Thursday, September 3, 2015

*H.T Chữ Nghĩa 22: Tìm Hiểu Vào Đạo Phật.



Như tôi trình bày trước: Những điều cảm nhận trong cơn mơ màng đó đã gây ấn tượng cho mình rất nhiều, khiến tôi không thể nào quên được. Vì vậy mà suốt thời gian dài tôi cứ lạ lùng về các điều ấy và cuối cùng, tôi quyết định phải đi tìm trong Kinh Phật để xem có giải đáp nào chăng? Dịp may cũng đến là bà chị đi làm chung đến chùa thường xuyên sau khi mẹ mất, chị tu học rất năng nổ; cũng nhờ đó mà những băng giảng của chị thỉnh, tôi được nghe “ké” (hùn) phần nào. Trong những cuồn băng chị cho mượn, có lẽ cuồn quan trọng cùng ảnh hưởng với tôi nhiều hơn cả là băng giảng: “Tương Quan Giữa Sống Và Chết” của thầy Thích Tâm Thanh ở Đại Ninh Lâm Đồng. Cuồn băng ấy hấp dẫn tôi bởi ba điều: Thứ nhất là do giọng giảng hơi vui vui, têu tếu; thứ hai Hòa Thượng lướt qua các kinh, các điểm chính yếu trong đạo Phật một cách đại khái để đề cập đến những cái chết, mà sau khi chết thần thức người ta vẫn tiếp tục làm những điều khi còn sống người ta đã ước nguyện; thứ ba nữa là điều giải thích ý nghĩa về trình tự của một buổi làm lễ trong chùa. Chính điều thứ ba nầy thôi thúc tôi đi vào chùa để tìm hiểu về một buổi lễ cũng là dịp để gặp gỡ bạn bè. Tất nhiên, trong những lễ lộc đều có bày những kinh sách lẫn băng giảng cho thỉnh, mỗi lần như vậy tôi thỉnh thêm một ít để nghe và đọc hầu tìm hiểu thêm về kiến thức đạo Phật của mình.
Sự kiện nầy tiếp nối sự kiện khác: Sau đó thì sự kiện đưa đẩy tôi hoàn tất và phổ biến bài “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp thiền” như tôi đã trình bày. Cứ ngỡ như vậy là xong nhiệm vụ mà vô hình cứ thôi thúc trong lòng của tôi. Thế nhưng không, sự kiện kế tiếp xảy ra khoảng một năm sau đó khi một vị tăng từ Việt Nam sang để thuyết giảng, vì Thượng Tọa Thích Thiện Duyên nầy cũng gần như cùng sinh quán với tôi, lại cũng là người thân cho nên tôi mạnh dạn đem bài “Thiền” ấy ra mà hỏi ý kiến Thầy xem bài ấy như thế nào, Thầy nhận định bài đó không có gì sai trái, tuy nhiên “nếu thầy biết Phật pháp thì bài nầy sẽ có ý nghĩa hơn nhiều, để khi về Việt Nam tôi sẽ kiếm cho thầy bộ Phật Học Phổ Thông của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa cho thầy đọc và nghiên cứu”. Tôi ngõ ý cám ơn Thầy trước. Sau vài ngày Thầy đi sang các tiểu bang khác tiếp tục cho chuyến hoằng pháp. Còn tôi lại bắt đầu mày mò lấy kinh nghiệm và một số Phật pháp mới vừa thu thập được bắt đầu cho bài viết mới về đạo Phật để gọi là tặng Thầy. Đó là bài “Nhân Một Câu Chuyện”, đây là cái tựa về câu chuyện của người trần gian để đưa đến một ý nghĩa đạo trong câu “Phiền não thị Bồ Đề” mà tôi từng nghe trong các phim kiếm hiệp Tàu khi tôi xem trong lúc nằm dưỡng bệnh. Do đó, bài nầy được đặt hai tựa: Một tựa cho đời ở trên, ở dưới là tựa hiểu theo đạo. Sở dĩ tôi viết bài nầy là vì ngày xưa tôi cũng như nhiều bạn bè khi nói đến người tu trong đạo Phật thì cứ nghĩ họ phải có căn tu, và người có nhiều phước đức lắm mới họa may tu thành Phật được; còn mình hình tướng xấu như thế nầy thì tu đến bao giờ mới thành Phật. Cho nên chúng tôi cứ dửng dưng như một người bình thường của trần gian, không màng đến đạo dù là đạo nào. Thế mà qua cơn bệnh, khủng hoảng tinh thần mới thấy sự buồn bã, phiền não khiến cho mình trở về với nội tâm của mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tức là “không thiền lại cũng giống như người hành thiền”, và từ ở đó tôi mới nhận ra rằng: Người tu đâu cần hình tướng tốt để dễ thành Phật đâu, đôi khi hình tướng xấu, đau khổ thôi thúc người ta quyết liệt tu để thành Phật được sớm hơn, hoặc từ bao nhiêu kiếp trước mình đã tu rồi chỉ còn kiếp nầy nữa thôi. Bài nầy tôi hoàn tất vào ngày 7/4/2001.
Xong bài đó, tôi in ra vài bản để tặng bạn bè coi chơi chứ không đem đến báo nào cả vì báo người ta làm ăn; vả lại, chủ báo là người khác đạo tôi nghĩ chắc người ta cũng không thích. Cho nên, tôi viết chỉ để tặng những bạn bè thân quen.
Từ đó, tôi thấy công việc làm nầy cũng hay hay, vừa viết để đúc kết những tìm hiểu của mình, đồng thời lại giúp cho bạn bè vài ý kiến trong việc tìm hiểu đạo Phật của họ. Thế là tôi tiếp tục bày tỏ ý kiến, thu thập trong bài thứ hai “Một định đề...”, tên đạo: (hay là: Tính Nhân Bản Và Sự Tự Do Trong Đạo Phật) để nói lên sự tin tưởng, theo đạo trong đạo Phật rất tự do tùy người thích, chứ không theo cái “kiểu giáo chủ, giáo hội đưa ra một định đề” để rồi bắt tín đồ tin vào đó và đương nhiên chấp nhận một tôn giáo; giống như trong một hệ thống toán học, trước hết người ta chấp nhận cái định đề, rồi sau đó chấp nhận toàn bộ hệ thống toán học. Nhưng một bên là khoa học và một bên là hệ thống tôn giáo; còn đạo Phật không như vậy, và đạo Phật cũng không có tính cách ép buộc, gò bó bắt tín đồ phải tin tưởng. Bài nầy viết xong vào ngày 10/4/ 2001.
Rồi đến bài thứ ba “Giống Như Trò Chơi...!” Tên đạo: (Hay là: Đạo Phật Là Đạo Của Tâm Thức Con Người) để đề cập đến con người vào trong trần thế hay cõi luân hồi như tham gia vào những trò chơi, càng ngày đi càng xa bờ và lặn hụp càng sâu vào biển khổ để một lúc nào đó tâm thức của mình bừng tỉnh và quay trở lại bờ. “Sự bừng tỉnh để quay trở lại bờ ấy” chính là sự Giác Ngộ của Tâm Thức con người vậy! Bài nầy tôi hoàn tất sau bài 2 chín ngày tức là vào ngày 19/04/2001.
Bài thứ tư: “Từ Thần Thoại Đến Tôn Giáo...” (Hay: Đạo Phật Là Một Ngoại Lệ) mang một nội dung phân tích về sự thành hình phần lớn các tôn giáo dù là đa thần hay độc thần cũng đều phát xuất từ những câu chuyện thần thoại. Khi con người chưa văn minh và chinh phục, giải thích được phần nào của thiên nhiên thì người ta tưởng tượng có những con người siêu nhiên cai quản hoặc sáng tạo ra những điều hiện hữu như trong những câu chuyện thần thoại nhằm giải thích hiện tượng bằng những câu chuyện thêu dệt hoặc vui chơi hoặc để kể chuyện. Nhưng rồi nhiều người thêu dệt xa hơn để biến thành những tôn giáo nhằm mục đích nào đó như đánh chiếm lấy đất đai của người khác mà cho đó là “đất Hứa”, hoặc nâng dân tộc lên hàng cao quý như là “Chúa chọn” chẳng hạn. Hoặc thực hiện đường lối sắt máu để bắt buộc mọi người phải theo đạo của mình bằng chiến tranh chinh phục. Họ sùng kính và bắt người khác cũng phải sùng kính như họ, không theo thì giết; còn đạo Phật thì không có lề lối ấy mà cũng chẳng phát xuất từ câu chuyện thần thoại nào cả mà đạo Phật đến thế gian nầy bằng sự Thiền định của một người: Đó là Thái tử Tất-Đạt-Đa hay Đức Phật Thích-Ca. Tôi hoàn tất bài vào ngày 08/07/2001.
Sở dĩ có sự cách xa như vậy trong khi tôi còn có ý tưởng cũng như đề tài, là vì từ đầu tháng 5 cho đến giữa tháng 6 tôi và vợ tôi phải làm một chuyến du hành cùng ba tôi đến những người cùng tộc họ ở trên đất Mỹ và một số ở Âu Châu vì lúc đó chuyện ba má tôi và người thân đó khó mà có dịp để gặp lại nhau cho đến cuối đời. Tôi viết bài 4 xong thì tới bài 5: “Một Sự Tình Cờ...!” (Hay: Cái Có Và Cái Không Trong Đạo Phật) sau tám ngày, trong bài nầy tôi muốn đề cập đến vấn đề “Có” và “Không” trong Đạo Phật qua những thí dụ mà tôi dùng hình ảnh để phân tích để cùng nhau có thể hiểu được cái có và cái không qua những nhận xét tình cờ khi tôi đi máy bay gần đến đất Mỹ. Bài đó cũng để đáp lại cho những ý tưởng của Phan Thiết, một người theo đạo Thiên Chúa nghiên cứu không rành đạo Phật mà viết sách “Hành Hương Đất Phật” để phỉ báng Đạo Phật. Đó là hiện tượng khởi đầu cùng với Giáo Hoàng John Paul II khi nhận xét về Đạo Phật đã gây nên phong trào lật tẩy vấn đề tôn giáo của những nhà trí thức có nghiên cứu về cả hai đạo: Phật và Thiên Chúa. Phong trào ấy kéo dài cả nhiều năm trên mạng cũng nhằm để thức tỉnh người đọc phân biệt được chính tà, khoa học và phản khoa học, tôn giáo chân chính và âm mưu tôn giáo. Tội nghiệp cho Phan Thiết, đường đường là một cựu Thẩm phán thuộc Tối Cao Pháp Viện trước kia mà phải mang tội “hồ đồ”, “ngu xuẩn” như thế đó mà lại tưởng mình “là một Đồ Chiểu của thời đại mới”! Từ trước, tôi chưa thấy có những tranh luận, phản biện về tôn giáo công khai dữ dội như trong khoảng thời gian nầy. Tôi viết bài nầy sau khi đã đọc quyển “Hành Hương Đất Phật” của Phan Thiết dọc theo chuyến lưu hành của mình. Và cũng khoảng đầu tháng 6 khi chúng tôi về đến Việt Nam, Thượng Tọa Thích Thiện Duyên có biếu tôi bộ “Phật Học Phổ Thông” của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên soạn như đã hứa trước. Với bộ nầy khiến cho sự “Tìm hiểu về Đạo Phật” của tôi có phần đậm đà và sâu hơn, song song vào đó tôi thỉnh thêm vài bộ Kinh nữa để nghiên cứu làm nền tảng cho những bài về sau.
Sau khi hoàn tất bài số 5, tôi dùng sức hiểu cùng kiến thức ít ỏi của mình về đạo Phật để phân tích “chất Phật” (tức Phật tính) ẩn hiện trong từng cá nhân, tùy theo căn kiếp của mình được bao nhiêu đó là bài “Sự Ôn Lại Cuối Cuộc Đời...” (Hay: Chất Phật Trong Con Người) mà nhân tố chính từ câu nói của Bà Mười (em bà nội) của tôi, cùng hiện tượng những người già thường thức sớm, ngồi uống nước trà, nhớ lại chuyện ngày xưa. Tất cả sáu bài nầy được tôi cố gắng viết với những câu, từ ngữ tương đối dễ hiểu nhất để người đọc có thể thâm nhập được, vì đạo Phật vốn là khó hiểu từ trước do sử dụng quá nhiều Hán tự, chữ Phạn qua âm Hán tự, cùng với tính chuyên môn của nó. Tất nhiên công việc nầy không phải dễ, nhưng tôi cố gắng được bao nhiêu thì được. Đôi lúc tôi cũng “giật mình”, vì tôi chỉ đi tìm một cái chìa khóa để giải mã cho điều tôi cảm nhận, nhưng khi tôi chưa tìm ra “chìa khóa” thì có những điều thu lượm được lại kết thành một chuỗi bài theo sau.
Hoàn tất xong bài “Sự Ôn Lại Cuối Cuộc Đời” (ngày 06/08/2001) thì tôi lại nhớ đến câu: “Hồi Đầu Thị Ngạn” không phải từ các Thầy thuyết pháp mà từ trong những phim chuyện kiếm hiệp của Hồng Kông mà tôi đã xem. Câu “Phiền Não Thị Bồ Đề” tôi đã viết thành bài ở bài số 1 rồi, nay đã đến lúc “Đừng Nghĩ Về Thời Gian...” (Hay: Hồi Đầu Thị Ngạn). Trong bài nầy có chút hơi hướng của “Phật Học Phổ Thông” vì tôi đã dành nhiều thời gian đọc ráo riết bộ nầy để mong kiến thức Đạo Phật của mình khá hơn, nhằm có thể hiểu được kinh điển dễ dàng khi tôi đi vào các Kinh. Cái viết của tôi trong lúc nầy có đều đặn thật, nhưng tùy theo thời gian vì ngoài việc trồng trọt, tôi còn viết các bài “Viết Cho Con” cộng với làm thơ, viết “Tào lao Thế sự” để nhằm ngăn cản bớt cường độ của những người “chửi lộn” trên văn đàn.
Trong giai đoạn nầy, thú thật tôi không biết nhiều về Kinh điển mà chỉ đem những cái hiểu biết ít ỏi về Đạo Phật (qua vài cuốn sách cùng những cuồn băng mình được đọc, nghe), cộng với sự nghiền ngẫm về cái thực tế đời sống con người qua “cái mà tôi cảm nhận được” trong cơn bệnh hoạn để đúc kết lại thành những bài nhằm giúp độc giả hiểu được ý nghĩa cuộc sống của chính mình nhiều hơn, hầu tìm ra một phương hướng thích hợp để có một cuộc sống an lành và tâm được an lạc, vui sống! Như vậy là việc “đi tìm” sự giải thích “hiện tượng” của tôi chỉ là mới bắt đầu! Mà người trang bị cho tôi “đôi chân” là Thầy Thích Thiện Duyên qua bộ “Phật Học Phổ Thông” của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Tất cả những bài trên chỉ được phổ biến, lưu hành bằng cách tryền tay cho nhau, chứ chưa gởi đến nơi nào, vì tính giới hạn của nó!

Nguyên Thảo,
04/09/2015.


No comments:

Post a Comment