Saturday, January 21, 2023

*Chúc Tết.

 

Cung kính thân chào, Năm Mới tới

Chúc Mừng Phước Lộc, Thọ lâm môn

Tân Niên mọi thứ đều Như Ý

Xuân đến Tươi Vui, Sức Vẹn Toàn!

 


Tuesday, January 10, 2023

*Khung Trời Kỷ Niệm! (14)


Còn cánh đồng phía sau nhà Bà Út chạy dài tới bìa rừng và đồi Bình Hóa đổ ra gần bờ sông rồi chạy theo con đường lên Tân Uyên lúa đã chín vàng, người ta bắt đầu gặt đập trước khi tới Tết. Bà Út dẫn tôi theo Bà đi chơi trên cánh đồng đó, đi thật xa mới tới, thì ra đó là ruộng của Bà. Tới nơi Bà chỉ cho tôi một ụ cạn nước, cá dồn về đó thật nhiều, Bà kêu tôi xuống bắt bỏ vào hai cái bao đem theo, rồi Bà đi đến những người đang gặt lúa nói những gì đó. Hồi lâu Bà mới quay lại, tôi với Bà đi về cùng với mấy con cá. Có một hôm tôi với Thạch đang học bài ở phía sau nhà trên một cái xe bò thì bỗng đâu có một bầy le le con đi ngang qua, hai đứa rượt bắt được một con, rồi thay phiên nằm trên xe, tay giữ con con cho nó kêu lên để le le mẹ đến mà chọi nhằm bắt le le mẹ. mãi rồi chọi không trúng, thua buồn thả cho nó về với le le mẹ. Nghĩ lại hai đứa cũng ác thiệt! Rồi lại đến Tết, tôi và Thạch hai đứa rủ nhau đón xe đò, xuống Sài Gòn đi kiếm nhà của Thầy Anh để thăm và chúc Tết Thầy cùng gia đình!

Sau ăn Tết xong, bọn chúng tôi lại quy tụ về trường. Chỉ cách có mấy ngày mà thấy đứa nào cũng khác, rồi cùng nhau ghẹo chơi: “Cha, ăn Tết mừng quá, thành ra mau lớn vậy!”. Không biết đúng không? Nhưng quả thật đứa nào trông cũng lớn thêm ra. Kỳ nầy có học bài Giảng Văn “Nhặt Lá Bàng” từ trong tiểu thuyết Đôi Bạn của nhà văn Nhất Linh, may là tôi được biết cây bàng trên sân trường Uyên Hưng nầy, nếu không có lẽ tôi sẽ ngẩn ngơ mà tưởng tượng ra cây bàng như thế nào và ông Thầy sẽ giải thích khó khăn ra sao. Rồi hình ảnh của hai đứa nhỏ trong đêm lạnh chạy ra nhặt những lá bàng rơi vụt nhanh để núp tránh từng cơn gió lạnh. Hình ảnh cũng lý thú thật! Và cái hay của tác giả khi diễn tả cảnh tượng đang xảy ra để độc giả thấy được rõ ràng trong tưởng tượng! Không lâu sau Thầy kêu bọn học trò chúng tôi góp tiền để Thầy mua dùm cho quyển sách: “Những lỗi thông thường trong thuật viết văn” của Nguyễn Văn Hầu để dễ dàng trong việc học về Giảng Văn cũng như luyện về cách viết câu trong cách “Tập làm văn”. Trong thời gian nầy có một chuyện “bất ngờ” mà người nghe không hề đoán ra nổi, đó là chuyện một học trò trai của Lớp Nhứt viết thư tỏ tình đối với một học trò nữ Lớp Năm là lớp còn đang học đánh vần. Khi nghe câu chuyện nầy bọn chúng tôi lắc đầu: “Như vậy làm sao con nhỏ đó biết mình nói gì, sao ngộ vậy!”. Không biết câu chuyện đó nhà trường sẽ giải quyết ra sao? Bọn chúng tôi không được biết!

Như đã nói ở trên là trong tuần tôi ở trọ nhà Bà Út để đi học, cuối tuần cưỡi xe đạp theo mấy anh lớn về nhà và đầu tuần lại theo mấy anh ấy đi lên. Nhưng vì nhà các anh ấy trong xóm không thuận tiện mấy, cho nên thường tôi đi sớm hơn vô trong nhà của Lực trong Tân Hội cạnh con đường đợi chờ ở đó, rồi khi đoàn đi tới tôi và Lực đi cùng. Có hôm trời trăng sáng quá, tôi lại tưởng sắp sáng rồi, nên càng vội vàng đi hơn. Đêm vắng đi từ đầu dốc dài Hóa Nhựt đi qua Cây Trắc đường vắng quá lại vừa sợ ma đành đạp “hết ga”. Vừa chạy vừa lo mong mau qua khỏi, rồi thả dốc, qua cầu lên nửa dốc thì đến nhà Lực. Lúc đó chỉ mới 5 giờ sáng thôi, nhưng cũng may là nhà Lực đã thức rồi. Phải đợi chờ gần đến 7 giờ sáng chúng tôi bắt đầu khởi hành đi lên trường. Có lần nhân dịp nghỉ lễ, tôi đi sớm hơn vô sở cao su số 49 ghé nhà Ông Năm mà ba má tôi quen (vì hai dì, con ông, bán chung với má là dì Ba Đáo, dì Sáu Đài, thỉnh thoảng có dì Út Ngoa và anh Thạch ghé nhà) chơi và ngủ ở đó hai đêm cùng một ngày. Đêm ở sở cao su khá lạnh hơn ở nhà mặc dù thuộc khu nhà công nhân sinh sống. Nơi nầy tôi cũng được một lần nữa làm lại một ít công việc về chế biến mủ và các giai đoạn để làm ra thành phẩm của mủ cao su.

Trong khoảng thời gian nầy tình hình an ninh có sôi động, thỉnh thoảng có vài vụ được báo chí đăng lên nhưng chưa có gì gọi là lớn lắm, chúng tôi vẫn còn đi chơi thoải mái ở chợ Tân Uyên vào những chiều rảnh rỗi. Lúc trước thì nghe nói đến danh từ “Dinh điền” là những nơi mà Chính Phủ khai hoang một phần khu rừng rồi đưa các người di cư từ Bắc vào Nam định cư ở đó, chứ chưa nghe nói đến mấy “Khu Trù Mật”, kỳ nầy được thông báo là chúng tôi sẽ dự Lễ Khánh Thành Khu Trù Mật Khánh Vân. Thực ra tôi chưa tới Khánh Vân lần nào, mặc dù quê cũ tôi là bên ấp Phước Lương của xã Phước Thành, chỉ cần đứng bên nây cánh đồng là nhìn thấy bên kia. Thỉnh thoảng thằng Thạch A cũng có nói: Xã Tân Hóa Khánh sở dĩ có tên như vậy là do lấy chữ đầu của 3 ấp ghép lại, Tân là Tân An, Hóa là Hóa Nhựt, Khánh là Khánh Vân. Tôi hỏi: “Tại sao nó biết?”. Nó bảo là nghe ba, chú nó nói. Ừ thì cũng có lý thiệt! Ngày trước khi chưa thành lập Tỉnh Phước Thành thì Tân Hóa Khánh gọi tắt là Tân Hóa cũng như Tân Khánh (gọi tắt của Tân Phước khánh) đều thuộc Quận Châu Thành của Tỉnh Thủ Dầu Một hay Bình Dương, nhưng khi Tỉnh Phước Thành thành lập thì Tân Hóa Khánh nằm trong Quận Tân Uyên thuộc Tỉnh ấy. Và một lần nữa tôi nghe đến địa danh Khánh Vân nhiều là nó gắn liền đến cứ điểm của Đảng Cướp Rừng Xanh của hai ông Bời, Ông Liễu. Và sắp tới chúng tôi sẽ được đi dự Lễ Khánh Thành Khu Trù Mật ở đó.

Đến ngày, theo thông báo là chúng tôi phải chuẩn bị quần trắng, áo sơ mi trắng, giày trắng để đi dự lễ. Chiều ngày trước bọn học trò chúng tôi tụ tập tại trường học đợi chờ xe cam nhông nhà binh đến chở xuống Khánh Vân. Không phải chỉ học trò chúng tôi không, mà còn rất nhiều thành phần đoàn thể khác. Xe đổ chúng tôi gần một cái chợ trên nổng cao, cạnh con đường rất rộng mới, người ta nói đó là con lộ 50 tức là rộng 50 thước. Chiều được phân phát cho các phần ăn, rồi phân phối đến những nơi để tối ngủ trọ vào các chỗ đó. Nhà cửa ở đây được phân từng lô, họ cất nhà phía trước có sân, trước là đường xe, hai bên hông và phía sau có trồng chuối hay cây ăn trái, nhưng chỉ mới trồng thôi. Nhà nầy nối liền với nhà kia xem có thứ tự lắm. Ra đến đây tôi hỏi mấy người lớn, họ cũng không biết nơi đâu là cứ địa của Đảng Cướp “Rừng Xanh”, nhưng chắc chắn là Đảng Cướp ấy ở tại Khánh Vân nầy! Sáng hôm sau chúng tôi thức sớm, được lịnh tập hợp lại và dẫn đến vị trí mà hàng ngũ học trò chúng tôi được sắp xếp. Đội hình chúng tôi được tiếp nối với các đoàn thể khác trước khi đến các trường Tiểu học của nhiều nơi, vì chúng tôi được đại diện cho Trường Trung Học Công Lập của Tỉnh cơ mà! Rồi đến giờ có máy bay trực thăng đến. Lâu sau loa phóng thanh hô chào mừng mà chúng tôi phải hô theo vì Ngô Tổng Thống (tức Ngô Đình Diệm) đến. Ông đi duyệt qua một số đoàn thể rồi trở về khán đài. Buổi Lễ được khai mạc, đứng nghe đọc diễn văn khá lâu, bọn nhỏ học trò chúng tôi, kể cả các trường khác có vẻ mệt mỏi, hàng ngũ không còn chỉnh tề như trước. Lúc đó, có những cuộc biểu diễn đội hình của lính, xong đến đội hình học trò của trường nào đó mà chúng đi xếp đội hình hay quá khiến chúng tôi đua nhau ra phía trước coi cho đã mắt. Nghĩ lại mình ở trung học mà thua tụi Lớp Nhứt Tiểu học đó quá xa! Dở thiệt! Xong buổi lễ, sau thời gian nghỉ ngơi giải lao, lớp được lịnh tập hợp lại để xe nhà binh chở trở về Tân Uyên. Về đến nơi, chúng tôi được trường cho về nhà nghỉ, sáng mai đi học tiếp. Trong lúc về, tôi mới nghe người ta nói: Khu trù mật Khánh Vân là một trong hai khu thí điểm ở Miền Nam lúc bấy giờ, tức là Khánh Vân và Vị Thanh - Hỏa Lựu ở một nơi nào đó của Miền Tây. Xong kỳ nầy rồi, Phụng mất đi người bạn thân thiết là chị Mỹ Duyên, chị được trường ở Sài Gòn nhận cho về học dưới đó. Từ đó chúng tôi ít đến nhà thuốc tây của anh chị Mỹ Duyên nữa! Rồi bọn chúng tôi cũng cùng nhau làm đơn òn ỉ xin chuyển về Trường Trịnh Hoài Đức học cho gần nhà. Nhưng ít lâu sau đều được trả lời là đơn bị bác! Rồi năm học đầu tiên cũng chóng qua mau. Ba tháng nghỉ Hè ở nhà mà nghe ve kêu, nhìn hoa phượng đỏ rực các sân trường vắng lặng. Gần đi học chúng tôi lại làm đơn xin chuyển về Trường Trịnh Hoài Đức một lần nữa, hi vọng là sẽ được nhận vào đầu năm học của niên học sau. Nhưng rồi đơn cũng đều bị bác! Thế là đành tiếp tục đi học trên Tân Uyên!


Nguyên Thảo,

10/01/2023.