Chính vì tình
hình càng gay go cho nên nhiều học trò như chúng tôi xin ở trọ càng lúc càng đông
hơn vì chuyện đi lại trở nên khó khăn, đôi khi lại gặp nhiều nguy hiểm trên đường
đi. Ở lớp nầy phần lớn mấy chị bên nữ đã trở thành các thiếu nữ mặc áo dài trông
duyên dáng, thanh lịch hơn; chứ không còn xuông đuột như hồi còn ở lớp Đệ Thất.
Còn bên nam một số cũng đã trưởng thành, còn một số lóc nhóc như chúng tôi thì
vẫn hãy là như cũ, tánh nào cũng như là tật nấy. Đúng là con nít có khác! Khoảng
thời gian nầy Thầy Lê Hữu Ân không biết lý do gì mà Thầy không còn tới Tân Uyên
dạy nữa, và Thầy Nguyễn Thanh Tuyền về thay thế. Thầy Tuyền lãnh môn Pháp Văn và
Sử Địa. Còn trong đám học trò thì anh Nguyễn Văn Công không còn đi học nữa, có
ai đó nói là anh Công đã đi vào trong rừng rồi! Và năm học được kết thúc để bọn
học trò chúng tôi được nghỉ vào ba tháng Hè với chiến sự càng gia tăng hơn. Và cái tin đáng mừng nhất là sang năm học có thể
sang học ở trường mới, mà thật sự là phải vậy vì nếu có hai lớp Đệ Thất nữa thì
tổng cộng là 5 lớp, một Văn Phòng. Tất nhi ên, Trường Tiểu Học Uyên Hưng không
thể có đủ phòng cho Trường Phước Thành mượn nữa rồi. Vả lại, trường Tiểu Học cần
phát triển thêm ra, vì số học sinh đi học càng lúc càng gia tăng. Trước khi nghỉ
Hè, tôi và chị Thay lại nộp đơn xin chuyển về Trường Trịnh Hoài Đức lần nữa, lúc
nầy văn phòng trường vẫn còn nằm chung bên Trường Tiểu Học Cộng Đồng Búng. Đến
khi gần đi học, tôi theo chị xuống Văn Phòng hỏi xem kết quả ra sao? Khi nghe
nhân viên báo là chị không được, tự dưng tôi nghỉ đến kết quả của mình rồi mới
hỏi người nhân viên. Không biết như thế nào mà người nhân viên nhìn tôi mà cười
quá chừng, tôi thắc mắc. Đến khi ra ngoài trên đường xuống Búng đón xe tôi hỏi
chị Thay: “Làm gì mà bà đó bả cười em dữ vậy?”. Chị Thay nói: “Không biết tại
sao lúc đó mặt em xanh dữ vậy?”. Thì ra, khi tôi nghe kết quả của chị Thay không
được thì tôi cũng nghĩ và sợ kết quả đơn mình cũng không được, nên lo sợ lộ ra
mặt, mà rồi kết quả cũng chẳng được tí nào. Từ lần nầy tôi nghĩ mình không cần
làm đơn xin chuyển trường nữa, vì cũng khó mà được.
Sau ba tháng nghỉ
Hè, thì đám học trò lo khăn áo, sách vở lại đến trường, tụ tập để nhiều mẫu
chuyện được kể cho nhau nghe, nhưng tất cả bây giờ gần như đã lớn hết, không còn
có những đứa lẹt đẹt như tôi và Thạch A. Những anh phát triển trước thì chững
chạc hơn giống như người lớn. Ngôi trường mới xây cất chưa hoàn thiện lắm ở khu
đất kế bên nghĩa địa gần Nhà Bảo Sanh Song Long, và đối diện với rừng tre mà cò
thường đậu ở bên kia đường. Trường ở dưới khu hơi trũng, nhưng phía sau là đồng
ruộng, nên không bị đọng nước trong những ngày mưa. Trong giai đoạn tạm thời thì
Lớp Đệ Ngũ chúng tôi cùng Văn Phòng dời lên trước, còn mấy lớp kia sẽ dời lên
sau, nhưng cũng không muộn lắm. Phần chào cờ do lớp chúng tôi phụ trách, Thứ
hai mặc quần trắng, giày, áo trắng, còn những ngày khác thì áo trắng, giày trắng,
quần xanh. Do số lớp tăng, nên nhiều Thầy Cô được bổ nhiệm về tăng cường. Như tôi
được biết thì có Thầy Thạc, Thầy Lịch, Cô Hoan, Cô Hồng, Cô Vân. Số học trò từ
Tân Hóa đi lên được tăng thêm, đa số vẫn là cưỡi xe đạp đi về. Năm nầy học trò
từ trên Phước Hòa, Phú Giáo hay Phước Vĩnh không còn xuống Tân Uyên nữa mà trên
ấy đã có một Trường Chi nhánh của Trường Trung Học Phước Thành mở ra để học trò
được thuận lợi đi học hơn, như vậy Tỉnh Bình Dương có hai trường Trung Học Công
Lập trước (Trường Trịnh Hoài Đức và chi nhánh ở An Mỹ sau tách ra làm Trường
Trung Học Công Lập An Mỹ), và Tỉnh Phước Thành lần nầy có Chi nhánh ở trên Phước
Vĩnh. Có thể đó là những bước đầu phát triển Trường Trung Học Công Lập cho học
sinh nhiều địa phương thuận lợi hơn và nhu cầu cho trẻ con đi học càng ngày càng
nhiều! Thầy Tuyền vẫn phụ trách lớp chúng tôi về môn Pháp Văn, Sử Địa. Thầy thổi
harmonica rất hay và dạy cho lớp bài ca Tiếng Pháp “Alouette”, mà cả lớp thích
lắm vì mới lạ cùng cái giai điệu nhạc ngoại quốc mà lần đầu chúng tôi mới được
tiếp cận. Và để chuẩn bị cho ngày Tết, Mùa Xuân Thầy dạy hát bài “Đón Xuân” của
Phạm ình Chương. Còn Thầy Tạ Kim Anh trong giờ hóa học siêng làm, thực hành những
phản ứng hóa học cho chúng tôi xem vì lúc đó các trường nhận được nhiều dụng cụ
thí nghiệm hóa học để thực tập cho môn học từ phân giải muối thành clor và natri,
hay các phản ứng khác trong các bài học. Lúc ấy Trường Trịnh Hoài Đức có phòng
Thí Nghiệm lớn, nhưng ngày Lễ Khai Mạc Phòng Thí Nghiệm thì lại có trường hợp
quăng lựu đạn nên học sinh, Thầy Cô chạy tán loạn cả lên, may là lựu đạn không nổ;
nếu nổ không biết bao nhiêu người bị thương và ngay cả chết nữa. Đúng là thời
buổi chiến tranh! Có chuyện may mắn trong đám học trò chúng tôi là anh Nguyễn Văn
Đi khi trưa đi tắm ở Bến Cây Sung, không biết anh đi dưới bìa song để tắm, rủi
hụt chân như thế nào đó mà nước cuốn đi xuống phía dưới, may là có ông lính quận
cũng đang ngồi giặt đồ ở Bên Cây Xanh, thấy vậy ông liền nhảy xuống cặp nách kéo
anh vào bờ. Hú hồn, nếu không thì chắc phải chia buồn thôi!
Bắt đầu từ năm học
nầy, chiến sự có chiều tăng dần, những vụ đụng độ hai bên thường hơn. Nghe đâu
có tin trên Tỉnh lỵ mới bị đánh vào, tù chính trị được thả ra và ông Tỉnh Trưởng
đã chết. Tiếng súng đại bác 105 li của cứ điểm ở Quận bắn đi khá nhiều, nhưng tình
hình chung quanh thì vẫn yên ổn không có gì là hệ trọng lắm. Tuy nhiên đường đi
học có lúc trở nên khó khăn vì các cầu thường bị hư hay đốt phá, đôi khi phải vác
xe đạp đi trên những thanh đà hình chữ H lật ngang. Đường đi chính thì bị trở ngại
do những cây dầu hay cây sao bị cưa ngã chắn ngang đường từ sở 49 đến Ngã ba Bình
Chánh, vì thế mà nhóm anh Năm, Huệ, Son, Sợi, Lực, Em, Ẩn, Phụng, Phùng … phải đi
bằng con đường khác từ đầu dốc dài Bình Hóa băng qua sở Bác Vật rồi ra sở 49 mới
đi về.
Còn thỉnh thoảng có những vụ thiêu xác của những lính người Miên ở bìa trong sân banh khiến chúng tôi ngồi học mà nghe mùi khét lẹt. Đặng Văn Sính dự thi trong cuộc đua thể thao đi bộ từ ngã ba Bình Hóa lên Tân Uyên do Quận tổ chức được hạng nhì, và trong cuộc tranh túc cầu anh Huỳnh Văn Siêng gặp tai nạn trong khi đấu khiến anh bất tỉnh khá lâu, và từ đó trường ngưng môn túc cầu mà chỉ còn tập chơi môn bóng chuyền, hay vũ cầu với cái sân bên hông văn phòng mà Thầy trò chúng tôi đã làm thay thế cho sân ở nhà của Tô Công Tâm. Do tình hình chiến sự chị Hồng khi đến nhà Bà Út chơi với chúng tôi đã xin trọ, Bà Út chấp nhận; rồi sau đó là Báu và Trí cùng đến trọ chung với tôi và Thạch A, nhưng chúng tôi ngủ trên bộ ván ở nhà phía sau của Bà Út, vì nhà cũ của Bà Út là của Bà và gia đình Út Màu ở từ khi Út Màu có Dượng Út, cùng gia đình Bác Bảy. Còn nhà Bác Hai thì có gia đình Bác cùng gia đình Bác Sáu Bùng. Có những đêm Bác Sáu đàn Vọng Cổ tập cho chúng tôi hát, nhưng chỉ có chị Hồng là hát được thôi, tôi thì giọng thấp quá, mấy bạn khác không muốn học. Lúc mình buồn ngủ, nằm thiu thiu mà nghe đàn Vọng Cổ hay các bản nhỏ thật là thú vị, nghe rất đã. Lạ một điều là bắt đầu năm học, Thạch A bắt đầu học giỏi trên tất cả các bộ môn. Tôi không nghĩ chỉ trong ba tháng Hè mà nó học thêm để giỏi như vậy? Dù cho chú Sáu nó, hay Chú Út có dạy nó cũng không thể tiến nhanh và tiến đồng bộ được. Chỉ có thể là trong tuổi dậy thì của nó có nhiều đột biến về kích thích tố khiến trí não được mở ra để mà học tiến bộ như thế. Chừng vài tháng thì tôi lại không trọ trên nhà Bà Út nữa mà lại theo Huệ, Son và các bạn khác cưỡi xe đạp đi, về mỗi ngày vì lúc nầy các xã Tân Long, Tân Hội phải dời nhà ra Tân Hóa hay Tân Khánh do chiến sự trong các nơi ấy trở nên ác liệt và người dân không thể ở trong đó được do sự đụng độ giữa hai bên càng ngày càng nhiều, đồng thời cũng do Chính sách “dồn dân lập ấp chiến lược” nên họ phải di tản. Chị Thay, anh Năm, anh Sợi, chị Mướp dần nghỉ luôn, nghe các bạn nói là họ đã đi trong rừng. Sở dĩ tôi cưỡi xe đạp đi về theo bạn bè, không ở trọ nữa vì thấy mình có thể đủ sức, thứ hai là bạn bè đi học lúc nầy không đi đường vô Tân Long, Bà Trắng (Bà Trắng là tiếng dân gian gọi cho các nữ tu Thiên chúa giáo làm trong trại cùi Bến Sắn, có địa điểm bệnh viện trong sở cao su số 10, vì các nữ tu ấy mặc đồng phục màu trắng nên người ta gọi “Bà trắng”) nữa mà phải đi ra Tân Khánh, chạy ra Phước Lộc, đi Khánh Vân, Bình Chánh để lên Tân Uyên đi ngang nhà, thành cũng thuận lợi cho tôi, và với những ngày học một buổi tôi có thể phụ giúp cho gia đình được. Thế là khoảng hơn giữa năm Đệ Ngũ tôi theo bạn cưỡi xe đạp đi học và về mỗi ngày. Chính vì tình hình như vậy mà sau nầy những học trò xã Tân Hóa không còn lên Tân Uyên thi nữa mà đổ về thi ở Trường Trung Học Công lập An Mỹ.
Nguyên Thảo,
7/6/2023.
No comments:
Post a Comment