Ngoài bài thơ nầy, bạn bè còn truyền
nhau, hoặc đi tìm bài hát “Em là vì sao sáng” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền để tưởng
nhớ đến một nữ sinh trẻ tuổi của Trường Trung Học Trường Sơn là Quách Thị Trang
bị bắn chết trong cuộc biểu tình ở tại bùng binh trước chợ Bến Thành (Sài Gòn):
“Trang hỡi Trang,
em là vì sao sáng
Giữa khung trời mây
trắng với trăng thanh
Rồi một sớm có bao
nhiêu đầu xanh
Xiết tay nhau,
giục giã em lên đường
Tôi với em không
hề quen biết
Xót xa nhiều khi
viết đến tên em
Vì đại nghĩa, máu
em đã hòa thêm
thắm tô lên trên
tà áo trinh nguyên
Nhưng hôm nay tưng
bừng,
Non sông đang vui mừng
Đâu bóng hình em giữa trời quê hương
Những mái tóc chấm vai,
Sân trường tìm đâu thấy
Em thơ đùa trong ánh nắng ban mai
Tôi khóc em trong chiều nay mây tím
Nén hương lòng tôi thắp nhớ tên em
Hình hài mất, nét tinh anh còn đấy
Giữa muôn tim, em còn mãi không phai”.
Trong năm học nầy
mới đầu mà đã có nhiều chuyện xảy ra với hiện tình đất nước, may là nơi tỉnh lẽ
và trong quê cũng không ảnh hưởng gì nhiều, chứ trên báo chí đăng nhiều tin biểu
tình khắp Sài Gòn, Chợ Lớn cùng các Tỉnh khác, nhất là ở Miền Trung. Đối với Trường
An Mỹ vẫn là các chuyện bàn tán, xôn xao thôi, cùng trao đổi cho nhau nghe những
điều mà đồn đoán, hoặc là nghe được. Mấy đề tài ấy khỏa lấp mất cái tình hình
chiến sự đang xảy ra. Rồi không bao lâu thì lại xảy ra chuyện Đảo Chánh lật đổ
Triều Đại Ngô Đình Diệm, mà người ta gọi là Chế độ Gia Đình Trị, đàn áp Tôn Giáo
do nhiều Tướng lãnh mà ông Tướng Dương Văn Minh cầm đầu vào ngày 1/11/1963. Và
không bao lâu sau, chỉ mười ngày có cuộc đảo chánh khác của Tướng Nguyễn Khánh được
gọi là Cuộc Chỉnh Lý vào ngày 11/11. Tưởng đâu sau các cuộc đảo chánh tình hình
chính trị Miền Nam yên ổn hơn; nhưng không, tình hình càng rối rắm thêm ra, không
được ổn định, có nhiều bấp bênh.
Trở lại lớp học
của chúng tôi cũng có vài thay đổi, không hiểu Cô dạy Pháp Văn có lẽ do đi đường
xa, trong quê hoặc sợ hay sao, hoặc là cô muốn đi học tiếp lên cao hơn nữa mà cô
nghỉ, rồi Thầy Lã Huy Quý cũng ra đi khiến Thầy Trần Văn Khuê lãnh môn Pháp Văn,
và Thầy Hiệu Trưởng Bùi Ngọc Ấn tạm thời kiêm môn Giảng Văn, sau đến Thầy Trần
quốc Vị đảm nhiệm cho đến cuối năm. Trong khi đó thì Thầy Huỳnh Hữu Kim Sang tức
Nhạc sĩ Anh Việt Thu cũng rời Trường, cô Đức thế chỗ. Toán thì Thầy Phấn thay thế
bằng Thầy Nhiên. Thực ra, đối với những Giáo Sư dạy giờ, mà tôi được nghe nói,
thì họ không phải là chánh ngạch nên họ thấy được thì dạy, không thì thôi vì đường
vào trong xã An Mỹ nầy có nhiều trắc trở hơn là ở ngoài thành phố, nên có nhiều
người e dè, sợ sệt mà không dám đi nữa. Chứ đối với những người địa phương thì cũng
chẳng đến đỗi nào. Tính ra trong lớp Đệ Tam đầu đàn của Trường Trung Học Công Lập
An Mỹ nầy nếu tính ra ở Tân Khánh và Tân Hóa thì chỉ có tôi, To, Huệ, Son, Lập,
Đức, chị Ánh, chị Hồng, chị Khởi và chị Mới. Còn bên Bến Cỏ có Phan Thanh Diệp,
hình như anh Nguyễn văn Bọ nữa thì phải. Phần lớn ở ngoài Thủ và Bưng Cầu (Tương
Bình Hiệp), Bến Thế (Tân An Xã) thì nhiều như chị Hương, Chi, Thê, Thảo, Cẩm Tú.
Bên nam có Khánh, Bình, Lượng, Huỳnh Minh Đẩu, Nguyễn Văn Ba, Trương công Minh (Minh
sún), Nguyễn Văn Minh, và Nguyễn Thanh Minh, Khiêm, Mão, Nai, Ngơi, Điểu, Bùi Văn
Cư, Lễ, Thọ, Tài, Phụ, Lê Văn Anh, Nguyễn Văn Hừng, Nguyễn Văn Năm,… và hai anh
em Hùng người Bắc từ Bình Long chuyển về. Năm nầy anh Huỳnh Minh Đẩu ứng cử làm
Trưởng ban Đại Diện Trường. Phía sau dãy phòng học là nhà của chú thiếm Vĩnh, lao
công của trường. Nhà chỉ là nhà tranh đơn sơ, nhưng cũng là nơi mà nhiều học sinh
nghỉ ngơi hoặc cần nước uống, chú thiếm rất dễ nên mọi người ra vào tự nhiên giống
như là nhà của mình. Lúc trước tôi thường nghe nói những người học trường tư thường
hay không thích những người học ở trường công, điều đó tôi không tin, nhưng bây
giờ hai trường Trung học Công, Tư An Mỹ nằm kế bên nhau tôi mới thấy rõ điều ấy.
Thực sự, điều đó có xảy ra, mặc dù chúng tôi không có gì gọi là khi dễ hay tỏ vẽ
khinh thường gì các anh chị bên đó; ngoại trừ những bạn bè thân thiết phải học ở
hai trường. Có bạn giải thích: “Sở dĩ như vậy vì khi thi đậu mới được vào trường
công, còn học trường tư là vì không đủ sức để thi đậu vào trường công, vì vậy mà
họ có sự mặc cảm nên thường có sự hiểu lầm nếu lời nói sơ sẩy không cẩn thận”! Điều
ấy đã xảy ra một chuyện rất là bất ngờ khi hai trường công, tư An Mỹ nầy tổ chức
một buổi đá banh giao hữu mà trọng tài lại là Thầy Giám Thị Nguyễn Văn Phụng. Trong
cuộc đấu không hiểu Thầy Phụng thổi còi như thế nào đó mà bên đội của trường tư
xem đó là sự thiên vị, xử ép; nên khi mãn trận đấu các anh chị lớn bên Trường Tư
đi theo Thầy Phụng gây sự. Nghe nói có người chụp vai Thầy Phụng như thế nào đó
mà Thầy Phụng đã phản ứng quá mạnh khiến những anh lớn ấy tấn công Thầy, Thầy chạy
vội về Văn Phòng, thế mà họ ùa vào tấn công cực gắt. Sau hồi hòa giải từ Thầy
Hiệu Trưởng họ mới ra về Trường bên kia mà có nhiều ấm ức, hậm hực. Từ đó khiến
chúng tôi ít dám héo lánh nhiều đến khuôn viên Trường Tư nữa.
Nguyên Thảo.