Saturday, April 4, 2020

*Đi Nga. (7)



Xe lửa chạy nhanh qua các cánh đồng chưa được khai phá cũng như các khu rừng, rồi những hồ, sông nước. Tôi cố nhìn để xem coi có tàn tích của những nông trường (Sovkhoz) theo dọc đường hay không, nhưng thỉnh thoảng chỉ có vài nhà máy chế biến gỗ lèo tèo mà không biết là sử dụng kỹ thuật máy móc hay còn bằng sức người, và không biết nó là của tư nhân hay là Nhà Nước? Còn những Hợp Tác Xã nông nghiệp (Kolkhoz) chắc giờ nầy tan rã cả rồi vì thời gian từ lúc Liên Xô sụp đổ đến nay cũng là gần 30 năm. Có những xóm làng quê mà nhìn qua cửa sổ của xe lửa thì cũng chẳng có gì là nổi trội để đánh giá thành quả vượt bực của Liên Xô đối với nông thôn, mà lại giống như những nơi nông thôn còn nghèo nàn, không biết cái nhìn của tôi có đúng không hay là tôi chỉ nhìn được vào cái khía cạnh tiêu cực thôi! Nhưng tôi nghĩ có thể đúng một phần nào, nếu nó đã tiến bộ, kết quả thật cao thì chế độ Cộng Sản ở Liên Xô và Đông Âu đâu bị sụp đổ. Nếu Xã Hội Chủ Nghĩa tốt đẹp, đem lại công bằng, hạnh phúc cho người dân thì sau khi sụp đổ các nước đó đã quay lại chế độ cũ rồi. Đàng nầy thì không! Như vậy con đường đi lúc trước đã là một sai lầm rất lớn. Lúc đó tôi mới nghĩ về cái cuốn sách Tiếng Anh mà Huệ đã xin được từ Trung Tâm Văn Hóa Mỹ, không lẽ cuốn sách ấy được viết dựa theo những báo cáo “láo” của các cán bộ từ các cấp. Vì theo kinh nghiệm của tôi thấy sau 30/04 khi thực hiện các đường lối chủ trương của Đảng, Nhà Nước, nhiều nơi đã gặp nhiều khó khăn do sự bất hợp tác của người dân, Cán bộ sợ cấp trên phê bình, khiển trách nên đã thường xuyên báo cáo láo, cho nên mỗi năm cứ “thành công, đạt chỉ tiêu, vượt chỉ tiêu”, nhưng lâu ngày thì tàn rụi! Đó là chưa kể đến năng lực của Cán Bộ chưa đáp ứng được với hệ thống tổ chức mới nên “thất bại”, làm hư là chuyện thường. Và từ sai lầm đến sửa sai là một quá trình thời gian. Xong làm lại, rồi cũng sai lầm và sửa sai, thế là chẳng đi đến đâu, cứ loay hoay từ tháng nầy đến năm khác, khiến người dân càng ngày càng khổ thêm thôi!
Vừa nói chuyện mắt tôi vừa nhìn ra bên ngoài để quan sát, đồng thời khi thấy cảnh nào có vẻ nên thơ, đẹp hoặc có chút đặc biệt tôi cầm máy hay điện thoại lên quay để ghi lại làm kỷ niệm cho một chuyến đi. Cuộc nói chuyện của chúng tôi khá lý thú vì mỗi người có kiến thức một ít góp chung vào nhau khiến   cuộc “mạn đàm” cũng tương đối, nhất là những cái thấy của Nghi từng có ở ngoài Bắc nữa để cùng nhau kiểm chứng cho cái nhận xét hiện tại.
Rừng rất nhiều dọc hai bên đường đi, nhưng với hình dáng của chúng tôi nghĩ không lẽ phần lớn toàn là cây Bạch Dương chăng, có phải vì vậy mà người ta thường gọi xứ Nga là xứ sở của Bạch Dương? Theo lịch trình chúng tôi sẽ mất gần bốn tiếng đồng hồ để đến được Saint Peterbourg (là thành phố mà trước kia được đổi tên là Léningrad theo tên của Lénin tức là Thành Phố Lénin giống như Sài gòn đã đổi thành Thành Phố Hồ Chí Minh, nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ người ta đã đổi lại là St. Peterbourg như ngày xưa) dù vận tốc của xe lửa tốc hành chạy gần 300 cây số giờ!
Chúng tôi mãi mê chuyện trò mà xe lửa đã vào ga ở St. Peterbourg. Mọi người thu vén hành trang chuẩn bị rời xe lửa. Trên đường đi rời ga, anh Hùng nói đám tụi tôi nói chuyện hăng say không nghỉ ngơi khiến anh ngủ cũng không được luôn. Tôi cười! Rồi từ đây mấy ông gồm anh, ông xuôi của anh là anh Trang cùng anh Thạnh đặt cho tôi cái danh hiệu “Ngoại Trưởng” và tôi được gọi là như thế trong suốt chuyến đi! Ấy cũng là chuyện vui thôi mà!
Rời nhà ga, Bernard và Jennifer tập họp chúng tôi ở bên ngoài để gặp Cô nàng Người Nga, cô có giới thiệu tên nhưng mọi người nghe không rõ chỉ biết là cái gì “a,a” đó thôi. Thôi thì giống như lần trước cứ gọi cô nầy là Cô Hướng Dẫn Viên người Nga thay vì Bà cho nó gọn. Cô nầy còn trẻ, Tiếng Anh lưu loát, đẹp. Sau màn giới thiệu Cô Hướng Dẫn dẫn đoàn đi ra đường. Thành phố nầy cũng đông người, xe cộ khá nhiều, người ta treo cờ Nga theo dọc đường . Đoàn đã đến xe buýt, ở đây hai xe đẩy chở hành lý của chúng tôi khi rời ga Moscow đã tới hồi nào rồi. Hành lý được chất lên xe và chúng tôi lên để ổn định chỗ ngồi. Mọi việc xong xuôi xe bắt đầu cuộc hành trình trong Thành phố St.Peterbourg được Cô Hướng Dẫn giới thiệu là sẽ chạy trong Thành phố như là một phần City Tour trước khi đi ăn trưa, lúc đó là gần 11 giờ rưởi.
Đường sá ở đây cũng rộng rãi, các dãy building hai bên đường cũng không cao lắm khoảng ba, bốn, năm tầng nên thành phố có vẽ thoáng, thấy bầu trời nhiều hơn. Các cửa tiệm đều là mẫu tự của Nga nên tôi chẳng đọc được gì cả mà chỉ thêm nhức đầu, nên đành nhìn cái cảnh cho xong! Đa số kiến trúc đều cổ kính hơn là hiện đại. Ở đây còn có xe “tram” (xe lửa điện), nhưng thấy không nhiều. Mãi mê nhìn, ghi lấy hình mà không nghe được Cô Hướng Dẫn nói gì; nhưng nếu có lắng nghe thì cũng không hiểu nhiều bởi Tiếng Anh của mình đã dở mà lại bị phân tâm do ngoại cảnh bên ngoài. Trời có nhiều mây nên hơi lành lạnh. Xe chạy lần ra bên ngoài không biết có phải là ngoại ô không, nhưng ngoài những chung cư cao tầng thì có những xóm nhà như ở làng quê. Xe đậu vào lề đường và chúng tôi xuống để vào nhà hàng ở một góc đường ăn trưa, chắc là nhà hàng Artishok theo mẫu tự Nga. Lúc nầy đã gần 12 giờ 30.
Xong buổi ăn trưa, đoàn lại lên xe tiếp tục đi vào lúc 1 giờ 30, như vậy chúng tôi chỉ có một tiếng đồng hồ để hoàn tất bữa ăn. Trong 10 phút sau xe lại dừng bên lề của một công viên. Mọi người lại kéo nhau đi bộ đi dọc theo hàng rào của một khu biệt thự nào đó. Thì ra là trên đường đi vào của cái khu gọi là “Cung Điện Mùa Hè” mà trong Tiếng Anh gọi là Peterhof và tiếng Nga lại là Petergof. Cô dẫn đoàn đi đến cửa chính để lấy vé vào cửa. Ở đây nhiều đoàn đã đứng đợi rất đông: Tây, Tàu, Ấn Độ… có đủ cả. Sau khi Cô Hướng Dẫn giải thích khái quát trên bản đồ các khu vực của Cung Điện Mùa Hè, thì chúng tôi đi vào khuôn viên mặt tiền của Cung Điện. Bên ngoài sân là bức tường rào xây chắc chắn. Nhìn xuống dưới trũng, những công viên xanh mát trải dài với màu xanh mướt của cây đang vào mùa Xuân, có hồ với nhưng phôngtên đang phun nước. 
Đài phun nước trước Cung Điện Peterhof.

Ngay chính giữa đối diện với chính diện của Cung Điện là những bức tượng màu vàng của vàng ửng chói với những vòi của phôngtên đang bắn nước cao lên cùng những tiếng rào rào của nước rơi xuống. Quả thật là đẹp, đúng là nơi vua chúa ngày xưa nghỉ ngơi và an hưởng vào mùa Hè có khác! Chúng tôi chỉ nhìn chứ chưa được xuống dưới đó vì còn phải xếp hàng đợi chờ tới phiên có người hướng dẫn đoàn đi vào bên trong cung điện để tham quan. Đợi cũng phải khoảng nửa tiếng đồng hồ mới được một Bà đến hướng dẫn đi vào bên trong các phòng. Trước khi đi chúng tôi được phát những vớ để bọc bên ngoài giày để tránh làm hư các nền phòng. Đi qua các phòng chúng tôi được quay phim, chụp hình nhưng không được dùng đến flash. Mấy phòng đầu rộng nên được thoải mái quay phim, chụp hình, nhưng với mấy phòng nhỏ chỉ đi ngang qua vừa chụp vừa quay vì hẹp và nhường chỗ cho những người của đoàn sau tiếp tục tiến lên. Bà hướng dẫn thuyết minh từng phòng, nhưng ít ai để ý vì bận trầm trồ xem cái nầy hay chụp hình cái kia. Phòng nào cũng có người đứng hay ngồi canh gác. Sự trang trí trong phòng rất đẹp và sang trọng. Trần nhà phòng thứ tư là một bức tranh toàn trần, sáng sủa và rất mỹ thuật; còn các tường là những tượng, hoa văn điêu khác thật công phu với màu vàng óng xen với màu trắng nổi bật lên hẳn. Rồi đến phòng ăn có những chùm đèn trần và những ly, dĩa, bình giá trị. Và tới những phòng ngủ. Nói chung lại phòng nào cũng trang trí thích hợp với những đèn trần, hoa văn, hình vẽ, vật dụng đều quý giá, hiếm có vì thế mà ngoài người hướng dẫn thuyết minh, người ta còn cần thêm những người ngồi tại đó để canh giữ. Chúng tôi được dẫn đi một vòng trong Cung Điện. Với những phòng phía trước và bên hông thì được quay phim, chụp hình. Nhưng với những phòng phía sau là những phòng trang trí bằng những đồ gốm sứ cổ được mua từ Trung Quốc hay Phương Đông thì chỉ đi và ngắm chứ không được phép quay hay chụp hình. Ra khỏi, tôi với anh Thới kháo nhau: “Đúng là đời sống vua chúa có khác! Nhờ vậy mà hôm nay mình phải tốn tiền để tới đây!”, rồi cả hai cùng cười! Xong bên trong, chúng tôi cám ơn Bà Hướng Dẫn rồi ra ngoài. Cô Hướng Dẫn và Bernard cho chúng tôi được đi tự do để tham quan và chụp hình. Toàn bộ chúng tôi không đi ra vườn phía sau mà đi về phía trước thôi. Những tượng màu vàng óng, các đài phun nước hấp dẫn hơn. Thế là chúng tôi lần đi về phía dưới trũng.
Những người chúng tôi túa ra tìm góc cạnh, cảnh mình thích mà chụp hình mong lấy những cảnh đẹp ăn ý nhất. Tôi cũng kéo vợ tôi đi, rồi chụp cho vài cảnh, xong tôi lại lo kiếm chỗ quay cảnh vào máy để nhớ về một chuyến đi. Thỉnh thoảng rồi tôi lại chụp. Nhìn cái cảnh tượng nầy tôi lại tức cười vì lúc nầy thường mấy ông kêu mấy bà ra đứng làm mẫu để chụp, chứ mấy bà mấy người sử dụng máy để chụp mấy ông, mà mấy ông cũng ít thích làm mẫu trừ khi những nơi mà mấy ông muốn có hình để kỷ niệm. Nhưng trong đoàn có mấy người còn trẻ có thể giúp nhiều cặp vợ chồng để có hình chung như Jennifer, Bernard, và cô Liên. Vợ chồng tôi nhờ mấy người đó cũng nhiều trong suốt chuyến đi. Bây giờ máy điện thoại di động có thể chụp hình, quay phim được nên khá tiện; do đó mấy bà tha hồ chụp, quay phim mà không sợ hư. Nếu có hư thì tối về “delete” chúng đi để nhường chỗ cho những hình về sau. Vui vẻ cả làng!
Vợ chồng anh Thới cùng vợ chồng tôi thả dọc theo khu vườn cây chạy dài theo con kênh đào từ ngoài biển lấy nước vào gần với những bức tượng. Con kênh khá xa. Mình già không cần đi xa, nên chúng tôi quay vòng trở lại băng qua chiếc cầu ở nửa chừng. Ở đây gặp vợ chồng cô Chi với Nick (người Hi lạp) chụp hình. 
Chính diện Cung Điện Peterhof

Chúng tôi chụp trao đổi cho nhau, nhưng tôi tệ quá không biết sử dụng máy của Nick, rồi Bernard thay thế dùm! Quay trở lại theo khu vườn cây cánh trái nhìn từ trên cung điện dọc theo kênh đào. Về đến khu công viên chỗ các bức tượng và phôngtên để nghỉ ngơi và chụp hình với nhiều góc cạnh ở đây. Lại gặp Liên và Jennifer, rồi lại làm phiền mấy cô nữa! Tôi ráng cố gắng thu hình, cùng các góc cạnh của nó để về một lúc nào đó để coi lại chơi cho vui. Lúc nầy có những thời gian nắng lên khi các đám mây đi qua nên ánh nắng cũng chói chang, nhưng những lúc đó người ta lại chụp hình nhiều hơn vì hình trở nên sắc nét. Tôi đứng nhìn toàn cảnh thì thấy cái nét riêng của Nga trong màu sắc. 
Nửa bên phải của Cung Điện.

Xen với màu xanh của công viên lẫn cây cối, cái bầu trời màu xám cùng mái Cung Điện,  thì cái màu vàng “gold” và trắng bạc lại nổi lên. Không biết vào mùa Đông khi tuyết phủ nhìn như thế nào, chứ bây giờ nó trở nên nổi bật hẳn lên. Có vài người Nga đóng vai “người xưa cũ” với những bộ đồ quý phái thuở nào để ai đó muốn chụp hình với họ, xong phải trả cho họ một số tiền. Đó cũng là một hình thức kiếm tiền không mệt mỏi mà lại vui!
Nửa bên trái Cung Điện.


Mãi đến 4 giờ 30, chúng tôi được tập họp lại để lên xe ra về. Về đến khách sạn Holliday Inn St. Peterbourg ở vùng Moskovskye Voroto khoảng 6 giờ chiều. Đem hành lý vào và nhận phòng để được nghỉ ngơi sớm sau một ngày mệt mỏi vì đi xa. Sau khi tắm rửa rồi cùng nhau kéo đến nhà hàng của khách sạn để vào bữa ăn chiều. Bữa ăn bây giờ đa số là “All you can eat” hay theo Tiếng Pháp gọi là “Buffet”. Tối nay được tha hồ ngủ vì ngày mai đến 9 giờ mới khởi hành cho một ngày kế tiếp!

Nguyên Thảo,
21/02/2020.




No comments:

Post a Comment