*Tào Lao Thế Sự 2!
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẽo gập ghình
khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi
trường đời!”
Những câu ru con nầy đã
từng trên đôi môi của nhiều bà mẹ để ru con ngủ, nhưng nó cũng diễn tả cho chúng
ta thấy sự quan trọng của cái điều gọi là cần học hỏi cho con người trong suốt
cuộc đời. Thuở nhỏ thì đi vào trường học để được thầy cô chỉ giáo cùng với bạn
bè, nhưng với người lớn tuổi thì còn phải học nhiều hơn nữa nhất là những ứng xử
trong đời sống đa dạng về nhiều mặt, tốt lẫn xấu của xã hội.
Nói đến trường học đó là
một công trình về tinh thần, tri thức vĩ đại của con người. Không phải một ngày
một buổi mà ở nhiều quốc gia sản sinh ra trường học được. Nó được kết hợp qua
nhiều yếu tố về vật chất (cơ sở trường học), tinh thần (nội dung, sách vở), nhu
cầu (cần đào tạo những người tài giỏi) và nhất là những người chuyển giao kiến
thức (thầy cô) đến đại đa số những người cần nhu cầu nhận (học trò) trong cùng
thực hiện một yêu cầu “tri thức” cho tất cả mọi người. Nói như vậy chúng ta cũng
không thể quên những nhà chuyên môn đã hoạch định những chương trình, cấu kết mọi
tri thức để tạo thành các sách giáo khoa để thầy cô diễn giảng “dạy” cho học
sinh “học”: Đó là những người đầu ngành trong ngành giáo dục theo những phương
pháp sư phạm được chọn lọc để đạt được mục đích cao nhất, tức là thành quả tối ưu.
Nền giáo dục được thiết
lập để đào tạo những con người có chất lượng tài giỏi cho những thế hệ kế tiếp
để đưa xã hội từng nơi, từng quốc gia luôn tiến lên để phục vụ lại cho xã hội,
quốc gia và loài người được tốt đẹp hơn. Những nhân tài trên thế giới đều kinh
qua giai đoạn ở trường học, không nhiều thì ít để làm chất xúc tác họ phát triển
những khả năng riêng tư tiềm ẩn trong con người của họ. Một người dốt dù có tài
năng đến đâu cũng không thể phát huy cao nhất về thiên tài của mình. Cho nên giáo
dục là nền tảng cho học sinh đạt được đỉnh điểm khả năng mà mình đã có.
Ngay cả đến những người
thầy giáo cũng đều phải trải qua những khóa học hoặc những lớp chuyên nghiệp để
học về những cách thức truyền đạt đến cho học trò của mình trên phương pháp nào
đó để đạt được tối ưu, cùng phải hiểu về tâm, sinh lý của từng lứa tuổi và cũng
phải có những trình độ nhất định cho những cấp dạy. Nhất là những thầy cô giáo
cũng từng truyền cho nhau cái câu: “Làm đĩ chín phương, chừa một phương để lấy
chồng”, tức là “sống như thế nào thì sống nhưng ở nơi mình đi dạy ít ra cũng gương
mẫu, mẫu mực cho nghề giáo, không thể buông thả được”. Nhưng trong xã hội của
ta, nghề giáo vốn đã được kính trọng tự ngày xưa từ thời nền Nho học được ông
Khổng Tử đặt nền tảng “Quân, Sư, Phụ”, nên vị trí ông thầy có vị trí trên cha mẹ,
dưới các vị vua vì thế mà sự “Tôn Sư Trọng Đạo” luôn được đề cao. “Nhứt tự vi sư,
bán tự vi sư”, dạy một chữ là thầy, dạy nửa chữ cũng là thầy; hay “Muốn sang thì
bắt cầu kiều, muốn cho hay chữ thì yêu mến thầy”, và “Không thầy đố mầy làm nên”
đều có ý nói đến công lao của những thầy cô giáo đứng trên bục giảng để truyền
thụ lại kiến thức cho học sinh tức những thế hệ về sau qua trung gian của sách
vở, những tài liệu tri thức của nhân loại.
Đó chỉ là những kiến thức
cơ bản, được kết tinh và đúc kết để đem đến cho học sinh trong trường học và từ
sau đó tùy theo khả năng của từng người mà học sinh sẽ phát triển theo chiều
thiên tư của chúng khi ra ngoài đời.
Vai trò ở trường học đều
quan trọng cho những thế hệ sau của một đất nước.
Trường học là nơi mà
người ta nhằm mục đích “trồng người”: “Vì lợi ích mười năm, ta trồng cây; vì lợi
ích trăm năm ta trồng người”. Đào tạo thế hệ tương lai không thể một ngày một
buổi mà thời gian vài chục năm, nửa thế kỷ, có khi đến thế kỷ sau mới thấy được
kết quả của nó. Nhìn thế hệ thanh niên ngày nay sống như thế nào, ta có thể định
hình được nền giáo dục tốt xấu trong hiện tại hay của vài chục năm trước. Nói
như vậy có nghĩa là ta có thể chiêm nghiệm kết quả của một nền giáo dục đã ảnh
hưởng, thể hiện rõ trên những lứa thanh niên hiện tại: Tư cách, thái độ, ý thức,
cách hành xử, tri thức, lối sống…là ta có thể hiểu được cách giáo dục của một
chính phủ, hay chế độ nào đó.
Ngày trước có một nhân
viên ở xã đã nói với chúng tôi: Muốn biết xã đó như thế nào, cứ đến “cầu tiêu”
(nhà xí) của trường học thì sẽ hiểu được ít nhiều! Điều đó hơi quá đáng, tuy
nhiên nghĩ lại cũng có phần ta cần suy nghĩ, vì trường học ở xã là nơi đào tạo
con người cho xã đó. Giáo dục không tốt tất đào tạo ra những con người không thể
tốt được. Sự suy đồi không thể đổ thừa cho hoàn cảnh không không được, mà phải
nhìn vào thực tế của tình trạng xã hội và nhất là sự giáo dục thế hệ sau, vì đó
là nơi trồng người, mà trường học là “vườn ương cây” để sản xuất ra những loại
cây có chất lượng trong tương lai. Trên không nghiêm hạ tắc loạn, trên không gương
mẫu không thể trách kẻ ở dưới, những con người làm giáo dục tồi tệ không thể trách
những đứa học trò. Bức tranh quá tệ tại vì họa sĩ tồi chứ không phải là do ở bức
tranh, bức tranh chỉ là sản phẩm của họa sĩ mà thôi. Kết quả đó giống như những
người lãnh đạo: Đất nước xấu hay tốt, giàu có hay nghèo nàn, sung sướng hay đói
khổ, hỗn loạn hay trật tự là do sự lãnh đạo của những nhà lãnh đạo ấy thực hiện
đường lối tốt hay xấu! Lãnh đạo làm cho đất nước nghèo nàn thì dân chúng phải sống
với những bản năng để sống còn, tất lấy vặt, cướp giựt, hôi của, lừa đảo, mánh
mun, hối lộ, làm tiền, trộm cắp thậm chí đến giết người cướp của.. không thể tránh
khỏi giống như câu mà dân gian đã tuyền tụng “bần cùng sanh đạo tặc, không đi ăn
cắp vặt, lấy c.. họ ăn”. Nước Nhật làm tốt công tác giáo dục từ lâu nên hình ảnh
đứa bé được cho quà riêng cứu đói trong nạn sóng thần, nhưng đứa trẻ đã đem gói
quà ấy bỏ vào thùng những quà được phân phát và trở về vị trí trong hàng của mình
để đợi tới phiên được nhận quà. Có lẽ dân tộc các nước khác còn lâu mới được như
vậy! Dân Nhật có được sự tự trọng, có ý thức, biết thể hiện được tinh thần dân
tộc của mình đối với thế giới, và người Nhật đã đẩy mạnh những nghệ thuật khác
lên vị trí cao nhất của nghệ thuật như võ thuật trở thành võ đạo, uống trà thành
trà đạo, thiền thành một nét riêng gọi là “Zen”, cắm hoa thành nghệ thuật (nghệ
thuật cắm hoa), giấy xếp thành đồ chơi…Do đó nước Nhật dù trong hoàn cảnh bất hạnh
vì động đất, sóng thần triền miên lại không có tài nguyên để phát triển thế mà
nước Nhật đã là một nước hùng mạnh, đúng là đáng nễ!
Sự giáo dục rất quan trọng
cho một đất nước, vì đó là nơi ươm mầm cho những mầm non để sau nầy chúng phục
vụ cho cá nhân, gia đình, đất nước và xã hội. Đất nước thịnh hay không là do những
thế hệ sau đúng là trồng cây mười năm ta có thể sử dụng, trồng người sẽ đến trăm
năm sau. Nhưng có một điều ta cần suy nghĩ khá nhiều là: Vì sau nhân tài của ta
không thể phát triển ngay trên quê hương mình. Yếu tố nào đã làm nhân tài mai một?
Chẳng lẽ một khung mẫu nào đó o ép nhân tài không tự phát triển được mà phải
mai một vì khung mẫu ấy hay sao?
Sự thành bại của một nền
giáo dục, sự hưng thịnh hay tiêu vong của một đất nước, một dân tộc được ngẫng
cao đầu hay ô nhục đều do nơi kết quả đào tạo từ nền giáo dục mà ra, giáo dục
không đào tạo được nhân tài, người không tài không đức mà lãnh đạo thì tất đất
nước không thể vươn lên, mà
Trường học là nơi thể
hiện sự giáo dục ấy.
Lão tử đã nói: “Làm thầy
thuốc mà sai lầm, chỉ hại có một mạng người. Làm chính trị sai lầm chỉ hại có một
nước. Làm giáo dục mà sai lầm, thì hại đến cả muôn đời!”
Bài học đó cần cho chúng
ta suy nghiệm rất nhiều, nhất là những người có trách nhiệm và lãnh đạo. Tưởng
rằng đơn giản, nhưng thật nó chẳng giản đơn!
Đồ Ngông,
16/04/2014.
No comments:
Post a Comment