Sunday, January 13, 2019

*Chuyện Ngày Con Nít!


Chuyện ngày xưa hay là chuyện của “thời con nít” Ngông tôi cũng có nhiều kỷ niệm, những kỷ niệm ấy cho đến tận bây giờ vẫn còn thấy ngất ngây, ngầy ngật vì mang dấu ấn của một quãng đời. Đôi khi Ngông tôi nhớ lại, lại tìm thấy một chút Triết Lý sống gì gì trong đó, không biết đó là sự thực hay là tôi có quá nhiều tưởng tượng, hoặc là Ngông tôi lâu ngày đã bị bệnh hoang tưởng rồi chăng? Nhưng dù gì đi nữa tôi cũng phải kể lại để người đọc đánh giá dùm sự “ngông ngông” của Đồ Ngông tôi.
Số là khi ba má tôi khi quyết định dời nhà về chợ Tân Khánh ở, thì lúc đó Ngông tôi chỉ là “thằng con nít, mũi dãi lòng thòng” vì mới chỉ 7 tuổi ta, hay đúng hơn là 6 tuổi tây, thân hình lại nhỏ con. Đêm đầu tiên, mấy đứa của nhà kế bên hỏi qua cửa sổ: “Ê thằng nhỏ, mầy tên gì vậy mậy”? Tao tên Thạch, tụi bây tên gì vậy: Tụi nó cũng vui vẻ kể: Tao tên Tự; tao tên Hoàng. Đó là lần thứ nhứt Ngông tôi được trò chuyện với người hàng xóm qua cửa sổ, và tôi phải đứng trên mấy hàng gạch đất được chất bên cạnh cửa sổ.
Thế rồi qua mấy ngày sau, đúng là chuyện con nít; Con nít làm quen với nhau lẹ lắm, tôi quen được đứa nầy, rồi đi chơi với nó lại quen thêm vài đứa khác, nên chẳng bao lâu đã có bạn bè đi chơi với nhau. Ba má tôi lại dần gầy dựng ở nhà thành một tiệm tạp hóa để bán. Do nơi bận rộn, hai ông bà thấy tôi đi chơi quá nên ông quyết định dẫn tôi lên trường học xin cho tôi vào lớp Vỡ Lòng (Đồng Ấu) học với ông thầy Giáo Sáu ở Trường Cây Gòn của Ông Khai. Tôi bị chê là quá nhỏ, nhưng ba tôi năn nỉ mãi ông thầy Giáo Sáu mới cho tôi học. Về sau tôi bị “máng vốn” là vô lớp ngủ hoài. Nhưng rồi không biết học đến khi nào thì tôi cũng “thuần” giống như một con ngựa được người ta huấn luyện trở nên nhuần nhuyễn. Từ trong lớp học tôi được quen thêm nhiều thằng, con bạn, hoặc các anh chị lớn hơn. Tôi trở nên hiền lành, không trở chứng.
Vào thời điểm đó, tình hình chiến sự trở nên thúc giục, dập dồn. Phe kháng chiến Việt Minh về hàng đêm phát loa, rải truyền đơn. Trong đồn xây một cái “tha la” (trạm gát) rất cao, người ta nói đứng trên đó có thể thấy rất xa, đến bìa Vĩnh Trường hay những xóm cách đó vài cây số. Đồn do đội quân Cao Đài đóng, nhưng trong đồn có một Thằng Tây mà thiên hạ nói với nhau là chính nó mới là người bắn moọc-chê hay gọi cà-nông bắn tới, còn phóng lựu (tăm-long) thì lính bắn. Do vậy, mà bọn con nít chúng tôi chỉ đi chơi lúc ban ngày, còn ban đêm thì rúc vào trong nhà để phòng hờ có lộn xộn thì chun xuống hầm, tránh đạn, tránh bom. Có những ngày lính Tây đi bố, sáng đoàn xe chạy chầm chậm sau những người lính cầm máy rà mìn ở hai bên đường, để rồi trưa hay chiều về ghé qua khu đất trống gần Trường Tàu nghỉ ngơi, lúc đó là dịp bọn con nít chúng tôi đến xin bánh, xin sô-cô-la. Có hôm có xe bị giật mìn ở đâu phía trong gò Hóa Nhựt khiến người bị thương, chết khá nhiều đem về để lên những sạp của chợ, coi thật là ghê.
Rồi vài năm qua đi, chừng khoảng hai năm rưỡi, tiếng súng ngưng, hòa bình lập lại. Những người theo Việt Minh được tập trung đưa ra Bắc, có những chiếc xe bò chở các thương binh đi dần ra trong buổi chiều mưa thật là ảm đạm và thương tâm. Lại có những đoàn người Bắc vào Nam và họ được tái định cư ở những vùng rừng, núi, bỏ hoang được khai phá do chính quyền làm sẵn. Ngông tôi không biết tình trạng ấy kéo dài trong bao lâu, nhưng sự yên bình của một đất nước làm cho “bọn con nít” chúng tôi được thoải mái vui chơi trong nhiều năm.
Sự học của tôi cũng thay đổi, ông Thầy Khai không còn ở trong đồn nữa mà sang cất nhà ở bên khuôn viên Thánh Thất Đạo Cao Đài và điều hành Trường Cây Gòn thêm vài năm nữa. Đến một ngày Chính Phủ trưng dụng cơ sở trường của ông để thành lập trường công lập Sơ Cấp Tân Phước Khánh (chỉ có tới Lớp Ba), học sinh đi học không phải đóng tiền học phí, chỉ đóng một số tiền niên liễm đầu năm vào niên học 1956-1957. Theo tuổi khai sanh tôi được theo học lớp Ba, lớp đầu đàn, theo sau là hai Lớp Tư và hai lớp Năm. Lúc đó, Thầy Khai được coi như là thành phần trí thức của xã, ông vận động xây rạp hát để cho gánh hát về mướn chỗ để hát. Tân Khánh có phần sung túc hơn. Vòng đai đồn được phá bớt, con đường ra Búng khai thông, chợ được xây dựng ở khu mới, có những dãy phố bên đường, có cả vài căn lầu. Xe đò từ Thủ Dầu Một vô để đưa khách về Tân Long hay lên Tân Uyên; hoặc đi sang Biên Hoà qua ngõ Bình Chuẩn, Tân Ba, Chợ Đồn.
Thời gian đó là thời gian mà bọn con nít chúng tôi được nhiều hạnh phúc và sống trọn với tuổi thơ nhiều nhứt. Ngoài những giờ đi học, phụ giúp gia đình, là những giờ, ngày mà chúng tôi kết bè, kết lũ đi lang thang từ đầu làng, cuối xóm, có khi đi suốt ra mãi tận bưng biền để bắt cá, mò cua. Tất nhiên, Ngông tôi không phải là người đầu đàn mà chỉ làm “tà lọt” vì thân đã nhỏ mà tuổi cũng lại là nhỏ hơn.
Cái anh có tài và khả năng lãnh đạo, có uy tín nhứt đối với con nít chúng tôi là anh Mười Lớn (lớn lên là Nguyễn Văn Là), anh và người cháu cùng lứa tuổi là anh Vân rất có khả năng tổ chức, hay bày ra nhiều trò để hướng dẫn chúng tôi chơi, hoặc làm đầu đàn cho những buổi đi tát cá, đi rừng hái trái cây, đi bắt dế, hay đi tắm ở các hầm đất ở trên Bình Hòa thật là vui thú. Các hóc hẻm nơi làng quê gần như chúng tôi đều đi qua. Ban đêm thì tụ tập đi chơi, hay tổ chức u bắt mọi, kéo co, nhứt là những lúc kể chuyện ma của anh Mười khiến chúng tôi thích nghe, nhưng tối về ngủ lại trùm mền kín đầu, lâu lâu lại hé ra để xem có ma không.
Đó là những thời buổi ban đầu khi hòa bình, chưa có gánh hát về hát ở Tân Khánh đến khi có gánh hát về chúng tôi tối lại tụ tập theo gánh hát để nghe âm nhạc, bài hát phát trên những loa lớn phía trước của rạp như các bài “Gạo Trắng Trăng Thanh, Trăng Rụng Xuống Cầu, Tía Em – Má Em vân vân…” Nhiều lắm, tôi không nhớ hết. Thời buổi đó thì trò chơi cũng khác đi, anh Mười Lớn với khả năng thiên phú, cùng với anh Vân bắt chước các đoàn hát, cùng phong trào văn nghệ lúc bấy giờ ở Tân Khánh do ông Út Canh Hòa khởi xướng, đã tập hợp bọn con nít chúng tôi lại hát theo các tuồng được in bán ra bằng những cuốn sách nhỏ, gọn. Thế là chúng tôi cũng tập tuồng, cũng có vua quan, có văn võ, nịnh trung. Cũng có đánh kiếm và kép độc. Còn ở trường học khi cô Thọ, cùng với Thầy Lý Văn Trọng về cũng văn nghệ hát hò tưng bừng tạo một khí thế cho một năm học đáng nhớ cho chúng tôi thời ấu thơ. Ban đêm thì cứ đến rạp hát “nắm đuôi” xin người lớn cho theo vào xem hát. Thực sự thì chẳng xem được bao nhiêu, một chút thôi thì đi về hay lắm lúc ngủ quên trong rạp khiến ba má phải đốt đèn đi đến rạp kiếm đem về. Thời điểm ấy chúng tôi đã lên Lớp Nhì và Trường Sơ Cấp Tân Phước Khánh đã trở thành Trường Tiểu Học rồi vì có thêm lớp Nhì.
Trong cuộc chơi nào cũng vậy, có khi thì thích nhau, có khi bất đồng chuyện gì đó, hay không hợp nữa thì đều có sự rạn nứt đưa đến chỗ không thể tương nhượng nhau, thì phải xé lẽ và chia phe. Điều đó bọn con nít, lũ “lâu la, tà lọt” như chúng tôi không quyết định mà là do những người cầm đầu, cùng những ông lớn quyết định. Họ hợp nhau thì hai bên chơi chung. Họ ganh tị nhau thì chúng tôi cũng phân ra, đôi khi đánh lộn nhau, nói xấu, chửi rủa là chuyện thường. Tiến xa hơn là họ muốn sanh chuyện để đánh nhau thì cứ xúi mấy thằng nhỏ phe mình khiêu khích để lấy cớ đánh. Giống như: “Ê, Thằng Rờn mầy ra đánh thằng Thạch cho tao. Mầy không đánh hả? Thì không cho mầy chơi nữa, loại mầy ra”. Thế là Thằng Rờn nhảy ra khêu khích tôi. Tôi biết mình đánh không lại, nhưng cũng gù nắm tay lo thủ thế. Thằng Rờn cũng không dám nhảy vào, mà cứ se se như hai con gà trống vờn nhau. Có thằng đến xô Thằng Rờn ngã vô mình tôi để tôi nổi nóng đánh, rồi tụi nó có cớ để đánh. Tôi không đánh, rồi tụi nó lại bên ngoài cổ vũ thêm lên: “Thằng nào đánh trước làm cha, thằng nào đánh sau làm con”. Rồi ngay trong lúc đó có người quen với má tôi đi ngang, tôi bỏ đi xê ra bên ngoài, bà nói nhỏ với tôi: “Mầy là Thằng Thạch con chị bảy phải không, tao nói chị bảy cho mầy đi đánh lộn nghen”! Tôi nghe đến đó lại nhớ đến cái roi, đành thôi chịu thua lẻn đi luôn. Có những lúc tôi không còn đi chơi nữa đang ngồi trên ghế thì tụi phe kia lại vẽ một cái vòng đến sát chân ghế: “Đây là vùng của tao, mầy không được bước chưn vô, mầy mà bỏ chưn xuống là tao đánh mầy liền”! Ngồi hồi lâu, tôi thua buồn quay chân lại phía sau đi về. Từ đó tôi không tham gia chơi với phe nào nữa cả. Và hoàn cảnh của tôi cũng không cho phép tôi đi chơi vì hai đứa em kế của tôi đã mất sau một cơn nóng sốt, nên tôi phải giữ đứa em nhỏ phụ ba má, chỉ biết giữ nhà, giữ em cùng đi chơi với những đứa con gái cùng lứa tuổi cũng giữ em như tôi. Tôi biết chơi sò, đánh đủa, những thứ trò chơi nhẹ nhàng. Khi đưa em ngủ trên võng tôi lấy vở để học bài, hoặc hát những bài hát trong trường đã dạy cho tôi. Chắc vì vậy mà dù trí nhớ dở dang, tôi cũng trở thành một học sinh khá trong trường.
Bây giờ ngẫm nghĩ lại những chuyện ngày xưa, thời con nít, thì thời cuộc ngày nay trên thế gian nầy cũng chẳng khác với chuyện con nít ngày xưa là bao nhiêu. Không biết nước nhỏ có quay về củng cố chính mình như là tôi không?

Đồ Ngông,
18/11/2018.