Monday, September 5, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (7)

 

Phải nói bọn học trò chúng tôi có một năm học vui tươi và đáng giá, mà người học trò phát triển năng khiếu ca hát hơn hết là Nguyễn Văn Trung. Trung ca khá hay, nhưng thỉnh thoảng hay bị khan giọng, Trung chỉ cho bọn tôi là lấy trái chanh nướng ăn thì sẽ hết. Với những bài hát do Thầy dạy nầy mà về sau giúp tôi hát để ru cho em ngủ cùng với những câu ru mà tôi đã học lóm từ má và chị Bảy Lót, chị giữ em bên nhà Cậu Ba Hưng. Năm đó, có buổi văn nghệ Tết khá vui. Rồi sau các Thầy ở trường khác thường xuyên ghé trường tạo nên cái không khí đầm ấm thân thiện, cùng bắt giọng thử tài chúng tôi hát. Tiếp theo trong tình thân ái đó là các trường cùng nhau tổ chức một buổi cắm trại chung trong Hóa Nhựt. Ngày cắm trại chúng tôi phải đem gạo, nồi nêu, củi, góp tiền mua thức ăn để lo việc nấu nướng tập thể. Sắp hàng ở trường rồi kéo nhau đi bộ, qua hai cái cầu, lên dốc dài, đi tới cây chai quẹo về xóm Hóa Nhựt gần đồng ruộng và cắm trại ở trong vườn của các nhà trong xóm. Khi vào nấu nướng gần xong, trên nền nhà có con dán cánh chạy ngang làm cho mấy đứa con gái sợ, tôi vội vàng chạy theo lấy chân dậm chết con dán. Không may ruột của nó văng trúng người ta. Mấy người đó chửi quá chừng! Đúng là “tai bay họa gởi”, thôi thì mình làm thinh mà chịu trận vậy! Ai biểu mình “tài lanh”! Tết năm đó, sau khi vài anh chị lớn đã xuống nhà Thầy chúc Tết về cho hay, tôi và Tư (Tư gà) cũng đón xe đò xuống Lái Thiêu thăm Thầy. Xuống xe nửa chừng đường, rồi chúng tôi dò theo số nhà để lần đến nhà Thầy. Nhưng khi vào nhà, cửa đó không phải là cửa trước mà là cửa sau. Cửa trước quay ra chợ, bên nầy là một dãy phố, và bên kia cũng lại là một dãy phố khác. Thăm, chúc Tết Thầy và gia đình xong tôi và Tư Đón xe trở về nhà. Lớp học cứ sôi nổi như vậy kéo đến gần cuối năm, màn chuẩn bị cho việc phát thưởng và văn nghệ Tết mới là hấp dẫn. Ngoài giờ học lớp bên nây, Thầy còn “dợt” (dượt) lại các màn hợp ca, đơn ca có tiếng đàn Măng-đô-lin; bên kia Cô Thọ chăm chú cho các màn vũ của lớp Cô ấy. Tôi còn nhớ Tộ có ca mấy câu vọng cổ ở dưới bàn trong vở kịch “Ra-dô không đèn” nhằm lừa gạt ông nông dân lên Thành phố nhìn các tòa nhà cao muốn “trật ót” để bán cái ra-dô dỏm. Một buổi phát thưởng cuối năm rất sôi động và thành công! Cũng trong thời gian nầy, tôi dính vào một sự việc mà rất “ăn sâu” vào tâm trí khiến tôi không thể nào mà không nhớ. Vốn là sau buổi lễ chúng tôi được ăn uống với các thức ăn và nồi cháo. Tật tôi thường hay mắc cỡ, mà lại hay cười, nên trong bữa ăn có nhiều cái khiến tôi cười, không ngờ bên băng ngồi của nữ bên kia, không biết Băng Tâm cười cái gì, khi chị Liêu Tuyết thấy thì chị la lên: “Hai đứa tụi bây làm cái gì mà nhìn nhau cười hoài vậy!”, khiến cả đám lặng thinh nhìn hai đứa chúng tôi. Tưởng chuyện như vậy rồi thôi, vì ngày mai đã vào nghỉ Hè ba tháng thì không có gì là đáng nói, nhưng không? Có những chuyện xảy ra về sau!

Cũng trong năm nầy, ở những vùng phụ cận có vài vụ cướp, ngay cả Tân Khánh cũng có một vụ, cướp ở một tiệm bán cây để cất nhà. Người ta nói bọn cướp tra khảo, đòi chủ nhà phải đưa tiền ra không họ sẽ đóng đinh một tấc vào lỗ tai. Không biết bọn cướp nào đến, nhưng người ta kháo nhau là nhóm cướp đó phát xuất từ bên rừng Khánh Vân. Nhóm cướp là hai anh em ông Bời và ông Liễu lãnh đạo có tên là Đảng Cướp “Rừng Xanh”. Có người nói mấy ông đó là những tay “anh hùng hảo hán” như mấy vị anh hùng “Lương Sơn Bạc” trong truyện Tàu “Thủy Hử” mà họ tiêm nhiễm truyện ấy rồi làm theo. Có người nói thẳng thừng “Mấy ông ấy là dân du côn”! Người ta đồn là họ “ăn cướp của nhà giàu, chia cho nhà nghèo”, nhưng làm sao chứng minh được điều đó! Tiếng tăm của họ vang danh một vùng, khiến quan đầu Tỉnh treo giải thưởng về tiền lẫn chức quan. Người lãnh giải thưởng ấy chính là người cận vệ của Ông Bời; thừa lúc ông ngủ trưa trên võng, anh ta đã bắn chết rồi ra đầu thú lãnh giải. Không biết anh ta được chức quan hai, quan ba gì đó. Nhưng về sau anh chết vì tai nạn xe “díp” đụng vô trụ điện gần ngã ba Cây Sao Quỳ. Có người lập miễu thờ để cầu mong không có tai nạn thêm ở đó. Thế rồi qua thời cuộc, Chợ Đình thiết lập kế bên và ngã Ba Cây Sao Quỳ nay là Ngã Tư Cây Sao Quỳ. Sau đó không lâu, Ông Liễu cũng chết và Đảng Cướp Rừng Xanh tan rã. Mãi sau 75 có phim “Ván bài lật ngữa” hình như có nhắc đến Đảng Cướp ấy!

Sau ba tháng Hè ở nhà, kẻ thì đi rong chơi, đứa thì giúp gia đình thoải mái không phải lo “canh” tới giờ đi học, rồi lại đến ngày sửa soạn sách vở, sắm quần áo chuẩn bị cho một năm học tiếp theo. Ở trong quê, học trò nào một năm được hai bộ quần áo là quý rồi! Tại sao lại là hai nhỉ? Một bộ vô và một bộ ra đó mà, tức là một bộ giặt, một bộ bận, tiền đâu mà sắm cho nhiều! Có không ít đứa chỉ có một bộ, đôi khi lại phải vá lên vá xuống để xài được lâu dài, vì thế mà chúng mới cần đến trường công, chứ trường tư lâu dài lấy tiền đâu mà đóng học phí. Thế mới biết học trò trường công giỏi hơn trường tư là vì chúng phải trải qua một cuộc thi tuyển gắt gao!

Ngày tựu trường rất vui vẻ, vì sau ba tháng rất có nhiều chuyện để nói hoặc kể cho nhau nghe, nhất là thân xác lớn hơn nhiều, trông đứa nào cũng trưởng thành thêm một chút. Thầy Trọng vẫn theo lớp Nhứt của tụi tui được vài tuần lễ, thì bỗng nhiên một ngày Thầy đành nói lời tâm tình từ giã. Thầy cho biết là Thầy sẽ đi vào quân đội. Mến Thầy lắm, nhiều chị đã khóc, bên đám con trai thì ngậm ngùi, thút thít. Nhưng Thầy quyết định đi thì làm sao? Vắng vài ngày thì có mấy giáo viên mới lại về có cô Nga dạy bên Lớp Nhì, còn phụ trách lớp chúng tôi là cô Vũ Thị Hồng Ngọc. Cô Ngọc người đẹp rất có duyên, nhanh nhẹn, nhưng lại nói khó nghe quá, hay là bọn chúng tôi chưa quen vì Cô là người Bắc. Mà thật đúng vậy, đây là lần đầu tiên bọn chúng tôi học với một người từ Bắc vào Nam, nghe chưa quen. Sau nhiều ngày cố gắng lắm mới bắt kịp và hiểu cô nói cái gì. Nhất là trong giờ chính tả vừa qua, không mấy đứa viết đúng, nội cái tựa bài thôi đã cùng nhau ngơ ngác. Cái tựa bài là “Cách định bệnh”, khi cô đọc tụi tôi thầm nhìn nhau ngơ ngác “Cái gì vậy mậy?”, “Cách định bạch” hay “cách định bệnh”. Và khi trao nhau bắt lỗi và chấm điểm thì chỉ có vài đứa 7,8,9 lỗi, còn bao nhiêu đều trên 10 lỗi cả. Đó là điều đáng nhớ trong đời học sinh của chúng tôi! Nhưng đến lúc quen với giọng đọc của cô rồi thì viết chính tả với cô là điều dễ dàng nhất.

Ở đây tôi muốn nhắc lại cái kỷ niệm thân thiết, cái tình cảm quý mến đối với Thầy Trọng nữa: Mặc dù Thầy đã xa trường và đi vào quân đội, nhưng sự lưu luyến của chúng tôi còn vương vấn với Thầy, khiến Thầy quay lại thăm trường lần nữa. Vốn là trong những học sinh viết thư thăm Thầy trong thời gian đầu đi lính, có thư của chị Khởi là xuất sắc và làm cho Thầy cảm động. Thế nên một ngày Thầy nghỉ phép về thăm trường đã vào lớp nhờ một bạn đọc lên lá thư chị ấy gởi, cho toàn lớp nghe. Thư chị viết hay và cảm động quá! Lần đó cho mãi về sau nầy không mấy ai được gặp Thầy, cho đến thời gian 50 năm sau mới liên lạc lại. Ôi! Nửa Thế kỷ trôi đi! Thầy trò đều vương tóc bạc! Nhưng những cái tình cảm vẫn còn mãi đọng trong tim mỗi người!


Nguyên Thảo,

06/09/2022.




No comments:

Post a Comment