lo việc chế biến. Đó là xong một buổi sáng. Bác Sáu cho biết là mỗi người có hai lô để cạo. Hôm nay cạo ở lô nầy thì mai đi cạo ở lô khác, rồi mốt quay lại lô nầy, cứ vậy mà xoay vòng. Một năm có mấy tháng nghỉ vì khi đó cây cao su rụng lá sẽ ngưng cạo vì cạo cây sẽ chết. Còn đường cạo mà xuống quá thấp, thì phải cạo lên trên trở lại tức là lúc ấy phải mở một đường mới, khác bên với đường cũ, còn đường cũ để cho cao su lành da trở lại. Tạo rãnh mới để cạo gọi là “mở miệng”! Như vậy là bọn học trò chúng tôi học được cách cạo mủ cao su ở ngoài “lô”, và sau nữa, vào buổi chiều lại học cách ở trong nhà mủ, tức cách chế biến mủ. Sau khi ăn cơm, nghỉ ngơi xong là đến giờ làm việc, mọi người vào công việc của mình. Chúng tôi có dịp đi theo để coi. Mủ cao su khi xe cam nhông đem về nhà kho trút vào một hầm, không biết họ pha như thế nào mà nó đông đặc theo từng miếng nhỏ theo khuôn. Từ khuôn ấy người ta lấy ra để đưa lên bàn cán. Bàn cán là những trục theo dây chuyền được cán từ cỡ còn dầy đến mỏng hơn, đến trục vừa đủ cỡ thì đi qua một trục có hình thoi hay hình ô nhỏ để qua các trục đó thì tấm mủ đã hoàn thành rồi, chỉ việc chất lên những khung đưa vào nhà sấy, nhà xông gì đó làm cho mủ chín đi. Những tấm mủ chín chỉ còn việc đóng bành rồi đưa đi bán, thế là xong! Nước thải từ nhà mủ thải ra thật là hôi, khó chịu vì vậy khi chúng tôi đi học ngang qua nhà mủ của sở 49 thì nghe mùi hôi là lý do đó! Chiều về tôi mới để ý nơi tôi té hồi hôm là một dốc cao mà Bác Sáu nói: “Đó là dốc Bà Nghĩa!”.


Nguyên Thảo,

11/12/2022.




Friday, November 25, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (12)

 

Sĩ số lớp khoảng chừng 60 trong đó đám từ Tân Khánh cũng được mười mấy người như Nguyễn Ngọc Thạch, tôi, Trần Tấn Lực, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thị Kim Phụng, anh Nguyễn Văn Năm, chị Nguyễn Thị Thay, chị Mướp, Phạm Văn Chi, Phan Văn Son, anh Sợi, Tộ. Đa số đến từ Trường Tiểu Học Tân Ba như chị Nguyễn thị Thu Hồng, chị Bạc, Thêm, chị Hoa, Bằng, Huỳnh Như Ý, chị Út, Mã Thị Kim Huệ con Thầy Mã Sấm; còn bên trai là Nguyễn Ngọc Báu, Đỗ Hữu Tài, Nguyễn Ngọc Thành, Trí. Bên Tân Hạnh có Mai Văn Hổ, Đặng Văn Sính, Phan Thị Lai. Ở tại Tân Uyên có Trương Văn Bưu, Huỳnh Văn Siêng, Tô Công Tâm, hai chị Huỳnh Thi Hoa, Huỳnh Thị Hường. Phía bên cù lao 6 xã có anh Nguyễn Văn Thông, chị Sương, Phú Thị Thơm. Và một số lớn tôi không biết quê ở đâu như Chị Phán, Chị Phúc, Nguyễn Văn Vàng, Tống Văn Hỏ, Lý Hoài Đường, anh Ni, anh Đi, Thành, Nguyễn Văn Công, anh Nước, Tân Hòa Tân Tịch có anh em Đoàn Văn Thành, Đoàn Văn Huệ; ngay cả anh chàng người Bắc có tên là Ngô Hạnh Thi khi dự thi ngồi chung với mấy cô con gái và một người nữ đặc biệt từ Sài Gòn lên là chị Mỹ Duyên. Riêng tôi thì kỳ nầy lép vế do vì khai sanh mà lên bậc Trung học tôi đã trở thành Thạch B chứ không phải là Thạch A như thời Tiểu học. Thôi thì tại vì mình nhỏ hơn nên đành chịu thiệt vậy! Mỗi ngày chúng tôi lần lượt từ các phương hướng đến trường, người thì đi bộ, người qua đò, người đi xe đạp, nhưng nhóm nữ Tân Ba lên đến trường bằng một chuyến xe lam mà Thầy Tổng Giám Thị là trưởng nhóm, trông thú vị ra phết! Còn Long, Phụng, Thạch, tôi thì lon ton xách tập đến trường bằng đi bộ vì trường không xa lắm! Ở đây, bọn Tân Khánh chúng tôi có gặp lại Thầy Khuê, là Thầy ngày trước có về trường Tân Khánh cùng với các Thầy Viễn, Thầy Liệu, Thầy Di ca hát cùng nhau trong thời Thầy Hòa, Thầy Trọng. Không biết Thầy về đây tự lúc nào và Thầy đang phụ trách lớp Nhứt. Từng buổi sáng sớm thấy Thầy đã tập parafix được dựng lên trong cái Học Đường viên của Trường Tiểu Học Uyên Hưng. Thầy tập rất hay, Thầy quăng mình quay tròn lên xuống cái xà ngang ấy chứ không riêng là chỉ rúc lên, thả xuống. Thầy mướn chỗ trọ ở phía sau dãy lớp học dài của Trường Tiểu học, nên cũng gần. Có lúc chúng tôi hỏi Thầy nhưng chắc Thầy không nhớ, Thầy hỏi, chúng tôi nói học trò trường Tân Phước Khánh, nhưng Thầy cũng không biết mấy vì Thầy chẳng có dạy chúng tôi.

Còn hai Thầy Trần Văn Khánh và Tạ Kim Anh lên đây thì ở trọ nhà Bác Tô Văn Trên, tức là ba của Tô Công Tâm, Tô Công Tước. Được biết gia đình Bác là người thân của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Tôi không rành chuyện đó, nhưng nhớ lúc trước khi các Tỉnh tổ chức bầu cử Dân Biểu Quốc Hội, Bác có ra ứng cử cùng với Ông Thái Mạnh Tiến, nhưng trong kỳ đó Thái Mạnh Tiến đắc cử. Thấy Bác thường hay lái chiếc xe Traction màu đen chạy về hướng Biên Hòa hay Sài Gòn gì đó mỗi tuần và nhà máy đèn cung cấp điện cho toàn quận là do Bác làm chủ. Nhà Bác có trồng loại hoa giống như trái tim về sau tôi mới biết tên nó là “Tigôn” như trong bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn” và giàn trái gì đó khá lạ, bông nhìn đẹp lắm mà người ta gọi là dưa Tây. Hai Thầy ở đây cũng siêng năng tạo ra sân vũ cầu để bọn học trò chúng tôi cùng làm cùng chơi, ai thích thì có thể đến tập luyện chơi với mấy Thầy nếu đông quá thì ai thua ra để người khác thay vào. Tôi và Thạch, Long thỉnh thoảng tham gia vào khi Phụng muốn đến nhà chị Hoa, chị Hường chơi vì nhà hai chị chỉ đối diện với nhà của Bác Tô Văn Trên.

Nhà Bà Út đối diện với sân banh thuộc ấp Gò Đậu của xã Uyên Hưng. Sân banh là khoảng đất bằng cao hơn phía trước được san bằng để đá banh, hay chạy đua, điền kinh còn phía trước gần đường được tráng xi-măng giống như là sân để chơi bóng rổ hay bóng chuyền. Kế đó là khu rừng tre mà chiều nào cò cũng về đậu đầy trên những cành cây để ngủ cùng với màu trắng và tiếng kêu thật vui tai. Sau đó là con đường vòng chạy bọc sau khu trại lính để đi về hướng mà người ta nói là Tân Hòa, Tân Tịch. Còn về đầu trên của sân banh là nhà của Chú Tư, Ông Bà Năm kéo dài lên tới Cầu Ông Hụ rồi lưa thưa dần cho gần tới dốc Bà Nghĩa. Phía bên ruộng thì từng nhà cũng dài như thế từ trong chạy ra qua nhà Bà Út đi tới nhà Bảo Sanh Song Long, rồi đến nghĩa địa. Kế đó còn vài nhà nữa thì đến ruộng. Theo cách nhìn của tôi thì con đường từ Tân Ba lên lúc trước có lẽ chạy dài theo sông lên tới các vùng trên băng qua Tân Hòa, Tân Tịch, tới gần Chi Cảnh Sát Quốc Gia có con đường chạy lên Phú Giáo gọi là Tỉnh lộ 16, nhưng người ta làm khúc đường cong khác nối từ chỗ nhà Thương Tân Uyên qua khu rừng tre băng qua ruộng, rồi mở đường mới vòng qua trại lính để đến khu Tân Hòa, Tân Tịch. Và khúc đường cũ, tức khúc đường trước Trường Tiểu học Uyên Hưng, Trụ sở Quận băng qua Chi Cảnh Sát bị đóng lại, làm nơi nghỉ ngơi hay các chiến xa sau cuộc hành quân về đậu, trước khi đi tiếp cho một cuộc hành quân mới. Thuở đó bên hàng rào trường nhiều đoàn quân về đóng, nghỉ ngơi, nấu ăn rất đông vui, từng đợt rồi từng đợt. Lúc đầu, trong những đoàn quân ấy có nhiều người lính Nùng (tức người Nùng ở biên giới Việt-Hoa đi lính được đưa vào trong Nam theo Hiệp Định Genève năm 1954). Mấy ông ấy nấu ăn rất nhiều nước mắm hay muối, bọn học trò chúng tôi hỏi mấy ông nói đùa: “Ăn như vậy cho chắc da chắc thịt, đạn bắn không lủng”. Và trước khi đi hành quân mấy ông đốt nhang nhiều lắm, từng bó từng bó cột trên đầu súng, khói bay mịt mù. Chắc do mở khúc đường như vậy mà khu phía trước trường học lại là vũng nước hình tam giác rất to, không có trồng trọt. Còn khúc đường cong thì cao lên cỡ gần 2 mét. Tại bìa đường ở góc vũng trước trường học có cây gì lá rất to mà bông thì lại giống bông bằng lăng cũng màu tim tím, đo đỏ. Tôi nói với mấy bạn: “Cây gì kỳ vậy?”. Có đứa biết nó nói: “Đó là cây giá tị, người ta nói cây đó để làm báng súng, nó nhẹ mà bền lắm!”. Thế là từ ngày lên Tân Uyên nầy tôi biết được hai thứ cây: Cây bàng, cây gíá tị, rồi hoa ti-gôn lẫn một loại dưa tây; nhưng chưa đâu tôi lại còn thấy “hoa phù dung” sớm nở tối tàn nữa cơ! Cây hoa phù dung ấy được trồng ở bên hàng rào bên hông của nhà Bảo sanh Song Long, thực vậy bông nó cánh mỏng, dáng đẹp, sáng nở và màu sắc rực rỡ theo giờ giấc nhưng đến chiều tối đã tàn. Và cây ngâu có trái võ cứng, bên trong ruột mềm the the, mật như keo mà người ta nói ăn trái đó chữa được bệnh nhức đầu đông mà bên nhà Bà Tư, kế nhà Bà Út, có trồng một cây. Rồi thêm trái keo của những cây keo được trồng làm hàng rào lẫn trái me ngọt của nhà Chú Tư phía trước. Còn bên hông sân banh cho tới suối là rừng thưa và là nghĩa địa. Hơi xuống dưới một chút nữa là một vườn xoài khá tốt tươi dọc theo bờ suối có dòng nước mát lạnh.


Nguyên Thảo,

26/11/2022.





Thursday, November 17, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (11)


Lời Tâm Tình:

Những bài viết nầy là hồi ức mà người viết đã trải qua trong nhiều năm tháng cùng với các bạn bè, Thầy Cô ở mấy ngôi trường theo học như: Trường Tiểu Học Tân Phước Khánh, Trường Trung Học Công Lập Phước Thành (là Tiền thân của Trường Trung Học Phổ Thông Huỳnh Văn Nghệ hiện nay ở Tân Uyên – Bình Dương). Nay viết nhằm ôn lại một dĩ vãng xa xưa, vui vẻ với bằng hữu; mặc dù có nhiều người mất cũng như người còn. Nhưng cái mục đích chính của người viết là nhấn mạnh đến “cái hoàn cảnh” sự sinh ra, thành lập của từng ngôi trường để thế hệ sau có thể biết một phần nào về lai lịch của nó, vì người viết và bạn bè cùng lớp hay Thầy Cô đã là những chứng nhân đầu tiên gắn kết với nó, theo nó trong vài năm dù chẳng quá ngắn, cũng như chẳng quá dài! Đôi lời kính cẩn! Xin trân trọng đa tạ!

Nguyên Thảo


 

Sau khi ổn định xong xuôi, “Mấy Ông Ba” căn dặn chúng tôi nhớ cái cách ăn ở cũng như những gì cần làm để không phải làm phiền đến gia đình của Bà Út nhiều, vì do Bà thương đám học trò mà cưu mang chúng tôi ở trọ, không lấy một đồng nào. Mọi việc tương đối được tốt mấy Ông cám ơn Bà Út và không quên căn dặn thêm lần nữa trước khi ra về. Để tiển đưa, bọn chúng tôi cùng dắt xe đạp đi bộ ra chợ Tân Uyên để mấy Ông đón xe đò từ Tân Uyên đi Tân Khánh, Bình Dương mà về. Trước khi lên xe các Ông lại còn căn dặn thêm một lần nữa về cách ăn ở nơi nhà Bà Út. Cuộc tiển đưa sao mà buồn lạ! Son nhái lại cái câu mà đã được nghe bạn bè nói về bài gì đó trong sách Giáo Khoa Thư: “Ôi! Cái cuộc chia ly sao mà buồn thế”! Khi về đến nhà Bà Út thì lại tới giờ lo chuẩn bị nấu cơm, ăn uống, nghỉ ngơi. Chúng tôi hùn gạo để nấu, thức ăn thì đem theo riêng. Về bếp thì sử dụng bếp của Bà Út, và củi trong lúc nầy mượn tạm của Bà để vài ngày sau mua rồi trả lại. Đêm đến, trong ngày đầu nầy không có gì để làm, và chúng tôi kê ghế bố sát nhau, giăng mùng để ngủ. Tất nhiên hơi lạ nhà khiến khó ngủ, nhưng không biết trong lòng nghe như thế nào ấy mà nước mắt lại chảy ra, còn Phụng và Thạch thì cứ thút thít. Và sau cùng thì chúng tôi cũng chìm vào giấc ngủ. Sáng thức dậy, trời trên nầy có vẽ lạnh hơn dưới nhà, không biết có phải vì gần sông hay gần rừng hoặc cánh đồng lúa mênh mông phía sau mà sinh ra cái lạnh như vậy? Do trường không xa lắm nên sau khi vệ sinh cá nhân xong, Phụng thì vô áo dài, còn ba thằng trai chúng tôi thì quần áo trắng, giày ba-ta trắng theo quy định đồng phục hôm nay để đi đến trường làm lễ.

Nơi làm lễ là tại Trường Tiểu Học Uyên Hưng, bước qua cổng là sân trường ở khoảng giữa sân có một hàng cây có tán xòe thẳng ra mà lại thành nhiều tầng, tán to ở dưới và những tán nhỏ ở trên. Người ta nói đó là cây bàng. Đây là lần đầu tiên tôi biết cây bàng và tên nầy tôi lại cũng nghe là lần đầu tiên nữa. Đúng là cái cây lạ hoắc đối với tôi nhưng cái tên của nó khó quên vì những tàng lá của nó giống như cái mặt bàn! Đến giờ quy định nhiều vị khách qui tụ lại, khách đứng từ cổng vào. Thấy những người khách lớn tuổi đứng hẳn một bên phía trái, và bên phải một ít người và rồi bọn học trò chúng tôi đứng xếp hàng tiếp theo, cùng để cân bằng hai bên cho đội hình được đẹp mắt. Ở phía trước một phòng học được kê cái bàn trang trí khá đẹp, nhưng để trên hành lang chứ không phải ở trong phòng học. Sau lúc chào đón quan khách và phái đoàn xong, thì chúng tôi và nhiều quan khách đứng thành những đội ngũ trước phòng để làm lễ. Hôm nay được gọi là “Lễ Thành Lập Trường Trung Học Trần Quốc Tuấn của Tỉnh Phước Thành” và cũng là ngày khai giảng năm học của lớp học đầu tiên. Theo được sự giới thiệu thì Thầy Hiệu Trưởng là người từ Bộ Giáo Dục đảm trách, vì tôi nghe không rõ nên chỉ biết là tên Chiểu, không chắc là Đặng Duy Chiểu hay là Đặng Xuân Chiểu gì đó. Và người phụ trách điều hành chính là Thầy Tổng Giám Thị Mã Sấm, cùng hai Thầy dạy là Trần Văn Khánh và Tạ Kim Anh.

Quan khách Ngày Khai Giảng tại Trường Tiểu Học Uyên Hưng.


Cuộc Lễ kết thúc đám học trò chúng tôi vào lớp ổn định chỗ ngồi, để được nghe lời giáo huấn từ Thầy Hiệu Trưởng. Thầy cho biết ý nghĩa lấy tên trường cho đến cái huy hiệu mà Thầy đã chọn cho Trường với cái hình ảnh “ba cây chụm lại nên hòn núi cao” nhưng vì chúng tôi còn nhỏ giống như những mụt măng đang sức lớn, thay vì 3 cây Thầy đã chọn là 3 mụt măng thể hiện trên huy hiệu. Mụt măng lớn ở giữa và hai mụt nhỏ hai bên mà chúng tôi sẽ mua huy hiệu đó trong thời gian sau với giá tiền chi phí đặt làm và bảng tên Trường thêu trên áo. Sau lời khuyên cố gắng chăm học để trở thành người có ích cho đất nước dân tộc, và làm rạng rỡ cho Trường trong tương lai; rồi Thầy và phái đoàn từ giã trở về Bộ ở Sài Gòn. Kế đó là lớp được điều hành do hai Thầy Trần Văn Khánh và Tạ Kim Anh phân chia các môn học, theo thời khóa biểu mà chúng tôi được ghi chép. Thầy Khánh thì lãnh dạy các môn Kim Văn, Cổ Văn, Sử, Địa; Thầy Anh dạy Toán, Vật Lý, Hóa Học, và Pháp Văn là nghề của Thầy Tổng Giám Thị Mã Sấm. Bàn làm việc của Thầy được đặt phía bên ngoài của hành lang lớp học. Như vậy, Trường Trung học đầu tiên của chúng tôi là một phòng học mượn của Trường Tiểu Học Uyên Hưng, mà Văn Phòng là một cái bàn bên ngoài hành lang! Khởi điểm của Trường lại trễ hơn các nơi khác khá nhiều. Nếu tôi nhớ không lầm cỡ vào giữa Tháng 11 năm 1959 (vì thời ấy còn quá nhỏ lẫn mình không chú ý về nó mà chỉ biết mình được lên học trên bậc Trung Học ở một Trường Công lập, thế thôi!). Xong, chúng tôi được ra về chuẩn bị cho ngày mai bắt đầu cho một ngày học tập và cũng là khởi đầu cho một năm học ở một ngôi trường mới tinh.

Lớp học đầu tiên với hai Thầy: Tạ Kim Anh (bên trái) và Trần Văn Khánh (bên phải)


Giống như những trường Trung Học Công Lập của các Tỉnh khác, đa số học sinh là từ khắp nơi trong Tỉnh thi về, nhưng trường nầy còn thiếu học sinh ở nhiều nơi khác nhất là thuộc vùng trên như Phú Giáo, Phước Hòa, Chánh Lưu, Nhà Đỏ, Bố Mua, Bố Lá, và ở các vùng thuộc quận Hiếu Liêm vì quá xa. Thực sự nghe nói đến quận Hiếu Liêm tôi cũng chẳng biết nó ở nơi đâu mà chỉ thấy người ta chỉ về hướng đó thôi. Tỉnh Phước Thành là một Tỉnh mới được thành lập bao gồm 3 quận Tân Uyên, Hiếu Liêm và Phú Giáo, phạm vi của nó gần như bao trọn vùng Chiến khu D của thời kháng chiến chống Pháp mà ông Tỉnh Trưởng là Thiếu Tá Nguyễn Minh Mẫn. Chính vì là một Tỉnh mới thành lập nên Trường Trung Học Công Lập Trần Quốc Tuấn của Tỉnh mới bị “sinh sau đẻ muộn” mà lớp chúng tôi là lớp đầu đàn: Chỉ có một lớp, hai Thầy, một Tổng Giám Thị với một phòng học mượn tạm cùng chiếc bàn dùng làm văn phòng ở ngoài hành lang! Hai Thầy gồm Thầy Trần Văn Khánh là người Nam, còn Thầy Tạ Kim Anh là người Bắc. Điều hành Trường là Thầy Tổng Giám Thị “Mã Sấm”, nói là Tổng Giám Thị chứ thực sự là chỉ có một mình Ông!

Tình hình an ninh trong năm nầy không giống như những năm trước. Có lẽ trong vài năm đầu của hòa bình là tương đối bình lặng hơn nên bọn trẻ nhỏ chúng tôi được thong dong, thoải mái chơi đùa nhất là những đêm trăng sáng cùng những ngày long nhong khắp nơi, hay có các đêm ở rạp hát để vui đùa. Thế rồi với sự khuấy động chút ít của Đảng Cướp “Rừng Xanh” do hai ông Bời, Liễu mà nhiều đêm bọn trẻ hơi lo sợ, rồi tới các vụ ám sát đã chấm dứt những đêm chơi tới khuya, và từ ngày gõ thùng thiết khiến chúng tôi càng lo lắng. Đến nay tình hình càng ngày càng tăng tiến sôi động, nhất là về ban đêm! Tình hình ấy không phải chỉ ở làng, xã mà lan đều tới các nơi khác.

Thường ngày chúng tôi cùng nhau đi bộ tới trường. Học trò ở trường Trung học có khác: Phải áo trắng quần tây xanh, bỏ áo vô quần, thắt dây nịt, giày bata trắng. Riêng ngày Thứ Hai phải là áo trắng, quần trắng. Vì chung với Trường Tiểu Học nên chúng tôi chào cờ theo Tổ chức của Trường Tiểu Học tức là sau bài “Quốc Ca” là tới bài “Suy Tôn Ngô Tổng Thống”. Phần đó do Lớp Năm của Trường Tiểu Học phụ trách. Công nhận Phụng hay thiệt, chỉ vài ngày sau Phụng đã thân thiết với chị Mỹ Duyên và hai chị Huỳnh Thị Hoa, Huỳnh Thị Hường trong khi tôi và Thạch vẫn còn ngơ ngơ, ngáo ngáo. Sự nhớ nhà của chúng tôi vơi dần theo các bài học cùng từng ngày. Tuy nhiên mấy ngày sau, Son không ở trọ nhà Bà Út nữa mà cưỡi xe đạp đi về mỗi ngày với các anh khác như Sợi, Năm, Tộ, Huệ, Lực. Thắm thoát thì đến hết tuần, vào ngày Thứ Bảy tôi lấy xe đạp đi học, khi học xong bèn cưỡi xe đạp theo mấy anh ấy về nhà. Chiếc xe đạp ba sắm cho tôi là chiếc có sườn đàn bà, nhưng khung sườn không đi xéo xuống như các chiếc thông thường khác, mà nó lại hơi cong xuống nữa cho nên ngồi trên yên thì chân không tới bàn đạp dù yên đã hạ thấp hết mức, mà ngồi xuống để đạp thì nó lại khó khăn, hai đầu gối phải banh ra ngoài mới đạp được. Nhưng dù thế nào cũng phải cưỡi tới nơi tới chốn. Rồi đến sáng Thứ Hai theo đoàn trở lên Tân Uyên. Nói như vậy tức là tôi chỉ ở trọ nhà Bà Út trong những ngày đi học, cuối tuần về nhà, đầu tuần lại lên. Mỗi tối chúng tôi chong đèn ngồi học bên cái bàn dài đặt giữa nhà của Bà Út, nhưng vì vào ban đêm sợ gây phiền cho mọi người trong nhà, nên cuối cùng theo ý kiến của Long, chiều chúng tôi ăn cơm sớm hơn và lo học bài trước khi trời tối trừ khi nào cần thiết lắm mới tiếp tới ban đêm. Khi nào rảnh hơn thì giúp Bà Út làm những công việc quanh nhà hay việc gì cần, hoặc xách nước đổ vào lu. Giếng chỉ ở phía sau vườn, không có gì là khó khăn cả. Thỉnh thoảng chúng tôi kéo đến nhà hai chị Hoa, Hường ở đường xuống bờ sông gần trường chơi. Ba hai chị là Thầy Giáo Mẹo dạy ở Trường Uyên Hưng. Hai chị đẹp mà lại hiền từ, rất dễ mến; hoặc có lúc Phụng xuống chơi với chị Mỹ Duyên ở nhà bán thuốc tây của anh chị ấy, thì ra đó là lý do chị Mỹ Duyên từ Sài Gòn lên đến tận Tân Uyên nầy để thi. Thường khi đi chơi như thế nầy thì chúng tôi về sớm chứ không ở đến tối vì ngại tình hình an ninh.


Nguyên Thảo,

17/11/2022.




Saturday, October 22, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (10)

 

Trong lúc chờ đợi, tôi vẫn với bạn bè đi học trên trường An Mỹ tư đều đặn như thường lệ. Đường đi lên trường đi qua sân bay. Hồi trước khi đi lên chợ Thủ, tôi chỉ nhìn thấy cái sân bay cạnh bìa đường lúc chạy ngang qua chứ không có vào trong; còn những ngày chạy đi coi lính nhảy dù thì không được phép lên tới vườn Bà Đôn chứ đâu đi vào sân bay. Vườn Bà Đôn là một khu rừng chồi nhỏ nằm phía bên ngoài sân bay có nhiều cây sim, táo gai, cò ke, mù cua kể cả đuôi chồn… Mặc dù rừng nhỏ nhưng cũng đủ cho chúng tôi, nếu đi một mình, thì vừa sợ ma vừa sợ người ta cướp giặc. Và từ ngày đi học trên An Mỹ nầy chúng tôi cưỡi xe đạp đi trên sân bay từng ngày. Sân rộng thiệt, có lẽ cỡ trên 50 mét chiều ngang và chiều dài cây số hay hơn. Không biết làm bằng gì, nhưng lớp mặt trên hình như bằng đá đỏ khá nhuyễn được cán bằng phẳng và rất cứng, chứ không phải là bê-tông hay loại nhựa đường. Mỗi sáng từng đoàn học trò cưỡi xe đạp đi và chiều hay trưa từng nhóm cưỡi xe về, tiếng trò chuyện vang rân trên đường đi qua. Những tiếng chuyện trò hay trêu ghẹo thật là vui. Có một hôm bạn bè trêu ghẹo anh Sách như thế nào mà Sách phải khóc. Thì ra Sách thân với anh Chi nên hai người đi chung, nhưng anh Chi là chú của chị Mây, do đó anh Chi chở chị Mây đi chung với mấy chị nữ mà anh Sách lại đi theo. Trong một đám con gái chỉ có anh Chi và Sách là con trai, nhưng anh Chi thì không đáng nói, chỉ còn riêng Sách là khác biệt, nên mới có chuyện để bạn bè chọc ghẹo. Số là ở rạp hát lúc đó có chiếu phim về “Lữ Bố, Điêu Thuyền”. Trong phim có một đoạn Đổng Trác là ông quan ham mê về nữ sắc, Ông thường tắm chung với các cung nữ, lấy từ đoạn phim đó có bạn so sánh Sách với Đổng Trác và trêu ghẹo Sách là “Đổng Trác”. Lúc đầu Sách không biết, về sau khi biết Sách khóc quá chừng, và không dám thường đi chung với anh Chi nữa mà chỉ thỉnh thoảng thôi. Đi lên An Mỹ không phải chỉ có con đường đi qua sân bay mà còn đường đi qua Vĩnh Trường, rồi băng từ Vĩnh Trường trên đi thẳng qua An Mỹ thì gần hơn, tuy nhiên đường nầy nếu về mùa mưa thì dơ lắm và nhiều vũng nước vì nó là đường đất, lầy lội và có nhiều gai tre, đôi khi gai đâm lủng ruột xe đạp mà phải dẫn bộ cùng tốn tiền để vá xe nữa, thế nên đường ấy không tiện lắm.

 

2-Đường Lên Tân Uyên:

Không ngờ, chúng tôi học trò lớp Nhứt cũ của Trường Tiểu học Tân Phước Khánh cũng nộp đơn thi trên Tân Uyên khá nhiều. Đến ngày thi, tôi theo chị Thay và chị Mướp vào chiều hôm trước, đi xe đạp khá xa để đến Tân Uyên. Đó là lần đầu tiên tôi đi xa bằng xe đạp, với những dốc cao mà chúng tôi phải đẩy xe lên dốc vì đạp lên không thấu như dốc dài bên Hóa Nhựt sau khi qua cầu đúc Hố Khởi, rồi dốc ở Tân Hội và dốc dài Hố Cao sau khi qua khỏi ấp 2 Tân Long. Qua dốc Hố Cao thì tới bên trong phía tay phải là sở cao su số 10 mà trong đó có Trại Cùi Bến Sắn. Tới nữa bên tay trái là sở 49, cây cao su trồng cách đường không xa và tới khu nhà có mùi hôi khó chịu mà chị Thay nói đó là khu nhà mũ của sở. Con đường nầy có trải đá xanh nên ít ổ gà, mà hơi dằn vì không có cán nhựa. Hai bên đường còn có những cây dầu, hoặc cây sao cao mú, thân khá to. Không biết người Pháp làm con đường nầy tự bao giờ mà họ trồng hai hàng cây bên đường toàn là những cây gỗ tốt không như dầu, sao, gõ như chúng tôi thấy bây giờ. Còn từ trên vườn Bà Đôn sân bay qua Tân Khánh vào Hóa Nhựt, Tân Hội, Tân Long người ta cắt những cây không biết hồi nào mà chỉ còn lại các gốc rất là to, có người ra sức họ đào gốc đem về để làm thành cái cối giã gạo hay giã chuối cho heo ăn hoặc dùng vào các công việc khác. Gốc còn nhiều lắm!

Sau khi đổ dốc Bình Hóa, dốc từ trên đỉnh đồi đổ xuống lưng chừng một độ khá cao rồi qua một cầu bằng ván tới một đoạn đường bằng phẳng, xong lại đổ thêm một đoạn dốc nữa để ra đến ngã ba Bình Hóa. Nhà bà con của chị Mướp ở tại ngã ba về phía tay trái, phía sau là đồng ruộng. Sau khi nghỉ ngơi trong chốc lát, trời chưa chiều lắm, ba chị em cưỡi xe đạp lên Tân Uyên cách đó chừng hai cây số để xem địa điểm thi chỗ nào để ngày mai biết mà tới cho đúng giờ. Tân Uyên không lớn, chỉ có xóm chợ là nhiều nhà cửa thôi, chứ từ Cầu Rạch Tre lên tới chợ không bao nhiêu nhà. Nhà dọc theo bờ sông lai rai, còn phía đối diện là đồng lúa, bây giờ lúa bắt đầu chín trở vàng, còn nhiều đám vẫn là màu xanh, hoặc hơi ngã màu. Xong chúng tôi trở về, chị Thay và chị Mướp phụ nấu cơm, rồi ăn cơm chiều. Tối đến, chúng tôi ra ngoài đi tiểu, bước chân xuống đất thì nước tràn vào nền nhà đến mắt cá chân, phải lội nước ra ngoài. Thì ra nước sông đang lớn!

Khi chúng tôi lên tới địa điểm thi ở Trường Tìểu học Uyên Hưng thì thấy đã có rất nhiều thí sinh tề tựu đông đảo kể cả các bạn, có cả Long, Phụng nhà Ông Út Tợ, Thạch, Son, Huệ, Năm, Lực, Gõ, Ru…Tất cả có thể lên đến khoảng 200 thí sinh. Đây chắc chắn là những đứa học trò đã từng thi rớt kỳ thi tuyển vào các Trường Trung Học Công Lập của Tỉnh: Nếu như thuộc Bình Dương thì là Trường Trịnh Hoài Đức và Biên Hòa là Trường Ngô Quyền, còn chuyện đang có đi học trường tư hay không thì không biết! Trong giờ nghĩ để chuyển môn khác, có nhiều người bu vào xem một phòng nọ. Tôi cũng hiếu kỳ nhìn xem. “Cái gì vậy?” có người hỏi. “Có anh chàng sao xếp ngồi chung với mấy đứa con gái?”, rồi có người nói: “Tôi coi rồi! Trên bảng danh sách anh chàng nầy tên là Ngô Hạnh Thi, chắc giống tên con gái nên người ta xếp lộn đó”. Thế là mọi ngưòi được biết rõ ngọn ngành nên không còn thắc mắc nữa. Buổi thi đó được tổ chức ở 3 phòng của dãy ngang của Trường Tiểu Học Uyên Hưng. Xong cuộc thi tôi theo chị Thay và Chị Mướp cưỡi xe đạp về nhà và tiếp tục việc học trên trường Trung học Tư Thục An Mỹ và trong hi vọng Trường tư nầy sẽ trở thành chi nhánh Trường Công Trịnh Hoài Đức. Cách chừng tuần sau tôi chưa được bạn bè rủ đi xem kết quả ra sao, thì ba đã theo bạn bè lên Tân Uyên xem kết quả rồi. Khi tan học ở An Mỹ về đến nhà, ba cho tôi biết là kết quả thi ở trên Tân Uyên đã đậu và kể cả ngày lên đó để khai giảng năm học.

Một ngày trước khai giảng ba tôi dẫn tôi, chú hai Thiểu dẫn Thạch B, ông Út Tợ đưa Long, Phụng cùng Son con Bác Năm Lộ bên Hóa Nhựt đón xe đò Bửu Ánh của ba thằng Bạn trong Tân Long lên Tân Uyên để kiếm nơi cho chúng tôi trọ đi học. Hành trang lỉnh kỉnh gồm quần áo, sách vở, mùng mền chiếu gối, nồi niêu, có xe đạp và mỗi đứa một chiếc ghế bố nữa. Đến Tân Uyên mấy ông bàn tính chuyện đến chùa xin cho chúng tôi ở trọ. Nhưng chùa cho biết là không có chỗ chỉ ở hậu liêu nhưng nơi đó mưa dột phải sửa sang lại, và nếu ở đây chúng tôi phải học kinh kệ. Mấy ông còn đang do dự bàn tính với nhau thì mưa to lại đến, trong thời gian mưa chùa cho chúng tôi mượn mấy quyển kinh tụng để xem. Riêng tôi thì cứ cười hoài vì ngôn ngữ trong kinh tiếng gì nghe lạ lạ mà âm thanh lại nghe kỳ kỳ mà tật của tôi lại hay cười, tôi nghĩ là chuyện đọc Kinh với tôi chắc không hợp lắm đâu. Còn Son thì cứ giỡn “tát bà ha” “đá bà già” khiến tôi lại càng nhịn cười không được. Khi mưa dứt, mấy ông kêu chúng tôi soạn đồ đi, Long hỏi ông Út Tợ: “Đi đâu vậy ba?”, Ông Út nói “Đi tới nhà của Bà Út nầy”. Thì ra trong lúc mưa, có Bà Út đi chợ về vì mưa lớn quá nên vào đây đụt mưa gặp mấy ông nói chuyện với Bà. Thương tình Bà cho chúng tôi về nhà bà ở trọ.

Nhà bà ở cách xa trường khoảng chừng gần cây số. Cái vuông bà ở có mấy căn nhà gồm nhà bà, nhà con trai lớn của bà và nhà người con nữa ở phía sau. Bà chỉ cho chúng tôi nơi để xe đạp và các chiếc ghế bố và khu vực trong nhà mà Bà dành riêng cho chúng tôi.


Nguyên Thảo,

23/10/2022.




Monday, October 3, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (9)

 

Đầu Hè, sau cuộc thi vào bậc Trung học đã bị rớt cho nên chúng tôi có hai con đường để chọn: Một là đi học lớp Đệ Thất ở trường tư trên Tỉnh phải đóng học phí hàng tháng; hai là học lại lớp Nhứt ở một trường nào đó hay trường cũ. Đa số chúng tôi xin học lại lớp Nhứt ở trường khác, còn số gia đình có tài chánh khá hơn thì đi học Trung học ở trường tư thục trên tỉnh, hoặc trường của ông Luật Sư Dân Biểu Trần Văn Trai trên An Mỹ. Số học lại lớp Nhứt trong đó có tôi, nhưng tôi xin ra học ở Trường Tiểu học Cộng Đồng Dẫn Đạo Búng cùng với nhiều bạn khác như Huệ, Năm, Sợi, Son và một số bạn nữa. Sở dĩ chúng tôi muốn ra trường ấy là vì Ông Hiệu Trưởng Trường Cộng Đồng là Ông Trương Văn Di, cũng là Hiệu Trưởng của Trường Trịnh Hoài Đức, nên chúng tôi nghĩ học ở trường đó hi vọng năm sau thi vào lớp Đệ Thất sẽ có nhiều ưu tiên, dễ dãi hơn. Đồng thời, trường đó cũng dạy chương trình có nhiều cái hay vì lúc trước Thái Văn Tâm, Phan Văn Mười, Lê Văn Chánh, Lưu Văn Hòa, Trần Văn To… đã học ở đó, từng nói trường có dạy cả về chăn nuôi, ngư nghiệp, và có cả khung cửi để dạy dệt vải nữa. Tôi vừa đi xin, nhưng ba tôi vốn có ở Phú Lợi một thời gian và quen với Bác 9 Vô hình như làm Giám học ở trường đó nói giúp thêm dùm.

Đến ngày tựu trường, chúng tôi hẹn cùng nhau đi xe đạp ra Búng mỗi ngày. Tôi và anh Năm được xếp học cùng chung lớp gọi là Tiếp Liên (tức là lớp gồm những học trò đã học lớp Nhứt rồi, sẽ học chương trình cao hơn một chút) của Thầy Nguyên; còn Son, Huệ, Sợi ở lớp Tiếp Liên của Thầy Hổ. Thường thì học một buổi, khi nào có giờ Cộng Đồng thì chúng tôi phải ở lại để học vào một giờ khác vào buổi chiều. Những giờ chờ đợi và ăn trưa đó chúng tôi ra ăn trưa nghỉ ngơi ở gian sinh hoạt Cộng Đồng phía bên kia đường. Đây là một nền cao, có mái che bằng fibro ximăng, nền cao cỡ gần tới bụng nên chúng tôi để xe đạp dựa vô thềm, và trèo lên ngồi trên sàn mà ăn, phía cuối phòng có cái khung dệt cũ kỹ. Ăn xong, hiếu kỳ chúng tôi lại nơi khung cữi nhìn xem và phía sau là nơi có lẽ để nuôi gà vịt, có vũng nước khá lớn.

Theo tôi được biết Trường Tiểu học Cộng Đồng là loại Trường kiểu mẫu theo lối giáo dục mới, nó vừa giáo dục văn hóa theo kiểu trường thông thường, đồng thời nó cũng giúp học sinh về kiến thức lẫn thực hành về chăn nuôi như gà, vịt, heo kể cả nuôi cá như ngành ngư nghiệp, mà còn học thực tập về dệt vải và vài thủ công khác. Tôi nghe Tâm, Hòa từng nói về những thực tập của tụi nó. Cả miền nam chỉ có hai trường làm thí điểm: Một là trường nầy và hai là trường nữa ở ngoài miền Trung, hình như ở Bình Định thì phải. Do chức năng như vậy trường được chọn xây dựng ở Búng nầy, nơi có điều kiện về ngư nghiệp, nông nghiệp lẫn trồng cây ăn trái, có các ngành thủ công phát triển: Nghề làm guốc, thợ tiện, dệt vải, đóng móng bò ngựa, thợ rèn, lò chén, ương cây và cũng là nơi buôn bán phát triển nhất là các vườn cây trái ở các vùng quanh đây. Trường nầy không phải chỉ là “Cộng Đồng” không thôi, mà còn “Dẫn Đạo” (dẫn đường) nữa. Có thể vì Ông Trương Văn Di là một trong những Vị sáng lập Trường Trung Học đầu tiên của Tỉnh mà Ông lại là Hiệu Trưởng của Trường Tiểu Học Cộng Đồng Dẫn Đạo Búng nên những vị đồng sáng lập khác đề nghị Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức được xây dựng kế bên Trường Cộng Đồng để Ông Di chăm sóc luôn chăng? Và Ông làm Hiệu Trưởng cả hai trường Trung Học và Tiểu Học? Ngày tôi ra học ngoài đó, ông đi bằng cổng nhỏ để sang Trường Trịnh Hoài Đức. Đó chỉ là sự suy nghĩ của tôi thôi! Sau nầy tôi biết thêm là Trường Sư Phạm để đào tạo giáo viên giảng dạy cho các trường “Cộng Đồng” đó là Trường Sư Phạm Long An. Chính vì vậy Trường Sư Phạm Long An không ở trong Thành phố hay thị trấn mà được xây cất ở nơi đồng ruộng ở gần xóm Lăng Nguyễn Huỳnh Đức thuộc Tỉnh Long An. Để thay đổi chỗ nghỉ ngơi có khi chúng tôi kéo nhau xuống gần con rạch để ăn trưa và sẵn đó tắm mát luôn. Con rạch nước trong thiệt nhưng rong thật nhiều, nên tắm cũng không hứng thú mấy!

Học được chừng hai tuần thì một hôm anh Năm lại nói với tôi: “Thạch à! Tao nghe người ta nói là Ông Trai đang can thiệp với Chánh phủ cho mở chi nhánh Trịnh Hoài Đức trên An Mỹ, mà không biết có không, tụi tao tính về trên đó học, cầu may nếu có mở chi nhánh Trịnh Hoài Đức thì hi vọng mình được vô, mầy có tính không? Tao, Huệ, Son đều tính đi hết”, nghe xong tôi bèn nói để về hỏi ba xem thế nào? Chiều về, tôi hỏi ba thì ổng nói: “Ừ, thì mầy tính sao thì tính”. Thế là qua ngày hôm sau trên đường đi học mấy đứa tụi tui bàn tính và quyết định, thống nhất để vô lớp học xin thầy nghỉ học luôn. Rồi qua ngày hôm sau, mấy đứa cùng nhau lên An Mỹ xin học ở Trường Trung Học Tư Thục An Mỹ của Ông Trai. Ngày đầu chúng tôi chưa đóng tiền để học xem thế nào thì qua ngày sau mới đóng tiền học phí cho tháng. Không ngờ số bạn học lớp Nhứt ở Tân Khánh về đây học Lớp Đệ Thất khá nhiều như Tôn, Lê Văn Năm, Chi, Sách, chị Mây, Khởi, Mới và một số bạn khác. Còn một nhóm nữa thì đi ra ngoài Thủ học ở các trường khác như Nguyễn Trãi, hay là Văn An như Liêu Tuyết, Băng Tâm, Kim Phượng. Tôi ngồi chung bàn với Tôn thuộc hàng đầu. Trong mấy ngày đầu tôi đã bị một thầy làm cho hoảng hồn, vì giờ đó là giờ Giảng Văn của Thầy Quý, con Ông Hiệu Trưởng Trương Văn Di ở Trường Trịnh Hoài Đức, học về “Nhị Thập Tứ Hiếu”, Thầy hỏi mà tôi trả lời không được. Thình lình Thầy cung nắm tay, đưa lên làm tôi khiếp vía vội đứng im nhắm mắt lại, đợi chờ Thầy đánh tới. Nhưng không, tôi mở mắt ra thấy Thầy còn giận dữ, Tôn vội nói: “Nó mới vô học Thầy”. Nghe vậy, Thầy yên lặng mới thôi và hỏi sang trò khác!

Trường An Mỹ là một Trường có lẽ xây chưa được lâu lắm, nhưng cũng đã có lớp Nhứt rồi. Ở chính giữa là một khu Văn Phòng có cách kiến trúc khá đẹp, nóc cao, hai bên là hai phòng dùng làm Văn Phòng, nhìn ra phía trước là một trụ cờ cao để học sinh chào cờ mỗi buổi sáng. Kế tiếp hai bên là những phòng học nối dài ra thêm mỗi bên cỡ 6, 7 phòng gì đó, nền được đổ cao bằng nhau, nên các phòng ở phía phải phải đổ đất nhiều hơn, có thể do đất nơi ấy thấp, ở mỗi phòng đều có bậc tam cấp để bước lên thềm. Phía trước các lớp là dãy hành lang rộng chừng hai mét dài từ đầu nầy cho tới đầu kia xem rất đẹp. Đường vào trường rộng rãi, có hai hàng điệp Tây hai bên cân xứng nhiều bóng mát, lại kê thêm mấy cái băng đúc bằng xi măng để ngồi nghỉ ngơi. Phía ngoài hàng rào mặt trước cũng là những hàng điệp Tây xanh tươi. Còn phía đất trống bên phải là sân banh. Song song với các phòng học cách xa ra, ngoài bìa sân trường trồng hàng cây gì đó, có rất nhiều bông, hình dáng bông giống bông đậu. Đứa thì nói người ta nói là “hoa anh đào”, đứa thì nói tên gì giống tên Tây: “Hoa Immortel”, thế rồi chẳng biết tên nào là đúng. Tôi nhớ mỗi buổi sáng đều có chào cờ. Mấy lớp lớn thuộc Trung học bên nây không có nhiệm vụ, mà đó là trách nhiệm chính của Lớp Nhứt bên Tiểu học. Điều đó chứng tỏ nhóm Trung học chỉ là “ăn nhờ ở đậu” khuôn viên Trường Tiểu học, chứ không phải là anh cả. Cứ sáng nào các lớp đều sắp hàng trước lớp theo đội ngũ đàng hoàng, hướng về trụ cờ, nghe theo lệnh. Đội ngũ lớp Nhứt dàn trước cột cờ, đứng nghiêm hát bài Quốc Ca, trong khi hai đứa khác kéo cờ lên. Sau khi cột dây cờ đàng hoàng thì Thầy Phách, người Bắc, hô to “An Mỹ” học sinh hô “Tiến” đến ba lần như vậy, thế là buổi chào cờ đã xong! Các lớp lần lượt vào phòng cho buổi học một ngày mới. Có vài bạn nhái Thầy Phách “Ăn Mỳ”, “Tiến”, “Ăn Mỳ” “Tiến”, rồi cả nhóm phá lên cười! Đúng là “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là học trò”!

Một hôm có giờ học tới buổi chiều, tôi giở cơm theo ăn, nhưng đồ ăn là đậu hủ giú. Đang học mà thằng Tôn cứ khịt khịt lỗ mũi, xong nó khum xuống tìm. Nó dòm dưới dép không thấy có gì, rồi nó lại tìm như kiếm cái gì. Tôi chưa hỏi nó thì nó lại ngưng. Đang trong giờ học tôi không hỏi nó nữa. Đến khi ra chơi nó lại vạch trong học bàn nó kiếm. Tôi mới hỏi nó. Nó nói: “Sao tao nghe cái mùi gì giống như mùi chuột chết, mà tao kiếm hoài không thấy”. Tôi cười rồi nói: “Coi chừng tao giở cơm với đậu hủ giú đó”, rồi tôi đưa cái gói lá chuối gói đậu hủ cho nó coi. Nó nói: “Hèn chi!”. Thực cái mùi hủ giú nó có cái mùi khó ngửi, nhưng ăn rất béo và ngon, tôi thích thứ ấy, nhưng cái mùi khó chịu giống như thằng Tôn nói. Biết rồi nó không còn thắc mắc nữa. Có môn học mà tôi tiếp thu nhanh đó là môn vẽ, ông Thầy dạy vẽ chỉ phát họa qua là tôi đã học được rồi và vẽ con vịt ở 3 tư thế lội, đứng, vỗ cánh rất nhanh, không biết là tôi thích hay là đường nét dễ hoặc ông Thầy dạy vẽ dạy hay. Thế rồi học được chừng hai tuần thì một lần nữa, anh Năm, Huệ lại nói một tin khác là nghe trên Tỉnh mới mở trường Trung học trên đó, họ đang thâu đơn để chọn thí sinh dự thi. Tôi còn đang lưu luyến với Trường An Mỹ tư nầy và ôm ấp nó trở thành trường công là chi nhánh của Trường Trịnh Hoài Đức, nên khi về nhà tôi không nói cho ba hay. Nhưng hai ngày sau ông cho biết là ông đã đi theo mấy bạn tôi và nộp đơn cho tôi thi rồi và khoảng nửa tháng sau đi thi.


Nguyên Thảo,

04/10/2022.




Sunday, September 25, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (8)

 

Các lớp học vẫn cùng nhau còn ở Trường Cây Gòn, bây giờ có 2 lớp Tư và có thêm Cô Tốt. Lớp Nhứt học ở căn bìa phía trên. Chuyện không ngờ xảy đến cho tôi trong khoảng thời gian nầy làm cho tôi có nhiều bồi hồi về sau. Vốn là chuyện nối tiếp với chuyện ăn cháo trên bàn ăn cuối năm lớp Nhì năm rồi, từ khi câu nói của chị Liêu Tuyết được các bạn lưu ý mà tới lúc nầy mới sinh ra cớ sự. Trong vài tuần đầu rất bình lặng. Đùng một cái tôi đang chơi với mấy bạn trong giờ ra chơi, bỗng dưng vài bạn lại đến gần bắt lấy tôi lôi đi, tôi vùng vẫy nhưng không thoát ra được. Họ lôi tôi đến chỗ, chỗ nào bạn biết không? Đến chỗ mà các chị nữ cũng đang lôi Băng Tâm, rồi đẩy hai đứa chúng tôi lại với nhau. Hai đứa chạy ra thì hai nhóm lại cố bắt chúng tôi lại gần nhau. Mà ngày nào cũng như ngày nấy, khiến quần áo xốc xếch, mồ hôi nhuễ nhại họ cũng chẳng chịu tha. Cứ thế mà hết giờ ra chơi, đến khi tới giờ học thì thôi. Quả là tôi và Băng Tâm trở thành vật chơi của hai nhóm nam và nữ trong lớp. Riết rồi tôi trở nên sợ sệt, cứ ra chơi là tôi đi tiểu xong không dám tới sân trước, chỉ ở sân sau chơi với một hai bạn vốn trầm tính. Thế mà họ cũng đi kiếm bắt tôi lôi về sân trước, tiếp diễn cái màn trước kia. Cuối cùng tôi đành chịu thua, họ bắt thế nào đành chịu, không đủ sức kháng cự và trở thành trái banh để họ làm trò vui trong suốt những giờ ra chơi. Không biết chuyện xảy ra trong bao lâu, thì bỗng dưng một ngày nọ, đang trong lớp học chị Liêu Tuyết đưa cho tôi một vật gì đó, tôi cầm và hỏi chị: “Cái gì vậy?”. Chị không trả lời mà chỉ nói: “Băng Tâm đưa”. Mở nắp ra, bên trong là vật gì tôi không biết mà nó màu đỏ hụt sâu ở dưới. Tôi không biết làm sao đẩy nó lên để xem vật gì, nhưng cũng hiếu kỳ lấy móng tay móc một miếng trao cho hai thằng bạn kế bên để coi chơi. Xong đưa lại cho chị Tuyết. Thêm một ngày kia, trước khi vào học tôi quay kẹo kéo trúng được cái kiếng soi mặt nhỏ, liền để phía trưóc trên bàn học chơi thì ở bàn trên Băng Tâm lại lấy cái kiếng soi gương lớn cũng để trên bàn. Tôi thầm nghĩ: “Tâm dạn quá! Trong giờ học mà dám làm như vậy?”. Tự dưng từ những việc ấy khiến mình có một sự trìu mến nho nhỏ nào đó nẩy nở trong lòng. Sau đó không lâu ba gian phòng học được xây trên khu đất mới trên sân banh đã hoàn thành. Lớp chúng tôi được dời lên trên đó cùng với lớp Tư của Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Tâm ở kế bên. Từ khi lên trên trường mới, tôi thoát được tình trạng bắt cóc của bạn bè vì sân trường tương đối bao la, và cùng xúm nhau lo học hành để chuẩn bị cho mùa thi cuối năm. Vả lại lớp Tư của Thầy Tâm Hiệu Trưởng kế bên lớp tôi. Chắc nhờ đó mà các bạn không dám bắt tôi và Băng Tâm lại gần nhau nữa. Nhưng rồi tự dưng tim của thằng bé tôi trở nên hồi hộp hơn khi gặp Tâm, không biết đó có phải là tình yêu đầu đời của tôi không? Nhưng từ lúc ấy chúng tôi không hề nói chuyện với nhau và gặp nhau thì lẫn tránh, cả đến 4, 5 năm sau cũng thế, cho đến một ngày nàng thoát ly!

Với những tháng ở trên trường mới, lớp chúng tôi có thêm mấy người mới từ Ngã Ba Nhà Thơ vào học. Hai anh em của Tân và Thời được cha mẹ chở tới. Anh em mặc quần soọc, mặc áo sơ mi trắng ngắn tay, mang giày săn-đan, tóc chảy gọn gang, mặt mài sáng sủa, lại trắng trẻo đẹp trai. Không biết các bạn thế nào chứ tôi thấy thì thích lắm, chẳng biết phải con nhà giàu không mà nhìn thì có vẻ thuộc con nhà quý phái. Không lâu có anh Thủy cũng đẹp trai không kém, anh hơi lớn tuổi, người cao, nói năng chững chạc, chúng tôi mến lắm. Nhưng vì anh lớn nên ngồi ở bàn chót, phía trong mà không biết cô có chú ý anh điều gì không, hay là tình cờ khi giảng bài cô hướng tầm nhìn về phía sau. Bạn bè cứ kháo nhau là cô hay nhìn xuống anh Thủy, thế rồi mấy bạn ngồi ở phía sau cứ ghẹo anh Thủy hoài: “Ê Thủy, cô ngó mầy kìa!”. Lâu ngày khiến anh mắc cỡ quá, đành thôi học. Không biết anh nghỉ ở đây mà có đi học chỗ khác hay là nghỉ luôn. Quả thật là ác! Rồi có một hôm có tin đồn cô Ngọc mất cây viết gì đó mà có giá trị hơn ngàn đồng khiến cô khóc quá chừng!

Hàng ngồi: Hờ,(x),Kiều, Khởi, Mới, Băng Tâm, Phượng, Cô Vũ Thị Hồng Ngọc, Trung, Ru,Tôn, Thạch B, Bạn, Tân

,Lực, Em, (x). (Đứng1): Thoại Hoa, Tâm, Tuyết, Mây, Thay, Mướp, Tướng, Nghĩa, Năm Lê, Gắt, Năm Nguyễn, Cờ, Đức, Tộ, Sơn, Gõ. (Đứng 2): Thạch A, Huệ, Mon, Sợi, Mười, Tự, (x), Tùng, Huynh, Gia, Son, (x), Chi, Sương. (Hai bạn phía sau) Thủy, Tư. (x) là không nhớ rõ tên, có thể là Ten, Ớt, Em Úng.


Và rồi tình hình an ninh bắt đầu có triệu chứng không được bình ổn, như báo hiệu trước những cái khó khăn xảy đến sau nầy. Vào một tối kia trên rạp hát cận hàng rào của đồn đã có vụ ám sát bắn chết ông Một Chồi, tức là Thiếu Úy Chồi người Trưởng đồn ở đây. Ông đi ra rạp hát chơi, khi trở vô vừa đến ngỏ vào đồn thì bị người nào đó đến gần nổ súng và chạy biến mất. Từ đó người đi coi hát cũng trở nên dè dặt và gánh hát cũng sợ ít về hơn. Và sau không lâu thêm hai vụ bắn chết người nữa, báo hiệu cho tình hình an ninh thêm nhiều rắc rối.

Cuối năm, trong cuộc thi xếp hạng, thì lại có cái thông báo đặc biệt là những ai từ hạng nhất đến thứ hạng 32 không phải thi lại bằng Tiểu học, còn từ hạng 33 trở lên thì phải thi. Xui cho Thạch B. Nó ngay hạng 33 thành ra nó không được miễn thi. Còn tôi khi trưòng đòi nộp giấy “Lên Án Thế Vì Khai Sanh” để làm hồ sơ dự thi thì ba tôi đã khai như cũ tức là năm 1949, chứ không phải là năm 1948 khiến tôi gặp rắc rối. Tôi tưởng mình sẽ mất đi phần miễn thi Tiểu Học, đồng thời sẽ không được thi tuyển vào lớp Đệ Thất Trường Công Trịnh Hoài Đức.  Tôi lo lắm, vì ngày xin nhập học mấy năm trước tôi đã sửa năm sanh trong giấy Khai Sanh mà tôi không có nói với ba, và không có báo với xã nên đã xảy ra tình trạng nầy. Mà nếu tôi không sửa thì giờ nầy tôi chỉ học ở lớp Nhì chứ đâu phải là Lớp Nhất!

Sở dĩ Khai sanh được gọi là “Lên Án Thế Vì Khai Sanh” là vì chúng tôi sanh ra trong thời chiến tranh, lúc đó vì muốn hủy các hồ sơ, giấy tờ trong các làng xã, nên kháng chiến đốt phá các trụ sở ở làng, hay là do tai nạn chến tranh mà làng xã bị hư hại, cháy thành phần lớn sổ bộ hộ tịch không còn, vì thế khi đi học, không có giấy tờ nên phải xin giấy khai sanh tạm gọi là Thay Vì Khai sanh, đợi chờ đưa ra tòa án trên Tỉnh, khai trước ông Chánh Án để được chính thức nên gọi là “Lên Án Thế Vì Khai Sanh”. Thông thường, bậc cha mẹ nghĩ rằng khai tuổi đúng thì trẻ con đã lớn mà học lớp lớn sợ con học không nổi, vì vậy thường khai thấp tuổi xuống một tuổi, cộng với tuổi ta (là tuổi mới sanh ra đã tính một tuổi) một tuổi nữa là hai tuổi, còn ngày thì có người quên, có người nhớ, nhưng vì những người làm chứng trước tòa đa số lớn tuổi nên không thể nhớ nhiều vì vậy khi phải “Lên Án” một lần hai ba đứa con, cho nên ngày sanh cũng biến hóa làm sao cho người làm chứng dễ nhớ. Do đó, ngày tháng năm sanh các khai sanh của bọn chúng tôi thời đó ít có đứa nào đúng theo tuổi thật của mình. Không những tôi đã gặp trường hợp như vậy, mà còn thêm chuyện tôi sửa năm sanh khi bắt đầu ghi tên nhập học. Giờ tôi phải chịu hậu quả! Sự cách biệt trong giấy khai sanh của tôi là giữa năm 1948 và 1949, nhưng chỉ có 9 ngày thôi vì so cuối năm 1948 với 9 tháng Giêng thì chỉ có 9 ngày nên cuối cùng tôi được miễn và phải làm một cái đơn “Xin Miễn Tuổi”. Thật hú hồn! Xém chút nữa tôi phải ở lại học thêm một năm nữa! Nhưng rồi năm đó với kỳ thi vào lớp Đệ Thất Trường Trung Học Công lập Trịnh Hoài Đức tôi bị rớt, luôn cả ngoài danh sách dự khuyết. Đậu thực thụ có Nghĩa, Cờ, và tôi không nhớ được có còn ai nữa không. Hai lần tôi học cũng không tệ, nhưng khi thì bị rớt nên tôi nghĩ về sau không nên học giỏi nữa, tôi chỉ làm cho Thầy Cô thất vọng mà mình cũng ê chề!

An ninh chung sau những vụ ám sát chết người thì càng ngày càng bất ổn hơn, không phải ở xã của tôi không mà còn ở nhiều nơi. Rồi một đêm có tiếng loa kêu đồng bào đánh thùng thiếc, gõ mõ lên. Lúc đầu người ta cũng đánh lên rùm trời, nhưng rồi có vài tiếng súng nổ, người ta hoảng hồn không đánh nữa và kiếm chỗ chun trốn, những người nào còn hầm thì chun hầm. Và lâu sau tiếp theo là tiếng chó sủa cũng bị lưu ý, bị tai họa nên dân chúng đành giết chó, không nuôi nữa và đời sống bắt đầu trở lại lo lắng cho một cuộc chiến tranh khác tiếp theo.


Nguyên Thảo,

26/09/2022.




Saturday, September 24, 2022

*Mạng Xã Hội Và Tôi!

 

Nếu chúng ta nói rằng: “Mạng xã hội là một mạng lưới phức tạp của biết bao con người để diễn đạt mọi chuyện trên thế gian nầy” thì cũng chẳng sai. Nhiều người rất thích mạng xã hội vì nó mang đến sự gần gũi cho nhiều người thân thiết, hay thông tin, hoặc sự liên lạc cần thiết, kết nối những sở thích cùng nhau…Hay đối với những người trong thương trường có được một môi trường làm ăn, để quảng cáo những sản phẩm mình có được cho người xem hay mua theo sở thích; hoặc là nơi để mình đưa lên ý kiến, bình phẩm mà mình muốn nói cho một vấn đề nào đó. Theo cái nhìn cạn cợt của tôi thì như thế đó, chứ thật ra thì tôi rất ít khi tham gia vào. Có một lần đến nhà đứa cháu gái, thấy nó dùng đến facebook thì tôi cũng thích lắm, thấy nó liên lạc với bạn bè, đưa hình ảnh đi chơi, hay hình ảnh con cái thấy cũng vui vui. Nó thấy tôi có vẽ khá thích thú nên nó hỏi muốn không, nó làm dùm cho một cái. Tôi đồng ý. Thế nhưng trong ngày hôm sau trong email của tôi quá chừng người kết nối để kết bạn. Tôi thấy trong email của mình nhiều quá, trở thành một cái gì hỗn độn nên đành xóa đi, nhiều lúc phải delete liền tay mới hết. Thế rồi tôi không tha thiết với nó nữa, đành để cho nó nằm yên ở đó. Rồi sau nhiều năm, nhân một chuyến đi chơi, thăm viếng bà con, gặp một người cũng nói chuyện về kết bạn trên facebook rồi gởi cho nhau về vấn đề tâm linh mà họ thích, tôi lại có ý muốn dùng trang xã hội nầy để chia sẻ chuyện mà tôi biết, nhưng rồi lại ngập ngừng, nửa muốn nửa lại không! Đến một ngày nọ, có anh bạn muốn liên lạc cùng tôi về chuyện của một anh bạn khác, nhưng liên lạc không được đành gọi qua viber theo ý kiến của ông anh họ của tôi. Từ đó thấy mình cần phải dùng đến messenger của facebook để sự liên lạc dễ dàng hơn, mà muốn dùng messenger thì phải qua facebook, thế là tôi lại dùng đến facebook, rồi lại phải kết thân với những người thân quen mà mình khó lòng từ chối. Xong giai đoạn đó, tôi cũng viết vài câu chuyện ngắn để post lên cho có với người ta. Nhưng rồi mình mới thấy cái mình đưa lên thật là lạc lỏng giữa chợ đời. Sở thích của mình về già không giống ai, nên đành khựng lại. Trong khi đó thì người ta đưa lên đủ thứ từ chia sẻ về các hình ảnh du lịch nơi nầy, nơi kia; những cảnh đẹp, cảnh sum họp, ăn uống; cảnh hoa lá cành, các mẫu tóc, cà vạt kể cả các doanh nhân buôn bán quảng cáo đủ thứ hàng, mẫu mã…Nói chung mọi thứ cũng đều có thể có ích tạo ra vui vẻ, nhận biết…cho ngươi xem, nhưng cũng có những hình ảnh nhậu nhẹt quay không chuyên nghiệp khiến đầu óc mình cũng lúc lắc hoặc là lắc lư theo. Tôi chóng mặt quá đành lướt qua các hình ảnh ấy!

Rồi nhìn lại cái “You Tube” trong những năm đầu tôi rất thích để tìm về những chủ đề mà trong you tube có để xem, hay tham khảo hoặc học hỏi những điều mà người ta biết và đưa lên, hoặc nghe tin tức hàng ngày hay những chuyện ly kỳ, mình tò mò muốn biết. Tôi không biết bên người làm You Tube được trả tiền quảng cáo từ hồi nào, nhưng về sao có nhiều vấn đề tôi tò mò với chủ đề hay lời tựa đưa ra, thì thấy nội dung chẳng ăn nhập gì về chủ đề ấy. Điều đó tôi đã lấy làm lạ, thì một ngày nọ nhân xem về chuyện một Sư Thầy thuyết giảng, trong đó Thầy có nhắc đến chuyện từ ngày You Tube trả tiền quảng cáo cho người làm You Tube, thì nhiều chuyện trong đời xảy ra. Từ đó, tôi nhìn thấy quả thật là như vậy, cái tựa người ta nêu lên là để tạo nên một cái “sôi động, nóng bỏng” chẳng qua là đánh vào sự hiếu kỳ để khán giả tò mò chun vào coi nhằm kiếm “view” của người xem mà lãnh tiền quảng cáo của You Tube. Không những vậy có những trang mạng chuyên ăn cắp của người khác để đưa vào của mình, thế mà số lượng người coi của họ lại nhiều hơn là của người chính chủ. Rồi có trang mạng nay tung tin người nổi tiếng nầy chết, mai lại tung tin người khác chết nhất là người trong giới ca sĩ, họ chỉ nhằm câu view để kiếm tiền chứ chẳng có người nào mà họ đề cập đến, chết cả. Thật là “vô lương tâm”! Không biết trong giới làm You Tube của ngoại quốc có như vậy hay không, chứ tôi thấy trường hợp đó có khá nhiều trong giới của người Việt. Không lẽ người mình lại ham tiền mà “tán tận lương tri” như vậy sao? Người mình không có óc sáng tạo hay dùng những thủ đoạn ma mãnh để kiếm sống? Hay chỉ chuyên nghề ăn cắp của người khác mà không tự tạo nên của mình ư? Tôi thấy người mình bây giờ có văn hóa khác với ngày xưa quá xa!

Rồi lại đến gần đây có thêm một sự kiện “cái bà Đại Gia” nào đó cũng lên mạng để “bày đặt” livestream, tôi nghe bà ấy cũng gây một ảnh hưởng rất lớn và ngôn ngữ hãy còn dễ nghe, rồi càng ngày càng “hỗn hào” hơn, càng khuấy động, gây náo loạn trong dân chúng nhất là “đấu tố” trong giới nghệ sĩ. Lúc đầu tôi chẳng thèm nghe, nhưng sau nghe người ta nói đến khá nhiều, tôi lại tò mò vào nghe thử đôi lần, nhất là sau khi chuyện bà ấy chữi người chết không thương tiếc. Vỡ lẽ ra, Bà ta vì “hận thù” ông Thầy Lang nào đó mà muốn lôi kéo những người có liên hệ nhằm tố khổ ông thầy lang chỉ qua vì “căm hận một tình yêu” và mất đi một số tiền quá lớn. Người ta không làm theo ý bà thì bà lại tố khổ đến người ta. Rồi tới thêm đổ trút cơn giận dữ lên đầu những người bình phẩm với những lời nặng nề, thô tục. Đôi khi lôi cuốn tới vài sự kiện của quốc gia, thế mà chẳng có ai can ngăn, hay ngăn cản. Dư luận trong dân chúng bị cuốn hút vào sự phân hóa, nghi kỵ vì người ủng hộ phe nầy hay chống báng phe kia. Ôi! mạng xã hội tồi tệ đến thế sao? Nó cũng là nơi để người ta trút những cơn “thịnh nộ” vào cho dân chúng nghe; hay phổ biến những lời thô tục nhất để cho khán giả “thưởng thức”, để cho trẻ con “học tập”? Tôi ngán ngẫm mà không mấy mê mạng xã hội nữa!

Có lẽ chính vì vậy mà tôi đã trở nên “vô cảm” không thiết tha đến những thông tin “nóng bỏng” trên you tube nữa, mà đôi khi nghi ngờ những tin ấy là có xác đáng hay không? Không giống như ngày xưa, mỗi lần khi cần đến you tube. Còn riêng với facebook tôi thấy ngoài các quảng cáo buôn bán, các mẹo giúp nhau để giải quyết khó khăn trong nhiều vấn đề, các tin tức, thông tin thì một phần khác được đưa lên từ sự khoe mẽ với cá nhân của chính mình, nên tôi lại ngập ngừng, và mãi trong cái trạng thái ngập ngừng, đành dậm chân tại chỗ. Âu đó, cũng tại là cái tật, và cái nhìn phiến diện của tôi!

 

Đồ Ngông,

25/09/2022.

 

 


Monday, September 5, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (7)

 

Phải nói bọn học trò chúng tôi có một năm học vui tươi và đáng giá, mà người học trò phát triển năng khiếu ca hát hơn hết là Nguyễn Văn Trung. Trung ca khá hay, nhưng thỉnh thoảng hay bị khan giọng, Trung chỉ cho bọn tôi là lấy trái chanh nướng ăn thì sẽ hết. Với những bài hát do Thầy dạy nầy mà về sau giúp tôi hát để ru cho em ngủ cùng với những câu ru mà tôi đã học lóm từ má và chị Bảy Lót, chị giữ em bên nhà Cậu Ba Hưng. Năm đó, có buổi văn nghệ Tết khá vui. Rồi sau các Thầy ở trường khác thường xuyên ghé trường tạo nên cái không khí đầm ấm thân thiện, cùng bắt giọng thử tài chúng tôi hát. Tiếp theo trong tình thân ái đó là các trường cùng nhau tổ chức một buổi cắm trại chung trong Hóa Nhựt. Ngày cắm trại chúng tôi phải đem gạo, nồi nêu, củi, góp tiền mua thức ăn để lo việc nấu nướng tập thể. Sắp hàng ở trường rồi kéo nhau đi bộ, qua hai cái cầu, lên dốc dài, đi tới cây chai quẹo về xóm Hóa Nhựt gần đồng ruộng và cắm trại ở trong vườn của các nhà trong xóm. Khi vào nấu nướng gần xong, trên nền nhà có con dán cánh chạy ngang làm cho mấy đứa con gái sợ, tôi vội vàng chạy theo lấy chân dậm chết con dán. Không may ruột của nó văng trúng người ta. Mấy người đó chửi quá chừng! Đúng là “tai bay họa gởi”, thôi thì mình làm thinh mà chịu trận vậy! Ai biểu mình “tài lanh”! Tết năm đó, sau khi vài anh chị lớn đã xuống nhà Thầy chúc Tết về cho hay, tôi và Tư (Tư gà) cũng đón xe đò xuống Lái Thiêu thăm Thầy. Xuống xe nửa chừng đường, rồi chúng tôi dò theo số nhà để lần đến nhà Thầy. Nhưng khi vào nhà, cửa đó không phải là cửa trước mà là cửa sau. Cửa trước quay ra chợ, bên nầy là một dãy phố, và bên kia cũng lại là một dãy phố khác. Thăm, chúc Tết Thầy và gia đình xong tôi và Tư Đón xe trở về nhà. Lớp học cứ sôi nổi như vậy kéo đến gần cuối năm, màn chuẩn bị cho việc phát thưởng và văn nghệ Tết mới là hấp dẫn. Ngoài giờ học lớp bên nây, Thầy còn “dợt” (dượt) lại các màn hợp ca, đơn ca có tiếng đàn Măng-đô-lin; bên kia Cô Thọ chăm chú cho các màn vũ của lớp Cô ấy. Tôi còn nhớ Tộ có ca mấy câu vọng cổ ở dưới bàn trong vở kịch “Ra-dô không đèn” nhằm lừa gạt ông nông dân lên Thành phố nhìn các tòa nhà cao muốn “trật ót” để bán cái ra-dô dỏm. Một buổi phát thưởng cuối năm rất sôi động và thành công! Cũng trong thời gian nầy, tôi dính vào một sự việc mà rất “ăn sâu” vào tâm trí khiến tôi không thể nào mà không nhớ. Vốn là sau buổi lễ chúng tôi được ăn uống với các thức ăn và nồi cháo. Tật tôi thường hay mắc cỡ, mà lại hay cười, nên trong bữa ăn có nhiều cái khiến tôi cười, không ngờ bên băng ngồi của nữ bên kia, không biết Băng Tâm cười cái gì, khi chị Liêu Tuyết thấy thì chị la lên: “Hai đứa tụi bây làm cái gì mà nhìn nhau cười hoài vậy!”, khiến cả đám lặng thinh nhìn hai đứa chúng tôi. Tưởng chuyện như vậy rồi thôi, vì ngày mai đã vào nghỉ Hè ba tháng thì không có gì là đáng nói, nhưng không? Có những chuyện xảy ra về sau!

Cũng trong năm nầy, ở những vùng phụ cận có vài vụ cướp, ngay cả Tân Khánh cũng có một vụ, cướp ở một tiệm bán cây để cất nhà. Người ta nói bọn cướp tra khảo, đòi chủ nhà phải đưa tiền ra không họ sẽ đóng đinh một tấc vào lỗ tai. Không biết bọn cướp nào đến, nhưng người ta kháo nhau là nhóm cướp đó phát xuất từ bên rừng Khánh Vân. Nhóm cướp là hai anh em ông Bời và ông Liễu lãnh đạo có tên là Đảng Cướp “Rừng Xanh”. Có người nói mấy ông đó là những tay “anh hùng hảo hán” như mấy vị anh hùng “Lương Sơn Bạc” trong truyện Tàu “Thủy Hử” mà họ tiêm nhiễm truyện ấy rồi làm theo. Có người nói thẳng thừng “Mấy ông ấy là dân du côn”! Người ta đồn là họ “ăn cướp của nhà giàu, chia cho nhà nghèo”, nhưng làm sao chứng minh được điều đó! Tiếng tăm của họ vang danh một vùng, khiến quan đầu Tỉnh treo giải thưởng về tiền lẫn chức quan. Người lãnh giải thưởng ấy chính là người cận vệ của Ông Bời; thừa lúc ông ngủ trưa trên võng, anh ta đã bắn chết rồi ra đầu thú lãnh giải. Không biết anh ta được chức quan hai, quan ba gì đó. Nhưng về sau anh chết vì tai nạn xe “díp” đụng vô trụ điện gần ngã ba Cây Sao Quỳ. Có người lập miễu thờ để cầu mong không có tai nạn thêm ở đó. Thế rồi qua thời cuộc, Chợ Đình thiết lập kế bên và ngã Ba Cây Sao Quỳ nay là Ngã Tư Cây Sao Quỳ. Sau đó không lâu, Ông Liễu cũng chết và Đảng Cướp Rừng Xanh tan rã. Mãi sau 75 có phim “Ván bài lật ngữa” hình như có nhắc đến Đảng Cướp ấy!

Sau ba tháng Hè ở nhà, kẻ thì đi rong chơi, đứa thì giúp gia đình thoải mái không phải lo “canh” tới giờ đi học, rồi lại đến ngày sửa soạn sách vở, sắm quần áo chuẩn bị cho một năm học tiếp theo. Ở trong quê, học trò nào một năm được hai bộ quần áo là quý rồi! Tại sao lại là hai nhỉ? Một bộ vô và một bộ ra đó mà, tức là một bộ giặt, một bộ bận, tiền đâu mà sắm cho nhiều! Có không ít đứa chỉ có một bộ, đôi khi lại phải vá lên vá xuống để xài được lâu dài, vì thế mà chúng mới cần đến trường công, chứ trường tư lâu dài lấy tiền đâu mà đóng học phí. Thế mới biết học trò trường công giỏi hơn trường tư là vì chúng phải trải qua một cuộc thi tuyển gắt gao!

Ngày tựu trường rất vui vẻ, vì sau ba tháng rất có nhiều chuyện để nói hoặc kể cho nhau nghe, nhất là thân xác lớn hơn nhiều, trông đứa nào cũng trưởng thành thêm một chút. Thầy Trọng vẫn theo lớp Nhứt của tụi tui được vài tuần lễ, thì bỗng nhiên một ngày Thầy đành nói lời tâm tình từ giã. Thầy cho biết là Thầy sẽ đi vào quân đội. Mến Thầy lắm, nhiều chị đã khóc, bên đám con trai thì ngậm ngùi, thút thít. Nhưng Thầy quyết định đi thì làm sao? Vắng vài ngày thì có mấy giáo viên mới lại về có cô Nga dạy bên Lớp Nhì, còn phụ trách lớp chúng tôi là cô Vũ Thị Hồng Ngọc. Cô Ngọc người đẹp rất có duyên, nhanh nhẹn, nhưng lại nói khó nghe quá, hay là bọn chúng tôi chưa quen vì Cô là người Bắc. Mà thật đúng vậy, đây là lần đầu tiên bọn chúng tôi học với một người từ Bắc vào Nam, nghe chưa quen. Sau nhiều ngày cố gắng lắm mới bắt kịp và hiểu cô nói cái gì. Nhất là trong giờ chính tả vừa qua, không mấy đứa viết đúng, nội cái tựa bài thôi đã cùng nhau ngơ ngác. Cái tựa bài là “Cách định bệnh”, khi cô đọc tụi tôi thầm nhìn nhau ngơ ngác “Cái gì vậy mậy?”, “Cách định bạch” hay “cách định bệnh”. Và khi trao nhau bắt lỗi và chấm điểm thì chỉ có vài đứa 7,8,9 lỗi, còn bao nhiêu đều trên 10 lỗi cả. Đó là điều đáng nhớ trong đời học sinh của chúng tôi! Nhưng đến lúc quen với giọng đọc của cô rồi thì viết chính tả với cô là điều dễ dàng nhất.

Ở đây tôi muốn nhắc lại cái kỷ niệm thân thiết, cái tình cảm quý mến đối với Thầy Trọng nữa: Mặc dù Thầy đã xa trường và đi vào quân đội, nhưng sự lưu luyến của chúng tôi còn vương vấn với Thầy, khiến Thầy quay lại thăm trường lần nữa. Vốn là trong những học sinh viết thư thăm Thầy trong thời gian đầu đi lính, có thư của chị Khởi là xuất sắc và làm cho Thầy cảm động. Thế nên một ngày Thầy nghỉ phép về thăm trường đã vào lớp nhờ một bạn đọc lên lá thư chị ấy gởi, cho toàn lớp nghe. Thư chị viết hay và cảm động quá! Lần đó cho mãi về sau nầy không mấy ai được gặp Thầy, cho đến thời gian 50 năm sau mới liên lạc lại. Ôi! Nửa Thế kỷ trôi đi! Thầy trò đều vương tóc bạc! Nhưng những cái tình cảm vẫn còn mãi đọng trong tim mỗi người!


Nguyên Thảo,

06/09/2022.




Thursday, August 18, 2022

*Giá Trị Của Một Nền Giáo Dục!

 

Nói đến giáo dục khiến ta nghĩ ngay đến chuyện dạy cho những đứa con nít những kiến thức, đạo đức hay những kinh nghiệm mà người lớn, người đi trước truyền đạt lại cho chúng, để chúng thu thập hầu trở thành con người tốt, có kiến thức và kinh nghiệm sống trong tương lai, nhằm giúp chúng sống có ích cho xã hội, đất nước lẫn mọi người chung quanh. Từ khái niệm đơn giản ấy mà từng quốc gia có nền giáo dục riêng, luôn kiện toàn nhằm dẫn dắt cho thế hệ trẻ trong đất nước của họ thành những nhân tài, phục vụ cho xã hội ở mai sau. Do vậy, mỗi nơi có đường hướng giáo dục, thích hợp với phong tục, tập quán lẫn đạo đức của vùng đó. Nhưng đôi khi người ta cần học hỏi, gom góp những cái hay của nhiều nơi để nhằm đạt đến phương cách có kết quả tốt nhất. Vì thế mà nội dung, phương cách giáo dục luôn được trao đổi, học tập, áp dụng sao cho có thành quả.

Vào những thời xa xưa, giáo dục do từng cá nhân có kiến thức, học vấn từ người trước rồi truyền đạt lại cho từng nhóm học trò đi theo học với mình. Nó cũng mang theo cái tư tưởng, quan niệm, truy cứu của ông thầy. Và tùy theo từng ông thầy mà học trò có trình độ cao hay thấp, sâu rộng hay hạn hẹp, nhất là quan niệm đối với cuộc sống, hay nhân loại như thế nào. Ngay cả tùy vào cái cách thức giáo dục của ông thầy mà có sự nghiêm khắc hay dễ dãi đối với học trò. Do đó mà từng lớp học trò luôn mang tư tưởng của thầy lan truyền và được phổ biến từ Tây sang Đông như: Ở Tây Phương thì có những học trò của Héraclite, Pythagore, Socrate…Còn ở Đông Phương thì có nhiều bậc Tư tưởng, nhất là về Tôn Giáo từ Bà La Môn, Phật giáo đến Lão Tử, Khổng Tử, Jésus Christ, Mohammed…Rồi quan niệm giáo dục qua thời gian cũng theo từng ông thầy mà có nhiều thay đổi.

Sau, do nhu cầu học hỏi rất cần thiết cho những trẻ con càng ngày càng đông, nền giáo dục được thành hình qua cuộc tổ chức của từng quốc gia. Phương pháp truyền thụ chưa được thống nhất. có nơi lấy sự bắt buộc, ép trẻ con bằng hình phạt, có nơi dễ dãi hơn, có nơi bắt học trò phải học nằm lòng những gì cần truyền thụ. Đến khi nhà giáo dục Jean Jacques Rousseau của Pháp nghĩ ra phương pháp giáo dục mới thì sự giáo dục có nhiều thay đổi ở từng quốc gia cho đến ngày nay, ngoài sự giáo dục theo truyền thống của các Tôn Giáo: Đó là những nền giáo dục phổ thông!

Sự giáo dục từ trong các Kinh Viện được phổ quát hóa ra bên ngoài dân chúng, các trường học được phát triển nhanh chóng cho thế hệ trẻ con về sau. Những kiến thức của nhân loại được tuyển chọn đưa vào chương trình với những bộ môn, đề mục, chủ đề để nhằm nâng cao kiến thức cho từng thế hệ, và nó luôn cập nhật để theo sát với các khám phá mới theo thời đại. Và từ đó, những người lãnh đạo, cầm quyền của chính phủ, viên chức nhà nước cũng được tuyển chọn theo tiêu chuẩn kiến thức mà họ đã đạt được: Giả sử như một nhà giáo trong giai đoạn đầu cần người biết chữ nhiều dạy cho người biết ít, rồi tiến đến có trình độ cấp hai dạy cho trẻ nhỏ, thế rồi đến cấp ba dạy cùng trình độ ấy. Và đến cuối cùng phải có bằng ở bậc Đại học hoặc là trên cho trình độ nhất định. Đó là sự nâng cấp ngày càng tăng tiến để nâng cao trình độ quản lý, như là trình độ của dân trí hầu đạt đến một xã hội tiến bộ. Song song vào đó, người ta còn nhằm mục đích đào tạo những thế hệ công dân sống có đạo đức, tình nghĩa, ý thức xã giao, đối xử với mọi người chung quanh trong xã hội; hoặc giúp người dân hiều được cái quyền lợi, ý thức bổn phận đối với đất nước của mình trong mọi hoàn cảnh, dù đó là trong việc giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường…tức là những vấn đề nhỏ nhặt cho đến chuyện to tát như bảo vệ Tổ Quốc, Tình Yêu Nước.. vì thế mà các môn Đức Dục lẫn Công Dân Giáo Dục được ra đời!

Có những nền Giáo Dục được gọi là Khai Phóng là sự cởi mở, không bị gò bó trong những chủ đề hạn hẹp, o ép học sinh đi vào những kiến thức mà người ta chỉ cho biết, hay là chỉ được học trong phạm vi nào đó thôi; mà học trò được học nhiều kiến thức của nhân loại dù ít hay nhiều tùy theo giai đoạn còn tuổi nhỏ hoặc lớn, để từ đó người học có cái nhìn khái quát hoặc sâu sắc về những gì mà nhân loại đã đạt được cũng như trải qua, và những kiến thức ấy luôn được cập nhật theo từng thời gian nào đó mà người soạn chương trình ấn định trong 3, hay là 5 năm. Có những nơi người ta bắt học trò, người học chỉ được học những cái gì “chỉ là của mình” để học trò không biết đến cái khác mà có sự so sánh, nhất là trong các Tôn Giáo. Sự “què quặt” kiến thức khiến cho người học, học trò trở nên bị “thui chột”, “què quặt” theo luôn, mà không biết mình là những con người “thiển cận”! Thế cho nên, từ ngàn xưa Lão Tử, một Triết Gia Đông Phương có một câu nói khiến cho ta ngày nay nghiền ngẫm: “Làm thầy thuốc sai lầm chỉ hại có một người; Làm chính trị sai lầm thì hại cho một nước; Làm giáo dục sai lầm sẽ hại cho cả muôn đời”! Tại sao thế? Vì giáo dục sai lầm sẽ đào tạo thế hệ ngu dốt nầy, rồi thế hệ ngu dốt đó đào tạo ra những thế hệ ngu dốt kế tiếp, cứ thế mà kéo dài ra. Ấy chẳng là “hại cho cả muôn đời” đó sao?

 

Đồ Ngông,

18/08/2022.

 

 


Sunday, August 14, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (6)

 

Rồi mùa hè cũng qua đi! Chúng tôi quay trở lại trường học. Sau ba tháng Hè sân trường ít được người quét dọn, bây giờ nó được chăm sóc gọn gàng như thay áo cho một năm học mới. Tiếng trống lại vang lên mỗi khi vào học lẫn tan trường. Năm nay có Thầy mới. Thầy Lý Văn Trọng từ Lái Thiêu lên. Tướng Thầy dong dỏng cao, thường đến trường bằng chiếc xe gắn máy không phải là các chiếc mô-bi-lết mà chúng tôi thường thấy, mà là chiếc hiệu Beta máy Sachs thì phải. Thầy đạo mạo, chững chạc nên chúng tôi có phần lo. Nhưng rồi, cũng không lo lắm vì số học trò vào lớp khá đông, nó không phải sĩ số của chúng tôi ở đây không, mà còn tập hợp từ Vĩnh Trường, Tân Hiệp, Tân Hóa đến nữa. Ở Vĩnh Trường có Lê Văn Năm, Tôn, Na; Tân Hiệp có Lực, Bạn; Tân Hóa là đông nhứt: Nguyễn Văn Năm, Phấn, Son, Huệ, Sợi, Thạch, Gõ, Ru, Đoàn văn Em, Miên, Tộ, Cờ, Tướng, Ngộ, Rờn. Bên nữ có Khởi, Mới, Thay, Mướp, Kiều. Sở dĩ như vậy là vì các nơi ấy không có nhiều học sinh để mở lớp Nhì. Như vậy mấy xã mới có một trường Tiểu Học. Từ đây trường Tân Phước Khánh được gọi là Trường Tiểu Học Tân Phước Khánh mà lớp Nhì chúng tôi là lớp đầu đàn, và Trưởng trường được gọi là Hiệu Trưởng. Tôi không nhớ rõ là Thầy Nguyễn Văn Tâm từ ngoài Búng về làm Hiệu Trưởng vào lúc nào, nhưng chắc là hơi trễ chứ không phải đầu năm. Do vì trong lớp có hai Nguyễn Ngọc Thạch, và căn cứ vào ngày tháng năm sinh thì tôi lớn hơn, nên Thầy đặt à Thạch A, Thạch kia là Thạch B.

           Các Thầy: (Đứng) Thầy Trọng, Thầy Tâm, Thầy Hòa.

                             (Ngồi) Thầy Thơ.

Thầy Trọng có năng khiếu về đàn Măng-đô-lin và hát cho nên Thầy thường hay dạy nhiều bài hát, mà khoảng thời gian nầy người ta gọi là nhạc cải cách, nhất là trong giờ Hoạt Động Thanh Niên cùng với môn thể dục, tập đi quân hành một, hai, ba; hoặc chơi thể thao, thể dục. Lúc nào học ra học, lúc nào chơi ra chơi, thật thoải mái vì thế mà chúng tôi rất thích học với Thầy, cho nên ít khi có trò nào bi phạt. Trong khi đó thì Cô Thọ dạy lớp Tư lại có khiếu về hát và tập cho học trò của cô các bài múa, nên đôi khi Thầy Trọng giúp đàn cho học sinh bên đó hát và múa. Rồi, người ta thường hay nói: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, mà học trò quỷ quái thiệt, mỗi lần mà Thầy Trọng lên trễ thì Cô Thọ đứng nhìn về phía trên đường, mấy đứa kháo nhỏ nhau: “Cô Thọ trông Thầy mình tới kìa”! Xong nhìn nhau cười chứ không dám nói gì hết!

Có lần Trường tổ chức đi “Du Ngoạn Vũng Tàu, Long Hải” mỗi đứa phải đóng một số tiền. Nhưng trong đó có mấy phần đặc biệt được đặc ân đi “không” (không phải đóng tiền) qua sự bình bầu thì Trung được ân huệ ấy còn Chi thì không được nên Chi đã khóc. Sự hơn nhau chỉ có một lá phiếu mà thôi! Và cũng năm đó, Thầy Hòa hướng dẫn đội banh của Trường Tân Phước Khánh ra đá với đội banh của Trường Phú Hòa trên xã Phú Hòa, nhưng bị thất bại thảm hại, ôm về tới năm, sáu trái. Trong năm có hai trường hợp mà học trò phải bỏ học vì chết: Một là Phấn anh của Son, nghe tụi nó kể lại, thì khi đi chăn bò vào ngày cuối tuần, anh ấy trèo lên cây gì ở gần miễu nhỏ nào đó lại khắc tên anh như là một vị thần của miễu nên về nóng sốt rồi mất. Còn Na trên Vĩnh Trường vì đi cưa võ bom để lấy ngù đồng (bộ phận đầu đạn làm bằng đồng) để bán, thì bị bom nổ mà chết. Nói đến phần nầy, có lẽ tôi phải nói về cái sân bay đường lên An Mỹ hay lên chợ Thủ Dầu Một một chút.

Thực sự tôi chẳng biết đích xác về cái lai lịch sân bay ấy, nhưng nghe người lớn kể lại sân bay là do Tây nó làm, không biết là tư nhân hay của công, nhưng nó có liên hệ đến Sở cao su “Con Rồng”. Sở nầy không nhỏ bao vòng Bình Chuẩn qua Hòa Thạnh chạy dọc theo rìa Bình Thoại, Phú Hữu, chạy vào Phú Trung, Phú Chánh về Tân An, Vĩnh Trường; cái khu vực ấy là cánh đồng Gò Bèo hay Bàu Bèo hoặc Bà Bèo gì đó mà người dân không nói rõ ràng, chính xác. Ngày tôi lớn lên, lúc mới hiểu biết chút ít thì khu cao su bên phía Hòa Thạnh và bên Bình Thoại hãy còn. Trên đường từ Vĩnh Trường băng qua An Mỹ lác đác cây cao su, và trên cánh đồng dài vô Phú Chánh cũng vậy. Sau dân chúng phá hết lấy cây chụm lửa và khai đất đai thành ruộng gò trồng lúa vào mùa mưa, hoa màu vào mùa nắng (phải đào giếng, dùng cần vọt cất nước lên tưới). Thì qua sự suy đoán của tôi sân bay ấy có thể do chủ Sở Con Rồng tạo nên, để máy bay lên xuống cho công việc của họ hay đem tiền phát lương cho công nhân khi đến kỳ tiền. Sau đến thời Nhật chiếm thì lại trưng dụng sân bay đó, không biết làm gì nhưng ba tôi nói là tụi Nhật bắt người ta lên “làm xâu” (làm công tác mà không trả tiền) trên đó. Cuối những năm chiến tranh và thời gian sau hòa bình được làm nơi cho lính nhảy dù luyện tập. Lúc đó, lính nhảy dù cứ cuối tuần là họ nhảy, khiến bọn con nít tụi tui hoặc là ra khoảng trống nhìn lên trên đó xem có bao nhiêu cây dù; hoặc cỡi xe đạp chạy nhanh lên Bình Hòa gần sân bay nhìn cho rõ, có lúc những cây dù không mở, trực thăng cứu thương phải chở đi gấp, mà chúng tôi gọi loại trực thăng đó là “óc nóc xương” vì hình thù giống con cá nòng nọc mà khoảng đuôi của nó chỉ là khung sắt. Sau thời gian đó thì cánh đồng Gò Bèo được làm nơi máy bay cánh quạt loại thả bom “skyraider” tập oanh tạc. Người ta kéo các xác xe hư đến để làm mục tiêu cho máy bay thực tập dội bom. Thuở đó dân hai bên xã Vĩnh Trường, Phú Hữu hay đi gom sắt vụn để bán, nhất là những “ngù đồng” (bằng đồng” bán rất có giá). Có lúc họ giành giựt và đánh nhau. Có người cưa hay đục bom lép để tháo ngù đồng ra lấy, chẳng may nó nổ thì đành chịu “tan thây”! Na chết trong trường hợp như vậy!

 Từ ngày về Tân Khánh tôi dần có bạn bè vừa là bạn học, vừa là bạn hàng xóm khá nhiều. Thỉnh thoảng lại kết nhóm đi chơi, dong ruổi từ đầu trên xóm dưới. Tất nhiên tôi không phải là đầu nhóm vì tôi quá nhỏ, không có tài năng lãnh đạo nên cũng chỉ là “tà lọt” thôi. Người bày cho chúng tôi chơi hay cầm đầu là anh Mười lớn con của ông Ba Chặng và anh Vân, anh của Trung con của Dì Ba chị của Mười lớn (Mười lớn tức là anh Nguyễn Văn Là nổi tiếng về đàn, chơi thể thao ở Bình Dương sau nầy). Với sự hướng dẫn của anh Mười và Vân chúng tôi thường kết đàn đi bắt cá lia thia ở dưới ruộng, đi tắm suối, chơi chọi nhau trên cánh đồng ở gần cầu đúc hay đi hái trái trâm dọc theo các đường nước, đắp ụ tát nước bắt cá hoặc đi bắt dế khắp các cánh đồng từ đồng Hóa Nhựt lên tận gò Vĩnh Trường, tắm lội ở hầm đất trên Bình Hòa cùng đi vào rừng Cây Chàm hái trái giấy, trái táo gai, trái sim, có khi ra tận xóm Phước Lộc, gò mã bịt bùng, gò mã Đông. Thời đó đi chơi rất vui, nhất là trong ba tháng Hè, không phải lo sợ gì cả. Đi chơi đã, về mạch chợ tắm cho bớt nóng, xong có thể đi vào lò chén xin hay ăn cắp đất sét về nắn những đồ chơi hay các món mà phải làm thủ công. Thường thì tập trung ở nền nhà tô cao của ông Ba tức ba của Mười lớn và Mười nhỏ.

Không những vậy, hai anh ấy còn bắt chước mấy ông lớn lập ra gánh hát, làm bầu gánh cho mấy kép nhí chúng tôi tập hát theo các vở tuồng được in, bán ra bằng những tập sách nhỏ. Hai anh bắt chước theo ông Kanh Hòa, người đàn hát hay ở Tân Khánh, đã lập ra đoàn cải lương và họ đang tập tuồng để lưu diễn mà tôi có biết mấy tài tử như chú Nhùm, vợ chồng Ông Cù cùng ông Síp Pha, và một số người khác. 


Nguyên Thảo,

15/08/2022.




Sunday, July 24, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (4)

Trong năm nầy chiến sự có nhiều thay đổi. Đất nước được ngưng chiến không còn lính Tây đi bố nữa, mà trên báo chí đăng tin hòa bình theo Hiệp Định Genève gì đó. Sau đó không lâu, có nhiều đoàn người từ Bắc vô Nam gọi là di cư, và một số bộ đội lại Tập Kết ở những địa điểm để kéo lần ra Bắc. Đất nước bị chia thành hai miền. Tôi theo cùng gia đình ra bìa Hố Đá để đưa tiễn Chú Sáu Đẹp, chú ruột của Nghĩa tập kết ra Bắc. Có những chiều mưa lất phất vài chiếc xe bò chở những bộ đội thương binh đi về phía trong Tân Long, không biết họ đi ra Bắc bằng đường nào? Và ở khoảng thời gian nầy Thầy và Cô giáo Khai cất nhà ở phía sau trường học, cùng hai người con trai lớn hơn tôi một chút cũng về ở chung: Hùng và Cảnh. Cảnh trắng trẻo rất đẹp trai và sáng sủa, Hùng không bằng, hơi đen. Hai anh học ở nơi nào đó mà chúng tôi không biết được. Xong hết khóa nầy theo lẽ đám học trò chúng tôi được lên Lớp Ba, nhưng vì Thầy Thăng nghỉ dạy cho nên Lớp Ba không có Thầy, do vậy mà cả bọn lại “nhảy tọt” lên học trên Lớp Nhì với Thầy Khòm. Thầy rất nghiêm cho nên đứa nào cũng sợ. Với Thầy, lớp thỉnh thoảng có nhiều học trò phải nằm trên bàn để đánh đòn thay vì bị phạt. Nhà Thầy trên Cống Ông Huyện, Thầy đến trường bằng xe đạp.

Đất nước hòa bình rồi không còn tiếng súng, không còn chun hầm nữa. Nhưng người ta cũng chưa tin hẳn điều đó vì vậy chuyện lấp hầm còn chậm chạp lắm. Kế bên Trường Tàu được khai phá các chồi cây, bang bằng rồi cất lên một rạp hát, nghe nói của Thầy Giáo Khai hùn với mấy người nữa. Trong rạp được trang bị bằng nhiều băng dài để cho khán giả ngồi coi. Gian chính giữa rộng có hai dãy băng hai bên, khoảng giữa là đường đi. Hai bên hông kê những băng ngắn hơn dành cho khán giả ít tiền. Thuở đó thường là những gánh hát bội về hát những tuồng cổ dựa theo những truyện Tàu, nên người đi coi cũng khá đông nhất là trong giai đoạn đầu. Đoàn hát thường có máy phát điện để chạy đèn, âm thanh và những thứ cần thiết. Từ ngày có rạp hát sự sinh hoạt ở chợ vui hẳn lên. Chiều chiều đã có xe ngựa chở trống đánh thùng thùng đi quảng cáo, tụi nhỏ như chúng tôi chạy theo xin giấy xem đứa nào được nhiều. Đến tối thì tiếng trống đánh cổ vũ, kêu gọi khán giả liên tục. Ban đầu do người trong đoàn hát phụ trách, sau có nhiều đứa nhỏ ham vui tập đánh rồi đánh hăng say thay thế, người trong đoàn được giây phút nghỉ ngơi. Tôi cũng thử tập, nhưng tập hoài không được, tiếng trống của mình sao khó nghe quá. Có thằng Trai, bạn tôi nó đánh hay thiệt, nghe dòn dã làm sao, chính chú trong đoàn hát khen ngợi nó nhiều, có khi ông ấy dẫn cho nó vào trong rạp xem hát. Trống đánh đến khi nào bắt đầu hát thì thôi, kể cả việc phát thanh các bản nhạc Cải cách hay bây giờ gọi là Tân Nhạc. Công nhận việc đánh trống cùng phát thanh nhạc cải cách trước khi hát làm cho người ta bồn chồn, bị lôi cuốn để đi xem. Đó là chưa nói đến quang cảnh các xe bánh kéo tới bán bánh nầy, bánh kia, rồi tới nước mía, mía ghim, ổi, xoài, đồ nhậu, khô mực, chuối nướng, đậu phọng rang… đầy trước sân rạp thật là vui, trong đó có tiếng chơi đùa của bọn con nít chúng tôi. Nhưng vào những ngày mưa, nhất là mưa đêm thì khách không đi coi bao nhiêu, không đủ sở hụi nên gánh hát đành hủy bỏ đêm hát. Nói như vậy không có nghĩa là gánh hát đến Tân Khánh nầy hát luôn được suôn sẻ, lúc nào cũng được đông khách mà nó còn tùy thuộc vào mùa mưa hay mùa nắng và đoàn đó hát hay hay dở nữa. Thường thì đoàn đến hát trong vài ngày thì chuyển đi nơi khác ít khi ở đâu lâu lắm. Mà ngành hát bội chỉ có người lớn tuổi am hiểu về câu chuyện hay điệu bộ mới thích, chứ người trẻ không thích vì diễn tiến trong tuồng hơi lâu, nhất là cứ í ì i hoài nghe quá mệt. Hơn nữa, thói thông thường người ta muốn đi coi nhưng lại không muốn bỏ tiền ra khá nhiều, vì thế bằng nhiều cách để người ta đi coi “cọp”, đôi khi lại đem tiếng không tốt cho vùng gọi là “rừng nhỏ cọp nhiều”, nhất là những người có quyền hành trong xã đến gởi người vào. Nhưng quý vị đừng nghĩ đến bọn con nít chúng tôi nhe. Chúng tôi chỉ lân la phía trước rồi xem ai mua vé, xin đi theo vô coi thôi, gọi là nắm đuôi áo theo cùng giống như họ dẫn con cháu theo đó mà. Nói là vô coi chứ thật ra coi được mấy hồi, coi được chừng một lúc, chán quá lại đi ra, có khi nằm ngủ trong đó khiến ba má đốt đèn đến kiếm; giống như tôi có lần ngủ quên má tôi phải đến tìm đưa về. Có lần nọ, gánh hát kia đến hát nhưng gặp trời mưa bão lâu ngày không hát được, ế quá chi phí tốn quá nhiều, đành nằm chịu trận, và không biết vì sao mà gần cả tháng cũng không đi để rồi phải rã gánh tại đây, nếu tôi nhớ không lầm tên gánh ấy là “Huỳnh Thành” thì phải, tôi nhớ như vậy là do người ta hay trêu là “Huỳnh Lì” tức là ở lì không chịu đi.

Dù có mê gánh hát đến đâu, cũng không quên chuyện học hành vì Thầy Khòm rất nghiêm khắc đứa nào cũng sợ, mỗi lần có chuyện Thầy kêu lên là thiếu điều “té đái” hay ‘teo”; cho nên đứa nào đứa nấy lo học “thấy mồ”, lo làm bài “trối chết” dù không biết cũng ráng hỏi người ta đặng làm cho được. Tuy vậy, cũng có nhiều chuyện rất vui, mà ông Thầy cũng không thể “hành hạ” học trò cho được. Một buổi nọ, tự dưng ở tựa vách của lớp, có tiếng thưa: “Thưa Thầy, thằng H. nó sợ không dám xin Thầy đi đái, nó lấy thun cột cu nó lợi nè Thầy”, thế là ông Thầy vộì kêu nó đi ra ngoài, đi tiểu, rồi dặn cả lớp nhớ đừng làm như nó, có ngày bể bọng đái chết à nhen! Rồi lại có anh chàng Đinh Ba, vì lớp có hai trò tên Ba, Ba nầy họ Đinh, nên thường được gọi là Đinh Ba nói hơi ngọng về chữ “L” thầy kêu sửa hoài mà sửa vẫn chưa được, ngày nọ khi bị kêu lên “trả bài” (tức là lên đứng kế bàn Thầy mà đọc lại bài bằng cách thuộc lòng để Thầy xem thuộc bao nhiêu mà chấm điểm). Sau khi trả bài xong Thầy kêu đứng đó nói câu “Cái lu lũng lỗ” coi. Trò Ba đứng đánh lưỡi hồi lâu “Cái ngu ngũng ngỗ”. Thầy kêu làm lại đôi ba lần nữa nhưng vẫn không được. Thầy cho về!

Thế rồi ngày nọ, tự dưng chỗ tôi ngồi có tiếng chưởi “Khốn kiếp”, sau đó thì cả lớp im bặt, nín thinh đợi sự phán quyết của Thầy. Thầy hỏi: “Đứa nào nói đó?”, không ai trả lời, cuối cùng Thầy kêu tôi lên. Tôi lo sợ đi lên trên đứng bên cạnh bàn. “Con nói phải không?”, “Thưa Thầy con không có nói”, “Vậy, chứ ai nói?” Tôi lặng thinh một hồi, rồi thưa: “Thưa Thầy con không có nói”, “Con không nói, phải không? Vậy thì le lưỡi liếm chừng nào tới lỗ mũi thì là không có nói”. Nghe vậy tôi thử le lưỡi đưa lên lỗ mũi chẳng thấy nó tới đâu, hồi lâu bí quá tôi bèn khai đại: “Thưa Thầy thằng Khoa nói, chứ con đâu có nói”. Thầy kêu: “Khoa, tại sao nói Khốn kiếp?”, Khoa giải thích lý do, còn Thầy cho tôi về chỗ. Hú hồn! Sở dĩ tôi quả quyết thằng Khoa nói vì nó thường bắt chước theo tuồng hát mà hay nói chữ “Khốn kiếp” đó, vậy thì chắc có nó thôi. Ai dè đúng vậy!

Đa số học trò học với Thầy Khòm đều cho rằng ổng rất khó, đôi khi tụi nó nói “dữ” nữa, nhưng có lẽ chính vì vậy mà ai cũng ráng lo học để khỏi bị đòn. Chỉ tội cho thằng Tư “Gà”, không biết do đâu mà bạn bè gọi nó là Tư Gà, không biết lúc trước má nó có bán gà không, chứ ba nó bán bánh mì, với cái thùng gắn sau xe đạp. Ông chạy xe đạp khắp xóm để bán bánh mì “nhận” (thức ăn) cho dân trong xóm. Ông thương thằng Tư lắm, nhưng khổ nỗi nó còn tệ trí nhớ hơn tôi, học khá tệ vì thế ông hay gởi Thầy chăm sóc, dạy dỗ cho nó. Nó rất dở toán, nhiều lần lên bảng ít khi nó làm được, đành chịu “khẽ” mà về. Một ngày nọ, Thầy kêu nó lên bảng, bài toán không khó mà nó cũng không biết làm, Thầy tức quá, nắm đầu “dọng” (ấn mạnh) vô bảng đen kêu rầm rầm, đám học trò tụi tôi ngồi dưới đều xanh mặt, trên kia tấm bảng đen nhảy ra khỏi hai chốt đỡ bảng của cái giá rớt xuống đất. Từ đó, bọn học trò chúng tôi lại càng sợ và ráng học hơn để mình không bị đòn như nó. Ở lớp học nầy tôi mới nghe mấy thằng bạn kể là nó có nghe về bộ sách “Giáo Khoa Thư” lúc trước, bộ sách ấy hay lắm mà bây giờ không còn nữa. Và cũng ở lớp học nầy lần đầu tiên tôi mới học được cách làm chữ nổi do anh Ngô Văn Bé bên lớp Nhất của Thầy Giáo Khai xuống chỉ cho người bạn trong lớp và tôi được “học lóm” từ anh.

5- Sự hòa bình tới làm cuộc sống có nhiều thay đổi. Song song vào đó, người từ Bắc vào Nam; kẻ từ Nam ra Bắc theo cái Hiệp Định Hòa Bình Genève. Dân chúng ban ngày không sợ cò hiến binh, mã tà khám xét; nhất là ban đêm được thoải mái đi lại, ngủ yên giấc không phải sợ hai bên đụng độ, súng nổ; hoặc phải chun hầm ẩn núp khi có tăm-lông (phóng lựu), moọc-chê hay cà-nông bắn tới. Ngoài ở nơi rạp hát ồn ào tiếng trống, loa phóng thanh nhạc cải cách, để cổ vũ người đi coi, thì những nơi sân nhà rộng rãi bọn con nít chúng tôi được đàn anh chỉ, hướng dẫn chơi các trò chơi dân dã thật là thích thú. Nhớ nhiều đêm trăng, phong trào các bà, các cô tập cưỡi xe đạp rất là vui. Những màn vịn xe cho người tập không nỗi, thắng không kịp, hay lủi vào bụi cây nào đó vẫn thường xảy ra tai nạn. Tôi cũng tập lái xe đạp từ đây. Vì nhỏ con không ngồi trên sườn xe được, đành “lòn chưn” dưới thanh ngang dàn cái qua bàn đạp bên kia mà đạp. Lúc đầu tôi lòn chân sang phải, nhưng khi rành thấy mình không giống với người ta, rồi lại từ phía phải “lòn chưn” sang trái. Bây giờ trong Tân Long cũng có rạp hát nữa, rạp được cất bên phía đất trống tại ngã ba, có lần tôi đã tới đó với nhiều người lớn bằng cách đi bộ từ Tân Khánh kéo tuốt vô Tân Long. Các gánh hát lúc nầy thay đổi không còn hoàn toàn là hát bội như xưa mà thêm vào đó cách hát thoải mái hơn được gọi là “hát bội pha cải lương” tức là vẫn còn hát bội nhưng “hội thoại” nhiều hơn và xen vào các bản ca từ kiểu cách của đờn ca tài tử mà chính là “vọng cổ” và các bản nhỏ, cho nên các người nổi tiếng lúc ấy là ông Út Trà Ôn, Bảy Cao, Kim Chưởng, Hoài Dung, Hoài Mỹ… mà tôi được nghe tiếng. Rồi đến giai đoạn tiếp theo các đoàn hát không còn hát bội mà chỉ là cải lương giống như đoàn Thanh Minh, Hoa Sen, Kim Chung… thu hút nhiều khán giả hơn! Riêng đoàn Hoa Sen của ông Bảy Cao có hát tuồng lại có xen chiếu bóng, xem khá lạ và nhiều thích thú!

Thế rồi, một ngày kia có xe Thông Tin từ trên Tỉnh chạy xuống, vừa chạy vừa phóng loa kêu người dân đến ngày nào đó đi bỏ phiếu Trưng Cầu Dân Ý, và rải truyền đơn dọc theo đường; đám con nít chúng tôi hiếu kỳ chạy theo lượm giấy truyền đơn xem đứa nào được nhiều hơn. Sau nghe nói Ông Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã truất phế Bảo Đại mà chúng tôi cũng chẳng biết ông nào. Rồi thời gian nữa, nửa nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào bây giờ có tên là Việt Nam Cộng Hòa! Và vị Tổng Thống đầu tiên là Ngô Đình Diệm.

Vài tháng sau chúng tôi hoàn tất lớp học với Thầy Khòm thì trường vào kỳ nghỉ Hè. Đến gần tựu trường lại có thông báo đến ghi danh đi học phải đem khai sanh theo. Ngày ấy tôi đi ghi danh một mình không có ba đi cùng, mấy Thầy Cô ghi danh lạ hoắc, họ bảo đưa giấy khai sanh vào và ai sanh năm 1948 trở về trước đưa cho thầy và ai sanh năm 1949 đưa cho cô và nhỏ hơn thì đưa cho cô khác. Lúc đó tôi nhìn lại khai sanh của mình và tự nghĩ: “Sao ba khai cho mình năm 1949 nhỏ quá vậy?”. Tôi không vừa ý, liền mượn cây viết của thằng bạn ngồi kế bên có màu mực giống trong khai sanh rồi sửa số 9 trở thành số 8, thế là tôi có năm sanh mới là năm 1948. Tôi được xếp vào học lớp Ba. Ngày tựu trường hay được gọi là khai giảng niên học mới chúng tôi được giới thiệu: “Đây là Trường Sơ Cấp Tân Phước Khánh là Trường Công Lập học không phải đóng tiền, chỉ đóng một số tiền nhỏ gọi là Tiền Niên Liễm vào lúc đầu năm”; cùng với ông Trưởng Giáo là Hạ Ngọc Thơ; Thầy phụ trách dạy Lớp Ba là Nguyễn Văn Hòa; Lớp Tư là Hoàng Thị Thọ và hai Lớp Năm do cô Cúc và Thầy Hạ Ngọc Thơ. Đó là niên học 1956-1957. Như vậy là cơ sở Trường Cây Gòn không còn thuộc vào Thầy Khai nữa, mà cũng không biết Chính phủ trưng dụng hay mua lại của Thầy Khai, nhưng sau đó Thầy Khai dời nhà vào trong khuôn viên chùa Cao Đài và mở lớp học trong đó. Có một số theo học với Thầy mà không học trường công ngoài nầy như To, Hòa, Tâm, Chánh, Lập, Sang, Sinh để rồi sau họ xin học ở ngoài Trường Tiểu Học Nam Châu Thành ở ngoài Tỉnh hay Trường Tiểu Học Cộng Đồng Dẫn Đạo ở ngoài Búng cùng với những người thuộc lớp lớn hơn. Lớp Ba nầy gồm một số từ ấp Bình Hòa như chị Mây, Chi, Thiện, Bảy. Ở Tân Khánh có tôi, Tùng, Ten, Gia, Tự, Mười, Trung, Nghĩa, Trí, Em (Úng), Sương, Huynh, Ruộng, Ớt. Bên gái có Kim Phượng, Tâm, Tuyết, Hờ và Băng Tâm cùng Cao Thoại Hoa từ trên Sài Gòn theo gia đình về đây. Thầy Hòa từ Bến Tre về, Thầy trọ ở nhà của ông Hai tôi phía trên dãy phố phía trên chợ, tức là nhà của Út Xang. Dáng Thầy rất trẻ, hay mặc quần soọc trắng lại càng có vẽ thư sinh hơn. Trong năm nầy có mấy phần học bỗng của ai đó tặng cho học sinh trong Tỉnh, nên mỗi trường chọn ra vài học sinh giỏi để đi thi, địa điểm thi là Trường Tiểu Học Nam Châu Thành. Thầy Hòa chọn tôi và Nghĩa bên phía nam, và nữ thì Liêu Tuyết, chị Mây. Nhưng cuối cùng chỉ có Nghĩa đậu được phần học bỗng khoảng 15 hay 20 đồng gì đó mỗi tháng. Còn tôi, chị Mây lẫn Liêu Tuyết đều rớt cả. Và Thầy Hạ Ngọc Thơ thì ở ngoài chợ Thủ Dầu Một trên con đường Đoàn Trần Nghiệp, từ Nhà làng Phú Cường ngó ra chợ thì về phía tay trái, không xa Nhà Làng lắm. Tôi có lần ghé nhà Thầy, hình như ngày đi thi học bỗng thì phải. Thỉnh thoảng, trường được mấy Thầy dạy ở các vùng phụ cận như Thầy Khuê, Thầy Liệu, Thầy Di, Thầy Viễn ghé trường trò chuyện, ca hát tạo một không khí sinh hoạt sinh động và vui vẻ.

Vào thời gian nầy các lớp không học nguyên ngày (ngày hai buổi) như thời Thầy Khai mà chỉ học một buổi, ngày nào học nhiều môn thì bãi học hơi trễ một chút thôi. Còn trong xã thì có thêm các Thầy khác mở trường tư để dạy như Thầy Chấn lúc đầu dạy ở tại nhà trọ, sau xuống Công-Xi nơi đền thờ ông Quan Công của những người Hoa mở lớp. Và Thầy Thăng lúc trước ở trường Thầy Khai đi đâu trở về dạy ở xóm Cây Gõ, ngoài Trường đang có của Thầy Khai. Ở Tân Phước Khánh những năm nầy có nhiều thay đổi rất quan trọng mà tôi không thể không kể cho Quý độc giả nghe được.

Một là cơ quan Hành Chánh xã không còn nằm chung với đồn bót nữa mà cất riêng ra ngoài trước, phía trong bờ hào, mở cửa rào để dân chúng thoải mái đi xin đơn, giấy tờ. Bót không còn do lính Cao Đài trấn đóng mà giao lại cho lực lượng quân sự địa phương gọi là Dân Vệ phụ trách. Cái vòng rào chắn ngang đường đi ra Búng được mở ra cho xe chạy thông suốt, không phải chạy vòng tránh vòng rào của đồn bót như trước kia. Chợ dời lên khu đất mà hàng rào bót đã thu hẹp lại ra tới bìa đường đi Búng, xây cất có vẽ khang trang hơn. Một rạp hát mới được dựng quy mô ở khoảng đất trống trước đồn, phía trước có phần gác đúc có thể thích hợp cho việc chiếu phim: Tường gạch tô, có hai cửa ra vô trước, có các cửa hông, sân khấu chắc chắn, mái che là fibro xi măng, các băng ngồi đều mới toanh, do ông Lê Nguyên nào từ trên Bình Dương (Tỉnh được đổi tên thay thế cho Thủ Dầu Một) về xây dựng. Ông Lê Nguyên nầy người ta nói gia đình ông trước kia ở Cống Ông Huyện nơi Thầy Giỏi (Ông Giáo Khòm) đang ở, chắc là bà con với Thầy. Ở sân trước rạp hát có cất hai tiệm bán cà phê hai bên. Sau đó, người ta xin phép xây tiếp nối hai bên mấy căn phố. Và phía bên đất trống trước Trường Tàu người ta cất nhiều nhà nối nhau theo dọc đường, bây giờ trở nên đông vui. Còn cái rạp hát của Thầy Giáo Khai và những người khác đã trở nên củ kỹ, dột nát vì nó lợp bằng tranh nên bỏ đi, không sử dụng nữa và khoảng đất trống đó trở thành đường xe bò chở hồ, đất sét đến cho các lò để làm ra chén, bình, dụng cụ bằng sành.

Từ ngày có rạp hát mới khang trang, các gánh hát về thường xuyên hơn, lúc nầy tôi không còn mê đi coi hát nữa. Thỉnh thoảng mới nắm đuôi áo người quen xin đi theo vào coi; phần nhiều thời gian là đi phụ cho bà dì sáu, ông dượng chiên bánh tiêu bán phía trước. Rồi những lúc không có đoàn hát đến thì người ta thường tổ chức chiếu phim. Bọn chúng tôi được dịp xem các phim về Tarzan trong rừng già, hú voi lên chúng chạy tới quá chừng, hay Tarzan lăn lộn với cá sấu dưới nước dùng ngọn dao đâm chết cá sấu, hoặc đu những sợi dây leo chuyền từ nơi nầy sang nơi khác. Rồi đến phim “Bạch Tuyết và bảy Chú Lùn” có cái mặt bà phù thủy gian ác với chiếc mũi nhọn hoắc đứng trên tảng đá cao bị gió cuốn xuống vực sâu với tiếng la văng vẳng của bà. Cùng những phim “Charlot” diễu tức cười mà duyên dáng. Năm đó, chúng tôi được một mùa Hè thoải mái đi bắt cá lia thia trên cánh đồng bên kia suối, hoặc đi ra tận cánh đồng ngoài Phước Lộc, rồi trở về tắm ở các mội nước dọc theo các đường nước kế bên các bụi dứa gai trước khi trở về nhà. Và vào những đêm trăng tỏ, nếu không có gánh hát thì tụ tập với những anh chị lớn hơn để chơi bỏ khăn, u bắt mọi, kéo dây. Tiếng reo hò khắp nơi thôn xóm của những bầy con nít. Quả là một cảnh thanh bình như các bài hát “Gạo trắng trănh thanh”, “Trăng thanh bình” và duyên dáng hơn là “Trăng rụng xuống cầu”…


Nguyên Thảo,

25/07/2022.