Monday, October 19, 2015
*Quê Người! (3)
Đến khi hừng đông, ánh sáng tỏ rõ ra trên biển, chúng tôi mới thấy ngọn lửa trên không ấy là ngọn lửa của một dàn khoan dầu và những chiếc tàu đậu gần đó nhưng họ tránh việc vớt chúng tôi. Đi xa dàn khoan một khoảng khá xa, đang ngồi trên boong tự dưng nghe lành lạnh lạ lùng, nên tôi chui trở xuống hầm tàu để tránh lạnh. Mọi người dưới hầm đều mệt nhừ lẫn trong say ngủ, chỉ một vài người mở mắt nhìn tôi. Tôi đứng nép tựa vào góc của hầm tàu nơi có vách ngăn cách phòng máy cùng hầm phía trước và lấy chai dầu mở nút, hít một hơi dài cho ấm phổi. Nhưng tôi chợt giật mình vì qua khung cửa sổ liên hệ với phòng máy tôi thấy có nước tràn vào. Tôi dụi mắt xem mình có nằm mơ không, nhưng không? Tôi lại nghĩ chẳng lẽ mình chết rồi ư? Tôi bấm móng tay vào da, tôi còn biết đau như vậy là tôi chưa chết. Tôi dụi mắt lần nữa và cố định tâm để chắc chắn rằng tôi không mơ. Tôi theo dõi, nước theo kẽ ván tràn vào từng đợt theo ngọn sóng. Tôi vội đến bên kia hầm vỗ nhẹ vào chân Tịnh, anh bạn tôi vừa quen mấy ngày trên tàu, kêu Tịnh khum xuống tôi thì thầm kêu Tịnh vô nói nhỏ với ông Chín chủ tàu cho hay nước tràn vô. Ông Chín chạy xuống hầm tàu, nhìn tôi đứng ở cửa sổ giận dữ nói: “Nước vô ở đâu, nói láo hả tao liệng mầy xuống biển bây giờ”. Vừa lúc đó sóng đánh vào mạn tàu, nước theo kẽ tràn vào phía sau lưng ông. Tôi nói: “Đó, sau lưng ông đó”. Ông quay lại nước tràn ướt mình ông, ông không la tôi nữa, vội lên trên, lâu sau nghe kêu người nhảy ra ngoài đóng ván vào mạn, mọi người lúc đó mới biết rõ và trong tình trạng lo âu. Tôi nghĩ về vợ con, nhưng tôi không phải đột ngột hoảng hốt vì trước khi đi tôi đã lượng trước những tình huống xấu nhất. Nước dưới hầm dâng lên nhưng bơm không hoạt động tốt nên bơm nước không ra ngoài được nhiều. Tôi thực sự ngậm ngùi! Vì lùn nên Tịnh xuống dưới hầm múc nước đưa lên cho tôi đổ ra biển. Ngồi trên cầm sô nước đổ ra ngoài, tôi nhìn lại phía sau, con cháu ông chủ tàu đang lấy những “can” nước đã hết, xỏ xâu lại để nếu có chìm thì chúng có chỗ bám víu. Một vài ngày trước chúng còn lấy nước đó để tắm, bây giờ chúng lo chuẩn bị cho sự bị chìm. Tôi thấy mà tủi lòng! Mọi việc rồi cũng được sửa chữa, làm xong xuôi. Từ đây ai cũng hồi hộp vì tàu đã tỏ tõ chứng tật của nó rồi, không biết chuyến đi của mình sẽ ra sao. Trong lúc múc nước đưa tôi, các củ sắn bị nước tràn vào đẩy xuống hầm tàu, Tịnh lượm được hai củ, khi xong Tịnh chia cho tôi một củ. Và từ lúc nầy thấy mọi người im lặng nhiều hơn. Ngày nầy cơm còn được phân chia một vắt nhỏ như trước nhưng nước giảm xuống còn nửa chun nhỏ. Vào xế chiều có chiếc tàu đi hơi xa xa, người trên tàu phát tín hiệu để cầu cứu, nhưng cũng là vô ích. Tôi đưa áo thun ba lỗ màu trắng cho họ cột trên đầu cây dựng lên cao để mong có tàu nào đó thấy và vớt, nhưng không có tàu nào cả. Có hai chiếc tàu xa xa đi về hướng tây, tài công nói chạy đón đầu; tôi nghĩ mà cũng tức cười vì tàu cây chỉ chạy chưa tới 10 km giờ mà đòi chạy đón đầu tàu sắt trong khi chạy cùng chiều. Một buổi chiều trên biển tiếp tục, ánh nắng vàng trải dài lần trên mặt biển, anh Bảy Minh ngồi nói chuyện cùng đám chúng tôi trên boong và anh đem ra hủ đường thắng với nước chanh như là món giải khát cho những người vượt biên để chia nhau chút ít. Trong lúc tâm sự anh có nói rằng: “Phải tui biết chú mầy trước thì tui cho chú mầy đi không”. Tôi cười và cám ơn anh. Chúng tôi nhìn theo đàn cá heo đang vui vẻ lội theo tàu. Khi thì chúng lội nhanh về phía trước, lúc lội ngược về phía sau như đùa với chúng tôi. Có người kêu chúng là cá nược, nhưng riêng tôi thì kêu là cá heo chắc hay và đúng với nó hơn vì khi “đùa” như vậy chúng thường kêu lên “eng éc” giống như tiếng heo kêu. Nhìn chúng mà chúng tôi cũng hơi vui vui. Đến đêm, tôi đến ngồi bên miệng hầm cùng thằng bé, Kỳ xạo cùng Tịnh mà nói chuyện, lỡ khi mình nghe lạnh thì chun xuống hầm tránh lạnh hoặc buồn ngủ xuống đó ngủ đứng trong chốc lát cho an toàn. Thằng bé không biết nó làm cái gì hay quen ai trong tàu sao nó biết ông đội nón nỉ sùm sụp luôn ngồi bên cửa phòng lái, ngó ra đó là ông tổ chức chuyến đi nầy, kỳ nầy ổng bị ông chủ tàu bắt ổng đi luôn, nên ổng ngồi ở đó ngó ra và buồn lắm. Tôi hỏi sao nó biết. Nó nói nó nghe người ta nói. Tôi không hỏi nó gì thêm mà nói chuyện với Tịnh. Tịnh có nét đạo mạo, trầm tĩnh của một người có học, trước khi vượt biên Tịnh dạy bên trường kỹ thuật Cao Thắng hay Nguyễn Trường Tộ gì đó ở Thành phố mà tôi không nhớ rõ. Lúc sáng sau khi tát nước xong, Tịnh đưa tôi củ sắn đồng thời cho tôi coi sơ đồ đường đi cùng phương hướng phải đi để an toàn mà Tịnh đã có được. Coi thì coi chơi chứ cũng chẳng làm được gì, tôi nói với Tịnh hay là đưa cho mấy ông tài công tham khảo thôi. Tịnh trù trừ rồi không biết Tịnh có đưa cho mấy ông ấy coi không. Biển chiều và đêm tương đối yên lặng. Trời khuya hơi lạnh tôi dọt xuống hầm, lấy chai dầu hít một hơi dài, nín lại và thở ra từ từ, rồi đứng nhắm mắt ngủ trong chốc lát. Chúng tôi cũng quen rồi cái không khí và nước nôi ở chỗ dơ dáy nầy vì không ai ra khỏi được con tàu nên mọi thứ đều ở đây. Đã đối diện với cái chết, thì dơ dáy cũng còn là chuyện nhỏ thôi. Tôi lại bật cười thầm: Vì trong chiến tranh kế cái chết thế mà người Việt Nam đã không trốn chạy, vậy mà… vậy mà hòa bình người ta lại ra đi, sẵn sàng để chết, không hiểu những người làm cách mạng có thấy điều nghịch lý ấy hay không? Và lý do nào, tại sao?
Mệt quá, tôi chùi chân dài ra, mình nghiêng theo thành hầm, chịu như vậy để mà ngủ. Không biết ngủ được bao lâu, tôi thức dậy thì trời cũng tờ mờ. Buổi sáng nhìn mặt biển phẳng lặng như một tờ giấy, trông nó hiền từ không tí gợn nào; thế mà đến lúc nó nổi cơn thịnh nộ không biết bao nhiêu tai họa xảy ra. Trên đường đi nầy không biết có bao nhiêu mạng đã bị nó nhấn chìm. Tôi vốn ở trên miền đất khô cằn, nhiều rừng rú chưa mấy lần ra bờ biển, cho nên chuyến đi nầy đối với tôi có nhiều điều thật mới lạ. Trăng lưỡi liềm rọi một vệt sáng trên mặt nước, tôi nghe lòng buồn buồn nhớ đến vợ con và nước mắt bỗng dưng tuôn dài. Mặt trời dần lên, một ngày mới bắt đầu. Đi trên biển chúng tôi chỉ ngồi tâm tình trên boong tàu, nhìn những con cá bay cất cánh bay lên khỏi mặt nước được một khoảng rồi lại chui vào trong nước; hoặc dành thì giờ để nhìn những ngọn sóng đầu tỏa bạc ở xa xa. Nhìn mãi chẳng thấy chiếc tàu nào đi ngang, mà cũng chẳng thấy bóng chim nào. Đến trưa mọi người ngạc nhiên không hiểu vì sao trên vùng biển nầy lại có những luồng giống như bông bù kết thật là nhiều, người thì bảo có thể gần đến bờ vì bông bồ kết rơi trên sông trôi theo dòng đến đây; người thì ngạc nhiên không biết bông rụng bao lâu rồi mà màu sắc còn tươi như là mới. Chúng tôi tha hồ mà lý giải, nhưng bờ đất liền hay đảo thì chẳng thấy đâu. Đàng xa có bóng dáng một chiếc tàu, khi đến gần nó là một chiếc tàu dầu. Tài công hướng tàu về nó thì nó lại nổ máy dang ra xa, thế là chúng tôi cũng không hi vọng gì ở nó!
(còn tiếp)
Nguyên Thảo,
19/10/2015.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment