Sunday, May 4, 2014

*Gập ghềnh!


*Thơ Đồ Ngông!          (tt)


Gập ghềnh rồi lại gập ghềnh
Đường đi bằng phẳng, gập ghềnh ta đi
Mặc người ta, có sá gì
Gập ghềnh ta bước, bước trên gập ghềnh
Rượu vui, rượu bạn, rượu hiền
Không say, ta chẳng phải chi gập ghềnh
Gập ghềnh thì cứ gập ghềnh
Đời như giấc ngủ, Lưu Linh thuở nào!

Đồ Ngông,
05/05/2014.



*Rượu!

Một người vợ ưu sầu
Bầy con khổ do đâu
Đường đời nhiều khốn khó
Rượu là bước khởi đầu!

Giao thông nhiều trắc trở
Tai nạn xảy ra rồi
Người ta đang khổ não
Cũng tại rượu mà thôi!

Ông quan lờ nhiệm vụ
Đồng lõa kẻ gian manh
Bán nhân quần, xã hội
Rượu đánh bại nhân tình!

Đồ Ngông,
05/05/2014.



*Nhậu!


*Chuyện Tào Lao (Tào Lao Thế Sự) 2.         (tt)

 

Không biết người ta bày ra việc “Nhậu” từ lúc nào, nhưng nhậu ngày nay đã được phổ biến ở mọi nơi trên trái đất này và nhậu đã trở thành một một nhu cầu cần thiết cho những điều kiện làm ăn và tiến thân, nhất là ở Việt Nam.

Tôi đã viết bài “Vấn đề rượu” trong chuyện “Tào Lao Thế Sự lần 1” mà sau nầy tôi hay gọi tiếng bình dân hơn là “Chuyện Tào Lao”. Những chuyện Tào Lao là tập hợp những nhận xét, kinh nghiệm mà tôi đã quan sát, ghi nhận được trong quãng đời đã sống để phổ biến nhằm đem đến cho người đọc vừa giải trí vừa có thêm một vài trải nghiệm nào đó của cuộc đời; và thường hay kể chuyện ở thời “con nít” vì những chuyện của thời con nít nó đã tiềm ẩn “mầm sống” những chuyện của người lớn trong đó, chỉ khác là cường độ được tăng tiến với thời đại và mức độ mà thôi. Tôi đã “post” bài “Vấn đề rượu” vào tháng 6 năm 2010, nay tôi trở lại vấn đề nầy một lần nữa vì “nhậu” đã đi quá xa cái đà của nó trong xã hội đưa đến những “tệ nạn” hay “người ta đã lợi dụng rượu để thực hiện những âm mưu đen tối đàng sau nó.

Tất nhiên, người ta không thể xác định ai đã phát hiện lần đầu tiên ra rượu, nhưng theo suy nghiệm thì ta có thể hiểu rằng: Trong một sự tình cờ nào đó ở vài nơi, đôi khi cùng khoảng thời gian, người ta cùng phát hiện ra một chất uống làm cho con người cảm thấy ngầy ngật, tạo cảm giác là lạ, quên hết mệt nhọc, có khả năng làm ấm cơ thể để chống lại cái lạnh thời tiết ở bên ngoài qua việc khi ăn một trái chín quá ngày hay uống cái nước bị để lâu như nước nho, trái cây đã bị lên men…Thế là chất được gọi là rượu hay tùy theo ngôn ngữ từng dân tộc mà có tên gọi thích hợp cho chất ấy. Rượu bắt đầu đi vào đời sống của nhân loại và được phổ biến càng ngày càng xa hơn. Và rượu được chế biến càng ngày càng chuyên nghiệp và nhiều thứ từ loại rẻ tiền cho đến mắc mỏ mà người thường không thể mua nỗi. Rượu trong lễ nghĩa, rượu trên bàn tiệc, rượu trên tay của kẻ sầu đời, rượu từ âm mưu đen tối của kẻ ác tâm và rượu đi trước để mở đường cho những kế hoạch đi sau; rượu trong chai, rượu trong “chình” để “tặng” cho “khách quý”, nhiều và nhiều trường hợp lắm, khó mà kể ra cho hết!

Đi với rượu là người uống cũng như “thái độ” của người uống rượu. Đó là “nhậu” và “bợm nhậu”. Nói chung, từ ích lợi của rượu thuở lúc ban đầu khi con người phát hiện ra nó, cho đến khi người ta uống rượu có những cảm giác lâng lâng, khoái trá, quên mệt nhọc lo âu và cơ thể được phấn chấn, người ta thường tìm đến rượu nhiều hơn nữa. Nhưng rượu cũng là thứ gây ghiền dễ khiến người ta nhớ và tìm đến nó. Tôi đã có lúc cùng người bạn cứ đến khoảng 9 giờ rưỡi sáng là một “ly xây chừng” (ly bán cà phê đen nhỏ) cưa đôi, thế mà sau năm, sáu ngày thì nghe trong bao tử lại cồn cào, tiết dịch vị ngay trong giờ giấc ấy, tôi hoảng sợ và không uống rượu như vậy nữa. Đó là hiệu ứng của con chó Pavlov mà tôi đã cảm ứng được. Uống rượu không những làm quen hay thân với rượu mà còn đòi hỏi “với bạn bè” cũng như Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê: “Rượu ngon không có bạn hiền, không mua không phải không tiền không mua”. Nhậu mà không có bạn bè thì nó nhạt nhẽo làm sao ấy, cho nên bạn bè xúm lại nhậu nó mới vui, có khi một xị rượu, vài thằng chỉ nhậu với vài trái cóc, trái ổi hay xoài cũng đã đủ vui rồi. Bợm nhậu thường có người nấu ăn ngon. Đã có thức ăn ngon, bạn bè đông vui thì cuộc nhậu mới quả là một buổi nhậu! Có lẽ vì tâm lý có nhậu mới có vui và nên chuyện, nên người ta lại bày ra thêm rượu trong những cuộc nói chuyện, lễ nghĩa trịnh trọng và đặt cho “rượu là rượu lễ rượu nghĩa”, người ta đặt rượu vào những vị trí nào mà người ta muốn, chứ chẳng nơi nào đòi hỏi rượu cả. Người uống rượu lúc đầu còn giữ ý, giữ lời tôn trọng lẫn nhau, người uống rượu khá nhiều bắt đầu lớn tiếng, gay go, khúc mắc, mặt mày đỏ gay hay trở màu tái xanh; và người uống quá “đô” (độ tửu lượng) sẽ biểu hiện thực sự với bản tính, bản năng của mình. Họ có thể là người rất yên lặng, buồn ngủ, gây sự, ói mữa, chửi người khác, đánh người…Bạn bè có thể “từ” (từ giả, từ bỏ) nhau sau buổi nhậu quá chén, họ không bao giờ thích nhau nữa!

Người kinh doanh rượu cũng kiếm được khá nhiều tiền, cho nên trong thời bị Pháp đô hộ, rượu là món mà thực dân kinh doanh, dân chúng phải nấu lậu, dễ bị bắt và bị phạt. Có khi cả xóm, cả làng đều hành nghề nấu rượu, và lấy “hèm” (bã rượu) để nuôi heo kiếm thêm nguồn thu nhập. Trước 75 có vụ nhập lậu rượu ngoại lẫn thuốc, hàng xa xí phẩm khác của những ông bà lớn trong chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã vang dội trên báo chí mà người ta gọi là “Vụ buôn lậu Còi hụ Long An” với sự tiếp tay của quân đội và Quân Cảnh. Sau 75, cuộc sống trở nên khó khăn muôn chiều do nơi đánh tư sản và kiểm kê để tổ chức theo nền kinh tế thời bao cấp, dân chúng nghèo đói, khó khăn, buồn chán người ta lại tìm đến rượu nhiều hơn để quên đi sầu đời, quên đi tương lai mù mịt và lúc đó rượu lại là món để giải sầu. Nhưng rượu lúc ấy cũng không phải dễ kiếm, người ta đã kiếm cồn để pha nước, và hợp chất nầy bị đục khi pha cho nên người ta lại nhúng một lượng nhỏ thuốc rầy để làm cho nó trở nên trong hơn. Tôi có chị quen bị chết chồng vì uống thứ rượu nầy. Và khi tôi còn ở trên đảo tị nạn cũng có một số thanh niên phải đưa vào bệnh viện vì không có rượu đã lấy cồn ở bệnh viện pha nước uống vào dịp Tết xa nhà.

Ai thời nhỏ cũng không biết uống rượu, hút thuốc hay những thứ chất nghiện khác, nhưng cứ đến tuổi thanh niên, lớp trước lôi kéo lớp sau hay đám nhỏ bắt chước đám lớn để chứng minh đã trưởng thành, không còn con nít nữa, tức là “học làm người lớn”. Chúng bắt đầu tập phì phèo điếu thuốc, hút chững chạc, hút trễ môi hút thổi ra chữ O mới là đúng điệu, uống nhiều không say mới là “cừ” (cừ khôi), là “chì” (tiếng lóng là giỏi, hay, cứng cỏi, nặng ký). Thế rồi những bữa tiệc, bữa nhậu được thường xuyên như khoe khoang những thành tích cùng khích bác lẫn nhau “làm cho nó say để coi chơi”, kể cả những trò “trác” (lừa để vui) con gái cho nó uống nước ngọt có bỏ nước vôi vào đó để nó say cho biết. Rồi lớn hơn chút nữa, nhậu lại thường xuyên, nhậu say đả nơi nầy lại kéo đến nơi khác nhậu tiếp. Và khi nỗi hứng kéo nhau đi đến “động điếm” để tập làm “đàn ông”, để chứng tỏ mình là đàn ông “có đầy đủ các món ăn chơi”. Đi xa hơn nữa là rủ nhau thử những thứ chất nghiện như thuốc phiện, heroin, cocain, thuốc lắc (ice), cần sa, bồ đà…để rồi sau nầy trở thành một con nghiện không ích gì mà lại làm khó khăn cho cha mẹ, gia đình, xã hội và đất nước!

Nhậu thường xuyên trở thành những “con sâu rượu” thiếu rượu trong người họ không chịu được, dù họ uống không nhiều. Có khi họ chỉ uống chút ít thôi thì bị say cả ngày chẳng làm công việc gì được, tất cả các công việc lẫn con cái chỉ trông vào bà vợ; những bà vợ của các ông nầy thật phải là đảm đang để nuôi nỗi bầy con. Mấy ông như thế đã trở thành những ông chồng vô tích sự, cha chẳng ra cha, chồng lại chẳng ra chồng! Các ông được gọi “bợm nhậu” thường là thế đấy!

Nhưng nếu không biết nhậu thì công việc làm ăn cũng trở nên khó khăn, vì trong giao tế để chạy mánh, chạy áp-phe, chạy mua các quan chức để quan chức đồng lõa với công ăn việc làm của mình thì cũng phải đưa các quan chức đi nhậu, đưa các “em” tới cùng quan, hoặc bao thơ để quan phớt lờ, không làm khó khăn theo thi hành luật pháp. Trúng mánh lớn thì biết đãi, quà biếu, có khi dinh thự, tài sản lớn để hiến tặng cho quan và quan nâng đỡ, lặng thinh trong công việc tùy theo hoàn cảnh và mức độ. Đó là kiểu “Lắp miệng quan”! Cho nên không biết nhậu trong trường hợp nầy sẽ là một thiệt thòi lớn lao!

Hoàn cảnh càng khó khăn, nghèo đói chừng nào, thì sự nhậu nhẹt lại càng phát triển hơn. Người ta thường tưởng lầm là đời sống của người dân dư dả cho nên dân chúng thường hưởng thụ bằng nhậu nhẹt, nhưng thực tế những người nhậu có thể là những người sầu đời nhậu để quên đi những lo lắng phiền muộn làm cho người ta phải chật vật suy nghĩ; còn giới khác là những giới hẹn hò để bắt áp-phe, chạy mua các vị quan, lôi cuốn các quan tham gia, che đỡ trong những công cuộc làm ăn bất chính, không hợp pháp. Vì vậy, nơi đâu cũng thấy sự nhậu nhẹt thịnh hành thì ta sẽ biết nơi đó dân chúng đang chật vật, nghèo khổ. Tất nhiên những ông quan sẽ được giàu có, và được sang trọng trong những dinh thự đẹp là chúng ta có thể hiểu rằng sự tồn vong của một đất nước sẽ gần kề và xã hội đang bị suy thoái, băng hoại khi mà những người nữ cũng tham gia nhậu nhẹt để rồi những cảnh hiếp dâm tập thể được nêu lên ở khắp mọi nơi.

Rượu và “nhậu” là những tiêu đề nhỏ nhưng nó lại là những vấn đề lớn thật là nhức nhối trong xã hội và nhất là trong vấn đề giao thông: Không biết bao nhiêu là tai nạn xe cộ chết người xảy ra chỉ vì uống rượu và lái xe. Những ai là người lãnh đạo đã có thấy được vấn đề khi ngồi ở trên cao?

Chúng ta cứ thử nhìn về một con người nhậu say trên tư cách, thái độ và lời nói tất chúng ta sẽ thấy có nhiều điều “tức cười và ngộ nghĩnh” mà chúng ta không thể ngờ. Và người nhậu say ấy có lẽ chẳng làm được gì từ giây phút say sưa ấy. Mọi công việc trong gia đình chắc là vợ và con cái của họ đều phải lo. Như vậy gánh nặng lại đè trên vai người khác. Nhậu chỉ là để tốn tiền, ngồi lý sự, tán phét chuyện trên trời dưới đất, rồi to tiếng sinh sự, chẳng đóng góp được gì cho ích lợi gia đình, xã hội. Rồi người nhậu muốn nhậu nên bày ra nhiều thứ rượu gọi là “rượu quý”, rượu thuốc bổ cơ thể, rượu bổ dương giúp cho tình dục được mạnh mẽ để rồi bắt những con vật quý hiếm trở thành nạn nhân nằm trong chai rượu hay những món ăn nhậu bào chữa cho thái độ vô trách nhiệm của mình đối với gia đình, quốc gia và xã hội!

Nếu một quốc gia mà nhiều người suy nhược như thế thì quốc gia ấy sẽ có một ngày suy vong và không bao giờ tiến triển nỗi! Và nhất là tệ nạn sẽ dẫy đầy! Quan chức sẽ là những đồng lõa với tội phạm, những kẻ làm ăn bất chính, có thể cả với những kẻ thù tự nước ngoài!

Cái gương lịch sử của “Lê Ngọa Triều” vẫn được lưu truyền tự ngày xưa để nói về vị vua thời Tiền Lê là Lê Long Đĩnh.

Bàn nhậu thì nhỏ, nhưng vấn đề lại là quá to, có phải như thế không quý vị nhỉ?

 

Đồ Ngông,

24/03/2014.