Đã từ lâu và cho đến tận ngày nay, người ta vẫn còn cho rằng Đạo Phật mang nhiều tính chất “mê tín dị đoan” trong cách hành đạo của mình. Nhưng vấn đề ấy như thế nào? Quả thật đó là vấn đề không đơn giản! Đạo Phật đến nước ta đã qua những chặng đường từ Ấn Độ sang Trung Hoa và đến Việt Nam với phái Đại Thừa; và phái Tiểu Thừa chịu ảnh hưởng đối với dòng phát triển từ Ấn Độ đến Tích lan, hay Miến Điện, Thái Lan, Lào, Kampuchia. Ở đâu cũng vậy, Đạo Phật có một đặc điểm là dễ hòa hợp, thích ứng với những tập tục của địa phương hay bất cứ nơi nào mà nó đã đến. Điều ấy khiến cho Đạo Phật có khác đi, nên nhiều người lại hiểu lầm và nhìn đạo Phật qua khía cạnh “mê tín dị đoan”!
Trong hệ phái Tiểu Thừa có thể vì còn giữ căn bản phương thức tu hành theo chân Đức Phật ngày xưa, nên sự biến đổi không nhiều và tập tục những xứ mà nó đã đi qua cũng không lưu lại những điều sâu đậm trong cách hành trì hay thể hiện, tu tập của người thực hành cũng như người tin tưởng nơi Đạo Phật.
Nhưng với phái Đại Thừa có nhiều vấn đề hơn, nhất là chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cộng với tập tục dân gian của chúng ta xen lẫn vào.
Giáo lý Đạo Phật không đề cập đến vấn đề “mê tín dị đoan”, mà chỉ giải thích một cách biện chứng, có cơ sở trên đời sống con người. Sự quan trọng là mỗi con người đều có một bản thể riêng: Đó là tâm của mỗi chúng sinh. Trước kia, Tâm mỗi chúng sinh đều cùng “viên dung” (hòa hợp nhau như là một thể, một khối) ở trong cõi Chơn Tâm (cõi sau này khi tu hành đắc đạo trở về thì cõi đó được gọi là cõi Phật, hay Niết Bàn hoặc bằng những danh từ khác nhau), nhưng vì “không biết” (Vô Minh) tâm chúng sinh mới nảy ra “vọng tưởng” (mơ màng, mơ mộng huyễn ảo), và có ý “phân biệt” ta với người, chúng sinh khác; nên cõi Chơn Tâm ấy bị phá vỡ và Tâm mỗi chúng sinh mới mượn đến các Đại (đất, lửa, gió, nước) để làm thân và các giác quan; mượn Kiến đại để Thấy, nghe, hay, biết; và mượn Không đại để được tăng trưởng và lớn lên. Từ khi có thân xác, những nhu cầu nuôi thân, hưởng thụ khiến cho chúng sinh đi vào “Sát, đạo, dâm, vọng” gây những nghiệp ác, cùng với Thiện và “Vô ký” (không thiện, không ác); nhu cầu càng cao thì càng muốn thêm (ái dục; tham), không được thì “sân”, sân quá thì trở nên mê muội (si) để gây nghiệp ác từ Thân, Khẩu, Ý. Gây nghiệp tức là tạo “nhân” để rồi ngay trong kiếp hiện tiền nhận quả, hoặc là trong kiếp sau hay trong những kiếp lâu dài về sau.
Tùy theo những nhân tốt hay xấu nào trong kiếp kế tiếp sẽ đồng loạt trổ “quả”, cộng với nguyện lực (ý nguyện dũng mãnh trước và ngay lúc lâm chung) thì sẽ định con đường đi của sự tái sinh trong sáu nẽo Luân hồi (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, A-tu-la, Người, Trời). Khi chết rồi, nhưng đợi chờ để đi sang một kiếp khác được gọi là thân Trung ấm. Nếu Tâm người chết không luyến lưu hay do sự thù hằn nào “níu chân” thì họ sẽ đi đầu thai ở một thân xác khác; bằng không họ cứ lởn vởn, chập chờn trong một cõi vô hình đợi giải quyết xong rồi mới đi. Trong quá trình dài về số kiếp nếu ai có nhiều phước báu thì được sinh vào cõi Trời, hay hơn nữa là cõi người của Nam Diêm Phù Đề (Nam Thiệm Bộ Châu) hay cõi Ta Bà của chúng ta đây để mà tu hành, mong cầu được giải thoát thành A-la-hán, Bồ Tát hay Phật; vì chỉ có cõi Ta Bà này mới có Phật pháp và chỉ chúng sinh ở cõi Ta Bà mới tu thành Phật mà thôi! Nếu xét kỹ như vậy, thì đâu có gì gọi là “mê tín dị đoan”. Vả lại, trong đời sống con người, đạo Phật phân tích tâm lý con người một cách rất là khoa học và đầy “tính lý luận” (logic) qua Duy Thức Học hay còn được gọi là “Tâm lý học Phật giáo” đến đỗi những nhà Phân Tâm Học nỗi tiếng trên thế giới cũng phải “sững sờ” thì sao gọi là mê tín dị đoan nhỉ?
Con người thực hiện theo đường tu của Đức Phật, một giáo pháp “Thiện” từ đầu chí cuối và ngay cả “đoạn giữa” nữa; một phương pháp giải thoát rất hệ thống và khoa học không mang tính chất “lừa đảo” từ nơi người giáo chủ lẫn giáo hội như nhiều tôn giáo khác đã làm, thì thế nào để gọi là “mê tín dị đoan”? Một tôn giáo chân thật, thiện hoàn toàn; một giáo pháp hoàn chỉnh; một đường lối tu để “hoàn thiện lấy chính mình” và xã hội; một chủ trương mọi chúng sinh đều như nhau, bình đẳng từ bản chất cho đến tính Phật, thì không thể là “mê tín dị đoan” được.
Vậy thì “mê tín dị đoan” từ đâu xâm nhập vào? Đây là vấn đề mà chúng ta cần cùng nhau phân tích, tìm hiểu tận ngọn nguồn để trả lại sự trong sáng cho Đạo Phật vậy!
**Người ta thường bảo rằng: “Đạo Phật là đạo cho người chết”, vì người ta thấy những nhà tu thường tụng niệm cho người chết. Nhưng người ta không nghĩ rằng mọi tôn giáo đều dành cho người chết, vì tôn giáo nào cũng đưa về cảnh tượng (dù là thực hay tưởng tượng của vị giáo chủ) vẫn dành cho người chết cả: Những thiên đàng, những hình ảnh tốt đẹp nhất nhằm đáp ứng cho sự mong muốn của người trần gian -trong cuộc sống đầy đau khổ- mà họ đã mơ ước. Điều này cũng khiến cho những giáo hội qua những người học cao, học rộng lại càng thêu dệt thêm để lừa đảo tín đồ của họ, lừa đảo những người thiếu nhận thức, suy nghĩ. Người ta đâu hiểu rằng: Theo đạo Phật, thần thức người chết trong trạng thái chơi vơi ấy cần đến sự câu thông, giúp đỡ của chư tăng (ni) và nhiều người để hỗ trợ tinh thần, đem Phật pháp đến với họ để họ được nhẹ nhàng và cũng nhờ đó như là ánh sáng để soi rọi con đường tốt hơn cho họ đi tới của một kiếp sau. Việc tụng niệm để cho những “tâm thức” người mất như vậy không phải là mê tín dị đoan, mà là một phương thức cứu độ những vong hồn đã chết. “Cầu siêu” cho những linh hồn để họ hiểu Phật pháp mà đi tái sinh, không còn lẩn quẩn trong cõi vô hình hay “làm ma” để đôi lúc phá phách người khác; và chính đó cũng là “cầu an” cho người sống vậy. Vẹn cả hai, cũng có ích cho cả hai! Tại sao lại gọi là “mê tín dị đoan”?
**Tục đốt vàng mã, cúng kiến. Điều này chúng ta nên nghiên cứu trở lại. Chúng tôi không nghĩ rằng Đạo Phật chủ trương điều ấy. Tuy nhiên, trong tín ngưỡng dân gian có những hiện tượng mà người ta không muốn tin cũng không thể được. Điều ấy qua những nhà ngoại cảm hiện nay, hay những ông đồng, bà bóng thực sự (chứ không phải giả) thì chúng ta cũng khó phủ nhận. Có những linh hồn vất vưỡng, lang thang thiếu đói, hiện hồn về báo mộng, hay qua các nhà ngoại cảm hoặc đồng, bóng để muốn cái này hay cần cái kia khiến cho người nhà phải cúng kiến, cung phụng như người đó khi còn sống. Từ đó trở thành một tập tục, cộng với “tinh thần hiếu thảo” của người Đông phương theo kiểu Nho giáo, lần nó xen vào trong hình thức tế lễ của Đạo Phật. Do đó, việc đốt vàng mã, xe hơi, nhà lầu bằng giấy… (đồ mã) thể theo yêu cầu của người nhà mà trở nên là “tập tục” của Đạo Phật; chứ thực ra trong Kinh Vu Lan Bồn, Đức Phật có đề cập đến:
Muốn cho cứu đặng mạng người
Phải nhờ thần lực của mười phương Tăng
Pháp cứu tế Ta toan giải nói,
Cho mọi người thoát khỏi ách nàn.
Mười phương Tăng chỉ tụng kinh, hợp thần lực lại để giúp những linh hồn nghiệp chướng nặng được siêu thoát, chứ không đề cập gì đến vàng mã cả. Chắc chắn tập tục ấy không phải là của Đạo Phật mà chỉ là của tín ngưỡng dân gian pha trộn vào.
**Người ta cũng thường hay đề cập đến vấn đề cầu xin, xin xăm, xin keo,… Đây, theo chúng tôi nghĩ cũng là tập tục hay tín ngưỡng dân gian nữa thôi! Vì trong cuộc đời quá khổ, làm ăn có nhiều trở ngại... Cho nên trong dân chúng thường hay cầu xin vào những thần lực siêu nhiên nào đó để giúp đỡ. Họ được may mắn thành công, từ đó trở thành phong trào cầu xin đối với một bà chúa, hay ông thần … cũng như người ta đã hay cầu trời, và nay thêm “khẩn Phật” thế thôi! Tuy nhiên, riêng về Đức Bồ Tát Quán Thế Âm:
““Phật bảo ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát: “Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các khổ não, nghe Quán-Thế-Âm Bồ-Tát này một lòng xưng danh. Quán-Thế-Âm Bồ-Tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát” (Kinh Pháp Hoa, HT. Thích Trí Tịnh dịch, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản 1994, trang 493).
Hay:
“Vô-Tận-Ý! Quán-Thế-Âm Bồ-Tát đó thành tựu công đức như thế, dùng các thân hình, dạo đi trong các cõi nước để độ thoát chúng sinh, cho nên các ông phải một lòng cúng dàng Quán-Thế-Âm Bồ-Tát.
Quán-Thế-Âm Đại Bồ-Tát đó ở trong chỗ nạn gấp sợ sệt hay ban sự vô úy, cho nên cõi Ta-Bà này đều gọi Ngài là vị Thí-Vô-Úy” (Kinh Pháp Hoa đã dẫn, trang 500)
Thì người ta cầu đến Bồ Tát Quán Thế Âm thì cũng hợp lý thôi!
Vì cầu với một lực siêu nhiên nên người ta không biết kết quả như thế nào, vì thế nhân gian bày ra “xin keo” để xác định ơn trên có đồng ý cho hay không? Hoặc ở một hình thức khác là “lắc xăm” rồi mới xin keo, để rồi người cầu xin hi vọng với điều cầu xin ấy mà sống với một niềm tin lạc quan yêu đời hơn!
** Coi ngày tháng tốt xấu, bói toán, tử vi, cúng sao, giải hạn: Có lẽ xác định đây không phải là công việc của những nhà sư; tuy nhiên chúng ta cũng có thể hiểu được rằng:
Ngày xưa, nếu nói về những người có nhiều Nho học thì không ai hơn những nhà sư ngoài các Thầy đồ và các Thầy thuốc. Bởi thế cho nên những nhà sư thường được dân gian nhờ coi trong lịch Tàu để biết những ngày nào tốt, xấu để dựng nhà, xây cất; dựng vợ gã chồng; đi xa; khai trương cửa tiệm… Mãi thành một thói quen. Rồi cũng với số vốn Nho học ấy, nhà tu có thích thú vào nghiên cứu Tử vi, Bói Toán, Bốc phệ, Dịch… thì đó đâu phải là Đạo Phật chủ trương mê tín dị đoan mà chỉ là do nhu cầu của dân gian mà nhà sư lại kiêm thêm vấn đề ấy. Chúng ta cũng nên hiểu đó không là của Đạo Phật! Đó là vấn đề cá nhân theo thị hiếu, yêu cầu của dân gian mà thôi!
Đồng thời với những môn đó, dân gian còn nhờ đến phương thức Cúng sao, giải hạn. Thực ra cúng sao giải hạn không phải của đạo Phật mà là công việc của những đạo sĩ (người tu theo đạo Lão). Nhưng đi tìm đạo sĩ không phải là dễ cho nên nó dần dần được dân gian nhờ đến cửa chùa và nhà chùa kiêm nhiệm, cho nên người ta tưởng chùa tạo cho dân gian thành mê tín dị đoan!
Đạo Phật là Đạo ra đời để hướng dẫn chúng sinh được Khai hóa với Trí Tuệ sẵn có của mình để giúp con người, chúng sinh đó tiến đến sự Giác Ngộ, thì tất nhiên Đạo Phật không thể đem điều mê tín dị đoan đến cho chúng sinh được. Nhưng trong quá trình phát triển, Đạo Phật khi đi vào dân gian bị “dân gian hóa” theo những tín ngưỡng của từng địa phương mà có ít nhiều biến thái hay thay đổi, để rồi qua thời gian dài, người ta cứ nghĩ là Đạo Phật là đạo mê tín dị đoan. Sự nghiên cứu nông cạn ngày nào đó, tất phải nhường bước cho sự thật và Chân lý của Đạo Phật mà những nhà nghiên cứu chân chính và khoa học hiện nay đang tìm hiểu, và nghiên cứu về Đạo Phật vậy!
Đã là Chân lý thì cho dù có bị xuyên tạc, bao giờ nó luôn vẫn là Chân lý!
Nguyên-Thảo,
29/6/2011.
Wednesday, September 14, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment