*Về Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức (Búng)
Đúng ra khi tôi
viết về chuyện học ở Trường Trung Học An Mỹ là tôi đã giới thiệu với Quý vị cái
quá trình của trường Trung Học Công Lập nầy, mà thế hệ chúng tôi là lớp đầu đàn,
nhưng điều ấy vẫn chưa đúng, vì tôi chỉ về Trường vào năm Đệ Tam sau 4 năm trường
thành hình. Thực ra, khi tôi và các bạn rời trường Tiểu Học Cộng Đồng Búng để
xin về học ở trường An Mỹ tư thục của ông Dân Biểu Luật Sư Trần Văn Trai là để
mong cầu may khi trường nầy chuyển sang trường công, là chi nhánh của Trường Trịnh
Hoài Đức. Nhưng thực sự, Trường Tư của Ông Trần Văn Trai vẫn còn nguyên, không
chuyển đổi thành trường công, mà lại có thêm Chi nhánh của Trường Trịnh Hoài Đức
được mở ra ở trên đó, với số học trò lấy từ danh sách đậu dự khuyết của kỳ thi
tuyển của Trường năm ấy. Tôi chỉ thường nghe nói đến Cô Oanh là Giám Thị cùng dạy
môn Nữ Công Gia Chánh ở trường. Sau nầy tôi về học thì trong lớp đã có Chị Khởi,
chị Mới, chị Ánh, Trương văn Lập, anh Đức, To… thì có thể họ đã đậu được dự khuyết
từ trước. Còn chuyện trường chuyển đổi từ Chi Nhánh Trịnh Hoài Đức sang Trung Học
Công Lập An Mỹ từ lúc nào thì tôi không rõ lắm. Nhưng sau năm khi tôi thi vào Đệ
Thất thì năm sau số học trò thi vào Trường An Mỹ cũng khá hơn, và hai năm sau nữa
thì số học sinh thi vào Trường Trung Học An Mỹ lại đông hơn nữa vì số học sinh ở
Tân Hóa Khánh, Tân Hiệp xã, không thể lên học trên Tân Uyên do đường đi ở giai đoạn
nầy có nhiều khó khăn, trắc trở vì chiến tranh; mặc dù các xã ấy thuộc về Quận
Tân Uyên. Và khi tôi về Trường An Mỹ thì nó đã là một Trường Trung Học hẵn hoi,
không lệ thuộc vào Trường Trịnh Hoài Đức nữa. Như vậy ở An Mỹ lúc đó có Trường Tiểu
Học, và hai trường Trung Học Công, Tư song hành. Trường Trung Học Công Lập An Mỹ
có cơ sở chung dãy lớp với trường Tiểu Học, và cơ sở Trường Tư xây phía trong sân
banh với cơ sở khá khang trang với phần chính là một khung lầu ở chính giữa,
hai bên là trệt. Theo suy nghĩ của tôi, có thể từ niên học 1961-1962 khi mà bên
tỉnh Phước Thành mở thêm Trường Trung Học riêng cho những học sinh ở vùng Phú Giáo,
thì trường An Mỹ Công Lập cũng tách ra khỏi Trường Trịnh Hoài Đức theo sự phát
triển của nền giáo dục lúc bấy giờ. Như vậy từ trước mỗi tỉnh chỉ có một Trường
Trung Học Công Lập thì đến năm nầy ở Phước Thành cũng như Bình Dương có đến hai
Trường. Đó là điều mà tôi biết, còn mấy Tỉnh khác thì tôi chịu thua, không hiểu
rõ lắm!
Như ở trên tôi đã
nói vì Trường Trung Học Công Lập An Mỹ không có lớp Đệ Nhứt, nên bọn chúng tôi được
chuyển về trường Công lập Trịnh Hoài Đức để hoàn tất Bậc Trung Học (nếu vượt
qua được Kỳ thi Tú Tài II cuối năm). Gần đến ngày tựu trường chúng tôi nhận giấy
giới thiệu từ Văn Phòng Trường để xuống xin nhập học ở Trường Trịnh Hoài Đức.
Do vì tình hình
chiến tranh khá sôi động, cộng thêm phải lo học tập cho năm cuối nặng nề nên tôi
đã nhờ đến ba tôi, ông phụ giúp ra nói Chùa Phước Tường cho tôi được ở trọ cho
tiện việc học hành. Lúc đầu, Thầy Trụ Trì không muốn cho tôi ở vì trước đó có một
người ở trọ đã lừa bắt con chó của Chùa để đi làm thịt, khiến Thầy không muốn
nhận cho người ở nữa. Tuy nhiên vì có Bác Cỏi (bà con nhà Cô, nhà Cậu với ba tôi
và vai lớn hơn mặc dù bác chỉ lớn hơn tôi vài tuổi) đã ở đó từ trước nên Thầy vị
tình mà cho tôi ở. Lo chỗ ở xong xuôi tôi nhẹ lo, và như vậy là tôi không còn ở
chung với Ông Nội nữa mà đi ở trọ ngoài Búng để đi học. Ngoài tôi và Bác Cỏi, chùa
còn có Lịnh, Hồng từ Phú Hòa Đông (Bến Cỏ) cũng đến ở trọ do sự giới thiệu của
Sư Thầy từ Chùa bên Bến Cỏ. Đó là chuyện vào niên học 1965-1966.
Ngày đầu tiên nhập
học của Lớp Đệ Nhứt đúng vào giờ của Ông Thầy Nguyễn Vũ Hải, không biết Ông có
khó không và như thế nào mà tính của Ông khá nghiêm khắc, hơi kỳ kỳ. Lúc đó tôi
ngồi trên dãy bàn đầu tiên phía bên trong, kế bên bạn Từ Văn Nhung, bạn ngồi phía
trong cạnh cửa sổ. Thầy Hải đến trước hai đứa tụi tôi nói một điều gì đó mà thực
sự tôi cũng chẳng hiểu rõ ý của Thầy, thế mà Thầy bảo: “Sao mầy ngu thế, thế mà
cũng đậu Tú Tài à”! Tôi không hiểu là Thầy nói tôi hay là nói Nhung, nhưng
trong tâm tôi không hài lòng với Ông Thầy nầy cho lắm mà cũng chẳng dám tỏ cử
chỉ nào. Thế rồi chúng tôi ghi chép Thời Khóa Biểu cho những ngày học. Các môn
của Lớp Đệ Nhứt Ban A của chúng tôi là: Vạn Vật (Cô Nguyễn Kim Hưng), Toán (Thầy
Nguyễn Vũ Hải, Phó Đức Long), Lý Hóa (Thầy Phạm Ngọc Em), Sử Địa (Thầy Nguyễn
Huy), Công Dân (Thầy Nguyễn Tăng Huyên), Pháp Văn (Thầy Nguyễn Thanh Trừng),
Anh Văn (Thầy Trần Văn Hải), Triết (Thầy Nguyễn Văn Phúc). Trong giờ học nầy vì
lo ổn định lớp, chép Thời Khóa Biểu thì đã gần hết giờ cho nên bài học hẹn đến
kỳ tới.
Mặc dù vừa trải
qua kỳ thi Tú Tài I mà bọn học trò chúng tôi chưa hoàn hồn vì mãi vùi đầu vào học
bài thi, lo âu đậu rớt, thế mà năm nay phải lo chuẩn bị tiếp một kỳ thi khác đang
đợi chờ, đó là Kỳ thi Tú Tài II vào cuối năm. Do vậy ngay từ đầu năm đã cho thấy
đám học sinh nầy phải sẵn sàng cho bước tiếp theo, mà không dám thờ ơ. Trường có
3 Lớp Đệ Nhứt: Một Ban B và 2 lớp Ban A. Đệ Nhứt A1 bên Trường Nữ (Cơ sở trường
Bá Nghệ ngày xưa ở Thạnh Bình), Đệ Nhứt A2 là của chúng tôi và Lớp Đệ Nhứt B. Bên
Lớp B vì không có riêng cho nữ nên bên ấy có khoảng bốn chị nữ là Chị Muối, chị
Hài và hai chị Hường nữa thì phải học chung cùng bọn con trai. Bạn bè tôi bên
Ban B có Nguyễn Văn Huệ, Trương Văn Lập, Nguyễn Văn Nghĩa, Thái Văn Tâm, Lưu Văn
Hòa và một số bạn từ An Mỹ chuyển xuống. Còn bên nây số An Mỹ có Bùi Văn Cư,
Phan Thanh Diệp, tôi và Trần Văn Riếng, Nguyễn Văn Lé, Nguyễn Hữu Lễ. Ở đây tôi
lại nhập chung với hai người bạn học nhiều năm từ Tân Khánh cho đến Tân Uyên, rồì
lại chốn nầy là Trần Tấn Lực và Nguyễn Ngọc Thạch. Thế cho nên tôi lại là Thạch
B và Thạch cũng là Thạch A. Lớp cũng khá đông, tất nhiên là có những anh từ khoá
trước vì không vượt qua được kỳ thi cuối năm ngoái đành ngồi học trở lại cho kỳ
thi năm nầy. Biết như vậy, nhưng tôi cũng chẳng biết rõ là ai, vì mình cũng mới
tới đây thôi, quá còn lạ nước, lạ cái. Thế rồi, dần dần cũng là bạn bè, cũng biết
nhiều bạn từ từ mặc dù không có tiếp xúc nhiều lắm từ ông bác Bùi Văn Cỏi, Nguyễn
Ngọc Cẩn, Ngô Trọng Hải, đến Lê Kế Vui, Lê Minh Văn, Nguyễn Văn Hải, Từ Văn
Nhung, Thái Văn Bạn; rồi đến các anh ngồi ở những băng học sau như Lê Thành
nghiêm, La Văn Mẫn, Nguyễn Thành Tri, Phạm Văn Hoa, Nguyễn Văn Bằng, Trần Công
Tế, Nguyễn Văn Tám. Còn mấy dãy bàn khác như Đỗ Văn Minh, Trần Minh Tâm, Tạ Ngọc
Quý, Phạm Hoàng Minh, Nguyễn Văn Hoàng, Trần Văn Hoàng, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn
Kim Hiệp… Và nhiều bạn khác mà tôi không thể nhớ hết. Chuyện vui là mấy bạn thấy
anh Tạ Ngọc Quý là em vợ Thầy Phạm Ngọc Em liền bầu cho Quý làm trưởng lớp để điều
hành lớp trong năm học nầy. Tất nhiên Thầy Em là thầy dạy về Lý Hóa nhưng Thầy
cũng là Giám Học của trường, dưới quyền Điều Hành của Thầy Hiệu Trưởng Đặng Trần
Thường.
Trở lại chuyện đám
học trò ở trọ tại chùa Phước Tường thì có Bác Bùi Văn Cỏi là “lão làng” tại nơi
nầy, còn tôi cũng như Nguyễn Hữu Lịnh, Lê Thị Hồng đều là những “tân binh” được
sự ưu ái giúp đỡ của Thầy Trụ Trì cho trọ tiếp tục sau biến cố một anh ở trọ trước
kia đã lợi dụng tình trìu mến của con chó mà bắt con chó đó để đi làm thịt. Bốn
chúng tôi mỗi tối chong đèn cùng ngồi học ở một bàn dài dưới hậu liêu. Hồng và
Lịnh mới vào Lớp Đệ Thất. Tới cuối tuần Bác Cỏi cũng như tôi đều về nhà rồi trở
lại đầu tuần. Lịnh và Hồng không về thường xuyên vì hãy còn nhỏ mà nhà thì ở mãi
tận bên Bến Cỏ hay là Phú Hòa Đông khá xa, và đường đi thiếu vắng sự an ninh.
Trong chùa thì có Bà Sáu là vợ của Thầy trước thầy Trụ Trì nầy, vì Thầy ấy chỉ
tu sau khi lớn tuổi, khi Thầy mất đi Bà Sáu vẫn ở trong chùa. Bà có cháu cũng
tu đang đi học đạo ở dưới Sài Gòn mà chúng tôi gọi là huynh Bảo Châu. Trong chùa
còn có Thầy Ba là một cư sĩ, nghe nói vốn là người giữ phòng thuốc Từ Thiện ở đường
Lê Văn Duyệt gần chợ Vườn Chuối (Sài Gòn), nhân một chuyến đi cho khuây khỏa sau
cơn bệnh thì Thầy đến nơi đây thấy phong cảnh, cũng như cảnh chùa, Thầy thích và
xin ở lại đây cùng mở phòng thuốc Từ Thiện chuyên hốt thuốc nam trị cho bệnh nhân.
Chúng tôi tự túc nấu ăn, không nhất thiết là món ăn mặn hay ăn chay, thứ nào cũng
được.
Nguyên Thảo,
22/04/2024.