Wednesday, October 28, 2015

*Mỹ Du. (1)




Mỹ Du đây không phải là tên của một người đẹp vì tôi không phải là một kẻ đẹp người hay nên danh phận gì để được một người đẹp nào đó yêu mến lấy mình, mà Mỹ du chỉ là cái tên gọi để hấp dẫn cho chuyến đi Mỹ vừa qua trong hơn ba tuần lễ (từ ngày 20/09/2015 đến 13/10/2015) và nó được ghi lại như là những kỷ niệm về chuyến đi ấy, cùng được phối hợp lại với chuyến đi Mỹ vào năm 2001 giữa ba cùng hai vợ chồng tôi, vì cả hai chuyến đi cùng mục đích để thăm người thân trong dòng họ.
Nếu năm 2001 vợ chồng tôi làm chuyến đi với ba tôi từ đầu tháng 5 là do ý tưởng từ chị Karen Phu, người khai thuế cho tôi, khi chị nói muốn đưa ba chị đi Mỹ thăm bà con vì nếu để già hơn nữa thì bảo hiểm rất mắc cũng như nếu người già bệnh hoạn trên chuyến đi thì tiền y tế có thể mắc lắm, mình cáng đáng không nỗi. Do đó sau khi gợi ý với ba má thì má tôi không đi vì chân bà bị mổ trước kia đi xa không thấu, còn ba tôi thì đồng ý. Tôi tham khảo cùng em trai và lấy quyết định, rồi vợ chồng tôi tiến hành thủ tục và lập qui trình của chuyến đi.
Đầu tháng 5, sau khi dự đám cưới con của Trọng ở Sydney về, chúng tôi chuẩn bị khởi hành. Vợ tôi và tôi lấy chuyến bay Ansett từ Adelaide lên Melbourne để hợp với ba tôi tại phi trường. Đúng dịp nầy em tôi đưa cho tôi quyển “Hành Hương Đất Phật” của Phan Thiết mà tôi đã nhờ nó mua từ lúc trước. Khoảng 1 giờ trưa máy bay cất cánh sang New Zealand, và sẽ đáp xuống ở phi trường Auckland.
Từ trên phi cơ tôi nhìn ra cửa sổ, thấy những vùng nước nông sâu và bờ của những đảo nhỏ cùng vùng phụ cận của Auckland quả là có nhiều kỳ thú. Ở tại phi trường phải đợi đến 5, 6 giờ chiều mới vào lại phi cơ lớn của hảng hàng không United để bắt đầu cho chuyến bay đêm từ Auckland sang Los Angeles của Tiểu bang California (Hoa Kỳ). Tất nhiên trong chuyến bay ấy tôi được chiêm nghiệm một số ý tưởng nào đó mà Phan Thiết đã viết trong quyển “Hành Hương Đất Phật” của ông ta. Qua hành trình hơn mười tiếng đồng hồ thì trời cũng hừng sáng, tôi thấy phía khoảng không dưới kia trời đầy mây, nhưng sau đó không lâu thì những từng mây ấy mất đi, trời trở nên quang đảng mà tôi có thể nhìn được màu nước biển tận sâu dưới kia, từ đó cho tôi ý niệm nhận thức về “Có” và “Không” mà viết bài “Một Sự Tình Cờ” (Hay: Cái Có và Cái Không trong Đạo Phật) tặng cho Phan Thiết. Chúng tôi đáp xuống phi trường Los Angeles vào khoảng 8 giờ sáng để làm thủ tục nhập cảnh trên đất Mỹ.
Thì trong chuyến đi nầy, chúng tôi là một đoàn người gồm tất cả là mười người cùng nhau sắp xếp để làm một chuyến lưu diễn, nói lưu diễn là để chơi cho vui, chứ thực sự là thăm viếng người thân mà lâu ngày chưa gặp được, hoặc làm một chuyến đi mà không dễ dàng gì để có lần sau.
Vốn là em út của vợ tôi theo gia đình chồng sang Mỹ định cư ở Salt Lake City (Tiểu bang Utah) nghĩ rằng anh chị nay đã già, mong muốn anh chị sang Mỹ một chuyến để thăm gia đình nó cùng tổ chức đi chơi gọi là “sum họp gia đình”. Từ ý ấy, chúng tôi bao lần trù trừ vì chuyến đi thì quá xa, sức khỏe, công việc thì giới hạn, mà không đi thì cũng lại thương em. Cho nên, lần nầy con gái và rễ tôi quyết định trong năm nay ráng đưa hai đứa con gái của nó sang viếng thăm gia đình ông cậu ruột của rễ tôi ở Cali mà gần 30 năm nay chưa gặp nhau, chúng quyết định gấp do nơi đứa con gái lớn sang năm lên Trung học thì bài vở nhiều nên cần có thì giờ để học. Do vậy, chúng tôi gồm vợ tôi là chị bảy (tôi là anh rễ), cùng chị tám, anh chín (chị chín và đứa con gái) sắp xếp quyết định cùng đi. Riêng chị chín có mấy đứa cháu đang ở Tiểu bang Virginia của Hoa Kỳ, nên chuyến đi có dự trù sang Tiểu bang ấy nữa. Con gái tôi liên lạc với bạn học cũ của nó để nhờ đến việc “book” dùm các phần cần thiết trên đất Mỹ thì số bạn bè của nó lại có ý họp bạn cùng gặp thầy cô tại Las Vegas cùng với Cô Phượng và Thầy Phương (từ Florida). Rồi từ đây lại nảy thêm ý sang Tiểu bang Florida. Một chuyến đi được hoàn tất “Phức Hợp” mà tôi luôn chỉ là người ăn theo, để nói cho vui bằng tiếng hơi tếu gọi là “ăn ké” đó mà!
Như vậy chuyến đi đầu tiên sẽ đến Cali thăm viếng “gia đình Cậu Hoàng” (cậu ruột của rễ tôi) trong vài ngày; rồi bay sang Virginia vài ngày ở gia đình “Cháu của mợ Chín”, kế tiếp quay trở lại Las Vegas cho cuộc họp “Tình Thầy Trò” cũng vài ngày, xong sang Salt Lake City cho cuộc “Tình Chị Em” 8 ngày và sang Florida với thầy Phương trong 4 ngày, rồi trở về Cali tá túc ở gia đình cậu Hoàng một đêm nữa để lên đường trở về lại xứ Úc.
Sáng sớm ngày 20/09/2015 chúng tôi lũ lượt ra phi trường Adelaide làm thủ tục “check in” để đáp chuyến bay Cathay Pacific CX 174 sang Hồng Kông. Máy bay cất cánh lúc 6 giờ 40 với giờ bay dự trù là 8 tiếng 15 phút. Gần nửa thời gian máy bay mới ra khỏi không phận của nước Úc để tiến về Hồng Kông mặc dù với tốc độ bay khoảng gần 800 km/giờ.
Chúng tôi đến phi trường Hồng Kông vào lúc 2 giờ chiều (giờ Hồng Kông- đi sau giờ Adelaide 2 giờ), và không phải lấy hành lý vì hành lý được chuyển thẳng đến Los Angeles. Theo dự trù chúng tôi phải đợi đến 10 tiếng ở phi trường mới lên chuyến bay khác để đi Los Angeles. Vì thời gian đợi quá lâu nên có ý kiến đề xuất đi “outlets” ở Hồng Kông, tức nơi tập trung các cửa hàng bán trực tiếp hàng của những hãng hàng hiệu có giá trị từ con gái tôi. Mọi người đồng ý, và đi hỏi đường để ra phi trường, đón xe buýt đến trung tâm mua sắm ấy. Xe buýt chạy khoảng nửa giờ đồng hồ thì đến nơi. Nhưng chúng tôi chỉ đi xem qua chứ không mua gì, cùng đi tìm chỗ ăn uống mà thôi. Khi trở vô phi trường mới là điều cực nhọc vì phải đi làm thủ tục nhập cảnh trở lại. Lẩn quẩn trong phi trường đến 11 giờ 05 thì đến giờ lên máy bay. Hơn nửa giờ sau phi cơ được đẩy ra khỏi chỗ đậu, nhưng đã có “sự cố” gì đây, phi cơ dừng lại hồi lâu và được báo là trục trặc, gần nửa giờ nữa thì được thông báo chính thức là đổi sang phi cơ khác. Thế là chúng tôi cùng bao nhiêu hành khách phải lục tục kéo xuống, ra khỏi phi cơ di chuyển về một cổng khác (cổng 23) rồi lại chờ đợi và hảng Cathay Pacific tài trợ cho khoảng 75 đô Hồng Kông để mua thức ăn trong khi chờ đợi.
Đến 2 giờ đêm Hồng Kông, chúng tôi và hành khách lại lên tàu và máy bay cất cánh lúc 2 giờ 30 phút. Giờ bay dự trù là 12 giờ 29 phút với khoảng cách là 11,675 km, trên độ cao khoảng trên 6.500m.
Máy bay không bay theo hướng đường thẳng mà bay lên phía bắc gần đến vùng eo Bering (eo biển giữa hai lục địa Á và Mỹ Châu) rồi mới vòng xuống hướng về Los Angeles. Khi gần đến vùng sang ngày thì máy bay hơi lắc không biết là không khí ở vùng ấy có nhiều thay đồi áp suất như thế nào mà tôi để ý đến khi về cũng có hiện tượng giống như vậy mặc dù khi về máy bay bay theo hướng tương đối thẳng hơn từ Los Angeles đến Hồng Kông.
Chuyến bay đưa chúng tôi đến phi trường Los Angeles vào khoảng 2 giờ khuya giờ California. Hải quan làm thủ tục tương đối dễ dàng hơn chuyến đi vào năm 2001 của tôi có lẽ vì quá khuya, hay là trước khi “boarding” lên máy bay thủ tục kiểm soát hành khách ở Hồng Kông đã kiểm soát thật là kỹ lưỡng rồi. Sau khi nhận hành lý xong xuôi để ra xe buýt đưa về nhà Ông Cậu của Tuấn cũng là hơn 3 giờ khuya. Thế là trong hai chuyến đi, tôi được sống giữa hai ngày trùng lập vì nơi xứ Úc hoặc Hồng Kông là ngày trước thì ở Mỹ sẽ lập lại ngày ấy trong ngày sau, cũng như trong chuyến đi nầy chúng tôi khởi hành ngày Chủ nhật 20/09/2015 thì đến Los Angeles cũng lại là ngày Chủ nhật 20/09/2015.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
29/10/2015.

Sunday, October 25, 2015

*Thuyết Rằng...!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)



*Tưởng Là…!

Tưởng là ý thức lên ngôi
Tưởng là thay đổi cho thời ấm no
Tưởng là thiên hạ được lo
Tưởng là đất nước thoát ra cảnh nghèo
Nhưng rằng: Bầy lợn cám treo
Vẫn là rào ngõ làm giàu quan tham
Giăng ra bẫy lớp hàng hàng
Quan quyền ăn chặn, moi tiền người dân
Khiến bao nghèo đói khôn cùng
Sinh ra cướp giặc, bán trôn nuôi mình
Bây giờ thiên hạ quá khinh
Khinh trong nội địa, khinh ngoài thế gian!
Bao giờ nghĩ lại…hỡi quan?

Đồ Ngông,
25/10/2015.



*Thuyết Rằng…!

Thuyết rằng tiên tiến lên ngôi
Dựng xây xã hội cho đời ấm no
Công bằng, hạnh phúc, tự do
Người không bốc lột, thiên đường thế gian
Nhưng mà đời vẫn gian nan
Nói thì nói vậy, lầm than khôn cùng!
Làm quan vẫn hiếp người dân
Lừa cơ lấy cắp của công dân hùn
Tài nguyên đất nước đi đâu
Bao nhiêu cứ mãi chui vào túi quan
Đời dân luôn mãi cơ hàn
Thuyết là để nói, đậy che ý đồ!

Đồ Ngông,
26/10/2015.

Monday, October 19, 2015

*Quê Người! (3)



Đến khi hừng đông, ánh sáng tỏ rõ ra trên biển, chúng tôi mới thấy ngọn lửa trên không ấy là ngọn lửa của một dàn khoan dầu và những chiếc tàu đậu gần đó nhưng họ tránh việc vớt chúng tôi. Đi xa dàn khoan một khoảng khá xa, đang ngồi trên boong tự dưng nghe lành lạnh lạ lùng, nên tôi chui trở xuống hầm tàu để tránh lạnh. Mọi người dưới hầm đều mệt nhừ lẫn trong say ngủ, chỉ một vài người mở mắt nhìn tôi. Tôi đứng nép tựa vào góc của hầm tàu nơi có vách ngăn cách phòng máy cùng hầm phía trước và lấy chai dầu mở nút, hít một hơi dài cho ấm phổi. Nhưng tôi chợt giật mình vì qua khung cửa sổ liên hệ với phòng máy tôi thấy có nước tràn vào. Tôi dụi mắt xem mình có nằm mơ không, nhưng không? Tôi lại nghĩ chẳng lẽ mình chết rồi ư? Tôi bấm móng tay vào da, tôi còn biết đau như vậy là tôi chưa chết. Tôi dụi mắt lần nữa và cố định tâm để chắc chắn rằng tôi không mơ. Tôi theo dõi, nước theo kẽ ván tràn vào từng đợt theo ngọn sóng. Tôi vội đến bên kia hầm vỗ nhẹ vào chân Tịnh, anh bạn tôi vừa quen mấy ngày trên tàu, kêu Tịnh khum xuống tôi thì thầm kêu Tịnh vô nói nhỏ với ông Chín chủ tàu cho hay nước tràn vô. Ông Chín chạy xuống hầm tàu, nhìn tôi đứng ở cửa sổ giận dữ nói: “Nước vô ở đâu, nói láo hả tao liệng mầy xuống biển bây giờ”. Vừa lúc đó sóng đánh vào mạn tàu, nước theo kẽ tràn vào phía sau lưng ông. Tôi nói: “Đó, sau lưng ông đó”. Ông quay lại nước tràn ướt mình ông, ông không la tôi nữa, vội lên trên, lâu sau nghe kêu người nhảy ra ngoài đóng ván vào mạn, mọi người lúc đó mới biết rõ và trong tình trạng lo âu. Tôi nghĩ về vợ con, nhưng tôi không phải đột ngột hoảng hốt vì trước khi đi tôi đã lượng trước những tình huống xấu nhất. Nước dưới hầm dâng lên nhưng bơm không hoạt động tốt nên bơm nước không ra ngoài được nhiều. Tôi thực sự ngậm ngùi! Vì lùn nên Tịnh xuống dưới hầm múc nước đưa lên cho tôi đổ ra biển. Ngồi trên cầm sô nước đổ ra ngoài, tôi nhìn lại phía sau, con cháu ông chủ tàu đang lấy những “can” nước đã hết, xỏ xâu lại để nếu có chìm thì chúng có chỗ bám víu. Một vài ngày trước chúng còn lấy nước đó để tắm, bây giờ chúng lo chuẩn bị cho sự bị chìm. Tôi thấy mà tủi lòng! Mọi việc rồi cũng được sửa chữa, làm xong xuôi. Từ đây ai cũng hồi hộp vì tàu đã tỏ tõ chứng tật của nó rồi, không biết chuyến đi của mình sẽ ra sao. Trong lúc múc nước đưa tôi, các củ sắn bị nước tràn vào đẩy xuống hầm tàu, Tịnh lượm được hai củ, khi xong Tịnh chia cho tôi một củ. Và từ lúc nầy thấy mọi người im lặng nhiều hơn. Ngày nầy cơm còn được phân chia một vắt nhỏ như trước nhưng nước giảm xuống còn nửa chun nhỏ. Vào xế chiều có chiếc tàu đi hơi xa xa, người trên tàu phát tín hiệu để cầu cứu, nhưng cũng là vô ích. Tôi đưa áo thun ba lỗ màu trắng cho họ cột trên đầu cây dựng lên cao để mong có tàu nào đó thấy và vớt, nhưng không có tàu nào cả. Có hai chiếc tàu xa xa đi về hướng tây, tài công nói chạy đón đầu; tôi nghĩ mà cũng tức cười vì tàu cây chỉ chạy chưa tới 10 km giờ mà đòi chạy đón đầu tàu sắt trong khi chạy cùng chiều. Một buổi chiều trên biển tiếp tục, ánh nắng vàng trải dài lần trên mặt biển, anh Bảy Minh ngồi nói chuyện cùng đám chúng tôi trên boong và anh đem ra hủ đường thắng với nước chanh như là món giải khát cho những người vượt biên để chia nhau chút ít. Trong lúc tâm sự anh có nói rằng: “Phải tui biết chú mầy trước thì tui cho chú mầy đi không”. Tôi cười và cám ơn anh. Chúng tôi nhìn theo đàn cá heo đang vui vẻ lội theo tàu. Khi thì chúng lội nhanh về phía trước, lúc lội ngược về phía sau như đùa với chúng tôi. Có người kêu chúng là cá nược, nhưng riêng tôi thì kêu là cá heo chắc hay và đúng với nó hơn vì khi “đùa” như vậy chúng thường kêu lên “eng éc” giống như tiếng heo kêu. Nhìn chúng mà chúng tôi cũng hơi vui vui. Đến đêm, tôi đến ngồi bên miệng hầm cùng thằng bé, Kỳ xạo cùng Tịnh mà nói chuyện, lỡ khi mình nghe lạnh thì chun xuống hầm tránh lạnh hoặc buồn ngủ xuống đó ngủ đứng trong chốc lát cho an toàn. Thằng bé không biết nó làm cái gì hay quen ai trong tàu sao nó biết ông đội nón nỉ sùm sụp luôn ngồi bên cửa phòng lái, ngó ra đó là ông tổ chức chuyến đi nầy, kỳ nầy ổng bị ông chủ tàu bắt ổng đi luôn, nên ổng ngồi ở đó ngó ra và buồn lắm. Tôi hỏi sao nó biết. Nó nói nó nghe người ta nói. Tôi không hỏi nó gì thêm mà nói chuyện với Tịnh. Tịnh có nét đạo mạo, trầm tĩnh của một người có học, trước khi vượt biên Tịnh dạy bên trường kỹ thuật Cao Thắng hay Nguyễn Trường Tộ gì đó ở Thành phố mà tôi không nhớ rõ. Lúc sáng sau khi tát nước xong, Tịnh đưa tôi củ sắn đồng thời cho tôi coi sơ đồ đường đi cùng phương hướng phải đi để an toàn mà Tịnh đã có được. Coi thì coi chơi chứ cũng chẳng làm được gì, tôi nói với Tịnh hay là đưa cho mấy ông tài công tham khảo thôi. Tịnh trù trừ rồi không biết Tịnh có đưa cho mấy ông ấy coi không. Biển chiều và đêm tương đối yên lặng. Trời khuya hơi lạnh tôi dọt xuống hầm, lấy chai dầu hít một hơi dài, nín lại và thở ra từ từ, rồi đứng nhắm mắt ngủ trong chốc lát. Chúng tôi cũng quen rồi cái không khí và nước nôi ở chỗ dơ dáy nầy vì không ai ra khỏi được con tàu nên mọi thứ đều ở đây. Đã đối diện với cái chết, thì dơ dáy cũng còn là chuyện nhỏ thôi. Tôi lại bật cười thầm: Vì trong chiến tranh kế cái chết thế mà người Việt Nam đã không trốn chạy, vậy mà… vậy mà hòa bình người ta lại ra đi, sẵn sàng để chết, không hiểu những người làm cách mạng có thấy điều nghịch lý ấy hay không? Và lý do nào, tại sao?
Mệt quá, tôi chùi chân dài ra, mình nghiêng theo thành hầm, chịu như vậy để mà ngủ. Không biết ngủ được bao lâu, tôi thức dậy thì trời cũng tờ mờ. Buổi sáng nhìn mặt biển phẳng lặng như một tờ giấy, trông nó hiền từ không tí gợn nào; thế mà đến lúc nó nổi cơn thịnh nộ không biết bao nhiêu tai họa xảy ra. Trên đường đi nầy không biết có bao nhiêu mạng đã bị nó nhấn chìm. Tôi vốn ở trên miền đất khô cằn, nhiều rừng rú chưa mấy lần ra bờ biển, cho nên chuyến đi nầy đối với tôi có nhiều điều thật mới lạ. Trăng lưỡi liềm rọi một vệt sáng trên mặt nước, tôi nghe lòng buồn buồn nhớ đến vợ con và nước mắt bỗng dưng tuôn dài. Mặt trời dần lên, một ngày mới bắt đầu. Đi trên biển chúng tôi chỉ ngồi tâm tình trên boong tàu, nhìn những con cá bay cất cánh bay lên khỏi mặt nước được một khoảng rồi lại chui vào trong nước; hoặc dành thì giờ để nhìn những ngọn sóng đầu tỏa bạc ở xa xa. Nhìn mãi chẳng thấy chiếc tàu nào đi ngang, mà cũng chẳng thấy bóng chim nào. Đến trưa mọi người ngạc nhiên không hiểu vì sao trên vùng biển nầy lại có những luồng giống như bông bù kết thật là nhiều, người thì bảo có thể gần đến bờ vì bông bồ kết rơi trên sông trôi theo dòng đến đây; người thì ngạc nhiên không biết bông rụng bao lâu rồi mà màu sắc còn tươi như là mới. Chúng tôi tha hồ mà lý giải, nhưng bờ đất liền hay đảo thì chẳng thấy đâu. Đàng xa có bóng dáng một chiếc tàu, khi đến gần nó là một chiếc tàu dầu. Tài công hướng tàu về nó thì nó lại nổ máy dang ra xa, thế là chúng tôi cũng không hi vọng gì ở nó!

(còn tiếp)

Nguyên Thảo,
19/10/2015.