Friday, June 22, 2018
*Quê Người. (17)
Theo lịch trình hôm nay chúng tôi được văn phòng trại tiếp cư có xe buýt đưa đến bệnh viện phổi ngoài trung tâm Thành phố Adelaide (mà người ta thường gọi là City) để khám chuyên về phổi. Đó là thủ tục mà mọi người khi đến Úc đều phải trải qua để phòng ngừa bệnh lao và các thứ bệnh về phổi trong kế hoạch phòng chống về các bệnh truyền nhiểm do người mới nhập cư có thể đem vào, vì nước Úc muốn bảo vệ cho mọi người dân không vướng vào những bệnh ấy.
Sau khi ăn sáng xong, chúng tôi tập họp ở phía trước văn phòng của trại để đợi chờ xe buýt đến, kể cả những người đến Úc cùng ngày với chúng tôi, nhưng họ có thân nhân ở ngoài nên không cần ở trong trung tâm tiếp cư.
Đường đi trong khoảng thời gian nầy có nhiều xe, dọc đường thường hay bị kẹt xe ở nhiều đoạn nên xe phải chạy từ từ. Dọc hai bên rất ít các phố lầu, hay những tòa nhà cao ốc, đa số là nhà trệt, có từng vuông đất giống như các khu vực gần trại tiếp cư mà chúng tôi đã thấy, hay các khu vực chúng tôi từng đi qua. Mãi đến khi đến “City” thì mới thấy có nhiều nhà cao tầng nối tiếp trên một khu vực khá lớn với nhiều cây xanh, đường sá rộng rãi và xe cộ tiếp nối nhau trên những trục giao thông, với hệ thống đèn đường tự động. Nhưng dù là nhà trệt hay phố lầu đều theo một thứ tự chứ không hỗn độn như ở bên mình. Nhìn qua hai bên đường tìm mãi chẳng thấy con hẽm nào kể cả những khu vực ở gần trại tiếp cư.
Đến bệnh viện phổi xe vào chỗ đậu, chúng tôi lần lượt xuống. Tất cả hơn 30 người được chị Thông dịch đón tiếp và hướng dẫn, chị tự giới thiệu là chị Hoa có trách nhiệm thông dịch, hướng dẫn cho đoàn trong buổi nầy. Công việc khám và chụp hình phổi cũng khá là bận rộn, chị Hoa phải thông dịch cho từng gia đình, nên thời gian kéo dài cũng khá lâu mới hoàn tất hết. Xong xe buýt đưa đoàn về lại trại tiếp cư còn kịp vào giờ ăn trưa của căng-tin, tức vào khoảng gần 2 giờ. Rồi về phòng nghỉ ngơi, tôi vội lấy thư ra viết tiếp để gởi về cho gia đình, càng sớm càng tốt, nhất là để có những giấy tờ cần thiết để tôi có thể làm hồ sơ bảo lãnh cho gia đình. Riêng Thành còn đi rảo đến các người quen.
Thời gian qua cũng nhanh, chợt một chốc thì lại đến giờ ăn chiều. Tôi đi cùng Bác Vỹ, Bác Phương lên căng-tin. Hàng đã dài vì chiều nay có những người Thổ dân (chủ nhân của đất Úc nầy, mà mọi người thường gọi họ là Úc đen, để phân biệt với những người Úc đến từ Âu Châu hay gọi bằng một danh từ khác là Úc trắng), nghe nói rằng họ từ sa mạc được đưa về đây để tham quan vài nơi trong vài ngày. Phải nói, từ ngày đặt chân lên xứ người tôi đã học và phải học hỏi rất là nhiều điều dù nơi đó là đảo tị nạn Bi-đông, hay trại chuyển tiếp ở Sungai Bési trên đất Mã-Lai; hoặc nhìn lại chính mình trong cuộc sống và nhất là phong thái của những dân tộc mà mình được tiếp xúc, cái nhìn của tôi được vươn ra một không gian rộng lớn hơn và cũng từ đó tôi muốn kiểm nghiệm thực tế những điều đã học, những kiến thức đã tiếp thu lúc còn trên ghế nhà trường, mặc dù trong khoảng thời gian ấy mình vẫn chưa biết tương lai mình sẽ về đâu và như thế nào! Người xưa nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” quả là đúng quá đi thôi! Nói chung từ khi từ giã quê hương, mỗi bước đi hay từng ngày tôi phải chứng kiến cùng đối diện với những điều lạ, nhất là trên “xứ người”. Thế cho nên sự học hỏi, chú ý, hay cách hành xử cũng phải ứng biến theo từng thời gian. Với cuộc sống của người Tây Phương trên xứ Úc nầy khiến tôi lại càng thấy mình lạc lỏng hơn nếu không có em tôi, Trọng hay những người vừa quen, cùng những người qua đây chung một chuyến bay.
Lấy thức ăn xong, tôi ngồi cùng bàn với Bác Phương, Bác Vỹ, Thành. Trong lúc đó, Bác Vỹ hỏi tôi: “Chú mầy có dự tính gì về tương lai chưa”? Tôi thành thật trả lời: “Chưa Bác ơi! Để từ từ rồi tính. Ngôn ngữ (tiếng Anh) thì chưa rành, nghề nghiệp coi như không, chắc đành thả trôi theo con nước, tới đâu thì tính tới đó vậy”! Câu chuyện còn đương tiếp nối thì anh Nguyên đến cho hay: “Anh Vỹ, nghe nói cuối tuần nầy, list (những người qua cùng một chuyến bay từ Sungai Bési sang Úc) của mình được cô Tây nào đó làm việc dưới Cộng Đồng (Cộng Đồng Người Việt Tự Do) đại diện cho Hội Nhà Thờ ở đâu đó mời lên đó chơi, anh có biết không”? Chúng tôi hỏi lại, có người biết chỉ bảng dán thông cáo ở văn phòng thông tin. Xong bữa ăn, Bác Vỹ dẫn chúng tôi đến đó để xem thông báo. Bác Vỹ là người tương đối thạo tíếng Anh, Bác dịch lại cho chúng tôi. Như vậy cuối tuần nầy có xe buýt đến rước chúng tôi đến Kadina để tham quan trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật.
Tôi không về phòng liền mà thả qua phòng của Lê Nguyên Tịnh, anh bạn cùng vượt biên với tôi trên cùng một chuyến, và cùng nhau tát nước khi nước tràn vào trong tàu để ôn lại chuyện ngày xưa. Tịnh qua đây trước tôi cả tháng, vẫn còn ở trong nầy và đợi chờ vào lớp học tiếng Anh cho người mới tới. Còn Thanh Sơn và Hiệp thì đã ra ở bên ngoài, nghe nói Hiệp tính chuyển sang tiểu bang khác “Melbourne” vì phần lớn những người trên chuyến tàu vượt biên của tôi được phái đoàn Úc nhận đều đến Melbourne hơn là Sydney, hay ở các tiểu bang khác. Tôi ngồi với Tịnh cũng khá lâu mới về phòng, đêm nay trời khá lạnh, Thành đã mở lò sưởi tự bao giờ. Tôi nằm trên giường mà trằn trọc không ngủ được, tôi lại nghĩ về gia đình, vợ con tôi!
Sáng hôm sau, tôi dậy khá trễ vì đêm hôm không ngủ được nhiều. Thành đang viết thư cho gia đình, cùng bạn bè của nó. Bác Vỹ gõ cửa rủ đi ăn sáng. Thành dẹp viết thư, tôi ngồi dậy sửa soạn đi vệ sinh ngoài phòng công cộng, rồi mặc quần áo đi lên căng-tin sau.
Bàn Bác Vỹ đã đủ người, các bàn khác thì đã có các người di dân khác ngồi rồi (vì nơi đây là tập trung các người tị nạn từ các nơi khác đến); Họ từ Ba-Lan, Liên Xô hay ở vài nơi nào đó được Úc nhận để định cư ở tiểu bang Nam Úc nầy. Thành kêu tôi đến bàn của nó, ở đó đã có hai người nó quen: Cô Ái và chị Nhi. Được biết anh Thiết Nhi ngày xưa học bên Kiến Trúc, nhưng mấy ngày nay bị bệnh nên còn ở trong nhà thương; còn Ái nhà ở Sài gòn dường Nguyễn Thiện Thuật mà ngày tôi còn đi học ở trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn, tôi có ở khu đó. Thành, em tôi nó hay đi vòng vòng và thích ngoại giao nên nó quen nhiều; còn tôi thì tương đối khép kín, lủi thủi nên chẳng quen được bao nhiêu. Chúng tôi ngồi ăn và cùng hỏi thăm nhau vài câu chuyện và hơi bâng quơ về tương lai. Tôi nói “bâng quơ” vì đó là một sự thật, cái sự thật đầy lo âu và toan tính. Bạn thử nghĩ mình đang ở trên xứ người mà ngôn ngữ không đủ để diễn tả cái điều mình muốn, nghề nghiệp thì không thể làm cái nghề mà mình đã làm trước kia, mà cũng chưa chắc người ta cho mình làm; không có tiền, nhà cửa. Mọi thứ gần như là con số không, Mới nhìn sơ qua trong xã hội của người ta, mình đã thấy khác với lề lối sinh hoạt trên xứ mình quá nhiều; cho nên chỉ biết nhìn và quan sát để mình có thể thích nghi vào chỗ nào cho thích hợp. Ái sang đây có một mình và đã trải qua một lớp Anh Văn cho người mới tới.
Về đến phòng không bao lâu, thì Thành ẵm con trai đầu lòng của anh chị Ba Nguyên (qua Úc cùng chuyến bay) ở phòng bên kia đường về chơi. Nó hơi mạnh tay làm đứa nhỏ thích chí cười dòn, còn tôi sợ rủi có chuyện gì cho đứa nhỏ thì phiền không biết là bao nhiêu, nên kêu nó đem về trả cho chị Ba. Nó đem trả đứa bé rồi lại biến đâu mất. Hồi lâu, lại có tiếng chị Ba kêu tôi ra: Thì ra, chị không biết Tiếng Anh mà ông Tây nào đó rượt hai đứa con riêng của anh Ba chạy, chúng nó hoảng quá chạy vào nhà, ông cũng rượt theo. Gặp chị Ba ông nói cái gì đó chị Ba không hiểu nên chị kêu tôi. Tôi chỉ hiểu loáng thoáng là ông chạy xe ngang thì hai thằng nhỏ bắn súng cao su chơi, cây bắn ra bay lên xe ổng; ổng ngừng xe lại và ví hai thằng nhỏ. Theo ổng nói: “Nếu xe ổng bị trầy nước sơn là mất giá trị”. Bằng tiếng Anh ít ỏi của mình, tôi cũng tạm dịch cho hai người và chuyển lời xin lỗi của chị Ba đến ông ta. Ông lái xe đi mà chắc cũng còn ấm ức trong lòng. Còn tôi nghĩ trong bụng: Ngộ, bên mình chú trọng đến cái máy, mà bên nây lại cái nước sơn bề ngoài: Tôi học thêm được một điều mới lạ trên xứ người!
Ở trong trại tiếp cư, thỉnh thoảng có nhiều người đến thăm: Thứ nhất là người Việt đến nơi nầy hãy cón ít, cho nên người tới trước đi tìm người cùng hoàn cảnh để an ủi hay giúp đỡ được chút nào, hoặc ít ra là cho vài kinh nghiệm đi trước. Hai là để tìm xem có những người thân quen nào từ quê nhà đến không? Đó là điều mà từ khi còn ở bên đảo, cứ mỗi lần có tin báo người từ tàu mới lên là mọi người thường chạy ra cầu tàu để xem có người thân quen chăng, thì bây giờ cũng vậy. Thường mỗi thứ năm là người ta đến viếng nơi nầy nhiều cũng không ngoài mục đích ấy. Chính vì vậy, tôi lại được Bác Vỹ rủ sang chơi, uống trà với hai Bác vì có vài người tới thăm. Đây là mấy người thuộc diện cựu quân nhân ngày xưa nên họ hỏi nhau về chuyện lính. Bác Vỹ cũng thành thực kể quá trình của Bác từ bên nhảy dù, rồi sau đó về làm Quận Trưởng quận Bình Chánh như thế nào cho họ nghe, và chức vụ cuối cùng là Trung Tá. Từ đó, mấy ông ấy có vẻ kính trọng Bác Vỹ lắm, còn tôi thì cứ như thường chứ không biết gì cả, vì từ trước tới sau tôi chưa bao giờ vào quân đội.
Trở về phòng thì lại có người gõ cửa, thì ra trên văn phòng trại đem bao thư đến phân phát cho chúng tôi số tiền trợ cấp còn lại sau khi trừ các chi phí trong tuần. Trợ cấp khoảng 61 đô mấy, trừ ăn, ở chi phí còn khoảng 28 đô, số tiền đó được để trong bao thơ và chuyển giao cho chúng tôi qua nhân viên người Việt và cho biết đó là “ân huệ” của tuần đầu tiên khi đến Úc để có chút tiền tiêu xài; và từ đây về sau là cứ hai tuần mới được lãnh chi phiếu và tự mình đến ngân hàng để lãnh tiền mặt ra, Đó là khoảng trợ cấp của “Bộ An Sinh Xã Hội”, hay nói nôm na là trợ cấp “Thất Nghiệp” vậy!
Nguyên Thảo,
14/06/2018.
Subscribe to:
Posts (Atom)