Sau khi, tìm
được địa điểm mình dự thi, To đưa tôi về nhà người quen ở khu nhà bên trong Đường
Nguyễn Thiện Thuật, gần chợ Bàn Cờ để nói với vợ chồng anh Tư Hoa cho chúng tôi
ở đỡ trong những ngày thi. Anh chị vui lòng sẵn sàng cho ở, thế là chúng tôi an
lòng với mọi chuyện về thi cử. Hai đứa cuỡi xe ra đến bến xe, nhờ chất xe đạp lên
xe đò và đi về Bình Dương để trở về nhà. Cuộc học thi ráo riết cho đến gần ngày
đi thi, có khi phải thức suốt đêm để học bài. Đối với tôi học bài lâu nhớ thì lại
vất vả hơn nhiều, nhưng vẫn đành phải cố gắng thôi. Tôi không dám uống nước trà
đậm để thức như vài bạn đã làm vì mình vốn thường xuyên mất ngủ, mà cũng không
nấu bí rợ với đường ăn cho bổ óc. Chính có lẽ do thức khuya học bài nhiều ngày
mà sĩ tử nào cũng xanh xao, vàng vọt, ốm đi ngó thấy. Thế rồi trước ngày thi đôi
ba ngày, tất cả đều mệt mỏi, phải gát lại mọi bài để nghỉ ngơi, lấy sức cho ngày
thi. Đa số đều chỉ coi lại những gì cần thiết mà họ cho là những điều quan trọng.
Có bạn thì đến nhờ các thầy bói xem khoa nầy mình như thế nào. Cũng có bạn còn
cần đến các người khuất mặt bằng những “con cơ” tức là cầu cơ. Thôi thì đành liều
cho số mạng “Học tài thi phận” vậy!
Ngày chuẩn bị đi
thi, tôi dự trù đến trưa lên nhà To rồi hai đứa cưỡi xe đạp lên Bình Dương đón
xe đò để đi xuống Sài Gòn. Nhưng không ngờ mới sáng sớm không biết có chuyện gì
mà người dưới chợ có vẽ nhốn nháo, khiến Ông Nội tôi hối thúc tôi soạn đi nhanh
nhanh lên để rủi có chuyện gì xảy ra mà đi không được. Thấy tình hình báo động
tôi soạn vội sách vở đem theo cùng những hành trang chuẩn bị, xách tụng đệm chứa
đồ vội cưỡi xe đạp, giã từ Ông Nội rồi lên nhà To trên Vĩnh Trường. Lên đến nơi
thì To chưa chuẩn bị gì hết vì chưa tới giờ để đi, tại tôi đi lên sớm thôi! Nói
vậy, chứ To cũng bắt đầu khăn gói, sách vở cần thiết đem theo, rồi tắm rửa, ăn chút
gì trước khi đi. Hai đứa khởi hành cưỡi xe đạp xuyên qua sân máy bay, đi lên Bình
Quới. Vừa tới bìa xóm Bình Thoại thì có tiếng súng nổ từ phía dưới hố` trũng dưới
kia bắn lên. To vội vàng kêu tôi bỏ xe nằm xuống đất. Vừa bỏ xe dự định nằm xuống
thì To nghĩ sao vội la lên: “Không được! không được, thôi lấy xe đạp chạy nhanh
đi mầy, không khéo hai bên đụng độ thì mình kẹt bây giờ”! Thế là tôi đành nghe
theo lời nó, vội dựng xe dậy rồi nhảy thót lên yên. Hai đứa đạp chạy có cờ! To nói:
“Mấy chả bắn sẻ đó mầy”! Hú vía, vì đạn rớt cách nơi hai đứa không xa lắm! Không
biết kỳ thi nầy như thế nào, chứ mới vừa xuất hành đã gặp nhiều điều không may
lắm! Thôi thì cứ kệ nó đi! Suy nghĩ nhiều mệt quá! Đến bến xe Bình Dương, hai đứa
chất xe đạp lên xe đò để đi Sài gòn. Tới ngã Bảy đường Phan Thanh Giản chúng tôi
xuống xe, cưỡi xe đạp đi về nhà anh Tư Hoa. Sau khi sắp xếp chỗ nghỉ ngơi xong,
tôi và To nói với anh chị Tư đi xuống trường thi ở Cầu Muối xem có gì thay đổi
không. Mọi việc không có gì thay đổi, giờ giấc được quy định hẳn hòi theo lịch
trình thông báo ở trước Trường. Chúng tôi đi về, ăn uống và nghỉ ngơi, nhưng đêm
đến vẫn nghe khó ngủ: Một phần vì lạ nhà, hai là trong lòng vẫn có nhiều lo âu!
Tuy nhiên cuối cùng thì chúng tôi cũng ngủ được chút ít.
Sáng thức dậy sớm
nhưng nhà anh chị Tư cũng thức rồi vì nhà anh chị may nhiều thứ đồ, quần áo lẫn
đồ lót để bán. Chúng tôi thi cả ngày, nên trưa kiếm ăn ở các tiệm ăn chung quanh
trường. Ngày đầu chúng tôi thi môn thi chính của Ban mình, tức là Ban A thì chúng
tôi sẽ thi môn Vạn Vật và môn phụ; còn Ban B thì thi môn Toán trước. Ngày sau
thi môn Giảng Văn và môn phụ khác. Đó là những môn của Vòng 1. Và các ngày kế tiếp
chúng tôi Ban A sẽ thi môn Toán cộng với môn phụ khác, và ngày sau nữa thì có Lý
Hóa và môn phụ (những môn phụ thi kèm theo môn chính như là Anh Văn, Sử Địa, Pháp
Văn, Công Dân) Đó là các môn thi của Vòng 2. Sở dĩ có Vòng 1 và Vòng 2 là vì: Nếu
thí sinh nào đậu được Vòng 1, thì các bài của Vòng 2 được chấm tiếp để quyết định
“Đậu hay Rớt”. Nhưng trong Kỳ thi Tú Tài I nầy sẽ được tổ chức thi hai lần
trong kỳ Hè. Nếu Lần 1 rớt thì có thể tham dự lại kỳ thi sau tức là lần 2 cách
sau kết quả Lần 1 không lâu. Xong các ngày thi, tôi có hỏi phụ tiền chi phí ăn ở
với anh chị Tư, nhưng anh chị không lấy tiền mà chỉ giúp cho tôi và To không thôi,
vì To cũng rất thân tình với anh chị. Xong cuộc thi rồi, chúng tôi thấy tương đối
nhẹ nhõm người ra, nhưng cũng hãy còn chưa yên, mà còn phải xem lại bài lần nữa
để phòng hờ bị rớt ở chặng nào và phải thi lại phần đó nữa. Tuy nhiên, việc học
không còn nặng nề như lần trước. Tôi thường kiểm điểm lại các bài làm của mình,
và tùy theo điểm số quy định từng câu hỏi và bài làm mà tự mình đánh giá bài đã
làm xem như thế nào. Tôi lượng ước gắt gao nhất thì số điểm của tôi có thể vượt
được điểm để đậu chút ít nhưng không thể tới thứ hạng “Bình Thứ”: Nếu được đậu
cũng là may lắm rồi! Trong hoàn cảnh trong những năm qua mà không bị rớt là sự
cố gắng vượt bực, nên tôi không thể đòi hỏi gì nhiều hơn.
Thế rồi ngày có
kết quả cũng đến, chúng tôi lần lượt xuống Sài Gòn đến những trung tâm và trường
mình thi hôm trước để xem kết quả. Tất nhiên là tôi phải đến Trường Trung Học Cô
Giang ở chợ Cầu Muối để xem. To mắc bận ngày ấy không đi được, tôi phải đi một
mình. Ở bảng có kết quả khá đông người vì là những ngày đầu, nên sự chen lấn không
thể tránh khỏi. Người tốt ngưòi xấu xen lẫn nhau, mà thành ra có vài câu tiếng
qua tiếng lại, nhưng rồi cũng yên đi để nhường lại cho những kết quả hồi hộp,
lo âu, vui mừng hay buồn bã. Khi đến gần được bảng danh sách kết quả thì theo bản
năng là mình lo tìm đến mẫu tự tên mình trước. Sự vui mừng không thể tả khi mình
đã có tên trong danh sách đậu hẳn, kế đến là tên của Thạch cũng gần với tên tôi,
thế là Thạch cũng đậu rồi. Tôi tìm đến tên của To, nhưng xem đi xem lại cũng không
có tên của nó. Vậy là To rớt! Dù biết như vậy tôi cũng không dám xác định kết
quả ấy mà chỉ để To xác nhận lại về sau thôi. Trong kỳ thi ấy Son chỉ đậu được
vòng 1, như vậy là trong kỳ thi thứ hai nó phải thi lại các môn của vòng 2, lúc
đó mới quyết định là nó đậu hay rớt. Còn To phải ôn lại bài để thi tất cả các môn
trong cả hai vòng. Tính ra ở Tân Khánh trong năm đó chúng tôi đậu được cũng tương
đối khá như Thái văn Tâm, Nguyễn Văn Nghĩa, Lưu Văn Hòa và tôi; và bạn bè có
Nguyễn Văn Huệ cùng Trần Tấn Lực, Trần văn Riếng, Bùi Văn Cư. Tính ra Riếng rất
giỏi, nó học nhảy lớp mà vẫn vượt qua được các kỳ thi. Theo bạn bè kể thì nó bỏ
học lớp Đệ Ngũ nhảy lên học Lớp Đệ Tứ rồi thi đậu kỳ thi Trung Học, rồi bỏ năm Đệ
Tam, học Đệ Nhị, bây giờ đậu luôn bằng Tú Tài I, quả là giỏi thật! Rồi lại tới
thời gian thi đợt 2 To vẫn không vượt qua được, và Son cũng bị rớt ở Vòng 2 lần
nữa. Thế là qua một đợt thi thì nhóm chúng tôi học ở trên Tân Uyên bị rơi rụng
từ từ. Lúc đầu lên trên ấy đậu được khá đông, qua một thời gian thì nghỉ học vài
đứa, xong vài người thoát ly đi vào bên trong thêm vài mạng như anh Năm, chị Thay,
anh Sợi chỉ còn lại có 5 đứa vào năm Đệ Tứ là Thạch A, Lực, Tôi, Son, Huệ. Qua
kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp anh Chi bị rớt. Thạch A, Lực chuyển về học ở Trường
Trịnh Hoài Đức vì lúc đó Lực chuyển nhà về ở Bình Nhâm, và Thạch A về ở Búng. Riêng
bộ ba tôi, Huệ, Son xin chuyển về Trường An Mỹ. Bộ ba nầy gắn kết từ cuối năm học
lớp Đệ Ngũ trên mọi khoảng đường, mà trong đó tôi là thằng lùn, Son cao khoảng
thước 65 hay hơn, còn Huệ thì quá cao khoảng 1 mét 78. Như vậy bộ ba nầy chẳng
cân xứng theo thước tấc chút nào. Bây giờ Son bị rớt trong kỳ thi Tú Tài I nầy
chỉ còn tôi với Huệ. Tôi thật sự không ngờ Son nó còn yếu Toán, Lý Hóa hơn tôi.
Nó rất có khiếu về văn chương nên vòng 1 nó vượt qua được, nhưng khi đến Vòng 2
có các bộ môn Toán, Lý Hóa thì nó không vượt qua được. Còn To ngày trước nó học
rất giỏi, nhưng từ khi tôi về An Mỹ và thân với nó, thì có lẽ do nó có nhiều vấn
đề mà việc học bị trở ngại đến đỗi bây giờ bị rớt chăng? Tôi không ngờ To lại là
anh em họ với Lực nhân một ngày tôi gặp chị của Lực trên nhà To. Và qua mùa Hè,
tôi và Huệ được chuyển về Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức (vì Trường An Mỹ chưa
có thể mở được lớp Đệ Nhất) là ngôi trường mà 6 năm trước tôi đã ước mơ được vào
để học, nhưng rồi bị rớt để sau thời gian chạy vòng quanh lên Tân Uyên, An Mỹ và
cuối cùng cũng về được nơi mình mơ ước, mặc dù chỉ có một năm để gọi là an ủi,
vá víu những kỷ niệm thời còn đi học.
Nguyên Thảo,
24/03/2024.