Tuesday, May 23, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (16)


Tình hình an ninh không biết như thế nào mà báo chí đưa tin có chuyện đảo chính ở Sài gòn, nhưng cuộc đảo chính ấy không thành công và người ta đồn là ông Thiếu Tá Nguyễn Minh Mẫn của Tỉnh Phước Thành có đem quân về giải cứu, nên được Tổng thống Diệm nhận làm con nuôi. Chúng tôi chỉ nghe đồn như thế, không biết là có đúng không? Nhưng từ sau sự việc ấy ông Tỉnh trưởng thường hay xuất hiện ở nhiều nơi trong Quận. Đã vậy còn xảy ra một chuyện khác khá thương tâm. Vốn là Quận có tổ chức một đoàn đi công tác, không biết đi đến nơi đâu mà đi bằng thuyền theo sông lên miệt trên, hình như Lạc An gì đó, nhưng không biết vì sao có tiếng súng nổ mà người ta nói đó là tiếng súng đại liên, nổ liên hồi. Khoảng một buổi sau có tin là hai Thầy đã chết trong có có Thầy Khuê mà tôi đã từng biết, cùng với mấy người khác làm trong Quận cũng đi trong chuyến cộng tác đó. Người sống sót còn lại cho biết là đoàn đi gặp đoàn thiết giáp bên kia sông có lẽ do bắn lầm mà sinh ra cớ sự. Thật rất thương cho Thầy Khuê, một Thầy trẻ, hiền, rất đẹp trai nhưng không may phải chết sớm mà cũng chẳng biết gia đình Thầy ở đâu? Xác của hai Thầy được đưa về Bến Cây Sung để đưa về nhà, còn Thầy Khuê thì đưa về nơi trọ.

Sông Đồng Nai chảy về đến Tân Uyên thì chảy thành hai nhánh chảy bao bọc một cái cù lao lớn gọi là cù lao 6 xã, gồm có 6 xã trên đó, tôi chỉ biết có hai xã Bình Hưng và Mỹ Quới, còn mấy xã khác thì không nghe nói tới tên nên không biết, cái nầy chắc phải hỏi đến nhà văn Bình Nguyên Lộc… Trước cái cù lao lớn đó, còn một cái cù lao nhỏ, nhưng thường bị xâm thực bởi nước sông vào mùa mưa. Tại Bến Cây Sung nầy có nhiều lần tôi đi tắm ở đây, và thường bơi, nhưng người ta bảo coi chừng đừng bơi ra quá xa nó nguy hiểm lắm nên tôi giới hạn đi tắm ở đây. Bên kia sông ở Bến nầy có một nhà máy cưa, nhìn từ bên nây thấy cây dừa và cái Bến của nó. Tại đoạn sông nầy hằng năm có cuộc đua thuyền tranh giải của các xã do Quận tổ chức. Cuộc đua rất hấp dẫn thu hút nhiều người xem, nhưng trong cuộc đua vừa rồi không hiểu sự xung đột như thế nào đó đã xảy ra vụ cầm cây chèo chém lên đầu của người đội khác khi về gần tới đích. Sự việc xảy ra không biết sau nầy còn có đua thuyền nữa không mà tôi không thấy? Ngoài Bến Cây Sung xuống phía dưới chút nữa là Bến Cây Sanh vì nơi nầy có cây sanh to, bên trên bến là nhà máy xay lúa, tôi cũng từng đến nhà máy xay lúa nầy với Bác Bảy con của Bà Út để xay lúa cho cả nhà. Và ở chợ thì có Bến Đò nơi đò đưa người qua lại giữa bên Cù Lao Sáu Xã và chợ Tân Uyên để mua bán. Nhà cửa phần lớn được tập trung từ Bến Cây Sung trở xuống chợ và trở ra giáp với đường Tỉnh lộ. Hai bên chợ là hai dãy phố cùng các cửa hàng buôn bán. Còn từ chợ trở xuống Cầu Rạch Tre nhà cửa không nhiều, nối dài dọc theo đường và bờ sông, phía đối diện với chợ là dãy phố thuận cho việc buôn bán, hành nghề, còn phía sau đó nhà không nhiều, kéo vô tới bìa ruộng. Rồi tới xóm Chùa nhà phía trong cũng lưa thưa, chạy tới ngã ba trường học.

Sự sinh hoạt ở trường có nhiều năng động hơn, vì năm nầy được thêm hai lớp Đệ Thất nữa nên mấy Thầy có tổ thi đua làm học đường viên cho mãnh đất trống phía sau các lớp, khiến chúng tôi cùng thi đua làm khung vườn mình có nhiều hoa đẹp để chấm điểm. Bọn học trò phải đi xin bông, kiểng từ nhà người dân đem về trồng, có hôm trời mưa lớn, tôi và Thạch A về không kịp nên phải đụt mưa cho đến khi tạnh. Trên đường về thấy mấy con cá nhỏ lách lách trên đường bò vào vũng nước. Thạch A thấy vậy bắt hai con, về nhà nghe nói “Chim sa, cá lặn” xui lắm, có thể bị có tang. Thạch A nghe sợ quá đem cá ra ruộng thả, rồi cứ sợ và khóc hoài. Có những hôm chúng tôi đi từ chợ đi về, dọc đường thấy có lưới nhện từ trong nhà rất xa với đường, thế mà không biết như thế nào mà nhện lại giăng lưới từ mấy cây trong sân nhà ra tới dây điện bên ngoài đường, thật là lạ, hỏi người ta chẳng ai biết vì sao? Đó là câu hỏi, thắc mắc mà chưa tìm được câu trả lời.

Hôm khoảng thời gian cao su rụng lá, những phu cạo mủ có thời gian phải nghỉ ngơi mà thời gian lại gần Tết, nhà máy mủ thiếu người trông coi cơ sở như thế nào đó mà Bác Sáu Bùng, con Bà Út, được nhờ sang đó ngủ một đêm trông chừng dùm. Bác Sáu rủ tôi và Long theo chơi. Ba người cưỡi xe đạp đi về đường đất đỏ chạy vòng quanh theo căn cứ của quân đội để đi qua đường phía bên kia để đi lên hướng Tân Hòa, Tân Tịch. Hồi chưa biết tôi tưởng là Tân Hòa, Tân Tịch xa trường học lắm, nhưng theo phỏng đoán của tôi thì chẳng xa mấy thì đã đến ngã ba, chúng tôi đi theo đường rẽ đó. Đi mãi đến một cái cầu nhỏ có nhà cửa dáng người thấp thoáng thì Bác Sáu nói: “Đã tới rồi!”. Xong chúng tôi đi vào một nhà kho, Bác Sáu nói: “Tối nay mình ngủ ở đây. Nhưng bây giờ còn sớm thôi đi một vòng ra ngoài coi chơi”. Sau khi để để đồ đạc vào vị trí, Bác Sáu đi trước, tôi và Long đi theo sau. Băng một khoảng rừng thưa, ra đến bờ cánh đồng cỏ, nhìn về bên kia nơi có những vuông nhà, Bác Sáu nói: “Người ta đang đánh xe bò chở đồ đạc để dọn nhà đó” theo sau xe là những làn bụi mỏng chắc do chân bò vít bụi theo từng bước đi. Rồi chúng tôi trở về trời cũng vừa tối hẳn. Bác Sáu cho biết đây là vùng Thường Lang, Đất Cuốc. Tôi hỏi: “Thường Lang, Đất Cuốc hả Bác Sáu, hồi trước có nghe mấy ông lớn nói khu nầy hồi xưa là ổ của kháng chiến phải không?”. Bác Sáu cười: “Ừ!”. Tôi lại biết được thêm một nơi nữa! Nhưng chúng tôi chỉ ngủ có một đêm đó thôi, mấy ngày sau đã có người vì người trông coi có công chuyện đi vắng nên chỉ nhờ Bác Sáu trông chừng một đêm thôi! Không ngờ đêm đó là đêm mà tôi với Long đồng hành trong một chuyến đi hơi xa ở Tân Uyên nầy, vì sau Tết Long và Phụng đã được người quen làm ở dưới Bộ Giáo Dục đứng ra xin cho cả hai được chuyển về Trường Trịnh Hoài Đức rồi. Thế là trọ ở nhà Bà Út bây giờ chỉ còn lại tôi và Thạch A.

Chiến sự càng ngày càng tăng tiến hơn, đã có súng nổ vài nơi. Thỉnh thoảng có tiếng cà-nông từ nơi trại lính bắn đi, nhưng không biết có chuyện gì lớn không? Rồi một ngày Ông Đại úy Quận trưởng của Tân Uyên đi xuống Tân Hóa Khánh bị giựt mìn chết ở Cầu Đúc Hố Khởi được đưa về trụ sở Quận. Nghe nói sau đó Ông Tỉnh Trưởng Nguyễn Minh Mẫn có xuống đó và một số người bị bắt. Nhà cửa bây giờ có nhiều nơi người ta phải đào hầm trở lại để phòng ngừa những khi bất trắc mà có chỗ trú ẩn an toàn. Đường đi có những ngày có nhiều truyền đơn rải dọc theo đường cùng một số sự việc khác, nhưng bọn học trò chúng tôi được tương đối dễ dàng đi đến trường. Riêng tôi thì vẫn theo bạn sáng Thứ Hai đi lên và trưa Thứ Bảy xong buổi học thì theo bạn đi về. Và rồi, một đêm nọ nghe súng nổ văng vẳng ở phía bên sông, bên cù lao sáu xã. Sáng đi học thấy có cột một xác người tại gốc cây dầu bên bìa ruộng ỡ ngã ba đường vô trường học, bên hông có đeo một giỏ đan giống như người đi bắt cá. Những đoàn lính đi hành quân về đóng quanh quận thường xuyên hơn, và số người lính Nùng thưa dần theo ngày tháng. Có mấy người hiểu chuyện họ nói lính Nùng ấy được chuyển từ ngoài Bắc vào sau Hiệp Định Đình Chiến Genève năm 1954, họ là những người lính của Quốc Gia nên phải tập trung về Miền Nam theo Hiệp Định, cũng như Bộ Đội Kháng Chiến phải kéo ra Bắc theo sự phân chia hai miền đợi chờ cuộc Tổng Tuyển Cử vào năm 1956.


Nguyên Thảo,

24/05/2023.