Saturday, June 17, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (18)

 

Lộ trình đi mới nầy có xa thêm đôi chút nhưng tình hình chiến tranh chưa ảnh hưởng đến mấy, bởi do nó là con đường thô sơ, không được sửa chữa sau thời chiến tranh chống Pháp. Thực ra, theo dấu vết cũ ngày xưa con đường cũng được Thực dân Pháp làm tương đối hoàn chỉnh, con đường cũng được đổ cát đá làm nền, đổ đá đỏ lên trên khá rộng. Nhưng có lẽ trong thời gian chống Pháp đường bị phá hư để cản bước tiến các cuộc hành quân của quân lính thực dân, rồi trong mùa mưa lại bị xói mòn nhiều hơn. Sau hòa bình chỉ sửa chữa ở mấy khu có khu dân cư, còn phần băng ruộng qua Khánh Vân không có sửa mà người ta phải đi trên những bờ ruộng lẫn những khoảng đường loang lỗ còn lại. Có hai cầu bị phá hư là cầu Vũng, và cầu Suối Cái, cầu bên Suối Cái nằm dưới suối, sau người dân tìm cách lấy sắt để làm vật dụng hay bán đi. Còn khung sắt bên Cầu Vũng hãy còn chút ít nằm trên khoảng đường đá đỏ còn sót lại. Để tiện việc đi tới lui, người dân làm hai cầu khỉ, bằng hai nửa thân cây dầu cưa đôi nối với nhau. Trên có dàn cây tầm vông để làm tay vịn khi qua cầu. Tất nhiên chúng tôi phải canh thời gian để đi đến trường cho đúng giờ, vì vậy phải đi sớm hơn khá nhiều. Vì đi đám đông nên cũng có nhiều thích thú đôi khi quên hết mệt nhọc, mà lắm lúc lại trở nên vui hơn vì có những chuyện đáng tức cười! Đôi khi nó cũng trở thành cái khó chịu!

Quý vị đã biết đám con nít thường năng động, nhất là tuổi đang lớn thì cũng có nhiều cái “dị kỳ”, người ta nói cái tuổi háo thắng, bồng bột cũng chẳng sai. Đoàn đi đến đâu thì thường nói chuyện ồn ào, lớn tiếng, nói rất nhiều vấn đề giống như một đàn ong đang bay vang tiếng khắp đường. Có lẽ vì vậy mà những nhà ở gần đường không thích mấy. Không biết họ có nói gì không, mà những đứa chăn bò thường hay làm những chuyện mà đám học trò chúng tôi phải phản ứng! Lần đầu tiên khi đám chúng tôi đang cưỡi xe lên dốc sõi bìa xóm Khánh Vân thì bị tụi nó “giựt mìn” bằng cách cột dây vào một trái dưa khô hư để ngang đưòng, chúng tôi không để ý, khi đạp xe ngang qua thì nó giựt dây nghe một cái rột, trái dừa ngang qua xe thằng Huệ, may là nó đi dưới bàn đạp nên không hề hấn gì. Vì bận đi học nên đoàn không có phản ứng. Lần sau nó lấy gai tre đặt dọc theo đường xe đạp lấp đất lại theo kiểu “hầm chông” may mắn chẳng có xe nào bị lủng. Từ đó trong bọn chúng tôi đã để ý đến những đứa đó. Theo như Quý vị biết học trò trong quê thì nó cũng vốn xuất thân từ nhà nông là đa số, tất nhiên chúng có thể cũng đã là “chăn bò, cắt cỏ” thì không lạ gì với những đứa đó. Thế có hôm chúng lại xách dàn thung bắn tới, nhưng còn ngán như thế nào đó mà không dám bắn trúng. Như vậy chúng nó muốn tăng lên độ “phục kích”. Mấy ngày sau khi đi học chúng tôi cũng phải thủ đủ món chơi với tụi nó. Bị bao vây và đuổi bò tụi nó chạy đi xa, do vậy mà về sau nó không dám nữa, vì đón bò tất là không thể đi xa với mấy con bò, nếu chúng tôi đuổi mấy con bò xa chừng nào thì nó lại mệt chừng nấy, không khéo bò ăn lúa hay phá đồ của người ta thì lại càng khó khăn hơn. Vả lại, chúng tôi cũng có ba con bên Khánh Vân nầy. Đó là chuyện xung quanh trên đoạn đường Khánh Vân. Có một hôm đi học về qua khoảng ruộng thì đến bìa xóm Phước Lộc gặp một đoàn dân đi rất đông. Không hiểu chuyện gì, hồi lâu mới biết là lính ở đâu bên Hóa Nhựt chuyển đồn sang Khánh Vân thì phải, nhưng mấy ông lính ấy bắt dân chuyển đạn và vật dụng đi thành đoàn rất đông như thế đó để đi qua vùng mất an ninh. Khi đoàn chấm dứt chúng tôi đứng nhìn theo hồi lâu. Lúc ấy có vài tiếng súng nổ và đạn bay trúng mấy cây dừa trong xóm, hoảng hồn bọn tôi vội lên xe cưỡi đi về không còn đứng lóng nhóng nơi đó nữa!

Tình hình chiến sự càng ngày càng tăng tiến lên có hôm có máy bay oanh tạc phía trên Tân Uyên mà ở tại trường học chúng tôi nghe được đạn nổ và trực thăng vần vũ không xa lắm, rồi thỉnh thoảng đại bác ở quận lại bắn đi, ngoài đại bác 105 li, bây giờ có thêm 155 li nữa. Sau mấy ngày có nghe người ta nói đó là cuộc hành quân tiến vào chiến khu D. Nhìn hướng thì rất xa hơn vùng Đất Cuốc rất nhiều. Trên đoạn đường đi học từ Tân Khánh băng qua cánh đồng Phước Lộc đến Khánh Vân, băng thêm đồng ruộng để ra Ngã ba Bình Chánh rồi lên đồi dốc đồi cao nơi có cái nhà sàn cất trên gần đỉnh đồi mà chúng tôi thường gọi nó là “nhà cao cẳng”. Từ đầu dốc nầy đến khi đổ dốc tới ngã ba Bình Hóa là đoạn đường mà chúng tôi e sợ nhất, vì đoạn nầy hay bị “giựt mìn” và đụng độ nhau mặc dù nơi đây có một cái lò chén khá lớn! Và cũng trên đoạn đường nầy chúng tôi thường gặp một ông Giáo già từ trên Tân Uyên xuống dạy ở Trường Bình Chánh. Chúng tôi dở nón chào ông, ông cũng ở nón chào lại giống như phong cách lịch lãm mà chúng tôi đã thấy trong những sách cũ đã dạy hay nói tới. Sự bất ổn nhiều hơn khi báo chí đăng ở Sài Gòn có vụ hai máy bay bỏ bom Dinh Độc Lập làm hư hại khá nhiều, và trên đường đi học thường hay gặp những toán lính hành quân, nhưng bọn học trò chúng tôi cũng không bị làm khó dễ. Có hôm xe hơi của trại cùi Bến Sắn trục trặc giữa đường nước như thế nao đó, mà đã nhờ đến Huệ, Son và tôi chạy vào trong ấy báo tin cho người trong trại biết để có thể ra mà giúp đưa về, may là lúc chúng tôi đi học về nên có thể giúp cho chuyện ấy. Đi đường trên những cánh đồng có nhiều cái thú vị theo từng mùa, như mùa mưa thì phải lo chuẩn bị áo mưa hay những tấm nilông sẵn sàng. Rủi gặp những trận mưa thình lình, một là đụt mưa, hay là phải đội mưa mà đi, cưỡi xe đạp nhanh trong mưa vừa nghe gió, vừa mưa lạnh run phải cố gắng trong ca hát to để cho mình nghe được ấm hơn. Rồi những ngày mùa Thu, có gió heo may, sương lành lạnh, thấm ướt mặt mày, nhìn trên cánh đồng chỉ thấy mờ mờ hình ảnh của người đi chợ hay ra đồng. Có hôm giờ học hơi trễ, khi qua Cầu Vũng Huệ đi trước, rồi Son mới tới tôi. Đi tới giữa cầu. Huệ tự dưng đứng lại. Son hối đi, Huệ nói: “Không được, không được”. Vừa thúc, vừa la: “Gì mà không được! Đâu có gì mà không được”. Huệ trả lời: “Không được, không được, cầu chạy, cầu chạy!”. Tôi và Son cười: “Cầu chạy đâu mà chạy, thôi đi đi”. Nói thế chứ cũng đợi Huệ bình tĩnh lần qua cầu. Quả thật, gió hiu hiu thổi mặt nước lăn tăn gợn sóng chạy về phía sau, nếu mình nhìn xuống kỹ hơn thì giống như cầu chạy thật. Có lẽ Huệ lớn con, cao quá nên nhìn xuống mặt nước thấy hơi sâu, rồi sóng gợn nữa nên có cảm tưởng như vậy; cũng như lúc trước đi đường Tân Long khi các cầu bị đốt cháy, người ta phải lật đà sắt nằm ngang để dễ đi, Huệ cao quá nên nhìn xuống hố thấy sâu quá không dám đi mà phải bò. Cao quá cũng dở, mà lùn như tôi cũng không xong. Ôi mỗi người có một thân thể khác nhau, rồi cái nhìn cũng khác nhau! Rồi cũng trên con đường nầy có mấy lần đi theo vài câu chuyện nữa, sau đó chúng tôi đành từ giã con đường qua vũng, suối nầy để đi con đường mới. Vốn là một lần Phụng bỏ anh em chạy về trước. Khi chúng tôi đi tới thì Phụng vừa đẩy xe vừa khóc, thì ra xe Phụng đã cán gai tre mà nhóm chăn bò gài bẩy ngang đường. Rốt cuộc một đứa phải cưỡi xe vừa dắt xe đạp cho Phụng, và đứa khác phải chở Phụng trên ba-ga ở đàng sau. Rồi lại một lần nữa, không biết Phụng có gây thù hiềm gì với mấy người bạn ở khu Khánh Vân nầy không, mà Lập khi về trước đã cùng với mấy người bạn đón đường Phụng đánh trong khi cả đoàn còn mãi tuốt đàng sau. Khi đoàn tới thì chuyện đã rồi, rốt cuộc tìm cách giải hòa để cho anh em vui vẻ với nhau. Đó là những chuyện trên con đường cũ vì trước đó cả mấy tháng trời lính yểm trợ giữ an ninh để cho đoàn Công binh làm đường mới từ Dĩ An băng qua An Phú, rồi Ngã Ba Nhà Thơ thuộc xã Bình Chuẩn, qua Phước Hải, Hố Đá, Phước Lương để qua phía bên Khánh Vân gần đình. Khi con đường làm tới Khánh Vân, có cầu qua Suối Cái thuận lợi, thì chúng tôi không còn đi đường qua đồng ruộng Phước Lộc mà chỉ qua lò rèn ông Mân thì chúng tôi rẽ qua phải đi ra Gò Sở để ra tới đường mới, nó tiện hơn nhiều. Và từ đó không có chuyện gì xảy ra nữa đối với khu xóm Khánh Vân dù đối với bạn bè hay với nhóm chăn bò, và Huệ cũng chẳng bao giờ nói đến cầu chạy nữa! Khi đoàn làm đường đó làm qua khỏi Khánh Vân chưa bao xa thì đột nhiên dừng lại không làm tiếp, và tình hình chiến sự cũng càng ngày càng sôi động, trong khi đó tình hình chính trị ở Sài Gòn lại có nhiều rắc rối, biến động nhiều hơn. Trong những tháng sau của năm Đệ Ngũ nầy có Thầy Nguyễn Văn Thại về làm Hiệu Trưởng trường và con ông là Nguyễn Thu Thủy vào học chung lớp chúng tôi. Thầy dạy luôn môn Pháp Văn thay thế Thầy Thanh Tuyền, Thầy có một câu mà học trò nào cũng nhớ: “Qui sait, qui sait encore?... Encore?”.  

Thầy Mã Sấm và Thầy Nguyễn Thanh Tuyền chụp
cùng các chị nữ sinh lớp Đệ Ngũ vào Xuân 1961.


Và cũng thời gian nầy chị Út không biết lý do gì chị xin nghỉ luôn hay là chị buồn vì bạn bè cứ ghẹo chị có cái “xái quăn tóc” ở trước trán mà tụi nó nói đó là cái tướng “sát phu”. Đúng là “coi bói ra ma” chưa chi mà đã hại người! Từ ngày trường dời lên địa điểm mới, hôm nào học tới quá trưa chúng tôi tập hợp ăn cơm ở nhà Ông Bà Năm, ngoại thằng Cẩu nhà bên kia đường với nhà Bà Út, trước nhà có cây dương lớn, rất đông vui. Son thường dở cơm bằng lá chuối ăn với đường tán, còn Chi ăn ớt còn hơn là con nhồng. Có hôm biểu diễn, Chi cầm nguyên một chùm ớt hiểm cay khoảng mười mấy trái cắn một lượt. Cả đám thấy mà lắc đầu thán phục. Thế rồi năm học cũng vào Hè và mưa lại đến, chúng tôi được nghỉ vài tháng nghỉ ngơi, phụ công việc nhà!


Nguyên Thảo,

18/06/2023.





Tuesday, June 6, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (17)


Chính vì tình hình càng gay go cho nên nhiều học trò như chúng tôi xin ở trọ càng lúc càng đông hơn vì chuyện đi lại trở nên khó khăn, đôi khi lại gặp nhiều nguy hiểm trên đường đi. Ở lớp nầy phần lớn mấy chị bên nữ đã trở thành các thiếu nữ mặc áo dài trông duyên dáng, thanh lịch hơn; chứ không còn xuông đuột như hồi còn ở lớp Đệ Thất. Còn bên nam một số cũng đã trưởng thành, còn một số lóc nhóc như chúng tôi thì vẫn hãy là như cũ, tánh nào cũng như là tật nấy. Đúng là con nít có khác! Khoảng thời gian nầy Thầy Lê Hữu Ân không biết lý do gì mà Thầy không còn tới Tân Uyên dạy nữa, và Thầy Nguyễn Thanh Tuyền về thay thế. Thầy Tuyền lãnh môn Pháp Văn và Sử Địa. Còn trong đám học trò thì anh Nguyễn Văn Công không còn đi học nữa, có ai đó nói là anh Công đã đi vào trong rừng rồi! Và năm học được kết thúc để bọn học trò chúng tôi được nghỉ vào ba tháng Hè với chiến sự càng gia tăng hơn.  Và cái tin đáng mừng nhất là sang năm học có thể sang học ở trường mới, mà thật sự là phải vậy vì nếu có hai lớp Đệ Thất nữa thì tổng cộng là 5 lớp, một Văn Phòng. Tất nhi ên, Trường Tiểu Học Uyên Hưng không thể có đủ phòng cho Trường Phước Thành mượn nữa rồi. Vả lại, trường Tiểu Học cần phát triển thêm ra, vì số học sinh đi học càng lúc càng gia tăng. Trước khi nghỉ Hè, tôi và chị Thay lại nộp đơn xin chuyển về Trường Trịnh Hoài Đức lần nữa, lúc nầy văn phòng trường vẫn còn nằm chung bên Trường Tiểu Học Cộng Đồng Búng. Đến khi gần đi học, tôi theo chị xuống Văn Phòng hỏi xem kết quả ra sao? Khi nghe nhân viên báo là chị không được, tự dưng tôi nghỉ đến kết quả của mình rồi mới hỏi người nhân viên. Không biết như thế nào mà người nhân viên nhìn tôi mà cười quá chừng, tôi thắc mắc. Đến khi ra ngoài trên đường xuống Búng đón xe tôi hỏi chị Thay: “Làm gì mà bà đó bả cười em dữ vậy?”. Chị Thay nói: “Không biết tại sao lúc đó mặt em xanh dữ vậy?”. Thì ra, khi tôi nghe kết quả của chị Thay không được thì tôi cũng nghĩ và sợ kết quả đơn mình cũng không được, nên lo sợ lộ ra mặt, mà rồi kết quả cũng chẳng được tí nào. Từ lần nầy tôi nghĩ mình không cần làm đơn xin chuyển trường nữa, vì cũng khó mà được.

Sau ba tháng nghỉ Hè, thì đám học trò lo khăn áo, sách vở lại đến trường, tụ tập để nhiều mẫu chuyện được kể cho nhau nghe, nhưng tất cả bây giờ gần như đã lớn hết, không còn có những đứa lẹt đẹt như tôi và Thạch A. Những anh phát triển trước thì chững chạc hơn giống như người lớn. Ngôi trường mới xây cất chưa hoàn thiện lắm ở khu đất kế bên nghĩa địa gần Nhà Bảo Sanh Song Long, và đối diện với rừng tre mà cò thường đậu ở bên kia đường. Trường ở dưới khu hơi trũng, nhưng phía sau là đồng ruộng, nên không bị đọng nước trong những ngày mưa. Trong giai đoạn tạm thời thì Lớp Đệ Ngũ chúng tôi cùng Văn Phòng dời lên trước, còn mấy lớp kia sẽ dời lên sau, nhưng cũng không muộn lắm. Phần chào cờ do lớp chúng tôi phụ trách, Thứ hai mặc quần trắng, giày, áo trắng, còn những ngày khác thì áo trắng, giày trắng, quần xanh. Do số lớp tăng, nên nhiều Thầy Cô được bổ nhiệm về tăng cường. Như tôi được biết thì có Thầy Thạc, Thầy Lịch, Cô Hoan, Cô Hồng, Cô Vân. Số học trò từ Tân Hóa đi lên được tăng thêm, đa số vẫn là cưỡi xe đạp đi về. Năm nầy học trò từ trên Phước Hòa, Phú Giáo hay Phước Vĩnh không còn xuống Tân Uyên nữa mà trên ấy đã có một Trường Chi nhánh của Trường Trung Học Phước Thành mở ra để học trò được thuận lợi đi học hơn, như vậy Tỉnh Bình Dương có hai trường Trung Học Công Lập trước (Trường Trịnh Hoài Đức và chi nhánh ở An Mỹ sau tách ra làm Trường Trung Học Công Lập An Mỹ), và Tỉnh Phước Thành lần nầy có Chi nhánh ở trên Phước Vĩnh. Có thể đó là những bước đầu phát triển Trường Trung Học Công Lập cho học sinh nhiều địa phương thuận lợi hơn và nhu cầu cho trẻ con đi học càng ngày càng nhiều! Thầy Tuyền vẫn phụ trách lớp chúng tôi về môn Pháp Văn, Sử Địa. Thầy thổi harmonica rất hay và dạy cho lớp bài ca Tiếng Pháp “Alouette”, mà cả lớp thích lắm vì mới lạ cùng cái giai điệu nhạc ngoại quốc mà lần đầu chúng tôi mới được tiếp cận. Và để chuẩn bị cho ngày Tết, Mùa Xuân Thầy dạy hát bài “Đón Xuân” của Phạm ình Chương. Còn Thầy Tạ Kim Anh trong giờ hóa học siêng làm, thực hành những phản ứng hóa học cho chúng tôi xem vì lúc đó các trường nhận được nhiều dụng cụ thí nghiệm hóa học để thực tập cho môn học từ phân giải muối thành clor và natri, hay các phản ứng khác trong các bài học. Lúc ấy Trường Trịnh Hoài Đức có phòng Thí Nghiệm lớn, nhưng ngày Lễ Khai Mạc Phòng Thí Nghiệm thì lại có trường hợp quăng lựu đạn nên học sinh, Thầy Cô chạy tán loạn cả lên, may là lựu đạn không nổ; nếu nổ không biết bao nhiêu người bị thương và ngay cả chết nữa. Đúng là thời buổi chiến tranh! Có chuyện may mắn trong đám học trò chúng tôi là anh Nguyễn Văn Đi khi trưa đi tắm ở Bến Cây Sung, không biết anh đi dưới bìa song để tắm, rủi hụt chân như thế nào đó mà nước cuốn đi xuống phía dưới, may là có ông lính quận cũng đang ngồi giặt đồ ở Bên Cây Xanh, thấy vậy ông liền nhảy xuống cặp nách kéo anh vào bờ. Hú hồn, nếu không thì chắc phải chia buồn thôi!

Bắt đầu từ năm học nầy, chiến sự có chiều tăng dần, những vụ đụng độ hai bên thường hơn. Nghe đâu có tin trên Tỉnh lỵ mới bị đánh vào, tù chính trị được thả ra và ông Tỉnh Trưởng đã chết. Tiếng súng đại bác 105 li của cứ điểm ở Quận bắn đi khá nhiều, nhưng tình hình chung quanh thì vẫn yên ổn không có gì là hệ trọng lắm. Tuy nhiên đường đi học có lúc trở nên khó khăn vì các cầu thường bị hư hay đốt phá, đôi khi phải vác xe đạp đi trên những thanh đà hình chữ H lật ngang. Đường đi chính thì bị trở ngại do những cây dầu hay cây sao bị cưa ngã chắn ngang đường từ sở 49 đến Ngã ba Bình Chánh, vì thế mà nhóm anh Năm, Huệ, Son, Sợi, Lực, Em, Ẩn, Phụng, Phùng … phải đi bằng con đường khác từ đầu dốc dài Bình Hóa băng qua sở Bác Vật rồi ra sở 49 mới đi về.

Còn thỉnh thoảng có những vụ thiêu xác của những lính người Miên ở bìa trong sân banh khiến chúng tôi ngồi học mà nghe mùi khét lẹt. Đặng Văn Sính dự thi trong cuộc đua thể thao đi bộ từ ngã ba Bình Hóa lên Tân Uyên do Quận tổ chức được hạng nhì, và trong cuộc tranh túc cầu anh Huỳnh Văn Siêng gặp tai nạn trong khi đấu khiến anh bất tỉnh khá lâu, và từ đó trường ngưng môn túc cầu mà chỉ còn tập chơi môn bóng chuyền, hay vũ cầu với cái sân bên hông văn phòng mà Thầy trò chúng tôi đã làm thay thế cho sân ở nhà của Tô Công Tâm. Do tình hình chiến sự chị Hồng khi đến nhà Bà Út chơi với chúng tôi đã xin trọ, Bà Út chấp nhận; rồi sau đó là Báu và Trí cùng đến trọ chung với tôi và Thạch A, nhưng chúng tôi ngủ trên bộ ván ở nhà phía sau của Bà Út, vì nhà cũ của Bà Út là của Bà và gia đình Út Màu ở từ khi Út Màu có Dượng Út, cùng gia đình Bác Bảy. Còn nhà Bác Hai thì có gia đình Bác cùng gia đình Bác Sáu Bùng. Có những đêm Bác Sáu đàn Vọng Cổ tập cho chúng tôi hát, nhưng chỉ có chị Hồng là hát được thôi, tôi thì giọng thấp quá, mấy bạn khác không muốn học. Lúc mình buồn ngủ, nằm thiu thiu mà nghe đàn Vọng Cổ hay các bản nhỏ thật là thú vị, nghe rất đã. Lạ một điều là bắt đầu năm học, Thạch A bắt đầu học giỏi trên tất cả các bộ môn. Tôi không nghĩ chỉ trong ba tháng Hè mà nó học thêm để giỏi như vậy? Dù cho chú Sáu nó, hay Chú Út có dạy nó cũng không thể tiến nhanh và tiến đồng bộ được. Chỉ có thể là trong tuổi dậy thì của nó có nhiều đột biến về kích thích tố khiến trí não được mở ra để mà học tiến bộ như thế. Chừng vài tháng thì tôi lại không trọ trên nhà Bà Út nữa mà lại theo Huệ, Son và các bạn khác cưỡi xe đạp đi, về mỗi ngày vì lúc nầy các xã Tân Long, Tân Hội phải dời nhà ra Tân Hóa hay Tân Khánh do chiến sự trong các nơi ấy trở nên ác liệt và người dân không thể ở trong đó được do sự đụng độ giữa hai bên càng ngày càng nhiều, đồng thời cũng do Chính sách “dồn dân lập ấp chiến lược” nên họ phải di tản. Chị Thay, anh Năm, anh Sợi, chị Mướp dần nghỉ luôn, nghe các bạn nói là họ đã đi trong rừng. Sở dĩ tôi cưỡi xe đạp đi về theo bạn bè, không ở trọ nữa vì thấy mình có thể đủ sức, thứ hai là bạn bè đi học lúc nầy không đi đường vô Tân Long, Bà Trắng (Bà Trắng là tiếng dân gian gọi cho các nữ tu Thiên chúa giáo làm trong trại cùi Bến Sắn, có địa điểm bệnh viện trong sở cao su số 10, vì các nữ tu ấy mặc đồng phục màu trắng nên người ta gọi “Bà trắng”) nữa mà phải đi ra Tân Khánh, chạy ra Phước Lộc, đi Khánh Vân, Bình Chánh để lên Tân Uyên đi ngang nhà, thành cũng thuận lợi cho tôi, và với những ngày học một buổi tôi có thể phụ giúp cho gia đình được. Thế là khoảng hơn giữa năm Đệ Ngũ tôi theo bạn cưỡi xe đạp đi học và về mỗi ngày. Chính vì tình hình như vậy mà sau nầy những học trò xã Tân Hóa không còn lên Tân Uyên thi nữa mà đổ về thi ở Trường Trung Học Công lập An Mỹ.


Nguyên Thảo,

7/6/2023.