Lớp học sinh hoạt đều đặn với ba Thầy, nhưng chỉ vài tuần Mai Văn Hổ nghỉ không biết về học trường tư bên
Biên Hòa hay nghỉ luôn (bạn bè thường ghẹo: “Cọp đã xa rừng!”); sau đó tới Ngô Hạnh
Thi, có lẽ vì ở đây khá bất tiện nên trong mấy ngày đầu chàng ta đã than van rồi.
Ngô Hạnh Thi nghỉ không có gì là lạ, nhưng không biết có xin chuyển về trường
khác được không, còn nếu về học trường tư thì quá dễ! Có một hôm trong giờ Vật
Lý Thầy Kim Anh có làm một con cá bằng giấy vẽ cũng khá đẹp, treo trên môt cái
cần, và làm một cái que, đố trò nào đưa cái que chọt trúng con mắt con cá Thầy khen
hay. Ai cũng chọt hoài mà không trúng, cứ đưa tới gần là con mắt nó lùi xa ra.
Khá lâu Thày đố tại sao? Cả lớp ngơ ngác, không biết. Còn trong lúc lớ ngớ tôi
vụt thốt lên: “Nam châm đẩy”, tôi chỉ nhớ mang máng cái hiện tượng ấy thôi! Nhưng
Thầy Anh nói: “nam châm gì mà nam châm đẩy?” Tôi cười, Thầy bảo: “Sao mầy cười
gớm thế!” làm tôi mất hứng! Thì ra, Thầy giải thích đó là hình thức của nam châm,
con mắt của cá là một cực của nam châm, còn cái que thầy làm nó cùng cực với mắt
cá nên khi đưa que tới gần mắt cá, thì nó đẩy mắt cá xa ra do nơi chúg cùng cực.
Nhưng khi Thầy cầm que chọt mắt cá là Thầy đẩy một que khác khác cực trồi lên,
tức là trong que đó có hai sợi sắt được tạo thành nam châm quấn chung với nhau,
nên khi để gần, que hút mắt cá vào vì vậy Thầy thì chọt trúng mắt cá, còn chúng
tôi thì không! Thầy Khánh thì có vẻ đạo mạo, nghiêm hơn nên đa số học trò chúng
tôi ngán thầy hơn là Thầy Anh, cũng chính vì lẽ ấy mà tôi ít khi đến nhà của Tô
Công Tâm để đánh vũ cầu ở đó. Thầy Khánh dạy Văn rất hay, hấp dẫn chúng tôi nhiều!
Thầy có một cái tật khác hơn mọi người. Thầy thích xem báo lắm, mỗi sáng thường
mua một tờ báo, nhưng cái ngộ của Thầy là đi đường mà Thầy mở tờ báo ra xem, vừa
đi vừa xem như thế đó mặc dù Thầy đeo kiếng cận khá cao, thế mà chẳng có làm
sao, vậy mới hay chứ! Còn Thầy Mã Sấm cho bọn chúng tôi những căn bản Tiếng Pháp
đầu đời, có lúc Thầy kể chuyện giày và ống quần cho chúng tôi nghe thật lý thú.
Thầy kể: “Đôi giày thì ngày xưa người ta đóng mũi gót đều bình thường, xong thời
gian sau người ta muốn cái đế cao hơn để đi đất không dính tới lai quần và cái
mũi hơi nhọn ra để giữ lai quần cho sạch sẽ. Lâu sau, thấy mũi dài hơi nhọn người
ta không thích lại xén ngang, mũi hơi bằng phía trước, rồi lâu ngày nữa thấy chẳng
hay lắm, người ta lại làm như cũ, nó cứ thay đi đổi lại mình cứ tưởng là mới, nhưng
nó chẳng mới chút nào. Cái quần cũng thế! Ngày xưa may thường để mặc kín đáo,
thoải mái, thế rồi tới lúc để gọn hơn và khoe bắp thịt nó bắt đầu túm vô giống
như hình mấy ông kiếm sĩ đánh kiếm, rồi khoảng thời gian sau từ đầu gối trở xuống
người ta may loe ra cho nó xoay xoay, lắc lắc có vẽ đẹp hơn. Rồi có lúc lại trở
về bình thường. Còn dưới ống chỗ lai quần khi thì phía sau dài hơn phía trước để
che gót giày, có khi người ta may phía trước dài hơn phía sau để che phần trước
của giày, cứ bao nhiêu đó mà thay đổi tới lui tùy theo thời gian và thời thượng.
Đúng là kinh nghiệm của người lớn tuổi!
Mấy người con của Bà Út đều là những phu cạo mủ
trong Sở Kẹc-bay nào đó gồm có hai Bác Hai Bực, hai Bác Sáu Bùng, hai Bác Bảy và
Cô Út. Thỉnh thoảng Cô Ba có về thăm Bà. Có những ngày rảnh rang, khí trời hơi
nóng nực, Bác Sáu rủ đi tắm suối. Lần đầu tiên, Bác dẫn chúng tôi đi về phía
trong hơi xa, qua khỏi cầu Ông Hụ, tới cái ngã ba đường đất tráng đá đỏ quẹo theo
đường đó đi về phía đồng ruộng, băng qua vài đám ruộng đến bờ suối hơi trống trải
đó gọi là Bến Ông Quận. Nơi nầy nước thật trong, mát, không có rong. Bên kia suối
có cái nhà giống như là cái đình, có ít nhà ở đó, người cũng ít khi xuất hiện.
Rồi có lúc Bác dẫn đến bãi tắm khác gần hơn, chỉ đi đến bìa Đình Uyên Hưng là có
con đường mòn đi xuống suối. Bãi tắm nầy có mấy cây dầu cao người ta gọi là bến
Cây Dầu, nước trong, hai bờ hơi hẹp nên nước chảy mạnh hơn, có ít cây cỏ mọc dưới
mặt nước trông cũng vui, nước vẫn xanh mát, trên bờ có nhiều bụi tranh làm cho
bến có vẽ hoang sơ, thơ mộng hơn với gió vi vu, lao xao của lá dầu. Rồi có hôm
Bác lại đưa chúng tôi đến bến gần vườn xoài băng qua góc sân banh đi sâu xuống
phía dưới. Bến nầy tương đối vắng, một bên bờ khá cao, còn bên nây thì thoai thoải,
nhiều đất đá. Con suối nầy hình như từ bên phía cánh đồng ở phía sau nhà Bà Út
mà ở bìa rừng bên kia chảy vòng theo đó mà lần ra sông mà những bến như Bến Ông
Quận, Bến Cây Dầu, hay Bến Vuờn Xoài đều nằm dọc theo con suối nầy. Với những bến
ấy là những nơi chúng tôi về sau thường hay đi tắm rửa nếu không muốn tắm ở nhà.
Một ngày nọ, nhân
ngày nghỉ lễ, Bác Sáu rủ muốn đi chơi không, đứa nào muốn đi cạo mủ thì theo Bác.
Thế là bọn chúng tôi hiếu kỳ muốn biết cạo mủ ra sao xin đi theo. Sáng sớm chừng
khoảng 3 giờ sáng là phải thức dậy lo dở cơm nước theo. Trời còn tối thui, chúng
tôi cố đạp theo mấy Bác. Có chỗ tôi cố đứng lên đạp theo mà sao vẫn nặng đạp,
khi mọi người xuống xe để đẩy thì tôi ngừng đạp, vừa bước xuống lại bị té. Xong
đẩy lên một khoảng rồi mọi người lên xe cưỡi đi tiếp. Không xa lắm đã tới nơi, chúng
tôi đợi mấy Bác đi lấy đồ đạc từ dao cạo đến những thùng đựng mủ, rồi theo Bác
Sáu đến lô mà Bác cạo. Còn mấy Bác khác đều đi riêng để đến lô cạo của mình. Dưới
ánh đuốc Bác cạo từng cây nầy sang cây khác, chúng tôi chỉ đẩy xe đi theo để
coi. Trước hết Bác gỡ lấy mủ đông đặc trong chén, rồi gỡ mủ trên đường cạo lần
trước, xong mới cạo lằn mới nằm trên đường cũ, chỉ cạo lớp võ thôi thì mủ lần
chảy ra. Cứ thế mà cạo từ cây nầy đến cây khác cho hết số cây của mình. Đến lúc
đó trời cũng đã sáng rực lên rồi.
Xong chúng tôi
ngồi cùng nhau uống nước trà, hay cà phê mà nghe chim hót, nghe cái lành lạnh của
núi rừng dù đây là rừng cao su, và trò chuyện. Rồi khoảng chín giờ hơn Bác Sáu đẩy
xe đạp đi trút những mủ trong chén vào mấy cái thùng mủ treo hai bên ba-ga của
cái xe đạp. Khi trút mủ xong Bác đem ra chỗ để để xe cam nhông đi gom mủ trút vào
thùng lớn mà chuyển về nhà mủ lo việc chế biến. Đó là xong một buổi sáng. Bác Sáu
cho biết là mỗi người có hai lô để cạo. Hôm nay cạo ở lô nầy thì mai đi cạo ở lô
khác, rồi mốt quay lại lô nầy, cứ vậy mà xoay vòng. Một năm có mấy tháng nghỉ vì
khi đó cây cao su rụng lá sẽ ngưng cạo vì cạo cây sẽ chết. Còn đường cạo mà xuống
quá thấp, thì phải cạo lên trên trở lại tức là lúc ấy phải mở một đường mới, khác
bên với đường cũ, còn đường cũ để cho cao su lành da trở lại. Tạo rãnh mới để cạo
gọi là “mở miệng”! Như vậy là bọn học trò chúng tôi học được cách cạo mủ cao su
ở ngoài “lô”, và sau nữa, vào buổi chiều lại học cách ở trong nhà mủ, tức cách
chế biến mủ. Sau khi ăn cơm, nghỉ ngơi xong là đến giờ làm việc, mọi người vào
công việc của mình. Chúng tôi có dịp đi theo để coi. Mủ cao su khi xe cam nhông
đem về nhà kho trút vào một hầm, không biết họ pha như thế nào mà nó đông đặc
theo từng miếng nhỏ theo khuôn. Từ khuôn ấy người ta lấy ra để đưa lên bàn cán.
Bàn cán là những trục theo dây chuyền được cán từ cỡ còn dầy đến mỏng hơn, đến
trục vừa đủ cỡ thì đi qua một trục có hình thoi hay hình ô nhỏ để qua các trục đó
thì tấm mủ đã hoàn thành rồi, chỉ việc chất lên những khung đưa vào nhà sấy, nhà
xông gì đó làm cho mủ chín đi. Những tấm mủ chín chỉ còn việc đóng bành rồi đưa
đi bán, thế là xong! Nước thải từ nhà mủ thải ra thật là hôi, khó chịu vì vậy
khi chúng tôi đi học ngang qua nhà mủ của sở 49 thì nghe mùi hôi là lý do đó!
Chiều về tôi mới để ý nơi tôi té hồi hôm là một dốc cao mà Bác Sáu nói: “Đó là
dốc Bà Nghĩa!”.
Nguyên Thảo,
11/12/2022.
No comments:
Post a Comment