Monday, August 12, 2019

*Quan Và Dân!



Dân là những “Thằng Người” của tận cùng xã hội, là tầng lớp “đại đa số đang sinh sống” trong một quốc gia. Đối nghịch lại là “Những con người đang lãnh đạo” trên tầng lớp cao nhất của đất nước. Khoảng giữa là những ông quan kể cả quan văn và quan võ, là những tầng lớp giúp cho chính phủ hay chính quyền thực hiện những chỉ thị, phương cách cai trị đến các tầng lớp thấp kém bên dưới, là lũ “dân ngu cu đen” (theo thói thường những người dân đã tự coi họ đúng với những từ ngữ ấy)!
Ngày xưa, nếu tính theo từ thời Thượng Cổ thì những con người sống bình đẳng với nhau, nhưng vì mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy làm, làm cho cuộc sống trở nên xô bồ xô bộn, không ai nghe lời ai cả mà trở nên xung đột. Qua quá trình tiến bộ cũng như sự phát triển về trí thông minh, con người đã biết tổ chức theo kiểu bầy đàn để cùng nhau hợp lực chống chọi với thiên nhiên, thú dữ; hoặc đôi khi chống lại với những đoàn người khác đến từ bên ngoài, nhằm bảo vệ khu vực của mình khi mà con người biết chú trọng đến quyền chiếm hữu và định cư, dùng nông nghiệp, săn bắn để làm môi trường sinh sống. Để rồi, từ khung cảnh đó tiến đến tổ chức xa hơn là lãnh thổ và phát triển lãnh thổ bằng cách chiếm lấy của người, sắc dân khác bằng vũ lực, sức mạnh hay chiến tranh, làm cho đất của mình càng ngày càng lớn hơn, to ra.
Theo như nền văn hóa của Đông Phương, nhất là những nơi ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa thì vị vua được xem là “Chân mạng Đế Vương” do số ở Trời định là được làm vua để cai trị dân trong toàn lãnh thổ của mình. Ông Vua nầy có quyền tối thượng thi hành mọi chính sách, cách cai trị của ông, đồng thời cũng như bổ nhiệm, cử ai làm quan, làm tướng tùy ông ta. Tuy nhiên theo quá trình lịch sử, và do vào kinh nghiệm trong dân gian, từ xưa đã có những điều ghi chép để giúp công việc trị nước của vua được tốt hơn cho người dân. Và các điều ấy được Khổng Tử trong Thời Xuân Thu Chiến Quốc thu thập và san định trở lại thành những Kinh, Thư làm căn bản cho một nền Học Thuật Nho giáo, mà dân gian gọi nôm na là Đạo Khổng, Nho Giáo hay Khổng giáo giống như câu: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” chẳng hạn. Tuy nhiên Vua cũng là con người, mặc dù mọi quyền hạn, sinh sát trong tay thì Ông ta cũng không thoát qua khỏi những cái “Tính” căn bản của con người mà chỉ có Duy Thức Học trong Phật Giáo mới phân tích rõ các tâm tính ấy, và cũng chẳng có triết học nào phân tích được rõ hơn. Các tâm tính ấy là gì? Là “Tham, Sân, Si”. Tham là đã có nhưng lại muốn được nhiều hơn, sung sướng lại thích sung sướng hơn, có ít thì lại muốn có nhiều. Muốn mà không được thì sinh ra sân hận, giận dữ, lòng nổi lửa lên; để rồi không kiềm chế được cơn nóng giận dữ mà sinh ra những hành động tàn ác, ngoài ý muốn thiện của mình và có hại đến cho muôn dân và cơ đồ, xã tắc.
Đó là chuyện của ông vua, còn ông Vua có toàn quyền bổ nhiệm cái đám “Tay sai” của mình để thừa hành những điều, chỉ thị mà mình đã ban ra, bằng cách phong cho những thân nhân, người quen, hoặc những người có tài về phương diện nào đó giữ những chức vụ quan trọng điều hành, thực hiện cái ước muốn của ông vua thành hiện thực trong mọi phương diện. Nếu về phương diện hành chính thì là quan văn, nếu về quân sự, võ lực thì là quan võ. Văn hay võ đều là củng cố, thực hiện cái chính sách của chế độ, của Ông Vua. Ngoài việc sử dụng những người Thân, Quen, Người đã có công trong công cuộc kiến quốc hay tạo nên triều đại; ngày trước người ta còn tuyển dụng những người có tài, có kiến thức trong dân chúng nên mới có tầng lớp sĩ tử từ trong dân gian. Không những tầng lớp sĩ tử nầy phải học về những điều cần thiết trong việc làm quan theo đường hướng của Đạo Khổng, mà còn phải biết về việc võ nữa, thế mới có câu; “Văn võ toàn tài”. Đã thế mà họ còn trải qua các kỳ thi, mà ở Việt Nam trong Lịch sử đã có Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình mà các sĩ tử phải “xôi Kinh, nấu Sử” chờ ngày đi thi. Do đó mà vợ phải: “Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ” để chờ ngày “Bái Tổ Vinh Quy”, “Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”. Từ quan niệm đó mà vinh dự của làng xã, thôn xóm cũng tăng theo nếu có người đỗ đạt. Hay có những gia đình làm được cuộc đổi đời bằng có người làm quan và giúp cho dòng họ khá hơn theo dân gian đã nhận xét “Một người làm quan, cả họ được nhờ”!
Cái tiêu chí làm quan ngày xưa, theo quan niệm của Đạo Khổng là “Tu Thân, Tề Gia” trước, rồi mới đến xa hơn là “Trị Quốc, Bình Thiên Hạ” chẳng kể là Vua hay quan đều như thế cả. Ông Quan phải đem hết tài trí, khả năng của mình ra đóng góp cho đất nước, làm cho đất nước được giàu mạnh, dân chúng ấm no, hạnh phúc “Quốc Phú, Dân Cường”, vì vậy mà các Ngài phải “Chí Công, Vô Tư”, “Lo trước cái lo của Thiên hạ, vui sau cái vui của Thiên hạ”, và lòng Kiên Định không thay đổi giống như câu “Phú Quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.
Tuy nhiên trên lý thuyết thì như thế ấy, nhưng thực tế thì tùy vào tâm tính, hoàn cảnh kinh tế xã hội mà vị quan thể hiện cái ước muốn, cũng như tỏ thái độ của mình trên đường quan lộ. Nhất là những kẻ “nịnh hót, hèn hạ với cấp trên” để rồi “hống hách bắt nạt kẻ dưới, làm tiền ở người dân” làm cho dân chúng càng trở nên điêu đứng, sau sự khốn khó mà triều đại đem đến. Điều ấy không phải là hiếm, ngay từ trong các Triều đại xưa cho đến nay đều có xảy ra. Nơi nào kiếm ăn được, có thể kiếm được nhiều tiền thì các vị làm quan đều “ngắm nghía” đến và có thể tung tiền ra mua chức vị ở đó để được “giàu vì làm quan” mong cầu bản thân, gia đình được ấm no, hạnh phúc và sung sướng. Đôi khi với chức vụ ấy cần có trình độ Văn hóa đến đâu thì với cương vị, quyền hạn người ta có thể bỏ tiền ra mua những bằng giả để được duy trì ở chức vụ mà thực hiện âm mưu, lẫn ước mơ của mình. Mãi rồi trong xã hội người ta không biết là ai xài bằng giả, hay bằng thiệt; ai là quan giả, ai là quan thiệt; ai là quan làm cho “dân giàu, nước mạnh” và ai là quan “tham nhũng, đòi hối lộ, hút máu của nhân dân”! Thật là chuyện xã hội, quả khó mà lường! Mãi rồi bao nhiêu người dân không biết phải xử trí thế nào và cũng chẳng biết tương lai mình sẽ về đâu?
Trong những xã hội Tự do, với báo chí người ta có thể phanh phui những trường hợp quan lại tham nhũng, hống hách, bức hại người dân. Hay với những thư tố cáo lên cấp trên thì quan lại ấy có thể mất chức như chơi mà không phải bị bắt, trù yếm, đe dọa, trả thù. Và với “lỗi lầm như thế đấy” họ khó có thể đi kiếm một công việc nào khác để sinh sống nếu ở xã hội tự do. Vì khi đi xin việc ở nơi mới, thì nơi dó thường hay tìm đến lý do nghỉ việc ở nơi trước, nếu quá trình xấu thì không được nhận làm. Nhưng ở trong vài chế độ người làm xấu nơi nầy lại chuyển đi đến nơi khác, để rồi họ lại tiếp tục làm chuyện xấu bằng những hành vi cẩn thận và tinh tế hơn. Và càng ngày những vị quan chức xấu càng nhiều, họ chẳng hề có lợi mà chỉ là những “Con sâu” bòn rút, gây hại cho đất nước, khiến người dân nghèo nàn, xã hội băng hoại và đất nước càng lúc càng bị tiêu vong hơn.
Và cũng ở nơi Dân Chủ và Tự Do, người dân hội đủ điều kiện có thể ra ứng cử để được bầu vào những Hội Đồng Địa Phương làm Nghị Viên, tham gia công việc hoạch định những kế hoạch làm ích lợi cho Địa Phương mình. Họ có thể là trong Đảng phái hoặc là những Ứng Viên tự do, không theo Đảng phái nào. Nhưng khi họ được dân chọn, bầu cho thì ít ra họ cũng có những khả năng cống hiến cho địa phương hay là đất nước, nếu trong nhiệm kỳ mà họ làm không được việc, thì đến cuộc bầu cử sau, họ không được dân chúng chọn nữa. Còn ở những nơi đặc quyền, đặc trị cho thành phần nào đó và với thành phần đó khó kiếm người thay thế thì với quyền hạn, thế lực họ dễ dàng bức hiếp người dân để đòi hối lộ, hay gây khó khăn làm tiền, hầu cho người dân phải “lòi” tiền ra mà lo lót, hối lộ để viên chức không cần làm nhiều mà được lợi to. Không biết những giới chức ở cấp cao có biết không, mà sao các thành phần ấy cứ ung dung “hút máu” của dân lành! Điều đó trong lịch sử xã hội trên thế giới chắc là không ít, kể cả mọi thời đại dù là phong kiến hoặc hiện nay. Quý vị thử “nghiệm” lại xem sao?

Đồ Ngông,
13/08/2019.




Thursday, August 8, 2019

*Đại Cuộc?



"Đại cuộc" là cái chi chi
Kẻ to lại lấy “Đường đi” khởi đầu
Mỗi lần hiếp đáp thâm sâu
Lấn đầu, lấn đít, vuốt ve, lấy lòng
Mỗi lần chiếm lấy bờ Đông
Tiến sâu bên Bắc, đưa dòng người sang
Đem câu “Đại Cuộc” lên bàn
Thể như Đại Cuộc mục tiêu cuối cùng
Lý tưởng là chuyện của chung
Nhưng ai đâu biết, cái Tâm lọc lừa?
Hòa Bình, Nhân Nghĩa đã chưa
Đủ che Tâm Ý “Bao Trùm” Thế gian!

Đồ Ngông,
09/08/2019.