Saturday, April 24, 2021

*Chuyện Về Báo Chí!

 

            Thú thật, Đồ Ngông tôi chẳng biết gì về chuyện báo chí! Nhưng duyên tự nhiên thì một ngày lại biết về nó và cũng được tham gia trong một thời gian dù không là dài. Lúc còn học trong nhà trường, Đồ tôi cũng tập tành viết bài cho “bích báo” theo tiếng Hán Việt ngày xưa, hay “báo tường” cho ngôn ngữ ngày nay, hoặc đúng hơn là các bài được viết trên khuôn khổ một tờ giấy lớn, rồi dán hay treo lên tường để cho mọi người thích đọc đến đứng mà đọc, coi chơi: “Chúng viết cái gì” trên đó! Do không có khiếu về văn chương, và không biết viết câu chuyện như thế nào để coi cho là được, vì vậy mà kết quả bị ông thầy loại ra. Có lần Thầy phụ trách bóng gió là học lớp lớn mà viết như là con nít, dù không biết đích xác là mình, nhưng linh cảm lại “chính là hắn, không sai khác”!

           Từ ấy, tôi không hề nghĩ đến chuyện văn chương, thơ thẩn. Rồi đến một ngày, khi biết yêu một cô nàng, nhưng hoàn cảnh khá éo le, Đồ tôi đành làm bài thơ chia tay mà lại “ca” gọi là “Chín khúc ca” để làm kỷ niệm của một thời mới lớn và biết yêu! Đó có lẽ là bài thơ đầu đời của Đồ Ngông tôi xuất hiện! Sau đó, vào những lúc buồn tình hay ngẫu hứng thì cũng thơ thẩn chơi chút nào thôi, mà cũng chẳng hề cho ai biết!

           Vài năm sau có biết ông thầy cũ của mình đã gặp “xì căng đan” ở trường năm nào, do một thằng học trò ngỗ nghịch ở lớp Đệ Tam (lớp 10) kêu anh nó là lính Dân Vệ địa phương, làm khó dễ và đánh ông. Khi được về Sài Gòn ông lại trở thành một nhà báo viết cho tờ báo nào đó với bút danh là “Tư Trời Biển” chuyên vạch trần những sự áp bức, bất công. Thì ra, trong xã hội có nhiều trường hợp “bức ép” người ta quá mức, khiến cho vài người có điều kiện thuận lợi họ nhảy ra với “những hành động” chống lại, công khai cho mọi người, dân chúng biết để xã hội nầy được tốt đẹp hơn!

           Thế rồi, theo dòng đời dong ruổi, mình cứ sống theo những gì mình hiện có, khả năng mình được tự lúc sinh ra để làm hành trang cho cuộc sống. Nhiều khi cái hoàn cảnh tạo cho mình một cái nét “gàn gàn, ngông ngông, bướng bướng không còn là một đứa trẻ dễ thương như ngày trước” khiến người ta phải nhức đầu, khó chịu. Nhưng dù sao “vẫn là một người có tâm tốt”, đó là theo ý kiến của nhiều người bên ngoài nhận xét! Mang đặc trưng, bản chất ấy đi vào đời từ quê nhà cho đến xứ người trong những thời gian đầu. Sau vì để thích nghi trong môi trường mới cũng như “do thân lẻ loi’ nơi đất khách quê người, mình phải thay đổi cho hợp, vì thế mình phải nhìn lại mình, giống như một người “tu” trong Đạo Phật!

            Ai cũng có một “Định Mệnh”! Cái phức tạp “tranh giành, thọc mạch, nịnh hót, ganh ghét…” của đời người có khi xảy ra lắm phiền phức. gây điều tai họa, hiểu lầm. Tôi “lâm vào tình cảnh như vậy” và khiến mình phải dành thời gian để suy nghĩ về nó. Từ trong “bóng tối” ấy, tôi đã thấy được bóng sáng của một cái tự nhiên nào đó, rồi ấp ủ “sẽ có một ngày” phải viết lên, chia sẻ với mọi người về điều ấy. Sau đó, giấc mơ tự nhiên gặp “nhân duyên” trở thành hiện thực! Từ một bản tin nhỏ nhoi sang tờ báo địa phương, bắt đầu cho Đồ tôi đi vào “chuyện báo chí”, kể cả báo chí Liên bang hay những trang “Web” được phổ biến trong thế giới ngôn ngữ Việt ở một vài lĩnh vực phổ thông! Trên bước đường, Đồ Ngông tôi đã học được nhiều vấn đề để mình có thể hiểu hơn về những thủ đoạn trong ngành báo chí, cũng như cách đánh máy, trình bày dù không trải qua một trường lớp mà chỉ là “học lóm” mà thôi!

            Như ở trên, Đồ tôi có kể về chuyện ông Thầy dạy cũ trở thành nhà báo “Tư Trời Biển” viết về những chuyện “hà hiếp dân lành”, “bất công trong xã hội” để nhằm ngăn ngừa một số hiện tượng xảy ra thường xuyên trong xã hội. Ông thầy ấy đã vốn có kiến thức vì từ trường “Đại Học Sư Phạm” mà ra, có bạn bè là những người hoạt động xã hội có tiếng lúc bấy giờ như Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang chẳng hạn, và có đủ điều kiện để phất cờ. Sau nầy, tôi được một anh bạn có học trong ngành báo chí cho biết có nhiều người cũng chuyên viết về các mục “người hà hiếp người” mà trở nên khá giả, giàu có. Tôi ngạc nhiên hỏi anh, thì anh cho biết vì những người sắp bị “phanh phui” trên mặt báo, họ sẽ tìm gặp để điều đình bằng món tiền phải trả để loạt bài “ngưng lại”. Đó là chuyện tôi biết đầu tiên về báo chí.

            Qua thời gian, khi tôi bắt đầu những bài thơ vui chơi và cũng là thử sức khả năng làm thơ của mình tới đâu nên tôi gởi các bài thơ mới “ra lò” cho tờ báo “biếu của địa phương”. Trong các bài thơ đó có mấy bài can ngăn sự xung đột của vài người trong Cộng Đồng, nhưng khi báo phát hành thì mấy bài thơ ấy có bị sửa chữa vài câu mà theo ý thì tôi lại đứng về phe chửi người khác. Đồ tôi có nói với chủ báo thì họ chỉ nói: “Sửa như vậy cho ý nó hay hơn”. Tôi đành chịu thua và tự nhắc lòng “phải cẩn thận” trong những lần sau. Thế là từ đó Đồ tôi rất cẩn trọng để gởi bài: Đối với những bài thông thường phổ thông tôi không sợ bị sửa bài, đổi chữ. Nhưng với những bài có liên hệ Cộng Đồng, xung đột thì tôi không gởi, hay không tham gia. Tuy nhiên, có lần tôi lại học thêm một điều quan trọng khác của ngành báo chí!

            Vốn là sau cuộc bầu cử Ban Quản Trị Cộng Đồng của Tiểu Bang, với những thủ đoạn cũng như thủ thuật của đôi bên, bên thua liền nghĩ đến chuyện ra một tờ báo biếu mới của địa phương, vì “muốn làm chính trị” mà không có tờ báo để làm hậu thuẫn thì khó mà thành công. Thế rồi cả hơn chục người hùn nhau, mua máy in, tìm người, nhân sự để thành hình một tờ báo mới. Sự “tranh ăn” hai tờ báo được khởi đầu với những bài viết bài bác chửi bới nhau tạo nên tình trạng phân hóa trong Cộng Đồng. Cả tháng sau, Đồ Ngông tôi mới có bài gởi lên để can thiệp cho tình trạng đang xảy ra bớt nghiêm trọng đi. Qua bài thứ nhất và bài thứ nhì sự xung đột khựng lại, mọi người ngạc nhiên vì có người dám can thiệp vào vấn đề. Thế rồi bài thứ ba, tôi chỉ gởi cho một tờ báo có lúc trước mà không gởi cho tờ báo mới. Khi đến chỗ làm tôi có kể lại cho anh bạn rành về báo chí nghe, anh bảo: “Chết rồi! Trong luật báo chí thằng nhà báo nó có thể sửa bài của anh theo ý nó, không khéo nó sửa bài để chửi người ta. Khi chuyện xảy ra rồi coi chừng anh mang tiếng mà nếu anh phàn nàn thì nó nói: “Đó là lỗi của người đánh máy hay nó viện dẫn lý do nào đó để sửa bài của anh thì chuyện đã rồi”! Nghe thế, tôi vội điện thoại đến tờ báo xin đình chỉ bài, để viết lại cho mạnh hơn. Chiều về tôi ghé qua tòa soạn, chủ báo cho tôi biết đã gỡ bài ra khỏi tờ báo kỳ nầy rồi, đợi tôi viết bài lại, anh còn chỉ cho tôi cái chỗ “lay out” được thay bằng bài khác. Nhìn thoáng qua bài thì anh đã sửa một đoạn để chửi người ta rồi! Từ đó, Đồ Ngông tôi rất e dè khi gởi bài cho các tờ báo để đăng. Chuyện xảy ra thật “hú hồn”!

            Dù chỉ là đóng góp ít ỏi bài vào các tờ báo, tập san vui chơi, nhưng Đồ Ngông tôi cũng học được khá nhiều về các thủ thuật hay thủ đoạn của những người làm báo để điều khiển dư luận, hoặc đem cái lợi về cho chính mình qua bạn bè và người có học về ngành báo chí. Từ đó tôi lại nghĩ về tư tưởng “mọi sự do Tâm tạo” trong Đạo Phật: Khi Tâm con người tốt thì những gì người ta viết ra, phổ biến trên mặt báo hay phương tiện truyền thông sẽ tốt và đem lại ích lợi cho nhiều người; nếu Tâm người không tốt, thủ lợi thì sẽ khiến cho số người lầm lạc không nhỏ. Đó là điều mà trong chiến tranh, báo chí đã thiên lệch và đem chiến thắng đến cho phe mà họ muốn. Và mới đây, nhất là trong cuộc bầu cử năm 2020 trên đất Mỹ, trên cái xứ được xem là Tự do và Công bằng, mẫu mực mà thế giới nhìn vào, đã xảy ra các điều mà người ta không thể ngờ: Ngay cả ông Tổng Thống bị báo chí và đám Big Tec “bịt miệng” và “bị đặt điều” để bêu xấu nhằm triệt hạ, loại hẳn ông ra và bao che cho phe được họ ủng hộ!

            Ôi! Đó là “Lương Tâm” của những người làm báo, ngành báo chí lẫn ngành truyền thông! Đáng sợ thật!

 

           Đồ Ngông,

           25/04/2021.

 

 

 


Sunday, April 18, 2021

*Khuynh Hướng!

 

Khuynh hướng thế giới này

Người thích lãnh đạo thay

Ở trên đầu thiên hạ

Bày ra chuyện từng ngày!

 

Tiền tha hồ thu gom

Bắt dân phận gối rơm

Không được quyền than vãn

Mặc thân thể gầy còm!

 

Đè dân ra mà cướp

Cướp như lũ cướp ngày

Lại giống bọn cướp đêm

Nhằm thoả mãn mộng dài!

 

“Cho dân” đâu chẳng thấy

Chỉ thấy một “bầy sâu”

Cùng thân chuột cắn phá

“Một nước” cảnh thảm sầu!

 

Đồ Ngông,

15/04/2021.