Saturday, January 21, 2012

*Ngày Xưa: Tôi Về Tân Uyên!




(Kính tặng: Quý Thầy, Cô và bạn bè

Cùng tất cả những ai có quê hương là Tân-Uyên)





Người ta nói: Người già thường hay sống về những hoài niệm trong dĩ vảng. Tôi cũng vậy, bây giờ đã không còn sức lực bươn chãi cho cuộc sống như ngày xưa, nên tôi có được nhiều thì giờ để ôn lại vài giai đoạn mình đã đi. Trước là để thỏa mãn với ký ức của chính mình; sau là vui cùng với vài người bạn. Những kỷ niệm ấy là những kỷ niệm của một thời khó quên!

Có lần tôi đã kể: Tôi có dịp đến Tân-Uyên là tại vì tôi học dở. Điều ấy không phải sai đâu! Nếu tôi đậu vào được trường Trung-học Trịnh-Hoài-Đức để học, thì chưa chắc sau này tôi có dịp đến Tân-Uyên dù Tân-Uyên cũng chẳng là xa với làng quê tôi là bao, chỉ có mười mấy cây số thôi!

Tôi cũng như bao nhiêu đứa bé trong làng quê thuở ấy, mình được đi học chỉ mong vào học ở những trường công để khỏi phải đóng tiền, mà cha mẹ mình có thể cáng đáng nỗi. Chính vì thế mà khi thi rớt xong, tôi chỉ mong ngồi học lớp Nhứt trở lại để năm sau thi tiếp. Tôi cùng với nhiều bạn bè đã phải xin chuyển ra Búng học ở trường Cộng-đồng Dẫn-Đạo mong kỳ thi vào Đệ-Thất năm sau được lọt vào học ở trường Trịnh-Hoài-Đức là trường công lập đầu tiên, cũng là trường duy nhất của Tỉnh Bình-Dương lúc bấy giờ. Đạp xe đạp đi xa mỗi ngày được khoảng hơn tháng trời để theo học lớp Tiếp-Liên tức là lớp cho những học sinh đã từng thi rớt, trong một chương trình cao hơn đối với một lớp bình thường, để kỳ thi tới hi vọng có được nhiều học sinh đạt được kết quả tốt .

Nhưng bỗng một trưa ngày nọ, bạn bè không biết tụi nó bắt tin từ đâu cho hay có tin rằng: Ông Luật sư Trần-Văn-Trai, dân biểu Quốc-Hội của tỉnh muốn xin mở chi nhánh của trường Trung Học Trịnh-Hoài-Đức ở tại xã An-Mỹ và trường trung học tư của ông sẽ biến thành chi nhánh đó. Thế là tụi nó bàn đến cách bỏ học ở lớp tiếp liên nầy để về trường An-Mỹ tư thục học để cầu may! Nay nghỉ đứa nầy, mai nghỉ thêm vài đứa. Tôi cũng thấy bồn chồn nôn nao, một ngày tôi nói với ba tôi để xin ý kiến. Vì thương con ông cũng ráng cho tôi chuyển về trường An-Mỹ học lớp Đệ Thất, tất nhiên là phải đóng học phí mỗi tháng! Học trong niềm hi vọng của cầu may! Nhưng chưa! Cách vài tháng sau, tụi nó lại báo một tin khác: Trên Tân-Uyên mở một trường Trung học mới của tỉnh Phước-Thành mới thành lập, đang nhận đơn xin thi vào lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ). Tôi nghe nói vậy thì về nói với ba như vậy, chứ không thiết tha lắm và mình cũng còn chờ hi vọng trường tư thục của ông Trai biến thành trường công. Một ngày đi học về ba tôi cho hay là đã đi lên Tân-Uyên với tụi thằng Huệ, thằng Năm nộp đơn cho tôi rồi! Thế là tôi cũng chuẩn bị cho ngày đi thi.

Ngày đi thi, bạn bè trường Tân-Khánh của chúng tôi cũng được khoảng mười mấy đứa. Hôm ấy, tôi theo chị Thay ở trọ nhà người quen của chị ở ngã ba Bình-Hóa trên trục quốc lộ 16. Nửa đêm nước sông lên cao tràn vô nền nhà, chúng tôi phải lội nước để đi ra bên ngoài. Sáng hôm sau, tôi và chị Thay, chị Mướp cùng cưỡi xe đạp qua cầu Rạch Tre lên trường Tiểu-học Uyên-Hưng dự khóa thi cùng với khoảng hơn trăm rưởi thí sinh, đa số thuộc tỉnh Biên-Hòa. Họ cũng là những thí sinh đã bị rớt khi thi vào lớp Đệ-Thất của trường Trung-học Công-lập Ngô-Quyền ở Biên-Hòa. Trong khóa thi có nhiều người Bắc từ Hố-Nai, Tam-Hiệp cũng đến dự. Có hai trường hợp đặc biệt mà khiến tôi không thể quên trong kỳ thi đó là có chị nàng chắc người xứ Huế có tên thật dài của người hoàng tộc: “Công-Tằng Tôn-Nữ Mai-Hoa”; và một anh chàng đực rựa có tên thật là con gái “Ngô-Hạnh-Thi”, cho nên anh chàng được xếp ngồi thi chung với đám con gái. Chúng tôi nhìn thấy mà cứ tức cười. Anh chàng nầy cũng đậu và học trong vài tháng thì chuyển trường, không biết có được về trường Công-lập không, hay là bỏ học để về học trường tư cho thuận tiện hơn!

Ngày nhập học, chúng tôi thuộc trường Tiểu-học Tân-Khánh cũ cũng được trên mười người của sĩ số lớp là sáu mươi lăm học sinh. Theo những danh sách trên sổ thì lớp nầy có nhiều nhân vật thuộc về “chúa sơn lâm”: Hổ, Beo, Cọp, Báo đều có đủ. Lớp được khai giảng tại trường Tiểu-học Uyên-Hưng, nằm bên hông trụ sở Quận Tân-Uyên và trên nổng cao bên kia là Chi Công-An. Quận Tân-Uyên lúc đó không lớn lắm. Dân chúng thường tập trung gần khu chợ và theo trục quốc lộ 16 tính từ cầu Rạch Tre cho lên gần đến dốc Bà Nghĩa.

Khu chợ là khu đông dân, có nhiều nhà. Chợ Tân-Uyên đầu ngoài ngó ra quốc lộ là đầu chợ chính, nơi có bến xe, khu lồng chợ và khu chợ cá ở phía sau gần bờ sông. Ở bờ sông có bến đò mà người dân từ bên cù lao 6 xã qua sông đi chợ mua sắm, bờ bên kia là khu vực của một cái đình làng. Khu vực nầy được nhà văn Bình-Nguyên-Lộc diễn tả ở đoạn văn trong một tác phẩm nào đó của ông, mà tôi đã có dịp được xem qua đoạn văn ấy. Khu tập trung nhiều dân nhất của Quận Tân-Uyên là hai bên chợ có hai dãy phố buôn bán vật dụng, hàng hóa. Phía trong sau hai dãy phố đó là nhà dân; nhưng khu phía Đông Bắc từ chợ cho đến Quận là nhà cửa và người là nhiều hơn cả. Còn đối diện khu chợ, phía bên kia đường ngoài dọc đường là phố xá buôn bán, bên trong nhà cửa không nhiều nhưng rải rác trải ra cho đến bìa ruộng. Còn khu từ chợ về hướng cầu Rạch Tre hay từ trường học Uyên-Hưng về dốc Bà Nghĩa thì nhà cửa cũng chỉ lẻ tẻ ở hai bên đường xen lẫn với những vườn hay ruộng của cư dân.

Ngày đến Tân-Uyên, ba chúng tôi có ý xin chùa cho chúng tôi ở tạm đi học, nhưng sau đó vì thấy chùa không có chỗ và khá bất tiện, đồng thời cũng nhờ vào dịp may gặp được bà út Nghệ đi chợ về ngang trú mưa khi mưa lớn. Sau khi biết, bà Út cho chúng tôi về ở trọ nhà của bà mà không lấy tiền, tất cả là 5 đứa gồm thằng Thạch, tôi, Son và hai anh em Long, Phụng. Nhưng vài ngày sau Son không ở trọ mà cưỡi xe đạp đi học và về với Huệ, Năm, Tộ, Lực và mấy người nữa mà tôi không nhớ rõ. Từ đó chúng tôi ở thường xuyên là 4 đứa và gắn liền với khu vực sân banh của xã Uyên-Hưng.

Trường Trung-học Công-lập Phước-Thành ở Tân-Uyên là trường trung học đầu tiên, duy nhất của tỉnh mới thành lập bao gồm ba quận Tân-Uyên, Phú-Giáo và Hiếu-Liêm bao quanh khu vực chiến khu D lừng danh trong kháng chiến. Lớp Đệ-Thất mà chúng tôi đang theo học là lớp đầu tiên của trường mà Hiệu-Trưởng là người ở dưới Bộ Giáo-Dục đứng tên. Chúng tôi không nhớ rõ là (Đặng-Duy) Chiểu hay “cái gì Chiểu” đó! Thực ra trường được đặt tên của Hưng-Đạo Đại-Vương là “Trần-Quốc-Tuấn” với huy hiệu là ba cây, có ý nghĩa theo tục ngữ “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” để nói lên ý nghĩa đoàn kết trong hoạt động cũng như học tập. Nhưng về sau người ta thường hay nói đến trường Trung-học Phước-Thành hơn là Trường Trung-học Trần-Quốc-Tuấn. Suốt mấy năm chúng tôi chỉ được thấy ông Hiệu-Trưởng một đôi lần. Người trực tiếp điều hành trường thuở đó là Ông Tổng-Giám-Thị Mã-Sấm (gốc Hiệu-Trưởng trường Tiểu-học Tân-Ba ở xã Tân-Ba) và hai vị Giáo-sư kiêm nhiều bộ môn là Thầy Trần-Văn-Khánh người Nam và Tạ-Kim-Anh người Bắc. Sang niên học sau (1960-1961) trường được 2 lớp Đệ-Thất và một lớp Đệ-Lục. Lúc nầy có vài học sinh từ Phú-Giáo phải xuống Tân-Uyên học vì trường Trung-học Công-lập của tỉnh ở Tân-Uyên chứ không là Phú-Giáo mặc dù Tỉnh lỵ Phước-Vĩnh ở ngay Quận lỵ Phú-Giáo.

Trong năm nầy tôi nhớ có vài sự kiện lớn mà chúng tôi đã tham dự hay chứng kiến. Sự kiện ông Quận-Trưởng Nguyễn-Văn-Lời bị giựt mìn tử nạn ở Cầu Đúc Hố Khởi thuộc xã Tân-Hóa-Khánh. Thi hài đưa về trụ sở quận, làm xôn xao, thương tiếc của người dân. Sự kiện thứ hai là đoàn công-voa chở học sinh, nhân viên, công chức, quân đội từ Tân-Uyên đi theo quốc lộ 16 qua các khu vực được coi là vùng chiến khu D (Bình-Cơ, Bình-Mỹ, Bố-Mua, Bố-Lá, Nhà Đỏ gì đó) cho đến Phước-Hòa rồi Phước-Vĩnh để dự lễ khánh thành Tỉnh-lỵ Phước-Vĩnh. Dọc đường tôi mới biết có các sở cao su của ông Nguyễn-Đình-Quát (sau nầy ông có ra ứng cử Tổng-Thống). Sự kiện thứ ba là về khu vực Khánh-Vân của xã Tân-Hóa-Khánh để tham dự lễ khánh thành Khu-Trù-Mật Khánh-Vân mà Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm đến dự lễ cắt băng khánh thành. Những sự kiện ấy tôi không nhớ theo thứ tự được vì lúc ấy còn nhỏ mà cũng không hề để ý đến chúng, nay chỉ ghi lại các sự kiện ấy cũng như là những kỷ niệm ôn lại của ký ức thời nhỏ mà thôi!

Chiến sự cứ tăng dần, đêm đêm nằm nghe đại bác từ những ụ pháo 105 của quận bắn đi, sau có pháo lớn hơn là 155 li. Những đoàn hành quân đến rồi đi; đi rồi lại về. Những người lính Nùng kho thịt hay cá rất mặn, họ nói đùa ăn như vậy chắc da chắc thịt đạn trúng không lủng; nói thế, chứ trước khi đi hành quân họ đốt từng bó nhang lớn trên đầu ngọn súng, khói bay mù mịt. Qua những tháng ác liệt số người Nùng giảm dần, đến trước 75 chỉ có vài người nỗi bật mà tôi biết có ông Lý-Xìu-Cón hình như ra ứng cử Hội-Đồng Tỉnh Bình-Dương hay quốc hội gì đó thì phải? Thỉnh thoảng, bên kia sân banh Uyên-Hưng những vụ đốt xác, hỏa thiêu của lính bốc mùi khét lẹt, chúng tôi cũng đã quen với mùi ấy rồi!

Tôi ở trọ nhà bà Út Nghệ được hơn hai năm, khi bắt đầu trưởng thành thì tôi đủ sức đạp xe đạp theo bạn bè, sáng đi trưa hay chiều về tùy theo buổi học. Trong khoảng hơn hai năm đó, khi thì sáng thứ hai tôi đón xe đò Bửu-Ánh hay xe đò của ông Tư Chon để lên Tân-Uyên, rồi khi về thì cưỡi xe đạp đi về với bạn. Vào những năm, các cầu bị đốt hay đường sá bị đào, đấp mô thì tôi phải cưỡi xe đạp vào trong Tân-Hội để đi với thằng Lực. Có nhiều hôm có trăng, tôi không biết giờ giấc, sợ trễ nên vào tới nhà thằng Lực lại rất sớm. Có khi tôi vào ngủ ở trong nhà của Ông Năm nằm trong khu vực công nhân của sở 49 từ hôm Chủ Nhật , rồi sáng hôm sau mới đi Tân-Uyên. Đường sá lúc ấy còn có nhiều vắng vẻ. Từ chợ Tân-Khánh qua dốc dài Hố Khởi thì có nhiều nhà, nhưng đến đường gò Cây Trắc thì vắng. Vào Tân-Hội, Tân Long thì nhà cửa rải rác, rồi qua ruộng, hai cầu vũng, cầu suối cái đến Tân-Long trong thưa thớt người. Sau đó đến những đoạn đường rừng và cao su, qua cầu Hố Cao lên dốc khá cao thì bên phía tay phải có sở cao su số 10, trong đó có trại cùi Bến-Sắn; bên trái có sở 49; nối tiếp là đoạn đường rừng vắng vẻ mà có những buổi sáng tôi phải đạp xe đạp chạy nhanh vì những con chim “bồ chao” hót inh ỏi như để hù cho tôi sợ. Ra đến cua (khúc quanh) Bình-Chánh tôi mới hoàn hồn vì đã có nhà dân. Tôi đạp tà tà để thả theo dốc dài và vào khu nhà Bình-Hóa để rồi ra tới ngã ba Bình-Hóa, qua cầu Rạch Tre lên Tân-Uyên.

Nhưng trong thời chiến tranh cho nên đoạn đường cũng không đơn giản như vậy. Các cầu bị đốt, phá hư chúng tôi phải đi bộ qua những đà sắt lật ngang, vai vác xe đạp một cách khéo léo, nếu không sẽ bị rơi xuống hố, hay vũng nước. Và khi đoạn đường bộ từ sở 49 đến cua Bình-Chánh bị chắn bỡi những cây sao cưa ngã chúng tôi phải len lỏi đạp xe băng qua sở cao su Bác-Vật rồi ra bìa sở 49 để đi về. Đối với tôi thuở ấy chỉ thỉnh thoảng đạp xe theo bạn vào đầu hay cuối tuần vì thời gian ấy tôi còn trọ ở nhà bà Út Nghệ để đi học.

Khi ở Tân-Uyên chúng tôi có khi được Bác Sáu con Bà Út dẫn đi theo vào sở Kẹc-Bay ở đầu trên dốc Bà Nghĩa để xem cạo mủ và những tiến trình chế biến mủ. Tôi cũng thử làm được đôi ba lần ở sở 49 lẫn Kẹc-Bay. Có một buổi chiều gần cuối năm, lúc đó, cao su bắt đầu rụng lá sở và công nhân nghỉ, Bác Sáu lại dẫn tôi và Long đi về hướng Tân-Hòa, Tân Tịch rồi đi vào một ngã ba. Tôi không nhớ là đi khoảng bao xa thì đến nhà quản lý của sở. Chúng tôi ngủ đêm ở đó. Bác Sáu đưa tôi và Long đi dạo quanh khu vực. Chiều dần xuống, hương rừng lành lạnh, bên kia bờ xóm, những chiếc xe bò vẫn còn chất vật liệu nhà cửa lên xe vì lúc ấy đang là thời kỳ dồn nhà dân vào ấp “dồn dân lập ấp” để mở đầu cho kế hoạch “ấp chiến lược”. Mãi sau nầy, vào năm 1999 khi tôi theo ông anh bạn dì lên điểm để thăm vườn cao su, nhãn của anh thì mới biết đó là khu vực được gọi là “Thường-Lang, Đất-Cuốc”. Nơi mà tiếng tăm của nó đã có trong lịch sử kháng chiến của vùng chiến khu D.

Tân-Uyên không những hằn sâu vào trong tâm khảm của tôi trong những năm đầu đời trên ghế nhà trường trung học, nhưng nó cũng còn cho tôi những cảm giác mát lạnh, trong lành ở những bãi tắm của dòng nước trong bến Ông Quận, bến Cây Dầu, bến Vườn Xoài; hay những bến sông như bến Cây Xanh, bến Cây Sung mà tôi đã tắm, tập bơi. Ở nơi bến Cây Sung chúng tôi đã chứng kiến xác Thầy Khuê và vài người khác trong lần đi công tác đã bị đơn vị thiết giáp bắn lầm. Ở đây tôi mới biết đến cây giá tỵ, cây bàng để cụ thể cho bài giảng văn “Nhặt lá bàng”.

Đi học xa, nhất là trong lứa tuổi nhỏ như tôi thuở ấy thường có những cảm xúc, chiều ngồi phía sau vườn nhà của bà Út, nhìn ra cánh đồng mông lung, sóng lúa nhấp nhô, mặt trời lần xuống bên kia ngọn đồi Bình-Hóa; những tia nắng cuối cùng vàng ửng phóng lên không trung, và tiếng ếch nhái cũng bắt đầu vang vọng, những ngọn đèn thấp thoáng đó đây, lòng trở nên buồn, nhớ nhà khôn tả. Thuở chúng tôi được học bài Kim văn “Nhớ Cố Hương” trích từ cuốn “Mây Ngàn” của ViTa, cái cảnh bên ngoài sao có nét diễn tả trong bài làm sao ấy khiến tôi cũng cảm thấy buồn và nhớ cố hương lây. Hay ngồi ở bến Cây Sung, nhìn khói bốc trên mặt nước của sông Đồng-Nai mà tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của Thôi-Hiệu đã học: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị, Yên ba giang thượng sử nhân sầu” hay Tản-Đà đã dịch “Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sông cho buồn lòng ai”.

Ở tại trường Trung-học Tân-Uyên có thể nói Thầy Trần-Văn-Khánh đã trang bị cho chúng tôi rất nhiều khả năng về văn. Xuyên suốt mấy năm chúng tôi được thường xuyên học dựa trên căn bản: “Những Lỗi Thông Thường Trong Thuật Viết Văn” của Nguyễn-Văn-Hầu và “Việt-Nam Văn-Học Sử-Yếu” của Dương-Quảng-Hàm. Có lẽ nhờ đó mà mặc dù tôi không có khiếu về văn chương, nhưng khi có cơ hội để viết lách, tôi đã không thấy vướng vấp hay khó khăn trong sự viết của mình. Về các bài hát tôi còn nhớ được bài “Hoài Thu” của Văn-Trí mà Thầy Ân đã dạy; Thầy Nguyễn-Thanh-Tuyền dạy Pháp-Văn, Sử-Địa với bài “Đón Xuân” của Phạm-Đình-Chương, Aluette và giọng harmonica của Thầy. Đến những năm sau tôi còn có Thầy Nguyễn-Văn-Thại dạy Pháp-Văn cũng là Hiệu-Trưởng của trường. Thầy Mai-Văn-Phú, Cô Mai-Thị-Hồng, Cô Trần-Kim-Vân, Thầy Xuân, Thầy Lịch, Thầy Thạc, Cô Hoan và một số Thầy dạy ở những lớp khác mà tôi không biết tên.

Từ cuối năm Đệ-Ngũ (lớp 8 sau nầy) số bạn bè đi học đạp xe đạp đi về khá nhiều, nên tôi không ở trọ ở trên Tân-Uyên nữa, mà theo tụi nó đạp xe đạp đi học mỗi ngày. Thủ-Đồng-Sứ (tên cũ của Tân-Uyên) bây giờ không gắn bó với tôi nhiều nữa, nhưng tôi thường đi ngang cánh đồng lúa trĩu bông, hay mênh mông sóng lúa của vùng Tân-Uyên mà thằng Huệ hay nói: Nghe nói: Ngày xưa cánh đồng nầy hoang vu có nhiều nai ra ăn, cho nên nhà văn Tô-Văn-Tuấn mới lấy bút hiệu cánh đồng (Bình-nguyên) nai (Lộc) thành ra Bình-Nguyên-Lộc. Sự việc ấy chưa có cơ hội để kiểm chứng, nhưng sự thực nhà văn Bình-Nguyên-Lộc đã có sinh quán là Tân-Uyên.

Chiến tranh càng ngày càng ác liệt hơn, làng xóm trong Tân-Long, Tân-Hội phải tản cư, dồn ấp và đường sá bị đứt, lẫn chiến trận dễ xảy ra ở các nơi đó, chúng tôi phải chuyển đường đi học. Bây giờ chúng tôi phải đi đường từ Tân-Khánh ra Cầu Xéo, Phước-Lộc, băng cánh đồng qua Khánh-Vân, rồi ra ngã ba Bình-Chánh, đi lên dốc đồi nhà cao cẳng (gọi như vậy vì nhà có gác cao, hai tầng cất cheo leo gần khoảng đỉnh đồi) qua Bình-Hóa mới tới cầu Rạch Tre và tới Tân-Uyên. Đường đi xa hơn nhưng tương đối an ninh. Chúng tôi phải vác xe qua những cầu khỉ, hay bằng một thân cây dầu xẻ đôi, có khi muốn thử tài cứ cưỡi xe thử xem sao, nhưng trong tư thế chuẩn bị “bị té”. Nhưng cũng may trong chúng tôi chưa bị đứa nào. Trên đường đó, chúng tôi sợ nhứt là đoạn đường từ nhà cao cẳng cho đến ngã ba Bình-Hóa vì đoạn đường nầy thường hay bị “giựt mìn” và đụng độ hai bên ở đó. Nếu không may phải lọt giữa vòng thì cũng phải đành chịu thôi! Đi học mà cưỡi xe đạp trên đường bờ ruộng cũng có khá nhiều khéo léo và lanh mắt; tuy nhiên đi vào những mùa sương mù, hay lành lạnh, hoặc vào mùa gặt có những thích thú riêng của nó. Riêng tôi thích nhất vào khoảng tháng chín, tháng mười ta tức vào khoảng tháng 11 tây, tức là tháng có nhiều sương mù, lúa ngậm sương, cảnh người đi chợ đi làm đi trong sương, hay sương mù làm ướt mi, mặt mình nghe lành lạnh, ươn ướt mà gió thì hây hây, mặt nước trong vũng gợn sóng lăn tăn, đẩy xe qua cầu vừa thấy cầu như chạy đi với những cảm giác kỳ thú.

Tôi đi xe đạp để đi học cùng với bạn bè suốt trong thời gian năm Đệ-Tứ (lớp 9 sau nầy). Có những lúc chúng tôi phải đi khác đường tùy theo tình hình an ninh và chiến sự. Có khi phải theo lộ mới qua Khánh-Vân; có khi phải ra Bình-Chuẩn về Nhà Thơ, ra Tân-Ba rồi mới lên Tân-Uyên. Cuối cùng rồi thì năm học cũng trôi qua. Mùa phượng vĩ năm ấy chúng tôi về Biên-Hòa để thi lấy bằng Trung-học Đệ-Nhất-Cấp, rồi với tấm bằng ấy chúng tôi lại chuyển đi những trường khác. Người thì về trường Ngô-Quyền (Biên-Hòa); Thạch, Lực về trường Trịnh-Hoài-Đức; còn tôi, Son, Huệ thì về trường An-Mỹ để rồi hai năm sau tôi và Huệ lại gặp Thạch, Lực ở trường Trịnh-Hoài-Đức, cùng nhau kết thúc bậc Trung-học để rồi mỗi đứa một đường, đi kiếm một cái nghề cho cuộc đời của chính mình. Tân-Uyên đã xa dần cũng như bạn bè hợp rồi lại tan! Cho đến giờ nầy không mấy đứa cùng trường cùng lớp lại có dịp gặp nhau!

Riêng trường Phước-Thành bây giờ được mang tên của một vị tướng, trưởng quân khu 7, hình như quê của ông ở Tân-Hòa hay Tân-Tịch gì đó; ông cũng là nhà thơ tác giả của hai câu thơ:

“Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”

Không biết là tôi có nhớ đúng nó hay không? Nhưng chắc chắn tác giả chính là Huỳnh-Văn-Nghệ. Trường mang tên của ông ấy cũng là một điều hợp lý thôi!

Tân-Uyên quả là một thời của ký ức và kỷ niệm trong tôi! Mà kỷ niệm thời thơ ấu cũng thật khó mà phai, có phải vậy không cùng các vị?



Nguyên Thảo,

6/11/2011.





*Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)



*Về Núi Sam. (Châu Đốc)




Núi Sam chẳng lớn lắm đâu

Có Bà Chúa Xứ, chùa Thầy Tây An

Lại thăm lăng Thoại Ngọc Hầu

Có kênh Vĩnh Tế, hội hè hàng năm!



Đồ Ngông,

22/08/10.







*Miếu Bà Chúa Xứ. (Châu Đốc)



Tên bà nổi tiếng lắm thay!

Vang danh khắp cả các vùng miền Nam

Người ta chen lấn hàng năm

Cầu cầu, nguyện nguyện làm ăn thuận buồm

Ban ơn mưa móc khơi nguồn

Nhân gian bớt khổ, cuộc đời ấm no!



Đồ Ngông,

22/07/10.







*Đi Qua Hà Tiên. (Châu Đốc)



Xuyên qua miền Tịnh Biên

Hướng về miền Hà Tiên

Qua những đồng ngút mắt

Những sóng lúa nối liền!



Nhà chân cẳng cây cao

Chênh vênh tránh nước vào

Người chen chân với lũ

Cuộc sống nhiều công lao!



Đồ Ngông,

23/08/10.







*Ghé Quán. (Châu Đốc)



Dừng chân vào quán nhỏ

Để giải khát nước dừa

Rồi nằm võng đong đưa

Nhìn lên cây thốt nốt.



Ánh nắng lên hàng cây

Gió lại thổi hây hây

Ve nhắc rằng hè tới

Trong nắng hè ngất ngây!



Đồ Ngông,

23/08/10.