Tuesday, May 6, 2025

*Ông Nội Tôi.

 

Ông Nội tôi có hai thú vui: Một là chơi kiểng hay nói một cách khác là “cây cảnh”; hai là câu cá mà phải là cá lăng ông mới chịu. Ông có bao nhiêu tiền đều “đầu tư” vào đó dù với số vốn không nhiều. Những buổi sáng rỗi rảnh, ông không mân mê cây kéo ra ngồi bên các cây ngâu, cây quí, mai, duyên, trắc bá diệp, sùm sụm… để cắt tỉa cho chúng được gọn gàng trông đẹp mắt, đồng thời sửa dáng của chúng xem cho được; thì ông cũng sửa soạn để đúc vài bồn lớn hơn bằng ximăng nhằm đưa mấy cây mà ông cần trồng lên cao. Với công việc nầy thì phải lấy đất đắp để tạo khuôn, tất nhiên là phải cần đến Bác Tư tôi về để phụ giúp ông về công cũng như tài chánh.

Ngày chị Nhiếm, con gái Bác Tư, đi lấy chồng, ông ở một mình trên ngôi nhà mà Bác Tư dở từ nhà cũ vào để xây dựng trên khu đất nầy, khi nhà phải di dời theo chiến sách gọi là Ấp chiến lược của thời gian chiến tranh, thì tôi lên ở với ông cho ông vui; đồng thời có thể giúp ông gánh nước từ giếng bên trường học để tưới cho các cây kiểng ấy. Lúc đó tôi đang bước vào học lớp Đệ Tam, tức là lớp 10 ngày nay, cái lớp được coi như là năm học dưỡng sức, để rồi tới năm lớp 11 (Đệ Nhị) phải thi Tú Tài I; nếu đậu thì sang lớp 12 (Đệ Nhất) thì thi Tú Tài II. Ôi sao lắm cuộc thi thế! Biết bao nhiêu người đi trước đã phải rớt, không vượt qua nỗi đành phải đi vào lính để ra chiến trường, thí mạng cho cuộc chiến tương tàn giữa hai miền Nam Bắc. Ông Nội chơi kiểng cũng như bao ông già khác, từ ông Hai Cờ, ông Hai ruột chồng bà Hai, ông Chín, ông Mười Gia… Rồi mấy ông thường xuyên ghé thăm nhau để bàn tán về các cây kiểng, góp thêm ý kiến về cây nầy hay trầm trồ cây kia “đẹp quá, ý nghĩa hay quá”, nhất là cây mai mà Bác Tư đi kiếm về cho Ông Nội. Nó được trồng ngay bồn chính giữa. Người ta khen nó vì cái gốc có hai nhánh hơi xéo nhau, nếu tưởng tượng có một lằn gạch ngang thì lại giống chữ “nữ” trong chữ Nho hay chữ Tàu. Thế là “Vô Nữ bất thành mai”, nó được tôn vinh là đẹp, khó kiếm. Còn hai bên là hai cây quí, và phía ngoài là hai cây mai chiếu thủy, bông lúc nào cũng chúc xuống phía dưới như đang khoe cùng mặt nước nên người ta gọi là “chiếu thủy” đó chăng?

Còn hàng phía trong, ông Nội để khoảng giữa trưóc cây mai là bàn Thiên để đốt nhang vào những ngày cúng kiến, hoặc mỗi chiều; rồi hai bên là hai cây ngâu lá hơi tròn tròn, nó trổ bông màu vàng vàng nhưng cũng tròn tròn từng chùm mà người ta nói bỏ vào nước trà uống thơm lắm vì nó vốn để ướp trà, và kế là hai cây duyên. Không biết duyên có phải là họ tùng, bách không mà lá nó hơi vuông, dài ra với những gai nhọn tủa ra, nếu nắm vào bị chích khá đau. Và với hai cây trắc bá diệp mà ông Nội dự trù đúc cho chúng hai cái bồn lớn để đưa chúng lên cao để tô điểm cái khung vườn kiểng của ông. Ngoài hai cây Trắc bá diệp không được cắt tỉa nhiều, còn các cây khác ông đều dùng kẽm cứng để uốn thành những cánh tay dang ngang khác bên, và cắt mọi nhánh phía trong chỉ chừa các chùm lá bên ngoài đầu, tùy theo cái nhìn và ý thích, hay những cái ý nghĩa mà ông muốn đặt vào đó. Riêng tôi chỉ ở với ông cho có người và phụ trong vài công việc nhà, chứ công việc học của tôi là chính. Thế rồi, những ngày Bác Tư từ Bữu Long bên Biên Hòa về cũng phụ giúp ông đúc được hai cái bồn lớn để ông trồng hai cây Trắc bá diệp hai bên. Nhiều người đến thăm thấy đều thích lắm kể cả ông Hai (anh rễ) và ông Chín (em ruột) ông Nội cũng đều trầm trồ. Nhưng ông Nội vẫn chưa vừa ý vì thành bồn chưa được đắp thành hình gì cả, nó vẫn là thành trơn tru. Ông quyết định đắp hình để thêm hoa hòe cho chúng bằng những hoa văn. Ý ông sẽ làm “Lưỡng long tranh châu” cho một bồn, bồn kia sẽ là “Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi” để nhắc nhỡ rằng hai bên cố tranh giành nhau như cò và hến thì cả hai đều bị người đi câu bắt hết. Thế là ông tằn mằn tỉ mỉ trong nhiều ngày, cuối cùng thì cũng đã thành công. Mặc dù không xuất sắc nhưng ai cũng khen là đẹp và khéo tay, rất có khiếu. Ông vui lắm! Mỗi ngày ông nhìn ngắm và cắt tỉa; còn tôi chỉ phụ gánh nước tưới dùm ông. Lúc siêng thì tưới cho mỗi cây, lúc mệt thì tưới nay cây nầy mai cây khác, chứ tưới nhiều thì không chịu nỗi, nhất là vào mùa nắng! Không biết lúc ấy, sao tự dưng tôi có ý nghĩ lạ lùng bèn nói với ông: “Ông Nội à! Sao con thấy chơi kiểng giống như người ta chặt đứt tay chân của một người nào đó mà chỉ để ngắm thôi thì quá tội nghiệp, mà nếu người cai trị mà bắt mọi người đều như vậy hết cả, thì làm sao người ta có thể giàu mạnh được, đất nước chỉ nghèo mà thôi!”. Ông Nội cười: “Con ngu quá, chơi kiểng là thú vui của người già, mà kiểng chỉ là cây thôi thì đâu có giống như vậy được. Nó khác xa lắm con à!”. Ấy là thú chơi kiểng của ông Nội!

Còn cái chuyện câu cá lăng, thì ngoài thời giờ dành cho những cây cối ở nhà, Ông Nội còn một thú vui khác là đi câu cá lăng. Cá lăng là một loại cá sông, có màu hơi vàng, thân nó hơi giống với loài cá trê, nhưng các vi lại na ná với cá mập. Đó là loại cá mà Ông Nội thích để nấu canh chua với lá giang, thịt vừa ngọt lại vừa thơm. Ngày nào ông đi thăm ruộng ngoài quê cũ, ông đều cặp vài cần câu với thùng dụng cụ gồm mồi, chì, lưỡi câu, phao, kéo nhỏ, dao vào sườn xe đạp để đem theo. Tôi không biết ông câu ở đâu, có thể ở suối cái, mà cũng có thể ông ra cầu Tam Bản ngoài Thạnh Phước để câu ở con rạch gần nhà Cô Ba hay ông câu ở sông Đồng Nai cũng không chừng. Nhưng những ngày ấy không bao giờ ông về sớm cả, chỉ là đôi khi mười họa. Có khi về cũng có vài con không lớn lắm, có lúc chẳng có con nào. Mặc dù thú vui nầy không bận rộn như cây kiểng, nhưng ông lại tốn tiền nhiều hơn, chỉ vì mấy cái loại mồi câu, Không biết cá lăng kén ăn mồi thế nào, mà ông cứ thay đổi cách làm mồi liên tu. Nhưng chủ yếu là cá lòng tong, nhiều lần ông kêu tôi ra đến Chợ Thủ ngoài Bình Dương mua cá ấy cho ông. Về ông trộn với bông gòn với mấy loại gì nữa mà người ta đã chỉ, đôi khi với vài vị thuốc bắc rồi ủ để thúi đi. Nhiều lần bị hư đành phải bỏ, rồi ông lại làm cái khác, thật là kỳ công. Thế mà cũng chẳng được nhiều cá. Tôi chỉ nghe vài người, lẫn bạn thích đi câu nói rằng: “Đi câu vui lắm mầy, nhất là ngồi nhìn cá ăn, cái phao nó giựt giựt, lúc chìm lúc nổi mà cái cần rung rung trong tay mình, chỉ đợi chờ lúc nó ăn giựt ngang mạnh cái cần. Nếu hụt thì tiếc ôi là tiếc, mà dính cá nằng nặng trong tay thì vui ơi là vui. Mình đã thành công, đã chiến thắng”. Không hiểu ông Nội có cảm giác ấy không, chứ tôi thì không rồi, vì không có tay sát cá; bởi lẽ mấy lần theo bạn đi câu, tôi chẳng câu được con nào! Cho nên mình không biết ham, có chăng khi về già tôi sẽ học theo cái cách câu “thời vận” của ông Khương Tử Nha trong truyện Tàu, tức là câu cá mà chẳng có lưỡi câu nào!

Vào những ngày ông Nội câu được vài con cá lăng, về ông kêu tôi làm cá. Tôi làm mãi nó vẫn không sạch từ cạo nhớt hay lấy tro để vuột da vẫn không sạch nhớt được, mặc dù lúc ở nhà má tôi đã chỉ cách làm cá, nhưng chưa làm cá lăng bao giờ. Mãi loay hoay thì ông Nội nhìn thấy: “Làm cá lăng mà làm như vậy biết bao giờ cho xong, thôi đi nấu một ít nước sôi rồi đổ lên mình nó, rồi mới cạo nhớt sơ sơ là được”. Thế là tôi phải làm theo lời ông, quả thật lớp nhớt cá bốc ra cạo thật là dễ ợt. Đúng là không có kinh nghiệm chút nào. Nồi canh chua lá giang với cá lăng vừa ngọt, vừa chua lại vừa thơm, mà thịt của cá vừa săn chắt chấm với mắm nêm thật tuyệt vời. Đó là lần đầu tiên tôi được ăn món canh chua ấy. Hèn chi, ông Nội tôi không thích câu cá lăng làm sao được? Tôi phải cám ơn Ông Nội thật nhiều, nhưng giờ ông đã quá xa gần cả 55 năm, hơn nửa thế kỷ rồi! Ôi chỉ còn là tưởng nhớ và kỷ niệm với một niềm nhớ không nguôi!

 

Đồ Ngông,

06/05/2025.