Sunday, July 29, 2018

*Quê Người. (18)


Với khoản tiền nhỏ đầu tiên nầy, tôi phải nghĩ đến những gì cần thiết phải mua: Mua cái sô để giặt đồ, xà bông, bàn chải đánh răng, kem và khăn tắm. Tôi đến phòng Tịnh hỏi nơi nào để mua, Tịnh cũng tính đi mua vài món đồ nên Tịnh sẽ dẫn tôi, Thành đến cái siêu thị gần đây. Chúng tôi băng qua vài con đường đi gần cây số thì đến siêu thị. Dọc đường Tịnh cũng chỉ tôi cái Bưu Điện để bỏ thư, cái Ngân hàng để rút tiền, nơi nầy là tiệm thực phẩm Á châu của người Việt và nơi đó là tiệm bán quần áo cũ. Tịnh nói mình cần biết để khi nào cần cái gì thì mình kiếm cho dễ. Tôi lại nghĩ mình còn phải từng bước học hỏi và chú ý thật nhiều giống như một đứa trẻ thơ mới vừa biết đi: Vừa học hỏi lại vừa nhìn đời, cái gì cũng mới lạ đối với nó. Rốt cuộc tôi cũng mua được những món đồ cần thiết cùng với cái gương, kéo cắt tỉa tóc và cái dao lam để có thể tự cắt hoặc bạn bè giúp dùm giống như thời kỳ đang ở trại tị nạn.
Vừa về đến phòng tiếp cư thì được tin: Ngày mai tại dãy phòng có nhân viên di trú làm việc sẽ có buổi học đời sống mới cho những người đi Kadina do nhân viên người Việt thuộc Sở Di Trú phụ trách. Nghỉ ngơi trong chốc lát thì lại đến giờ ăn trưa.
Trưa nay tôi lại ngồi ăn với Kim. Kim là người tôi quen từ lúc ở trại Sungai Bési, qua Úc cũng cùng chuyến bay (hay cùng List). Kim là người Bắc, nhà ở Tam Hiệp gần Hố Nai, Biên Hòa. Tôi nói chuyện với Kim hồi lâu thì Kim rủ tôi đi đến chùa Việt Nam chơi, vì người ta chỉ Việt Nam có cái chùa gần đây. Tôi với Kim, hai đứa theo sự chỉ dẫn cũng mày mò tìm được cái chùa. Trên bảng thì để tên “Chùa Pháp Hoa”, nhưng hai đứa cứ nhìn nhau: “Biết phải cái chùa đây không, sao giống cái nhà quá vậy?”. Thế rồi hai đứa cứ đứng ngần ngừ trước cửa mà không dám bước vào. Hồi lâu có ông đẩy cửa bước ra hỏi : “Mấy cháu đi chùa hả?”, chúng tôi trả lời thì ông ấy bảo: “Ừ! Thì mấy cháu cứ vô, Ông Phật ngồi ở trỏng đó, vô lễ Phật đi”. Vừa thấy lạ lùng, lại vừa nghe nói vậy thì hai đứa lại càng cảm thấy lạ hơn. Rồi cuối cùng chúng tôi không vào nữa mà quay trở về trại tiếp cư để nghỉ ngơi. Tôi lấy tập vở ghi chép những từ ngữ tiếng Anh từ khi còn ở Sungai Bési coi lại, nhớ được chữ nào hay chữ nấy, chứ học để nhớ nhiều thì tôi đã mất khả năng trí nhớ từ năm còn học lớp Đệ Nhất sau những biến cố do những người lính “hùm xám” của địa phương mang lại. Còn Thành sau khi ăn ở căng-tin thì nó đã đi dạo đến giờ vẫn chưa về. Xem không biết bao lâu thì lại ngủ quên cho đến khi Thành kêu tôi dậy để lên căng-tin ăn bữa chiều.
Ăn xong, tôi trở về phòng để hoàn tất thư gởi về cho gia đình, cùng với ba má tôi, nhằm gởi đi sớm chừng nào hay chừng nấy. Tôi cần có giấy tờ để lo thủ tục bảo lãnh cho gia đình. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày tôi lại bị đè nặng về trách nhiệm với vợ và các con; tôi thừa biết họ đang bị nhiều áp lực trong cuộc sống vì lý do lý lịch và thuộc thành phần mà nhà nước đánh giá. Các điều ấy tôi đã nhận thức được rất rõ từ khi còn đi dạy trong những năm đầu tiên sau ngày “đất nước giải phóng cũng như thống nhất”! Trời chiều nay trở lạnh, tôi mở sưởi để sưởi ấm căn phòng nhỏ và lên giường ngủ sớm. Thành về lúc nào tôi không hay!
Sau bữa ăn sáng, chúng tôi là những người qua Úc cùng chuyến bay, hay nói cách khác là chung một “list” (danh sách) lại kéo nhau lên phòng của nhân viên Sở Di Trú làm việc đợi chờ để đến 9 giờ rưởi có người nói chuyện. Giờ đã đến, nhân viên Sở Di Trú là người Việt, ông tự giới thiệu là Nguyễn Văn Y và chuyện hôm nay ông muốn nói là đôi nét về cách thức giao thiệp với người Úc trong các cuộc tiếp xúc. Ông còn nói thêm: “Đúng ra là ‘lớp đời sống mới’ chưa được bắt đầu, tuy nhiên vì đoàn được Hội Nhà Thờ trên Kadina mời thăm viếng vào ngày mai nên ông phải nói với đoàn về những điều cần biết khi giao tiếp”. Từ giây phút đó, anh Y đã cho chúng tôi những kiến thức căn bản, những điều cần tránh và những điều cần làm khi giao thiệp với những người Úc. Ngồi nghe mà tôi cứ suy nghĩ về “anh Y” nầy, không lẽ anh là người mà tôi đã từng gặp vào những ngày cùng nhau công tác trong trại tiếp cư cho người tị nạn Bình Long, Phước Long, Dầu Tiếng ở Gò Đậu trong thời kỳ chiến tranh ác liệt của năm 1972, mà người ta còn gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”, “đúng là anh ấy” hay là anh Y nào khác đây? Chẳng lẽ tên lại trùng tên! Tôi nhớ đến anh Y của năm ấy vì tên anh chỉ là một chữ Y. Thôi thì cứ coi như là “tên đã trùng tên”!
Rời Hội Trường, về phòng Bác Vỹ kêu qua phòng Bác và Bác Phương uống trà, nói chuyện chơi. Chuyện chung quanh vẫn là kế hoạch tới sẽ làm gì? Lo làm thủ tục bảo lãnh, chứ chưa nói đến chuyện gởi quà về gia đình để cứu nguy trong hoàn cảnh “nguy khốn” về kinh tế hiện thời, trong cái nền kinh tế èo uột của đất nước của chế độ “Quốc Doanh” và “Bao Cấp”. Nói thì nói, bàn thì bàn, tính thì cứ tính, chứ chưa có điều kiện nào để thực hiện cả. Chúng tôi hiện tại giống như những loài “lột xác”, với thân thể “mềm nhũn” không thể làm được gì cả, mọi thứ đều phải từ từ học hỏi, cái gì cũng xa lạ, ngôn ngữ cũng không đủ để diễn tả một thứ gì nhỏ nhoi thì làm sao nói đến những gì to lớn hơn. Nhiều thứ ưu tư mà chúng tôi cần phải đối phó lẫn vượt qua! Tôi chợt nhớ mình phải gởi thư về cho gia đình nên nói với hai Bác cần phải đi. Vừa ra cửa thì gặp Tịnh, nói chuyện với nhau Tịnh cho biết cần đi Bưu Điện và mua ít đồ. Tôi muốn đi cùng với Tịnh.
Có lẽ gần trung tâm tiếp cư nên thường xuyên có người Việt vì vậy Bưu Điện có nhân viên Việt Nam khiến việc gởi thư của tôi tương đối dễ dàng hơn. Gởi được thư tôi nghe lòng mình nhẹ nhỏm dù cái thư đến gia đình còn theo đoạn đường dài: Vì tôi gởi về Việt Nam nên thư sẽ chậm chạp chẳng biết đến khi nào nó về đến Sài Gòn ở địa chỉ nhà Cô Ba Thưa (chị Cô Cậu với Ba tôi), rồi từ Cô Ba Thưa để về đến gia đình tôi. Nó cũng là một chặng đường đầy cam go!
Trở về đến phòng, tôi cần nghỉ ngơi và lấy những tài liệu học tiếng Anh gom góp được từ bên đảo và trại Sungai Bési xem qua để nhớ được chữ nào hay chữ nấy, vì theo những người đi trước cho biết là sách hay tự điển ở nước thứ ba khá hiếm hoi, rất khó tìm. Thoáng chốc lại đến bữa ăn chiều.
Lên căng-tin những người trong “list” chúng tôi thường bàn đến chuyến đi ngày mai, cần chuẩn bị những gì, nhưng chúng tôi đâu có gì đâu để chuẩn bị, chỉ ngoài quần áo thôi. Nhưng chuyện đi ngày mai không phải là đi từ sáng sớm mà đến khoảng quá trưa mới khởi hành. Như vậy là chúng tôi còn ăn ở căng-tin được bữa ăn trưa.
Tối nay lại có người đến thăm Bác Vỹ, Bác Phương. Hai Bác lại rủ tôi sang chơi, nói chuyện cùng nhau và uống trà. Có lẽ do nơi những người này ngày xưa có ở trong quân đội, nên họ gọi Bác Vỹ là Trung Tá. Bác Vỹ tươi cười: “Thôi! chuyện đó lâu rồi! Bỏ đi! Bây giờ sang đến đây thì tớ cũng bao nhiêu người khác thôi, lãnh trợ cấp, cũng là người tị nạn như nhau. Cứ kêu tôi là anh Vỹ được rồi”! Hai ông ấy lúc đầu hơi ngại, nhưng rồi sau đó cũng theo lời Bác Vỹ, họ gọi Bác Vỹ là anh chứ không còn xưng hô theo kiểu quân đội ngày xưa nữa. Điều ấy làm tôi càng nễ phục Bác Vỹ hơn nữa, ngoài tính điềm đạm, từ tốn vốn có của Bác. Chuyện, tâm tình nhau cho đến khoảng 10 giờ tối thì hai người kia tạ từ. Thực ra tôi chỉ ngồi nghe họ nói chuyện với nhau, chứ tôi chẳng biết gì để nói hay hỏi. Bác Vỹ, Bác Phương hỏi khách về cách sống, cách sinh hoạt ở nơi nầy ra sao, và mình cần chuẩn bị những gì để thích ứng với xã hội, và tình hình người Việt tị nạn của mình thế nào; tức là những vấn đề “muốn biết” và cần tìm hiểu về đời sống trên xứ người mà nó đã vốn rất xa lạ với nếp sống, lẫn sinh hoạt trên quê nhà, hay kể cả ở vài nếp sống của vùng Đông Nam Á.
Sáng rồi, tôi, Thành, Bác Vỹ cùng Bác Phương lại lục tục kéo nhau lên căng-tin để cùng mọi người ăn bữa sáng. Lúc đầu ăn những món ăn của Tây mình còn háo hức, ăn mãi rồi cũng ngán, nhất là món “Jam” (mứt), nó trở nên ngọt quá. Món bánh mì nướng lại khô khan. Thế là kiếm món khác để thay đổi, nhưng rồi lại lòng vòng cũng bao nhiêu đó; giống như cuộc sống hiện tại ở trong trại tiếp cư chẳng có gì để làm ngoài ăn uống, ngủ, đi long nhong. Ừ, mà chiều nay chúng tôi lại có dịp đi xa hơn.
Trong bữa ăn trưa, có người cho hay đoàn chúng tôi sẽ khởi hành vào lúc 2 giờ chiều do cô Tây làm việc ở dưới Cộng Đồng sẽ đưa đi, hình như tên cô là Philippa thì phải. Đúng 2 giờ chuyến xe buýt đến mà người lái là một người phụ nữ. Chúng tôi cứ trầm trồ, cô ấy giỏi quá lái được cả xe buýt lớn nữa! Có người biết giải thích rằng: “Vì đi và ở lại qua đêm, nên cô ấy phải lái đưa đoàn đi, chứ mướn xe có tài xế khá bất tiện, nhưng cố ấy lái cũng giỏi lắm”! Mọi người thán phục vì cô ấy là một người đàn bà mà lại lái xe lớn Thán phục do theo kiểu cách nhìn hay quan niệm ở xứ mình đó mà!

Nguyên Thảo,
22/07/2018.



No comments:

Post a Comment