Saturday, October 22, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (10)

 

Trong lúc chờ đợi, tôi vẫn với bạn bè đi học trên trường An Mỹ tư đều đặn như thường lệ. Đường đi lên trường đi qua sân bay. Hồi trước khi đi lên chợ Thủ, tôi chỉ nhìn thấy cái sân bay cạnh bìa đường lúc chạy ngang qua chứ không có vào trong; còn những ngày chạy đi coi lính nhảy dù thì không được phép lên tới vườn Bà Đôn chứ đâu đi vào sân bay. Vườn Bà Đôn là một khu rừng chồi nhỏ nằm phía bên ngoài sân bay có nhiều cây sim, táo gai, cò ke, mù cua kể cả đuôi chồn… Mặc dù rừng nhỏ nhưng cũng đủ cho chúng tôi, nếu đi một mình, thì vừa sợ ma vừa sợ người ta cướp giặc. Và từ ngày đi học trên An Mỹ nầy chúng tôi cưỡi xe đạp đi trên sân bay từng ngày. Sân rộng thiệt, có lẽ cỡ trên 50 mét chiều ngang và chiều dài cây số hay hơn. Không biết làm bằng gì, nhưng lớp mặt trên hình như bằng đá đỏ khá nhuyễn được cán bằng phẳng và rất cứng, chứ không phải là bê-tông hay loại nhựa đường. Mỗi sáng từng đoàn học trò cưỡi xe đạp đi và chiều hay trưa từng nhóm cưỡi xe về, tiếng trò chuyện vang rân trên đường đi qua. Những tiếng chuyện trò hay trêu ghẹo thật là vui. Có một hôm bạn bè trêu ghẹo anh Sách như thế nào mà Sách phải khóc. Thì ra Sách thân với anh Chi nên hai người đi chung, nhưng anh Chi là chú của chị Mây, do đó anh Chi chở chị Mây đi chung với mấy chị nữ mà anh Sách lại đi theo. Trong một đám con gái chỉ có anh Chi và Sách là con trai, nhưng anh Chi thì không đáng nói, chỉ còn riêng Sách là khác biệt, nên mới có chuyện để bạn bè chọc ghẹo. Số là ở rạp hát lúc đó có chiếu phim về “Lữ Bố, Điêu Thuyền”. Trong phim có một đoạn Đổng Trác là ông quan ham mê về nữ sắc, Ông thường tắm chung với các cung nữ, lấy từ đoạn phim đó có bạn so sánh Sách với Đổng Trác và trêu ghẹo Sách là “Đổng Trác”. Lúc đầu Sách không biết, về sau khi biết Sách khóc quá chừng, và không dám thường đi chung với anh Chi nữa mà chỉ thỉnh thoảng thôi. Đi lên An Mỹ không phải chỉ có con đường đi qua sân bay mà còn đường đi qua Vĩnh Trường, rồi băng từ Vĩnh Trường trên đi thẳng qua An Mỹ thì gần hơn, tuy nhiên đường nầy nếu về mùa mưa thì dơ lắm và nhiều vũng nước vì nó là đường đất, lầy lội và có nhiều gai tre, đôi khi gai đâm lủng ruột xe đạp mà phải dẫn bộ cùng tốn tiền để vá xe nữa, thế nên đường ấy không tiện lắm.

 

2-Đường Lên Tân Uyên:

Không ngờ, chúng tôi học trò lớp Nhứt cũ của Trường Tiểu học Tân Phước Khánh cũng nộp đơn thi trên Tân Uyên khá nhiều. Đến ngày thi, tôi theo chị Thay và chị Mướp vào chiều hôm trước, đi xe đạp khá xa để đến Tân Uyên. Đó là lần đầu tiên tôi đi xa bằng xe đạp, với những dốc cao mà chúng tôi phải đẩy xe lên dốc vì đạp lên không thấu như dốc dài bên Hóa Nhựt sau khi qua cầu đúc Hố Khởi, rồi dốc ở Tân Hội và dốc dài Hố Cao sau khi qua khỏi ấp 2 Tân Long. Qua dốc Hố Cao thì tới bên trong phía tay phải là sở cao su số 10 mà trong đó có Trại Cùi Bến Sắn. Tới nữa bên tay trái là sở 49, cây cao su trồng cách đường không xa và tới khu nhà có mùi hôi khó chịu mà chị Thay nói đó là khu nhà mũ của sở. Con đường nầy có trải đá xanh nên ít ổ gà, mà hơi dằn vì không có cán nhựa. Hai bên đường còn có những cây dầu, hoặc cây sao cao mú, thân khá to. Không biết người Pháp làm con đường nầy tự bao giờ mà họ trồng hai hàng cây bên đường toàn là những cây gỗ tốt không như dầu, sao, gõ như chúng tôi thấy bây giờ. Còn từ trên vườn Bà Đôn sân bay qua Tân Khánh vào Hóa Nhựt, Tân Hội, Tân Long người ta cắt những cây không biết hồi nào mà chỉ còn lại các gốc rất là to, có người ra sức họ đào gốc đem về để làm thành cái cối giã gạo hay giã chuối cho heo ăn hoặc dùng vào các công việc khác. Gốc còn nhiều lắm!

Sau khi đổ dốc Bình Hóa, dốc từ trên đỉnh đồi đổ xuống lưng chừng một độ khá cao rồi qua một cầu bằng ván tới một đoạn đường bằng phẳng, xong lại đổ thêm một đoạn dốc nữa để ra đến ngã ba Bình Hóa. Nhà bà con của chị Mướp ở tại ngã ba về phía tay trái, phía sau là đồng ruộng. Sau khi nghỉ ngơi trong chốc lát, trời chưa chiều lắm, ba chị em cưỡi xe đạp lên Tân Uyên cách đó chừng hai cây số để xem địa điểm thi chỗ nào để ngày mai biết mà tới cho đúng giờ. Tân Uyên không lớn, chỉ có xóm chợ là nhiều nhà cửa thôi, chứ từ Cầu Rạch Tre lên tới chợ không bao nhiêu nhà. Nhà dọc theo bờ sông lai rai, còn phía đối diện là đồng lúa, bây giờ lúa bắt đầu chín trở vàng, còn nhiều đám vẫn là màu xanh, hoặc hơi ngã màu. Xong chúng tôi trở về, chị Thay và chị Mướp phụ nấu cơm, rồi ăn cơm chiều. Tối đến, chúng tôi ra ngoài đi tiểu, bước chân xuống đất thì nước tràn vào nền nhà đến mắt cá chân, phải lội nước ra ngoài. Thì ra nước sông đang lớn!

Khi chúng tôi lên tới địa điểm thi ở Trường Tìểu học Uyên Hưng thì thấy đã có rất nhiều thí sinh tề tựu đông đảo kể cả các bạn, có cả Long, Phụng nhà Ông Út Tợ, Thạch, Son, Huệ, Năm, Lực, Gõ, Ru…Tất cả có thể lên đến khoảng 200 thí sinh. Đây chắc chắn là những đứa học trò đã từng thi rớt kỳ thi tuyển vào các Trường Trung Học Công Lập của Tỉnh: Nếu như thuộc Bình Dương thì là Trường Trịnh Hoài Đức và Biên Hòa là Trường Ngô Quyền, còn chuyện đang có đi học trường tư hay không thì không biết! Trong giờ nghĩ để chuyển môn khác, có nhiều người bu vào xem một phòng nọ. Tôi cũng hiếu kỳ nhìn xem. “Cái gì vậy?” có người hỏi. “Có anh chàng sao xếp ngồi chung với mấy đứa con gái?”, rồi có người nói: “Tôi coi rồi! Trên bảng danh sách anh chàng nầy tên là Ngô Hạnh Thi, chắc giống tên con gái nên người ta xếp lộn đó”. Thế là mọi ngưòi được biết rõ ngọn ngành nên không còn thắc mắc nữa. Buổi thi đó được tổ chức ở 3 phòng của dãy ngang của Trường Tiểu Học Uyên Hưng. Xong cuộc thi tôi theo chị Thay và Chị Mướp cưỡi xe đạp về nhà và tiếp tục việc học trên trường Trung học Tư Thục An Mỹ và trong hi vọng Trường tư nầy sẽ trở thành chi nhánh Trường Công Trịnh Hoài Đức. Cách chừng tuần sau tôi chưa được bạn bè rủ đi xem kết quả ra sao, thì ba đã theo bạn bè lên Tân Uyên xem kết quả rồi. Khi tan học ở An Mỹ về đến nhà, ba cho tôi biết là kết quả thi ở trên Tân Uyên đã đậu và kể cả ngày lên đó để khai giảng năm học.

Một ngày trước khai giảng ba tôi dẫn tôi, chú hai Thiểu dẫn Thạch B, ông Út Tợ đưa Long, Phụng cùng Son con Bác Năm Lộ bên Hóa Nhựt đón xe đò Bửu Ánh của ba thằng Bạn trong Tân Long lên Tân Uyên để kiếm nơi cho chúng tôi trọ đi học. Hành trang lỉnh kỉnh gồm quần áo, sách vở, mùng mền chiếu gối, nồi niêu, có xe đạp và mỗi đứa một chiếc ghế bố nữa. Đến Tân Uyên mấy ông bàn tính chuyện đến chùa xin cho chúng tôi ở trọ. Nhưng chùa cho biết là không có chỗ chỉ ở hậu liêu nhưng nơi đó mưa dột phải sửa sang lại, và nếu ở đây chúng tôi phải học kinh kệ. Mấy ông còn đang do dự bàn tính với nhau thì mưa to lại đến, trong thời gian mưa chùa cho chúng tôi mượn mấy quyển kinh tụng để xem. Riêng tôi thì cứ cười hoài vì ngôn ngữ trong kinh tiếng gì nghe lạ lạ mà âm thanh lại nghe kỳ kỳ mà tật của tôi lại hay cười, tôi nghĩ là chuyện đọc Kinh với tôi chắc không hợp lắm đâu. Còn Son thì cứ giỡn “tát bà ha” “đá bà già” khiến tôi lại càng nhịn cười không được. Khi mưa dứt, mấy ông kêu chúng tôi soạn đồ đi, Long hỏi ông Út Tợ: “Đi đâu vậy ba?”, Ông Út nói “Đi tới nhà của Bà Út nầy”. Thì ra trong lúc mưa, có Bà Út đi chợ về vì mưa lớn quá nên vào đây đụt mưa gặp mấy ông nói chuyện với Bà. Thương tình Bà cho chúng tôi về nhà bà ở trọ.

Nhà bà ở cách xa trường khoảng chừng gần cây số. Cái vuông bà ở có mấy căn nhà gồm nhà bà, nhà con trai lớn của bà và nhà người con nữa ở phía sau. Bà chỉ cho chúng tôi nơi để xe đạp và các chiếc ghế bố và khu vực trong nhà mà Bà dành riêng cho chúng tôi.


Nguyên Thảo,

23/10/2022.




Monday, October 3, 2022

*Khung Trời Kỷ Niệm! (9)

 

Đầu Hè, sau cuộc thi vào bậc Trung học đã bị rớt cho nên chúng tôi có hai con đường để chọn: Một là đi học lớp Đệ Thất ở trường tư trên Tỉnh phải đóng học phí hàng tháng; hai là học lại lớp Nhứt ở một trường nào đó hay trường cũ. Đa số chúng tôi xin học lại lớp Nhứt ở trường khác, còn số gia đình có tài chánh khá hơn thì đi học Trung học ở trường tư thục trên tỉnh, hoặc trường của ông Luật Sư Dân Biểu Trần Văn Trai trên An Mỹ. Số học lại lớp Nhứt trong đó có tôi, nhưng tôi xin ra học ở Trường Tiểu học Cộng Đồng Dẫn Đạo Búng cùng với nhiều bạn khác như Huệ, Năm, Sợi, Son và một số bạn nữa. Sở dĩ chúng tôi muốn ra trường ấy là vì Ông Hiệu Trưởng Trường Cộng Đồng là Ông Trương Văn Di, cũng là Hiệu Trưởng của Trường Trịnh Hoài Đức, nên chúng tôi nghĩ học ở trường đó hi vọng năm sau thi vào lớp Đệ Thất sẽ có nhiều ưu tiên, dễ dãi hơn. Đồng thời, trường đó cũng dạy chương trình có nhiều cái hay vì lúc trước Thái Văn Tâm, Phan Văn Mười, Lê Văn Chánh, Lưu Văn Hòa, Trần Văn To… đã học ở đó, từng nói trường có dạy cả về chăn nuôi, ngư nghiệp, và có cả khung cửi để dạy dệt vải nữa. Tôi vừa đi xin, nhưng ba tôi vốn có ở Phú Lợi một thời gian và quen với Bác 9 Vô hình như làm Giám học ở trường đó nói giúp thêm dùm.

Đến ngày tựu trường, chúng tôi hẹn cùng nhau đi xe đạp ra Búng mỗi ngày. Tôi và anh Năm được xếp học cùng chung lớp gọi là Tiếp Liên (tức là lớp gồm những học trò đã học lớp Nhứt rồi, sẽ học chương trình cao hơn một chút) của Thầy Nguyên; còn Son, Huệ, Sợi ở lớp Tiếp Liên của Thầy Hổ. Thường thì học một buổi, khi nào có giờ Cộng Đồng thì chúng tôi phải ở lại để học vào một giờ khác vào buổi chiều. Những giờ chờ đợi và ăn trưa đó chúng tôi ra ăn trưa nghỉ ngơi ở gian sinh hoạt Cộng Đồng phía bên kia đường. Đây là một nền cao, có mái che bằng fibro ximăng, nền cao cỡ gần tới bụng nên chúng tôi để xe đạp dựa vô thềm, và trèo lên ngồi trên sàn mà ăn, phía cuối phòng có cái khung dệt cũ kỹ. Ăn xong, hiếu kỳ chúng tôi lại nơi khung cữi nhìn xem và phía sau là nơi có lẽ để nuôi gà vịt, có vũng nước khá lớn.

Theo tôi được biết Trường Tiểu học Cộng Đồng là loại Trường kiểu mẫu theo lối giáo dục mới, nó vừa giáo dục văn hóa theo kiểu trường thông thường, đồng thời nó cũng giúp học sinh về kiến thức lẫn thực hành về chăn nuôi như gà, vịt, heo kể cả nuôi cá như ngành ngư nghiệp, mà còn học thực tập về dệt vải và vài thủ công khác. Tôi nghe Tâm, Hòa từng nói về những thực tập của tụi nó. Cả miền nam chỉ có hai trường làm thí điểm: Một là trường nầy và hai là trường nữa ở ngoài miền Trung, hình như ở Bình Định thì phải. Do chức năng như vậy trường được chọn xây dựng ở Búng nầy, nơi có điều kiện về ngư nghiệp, nông nghiệp lẫn trồng cây ăn trái, có các ngành thủ công phát triển: Nghề làm guốc, thợ tiện, dệt vải, đóng móng bò ngựa, thợ rèn, lò chén, ương cây và cũng là nơi buôn bán phát triển nhất là các vườn cây trái ở các vùng quanh đây. Trường nầy không phải chỉ là “Cộng Đồng” không thôi, mà còn “Dẫn Đạo” (dẫn đường) nữa. Có thể vì Ông Trương Văn Di là một trong những Vị sáng lập Trường Trung Học đầu tiên của Tỉnh mà Ông lại là Hiệu Trưởng của Trường Tiểu Học Cộng Đồng Dẫn Đạo Búng nên những vị đồng sáng lập khác đề nghị Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức được xây dựng kế bên Trường Cộng Đồng để Ông Di chăm sóc luôn chăng? Và Ông làm Hiệu Trưởng cả hai trường Trung Học và Tiểu Học? Ngày tôi ra học ngoài đó, ông đi bằng cổng nhỏ để sang Trường Trịnh Hoài Đức. Đó chỉ là sự suy nghĩ của tôi thôi! Sau nầy tôi biết thêm là Trường Sư Phạm để đào tạo giáo viên giảng dạy cho các trường “Cộng Đồng” đó là Trường Sư Phạm Long An. Chính vì vậy Trường Sư Phạm Long An không ở trong Thành phố hay thị trấn mà được xây cất ở nơi đồng ruộng ở gần xóm Lăng Nguyễn Huỳnh Đức thuộc Tỉnh Long An. Để thay đổi chỗ nghỉ ngơi có khi chúng tôi kéo nhau xuống gần con rạch để ăn trưa và sẵn đó tắm mát luôn. Con rạch nước trong thiệt nhưng rong thật nhiều, nên tắm cũng không hứng thú mấy!

Học được chừng hai tuần thì một hôm anh Năm lại nói với tôi: “Thạch à! Tao nghe người ta nói là Ông Trai đang can thiệp với Chánh phủ cho mở chi nhánh Trịnh Hoài Đức trên An Mỹ, mà không biết có không, tụi tao tính về trên đó học, cầu may nếu có mở chi nhánh Trịnh Hoài Đức thì hi vọng mình được vô, mầy có tính không? Tao, Huệ, Son đều tính đi hết”, nghe xong tôi bèn nói để về hỏi ba xem thế nào? Chiều về, tôi hỏi ba thì ổng nói: “Ừ, thì mầy tính sao thì tính”. Thế là qua ngày hôm sau trên đường đi học mấy đứa tụi tui bàn tính và quyết định, thống nhất để vô lớp học xin thầy nghỉ học luôn. Rồi qua ngày hôm sau, mấy đứa cùng nhau lên An Mỹ xin học ở Trường Trung Học Tư Thục An Mỹ của Ông Trai. Ngày đầu chúng tôi chưa đóng tiền để học xem thế nào thì qua ngày sau mới đóng tiền học phí cho tháng. Không ngờ số bạn học lớp Nhứt ở Tân Khánh về đây học Lớp Đệ Thất khá nhiều như Tôn, Lê Văn Năm, Chi, Sách, chị Mây, Khởi, Mới và một số bạn khác. Còn một nhóm nữa thì đi ra ngoài Thủ học ở các trường khác như Nguyễn Trãi, hay là Văn An như Liêu Tuyết, Băng Tâm, Kim Phượng. Tôi ngồi chung bàn với Tôn thuộc hàng đầu. Trong mấy ngày đầu tôi đã bị một thầy làm cho hoảng hồn, vì giờ đó là giờ Giảng Văn của Thầy Quý, con Ông Hiệu Trưởng Trương Văn Di ở Trường Trịnh Hoài Đức, học về “Nhị Thập Tứ Hiếu”, Thầy hỏi mà tôi trả lời không được. Thình lình Thầy cung nắm tay, đưa lên làm tôi khiếp vía vội đứng im nhắm mắt lại, đợi chờ Thầy đánh tới. Nhưng không, tôi mở mắt ra thấy Thầy còn giận dữ, Tôn vội nói: “Nó mới vô học Thầy”. Nghe vậy, Thầy yên lặng mới thôi và hỏi sang trò khác!

Trường An Mỹ là một Trường có lẽ xây chưa được lâu lắm, nhưng cũng đã có lớp Nhứt rồi. Ở chính giữa là một khu Văn Phòng có cách kiến trúc khá đẹp, nóc cao, hai bên là hai phòng dùng làm Văn Phòng, nhìn ra phía trước là một trụ cờ cao để học sinh chào cờ mỗi buổi sáng. Kế tiếp hai bên là những phòng học nối dài ra thêm mỗi bên cỡ 6, 7 phòng gì đó, nền được đổ cao bằng nhau, nên các phòng ở phía phải phải đổ đất nhiều hơn, có thể do đất nơi ấy thấp, ở mỗi phòng đều có bậc tam cấp để bước lên thềm. Phía trước các lớp là dãy hành lang rộng chừng hai mét dài từ đầu nầy cho tới đầu kia xem rất đẹp. Đường vào trường rộng rãi, có hai hàng điệp Tây hai bên cân xứng nhiều bóng mát, lại kê thêm mấy cái băng đúc bằng xi măng để ngồi nghỉ ngơi. Phía ngoài hàng rào mặt trước cũng là những hàng điệp Tây xanh tươi. Còn phía đất trống bên phải là sân banh. Song song với các phòng học cách xa ra, ngoài bìa sân trường trồng hàng cây gì đó, có rất nhiều bông, hình dáng bông giống bông đậu. Đứa thì nói người ta nói là “hoa anh đào”, đứa thì nói tên gì giống tên Tây: “Hoa Immortel”, thế rồi chẳng biết tên nào là đúng. Tôi nhớ mỗi buổi sáng đều có chào cờ. Mấy lớp lớn thuộc Trung học bên nây không có nhiệm vụ, mà đó là trách nhiệm chính của Lớp Nhứt bên Tiểu học. Điều đó chứng tỏ nhóm Trung học chỉ là “ăn nhờ ở đậu” khuôn viên Trường Tiểu học, chứ không phải là anh cả. Cứ sáng nào các lớp đều sắp hàng trước lớp theo đội ngũ đàng hoàng, hướng về trụ cờ, nghe theo lệnh. Đội ngũ lớp Nhứt dàn trước cột cờ, đứng nghiêm hát bài Quốc Ca, trong khi hai đứa khác kéo cờ lên. Sau khi cột dây cờ đàng hoàng thì Thầy Phách, người Bắc, hô to “An Mỹ” học sinh hô “Tiến” đến ba lần như vậy, thế là buổi chào cờ đã xong! Các lớp lần lượt vào phòng cho buổi học một ngày mới. Có vài bạn nhái Thầy Phách “Ăn Mỳ”, “Tiến”, “Ăn Mỳ” “Tiến”, rồi cả nhóm phá lên cười! Đúng là “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là học trò”!

Một hôm có giờ học tới buổi chiều, tôi giở cơm theo ăn, nhưng đồ ăn là đậu hủ giú. Đang học mà thằng Tôn cứ khịt khịt lỗ mũi, xong nó khum xuống tìm. Nó dòm dưới dép không thấy có gì, rồi nó lại tìm như kiếm cái gì. Tôi chưa hỏi nó thì nó lại ngưng. Đang trong giờ học tôi không hỏi nó nữa. Đến khi ra chơi nó lại vạch trong học bàn nó kiếm. Tôi mới hỏi nó. Nó nói: “Sao tao nghe cái mùi gì giống như mùi chuột chết, mà tao kiếm hoài không thấy”. Tôi cười rồi nói: “Coi chừng tao giở cơm với đậu hủ giú đó”, rồi tôi đưa cái gói lá chuối gói đậu hủ cho nó coi. Nó nói: “Hèn chi!”. Thực cái mùi hủ giú nó có cái mùi khó ngửi, nhưng ăn rất béo và ngon, tôi thích thứ ấy, nhưng cái mùi khó chịu giống như thằng Tôn nói. Biết rồi nó không còn thắc mắc nữa. Có môn học mà tôi tiếp thu nhanh đó là môn vẽ, ông Thầy dạy vẽ chỉ phát họa qua là tôi đã học được rồi và vẽ con vịt ở 3 tư thế lội, đứng, vỗ cánh rất nhanh, không biết là tôi thích hay là đường nét dễ hoặc ông Thầy dạy vẽ dạy hay. Thế rồi học được chừng hai tuần thì một lần nữa, anh Năm, Huệ lại nói một tin khác là nghe trên Tỉnh mới mở trường Trung học trên đó, họ đang thâu đơn để chọn thí sinh dự thi. Tôi còn đang lưu luyến với Trường An Mỹ tư nầy và ôm ấp nó trở thành trường công là chi nhánh của Trường Trịnh Hoài Đức, nên khi về nhà tôi không nói cho ba hay. Nhưng hai ngày sau ông cho biết là ông đã đi theo mấy bạn tôi và nộp đơn cho tôi thi rồi và khoảng nửa tháng sau đi thi.


Nguyên Thảo,

04/10/2022.