Friday, June 10, 2011

*Một Câu Chuyện Giáo Dục.

Giáo dục là một sự kiện văn hóa quan trọng của con người. Nhờ giáo dục mà người ta truyền thụ những kiến thức hoặc kinh nghiệm từ thế hệ nầy sang thế hệ khác; đồng thời tạo một sự truyền thừa tiếp nối qua nhiều thời đại về những tư tưởng, khám phá của nhân loại. Giáo dục cũng rất quan trọng trong việc giúp cho con người tiến bộ, phát triển mọi phương diện để phục vụ lại cho đời sống con người nhằm làm cho cuộc sống được tốt và đầy đủ hơn! Sự giáo dục cũng là con đường ngắn nhất trong sự tiếp thu những kiến thức của người đi trước; và cũng là để truyền thụ lại cho người tới sau. Trường học, sách vở là phương tiện tích tụ hay tập trung để truyền thụ.
Người xưa đã có cho rằng: “Làm thầy thuốc mà sai lầm chỉ hại có một mạng người. Làm chính trị sai lầm chỉ hại cho một nước. Làm giáo dục mà sai lầm thì hại cho cả muôn đời”. Quả đúng như vậy! Một thầy thuốc chỉ trị bệnh cho từng người, nếu cho thuốc sai lầm thì chỉ có bệnh nhân đó chết hay tình trạng trở nên trầm trọng mà thôi. Nhưng nhà lãnh đạo hay một tập đoàn lãnh đạo mà sai lầm thì kéo theo cả một nước, một dân tộc bị chìm đắm vào nghèo đói, khổ ải với tất cả những tệ nạn xảy ra vì người dân cần đến sự sống thì họ sẽ không từ nan bất cứ một phương tiện hay phương sách nào đó để bảo toàn sự sống của mình và gia đình trong đó kể cả thái độ giành giựt, cướp bóc, chém giết, hoặc bán những gì mình có kể cả thân mình. Nhưng đối với giáo dục mà chỉ đạo sai lầm thì không những thế hệ nầy ngu dốt, sai lầm; rồi thế hệ đó đem sự ngu dốt sai lầm của mình để lãnh đạo, hay truyền thụ lại cho người, thế hệ khác và cứ tiếp nối như thế thì sự tai hại không biết đến như thế nào trong tương lai. Thật sự tai hại thật vô ngần!
Sự giáo dục nhằm giúp con người mở mang kiến thức, được khôn ngoan ra, tiếp thu những tri thức tiến bộ và kịp thời của con người để trang bị cho sự hiểu biết của người học; đồng thời để người học đem những kiến thức đó cống hiến lại cho đất nước, xã hội. Cho nên nền giáo dục chính đáng tất sẽ đạt được những thành quả rất cao, và có thể người ta đan xen vào sự giáo dục một nền đạo đức; lẫn giáo dục những cách sống khỏe, văn hóa, văn minh; hay để giáo dục những ý thức một trật tự xã hội thì cuộc đời trên thế gian nầy được tốt hơn nhiều. Nhưng thông thường người ta lại hay theo ý hướng chính trị để phục vụ cho thể chế của mình, cho nên nền giáo dục thường hay bị khiếm khuyết. Có những chế độ chỉ lấy giáo dục để giáo dục, huấn luyện con người thành công cụ phục vụ cho chế độ, cho nền chính trị; cho nên sự giáo dục ấy làm cho người dân bị gò bó hay chỉ đi theo một hướng duy nhất giống như con ngựa bị che hai bên mắt để chỉ thấy một hướng duy nhất trên đường mà đi. Chính vì thế mà con người phát triển cũng bất bình thường và nền văn học không có gì là khác lạ để phản ánh đúng những hoàn cảnh, tâm tư của con người trong một cộng đồng chung của nhân loại. Chính do vậy mà những nền văn học hay văn chương ấy không thể vươn lên được trong một môi trường của thế giới. Nền giáo dục chỉ chú trọng về phương diện này và thiếu chú ý về phương diện khác cũng khiến cho sự giáo dục của con người hay công dân trong một đất nước cũng trở nên không toàn diện và thiếu sót. Sự giáo dục thích đáng đem về sự ích lợi vô ngần cho chính người đó, cho gia đình và dân tộc đất nước nữa. Điều ấy không ngoa chút nào cả, vì nền giáo dục có giá trị, chất lượng đào tạo khả năng của người tiếp thụ được nâng cao; năng lực họ có họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ trong công việc của mình một cách xuất sắc, có kết quả. Nếu ai cũng có năng lực chu toàn nhiệm vụ của mình thì không thể nói đất nước đó “chậm tiến” được; chỉ trừ khi nền giáo dục không được chú trọng, chứng chỉ năng lực, đỗ đạt được cung ứng “bung thùa, không căn cứ trên tài năng, thực chất”, những chuyên viên toàn là những chuyên viên “dỏm” chỉ có phá hoại mà thôi! Đất nước sớm muộn gì cũng tiêu tan, trở thành nô lệ cho nước khác.
Một nền giáo dục toàn diện và có chất lượng đem lại lợi ích cho đất nước được cung ứng ngay từ trong trường học khi mà học sinh còn rất nhỏ. Những việc làm, những hành động nhỏ nhặt có thể nâng cao phẩm giá con người hay đem đến sự cao quý của dân tộc luôn được chú trọng nhằm giúp cho học sinh có thói quen làm, như là một phản xạ học tập có điều kiện như chào hỏi, nhường người già, lớn tuổi, xả rác cho đúng chỗ, giữ vệ sinh nơi công cộng chẳng hạn... Từ nhỏ đã có những việc làm tốt thì lớn lên cũng có thói quen tốt, thói quen ấy sẽ làm kinh ngạc người nước ngoài, tất nhiên giá trị của một dân tộc sẽ được nâng cao; chứ không cần ta phải tuyên truyền hay tuyên xưng dân tộc ta thế nầy hay thế nọ. Nền giáo dục ưu đãi cho thành phần nầy hay thành phần nọ chỉ đem đến sự ngạo mạn, khinh lờn mà người làm công tác giáo dục khó hoàn thành tốt công tác của mình; nó kéo theo sự đình trệ, xuống dốc chất lượng của người đi học và nền giáo dục trở thành nền giáo dục “nâng đỡ” hay “mua bằng” sau nầy! Một quốc gia sẽ “tan hoang” vì chất lượng đào tạo của một nền giáo dục “vô trách nhiệm”.
Nhà viết sử với một quan điểm chính trị sẽ không là nhà viết sử chính xác. nền giáo dục mang quan điểm chính trị chỉ có giá trị ở ngay trong chế độ đó mà thôi. Nó không cung ứng và thích hợp trong chế độ khác. Nó sẽ bị tiêu tan, và khai trừ trong môi trường khác. Tại sao người ta không nghĩ đến một nền giáo dục vững chắc cho đất nước và dân tộc nhỉ? Ai là người có thẩm quyền và ai là người có lòng, có tư tưởng đồng hành với sự trường tồn của dân tộc, đất nước đây? Những người ấy còn chờ đến bao giờ? Hay là đợi đến ngày đất nước trở thành phần đất của ngoại bang và dân tộc bị nô lệ thì mới làm đấy chăng? Tội nghiệp cho tổ tiên biết đến bao giờ mới nguôi!

Đồ Ngông,
01/01/2011.

No comments:

Post a Comment