Wednesday, October 28, 2015

*Mỹ Du. (1)




Mỹ Du đây không phải là tên của một người đẹp vì tôi không phải là một kẻ đẹp người hay nên danh phận gì để được một người đẹp nào đó yêu mến lấy mình, mà Mỹ du chỉ là cái tên gọi để hấp dẫn cho chuyến đi Mỹ vừa qua trong hơn ba tuần lễ (từ ngày 20/09/2015 đến 13/10/2015) và nó được ghi lại như là những kỷ niệm về chuyến đi ấy, cùng được phối hợp lại với chuyến đi Mỹ vào năm 2001 giữa ba cùng hai vợ chồng tôi, vì cả hai chuyến đi cùng mục đích để thăm người thân trong dòng họ.
Nếu năm 2001 vợ chồng tôi làm chuyến đi với ba tôi từ đầu tháng 5 là do ý tưởng từ chị Karen Phu, người khai thuế cho tôi, khi chị nói muốn đưa ba chị đi Mỹ thăm bà con vì nếu để già hơn nữa thì bảo hiểm rất mắc cũng như nếu người già bệnh hoạn trên chuyến đi thì tiền y tế có thể mắc lắm, mình cáng đáng không nỗi. Do đó sau khi gợi ý với ba má thì má tôi không đi vì chân bà bị mổ trước kia đi xa không thấu, còn ba tôi thì đồng ý. Tôi tham khảo cùng em trai và lấy quyết định, rồi vợ chồng tôi tiến hành thủ tục và lập qui trình của chuyến đi.
Đầu tháng 5, sau khi dự đám cưới con của Trọng ở Sydney về, chúng tôi chuẩn bị khởi hành. Vợ tôi và tôi lấy chuyến bay Ansett từ Adelaide lên Melbourne để hợp với ba tôi tại phi trường. Đúng dịp nầy em tôi đưa cho tôi quyển “Hành Hương Đất Phật” của Phan Thiết mà tôi đã nhờ nó mua từ lúc trước. Khoảng 1 giờ trưa máy bay cất cánh sang New Zealand, và sẽ đáp xuống ở phi trường Auckland.
Từ trên phi cơ tôi nhìn ra cửa sổ, thấy những vùng nước nông sâu và bờ của những đảo nhỏ cùng vùng phụ cận của Auckland quả là có nhiều kỳ thú. Ở tại phi trường phải đợi đến 5, 6 giờ chiều mới vào lại phi cơ lớn của hảng hàng không United để bắt đầu cho chuyến bay đêm từ Auckland sang Los Angeles của Tiểu bang California (Hoa Kỳ). Tất nhiên trong chuyến bay ấy tôi được chiêm nghiệm một số ý tưởng nào đó mà Phan Thiết đã viết trong quyển “Hành Hương Đất Phật” của ông ta. Qua hành trình hơn mười tiếng đồng hồ thì trời cũng hừng sáng, tôi thấy phía khoảng không dưới kia trời đầy mây, nhưng sau đó không lâu thì những từng mây ấy mất đi, trời trở nên quang đảng mà tôi có thể nhìn được màu nước biển tận sâu dưới kia, từ đó cho tôi ý niệm nhận thức về “Có” và “Không” mà viết bài “Một Sự Tình Cờ” (Hay: Cái Có và Cái Không trong Đạo Phật) tặng cho Phan Thiết. Chúng tôi đáp xuống phi trường Los Angeles vào khoảng 8 giờ sáng để làm thủ tục nhập cảnh trên đất Mỹ.
Thì trong chuyến đi nầy, chúng tôi là một đoàn người gồm tất cả là mười người cùng nhau sắp xếp để làm một chuyến lưu diễn, nói lưu diễn là để chơi cho vui, chứ thực sự là thăm viếng người thân mà lâu ngày chưa gặp được, hoặc làm một chuyến đi mà không dễ dàng gì để có lần sau.
Vốn là em út của vợ tôi theo gia đình chồng sang Mỹ định cư ở Salt Lake City (Tiểu bang Utah) nghĩ rằng anh chị nay đã già, mong muốn anh chị sang Mỹ một chuyến để thăm gia đình nó cùng tổ chức đi chơi gọi là “sum họp gia đình”. Từ ý ấy, chúng tôi bao lần trù trừ vì chuyến đi thì quá xa, sức khỏe, công việc thì giới hạn, mà không đi thì cũng lại thương em. Cho nên, lần nầy con gái và rễ tôi quyết định trong năm nay ráng đưa hai đứa con gái của nó sang viếng thăm gia đình ông cậu ruột của rễ tôi ở Cali mà gần 30 năm nay chưa gặp nhau, chúng quyết định gấp do nơi đứa con gái lớn sang năm lên Trung học thì bài vở nhiều nên cần có thì giờ để học. Do vậy, chúng tôi gồm vợ tôi là chị bảy (tôi là anh rễ), cùng chị tám, anh chín (chị chín và đứa con gái) sắp xếp quyết định cùng đi. Riêng chị chín có mấy đứa cháu đang ở Tiểu bang Virginia của Hoa Kỳ, nên chuyến đi có dự trù sang Tiểu bang ấy nữa. Con gái tôi liên lạc với bạn học cũ của nó để nhờ đến việc “book” dùm các phần cần thiết trên đất Mỹ thì số bạn bè của nó lại có ý họp bạn cùng gặp thầy cô tại Las Vegas cùng với Cô Phượng và Thầy Phương (từ Florida). Rồi từ đây lại nảy thêm ý sang Tiểu bang Florida. Một chuyến đi được hoàn tất “Phức Hợp” mà tôi luôn chỉ là người ăn theo, để nói cho vui bằng tiếng hơi tếu gọi là “ăn ké” đó mà!
Như vậy chuyến đi đầu tiên sẽ đến Cali thăm viếng “gia đình Cậu Hoàng” (cậu ruột của rễ tôi) trong vài ngày; rồi bay sang Virginia vài ngày ở gia đình “Cháu của mợ Chín”, kế tiếp quay trở lại Las Vegas cho cuộc họp “Tình Thầy Trò” cũng vài ngày, xong sang Salt Lake City cho cuộc “Tình Chị Em” 8 ngày và sang Florida với thầy Phương trong 4 ngày, rồi trở về Cali tá túc ở gia đình cậu Hoàng một đêm nữa để lên đường trở về lại xứ Úc.
Sáng sớm ngày 20/09/2015 chúng tôi lũ lượt ra phi trường Adelaide làm thủ tục “check in” để đáp chuyến bay Cathay Pacific CX 174 sang Hồng Kông. Máy bay cất cánh lúc 6 giờ 40 với giờ bay dự trù là 8 tiếng 15 phút. Gần nửa thời gian máy bay mới ra khỏi không phận của nước Úc để tiến về Hồng Kông mặc dù với tốc độ bay khoảng gần 800 km/giờ.
Chúng tôi đến phi trường Hồng Kông vào lúc 2 giờ chiều (giờ Hồng Kông- đi sau giờ Adelaide 2 giờ), và không phải lấy hành lý vì hành lý được chuyển thẳng đến Los Angeles. Theo dự trù chúng tôi phải đợi đến 10 tiếng ở phi trường mới lên chuyến bay khác để đi Los Angeles. Vì thời gian đợi quá lâu nên có ý kiến đề xuất đi “outlets” ở Hồng Kông, tức nơi tập trung các cửa hàng bán trực tiếp hàng của những hãng hàng hiệu có giá trị từ con gái tôi. Mọi người đồng ý, và đi hỏi đường để ra phi trường, đón xe buýt đến trung tâm mua sắm ấy. Xe buýt chạy khoảng nửa giờ đồng hồ thì đến nơi. Nhưng chúng tôi chỉ đi xem qua chứ không mua gì, cùng đi tìm chỗ ăn uống mà thôi. Khi trở vô phi trường mới là điều cực nhọc vì phải đi làm thủ tục nhập cảnh trở lại. Lẩn quẩn trong phi trường đến 11 giờ 05 thì đến giờ lên máy bay. Hơn nửa giờ sau phi cơ được đẩy ra khỏi chỗ đậu, nhưng đã có “sự cố” gì đây, phi cơ dừng lại hồi lâu và được báo là trục trặc, gần nửa giờ nữa thì được thông báo chính thức là đổi sang phi cơ khác. Thế là chúng tôi cùng bao nhiêu hành khách phải lục tục kéo xuống, ra khỏi phi cơ di chuyển về một cổng khác (cổng 23) rồi lại chờ đợi và hảng Cathay Pacific tài trợ cho khoảng 75 đô Hồng Kông để mua thức ăn trong khi chờ đợi.
Đến 2 giờ đêm Hồng Kông, chúng tôi và hành khách lại lên tàu và máy bay cất cánh lúc 2 giờ 30 phút. Giờ bay dự trù là 12 giờ 29 phút với khoảng cách là 11,675 km, trên độ cao khoảng trên 6.500m.
Máy bay không bay theo hướng đường thẳng mà bay lên phía bắc gần đến vùng eo Bering (eo biển giữa hai lục địa Á và Mỹ Châu) rồi mới vòng xuống hướng về Los Angeles. Khi gần đến vùng sang ngày thì máy bay hơi lắc không biết là không khí ở vùng ấy có nhiều thay đồi áp suất như thế nào mà tôi để ý đến khi về cũng có hiện tượng giống như vậy mặc dù khi về máy bay bay theo hướng tương đối thẳng hơn từ Los Angeles đến Hồng Kông.
Chuyến bay đưa chúng tôi đến phi trường Los Angeles vào khoảng 2 giờ khuya giờ California. Hải quan làm thủ tục tương đối dễ dàng hơn chuyến đi vào năm 2001 của tôi có lẽ vì quá khuya, hay là trước khi “boarding” lên máy bay thủ tục kiểm soát hành khách ở Hồng Kông đã kiểm soát thật là kỹ lưỡng rồi. Sau khi nhận hành lý xong xuôi để ra xe buýt đưa về nhà Ông Cậu của Tuấn cũng là hơn 3 giờ khuya. Thế là trong hai chuyến đi, tôi được sống giữa hai ngày trùng lập vì nơi xứ Úc hoặc Hồng Kông là ngày trước thì ở Mỹ sẽ lập lại ngày ấy trong ngày sau, cũng như trong chuyến đi nầy chúng tôi khởi hành ngày Chủ nhật 20/09/2015 thì đến Los Angeles cũng lại là ngày Chủ nhật 20/09/2015.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
29/10/2015.

No comments:

Post a Comment