Friday, May 20, 2022

*Những Khung Trời Kỷ Niệm!

 

Lời Trần Tình: Trong thời đại bây giờ có quá nhiều tiến bộ, trình độ của tôi không tiếp thu kịp các bước tiến ấy, do vậy mà tôi chỉ cần nắm bắt cái thông thường của nó thôi. Nhưng con người, ai cũng có những cái “duyên” và “số mệnh”, giống như tôi có chuyến “vượt biên” của mình chẳng hạn. Thế rồi, vận thời đưa đẩy, tôi trở thành “người viết chơi chơi”, “làm thơ tào lao” lại có bài được đăng trên các tờ báo khác. Xong, anh bạn Từ Minh Tâm lại làm cho tôi cái blog nầy sau những loạt bài, thơ tôi gởi về Trang Nhà CHS Trịnh Hoài Đức, để sau đó tôi viết “tùm lum” đủ thứ chuyện làm kỷ niệm cho mình lẫn giải trí cho bạn bè. Rồi thêm, vào một lúc khi xem trên “You Tube” thấy người ta làm những video, clips hay quá, gặt hái kết quả nhiều hơn, nhất là các kênh về du lịch, làm cho tôi hết hứng thú kể lại các chuyến đi; đồng thời, người xem cũng không mệt mỏi, khiến tôi “chùn bước” trước mấy câu chuyện “tào lao” của mình! Nay vừa buồn, vừa muốn bạn bè cùng thời ôn lại những nỗi buồn vui một thời xa xăm đã từng gặp, từng sống chung với nhau; nhưng rồi, từ ngày xa nhau không mấy đứa lại gặp nhau. Mỗi người có nếp sống gia đình, có hoàn cảnh, địa lý sống riêng mà đến chết chưa chắc sẽ có lần gặp lại. Hôm nay tôi viết, viết những thời mà sự sinh hoạt của những người trong cuộc được gắn liền địa lý, hoàn cảnh lịch sử trong từng thời kỳ để cùng nhau ôn lại quá khứ và những kỷ niệm buồn vui. Chúng chỉ là những kỷ niệm, kỷ niệm của từng thời kỳ nào đó, không có gì khác hơn! Tới nay nhiều người còn lại, nhưng cũng không ít người đã mất đi, thì các chuyện nầy như để tưởng nhớ người quá cố của những người còn lại trong tình bạn bè thân thiết ở một thời xa xưa! Tôi xin nghiêng mình kính cẩn, và mến tặng bạn bè các nơi, cùng Thầy Cô Giáo mà bọn trẻ chúng tôi thuở ấy đã được giáo huấn nên người. Thành Kính tri ân!

 

Nguyên Thảo.

 

                                                                          

Tuổi Ấu thơ và kể cả thời Thanh niên của tôi hầu hết đều nằm trong giai đoạn “Đất Nước Chiến Tranh”. Tôi sinh ra sau năm 1946 tức là vào thời kỳ bắt đầu của Mùa Thu kháng chiến. Khi tôi hiểu biết được chút ít thì thấy được cái nền nhà bị Tây đốt cháy với đống gạch, ngói vụn đổ nát, mà tôi cũng chẳng biết là nhà của Ba má hay nhà ông Nội ở một vùng quê hẻo lánh, phía trên là rừng, phía dưới là đồng ruộng trải dài ra tới suối cái. Cái nếp sống nông thôn bình dị, ban ngày đi ra đồng ruộng, ban chiều chong đèn dầu ăn cơm và nghe ếch nhái kêu vang vọng trên đồng. Rồi qua những cuộc bố ráp của lính Tây cùng lính thuộc địa dữ quá, nhằm chống lại cuộc kháng chiến của Việt Minh đang dồn dập cao trào để giành độc lập cho đất nước, nên gia đình tôi phải từ giã vùng quê “Phước Lương” ấy vào một đêm không trăng, để di cư về quê ngoại Vĩnh Trường tránh những trận “cà nông” (canon) do Tây bắn tới, hoặc bị giết chết trong các cuộc càn quét. Gia đình ba má nương vào quê ngoại với những mảnh đất mà ngoại đã chia phần cho má tôi. Ngoài tỉa đậu, trồng chút ít vụ mùa, ba còn bươn chải mua gốc tre đẽo đòn gánh, hoặc lấy tre làm giường, ghế kiếm thêm, nhưng hàng bán cũng chỉ là thỉnh thoảng, vì vậy mà ông cũng làm đủ thứ nghề. Ở Vĩnh Trường tôi cũng biết “lặt đậu” để những trái đậu phọng rớt vào cái rổ nhỏ mà ba đã “đươn” (đan) cho. Không biết ông kiếm ở đâu được cái “bê rê” đen của lính “com măn đô” về cho tôi đội. Tôi thích cái chuôi trên đầu mũ, mình có thể nắm cái chuôi ấy mà xoay, xoay nón quay tròn. Tôi mến Chú Ba Nức, chú ở chăn trâu cho ba khá lâu, chú thường cõng tôi trên lưng, cùng hái những trái cây rừng như trái cơm rượu, trái sim cho tôi ăn, và những trái khác để làm đồ chơi, nhất là cái ghế “tu-nê”, cái tên nghe là lạ, hay hay mà khó quên trong tôi, hoặc cái bẹ chuối cắt ngắn xẻ hai bên để khi cầm mình lắc mạnh thì hai cánh ấy đập vào bẹ ở giữa kêu nghe lốp bốp. Những tình cảm ấy khiến tôi nhớ chú mãi về sau nầy!

Vào một ngày nào đó chú đi mất tiêu, tôi khóc quá chừng. Ba tôi nói chú đi theo Việt Minh rồi. Không biết tôi nhớ chú đến bao lâu thì nguôi ngoai. Rồi ba nhờ chú Chang về chăn mấy con trâu. Nhưng chẳng bao lâu thì chú Chang cũng đi mất. Thế là ba đành bán mấy con trâu lẫn xe vì không ai “đón” (chăn). Ba chọn nghề khác. Lúc ấy tôi có thêm đứa em gái kế. Ba chuyển sang nghề mua bán đậu. Chiến tranh lúc đó có phần ác liệt, gia đình tôi ở quê ngoại có phần khó khăn vì ba nằm trong thành phần thanh niên, cho nên ba má chuẩn bị cho việc chuyển về chợ Tân Phước Khánh ở để được yên ổn hơn. Trong khoảng thời gian đó thì lính Cao Đài từ đồn chợ Tân Khánh thường hay đi “bố” trên Vĩnh Trường. Ngày nọ, họ lên Vĩnh Trường thấy tôi đội cái bê rê, họ nói mượn, rồi họ đội đi luôn. Mất một vật thân thương, tôi khóc không biết là bao lâu, chắc cũng mấy ngày. Với cái mũ ấy cho đến bây giờ nó còn lại một tấm hình chụp ở ngoài Thủ Dầu Một vào một ngày má dẫn tôi ra chợ. Khi chụp tấm hình ấy, má nói tôi khóc thật nhiều; sau nầy em trai tôi cứ tưởng tấm hình đó là của nó chụp chung với má.

Những ngày còn ở trong Vĩnh Trường, tôi thường sợ tiếng ễnh ương kêu uềnh oang vào các cơn mưa đêm. Tiếng nó to, vang lên thật lớn mà nghe cũng lạ đời. Rồi tiếng xe ngựa, tiếng lục lạc mà ngựa đeo ở cổ vang theo nhịp điệu nó chạy. Lại có tiếng chú bán cà-rem khiến tôi phải đòi má mua cho: “Cà-rem đây, năm cắc (50 xu) một cây, đồng hai cây cà-rem đây” kèm theo tiếng chuông lắc kêu keng keng. Cái kỷ niệm trong đời mà tôi nhớ nhiều có lẽ là khi ba dạy tôi đếm từ một tới mười vào mỗi buổi tối. Không ngờ tại sao tôi ngu đến như vậy, chỉ có mười số thôi mà vẫn đếm không tròn, có khi đếm tới chín, mà mười lại đếm không ra. Thế là từ đó ba không dạy nữa, sau khi cho tôi một trận đòn. Có lẽ vì ngu quá nên ông bỏ luôn việc dạy độc huyền cầm hay còn gọi là đờn gáo vì nó làm bằng cái gáo dừa, cho tôi. Có đêm đang ngủ, ba vực tôi dậy để lên xe đạp chạy băng đồng, băng gò mã cùng với nhiều người, người ta vừa chạy vừa la: “Cướp, cướp, có ăn cướp”, “Ăn cướp ở đâu?”, “Ở xóm trên”.

Mặc dù vào thời buổi chiến tranh, nhưng Vĩnh Trường cũng tương đối là yên tĩnh, vả lại thời ấy vũ khí hãy còn thô sơ nên không tàn phá từ xa như bây giờ. Nhưng vì cuộc sống của thanh niên khó an toàn nên ba má tôi quyết định về chợ. Hai người bỏ công sức đi xin miểng hộp từ trong lò chén kéo về đổ lên một đường hẻm, rồi lại đổ đất lên trên. Rồi sau đó cất cái nhà mà mái chồm lên hai mái chái của hai nhà kế bên. Tôi xuống đó lúc vừa lên sáu hay đúng theo tuổi ta tính là 7 tuổi, cùng ba má với hai đứa em: gái lên 4 và đứa trai lên 2.

Có lẽ do ba má bận rộn buôn bán với cái tiệm tạp hóa, cho nên ba dẫn tôi lên trường học Cây Gòn của Thầy Khai xin cho tôi học lớp Đồng Ấu với thầy giáo Sáu. Thầy chê tôi còn quá nhỏ, nhưng ba cố năn nỉ cho tôi học vì sợ ở nhà tôi đi chơi. Cuối cùng tôi cũng được học, nhưng thường bị “mắng vốn” vì hay ngủ trong lớp.


Nguyên Thảo,

21/5/2022.