Sunday, September 25, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (8)

 

Các lớp học vẫn cùng nhau còn ở Trường Cây Gòn, bây giờ có 2 lớp Tư và có thêm Cô Tốt. Lớp Nhứt học ở căn bìa phía trên. Chuyện không ngờ xảy đến cho tôi trong khoảng thời gian nầy làm cho tôi có nhiều bồi hồi về sau. Vốn là chuyện nối tiếp với chuyện ăn cháo trên bàn ăn cuối năm lớp Nhì năm rồi, từ khi câu nói của chị Liêu Tuyết được các bạn lưu ý mà tới lúc nầy mới sinh ra cớ sự. Trong vài tuần đầu rất bình lặng. Đùng một cái tôi đang chơi với mấy bạn trong giờ ra chơi, bỗng dưng vài bạn lại đến gần bắt lấy tôi lôi đi, tôi vùng vẫy nhưng không thoát ra được. Họ lôi tôi đến chỗ, chỗ nào bạn biết không? Đến chỗ mà các chị nữ cũng đang lôi Băng Tâm, rồi đẩy hai đứa chúng tôi lại với nhau. Hai đứa chạy ra thì hai nhóm lại cố bắt chúng tôi lại gần nhau. Mà ngày nào cũng như ngày nấy, khiến quần áo xốc xếch, mồ hôi nhuễ nhại họ cũng chẳng chịu tha. Cứ thế mà hết giờ ra chơi, đến khi tới giờ học thì thôi. Quả là tôi và Băng Tâm trở thành vật chơi của hai nhóm nam và nữ trong lớp. Riết rồi tôi trở nên sợ sệt, cứ ra chơi là tôi đi tiểu xong không dám tới sân trước, chỉ ở sân sau chơi với một hai bạn vốn trầm tính. Thế mà họ cũng đi kiếm bắt tôi lôi về sân trước, tiếp diễn cái màn trước kia. Cuối cùng tôi đành chịu thua, họ bắt thế nào đành chịu, không đủ sức kháng cự và trở thành trái banh để họ làm trò vui trong suốt những giờ ra chơi. Không biết chuyện xảy ra trong bao lâu, thì bỗng dưng một ngày nọ, đang trong lớp học chị Liêu Tuyết đưa cho tôi một vật gì đó, tôi cầm và hỏi chị: “Cái gì vậy?”. Chị không trả lời mà chỉ nói: “Băng Tâm đưa”. Mở nắp ra, bên trong là vật gì tôi không biết mà nó màu đỏ hụt sâu ở dưới. Tôi không biết làm sao đẩy nó lên để xem vật gì, nhưng cũng hiếu kỳ lấy móng tay móc một miếng trao cho hai thằng bạn kế bên để coi chơi. Xong đưa lại cho chị Tuyết. Thêm một ngày kia, trước khi vào học tôi quay kẹo kéo trúng được cái kiếng soi mặt nhỏ, liền để phía trưóc trên bàn học chơi thì ở bàn trên Băng Tâm lại lấy cái kiếng soi gương lớn cũng để trên bàn. Tôi thầm nghĩ: “Tâm dạn quá! Trong giờ học mà dám làm như vậy?”. Tự dưng từ những việc ấy khiến mình có một sự trìu mến nho nhỏ nào đó nẩy nở trong lòng. Sau đó không lâu ba gian phòng học được xây trên khu đất mới trên sân banh đã hoàn thành. Lớp chúng tôi được dời lên trên đó cùng với lớp Tư của Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Tâm ở kế bên. Từ khi lên trên trường mới, tôi thoát được tình trạng bắt cóc của bạn bè vì sân trường tương đối bao la, và cùng xúm nhau lo học hành để chuẩn bị cho mùa thi cuối năm. Vả lại lớp Tư của Thầy Tâm Hiệu Trưởng kế bên lớp tôi. Chắc nhờ đó mà các bạn không dám bắt tôi và Băng Tâm lại gần nhau nữa. Nhưng rồi tự dưng tim của thằng bé tôi trở nên hồi hộp hơn khi gặp Tâm, không biết đó có phải là tình yêu đầu đời của tôi không? Nhưng từ lúc ấy chúng tôi không hề nói chuyện với nhau và gặp nhau thì lẫn tránh, cả đến 4, 5 năm sau cũng thế, cho đến một ngày nàng thoát ly!

Với những tháng ở trên trường mới, lớp chúng tôi có thêm mấy người mới từ Ngã Ba Nhà Thơ vào học. Hai anh em của Tân và Thời được cha mẹ chở tới. Anh em mặc quần soọc, mặc áo sơ mi trắng ngắn tay, mang giày săn-đan, tóc chảy gọn gang, mặt mài sáng sủa, lại trắng trẻo đẹp trai. Không biết các bạn thế nào chứ tôi thấy thì thích lắm, chẳng biết phải con nhà giàu không mà nhìn thì có vẻ thuộc con nhà quý phái. Không lâu có anh Thủy cũng đẹp trai không kém, anh hơi lớn tuổi, người cao, nói năng chững chạc, chúng tôi mến lắm. Nhưng vì anh lớn nên ngồi ở bàn chót, phía trong mà không biết cô có chú ý anh điều gì không, hay là tình cờ khi giảng bài cô hướng tầm nhìn về phía sau. Bạn bè cứ kháo nhau là cô hay nhìn xuống anh Thủy, thế rồi mấy bạn ngồi ở phía sau cứ ghẹo anh Thủy hoài: “Ê Thủy, cô ngó mầy kìa!”. Lâu ngày khiến anh mắc cỡ quá, đành thôi học. Không biết anh nghỉ ở đây mà có đi học chỗ khác hay là nghỉ luôn. Quả thật là ác! Rồi có một hôm có tin đồn cô Ngọc mất cây viết gì đó mà có giá trị hơn ngàn đồng khiến cô khóc quá chừng!

Hàng ngồi: Hờ,(x),Kiều, Khởi, Mới, Băng Tâm, Phượng, Cô Vũ Thị Hồng Ngọc, Trung, Ru,Tôn, Thạch B, Bạn, Tân

,Lực, Em, (x). (Đứng1): Thoại Hoa, Tâm, Tuyết, Mây, Thay, Mướp, Tướng, Nghĩa, Năm Lê, Gắt, Năm Nguyễn, Cờ, Đức, Tộ, Sơn, Gõ. (Đứng 2): Thạch A, Huệ, Mon, Sợi, Mười, Tự, (x), Tùng, Huynh, Gia, Son, (x), Chi, Sương. (Hai bạn phía sau) Thủy, Tư. (x) là không nhớ rõ tên, có thể là Ten, Ớt, Em Úng.


Và rồi tình hình an ninh bắt đầu có triệu chứng không được bình ổn, như báo hiệu trước những cái khó khăn xảy đến sau nầy. Vào một tối kia trên rạp hát cận hàng rào của đồn đã có vụ ám sát bắn chết ông Một Chồi, tức là Thiếu Úy Chồi người Trưởng đồn ở đây. Ông đi ra rạp hát chơi, khi trở vô vừa đến ngỏ vào đồn thì bị người nào đó đến gần nổ súng và chạy biến mất. Từ đó người đi coi hát cũng trở nên dè dặt và gánh hát cũng sợ ít về hơn. Và sau không lâu thêm hai vụ bắn chết người nữa, báo hiệu cho tình hình an ninh thêm nhiều rắc rối.

Cuối năm, trong cuộc thi xếp hạng, thì lại có cái thông báo đặc biệt là những ai từ hạng nhất đến thứ hạng 32 không phải thi lại bằng Tiểu học, còn từ hạng 33 trở lên thì phải thi. Xui cho Thạch B. Nó ngay hạng 33 thành ra nó không được miễn thi. Còn tôi khi trưòng đòi nộp giấy “Lên Án Thế Vì Khai Sanh” để làm hồ sơ dự thi thì ba tôi đã khai như cũ tức là năm 1949, chứ không phải là năm 1948 khiến tôi gặp rắc rối. Tôi tưởng mình sẽ mất đi phần miễn thi Tiểu Học, đồng thời sẽ không được thi tuyển vào lớp Đệ Thất Trường Công Trịnh Hoài Đức.  Tôi lo lắm, vì ngày xin nhập học mấy năm trước tôi đã sửa năm sanh trong giấy Khai Sanh mà tôi không có nói với ba, và không có báo với xã nên đã xảy ra tình trạng nầy. Mà nếu tôi không sửa thì giờ nầy tôi chỉ học ở lớp Nhì chứ đâu phải là Lớp Nhất!

Sở dĩ Khai sanh được gọi là “Lên Án Thế Vì Khai Sanh” là vì chúng tôi sanh ra trong thời chiến tranh, lúc đó vì muốn hủy các hồ sơ, giấy tờ trong các làng xã, nên kháng chiến đốt phá các trụ sở ở làng, hay là do tai nạn chến tranh mà làng xã bị hư hại, cháy thành phần lớn sổ bộ hộ tịch không còn, vì thế khi đi học, không có giấy tờ nên phải xin giấy khai sanh tạm gọi là Thay Vì Khai sanh, đợi chờ đưa ra tòa án trên Tỉnh, khai trước ông Chánh Án để được chính thức nên gọi là “Lên Án Thế Vì Khai Sanh”. Thông thường, bậc cha mẹ nghĩ rằng khai tuổi đúng thì trẻ con đã lớn mà học lớp lớn sợ con học không nổi, vì vậy thường khai thấp tuổi xuống một tuổi, cộng với tuổi ta (là tuổi mới sanh ra đã tính một tuổi) một tuổi nữa là hai tuổi, còn ngày thì có người quên, có người nhớ, nhưng vì những người làm chứng trước tòa đa số lớn tuổi nên không thể nhớ nhiều vì vậy khi phải “Lên Án” một lần hai ba đứa con, cho nên ngày sanh cũng biến hóa làm sao cho người làm chứng dễ nhớ. Do đó, ngày tháng năm sanh các khai sanh của bọn chúng tôi thời đó ít có đứa nào đúng theo tuổi thật của mình. Không những tôi đã gặp trường hợp như vậy, mà còn thêm chuyện tôi sửa năm sanh khi bắt đầu ghi tên nhập học. Giờ tôi phải chịu hậu quả! Sự cách biệt trong giấy khai sanh của tôi là giữa năm 1948 và 1949, nhưng chỉ có 9 ngày thôi vì so cuối năm 1948 với 9 tháng Giêng thì chỉ có 9 ngày nên cuối cùng tôi được miễn và phải làm một cái đơn “Xin Miễn Tuổi”. Thật hú hồn! Xém chút nữa tôi phải ở lại học thêm một năm nữa! Nhưng rồi năm đó với kỳ thi vào lớp Đệ Thất Trường Trung Học Công lập Trịnh Hoài Đức tôi bị rớt, luôn cả ngoài danh sách dự khuyết. Đậu thực thụ có Nghĩa, Cờ, và tôi không nhớ được có còn ai nữa không. Hai lần tôi học cũng không tệ, nhưng khi thì bị rớt nên tôi nghĩ về sau không nên học giỏi nữa, tôi chỉ làm cho Thầy Cô thất vọng mà mình cũng ê chề!

An ninh chung sau những vụ ám sát chết người thì càng ngày càng bất ổn hơn, không phải ở xã của tôi không mà còn ở nhiều nơi. Rồi một đêm có tiếng loa kêu đồng bào đánh thùng thiếc, gõ mõ lên. Lúc đầu người ta cũng đánh lên rùm trời, nhưng rồi có vài tiếng súng nổ, người ta hoảng hồn không đánh nữa và kiếm chỗ chun trốn, những người nào còn hầm thì chun hầm. Và lâu sau tiếp theo là tiếng chó sủa cũng bị lưu ý, bị tai họa nên dân chúng đành giết chó, không nuôi nữa và đời sống bắt đầu trở lại lo lắng cho một cuộc chiến tranh khác tiếp theo.


Nguyên Thảo,

26/09/2022.




No comments:

Post a Comment