Saturday, September 26, 2020

*Đám Giỗ!

 

Lúc nhỏ mỗi lần nghe nói “đi ăn đám giỗ” tôi mừng lắm. Vì thời con nít mình “ham ăn”, mà đám giỗ thì có rất nhiều món ăn nên đứa nhỏ nào lớn lên cũng đều khoái: Có cả thịt, cá, nhất là các loại bánh từ bánh cúng, bánh cấp, bánh tét, bánh da lợn, bánh qui, bánh ít, đến nhiều thứ nữa mà tôi không nhớ hết. Điều ngộ hơn là đứa nào cũng ham ăn bánh, do vậy mà đám giỗ là sự mong chờ của đàn con nít chúng tôi! Nhưng, song song vào đó tôi lại cũng sợ đám giỗ khi mà phải “khoanh tay thưa” nhiều người mỗi khi đến hoặc đi về. Tôi sợ vì có nhiều người mà mình không biết kêu vai thứ như thế nào để xưng hô cho đúng; rồi lại mình đứng khoanh tay ở dưới thấp (vì còn nhỏ, thấp bé) trong khi họ mắc nói chuyện ở bên trên, cứ trình thưa hoài mà họ không nghe, đến khi có ai đó báo cho biết thì họ mới nhìn xuống khi ấy bổn phận mình mới được gọi là xong xuôi!

Tôi nhớ lại thì ở nhà Bà Ngoại trong một năm có nhiều đám giỗ, lúc đó tôi chẳng biết là đám giỗ của ai và thực ra cũng không nghe má nói là đám giỗ của người nào nữa. Cứ mỗi lần đám giỗ là má hay mua đồ hay thịt cá gì đó kêu tôi đi xe đạp chở về trên Bà Ngoại trước một ngày. Trên nhà Bà Ngoại khi đó đã có nhiều người từ mấy dì, hay chị con của dì, cậu về trước phụ giúp gói, làm bánh hay nấu nướng thật là nhộn nhịp. Có vài lần má không bận rộn trong việc buôn bán, tôi cũng đang nghỉ hè, má dẫn tôi về nhà Ngoại để phụ lo chuyện đám giỗ. Trong khi các bà đang làm công việc nấu nướng, làm bánh; thì mấy cậu hay đàn ông lo quét dọn sạch sẽ từ bàn thờ đến việc lau chùi chân đèn, mấy khai đựng trái cây, lo bình bông chuẩn bị cho ngày sau. Đám giỗ sao mà bận rộn đến thế! Không biết đám giỗ thế nào mà những chén, dĩa, tô, tộ, đủa, muỗng thật là nhiều, Bà Ngoại phải cất chung vào một cái “chạng” tức là khung củi nhỏ để đựng riêng chúng ra mà chỉ khi nào dám giỗ mới lấy ra sử dụng. Xong rồi thì rửa sạch sẽ chất vào trong đó để khi tới đám giỗ khác thì lại lấy ra xài.

Khi còn nhỏ tôi chỉ biết đám giỗ là cúng kiến những người đã chết từ trước, và trong đám giỗ ấy tôi sẽ được ăn nhiều thức ăn nhất là nhiều loại bánh, có loại tôi thích, có loại không thích. Tôi không thích bánh ít, nhưng lại thích bánh gói là loại bánh bằng bột gạo trộn đường, hình vuông dẹp được gói trong lá chuối, chính giữa là một viên nhân đậu xanh ăn rất ngon, ngọt với đường khạp (đường đựng trong cái khạp nho nhỏ cỡ khoảng chừng mười mấy, 20 lít nước). Với đám giỗ bọn con nít chúng tôi gồm con mấy cậu, mấy dì được dịp kéo về, tụ tập để chơi đùa, giỡn với nhau cho đã. Sau khi cúng xong thì chúng tôi được quay quần bên các chiếc “đệm” (đan bằng lát cọng dẹp cỡ mỗi chiều khoảng hai và ba thước), đệm khác với chiếu, chiếu lót trên giường để ngủ, trên ván để ngồi, còn đệm lót dưới đất để phơi đậu lúa, hay ngồi có khi để ngủ tạm nếu quá đông người) mà ăn đồ ăn được dọn riêng cho bọn con nít. Về sau bọn con trai chúng tôi bắt đầu trưởng thành sau thời kỳ “trổ mã” hay gọi là “nhổ giò” tức là bước qua thời kỳ “tập tành của thanh niên” thì được người lớn cho lên ngồi trên bộ ván bên phía đàn ông, hoặc đôi lúc được các ông Trưởng lão cho ngồi vào vị trí của bàn chính giữa với các ông, nhưng chỉ phía ngoài thôi, còn vị trí phía trong gần bàn thờ Tổ Tiên là của các ông ấy. Đó gọi là “quan niệm” tôn ti trật tự trong một xã hội Việt Nam ngày xưa. Còn bọn con gái khi thành thiếu nữ thì chỉ được ngồi trên bộ ván phía trái, chứ không bao giờ được ngồi ở bàn chính giữa như bọn con trai của chúng tôi. Ấy gọi là “Trọng nam khinh nữ” vậy!

Rồi dần dà theo mức độ trưởng thành của mình, tôi cũng tham gia vào những ngày đám giỗ một cách tích cực, nếu có rảnh cũng về trước phụ giúp cậu để lo chuyện cúng kiến; cũng soạn chén dĩa, tô tộ, đủa muỗng đem ra ngoài cái chạng để mấy dì hay chị lo rửa sạch, phơi khô trước khi múc đồ đem lên cúng; và cũng lo phụ trang hoàng bàn thờ Tổ Tiên. Lúc đó tôi mới hiểu được cách bày trí trong gian nhà gọi là “Ba gian hai chái”, đặc biệt của vùng thôn quê Việt Nam theo tập tục riêng của dân tộc. Như đã có lần tôi trình bày trong bài “Nhà Ba Gian Hai Chái” mà trong phần “Tào lao Thế sự I” tôi đã diễn tả những nhận xét của tôi về cách thức ấy rồi! Do nơi sự cân đối, hài hoà, thế vững chắc và để đủ không gian, nhà thôn quê đã được cất thành ba gian với những hàng cột chống đỡ căn nhà, nên nó đã thành “ba gian”, và hai chái hai bên để che chắn cho vách tường bằng gạch đất không bị nước mưa làm cho thấm ướt, đổ ngã. Rồi để có nhà xe, chuồng trâu bò thì người ta lại cất thêm hai bên là chuồng cùng nhà kho; hoặc ở phía sau hay bên hông thêm căn nhà nhỏ để làm khu nấu ăn cho khỏi phải khói bụi than bám vào nhà chính nên mới có nhà trên nhà dưới. Đó là thành hình khu nhà nông thôn đặc biệt của quê mình. Còn về bên trong ngôi nhà từ khi tôi lớn biết phụ giúp, tham gia vào cúng kiến thì mới thấy cách bày trí gần như thống nhất trong tập tục ngày xưa. Ngay căn giữa là một tủ thờ đơn giản hay cầu kỳ, hoặc đẹp đẽ với cẩn ốc xa cừ tùy theo mức độ tài chánh của gia đình. Trên tủ thờ ở giữa là bộ lư đồng sáng chói, có lư hương, hai bên là hai chưn đèn cũng bằng đồng hay gỗ quý, rồi có “đông bình, tây quả” tức là hướng đông có bình bông, phía tây có dĩa chân cao để chưng trái cây vào ngày cúng. Phía sau tủ thờ là cái bàn thờ để bày trí đồ cúng lên cúng trong ngày đám giỗ. Kế đó là cái vách tường bằng gỗ hay xây gạch về sau nầy treo bãng đề “Tổ Tiên” hay “Tổ Đường” cho biết đó là nơi thờ cúng Tổ Tiên. Phía trước tủ thờ là cái bàn dài dành cho bô lão, người lớn đàn ông ngồi nói chuyện hay bày đồ cúng cho người đã mất trong ngày giỗ của họ. Lúc xưa để che cái bàn nầy khỏi phải trơ trẽn thì phía trong và phía ngoài lại có thêm mấy cái bàn nhỏ chân cao hơn che chắn nó thêm phần kín đáo, long trọng.

Ở hai gian bên thì kê hai bộ ván để người trong nhà hay khi có khách làm chỗ ngủ. Giữa bộ ván và vách ngăn gần giữa căn nhà có bàn thờ cũng được đốt hương, đèn, bày cúng trong ngày đám giỗ. Lúc nhỏ tôi chỉ biết là cúng cả hai bên đó, nhưng không hiểu là cúng cho ai và thế nào; đến khi hiểu được thì bên phải của bàn thờ Tổ Tiên là để cúng cho những người thuộc phái đàn ông đã mất dù lớn hay nhỏ. Còn bên trái là cho những người nữ. Nói cho đúng hơn là bàn thờ nơi gian nhà chính giữa là chỗ cúng cho Tổ Tiên, Ông Bà; bên phải là cho đàn ông quá cố thuộc cấp nhỏ, bên trái là cho giới nữ. Chính vì thế mà khi bày trí đồ cúng người ta thường hay hỏi người lớn của gia tộc là “Bao nhiêu mâm”? “Mâm” có nghĩa “một bộ đầy đủ các món nấu nướng bày ra cúng” thì là một mâm. Lúc đầu tôi không hiểu rõ, sau nhiều lần chiêm nghiệm tôi mới thật sự biết: Tại sao trước khi dọn ra cúng thì chúng tôi phải đem tất cả các món nấu nướng đựng trong chén, dĩa, tô, tộ xếp từng hàng ngang cho đủ số và hàng dọc theo các món. Sau đó thì mới đem đến nơi cúng chẳng hạn ở bàn thờ Tổ Tiên là 2 mâm; ở bàn nơi bô lão 2 mâm; 1 mâm cho đất đai, bên bộ ván dành riêng cho đàn ông là 3 mâm (cho 3 người thuộc nam đã chết), và bên bộ ván nữ là 4 mâm (cho 4 người nữ đã chết), như vậy vị chi là 12 mâm tất cả. Cũng từ đó tôi hiểu được rằng vì sao số tô tộ, chén dĩa, muỗng đủa để cúng kiến ở nhà Bà Ngoại nhiều mà phải đựng trong một cái chạng lớn như vậy! Cúng cho người đã khuất nhất là với ông bà thì phải kính cẩn, trịnh trọng cho nên dù là trên bàn hay trên bộ ván thì phải có những chiếc chiếu dành riêng cho cúng kiến được trải lên trước khi sắp xếp các món đồ cúng lên trên đó. Người đứng ra cúng thường là đàn ông phải mặc áo dài khăn đóng, có khi là Bà Ngoại tôi trong chiếc áo dài đen của bà “lên đèn” (đốt đèn cháy lên), thắp nhang khấn vái vong linh, cầu vong linh về “hưởng thượng và phù hộ cho con cháu”, rồi tới hàng con, mới đến cháu chắt lạy!

Khi còn nhỏ tôi chỉ nghĩ đến đám giỗ là được ăn đồ ăn, ăn bánh ngoài ra chẳng biết gì về sự cúng kiến trong đám giỗ, nhưng đến khi hiểu ra thì nó là cả một triết lý sống của người dân dù là thôn quê hay thành thị. Rồi càng lớn hơn tôi lại hiểu thêm rằng: Chính đám giỗ tụ tập con cháu trở về chung nhau thường xuyên khiến tình thân, dòng họ được kết nối lâu dài hơn trong nhiều thế hệ. Nếu người nào đó có trí nhớ, thích tò mò tìm hiểu hay được cha mẹ giải thích cặn kẽ về bà con, dòng họ như thế nào thì người ta sẽ có thể giải thích hay cho biết rõ với nhau về gia phả của một gia tộc. Đó cũng là một nét hay!

Tuy nhiên, bên cạnh đó có các điều khiến cho tôi có nhiều suy nghĩ vào những khi tôi được chứng kiến, hoặc trầm ngâm về vài vấn đề trong nhiều đám giỗ đã xảy ra từ trong dòng họ, hay ở một vài gia tộc nào đó. Đám giỗ là cơ hội họp mặt những người thân trong dòng họ, cùng nhau tụ tập về để lo cúng kiến, đồng thời tâm tình sau những ngày bươn chải cho cuộc sống cá nhân và gia đình; bên cạnh những nét đẹp về văn hóa, phong tục ấy thì cũng có vài chuyện bất hòa xảy ra. Trong cuộc sống thì không tránh khỏi những điều không vừa ý nhau, đôi khi các điều ấy lâu ngày không được giải tỏa trở thành những mâu thuẫn, gút mắt của cuộc đời, nên thường sau cái đám giỗ khi ngồi cùng nhau tâm tình thì các điểm mâu thuẫn được nêu lên. Từ chỗ “không ai nhường hay nhịn ai” lẫn “không ai thấy mình sai” cho nên hậu đám giỗ thường có những cuộc “cãi lộn” giải bày các tức tối, ấm ức của mình mà càng lúc càng trở nên gay gắt để rồi lần sau có người nầy mà không có người kia. Điều ấy dù không là thường xuyên hay thường có của mọi đám giỗ, nhưng nó cũng là điều khiến cho người khác phải lưu tâm, rút kinh nghiệm để có thể giữ được hòa khí trong dòng họ.

Ngày tôi có gia đình thì tôi lại chứng kiến thêm một điều khác nữa. Vì vốn dĩ gia đình ba mẹ vợ tôi phải là nơi cúng chính trong họ cho nên có rất nhiều đám giỗ trong năm. Cứ tính trung bình gần như tháng nào cũng có đám giỗ cả lớn lẫn nhỏ. Nghĩ mà thương cho hai ông bà: Tuổi thì tương đối cao, công việc kiếm ra tiền lại vất vả, mà đám giỗ thì liên miên cho nên tôi nghĩ tiền kiếm ra vừa gom góp được chút ít thì đã tới đám giỗ rồi; như vậy làm sao mà có dư để góp vốn cho công việc làm ăn, làm sao mà giàu có được. Ôi! đành phải chịu nghèo khó mãi thôi sao? Thế rồi tôi lại có ý nghĩ hơi ngông: Tại sao người xưa không nghĩ đến chuyện chỉ cần hai đám giỗ trong năm, giỗ đầu cho những ai chết nửa năm trước, giỗ sau dành cho những người chết ở thời gian nửa năm sau, như vậy làm cho người lãnh nhiệm vụ cúng kiến sẽ được “dễ thở” hơn nhiều! Nhưng tập tục đã thành nề nếp thì khó mà thay đổi!

Trong vấn đề đám giỗ tôi lại thấy thêm một vấn đề khác nữa, nó không là vấn đề quan trọng trong ngày xưa, nhưng thời nay lại là chuyện mà chúng ta cần lưu ý. Ngày trước xe cộ ít nên đám giỗ dù thường kéo theo nhậu nhẹt, say sưa chút ít nên dù ai đó có quá say vẫn thoải mái đi về không sợ xảy ra tai nạn chết người. Nhưng ngày nay xe máy khá nhiều, nên có nhiều người đi dự đám giỗ xa, trên đường về chẳng về được đến nhà dù là lỗi ở mình hay ở người. Cá nhân tôi cũng mất vài người bạn từ những nguyên nhân như vậy. Có một lần tôi ngồi chung với mấy người bạn, anh nầy nói chuyện chiều nay tao phải đi đám giỗ, anh kia lại nói tao phải đi đám tân gia và ngày mai lại phải đi đám cưới, vợ tao phải đi đám đầy tháng. Tôi nghe mà lạnh người vì ở Việt Nam người quen đầu làng cuối xóm rất nhiều; bà con nội ngoại hai bên: Bên ba lẫn mẹ, bên chồng lẫn bên vợ không là ít, chưa kể láng giềng hàng xóm mà đám thì “hàng khối đám” từ đám giỗ, đám tân gia, đầy tháng, ăn mừng, đám cưới, nay lại có thêm đám sinh nhật nữa thì có lẽ thời gian “đi đám” chiếm mất cả mọi thời gian của đàn ông rồi, làm sao lấy đâu có thời gian để đi làm kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Tôi mới đùa: Sao tao nghe tụi bây nói toàn là chuyện đi đám nầy đám kia, vậy thì mấy bà phải làm sao? Thằng em chú bác họ với tôi nhanh nhẩu: Thì mấy bà cũng được hai đám: Đám con với đám ruộng! Cả đám chúng tôi cười ồ! Nhưng đó cũng là sự chua chát của một cơ chế xã hội cố hữu của mình, nhất là bây giờ người ta đi đám giỗ cũng đi tiền giống như cho tiền ở một cái đám cưới. Vậy thử hỏi tiền đâu để có dư để người dân trở nên giàu có! Thế cho nên, tôi đành chịu thua!

 

Đồ Ngông,

26/09/2020.

 

 

 


No comments:

Post a Comment