Saturday, September 19, 2015

*Quê Người! (2)



Trên boong tàu có một cặp vợ chồng nằm giống như là đang phơi nắng, có lẽ họ muốn tận dụng thời gian nầy để “tắm nắng biển” đó chăng? Tôi ngồi tư lự nhìn nắng chói chang và từng cơn sóng nhấp nhô. Mọi người vẫn còn nhiều nỗi lo sợ vì còn trong vùng biển Việt Nam. Những người có trách nhiệm họ đang thả phao để đo vận tốc con tàu cây nhỏ bé nầy, hình như chiều dài con tàu khoảng 15 m, chiều ngang chừng 2 m rưỡi tới 3 m. Tôi chỉ đoán và nghe phong phanh như vậy. Nếu theo như điều tôi nghe thì vận tốc con tàu chỉ vào khoảng 5 cho đến 10 cây số giờ, chỉ hơn người đi bộ đi trên đường không bao nhiêu. Dưới hầm tàu nóng nực nhiều người say sóng nôn mửa. Có tiếng nhiều người xin nước, sau đó những người tổ chức cho mỗi người một chun nhỏ để gọi là cầm hơi. Và tới trưa mỗi người được một vắt cơm giống như vắt cơm mà người ta để cúng cho người chết, nhiều người mệt lả cũng ráng mà ăn.
Tàu chở không biết bao nhiêu người mà chun xuống hầm thì rất khó khăn tìm chỗ ngồi cho thoải mái, ngột ngạt với mùi nôn mữa, nước tiểu không biết có mùi phân người không nhưng chưa nghe có mùi đó. Đói khát như thế nầy thì chắc khó có đủ để mà “đại tiện” và trong cơn hoảng sợ người ta lắm lúc cũng quên mất nó đi. Ngồi trên boang tàu thì nắng gió cũng rát da và khó chịu. Tôi nghe trong mình hơi ớn lạnh vì bị bệnh cảm trước khi đi, bèn lấy chai dầu song thập thoa trên ngón tay một chút để lên mũi hít nhẹ và thật sâu để làm cho nóng phổi. Đôi vợ chồng tắm nắng biển chắc chịu không nỗi đành bỏ đi tự lâu rồi, họ có thể thuộc gia đình hay khách cưng được tá túc trong khoang trên có mui che. Còn như tụi tôi thì cứ chun xuống hầm rồi chịu không được phải chui lên để người ở dưới cũng được khỏe và mình lên trên cũng thoải mái hơn dù là nắng rất rát, và nước sóng biển va chạm vào mũi tàu bắn tung lên mình ướt nhẹp.
Qua buổi trưa ngồi buồn nhìn xung quanh chỉ nước ôi là nước, nước mênh mông, con tàu cây cô đơn rẽ sóng. Nhìn xa xa chỉ màu nước lúc thì xanh sẫm, lúc đen mun. Ánh nắng trải đầy, bọt trắng trên đầu ngọn sóng lăn tăn rồi tan dần. Tôi lại nhớ đến vợ tôi rồi đây sẽ chật vật để lo cho những đứa con, nước mắt tôi lại chảy dài tự lúc nào không hay. Tôi nuốt nước mắt mà cầm lấy lại lòng! Trời về chiều, nắng không còn gắt nữa, trên boang có thêm vài người. Rồi lại có vài câu chuyện để làm quen, hỏi quê quán, gia đình. Sóng biển yên lặng hơn, mặt trời dần ngã về hướng đó: Chắc chắn nó phải là hướng Tây! Những dải nắng ửng hồng dài ra và đi xa hơn để dần nhường cho bóng tối trùm xuống. Tôi và thằng bé cùng chui xuống để tìm chỗ ngồi ngủ. Trên tàu chỉ có chỗ có đèn mờ duy nhất là chỗ tay lái có hai ông tài công đang thay phiên nhau điều khiển con tàu. Mọi người đều đã mệt lả vì thiếu nước, thiếu ăn mà lại bị say sóng coi như là muốn nhừ tử, nên không có tiếng gì ồn ào nào nữa cả. Ông chủ không cần phải quát tháo, hâm dọa như lúc người ta mới vừa lên tàu. Lúc đầu tôi đứng dựa vào một góc để thân hình mình có chỗ tì, đồng thời tránh được sự lắc lư của con tàu, nhưng hồi lâu bị mỏi chân quá nên đành lần ngồi xuống, nước dưới đáy tàu lại theo từng lúc văng lên khiến quần bị ướt. Tôi cổi quần dài ra nhét vào một hốc rồi ngồi nhỏm lên. Thằng bé bị ướt quá chụp đại bọc hành lý của ai đó kê xuống dưới mà ngồi lên trên, nó nói của ai kệ họ. Suốt một đêm cứ chập chờn mà ngủ, nhưng thực ra là chẳng ngủ được bao nhiêu. Thôi thì ráng chịu một thời gian ngắn thôi, nói vậy chứ không biết còn mạng để mà ngủ hay không hay là sẽ chìm vào một giấc ngủ “thiên thu”! Trời rựng sáng, mừng ôi là mừng! Lại thấy ánh mặt trời đang mọc lên hướng đông. Ừ! Đó là hướng đông vì tôi đã học mặt trời mọc lên ở hướng đông! Hay thật, không biết ai đã làm ra chiếc la bàn đầu tiên, nhờ nó mà người ta định được phương hướng chứ như tôi lúc nầy trên trời nước bao la không biết hướng nào ở nơi đâu. Ban ngày tôi chỉ biết mình ở giữa biển nước của trùng khơi! Mặt đại dương sáng sớm tương đối yên lặng, mặt nước phẳng phiu như da thịt những cô gái đương thì. Tôi hít không khí ấy một hơi cho thật dài để lấy lại sinh khí cho một ngày chịu đựng nữa. Xong, với vài giọt dầu song thập cho cơn bệnh cảm của mình, tôi cố hít càng sâu càng tốt! Chúng tôi, những người đàn ông lên boang tàu ngồi lại hỏi nhau không biết đi tới đâu rồi, có ra ngoài hải phận hay chưa; rồi ngó ra xa xa để có thấy chiếc tàu nào hay không, ngại nhất là tàu sắt của hải quân biên phòng. Đã đánh liều thì “tới đâu thì tới”. Đi chỉ có ba con đường: Một là bị bắt, hai là chết, ba là tới bến bờ.
Sóng biển bắt đầu gợn khá nhiều, hơn ngày hôm qua. Có người nói: Hôm trước nghe thời tiết báo hôm nay và ngày mai có bão cỡ cấp 7 gì đó, không biết là có hôn. Mọi người cũng hơi lo, còn tôi thì cứ nghĩ sóng ở trong bờ mới lớn, dồn dập chứ còn ở tuốt ngoài nầy thì chắc có lẽ nó sẽ phồng lên xẹp xuống mà thôi. Chỉ lo ngại là gió to thì thật là nguy hiểm. Nghĩ thế chứ tôi cũng phải tính tới việc chìm tàu thì phải ra sao trong những phút cuối cùng ấy. Nghĩ thì nghĩ vậy chứ chẳng dám nói ra dù với bất cứ người nào. Người đi tàu họ không thích nói đến chìm giống như có lần tôi đi đò ở Bến Đò Trạm từ Tân Ba qua Bữu Long, có người họ nói sợ chìm đò người ta chửi quá trời! Sóng càng ngày càng cao, chiếc tàu được đưa lên cao rồi lại tuột xuống thấp. Ngồi nhìn mà nhớ lại ngày xưa khi còn nhỏ đi tắm suối: Những chiếc lá tre rơi trên dòng nước, nước cuốn lên cuốn xuống mà lá tre vẫn nổi trên mặt nước, không chìm. Với ý nghĩ đó tôi thấy chiếc tàu nầy bề nào cũng khó chìm hẳn vì nó làm bằng cây mà cây thì nổi trên mặt nước, có chìm chăng là bộ máy nặng thôi như vậy tàu cũng khó mà chìm sâu trong nước. Rất nhiều điều để tôi suy nghĩ, ngồi không nghĩ quẩn vậy mà! Hết nghĩ tôi lại nhìn sóng tưởng tượng chiếc tàu như ở trên bụng của một người bệnh đang hấp hối. Người bệnh hít vào đưa chiếc tàu lên cao, với hơi thở ra chiếc tàu bị tụt xuống thấp rồi nhấp nhô theo nhịp sóng thừa ở một nhịp độ nhẹ nhàng rồi bọt sóng lan tỏa ra để rồi làm theo một chu kỳ khác y như người sắp chết thoi thóp thở vậy. Buổi trưa nầy cũng được một chun nước cùng một vắt cơm để lót lòng cho một ngày. Những người dưới hầm không nghe nói chuyện ồn ào nào hết, thỉnh thoảng có vài người tới cửa hầm ngó lên, đột nhiên nước văng lên tung tóe họ lại thụt vào, người nào người nấy đều có vẻ bơ phờ mới chỉ có sau một ngày. Người ta bảo có thể đã ra ngoài vùng biển quốc tế. Nếu được vậy thì mừng một chút! Thằng nhỏ ngồi kế bên tôi nó nói có cái ông gì ngồi đội nón nỉ sùm sụp tối ngày, ngồi ở cánh cửa phòng lái mà ngó đâu đâu coi bộ buồn lắm! Tôi không buồn để ý vì trong lòng tôi cũng vậy thôi, biết bao mối lo, bao nhiêu điều suy nghĩ nhưng bây giờ lo cũng không giải quyết được gì vì ngay cái mạng của mình còn chẳng biết ra sao nữa là. Tới chiều sẫm tối, tôi đang ngồi nói chuyện với thằng bé cùng với vài người khác ở miệng hầm, đột nhiên thằng bé ngó lên rồi nó nói: “Chết mẹ rồi, thằng cha nầy xạo chết mẹ, tại sao mấy ông tài công để cho chả lái, không khéo đùn xuống biển hết cả đám bây giờ”. Tôi ngó lên thấy tay nầy lẻn vô đó hồi nào và làm sao hắn được giao cho lái chiếc tàu nầy, tôi nói: “Thôi thì thí cho số mạng vậy”! Chừng một giờ đồng hồ sau, hắn bị đuổi ra có người cho hay hắn muốn uống cà phê rồi vô đấu láo với hai ông tài công, không hiểu hai ông tin như thế nào đó để cho hắn lái, hồi lâu thấy hắn lái không đúng hai ông đuổi hắn ra. Từ đó hắn ngồi bên ngoài với tụi tôi, không còn được bén mảng vào trong đó nữa. Hắn nói hắn tên Kỳ, lúc đầu hắn khoác lác trước kia hắn là hải quân lên tới chức Trung tá, sau đợt bị đuổi ra khỏi phòng lái ấy hắn tuột chức còn là Thiếu tá không quân đi theo Nguyễn Cao Kỳ có đi học ở Hạm đội 7. Nghe thì nghe vậy, chứ thằng nhỏ nói về hắn không chừng đúng thực!
Đêm nay trời hơi lạnh, nhưng tôi và mấy người nữa nằm trên boong tàu mà ngủ, vì xuống dưới hầm vừa chật, vừa bị nước dơ tạt vào khó ngủ quá. Ngủ trên boong cũng phải lo thủ thế, ngủ mà tay phải vòng qua trụ thành tàu để rủi tàu có lắc lư mạnh cũng không văng xuống biển. Ngủ không yên giấc vì vừa sợ, vừa hơi lành lạnh. Tại sao những ngày qua gần như không ăn, uống gì nhiều thế mà lại không thấy đói hay là sợ quá mà cái đói khát hoảng hồn trốn mất chăng? Biển ban đêm yên lặng và sóng cũng chẳng là bao nhiêu chỉ nghe tiếng róc rách bên hông tàu. Khoảng hai ba giờ gì đó bỗng nghe xì xào vì phía trước xa xa có vùng ánh sáng sáng ở một góc trời. Người thì phỏng đoán là Singapore, người thì nói bừa của một thành phố, nhưng ai cũng hi vọng đến được bến bờ nào đó, nhưng tàu đi hoài cho đến sáng thì ánh sáng ấy cũng không còn thấy nữa. Chiếc tàu gỗ cứ lẳng lặng mà đi giữa biển nước mênh mông, thỉnh thoảng có những con cá bay không lớn lắm chúng phóng lên khỏi mặt nước xòe cánh bay một khoảng xa rồi lại chui xuống nước. Sóng hôm nay không còn to như ngày trước, bây giờ nhiều người ngồi trên boong tàu hơn, chúng tôi ngồi làm quen và tâm sự cùng nhau. Có người nói với tôi rằng: Nếu tui biết chú mầy trước, tui sẽ cho chú mầy đi không. Tôi xin cám ơn ý ấy, nhưng trong bụng tôi cũng còn ngờ ngợ, vì trong khoảng thời gian trước chuyện đi không tiền không là chuyện dễ dàng! Càng về trưa, nước biển lại có màu càng nâu đỏ như màu đá xanh mun mà chúng tôi ngày còn nhỏ đi theo đường trải đá kiếm loại đá màu ấy để khẻ đạn làm bi để chơi bắn cu-li (bắn đạn). Dưới ánh nắng chói chang tôi lại tưởng tượng tàu đi trên cánh đồng lởm chởm đá màu xanh mun. Có bóng chiếc tàu ở thật xa mọi người mong được tàu vớt, nhưng chỉ là mong ước thôi; tàu còn cách tàu gỗ nầy quá xa. Chiều xuống ánh sáng rực sáng đêm hôm qua càng sáng hơn nhưng cũng chưa ai biết đó là ánh sáng gì, người người lại bàn tán, phỏng đoán rồi cho là ánh sáng ma, tên Kỳ xạo lại nói là đóm sáng ở trên không. Tàu cứ đi, chúng tôi mấy người cứ xen nhau, nằm ngược đầu trên boong mà ngủ mặc dù ngủ không nhiều. Không biết bao lâu và lúc mấy giờ bỗng có tiếng ồn ào, người ta thấy lửa ở trên không thiệt, tàu cứ chạy về hướng đó. Có những ánh đèn hiện ra từng ô nhỏ, tàu lại chạy đến. Sau thì những ánh đèn tắt hết, rồi nghe tiếng máy nổ thì ra chúng là đèn của chiếc tàu lớn, người ta dời tàu đi để né tránh không phải cứu vớt chúng tôi. Gặp vài chiếc tàu nữa nhưng tất cả cũng đều làm như vậy. Cuối cùng tàu chúng tôi cứ theo hướng mình đi, không trông chờ gì nữa cả.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
19/09/2015.


No comments:

Post a Comment