Saturday, February 8, 2020

*Quan Chức!



Nói đến quan chức là nói đến những người làm việc cho chính quyền, nhà nước trong hệ thống điều hành chính trị, quân sự lẫn các phương diện khác của chính phủ để cai trị đất nước nhằm đưa đất nước đến mức độ hùng mạnh, giàu có, có năng lực hơn về đối nội cũng như đối ngoại. Thông thường, quan chức được tuyển chọn là những người có tài, có đức để làm gương mẫu trong người dân và có khả năng về điều khiển, quản lý để mọi việc thi hành có thể đạt được kết quả tốt đẹp, nhanh chóng đưa đời sống người dân cũng như các phương diện khác của đất nước tiến lên theo chiều hướng gọi là phát triển, thịnh vượng.
Trong các hệ thống tổ chức nguyên thủy của loài người, khi mà loài người còn sống theo bộ tộc thì có “Tộc trưởng” để tổ chức, điều hành; hoặc lớn hơn gồm có nhiều tộc họ kết hợp nhau thành “Bộ lạc” thì có “Tù trưởng” hay “Trưởng bộ lạc”. Bên cạnh đó có những người tài giỏi giúp việc, phụ lực cùng với đầu đàn để chống chọi lại với đối phương, hay bảo vệ nhóm mình không bị áp bức bởi kẻ thù. Trong quá trình “chiến đấu để sinh tồn” cùng với các bộ tộc khác khi mà “mạnh được yếu thua”, lãnh thổ của kẻ mạnh càng được lớn hơn thì chế độ Xã hội cũng tăng tiến dần theo để chuyển từ ”Bộ tộc, bộ lạc” du cư, du canh sang chế độ “chiếm hữu, định cư, định canh”. Rồi từ đó, chế độ “phong kiến” được thành hình có vị vua đứng đầu quốc gia, và các quan chức được phong ở chức nầy hay chức nọ cai quản từng vùng, miền hoặc tùy theo khả năng mà được chức ở quan văn hay quan võ.
Đối với xã hội Tây Phương xưa, người ta đề cử người tài giỏi có khả năng vào trong giới lãnh đạo để những người đó tạo thành hệ thống cai quản, điều khiển. Việc điều hành đa số dựa theo ý muốn của người dân. Đó là khởi nguồn của nền dân chủ và chế độ Cộng hòa. Nhưng đối với xã hội phương Đông, nhất là với những nơi ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa thì “Người Cầm Đầu” tức “Nhà Vua” như là được “Trời” ban cho “sứ mệnh” để cai quản dân chúng và quốc gia đó nên được gọi là “Thiên Tử”. Như nước Trung Hoa ngày nay là “Tổng hợp” của rất nhiều nước nhỏ trong quá khứ bị chiếm mất và diệt vong để trở thành nước lớn qua các triều đại “Đế Quốc” cùng sự thực hiện chính sách “đồng hóa” các dân tộc khác để biến họ trở thành “dân tộc Hán” duy nhất. Chính vì vậy mà trong lịch sử người ta không ghi “Tần Thủy Hoàng” là bạo chúa của Đế quốc nhà Tần “đánh chiếm và tiêu diệt” các quốc gia khác; mà ghi là “Tần thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa”. Và Nhà Hán đã đánh chiếm các vùng khác để thành lập Đế quốc rộng lớn hơn mà ngày nay giới lãnh đạo Trung Hoa ước muốn về thời ấy!
Trong thời Xuân Thu, Chiến Quốc của Trung Hoa, cuộc chiến giữa các nước thời bấy giờ rất là ác liệt nhiễu nhương, cho nên Ông Khổng Tử người nước Lỗ đã thu thập tài liệu, để san định lại các Thư (Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ), sau thêm vào Mạnh Tử nên gọi là Tứ Thư, và Ngũ Kinh (Thi, Thư, Dịch, Lễ Ký, Nhạc nhưng Kinh Nhạc bị mất đi trong thời Tần thủy Hoàng “đốt sách, chôn Nho” nên sách Xuân Thu được kể vào) và định hình phương thức mẫu mực cai trị cho quốc gia và các giềng mối của xã hội!
Theo đó: Vị vua hay Hoàng Đế và những vị Quan thần Cao cấp là theo “Mệnh Trời” được “Trời” giao phó nhiệm vụ cai trị đất nước, người dân. Sự hưng thịnh, suy vong đều theo Mệnh Trời! Tuy nhiên, trong học thuyết của Khổng Tử, ông Vua vẫn phải chú trọng đến người dân “Dân vi quý, Xã Tắc thứ chi, Quân vi khinh”, nhiệm vụ của ông Vua và quan thần phải làm cho đất nước giàu mạnh, đời sống dân chúng được ấm no, hạnh phúc. Và mọi người trong các tầng lớp xã hội phải giữ tôn ti, trật tự, vai trò của mình thì nền tảng xã hội mới vững chắc và được thái bình. Thái bình từ nơi nầy, thái bình được ổn định nơi kia, thì dần sẽ ổn định thái bình trong thiên hạ. Và thiên hạ với tình thương với nhau sẽ được sống một “Thế Giới Đại Đồng” cùng “Thái Bình Thịnh Trị”! Người đàn bà thì có những vai trò riêng, rồi vai trò của con cái, của người dân đối với vua chúa và nhiệm vụ của vua quan đối với dân. Đó là chuyện của học thuyết, nhưng ở đây chúng ta chỉ chú trọng về đường quan chức. Quan chức được tuyển chọn qua các cuộc thi để tuyển chọn người tài giỏi có học, đôi khi cả về cách sử dụng vũ khí (thập bát ban võ nghệ) và đạo đức nữa. Do đó những tiêu chuẩn “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” hay “Chí công, Vô tư” được coi trọng với một ông quan. Không biết trên thực tế xã hội Trung Hoa từ trước đã có những tiêu chuẩn thi cử đó hay không, nhưng trong các truyện Tàu chỉ nói đến sự “Tiến Cử” tức là những người có tài, giỏi, đức độ được người làm quan khác đề bạt lên với cấp trên để ra làm quan. Tuy nhiên xã hội Việt Nam trước kia chịu ảnh hưởng rất nặng về Văn Hóa Trung Hoa cũng như Khổng Giáo đã có mở những khoa thi cho các Thầy Đồ dự thí để được ra làm quan như Thi Hương, rồi Thi Hội, Thi Đình để ra làm quan cho nên mới có những thứ hạng Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa và Tiến Sĩ, Tú Tài. Đó là những cơ hội để “Kẻ sĩ” đem tài năng “Tế Thế An Bang” ra cống hiến cho đất nước làm cho “Dân Giàu, Nước Mạnh”. Dù “Lý Tưởng” là vậy, nhưng mỗi con người “trần cấu, xác thịt” đều có những “Tham” (Sân Si) cho nên các lý tưởng đôi khi bị đánh bại bởi sự “Hối lộ, Tham nhũng, Hà hiếp, sách nhiễu…”. Tham Quan Ô Lại thời xưa cũng không ít!
Ấy là thời phong kiến, còn trong những xã hội Tự Do người ra làm quan hay lãnh đạo ở cương vị nhỏ hay to đều do “dân bầu”. Người cảm thấy mình có khả năng thì ra ứng cử, trong các cuộc tranh luận làm sao luận cứ, mục đích của mình thuyết phục được người dân để người dân bầu cho mình. Nếu đắc cử thì họ được vào trong chính quyền để thực hiện những lợi ích cho dân chúng cùng với những người đắc cử khác. Ở đây không có phân biệt Đảng phái hay người của tổ chức nào, không có sự độc quyền, không có sự o ép. Nếu người đắc cử làm không được việc thì kỳ bầu cử tới người dân không bầu cho họ nữa, họ sẽ bị loại ra ngoài. Nếu trong thời gian đang làm họ có hành vi hối lộ, tham nhũng thì những người của Đảng phái, tổ chức khác hay dân chúng, báo chí phanh phui ra thì họ có thể bị loại và luật pháp sẽ xử phạt có thể kéo đến tù tội.
Có chế độ người ta dựng lên các trường học để “tuyển thi” các người hội đủ tiêu chuẩn qui định thì được làm Thí sinh để dự vào kỳ thi tuyển chọn. Người vượt qua được kỳ thi phải vào học trong trường một số năm về chuyên môn, rồi trải qua kỳ thi tốt nghiệp, để rồi họ sẽ ra giữ các chức vụ nào đó cùng những công việc họ phụ trách phải làm. Đây cũng là hình thức dân chủ mà trình độ đã được xác định từ ngay lúc nhận đơn vào cuộc tuyển sinh, cho nên quan chức trong trường hợp nầy tương đối đồng đều không có kẻ quá dốt, người quá khôn. Sự điều hành, thực hành tương đối được đồng bộ tiến lên, nhân tài được trọng dụng!
Lại có những chế độ có cách tổ chức chính quyền khác hơn, nhất là những chính quyền có người lãnh đạo là những người của một đảng phái nào đó. Thông thường, đảng phái nào cũng cho đường lối của mình là đúng, là chính đáng, đảng của họ phải chiếm ưu thế, phải bao trùm lãnh đạo hoặc triệt tiêu các đảng phái khác; cho nên khi nắm được quyền lãnh đạo của đất nước họ sẽ giành mọi quyền cho đảng phái mình. điều đó dễ đưa đến sự cai trị độc tài!
Rồi cũng có chế độ được xây dựng từ một Đảng duy nhất vì họ cho đường lối của họ sẽ tạo một xã hội tốt đẹp trong tương lai từ sản xuất cho đến quan hệ bình đẳng giữa những con người. Cho nên Đảng phái ấy cố gắng nắm được chính quyền, rồi họ thực thi một đường lối nhất quán từ trên xuống dưới để nhằm thực hiện nhanh cái “Tổ Chức Guồng Máy” mà họ cho là “một xã hội tối ưu”. Vì thế, một đường lối “o ép”, “tập trung” được thực hiện mà mọi người dân phải tuân theo sự tổ chức của họ. Từ đường lối giáo dục, kinh tế, sản xuất, chính trị, quân sự lẫn tuyên truyền, báo chí... nhất nhất đều theo một sự chỉ đạo qua người của họ. Chính vì sự “o ép”, đi ngược lại sự tự do của con người, nên thường hay bị phản ứng chống đối của người dân. Chống đối thì bị “đàn áp”, cho nên trong lòng người dân ngầm có sự phản kháng chỉ chờ lúc “bộc phát”. Vô tình chế độ ấy không phải đem lại sự no ấm cho người dân nữa mà là “Chống Lại Mọi Người Dân”. Từ những phản ứng trái chiều đó, quan nói dân không nghe, không làm. Chính quyền làm gì thì chính quyền làm, dân làm gì thì dân làm, không theo chính quyền nữa. Điều ấy khiến cho quan chức không thực hiện thành công được các kế hoạch, nên dần họ chỉ chiếu lệ và cũng chẳng thiết tha gì tới sự thi hành đường lối, mà họ chỉ lo cho chuyện riêng tư; cho nên sự “Biến Chất” thường xảy ra. Những sự tham nhũng, hạch sách, gây khó khăn để được hối lộ, đòi hối lộ, đòi quà biếu, cắt xén ngân quỹ… nói chung là làm sao họ vơ vét được nhiều tiền đem về cho bản thân, gia đình, con cái có cuộc sống giàu có, ấm no, có mọi thứ là tốt rồi. Họ không sợ bị loại ra vì họ là những thành phần cốt cán của Đảng ấy, loại nhiều người như họ thì Đảng đó chẳng còn người, tất Đảng đó phải suy yếu, cho nên họ không phải sợ gì cả, miễn làm sao họ không phạm lỗi nghiêm trọng là được rồi! “Xìu xìu, ển ển” thế mà yên thân! Chính vì tình trạng ấy mà quan chức thường cấu kết với nhau để không phải bị bắt vì phạm tội, bao che cho nhau từ cấp thấp cho đến cấp cao hay chạy quyền chạy chức để được vị trí nào “có ăn, kiếm được nhiều tiền nhất”. Cho nên, quan thì lo “kiếm ăn”, dân thì “mặc kệ chính quyền” mà “chỉ làm sao kiếm được nhiều tiền” dù phải bỏ ra mua chuộc những ông quan có quyền để công việc làm ăn được hanh thông. Vì thế mà đất nước ấy, xã hội ấy như “một nồi cháo heo”, “một bầy sâu”, “một bầy chuột” chẳng có chi là lạ! Còn dân nghèo thì cứ ăn nhậu cho quên “sầu đời” hay trộm cắp, cướp giựt để được sinh tồn theo luật “đấu tranh sinh tồn” mà thiên nhiên đã ban tặng, mặc sự “đấu tranh” ấy dù có là Thiện hay Ác!
Cho nên người xưa đã nói: “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” cũng chẳng là sai trong mọi thời kỳ!

Đồ Ngông,
22/01/2020.




No comments:

Post a Comment