Ngày xưa, lúc tôi còn bé thì đã có nghe người ta nói đến Đảng “Ăn cướp nhà giàu chia cho nhà nghèo” mà tôi chẳng biết gì cả. Dù mang nhiều thắc mắc nhưng không biết hỏi ai, và không biết vì sao? Rồi lớn hơn chút ít nghe mấy người lớn trong thôn xóm thường nhắc đến những “anh hùng hảo hớn” để nói đến những người tương đối có sức mạnh, ưa xâm trên mình, tay chân những hình thù lạ lẫm, thích có các hành động mạnh, đa số thường có võ nghệ. Đến khi Đảng “Cướp Rừng Xanh” được báo chí hay đề cập đến, mà nơi đóng doanh trại của họ không xa làng quê tôi lắm thì tôi mới nghe nói nhiều đến “cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo”, và dù gì nó vẫn không qua khỏi danh từ “Đảng cướp”. Rồi từ ngày anh em ông Bời, ông Liễu “bị” chết đi thì Đảng ấy tan rã. Sau nầy Đảng cướp ấy được nhắc lại trong phim gì đó, hình như trong phim “Ván bài lật ngữa” thì phải? Điều ấy tôi không chắc lắm! Tuy nhiên, với những người sống trong vùng của họ xem họ giống như những “anh hùng hảo hớn” đôi khi nói trại ra là “anh hùng hảo hán” thế thôi! Những vụ cướp họ làm ấy có kết quả ra sao và có chia cho người nghèo không thì không mấy người biết, nhưng ít ra họ cũng là những kẻ cướp, chuyên đi ăn cướp của người khác, đôi khi cũng giết người. Chính vì vậy mà Đảng của họ phải bị loại trừ do chính quyền đương thời!
Đến khi lớn hơn chút nữa thì tôi được nghe nhắc đến
tác phẩm “Thủy Hử” trong kho truyện Tàu (mà người dân Việt Nam ưa thích từ
trong dân gian cho đến các học giả hay đọc, nghiên cứu), nhất là sau khi các
truyện đó được in ra bằng “Chữ Quốc Ngữ” thì sự phổ biến được lan truyền ra khắp
dân gian theo trào lưu phát triển của Chữ Quốc Ngữ. Đối với tác phẩm “Thủy Hử”,
các nhân vật thường được xem là “anh hùng”, do đó mới có câu “một trăm lẽ tám
anh hùng Lương Sơn Bạc” với những mưu mẹo, thủ đoạn, sách lược mà họ thực hiện
dù là qua ngòi bút của Tác Giả Thi Nại Am (hay là La Quán Trung?). Bộ truyện nầy
sau tôi biết được là những nhà quân sự lẫn chính trị tìm đọc để nghiên cứu các
sách lược, mưu mô trong đó nhằm giúp cho con đường thực hiện đường lối của họ,
cùng với hai bộ truyện khác là Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa cùng Đông Châu Liệt Quốc.
Điều biết là như vậy, nhưng mãi nhiều năm sau, khi lâm vào cơn bệnh dài ngày, tôi
mới có dịp dùng thời gian ấy để tìm đọc được chúng. Từ đó tôi mới hiểu được chút
nào về “anh hùng hảo hớn” và liên hệ vào “ăn cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo”,
tuy nhiên tinh thần ấy cũng không rõ ràng bằng câu chuyện “Robinhood” của phương
Tây.
Trong dân gian, người ta thường đánh đồng “ăn cướp”
nhà giàu chia cho người nghèo với người bênh vực chống bất công đối với những
người có quyền thế làm giàu bằng áp bức, bốc lột, cướp của bằng công sức của người
khác. Nhóm cướp đi ăn cướp những nhà giàu là những nơi có tiền của mà vẫn không
phân biệt dù là các gia đình ấy phải lao động cật lực ra để giàu có. Họ cũng đổ
mồ hôi, sôi nước mắt mới tạo được cơ nghiệp! Còn việc chia cho người nghèo được
bao nhiêu thì ít ai biết được, nhưng có điều chắc chắn là họ sẽ giữ lại phần lớn
tiền của nào đó để cung ứng cho chính họ và tổ chức bù vào công lao, công việc
nguy hiểm mà họ dấn thân vào!
Đến khi cuộc chiến tranh tương tàn, tàn khốc trên đất
nước chấm dứt, đất nước bước vào thời gian hòa bình, thống nhất, dân gian có
nhiều người cho rằng: Từ đây người ta không phải cực khổ nữa, nhà nước sẽ lấy của
nhà giàu chia cho người nghèo để rồi ai cũng sẽ như ai. Nhưng không, tất cả đều
khác đi! Tất cả đều do nhà nước quản lý, nhân dân phải bươn chãi: “Lao động là
vinh quang, lang thang là chết đói”. Người dân chia ra nhiều thành phần, tiêu
chuẩn khác nhau, hưởng quyền lợi, được đối xử cũng khác nhau. Các tổ chức mới được
tiến hành khiến mọi tiến triển bình thường của xã hội trước kia đình trệ, gần
như ngưng hẳn để đợi chờ cho cuộc cải tạo theo cách mới. Dân chúng phải lâm vào
mọi tình huống khó khăn. Để sinh tồn người dân đã phải làm đủ mọi cách để kiếm được
tiền, thực phẩm cung ứng cho chính mình và gia đình, nạn buôn nhỏ hay buôn lậu
theo các ngõ ngách được tiến hành, kể cả những vụ cướp bóc, giết người cướp của.
Từ vấn đề chính trị lẫn kinh tế, dân chúng đã làm một cuộc “đào tẩu” vĩ đại
trong lịch sử của dân tộc; dù trước đó, vào thời gian chiến tranh ác liệt, không
mấy người bỏ nước ra đi! Người ta phải vượt rừng sâu, biển cả để sang xứ người
dù phải hi sinh đến mạng sống. Đó là do sự áp dụng vào thực tế của một chủ nghĩa
được cho là “tốt đẹp nhất” của loài người! Và chủ nghĩa ấy đã bị sụp đổ vào những
năm sau đó ở trên phần đất sản sinh ra nó.
Tuy nhiên, sau khi đến được xứ người, tôi lại tiếp
xúc được một chế độ thoải mái hơn nhiều: Người dân luôn được tôn trọng, giúp đỡ,
được hưởng tự do, hạnh phúc cùng những điều mà người Cộng Sản mơ ước thực hiện.
Cái xã hội ấy không cần tuyên truyền, hô hào ầm ĩ, không cần phải bóp nghẹt đời
sống của người dân; không phải chuyện nhà nước quản lý, quốc hữu hóa xí nghiệp,
tổ chức thương nghiệp để người dân xếp hàng đi mua nhu yếu phẩm theo tiêu chuẩn;
không có hợp tác xã nông nghiệp gì cả và nhất là không cần đến “sự áp bức, trấn
áp” của lực lượng đặc biệt an ninh trong guồng máy tổ chức của chính quyền. Xã
hội ấy là một xã hội vẫn còn các cơ cấu như là một xã hội Tư bản, nhưng những
người tàn tật, cô đơn được chế độ ưu đãi giúp đỡ; người không có việc được trợ
cấp để sinh sống, chi phí trong lúc đi tìm việc; được hưởng chế độ y tế từ khám
bệnh cho đến bệnh viện tùy theo lợi tức của mình; trẻ con, người già được quan
tâm, giáo dục công cộng không phải trả tiền. Sinh viên ở Đại học được cho mượn
tiền để theo đuổi sự học, khi ra làm sẽ từ từ hoàn trả lại sau…Nói chung sự tổ
chức xã hội như là mô hình mơ ước của người Cộng Sản theo đuổi. Tuy nhiên, cái
Tổ chức đó khiến tôi lại nhớ về câu chuyện mà tôi đề cập đến trong bài nầy, ấy
là chuyện “Cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo”. Cái vấn đề là lấy tiền ở đâu
ra để nhà nước chi phí trợ cấp cho rất nhiều người như vậy? Tất cả những người
già, trẻ con, tàn tật, người neo đơn lại thêm lực lượng thất nghiệp; cùng với
những mạng lưới các tổ chức phục vụ cho xã hội cùng với chi phí khám bệnh, bệnh
viện cho người dân cùng các trợ cấp khác. Đó là chưa kể đến các chi phí cần thiết
để sử dụng cho quốc gia. Nếu nghĩ kỹ một chút ta sẽ thấy các chi phí khổng lồ ấy
từ đâu? Từ tài nguyên quốc gia, từ tiền thuế của các công ty, xí nghiệp, từ tiền
thuế của những người đi làm,..Như vậy sở thuế chính là “Một tổ chức cướp của nhà
giàu chia cho nhà nghèo”.
Sở thuế là Tổ chức của Chính phủ căn cứ vào lợi tức
của xí nghiệp, công ty, cá nhân đi làm mà tính thuế theo tỉ lệ hợp lý, nhưng để
chi cho các khoản chi các phúc lợi xã hội mà người dân được hưởng thì số thuế
phải đánh cao hơn với những ai có lợi tức, lấy đó cung ứng cho người khác. Bỡi
thế mà người đi làm đóng thuế phải chịu thuế thật nhiều khiến cho người đi làm
phải nghĩ đến “nên làm nhiều hay làm ít”? Còn những ai được hưởng các phúc lợi
xã hội thì họ “thấy sướng thì cần gì phải làm” hay “đi làm chẳng có lợi bao nhiêu”
nên xảy ra điều tiêu cực xảy ra. Nếu suy nghĩ một chút xa hơn ta sẽ thấy một sự
bất công ngấm ngầm trong xã hội: “Không phải người nghèo bị bốc lột mà chính là
những nhà giàu” hay đúng hơn là những người “đi làm, đóng thuế” bị bốc lột để
cung ứng cho xã hội. Điều đó khiến cho tôi nghĩ về giai đoạn mà Marx gọi là “Cộng
sản nguyên thủy” của thời kỳ sơ khai của loài người, mà nơi đó đã chính vì “sự
bốc lột của những người muốn ở không mà hưởng đối với người siêng năng làm việc”
mà xã hội Cộng sản ấy bị ta rã để bước sang Thời Kỳ Tư Hữu. Bao nhiêu người siêng
năng bỏ công sức lao động của mình, làm cật lực để xây dựng điều gọi là “Tư hữu
riêng tư”! Và đối với những quốc gia có Đảng gọi là Đảng Cấp Tiến (như Lao Động,
Dân Chủ) là những Đảng chú ý đến phụ giúp người dân “nghèo” nhiều thì Đảng ấy sẽ
sử dụng ngân sách của quốc gia chia cho người dân nhiều hơn; vì thế mà người ta
gọi Đảng ấy là Đảng Xài Tiền. Còn Đảng ngược lại phải tìm cách đem tiền “đền bù”
lại cho ngân sách nên được gọi là Đảng Kiếm Tiền. Thật là oái oăm cho con đường
Chính Trị!
Đồ Ngông tôi cứ nghĩ ngông như vậy! Không biết là
chuyện xã hội thật đúng hay sai? Thôi thì, mình cứ nghĩ tới đâu thì tới! Bàn
chuyện tào lao cho nó vui vậy mà!
Đồ Ngông,
2205/2021.