Saturday, November 5, 2011

*Đạo Phật 28: Tại Sao Trong Đạo Phật Đề Cập Đến "Vô Ngã"?

Trong giáo lý Đạo Phật có những vấn đề mà chúng ta thường hay thắc mắc, và đôi khi chúng làm cho chúng ta khó hiểu như là “Vô Ngã”, “Tính Không” chẳng hạn! Do vậy, mà sự nghiên cứu của chúng ta xoay quanh những vấn đề ấy hãy còn khá nhiều!
Vấn đề “Vô Ngã” là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt trong hành trình tu tập của người hành giả và cũng là quan điểm căn bản của Đạo Phật; và Vô ngã cũng là điều giúp cho hành giả tiến đến giác ngộ mà không bị các ma chướng dẫn dắt đi vào ma đạo. Đức Phật đề cập đến Vô Ngã không phải do nơi Đức Phật muốn chế ra; mà gần như những gì khi Đức Phật chứng ngộ được đều là những quy luật tự nhiên và muốn thoát được vòng kiềm tỏa “Luân hồi” mình cũng phải đi theo một tiến trình nhất định như vậy. Đức Phật Thích Ca cũng như các vị Phật khác trong thời quá khứ, hiện tại hay vị lai cũng phải trải qua con đường như thế để tiến đến quả vị Phật.
Khi Đức Phật nói đến Tứ Diệu Đế thì Tứ Diệu Đế đó cũng là những chân lý tự nó đã hiện hữu trong quá trình nhận chân cuộc sống và giải thoát; Thập Nhị Nhân Duyên, Nghiệp, Luân Hồi… cũng đều như thế cả. Nhưng những điều ấy chỉ có những bậc Bồ Tát, Phật nhận biết đầy đủ mà thôi! Chính vì thế mà Đức Phật Thích Ca phải lặn lội truyền giảng hơn 45 năm trời ròng rã. Điều quan trọng nhất mà Đức Phật muốn nhấn mạnh đến là “hạt nhân giống” (chủng tử) để con người, chúng sinh có thể giác ngộ được là “Phật Tánh” ở trong mỗi con người hay chúng sinh đó. Trong mỗi chúng sinh đều có Phật tánh, nếu mỗi người, mỗi chúng sinh biết cách lau chùi, gột rửa thì Phật tánh ấy được phát triển, sáng chói lên như thuở ban đầu của nó. Khi hạt ngọc Phật tánh được sáng thì lúc đó chúng sinh sẽ có được những điều hiểu, biết về con người, vũ trụ như Phật. Đức Phật Thích Ca và Đạo Phật cung ứng cho thế nhân cách lau chùi, gột rửa ấy!
Giáo pháp của Đạo Phật như nhận định của Đức Phật Thích Ca ngay từ ban đầu là một giáo pháp khó hiểu, cao sâu mà không nhiều người có thể hiểu được một cách dễ dàng. Vì rằng giáo pháp ấy nói đến những điều cao xa, khiến con người, chúng sinh chưa thể suy nghĩ tới nếu không có một trình độ hay suy tư nhất định. Đức Phật khi hành đạo đã phải dẫn giải từ dễ cho đến khó đồng thời dẫn chứng bằng những ví dụ cụ thể cũng nhằm giúp môn đồ, người nghe có thể thâm nhập vào trong giáo pháp để tiến đến hành trì mong một sự giải thoát và thoát khỏi được cảnh sinh tử, luân hồi.
Chúng tôi qua những thời gian có duyên để tìm hiểu vào Đạo Phật thì chúng tôi cũng nhận thức được một chút nào đó của vấn đề. Nay nhân cơ hội ghi lại để gọi là đóng góp vài ý kiến, để hầu chúng ta tìm được “chơn nghĩa” của Như lai đã thuyết.
Quay trở lại, khi Đức Phật thuyết: Chúng sinh vì Vô minh mà từ cõi Chơn Tâm đã nãy sinh ra có “vọng tâm” (vọng tưởng thế giới bên ngoài Chơn Tâm là đẹp, là tốt), và “Tâm phân biệt” (phân biệt ta, người, cùng các chúng sinh khác) mà rời cõi Chơn Tâm (sự bùng nỗ “khởi động” đó giống như hiện tượng Big Bang) để tâm chúng sinh mượn đến tứ đại (đất, lửa, gió, nước) làm thành thân xác; rồi lại mượn đến thức đại (thấy, nghe, hay, biết) để làm các thức; và cũng mượn đến hư không để thân xác được tăng trưởng, lớn lên. Từ đó, cái Tâm của từng chúng sinh bị giới hạn bởi thân xác, các giác quan; các thức cùng với sự tăng trưởng cũng chỉ giới hạn trong thân xác đó mà thôi! Nhưng, vì do thân xác ấy bao phủ, gói gọn viên ngọc “Tâm vọng tưởng, phân biệt” để Tâm hoàn toàn bị mất đi sự sáng chói, nhận biết Chân lý của vũ trụ mà sau này Đức Phật gọi là “Tri kiến Phật”, và viên ngọc “Tâm” ấy chính là “Phật tính” mà Đức Phật đã nhắc đến trong Kinh Pháp Hoa.
Khi chúng sinh đã có thân xác (thân giả tạm được kết hợp từ các đại tức thân này không thật của ta [vô ngã]); và khi có sự sống riêng tư thì nhu cầu nuôi thân xác để được sinh tồn, khỏe mạnh, hay nhu cầu sinh lý cũng như tâm lý đòi hỏi khiến chúng sinh phải đáp ứng, mưu cầu. Thế cho nên cuộc sống theo “bản năng sinh tồn” đã biến thế gian thành một “trường tranh đấu” chém giết, hãm hại, lường gạt, hơn thua, chiếm đoạt lẫn nhau. Cũng từ đó “cái ta và cái của ta” đã trở nên là trọng tâm cuộc sống. Cái gì đem đến sự sung sướng, ăn ngon mặc đẹp thì ta thích, có lợi thì ta giành, ta chiếm đoạt; có ít thì muốn nhiều… là đầu mối cho ba độc “tham, sân, si” phát triển. Tham mà bị cản trở, hay chiếm không được thì nỗi sân, nỗi sân quá thì trở nên si mê mà gây nên tội lỗi qua các hình thức “sát, đạo, dâm, vọng” và tạo nên nhân để sau này phải trả quả. Có sinh ra tất có biến đổi và mất đi: Vật chất có thành, trụ, hoại, không; Hiện tượng có sinh, trụ, dị, diệt; Con người, chúng sinh có sinh, lão, bệnh, tử. Tất cả đều biến đổi không thường còn [vô thường]. Chúng sinh, con người còn chịu nhiều đau khổ từ thân xác cho đến sự giành giựt trong cuộc mưu sinh, tạo thêm khổ cho cuộc đời vốn đã nhiều khổ!
Từ nơi đó: Sau khi Đức Phật thành Đạo, Ngài mới khám phá ra con đường Đạo. Do khổ thì phải làm sao cho dứt khổ qua sự phân tích của Ngài về Tứ Diệu Đế. Nhận định được như vậy, Ngài thấy chúng sinh phải “quay đầu trở lại” (Hồi đầu thị ngạn) chấm dứt “gây nhân ác”, tu hành hay sửa đổi, hoàn thiện cho mình bằng “giới luật” (ngưng hay giới hạn “sát, đạo, dâm, vọng”); cố gắng diệt hay từ bỏ “tham, sân, si”; Và để củng cố, làm mạnh mẽ cho tinh thần đó của người tu, hay những người đang trên đường sửa đổi hoàn thiện cần ý thức được rằng: “Thân này đã vốn không là của Ta (vô ngã); tâm này chỉ là “vọng tâm” chứ không là tâm thật của ta (cũng tạm gọi là vô ngã); thì không lý do gì để ta luyến tiếc trần thế mà không đi tìm thân và tâm thật của ta. Thân và Tâm thật của chúng sinh, con người ở đâu?
Để minh chứng cho điều này chúng tôi xin dẫn chứng đoạn Kinh Lăng Nghiêm sau:

“Này A-nan, bởi vô minh vọng động nên biến hiện ra có hư không, thế giới và chúng sanh. Trong thân chúng sanh vì có vọng tưởng lẫn lộn, nên nó vọng động leo chuyền bên trong (như vượn, như ngựa). Khi các giác quan mở ra, thì nó rong ruỗi theo trần cảnh bên ngoài (như vượn sút xiềng, ngựa tong chuồng). Rồi các ông chấp cái tướng vọng tưởng lăng xăng bên trong đó, cho là tâm tánh của mình. Một phen chấp nó làm tâm, thì không sao khỏi mê lầm cho rằng “tâm ở trong thân”.
Chứ đâu biết rằng: Thân này, tâm này cho đến núi sông, thế giới và hư không đều là vật trong Chơn Tâm hiện ra cả”. (Kinh Lăng Nghiêm, Phật Học Phổ Thông khóa VI-VII, HT. Thích Thiện Hoa, trang 51)

Để đi tìm thân và tâm thật của ta, Đức Phật đã nêu rõ qua 6 bước Lục độ: Bố Thí, Trì Giới, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục, Thiền Định, Trí Huệ. Và để hỗ trợ cho tiến trình đó được dễ dàng, Đức Phật đề cập đến 37 phẩm “trợ đạo” (chỉ là “Trợ đạo”) mà người tu hay thực hành cần tinh tấn để tiến bước (Tự đốt đuốc lên để đi).
Thông thường, đôi khi người ta còn tưởng Tịnh độ là một pháp môn riêng biệt khác với Thiền, để rồi giữa các pháp môn có sự bài bác, khen chê lẫn nhau. Chúng ta cứ thử nhắm mắt lại niệm mãi câu “Nam mô A-Di-Đà-Phật” đi; niệm cho đến chỗ Vô niệm thì sẽ thấy đó chỉ là một công án thiền không hơn không kém; hay ai đó cứ thử niệm Phật trong 7 ngày mà “nhất tâm bất loạn” sẽ hiểu ngay Tịnh độ hay là một hình thức như Thiền!
Cái nguy hiểm nhất của Thiền là gì? Đức Phật không né tránh đến thế giới ma quỷ vì trong luân hồi đã có Ngạ quỷ; và ngay trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã đề cập đến Thiên Ma Ba Tuần và Ngũ Ấm Ma

“Các ông chưa rõ trên đường tu hành, còn gặp nhiều cảnh ma rất là nguy hiểm. Nếu các ông không biết trước, sanh tâm tà kiến thì đọa vào ác đạo, cũng như người nhận lầm giặc làm con, thì bị hại chẳng ít. Vậy các ông phải chăm chú nghe, ta sẽ chín chắn chỉ dạy cho”. (PHPT VI-VII, Kinh Lăng Nghiêm, trang 269)

“Bởi các loài ma kia thấy người tu hành, sanh tâm lo sợ cho bà con quyến thuộc của chúng sẽ tiêu diệt, nên chúng dùng đủ thần lực đến nhiễu hại người tu. Chúng nó cũng đủ năm phép thần thông biến hóa chỉ chưa được lậu tận thông…..
Ma Đăng Già là thứ ma yếu hèn, nó chỉ làm cho ông phá một giới trong tám muôn giới mà thôi, nhờ tâm ông thanh tịnh nên chẳng bị trầm luân. Còn các chúng ma này rất là nguy hiểm, nó phá tan giới thân huệ mạng làm cho ông nhiều kiếp luân hồi. Chẳng khác nào như ông quan lớn bị cách chức, gia tài sự sản bị tịch thâu, trở thành một người dân trắng, không thể cầu cứu với ai được”. (PHPT VI-VII, Kinh Lăng Nghiêm, trang 270)

Người tu trên đường tu tập thường gặp những chướng ngại có thể do từ nhân quả ở kiếp nào đó; Tuy nhiên thường thì, qua đoạn kinh trên, cho thấy rằng ma sẵn sàng lôi cuốn, quấy phá người tu để người tu không thể thành đạt và trở lại vòng luân hồi chơi với chúng hay người tu phải trở thành tôi tớ của chúng. Cho nên, loại ma quan trọng nhất mà Đức Phật cảnh giác chúng ta chính là “ngũ ấm ma” vì các loại ma này lại từ trong thân tâm của chúng ta mà đến. Nếu chúng ta để ý hơn sẽ thấy trong khi chứng Thiền về một phần nào đó, chúng ta luôn thấy Đức Phật phân tích: “Tưởng rằng chúng ta thành Thánh, có khả năng nói pháp, tưởng chúng ta thành đạo…” tự thấy chúng ta cao quý, đáng được người khác nễ trọng hay chúng ta có cảm tưởng rằng “chúng ta là một vĩ nhân”, là do một Đấng Tạo hóa nào đó sai đến để làm sứ giả, là con, là “nhân vật” thay thế Đấng Tối Cao để hành đạo. Nếu “chấp” như vậy thì ta sẽ “trúng” vào kế của ma. Vì sao? Vì cái “ngã mạn” của ta đã nổi lớn lên rồi (Đại ngã mạn)! Ta hành động, thành lập tôn giáo theo sự “ngã mạn” ấy tức là ta đang hành động theo ý của ma. Những pháp hay đạo theo sau lại là khủng bố, là chém giết, là “muốn trở thành bá chủ võ lâm” tức là đạo ấy còn chủ trương gây nên “nhân, quả” thì đạo ấy không phải là đạo giải thoát. Đạo ấy chỉ là do ma hướng dẫn người tu hành bị “Tẩu hỏa nhập ma” mà thành, vì vị giáo chủ ấy đã là tôi tớ của ma! Cho nên, Đức Phật đã nhấn mạnh đến “Vô Ngã”, tự mình hãy dìm cái Ngã của mình xuống để thấy rằng: Ta cũng như Người; Ta, Người cũng như các Chúng sinh khác, không ai khác và không ai hơn ai kém thì chúng ta mới đạt đến Đạo. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ muốn hòa hợp trong một thời gian nhất định nào đó, dù là bao nhiêu ngàn tỉ năm đi nữa thì nó vẫn chưa là Thọ Mạng Tướng vì khi tách rời ra thì vẫn là phá vỡ “khối chung”, và vẫn là có “Tâm Phân Biệt”. Cũng chính vì Tâm Phân Biệt ấy mà thuở đầu chúng sinh mới có “vọng tưởng” để rồi cùng nhau rời cõi Chơn Tâm (do Vô Minh) đi vào luân hồi sinh tử. Và đó cũng là điều mà Đức Phật đề cập đến nhiều trong Kinh Viên Giác cũng như Kinh Kim Cang: “Ngã Tướng, Nhân Tướng, Chúng sinh Tướng và Thọ Mạng Tướng”!
Tu là sửa đổi, trả nghiệp, tháo gỡ những oan trái mà mình đã quấn quanh mình qua nhiều đời nhiều kiếp, hoàn thiện mình không dính vào luật nhân quả nữa. Khi tháo gỡ, lột hết thì lúc ấy ta sẽ được an nhiên tự tại nơi được gọi là Niết Bàn, Viên Giác, Đại Viên Cảnh Trí, Không Như Lai Tạng, Chơn Như, Bồ Đề, Pháp Tánh hay Yêm-Ma-La-Thức; và tự được “sáng suốt chiếu soi” theo “bản giác minh diệu” vậy!
Và khi đạt được đạo thì Đức Phật có thuyết như sau:

-Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, thì cái trí quang sáng suốt hiện ra. Lúc bấy giờ chơn tâm ông vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới, lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh vật hiện tiền ở thế gian này, cũng như là việc trong chiêm bao. Khi ông được như thế rồi thì nàng Ma Đăng Già ở trong mộng kia làm gì bắt ông được! (LN, sách đã dẫn, trang 235).

-Bởi thế nên biết "Sanh tử và Niết Bàn" cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ. (Viên Giác, Phật Học Phổ Thông khóa VIII, HT. Thích Thiện Hoa, trang 56).

Vì “mê” chúng sinh rời Chơn Tâm để vào chơi trong cõi Luân hồi sinh tử, và khi trở về lại với Chơn Tâm là nhờ nơi “giác ngộ”. Quả thật chúng sinh đã qua một giấc mộng thật là dài. Nhưng giai đoạn ấy Đức Phật lấy một ví dụ của Luyện kim để cho biết rằng: Chính thế mà chúng sinh sẽ không bao giờ còn mê muội nữa!

-Này Thiện nam! Thí như chất kim khoáng, sau khi được nấu lọc, bỏ hết quặng rồi, thì chỉ còn vàng y, chất vàng này không phải do nấu lọc mới sanh, vì nó có sẵn từ trước kia rồi; và khi đã thành vàng y, cũng không bao giờ trở lại thành quặng nữa, dầu trải qua bao nhiêu năm, nó cũng không hư hoại.
Tánh viên giác thanh tịnh của Như Lai cũng thế. (Viên Giác, sách đã dẫn, trang 70).

Như vậy, chúng ta thấy rằng con đường tu tập của chúng sinh để trở về với Giác Ngộ là con đường đi ngược lại thuở xa xưa. Nếu thuở xưa nào đó chúng ta vì có “vọng tưởng” và “tâm phân biệt” để rời cõi Chơn Tâm; thì nay ta phải trả hết những nghiệp báo, nhân quả đã gây ra từ khi mang thân xác hay không thân xác trong cõi Luân hồi, hoàn thiện lấy mình và nhất là chúng ta phải “dứt bỏ” Tâm phân biệt, tức không thấy cái “Ta” của mình “hơn” nữa hay ta khác với với mọi người (Vô Ngã) mà “Ta” cũng như bao nhiêu chúng sinh khác để hòa đồng, “viên dung” trở lại với mọi chúng sinh trong thời gian “vô hạn định” trong cõi gọi là Bồ Đề, Pháp tánh, Không Như lai Tạng, Chơn Như hay Bồ Đề...
Những điều đó giống như chúng ta khi rời nhà chẳng có gì cả, nhưng khi ra ngoài chúng ta càng ngày càng mặc thêm nhiều lớp quần áo, càng đi xa càng mang thêm nhiều hành lý, gây lắm ân oán. Khi mệt mỏi chúng ta quay trở về thì chúng ta phải dứt bỏ từng món, lột từng lớp áo, trả từng ân oán nợ nần để khi hết cả thì chúng ta cũng vừa về đến nhà. Khi đó chúng ta được sáng chói như khối vàng được luyện tinh ròng, có đầy đủ trí huệ và Tri Kiến Phật!

Nhưng Niết Bàn là gì? Ở đâu? Chúng ta sẽ tìm hiểu đến trong bài sau cùng với “Tính Không”.

Nguyên Thảo,
6/9/2011.

No comments:

Post a Comment