Monday, November 25, 2024

*Chuyện Con Bò!

 

Nhớ hồi còn nhỏ, ông Nội thường hay lấy xe đạp chở tôi đi đây đi đó, có khi về thăm ông bà Cố, có khi đến nhà ông Chín chơi, có khi đi chợ để ông mua ít đồ. Điều ấy có thể vì tôi là đứa cháu nội trai đầu tiên của ông chăng? Người ta thường nói tôi là cháu đích tôn của ông cho nên được ông thương nhiều! Ừ, thì cứ coi là như vậy đi, mà quả thật ông thương tôi nhiều lắm! Đi đâu ông cũng thường chở tôi theo! Đến một ngày nọ, ông chở đi qua xóm Hàng Tre Dài để thăm người quen bên ấy, khi đến một đoạn đường cát, hơi trũng thấp mà hai bên là những bờ đất cao có cây giống như rừng mà ông nội nói đó là cái truông, ở đây cát khá nhiều, khó chạy xe, nên ông nội và tôi phải xuống đẩy xe đi bộ cho qua khỏi nơi nầy. Chưa bao xa thì nghe tiếng la ỏm tỏi, lẫn tiếng chửi thề và tiếng roi quất lia lịa. Khi tới nơi đó thì mới thấy có người đánh lên mình con bò tới tấp, còn con bò thì nằm mẹp xuống đường, mặc cho người chủ đánh bao nhiêu thì đánh, còn đầu trước của xe thì nghiêng một bên vì con bò bên kia còn đứng bên đó, tất nhiên là xe không thể đi được. Ông Nội thấy vậy mới hỏi người kia:

-Năm à! Làm sao mà mầy đánh con bò dữ vậy?

-Nó trở chứng bẽ nài rồi chú, tới đây cái nó không chịu đi nữa, làm sao chở đồ về được!

Chú năm nầy hồi nào giờ tôi chưa được gặp, nên không biết chú, nhưng chắc chắn là ông nội có quen rồi.

-Mầy bắt nó chở nhiều, nặng quá, coi chừng nó bị bể rồi mai mốt khó bắt nó kéo xe được nữa. Thôi đừng đánh nó nữa. Mầy nên chống tó để xe ở đây, xong mầy dẫn hai con đi ăn cỏ, nghỉ ngơi một chút xem sao, rồi dẫn nó lợi bắt vô ách coi như thế nào. Chứ mầy đánh hoài thì nó cũng nằm ì như vậy thôi. Nếu không được thì mượn bò ai đó để kéo xe về! Xe thì chở nặng, đường cát quá, lại lên dốc nữa, bò nhỏ khó kéo lên nổi. Thôi mầy thử làm như vậy coi sao?

Nội nói xong thì hai ông cháu cũng sắp qua khỏi vùng cát và dốc, tôi trèo lên ba-ga ngồi để ông nội chở đi tiếp.

Khi về nhà thì đã chiều rồi, nên sau cơm nước xong, ông nội hỏi tôi: “Con muốn biết tại sao hồi xế con bò đó không chịu kéo xe nữa không? Muốn biết thì lợi đây ông nội kể cho con nghe”. Tôi đến bên ông nội đang ngồi trên võng, rồi ông đỡ ngồi trong lòng của ông. “Nè, con có muốn bị đòn như con bò không? Người ta nói lì như bò nên nó bị đòn quá chừng mà không chịu đứng dậy, vậy con có lì không?”. Tôi lắm léc: “Con không muốn bị đòn”. “Vậy thì con đừng lì nhen”, “Dạ, con không dám lì”. Rồi ông nội kể:

“Con bò cái đẻ ra con bò nghé, khi nó lớn lên, tới cái độ có thể kéo xe được thì người ta kiếm hay mua một con nữa bằng với nó, để rồi người ta dợt, hay tập cho chúng có thể kéo xe. Lúc đầu chưa bắt chúng vào xe được, nên chỉ cho hai con mang cái ách lên cổ chúng. Thoạt đầu còn phải có người dắt ở phía trước cho chúng đi quen dần, còn một người ở phía sau cầm dây mũi, là dây cột vô dây xõ mũi nó đó điều khiển. Điều khiển như thế nào, con biết không?”, “Con hỏng biết”. Đi như bình thường thì người ta thả lỏng hay sợi dây, khi nào muốn quanh bên phải thì người ta kéo dây mũi con bên phải cho con phải đi chậm lại và hô “ví” cho con bên trái đi mau lên. Và khi muốn quanh bên trái thì kéo dây mũi bên trái cho con trái đi chậm lại và hô “thá” cho con phải đi nhanh lên thì nó quẹo trái. Tại sao kéo dây mũi của bò con biết không? Lúc trước ông nội có kể cho con nghe chuyện con bò bị xõ mũi đó. Kéo nhẹ dây mũi cho nó đau để nó đi chậm lại, còn muốn nó đi mau thì lấy roi đánh vào mông đít, hoặc bò lớn thì người ta xài cây đót, là cái cây dài mà đầu có gắn cây đinh hay mũi nhọn chích vào đít, nó đau nên phải đi mau thôi; còn “ví” là kêu con bên trái, “thá” là con bên mặt hay phải đó”.

Hớp xong một miếng nước, ông nội nói tiếp:

“Khi quen rồi, không cần người dẫn ở phía trước nữa, chỉ người điều khiển ở phía sau thôi. Trong một thời gian chúng thuần thục, nhắm chừng chúng có thể kéo xe được thì người ta mới bắt vào xe. Nếu có xe nhẹ nhàng hơn thì tập cho nó lần lần, nếu không thì cho nó kéo xe không, không có chở đồ. Qua thời gian nữa thì chở ít, rồi tăng lần lên đến khi nhuần nhuyễn. Nhưng con có biết tại sao con bò hồi xế bị đòn không?”.

Tất nhiên là tôi không biết rồi, cứ nhìn vào ông nội. Ông kể tiếp:

“Thông thường, cặp bò nào cũng kéo xe sau khi tập cho nó quen rồi, nhưng không phải con bò nào cũng dễ dàng như vậy, có con thì chịu đựng giỏi, có con khá lười biếng, có con hay “phá bĩnh” là hay trở chứng, với những con nầy sự kéo xe của nó đôi khi trở nên khó khăn, gây trở ngại nhiều cho người chủ. Với con hồi xế mà con thấy đó, có thể giống như loại con bò mà ông nội vừa nói, nhưng nó cũng có thể vì sức nó yếu hơn con kia mà ông chủ bắt nó kéo xe, chở nặng nhiều quá, lại đường cát, lên dốc nữa nên nó mệt đi không nỗi, dù cho ông chủ có đánh nó bao nhiêu đi nữa, nó vẫn nằm ì chịu trận mà thôi. Không khéo nó chết đi thì chỉ có nước bán cho lò giết bò làm thịt để bán, vì vậy mà ông nội kêu chú ấy mở bò ra cho nó đi ăn trong chốc lát, vừa nghỉ ngơi vừa lấy lại sức để tiếp tục kéo xe. Nếu ép nó làm nhiều quá, mai mốt nó bị “bể” luôn, “bể” là nó sợ, nhát mỗi khi mình tra ách vào cổ nó thì nó sợ, nó cứ muốn tránh ra, không chịu kéo xe nữa, lúc đó mình cũng chỉ bán nó cho lò làm thịt thôi. Mà thói thường con nào giỏi, làm nặng được, kéo xe nhiều, bền bỉ thì được chủ ưa thích, bắt làm nhiều. Mà cứ làm nhiều thì con đó sẽ mệt mỏi và bị đót chích vào đít hay bị đánh nhiều hơn. Do vậy, người chủ thích mua những con bò tốt như thế, cho nên họ cần phải nhờ đến những người lái bán bò lựa chọn cho họ những giống tốt như bò bô chẳng hạn, vừa to, vừa khỏe để làm được nhiều, mà con nào không phải trở chứng “bẻ nài” nên mấy ông lái bò phải biết “coi xoáy” bò nữa để chọn lấy bò tốt mà bán cho người ta. Xoáy là những vòng lông xoay tròn giống như cái xoáy trên đầu con đó, nhưng mấy ông lái mua bán bò họ coi xoáy trên khắp mình con bò để định xoáy nào tốt, xoáy nào xấu để định biết con bò đó có thể không chịu kéo xe nửa chừng hay không? Nội nói con có biết hông?”. Thực sự lúc ấy tôi chẳng biết gì, ông nội nói thì ông nói, tôi nghe thì cứ nghe vì tôi còn quá nhỏ. Lớn lên khi tiếp xúc với ngoài đời, tôi mới hiểu dần mấy điều ông kể. Nhưng điều tôi nhớ nhất là sau khi kể câu chuyện, ông hỏi tôi: “Con có bao giờ muốn làm con bò không?” rồi ông cười, trong lúc tôi trả lời: “Con hỏng chịu đâu!”.

 

Đồ Ngông,

05/08/2024.

 

Sunday, November 24, 2024

*Cuốn Theo Chiều Gió! (5)

 

Ở trên chúng tôi đã tìm hiểu và ghi lại con đường truyền bá Đạo Phật về phương Nam do những người Thượng Tọa Bộ hay Đại Chúng Bộ truyền qua Sri Lanka (Tích lan) rồi đến các vùng Đông Nam Á mà ngày nay người ta thường gọi là Phật Giáo Nguyên Thủy, giữ nguyên hình thức bình bát và khất thực như thời của Đức Phật, nhưng không phải là Du Tăng nữa mà họ vẫn có chùa hoặc là Tịnh Thất, Tịnh Xá…Kinh điển là Kinh Nikaya viết bằng chữ Pali. Còn đường truyền bá về Phương Bắc dùng đến Kinh A Hàm ghi lại bằng chữ Sankrit (chữ Phạn) tương đương với Kinh Nikaya của Nam Truyền; cùng với các Bộ Kinh khác gọi là Phương Quảng. Thực ra, chia thành hai nhánh Bắc và Nam hay gọi nhánh Nam là Tiểu Thừa (như Cổ xe nhỏ, chỉ nhằm giải thoát cá nhân, ít người); và Đại Thừa (Cổ xe lớn nhằm giáo hóa, giải thoát cho nhiều người) chỉ là cách tương đối thôi. Vì Đạo Phật ở Trung Ấn Độ dưới thời vua Ashoka (A Dục) và vua Kaniska rất được phát triển, không những trong nước mà các Tu Sĩ còn đi ra nước ngoài để truyền bá giáo lý, cho nên từ Trung Ấn đạo Phật được truyền về Phương Nam qua các địa phương Avanti, Maharastra, Andhra, Chola, Nam Ấn vào Sri Lanka được xem như là sự truyền bá chính yếu của Tiểu Thừa Nam Tông, tuy nhiên về sau ở Sri Lanka có Tăng Đoàn Dhammaruciya được triều đình coi trọng nên ít nhiều tư tưởng Đại Thừa từ các nhà sư nầy cũng làm cho Nam Tông không còn thuần khiết nữa. Các trường phái thuộc Tiểu Thừa cũng lan truyền sang Pakistan, Afghanistan, và tận miền Đông duyên hải Iran với những chứng tích còn lại được phát hiện từ năm 1819 ở Ajanta (thuộc làng Ajintha, quận Aurangabad của bang Maharashtra), và sau đó là ở các hang động khác như Ellora, Nasik, Karle, Bhaja và Junnar.    

Và những nhà sư cũng từ Trung Ấn di chuyển về Phương Bắc qua Trung Á không phải chỉ các nhà sư thuộc nhóm Đại Chúng Bộ hay là Phật Giáo Phát Triển mà còn một số người thuộc phái Trưởng Lão Bộ nữa bằng chứng là họ đã đến vùng Vân Nam (Trung Quốc), cho nên danh từ Đại Thừa chỉ là một cách gọi tương đối cho nhánh phát triển về phía Bắc. Phật Giáo Bắc Truyền là để chỉ nhánh truyền bá Đạo Phật từ Ấn Độ qua các vùng Trung Á sang Trung Quốc, Mãn Châu, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan và miền Bắc Việt Nam. Nhánh nầy sử dụng Kinh Văn Phạn Ngữ mà ảnh hưởng nhiều nhất là Kinh điển Hán văn được dịch từ Phạn Ngữ sang. Riêng Kinh văn ở Tây Tạng là Tạng văn. Nhánh Phật giáo qua Tây Tạng là Mật Tông có ảnh hưởng đến Mông Cổ, Nepal và Bhutan, Trung Á và môt số vùng của Nga. Theo như trong lịch sử thì con đường tơ lụa đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá Đạo Phật, vì từ Thế Kỷ thứ II trước Công Nguyên đến Thế Kỷ thứ II sau Công Nguyên Phật Giáo rất phát triển ở miền Tây Bắc Ấn Độ, nhất là vùng Gandhara (nay thuộc Pakistan). Từ vùng ấy Phật Giáo được mở rộng sang Khotan, Hadda, Bamiyan và Sogdiana của miền Trung Á trong những Thế kỷ sau mà Cộng Đồng Phật Giáo lớn nhất là Bamiyan (nay thuộc Afghanistan, nơi có hai tượng Phật lớn trong núi mà lực lượng Hồi Giáo Taliban phá hủy vào năm 2001). Trong các Thế kỷ thứ III- IV Phật Giáo lan truyền đến Khotan, Kashgar, Turpan và toàn vùng lòng chảo Tarim thuộc về Phật Giáo.

Từ Trung Á nầy theo Con đường Tơ lụa các thương buôn và tu sĩ đã đến các tiểu quốc rải rác quanh sa mạc Taklamakan và tiến sang Trung Quốc vào đầu Thế Kỷ thứ I. Từ Trung Quốc, Phật Giáo theo ảnh hưởng của nền văn hóa mà ảnh hưởng đến các nước Mãn Châu, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan và miền Bắc Việt Nam với tinh thần Phật Giáo Đại Thừa.

Đại khái những tài liệu về Đạo Phật mà chúng tôi tìm hiểu là như vậy, còn những suy nghĩ thì như thế nào? Có lẽ căn cứ vào sự phân chia làm hai trường phái bảo thủ ít người là Trưởng Lão Bộ cùng phái phát triển Đại Chúng Bộ gồm nhiều người trong lần kiết tập thứ II chúng tôi nghĩ rằng điều ấy cũng một phần trong việc chọn hướng phát triển riêng. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào điều kiện địa lý và thời tiết thì Đại Chúng Bộ phát triển về phía Bắc tất khí hậu lạnh hơn nhiều ở Phương Nam thì các tu sĩ không thể đi khất thực trong những ngày hay mùa quá lạnh hoặc tuyết rơi, vì thế họ cần những nơi trú ngụ để có thể giữ gìn sức khỏe, thân mạng trong việc tu tập cũng như hành đạo, cho nên đền chùa được xây dựng khá nhiều. Vả lại, trong thời Đức Phật giáo Pháp chỉ một mình Đức Phật biết rõ ràng con đường tu hành như thế nào và giáo pháp phải hiểu ra sao cho đúng. Chính vì sự tường tận như vậy mà Đức Phật và Tăng Đoàn phải làm những Du Tăng vừa khất thực đến đâu thì truyền đạo đến đó. Sau nhiều đệ tử hiểu rõ, thuần thục chính pháp thì phân chia đi nhiều nơi để truyền đạt lại cho những người khác hiểu mà tu. Rồi vào mùa mưa thì “An cư kiết hạ” để tránh mùa, đồng thời không phải đi nhiều tránh sự sát sanh (dẫm đạp côn trùng) trên con đường đi. Còn về phía Nam thời tiết thuận lợi, không khắc nghiệt nên chuyện du tăng hành đạo không hề bị trở ngại, chỉ cần khất thực để độ sinh và giảng pháp. Rồi với thời gian do nhu cầu cần thiết để giáo hóa lâu dài cho dân chúng địa phương thì cần nơi ở thế nên các chỗ ở nhỏ, yên tịnh được hình thành cho các vị tu sĩ như là những tịnh xá hiện nay. Và sự phát triển ra từng địa phương cho nên ở các địa hương dần cũng có các chùa dù nhỏ hay to. Chung quy dù Nam Tông hay Bắc Tông nơi tu hành vẫn là những nơi yên tịnh cho tu sĩ tịnh tâm hoặc Thiền Định, hơn nữa giáo pháp của Đức Phật qua các kỳ kiết tập về sau đã viết bằng chữ viết để lưu truyền, học tập, nghiên cứu không còn là vấn đề trở ngại nào nữa cả. Khi các Tăng Đoàn đã kết hợp từng nhóm tạo thành các nơi tu tập bằng tự viện, chùa, tịnh xá thì sự hoằng pháp cũng tương đối dễ dàng hơn vì dân chúng, phật tử có thể đến để học hỏi trong từng thời kỳ mà các tu sĩ giúp cho họ. Chùa, tịnh xá, tu viện thường được xây cất ở núi đồi, khu rừng, trong đồng vắng nhưng không xa dân chúng lắm để có sự yên tịnh vừa thuận tiện cho sự tu tập của tu sĩ, vừa thuận lợi cho phật tử, dân chúng đến học tập về giáo lý. Có thể do nhu cầu người tu học đến chùa, tự viện, tịnh xá càng ngày càng đông, nhất là ở nơi đông dân, thành phố, các yêu cầu về cơ sở vật chất để đáp ứng được nhu cầu nên dân chúng, phật tử cùng nhau chung sức tài lẫn vật lực mà xây dựng nên. Điều ấy cũng không có gì đáng nói!

Cũng giống như vậy, Phật Giáo Đại Thừa sau khi thâm nhập vào Trung Á thì theo con đường tơ lụa vào Trung Quốc rất sớm, vào khoảng năm 65 và trong bốn thế kỷ đầu đã tạo được nền tảng cơ bản trong xã hội Trung Quốc. Phật Giáo được phát triển mạnh vào các Triều đại của Nhà Tùy và Nhà Đường (581-907) rồi lan truyền sang Triều Tiên, Nhật Bản vào cuối Thế kỷ thứ V. Trong khoảng thời gian nầy, các công trình Phật Giáo được xây dựng ở Trung Quốc hàng loạt như Thiên Phật Động Kiril ở Khâu Từ, Mạc Cao ở Đôn Hoàng (Tỉnh Cam Túc), chùa hang đá Vân Cương ở Đại Đồng (Tỉnh Sơn Tây), Long Môn ở Lạc Dương (Tỉnh Hồ Nam). Phật Giáo Đại Thừa ở Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn với Phật Giáo Việt Nam, vì các Tạng Kinh Điển mà Phật Giáo Việt Nam sử dụng, lưu truyền hành đạo phần lớn bằng Hán Ngữ hoặc dịch ra trước khi có những nhà sư uyên bác dịch những Kinh Sách từ Tiếng Sankrit hay Pali sang Việt Ngữ.

 

Nguyên Thảo,

25/11/2024.