Sĩ số lớp khoảng chừng 60 trong đó đám
từ Tân Khánh cũng được mười mấy người như Nguyễn Ngọc Thạch, tôi, Trần Tấn Lực,
Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thị Kim Phụng, anh Nguyễn Văn Năm, chị Nguyễn Thị Thay,
chị Mướp, Phạm Văn Chi, Phan Văn Son, anh Sợi, Tộ. Đa số đến từ Trường Tiểu Học
Tân Ba như chị Nguyễn thị Thu Hồng, chị Bạc, Thêm, chị Hoa, Bằng, Huỳnh Như Ý,
chị Út, Mã Thị Kim Huệ con Thầy Mã Sấm; còn bên trai là Nguyễn Ngọc Báu, Đỗ Hữu
Tài, Nguyễn Ngọc Thành, Trí. Bên Tân Hạnh có Mai Văn Hổ, Đặng Văn Sính, Phan Thị
Lai. Ở tại Tân Uyên có Trương Văn Bưu, Huỳnh Văn Siêng, Tô Công Tâm, hai chị Huỳnh
Thi Hoa, Huỳnh Thị Hường. Phía bên cù lao 6 xã có anh Nguyễn Văn Thông, chị Sương,
Phú Thị Thơm. Và một số lớn tôi không biết quê ở đâu như Chị Phán, Chị Phúc, Nguyễn
Văn Vàng, Tống Văn Hỏ, Lý Hoài Đường, anh Ni, anh Đi, Thành, Nguyễn Văn Công, anh
Nước, Tân Hòa Tân Tịch có anh em Đoàn Văn Thành, Đoàn Văn Huệ; ngay cả anh chàng
người Bắc có tên là Ngô Hạnh Thi khi dự thi ngồi chung với mấy cô con gái và một
người nữ đặc biệt từ Sài Gòn lên là chị Mỹ Duyên. Riêng tôi thì kỳ nầy lép vế
do vì khai sanh mà lên bậc Trung học tôi đã trở thành Thạch B chứ không phải là
Thạch A như thời Tiểu học. Thôi thì tại vì mình nhỏ hơn nên đành chịu thiệt vậy!
Mỗi ngày chúng tôi lần lượt từ các phương hướng đến trường, người thì đi bộ, người
qua đò, người đi xe đạp, nhưng nhóm nữ Tân Ba lên đến trường bằng một chuyến xe
lam mà Thầy Tổng Giám Thị là trưởng nhóm, trông thú vị ra phết! Còn Long, Phụng,
Thạch, tôi thì lon ton xách tập đến trường bằng đi bộ vì trường không xa lắm! Ở
đây, bọn Tân Khánh chúng tôi có gặp lại Thầy Khuê, là Thầy ngày trước có về trường
Tân Khánh cùng với các Thầy Viễn, Thầy Liệu, Thầy Di ca hát cùng nhau trong thời
Thầy Hòa, Thầy Trọng. Không biết Thầy về đây tự lúc nào và Thầy đang phụ trách
lớp Nhứt. Từng buổi sáng sớm thấy Thầy đã tập parafix được dựng lên trong cái Học
Đường viên của Trường Tiểu Học Uyên Hưng. Thầy tập rất hay, Thầy quăng mình quay
tròn lên xuống cái xà ngang ấy chứ không riêng là chỉ rúc lên, thả xuống. Thầy
mướn chỗ trọ ở phía sau dãy lớp học dài của Trường Tiểu học, nên cũng gần. Có lúc
chúng tôi hỏi Thầy nhưng chắc Thầy không nhớ, Thầy hỏi, chúng tôi nói học trò
trường Tân Phước Khánh, nhưng Thầy cũng không biết mấy vì Thầy chẳng có dạy chúng
tôi.
Còn hai Thầy Trần
Văn Khánh và Tạ Kim Anh lên đây thì ở trọ nhà Bác Tô Văn Trên, tức là ba của Tô
Công Tâm, Tô Công Tước. Được biết gia đình Bác là người thân của nhà văn Bình Nguyên
Lộc. Tôi không rành chuyện đó, nhưng nhớ lúc trước khi các Tỉnh tổ chức bầu cử Dân
Biểu Quốc Hội, Bác có ra ứng cử cùng với Ông Thái Mạnh Tiến, nhưng trong kỳ đó Thái
Mạnh Tiến đắc cử. Thấy Bác thường hay lái chiếc xe Traction màu đen chạy về hướng
Biên Hòa hay Sài Gòn gì đó mỗi tuần và nhà máy đèn cung cấp điện cho toàn quận là
do Bác làm chủ. Nhà Bác có trồng loại hoa giống như trái tim về sau tôi mới biết
tên nó là “Tigôn” như trong bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn” và giàn trái gì đó khá
lạ, bông nhìn đẹp lắm mà người ta gọi là dưa Tây. Hai Thầy ở đây cũng siêng năng
tạo ra sân vũ cầu để bọn học trò chúng tôi cùng làm cùng chơi, ai thích thì có
thể đến tập luyện chơi với mấy Thầy nếu đông quá thì ai thua ra để người khác
thay vào. Tôi và Thạch, Long thỉnh thoảng tham gia vào khi Phụng muốn đến nhà
chị Hoa, chị Hường chơi vì nhà hai chị chỉ đối diện với nhà của Bác Tô Văn Trên.
Nhà Bà Út đối diện
với sân banh thuộc ấp Gò Đậu của xã Uyên Hưng. Sân banh là khoảng đất bằng cao
hơn phía trước được san bằng để đá banh, hay chạy đua, điền kinh còn phía trước
gần đường được tráng xi-măng giống như là sân để chơi bóng rổ hay bóng chuyền.
Kế đó là khu rừng tre mà chiều nào cò cũng về đậu đầy trên những cành cây để ngủ
cùng với màu trắng và tiếng kêu thật vui tai. Sau đó là con đường vòng chạy bọc
sau khu trại lính để đi về hướng mà người ta nói là Tân Hòa, Tân Tịch. Còn về đầu
trên của sân banh là nhà của Chú Tư, Ông Bà Năm kéo dài lên tới Cầu Ông Hụ rồi
lưa thưa dần cho gần tới dốc Bà Nghĩa. Phía bên ruộng thì từng nhà cũng dài như
thế từ trong chạy ra qua nhà Bà Út đi tới nhà Bảo Sanh Song Long, rồi đến nghĩa
địa. Kế đó còn vài nhà nữa thì đến ruộng. Theo cách nhìn của tôi thì con đường
từ Tân Ba lên lúc trước có lẽ chạy dài theo sông lên tới các vùng trên băng qua
Tân Hòa, Tân Tịch, tới gần Chi Cảnh Sát Quốc Gia có con đường chạy lên Phú Giáo
gọi là Tỉnh lộ 16, nhưng người ta làm khúc đường cong khác nối từ chỗ nhà Thương
Tân Uyên qua khu rừng tre băng qua ruộng, rồi mở đường mới vòng qua trại lính để
đến khu Tân Hòa, Tân Tịch. Và khúc đường cũ, tức khúc đường trước Trường Tiểu học
Uyên Hưng, Trụ sở Quận băng qua Chi Cảnh Sát bị đóng lại, làm nơi nghỉ ngơi hay
các chiến xa sau cuộc hành quân về đậu, trước khi đi tiếp cho một cuộc hành quân
mới. Thuở đó bên hàng rào trường nhiều đoàn quân về đóng, nghỉ ngơi, nấu ăn rất
đông vui, từng đợt rồi từng đợt. Lúc đầu, trong những đoàn quân ấy có nhiều người
lính Nùng (tức người Nùng ở biên giới Việt-Hoa đi lính được đưa vào trong Nam theo
Hiệp Định Genève năm 1954). Mấy ông ấy nấu ăn rất nhiều nước mắm hay muối, bọn
học trò chúng tôi hỏi mấy ông nói đùa: “Ăn như vậy cho chắc da chắc thịt, đạn bắn
không lủng”. Và trước khi đi hành quân mấy ông đốt nhang nhiều lắm, từng bó từng
bó cột trên đầu súng, khói bay mịt mù. Chắc do mở khúc đường như vậy mà khu phía
trước trường học lại là vũng nước hình tam giác rất to, không có trồng trọt. Còn
khúc đường cong thì cao lên cỡ gần 2 mét. Tại bìa đường ở góc vũng trước trường
học có cây gì lá rất to mà bông thì lại giống bông bằng lăng cũng màu tim tím, đo
đỏ. Tôi nói với mấy bạn: “Cây gì kỳ vậy?”. Có đứa biết nó nói: “Đó là cây giá tị,
người ta nói cây đó để làm báng súng, nó nhẹ mà bền lắm!”. Thế là từ ngày lên Tân
Uyên nầy tôi biết được hai thứ cây: Cây bàng, cây gíá tị, rồi hoa ti-gôn lẫn một
loại dưa tây; nhưng chưa đâu tôi lại còn thấy “hoa phù dung” sớm nở tối tàn nữa
cơ! Cây hoa phù dung ấy được trồng ở bên hàng rào bên hông của nhà Bảo sanh Song
Long, thực vậy bông nó cánh mỏng, dáng đẹp, sáng nở và màu sắc rực rỡ theo giờ
giấc nhưng đến chiều tối đã tàn. Và cây ngâu có trái võ cứng, bên trong ruột mềm
the the, mật như keo mà người ta nói ăn trái đó chữa được bệnh nhức đầu đông mà
bên nhà Bà Tư, kế nhà Bà Út, có trồng một cây. Rồi thêm trái keo của những cây
keo được trồng làm hàng rào lẫn trái me ngọt của nhà Chú Tư phía trước. Còn bên
hông sân banh cho tới suối là rừng thưa và là nghĩa địa. Hơi xuống dưới một chút
nữa là một vườn xoài khá tốt tươi dọc theo bờ suối có dòng nước mát lạnh.
Nguyên Thảo,
26/11/2022.
No comments:
Post a Comment