*Chuyện Tào Lao 2. (tt)
“Kiêu” trong tự điển có
nghĩa là vạm vỡ, lực lưỡng, tráng kiện, kiêu ngạo, kiêu căng; nhưng kiêu hãnh đây
có nghĩa của hai từ ngữ “kiêu căng” và “hãnh diện” ghép trở lại. Hãnh diện là lên
mặt. Như vậy chúng ta có thể hiểu hay hình dung đại khái kiêu hãnh là thái độ của
những con người muốn chường mặt ra để chứng tỏ là “ta đây” khi họ hơn những người
khác về vài điều gì đó, hoặc họ đạt những thành công nào mà sau cuộc chiến đấu
họ đạt được với một thái độ tương đối gọi là “hách dịch” không được khiêm tốn
cho lắm.
Sự kiêu hãnh đầy dẫy
trong thế giới con người từ một đứa bé làm thành công hay đánh bại nhiều đứa trẻ
cùng lứa tuổi mà được người lớn khen ngợi rồi hắn đi với hai tay khuỳnh ra, ngực
ưỡn để chứng tỏ mình hơn người hay ta đây là giỏi. Một người xuất thân nghèo nàn
từ xưa, nay nhân được một cơ hội hoặc khả năng thiên phú nào đó được phát triển
và giàu có, hắn cũng có thể có sự kiêu hãnh và tỏ ra “ta đây”, nếu hắn không có
sự khiêm tốn trong suy nghĩ. Một đoàn quân chiến thắng được kẻ địch mạnh hơn mình
rất nhiều cũng có nhiều kiêu hãnh vì mình đã làm được những điều mà nhiều người
khác không làm được. Do đó trong “binh pháp” ngày xưa đề cập đến câu “thắng không
kiêu, bại không nản” để rèn luyện ý chí và thái độ sống cho chính mình và người
khác. Một người con gái đẹp cũng có thể có sự kiêu hãnh trong thái độ của mình
vì mình đẹp hơn người. Một đứa con nhà giàu vẫn có cung cách xem thường người
nghèo hơn mình. Một dân tộc cũng có thể kiêu hãnh vì dân tộc của mình là một dân
tộc được “Chúa chọn” chẳng hạn, hay dân tộc của mình là một “giống dân thượng đẳng”,
hoặc “của một đất nước rộng lớn và hùng mạnh”, “có một nền văn minh riêng biệt”
hay “có những đặc điểm hơn người”…v..v…
Sự kiêu hãnh và những thái
độ đều muốn chứng tỏ cho người ta thấy sự hơn người của mình về vài phương diện
nào đó; song song vào thái độ, người kiêu hãnh thường đi quá đà để bước sang sự
kiêu căng hợm hĩnh vì sự hãnh diện của mình trở nên quá lố; thái độ không nhún
nhường, khinh thường người khác. Điều ấy trong lịch sử của nước ta trong thời
vua Lê, chúa Trịnh, chúng ta thường được nghe kể đến nạn kiêu binh, binh lính của
một người được nhiều uy quyền, chúng ỷ lại vào quyền thế và được giữ những sự
quan trọng nên đã lạm dụng quyền hành làm cho người ta phải nể sợ và chúng dùng
điều ấy để uy hiếp người khác và làm những điều theo ý thích của chúng bất chấp
đến luật pháp.
Làm con người ai cũng có
khuynh hướng tiến đến với cái uy quyền cao nhất để được làm những điều mà mình
thích không bị bó buộc vào những giới hạn hay pháp chế nào cả. Điều ấy không riêng
gì cá nhân mà ngay cả đến một quốc gia hùng mạnh cũng sử dụng đến uy thế của mình
để uy hiếp những nước yếu thế hơn hay các nước nhỏ, và dân chúng nước ấy cũng
trở nên kiêu hãnh và thường có thái độ hung hăng, khinh thường người dân của nước
khác. Họ luôn dùng sức mạnh và sự to lớn để ra uy, trấn áp những nước nhỏ hơn
nhằm thực hiện được những mưu đồ mà họ mong muốn đạt được.
Thế giới luôn đi đến tình
trạng bất ổn vì sự kiêu căng, hợm hĩnh của những chính quyền các nước lớn, mạnh
khác và sự phản kháng của các nước nhỏ vì bị chèn ép, lấn áp và phải tìm đủ mọi
cách để tồn tại mà ngày nay Trung Quốc làm một ví dụ cho cả thế giới: Trên vấn
đề biên giới Trung Quốc đều xung đột với các nước chung quanh như Nga, Ấn Độ,
Việt Nam, Phi Luật Tân, Nhật Bản; tinh thần thì sự kiêu hãnh về dân tộc, nước lớn,
phát triển về sức mạnh theo chiều hướng hiện đại; thái độ, lập luận thì kiêu căng…tất
không thể là sự trỗi dậy hòa bình được!
Lòng kiêu hãnh thường
được biểu lộ khi người ta đạt được những thành công không thể ngờ. Tuy nhiên sự
hãnh diện ấy dễ đi đến thái quá mà khiến cho người khác không thể ưa được, hoặc
khiến người khác khó chịu để đến nỗi họ phải tìm những cách, biện pháp ngăn ngừa,
chống lại hay phá phách cho bỏ ghét. Đôi khi nhiều thế lực kết hợp chống lại,
kiềm chế chỉ vì lòng kiêu hãnh của mình thể hiện một cách “không thể chịu được”
vậy!
Đồ Ngông,
25/04/2014.
No comments:
Post a Comment